Chúa Giê-su nói: “Tin Lành về nước Thiên Đàng của Thượng Đế phải được giảng ra khắp thế gian, để làm chứng cho muôn dân. Rồi tận thế sẽ đến”. Giữa Tin Lành và Thượng Đế có mối liên hệ không thể tách rời: Tin Lành phải đến trước rồi tận thế sẽ đến sau.

Trong câu Kinh Thánh vừa nêu ra ở trên có để cập đến nhiều chủ thể, nhiều từ ngữ mà chúng ta cần phải tìm hiểu:
1. Tận thế
2. Thượng Đế
3. Con người
4. Chúa Giê-su và Tin Lành
5. Thiên Đàng

1. TẬN THẾ

* Tại sao có tận thế? Tận thế là thế gian này bị tiêu diệt. Thánh Kinh cho biết Thượng Đế tạo dựng loài người cho sự vui thích của Ngài, và Ngài rất lấy làm hài lòng về tác phẩm này. Cho nên Ngài chúc phước cho loài người sinh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất.
Nhưng khi con người sinh ra đầy dẫy trên đất thì Ngài lại đổi ý, muốn làm tận thế để tiêu diệt họ. Tại sao lại như vậy? Lý do là vì con người không sống đời ngay lành như ý Ngài muốn, mà trái lại làm nhiều điều gian ác Ngài không muốn. Thánh Kinh chép: “Thượng Đế thấy sự hung ác của loài người trên đất rất nhiều và các ý tưởng của lòng họ là xấu luôn thì tự trách đã dựng nên loài người và buồn rầu trong lòng. Thượng Đế quyết định ” Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên”. Dù vậy, Thượng Đế vẫn ban cho con người một ân huệ cuối cùng là đạo Tin Lành. Đạo Tin Lành mở ra “Một Con Đường Sống Mới” để con người tin theo thì được Thượng Đế tha tội và được sống.

*Sự kiện tận thế: Thánh Kinh chép: “Lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy mà sau này cũng không hề có nữa. Những tai nạn đó vừa qua thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các hành tinh từ trên trời sa xuống…Liền có chớp nhoáng, tiếng sấm ầm vang và động đất dữ dội. Thành phố, nhà cửa đều đổ sập xuống. Các thể chất bị đốt mà tiêu tán, mọi công trình trên đất đều bị đốt cháy.”

* Con người không tin tận thế: Biết rằng nhiều người không tin sẽ có tận thế nên Thánh Kinh nhắc nhở: “Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau cùng sẽ có mấy kẻ gièm chê, dùng lời lẽ giễu cợt mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa Giê-su đến và tận thế ở đâu, vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn y nguyên như lúc ban đầu sáng thế. Thượng Đế không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với con người, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn mà vâng phục Ngài, để tất cả đều được sống”.

* Dấu hiệu tận thế: Thánh Kinh cho chúng ta biết: “Chiến tranh sẽ xảy ra khắp nơi, dân này nghịch cùng dân kia, nước này nghịch cùng nước nọ. Động đất, bão giông, lụt lội xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Con người chết vì đói kém, bệnh tật ngày càng nhiều thêm. Đời sống của con người trở nên khó khăn hơn. Tội ác sẽ thêm nhiều và lòng yêu thương của con người sẽ bị nguội lạnh.”

* Khi nào tận thế xảy ra? Chúng ta thấy những dấu hiệu đó đã và đang xảy ra, có nghĩa là ngày tận thế gần đến. Nhưng không ai có thể biết trước được ngày tận thế. Đang khi mọi người sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày như làm việc, ăn uống, vui chơi, cưới gả…thì tận thế thình lình xảy ra.
Qua những điều vừa trình bày, chúng ta hiểu mọi việc xảy ra trên thế gian này đều do ý định của Thượng Đế, và vận mạng của con người nằm trong bàn tay của Ngài. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu về Thượng Đế.

