Chiến tranh lại tái phát tại dải Gaza giữa phe Hamas và Israel và cả hai bên đều không chịu ngưng chiến dù nhiều phe cố can thiệp để tìm một giải pháp hòa bình cho Trung Đông. Hòa bình Trung Đông là then chốt cho hòa bình thế giới vì bao nhiêu xung đột, nhất là nạn khủng bố hiện nay đều bắt nguồn từ những tranh chấp tại Trung Đông giữa Ả-rập và Do-thái. Tình hình Trung Đông sẽ diễn tiến như thế nào, chúng ta không rõ nhưng có một điều Kinh Thánh dạy, đó là: “Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem!” Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Do-thái hiện nay cũng là một trong những đầu giây của những mối tranh chấp tại Trung Đông. Ba tôn giáo lớn trên thế giới là Cơ-đốc giáo, Hồi giáo và Do-thái giáo đều coi Giê-ru-sa-lem là thánh địa.

Giê-ru-sa-lem thật sự mang ý nghĩa gì? Giê-ru-sa-lem được vua Đa-vít của Do-thái thành lập khi ông bắt đầu trị nước. Tuy nhiên lịch sử của thành phố nầy bắt đầu từ ông tổ của người Do-thái là Áp-ra-ham khi ông vâng lời Chúa, chịu thử nghiệm và sẵn sàng dâng đứa con duy nhất trên bàn thờ cho Chúa. Thiên Chúa đã thấy đức tin mãnh liệt nơi ông và ban thưởng cho ông. Nơi ông tổ Áp-ra-ham sẵn sàng dâng đứa con cho Chúa là núi Mô-ri-a, địa điểm của Giê-ru-sa-lem ngày nay. Trải qua nhiều năm, Giê-ru-sa-lem là thủ đô của Do-thái cho đến khi thành nầy bị vua của đế quốc Ba-by-lôn tàn phá vào năm 586 trước công nguyên. 70 năm sau, con dân của Chúa được trả tự do, hồi hương và tái thiết thành và đền thờ nhưng rồi nhiều cuộc chiến lại xảy ra cho đến thời kỳ La-mã. Vào năm 70 sau công nguyên, Giê-ru-sa-lem lại bị san thành bình địa như lời Chúa Giê-xu đã báo trước.

Sau những thăng trầm của lịch sử, Giê-ru-sa-lem ngày nay vẫn còn và mang một ý nghĩa đặc biệt ngay cho cả những người không phải là Do-thái. Khi trông thấy thành Giê-ru-sa-lem lần cuối trước khi chịu chết, Chúa Giê-xu đã nói về thành nầy như sau. Chúa phán:

Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng muốn! (Phúc Âm Ma-thi-ơ 23:27)

Đây là lời kêu gọi của Chúa với con dân của Ngài. Họ mệnh danh là những người đạo đức nhưng khi sứ giả của Chúa đến với họ, họ đã khước từ. Chúa Giê-xu dùng hình ảnh của gà mẹ dùng cánh để bảo vệ gà con để mô tả sự chăm sóc bảo vệ của Chúa nhưng họ không chịu nghe. Thiên Chúa đã nhiều lần kêu gọi và ban cho họ cơ hội ăn năn nhưng họ vẫn tiếp tục khước từ, chính vì vậy mà thảm cảnh của năm 70 sau công nguyên đã đến trên họ: Giê-ru-sa-lem đã bị san thành bình địa đúng như lời Chúa Giê-xu đã báo trước. Khi Chúa phải vác thập giá lên đồi Sọ, các phụ nữ đã đi theo khóc lóc cho số phận của Chúa thì Chúa đã nói với họ những lời như sau:

Hỡi con gái thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi (Phúc Âm Lu-ca 23:28)