2. THƯỢNG ĐẾ

* Thượng Đế là Đấng toàn năng: Ngài tạo dựng nên vũ trụ, vạn vật và loài người. Thánh Kinh chép: “Lúc ban đầu Thượng Đế dựng nên trời đất…Rồi Ngài tạo dựng nên loài người giống như hình ảnh của Ngài: Ngài lấy bụi đất nắn nên hình người, rồi hà sinh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài có sinh linh.”
Con người là một loài có sinh linh, có nghĩa con người là một loài duy nhất được Thượng Đế ban cho linh hồn. Nhờ có linh hồn mà thân thể con người trở nên sống động, biết suy tưởng, biết vui buồn, biết yêu, biết hận…

* Thượng Đế là cha của con người: Ngài đã tạo ra con người, nên mối liên hệ giữa Ngài và con người là mối liên hệ cha con. Vì là con nên Thượng Đế ban cho con người quyền quản trị muôn loài, quyền thừa hưởng một tài sản to lớn trên đất này: Ngài cho có ngày đêm, có mưa nắng, có nóng lạnh…Ngài tạo ra các loài động vật, cỏ cây…mục đích để tạo điều kiện tốt nhất cho đời sống của con người.

Trong sự đối đãi với con người, người ta thấy Thượng Đế có những bản tính này:
* Yêu thương: Thượng Đế là cha, nên Ngài yêu thương con người lắm. Người cha trên đời này yêu thương con mình như thế nào thì Thượng Đế yêu thương con người còn hơn thế nữa. Rồi chúng ta sẽ trải nghiệm tình yêu này.
* Công bình và thánh khiết: Công bình là Thượng Đế đối đãi với mọi người như nhau, không thiên vị ai, cứ theo như luật pháp mà thi hành. Luật pháp của Ngài là: “Linh hồn nào phạm tội thì linh hồn đó phải bị đày vào hỏa ngục”.
Thánh khiết là Ngài ghét, không dung dưỡng, không thỏa hiệp với tội lỗi.

3. CON NGƯỜI

* Con người phạm tội: Con người là một tác phẩm ưng ý của Thượng Đế. Ngài tạo dựng hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va, và để họ sống ở vườn Ê-đen. Trong vườn có cây “biết điều thiện và điều ác”. Thượng Đế cấm họ ăn trái của cây này, vì nếu họ ăn, chắc chắn họ phải chết. Bà Ê-va bị cám dỗ bởi trái cấm, vì là một loại trái cây quí để mở trí khôn, nên bà hái ăn và trao cho chồng là A-đam cùng ăn.
Hai người đã phạm tội chết và bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Từ đấy loài người đã đánh mất mối tương giao thân tình với Thượng Đế và đi trong thế gian như một loài thú hoang. Rồi loài người sinh sản thêm nhiều và tội lỗi cũng gia tăng theo họ: họ cao ngạo, sống giả dối, gian tham, trộm cắp, cướp của giết người, có những ý tưởng xấu trong đầu…cũng không tôn thờ Thượng Đế là Đấng đã tạo ra mình.
Có nhiều người coi sự giết người là chuyện bình thường, nhưng chính bản thân họ lại sợ chết vì từ trong thâm tâm, họ hiểu rằng, họ phải chịu trách nhiệm về điều ác mà họ đã làm là “giết người phải đền mạng.”
Thánh Kinh chép: “Mỗi người phải chết một lần rồi chịu phán xét”. Mạng sống của con người bao gồm: thể xác và linh hồn. Thể xác có đời sống giới hạn khoảng 100 năm, còn linh hồn thì sống vĩnh viễn. Con người chết là lúc linh hồn lìa khỏi thể xác. Xác là bụi đất, lại trở về đất, còn linh hồn thì về nơi âm phủ để chờ sự phán xét của Thượng Đế.

* Hậu quả của tội lỗi là sự chết: Thánh Giăng viết về sự phán xét sau cùng như sau: “Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng, cùng Thượng Đế đang ngồi ở trên. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách ghi chép tội thì mở ra. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy theo công việc mình làm, cứ như lời đã viết trong sách ấy. Đoạn những kẻ có tội bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai đời đời. Tôi cũng thấy một quyển sách khác nữa là sách Sự Sống. Kẻ nào không được viết tên vào sách Sự Sống đều bị quăng xuống hồ lửa.”

* Con người không thể tự cứu mình: Có nhiều người nghĩ rằng: Mình có thể lấy công đức để chuộc tội. Vấn đề không đơn giản như vậy, vì con người có làm bao nhiêu công đức, thì tội lỗi của họ vẫn còn đó. Trong lĩnh vực hóa học, người ta có thể dùng thuốc tẩy, để biến một miếng vải màu nâu trở thành trắng, nhưng trong lĩnh vực tội, người ta không thể lấy những việc thiện để tẩy xóa đi những việc ác được.
Thí dụ: một kẻ sau khi phạm tội giết người rồi thì hắn ăn năn và đi đầu thú với cảnh sát, tòa có tha cho hắn không? Dĩ nhiên là không. Hắn phải chịu hình phạt để đền tội.

* Tại sao Thượng Đế để con người làm ác?
Trả lời: Thượng Đế đã ban cho con người có sự suy nghĩ, ý chí, tình cảm và tự do…Con người đã ăn trái cấm, nên họ cũng biết điều thiện và điều ác. Thượng Đế để cho con người tự làm chủ cuộc đời mình, Ngài không muốn điều khiển tư tưởng và hành động của con người, giống như ngày nay người ta điều khiển người máy. Nếu con người không vâng theo sự dạy dỗ của Thượng Đế thì họ phải nhận lấy hậu quả việc của mình làm. Họ gieo nhân ác thì phải gặt lấy hậu quả ác.

4. CHÚA GIÊ-SU và TIN LÀNH

Ngày trở về nơi ở vĩnh viễn của con người là một ngày buồn thảm. Linh cảm được điều đó nên ai cũng sợ, không muốn trở về. Cho dù những ngày sống trên đất là những ngày lao đao, nhưng người ta vẫn chấp nhận sống trong cam chịu, thà như vậy vẫn còn tốt hơn, cho đến chừng nào đi đến cuối đường hẳn hay.

* Chúa Giê-su giáng sinh để cứu con người:
Tình cảnh khốn cùng của con người đã làm cho nội tâm của Thượng Đế có những diễn biến phức tạp, đó là sự đối nghịch giữa luật pháp và tình yêu: nếu theo luật pháp thì Ngài phải giết con người, vì họ đã phạm tội, nếu theo tình yêu thì Ngài tha thứ, vì Ngài yêu thương con người.
Cuối cùng tình yêu thương vượt thắng, Ngài quyết định cứu con người, mở cho họ một con đường sống. Con đường sống đó chính là Chúa Cứu Thế Giê-su. Thánh Kinh chép: “Thượng Đế yêu thương con người đến nỗi đã ban Con một của Ngài là Chúa Giê-su xuống thế gian, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”
Rồi vào một đêm, cách đây hơn 2,000 năm Chúa Giê-su thực sự vào đời. Trong đêm đó có thiên sứ đến gần những kẻ chăn chiên nơi đồng vắng và nói rằng: “Này ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân, ấy là hôm nay tại thành David đã sinh cho các người một Đấng Cứu Thế là Christ là Chúa. Ngài sẽ cứu dân mình ra khỏi tội”.

* Chúa Giê-su là Tin Lành: Tin Lành là tin vui mừng, vì Chúa Giê-su đã xuống thế gian để cứu con người ra khỏi tội lỗi, và nhờ sự cứu chuộc của Ngài mà con người được sống.
Chúa Giê-su là ai? Chúa Giê-su là Thượng Đế. Một người phạm tội chết, nếu muốn được tha thì phải có một người khác vô tội bằng lòng chịu chết thế cho mình. Nhưng nhìn quanh khắp trên thế gian này thì mọi người đều đã phạm tội, cho nên không ai có thể cứu cho ai được.
Trong tình cảnh này, Thượng Đế chỉ còn một cách duy nhất là chính Ngài phải trở thành người, để cứu con người, vì Ngài là Đấng vô tội. Cách đây hơn 2,000 năm Thượng Đế đã hóa thân thành một hài nhi, nằm trong bào thai của người nữ đồng trinh Mary, để nhờ máu thịt của người nữ này nuôi dưỡng, mà thai nhi trở thành một con người thực sự. Khi thai nhi chào đời được đặt tên là Giê-su, trong danh nghĩa là Con một của Thượng Đế.
Thánh Kinh chép: “Chúa Giê-su là Thượng Đế, nhưng Ngài từ bỏ uy quyền và ngôi vị Thượng Đế của mình. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.”

* Chúa Giê-su chịu chết để cứu con người:
Khi đến tuổi trưởng thành, Chúa Giê-su đi rao giảng Tin Lành. Ngài mời gọi: “thời kỳ đã trọn, nước Thiên Đàng đã đến gần. Vậy mọi người hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành.” Ngài cũng làm nhiều phép lạ để chữa lành mọi tật bệnh cho dân chúng. Ngài được dân chúng yêu mến và họ hưởng ứng lời kêu gọi của Ngài mà theo Tin Lành rất đông.
Ngược lại, nhóm người Do Thái giáo thì ghen ghét và tìm cách giết Ngài. Họ tố cáo với quan tổng đốc Phi-lát là Chúa Giê-su xúi dân chúng nổi loạn, chống lại đế quốc La Mã, và họ bắt Ngài rồi giải giao cho Phi-lát xét xử. Sau khi xét án, Phi-lát nói: “Ta không thấy người này có tội gì.” Và định tha Chúa Giê-su. Nhưng nhóm Do Thái giáo xúi dân chúng la lên rằng: “Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự, hãy đóng đinh hắn…” Và Phi-lát truyền cho đóng đinh Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su là Đấng vô tội, sao Ngài phải chịu khổ hình như vậy? Thánh Kinh cho câu trả lời: “Ngài đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc ai theo đường nấy. Thượng Đế đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”