Chúa nói như vậy vì thảm cảnh sẽ xảy ra cho Giê-ru-sa-lem chỉ 40 năm sau đó. Sau khi Chúa Giê-xu phục sinh, Chúa đã căn dặn các môn đệ đừng ra khỏi Giê-ru-sa-lem cho đến khi Chúa Thánh Linh giáng xuống trên họ và Chúa cũng bảo họ phải làm nhân chứng cho Chúa bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem. Sự việc đã xảy ra đúng như vậy và trong ngày Lễ Ngũ Tuần, lúc Chúa Thánh Linh ngự xuống, sứ đồ Phi-e-rơ đã được quyền phép của Chúa để rao giảng Phúc Âm và trong một ngày đã có 3,000 người tiếp nhận Chúa. Hội Thánh của Chúa cứ phát triển tại Giê-ru-sa-lem như vậy cho đến khi giới lãnh đạo Do-thái giáo với sự điều động của Sau-lơ mở một cuộc bách hại rộng lớn khiến những người tin Chúa phải di tản ra khỏi Giê-ru-sa-lem. Nhờ đó họ đã đem Phúc Âm đến các vùng đất khác. Sau khi Thánh Phao-lô tức là Sau-lơ, người đã bách hại đạo Chúa trước kia, tin nhận Chúa, ông đã truyền giảng Phúc Âm đến những nơi khác thuộc vùng Tiểu Á và Âu châu. Tuy nhiên Giê-ru-sa-lem vẫn là nơi ông trở về để báo cáo và cùng với các vị sứ đôà có công đồng đầu tiên của hội thánh tại đây.

Về sau trong lá thư gửi cho các tín hữu, sứ đồ Phao-lô đã dùng Giê-ru-sa-lem làm biểu tượng cho những người được giải thoát khỏi tội lỗi. Sứ đồ Giăng, người viết sách Khải Thị, sách cuối cùng trong Kinh Thánh, gọi Giê-ru-sa-lem là Giê-ru-sa-lem mới, tiêu biểu cho nơi hạnh phúc Thiên Chúa chuẩn bị cho con cái của Ngài.

Dù là lịch sử hay biểu tượng, Giê-ru-sa-lem luôn luôn là một phần trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Nó cho ta thấy chương trình và ý định của Thiên Chúa muốn cứu rỗi toàn thể nhân loại, không phải chỉ riêng người Do-thái. Vì vậy, dù tình hình Trung Đông biến chuyển như thế nào, luôn luôn có một phần nào đó liên quan đến chúng ta. Nó cho ta thấy tình thương của Thiên Chúa luôn luôn mời gọi mọi người trở về với Chúa như gà mẹ kêu đàn gà con. Nó cho ta thấy không riêng gì người Do-thái nhưng mọi dân tộc trên thế giới đều nằm trong chương trình cứu rỗi của Ngài. Và trên hết, những biến chuyển cuối cùng của thế giới rồi đây sẽ rất gần với Trung Đông, với Giê-ru-sa-lem là nơi Con Đức Chúa Trời đã một lần đặt chân đến và đã chịu chết vì tội của nhân loại tại đó. Ngôi mộ trống bên ngoài Giê-ru-sa-lem ngày nay vẫn còn là chứng tích hùng hồn cho sự phục sinh của Chúa. Chúng ta không cần phải hành hương hay viếng thăm thánh địa, nhưng Giê-ru-sa-lem và những gì đã và sẽ xảy ra tại đó chắc chắn có ảnh hưởng đến chúng ta.

Thánh Kinh dạy:”Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem” hàm ý bảo chúng ta hãy hướng về đó, chẳng những để cầu hòa bình nhưng cũng để tôn thờ Thiên Chúa vì đến cuối cùng vương quốc của Thiên Chúa sẽ được thiết lập trong khung cảnh của Giê-ru-sa-lem, không phải Giê-ru-sa-lem của Do-thái nhưng là Giê-ru-sa-lem của tất cả những ai suy tôn Chúa là vua. Giê-ru-sa-lem mang ý nghĩa hòa bình hay bình an và cũng trong ý nghĩa đó, khi ta được giải hòa với Thiên Chúa qua cái chết của Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ kinh nghiệm bình an và hòa bình thật sự trong Chúa. Người Do-thái thường chào nhau câu, Hẹn gặp năm tới tại Giê-ru-sa-lem cho thấy niềm ao ước được về quê hương của họ. Giê-ru-sa-lem cũng là nơi những người khác cần hướng về để cầu nguyện và nhất là để kinh nghiệm hòa bình trong mối tương giao hài hòa tốt đẹp giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau.

Mục Sư Nguyễn Thỉ

***  Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

________________________________________________________________________

www.vietchristian.com/niengiam/