* Chúa Giê-su sống lại và thăng thiên về trời: Chúa Giê-su bị treo trên thập tự giá vào sáng thứ sáu, đến buổi chiều cùng ngày thì Ngài chết. Trước khi chết, Chúa Giê-su nói lời sau cùng: “Mọi sự đã được trọn”. Có nghĩa là sự chết chuộc tội cho con người Ngài đã làm xong. Cái chết của Chúa Giê-su có giá trị cứu chuộc tội lỗi cho cả nhân loại.
Như đã định trước, sau ba ngày chết thì Chúa Giê-su thực sự sống lại. Chúa Giê-su sống lại vì Ngài là Thượng Đế toàn năng. Khi sống lại rồi, Ngài bảo các môn đồ: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Hầu cho ai tin và chịu phép báp-têm sẽ được cứu rỗi, nhưng ai chẳng tin sẽ bị đoán phạt”.
Trước khi về trời, Chúa Giê-su ban cho các môn đồ một lời hứa: “Lòng các con chớ nên bối rối, hãy tin Thượng Đế, cũng hãy tin Ta nữa. Thiên Đàng có nhiều chỗ ở. Ta đi đến đó để sắm sẵn cho các con một chỗ. Khi Ta đã sắm sẵn cho các con một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các con đi với Ta, hầu cho ta ở đâu thì các con cũng ở đó”.
Sau đó, Chúa Giê-su thăng thiên về trời, trở về với ngôi vị Thượng Đế của Ngài.

* Chúa Giê-su tái lâm và tận thế: Theo đoạn Thánh Kinh vừa trích dẫn ở trên thì sẽ có một ngày Chúa Giê-su tái lâm để đem những người theo Ngài về Thiên Đàng như lời Ngài đã hứa. Rồi sau đó, Ngài sẽ làm tận thế.
Lần thứ nhất, Ngài đến thế gian trong thân phận một con người yếu đuối. Nhưng lần thứ hai, Ngài sẽ trở lại thế gian trong ngôi vị của một Thượng Đế đầy uy quyền.
Thánh Kinh chép: “Khi ấy, điềm Chúa Giê-su sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, khi thấy Chúa Giê-su lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ được lựa chọn của Ngài ở khắp nơi trên đất…Bấy giờ, những kẻ chết trong Chúa Giê-su sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta, là những kẻ theo Chúa, đang sống mà còn ở lại, sẽ đều được cất lên trên đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa. Rồi Chúa đưa tất cả về Thiên Đàng ở với Chúa luôn”.

* Người ra đi, kẻ ở lại: Khi Chúa Giê-su đến người thế gian có sự phân rẽ. Ngài nói: “Lúc ấy, có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại, có hai người nằm chung giường, một người được đem đi, một người bị để lại.” Người được đem đi là người theo Chúa Giê-su, người bị bỏ lại là người không theo Ngài. Người ở lại sẽ chết trong những cơn đại nạn.
“Khi ấy, điềm Chúa Giê-su sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, khi thấy Chúa Giê-su lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống”.
Đoạn Kinh Thánh này có nghĩa gì? Người ta đấm ngực vì tức tối, vì giận mình đã biết có một con đường sống, là con đường theo Chúa Giê-su mà không chịu đi, để đến khi thấy Chúa Giê-su thực sự tái lâm thì biết mọi sự đã trễ hết rồi, chỉ còn chờ chết mà thôi.

5. THIÊN ĐÀNG

Thiên Đàng là một nối tiếp của thế gian, đồng thời cũng là một đối cực của hỏa ngục. Vì Thiên Đàng là nơi sống an vui, còn Hỏa Ngục là nơi sống đau khổ.
Những người sống ở Thiên Đàng là những người được Thượng Đế ghi tên vào sách Sự Sống. Họ luôn sống trong khỏe mạnh, an vui và sống lâu đời đời.

* Chúa Giê-su là chiếc cầu nối: Giữa thế gian và Thiên Đàng bị ngăn cách bởi một “hố sâu tội lỗi” mà con người không thể nào vượt qua được. Muốn vượt qua được hố sâu này để đi vào Thiên Đàng, con người cần phải có một chiếc cầu nối. Và Chúa Giê-su đã từ Thiên Đàng giáng thế làm người, rồi tự nguyện chịu chết, để lấy xác thân mình làm chiếc cầu nối đó cho con người, hầu cho con người có một con đường sống mới là trở về phục hòa với Thượng Đế, để nhận lại địa vị làm con của Ngài, mà tổ phụ loài người đã đánh mất từ buổi sáng thế. Thánh Kinh chép: “Chỉ có một Thượng Đế, và chỉ có một Đấng trung bảo giữa Thượng Đế và loài người là Chúa Cứu Thế Giê-su, là người. Ngài đã phó chính mạng sống Ngài để chuộc tội cho mọi người.”
Chúa Giê-su đã bắt chiếc cầu nối này hơn 2000 năm rồi, nhờ Ngài mà có hàng tỉ người được đi vào Thiên Đàng.
Nhưng vẫn có một số đông quyết định ở lại. Rời bỏ “biển trần khổ” để về nơi an lạc, là một phước hạnh. Tại sao người ta không chịu đi? Vì người ta không tin Kinh Thánh, không tin có Thiên Đàng, có hỏa ngục? chết là hết. Khi người ta nhắm mắt xuôi tay thì mọi đau khổ, nợ nần, ân oán đều phủi sạch? Hơn nữa người ta không muốn thay đổi, thế gian này, cuộc sống này tuy có đau khổ, nhưng cũng tốt lắm rồi. Thay đổi nếu xấu hơn thì sao?
Người ta cũng quên rằng, thế gian này không còn bao lâu nữa sẽ sụp đổ, còn đâu nữa mà ở? Đến lúc đó, người ta có kêu Trời cũng không thấu, muốn đổi ý cũng không được. Nên nhớ, chết không phải là hết mà là đi về. Vậy muốn đi về Thiên Đàng phải làm sao?

* Đức tin: Chúa Giê-su ân cần mời gọi mọi người: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và nặng gánh ưu tư, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các con được yên nghỉ”. Đây là một lời hứa chắc chắn, chúng ta đáng đem lòng tin mà đến với Ngài.
Khi sống lại, Chúa Giê-su nói: “Ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng sống. Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm quyền sự chết và âm phủ…Kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi, còn ai đang sống mà tin Ta thì không bao giờ chết nữa. Con có tin điều đó không?”
Chúa Giê-su cũng đang hỏi bạn: Con có tin điều đó không? Đời sau của bạn sướng hay khổ đều tùy theo câu trả lời của bạn:
+ Tin Chúa thì được sống vui nơi Thiên Đàng
+ Không tin Chúa thì bị sự hình phạt nơi hỏa ngục. Đừng để phải “đấm ngực” trong hận hờn, nuối tiếc khi thấy Chúa giáng lâm.

* Làm sao để được lên Thiên Đàng? Muốn lên Thiên Đàng bạn phải làm hai việc:
1. Bạn phải nhận mình có tội, rồi nói lời ăn năn tội với Thượng Đế và xin Ngài tha thứ.
2. Bạn phải tạ ơn Chúa Giê-su, vì Ngài đã cứu bạn, và phải tin nhận Ngài làm Cứu Chúa. Khi bạn đã thành tâm làm hai điều này thì tội lỗi bạn được tha và khi chết đi, linh hồn bạn được cứu về Thiên Đàng.
Đừng nghi ngờ, do dự nữa, hay tin thôi! Vì Chúa Giê-su khẳng định: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống, chẳng bởi Ta thì không ai được đến Thiên Đàng”
Nếu bạn theo Chúa Giê-su bây giờ thì cho dù ngày mai có tận thế bạn cũng chẳng sợ chi, vì Ngài sẽ đưa bạn về Thiên Đàng trước khi thế gian này bị hủy diệt.
Chúa Giê-su là Cứu Chúa duy nhất. Trong Ngài có Sự Sống, có Thiên Đàng. Bạn còn chần chờ gì nữa mà chưa chịu theo Ngài?

Đặng Hữu Nghĩa

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

www.vietchristian.com/niengiam/