Mỗi năm ngày 4 tháng 7 được dân chúng Mỹ kỷ niệm rất trọng thể. Lễ nầy có ý nghĩa gì? Có hai ý nghĩa: Thứ nhất, nó đánh dấu ngày chính thức lập quốc và thứ hai là kỷ niệm sự tự do mà người Mỹ (thuộc mọi chủng tộc) mới dành được khỏi chế độ thuộc địa của Anh quốc.

Hầu hết những người bỏ quê hương xứ sở di cư sang lục địa Hoa-kỳ vào thời ấy, cách đây hơn 200 năm (và cả thời nay nữa) đều có một mục đích: Tìm tự do!

Nếu ta muốn dùng một hình dung từ để mô tả đặc tính của nước Mỹ thì có lẽ hầu hết đều đồng ý với từ ngữ: “tự do.” Thật vậy, Hoa-kỳ là một xứ đầy dẫy tự do: Tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do cư trú, tự do làm giàu, tự do học hành, tự do du lịch…” Tự do là một điều mà mọi người khắp nơi đều khao khát đến nỗi đa số dân chúng trên thế giới đều mong mỏi di cư sang sống ở Hoa-kỳ để hưởng tự do. Số di dân xin sang định cư tại Hoa-kỳ mỗi năm nhiều nhất so với số xin di dân sang các nước khác. Bị mất tự do (cầm tù) là điều mà không ai muốn xảy ra cho mình. Suốt thế kỷ 20, nhiều dân tộc trên thế giới đã phải tranh đấu bằng xương máu để dành tự do!

Người viết còn nhớ năm 1975 khi mới đặt chân sang đất Mỹ, đang tạm ngụ trong trại Pendleton ở California. Ngày đầu tiên nghe loa phóng thanh tuyên bố: “Quí vị đang ở một xứ tự do, muốn nói gì cũng được!” Người viết vô cùng sửng sốt. Ở Việt-Nam không bao giờ có lời khuyến cáo như thế vì nếu bạn vô tình chỉ trích chính phủ hay nhân viên cao cấp thì bạn được cảnh sát hay công an “hỏi thăm sức khoẻ” ngay. Tuy nhiên mặc dù là xứ nhiều tự do nhất nhưng Hoa-kỳ cũng là một xứ tội lỗi nhất thế giới. Hàng triệu vụ phá thai, hàng trăm ngàn chuyện loạn luân, đồng tính luyến ái, những tội ác tinh vi, những trò lường gạt vĩ đại, những vụ phạm pháp to tát… đều được thấy ở Hoa-kỳ. Số người tự tử ở Mỹ vì không tìm được ý nghĩa cuộc đời cao nhất so với các quốc gia kỹ nghệ khác. Nước Mỹ cũng dẫn đầu thế giới về nạn xì ke, ma tuý. Hoa-kỳ là thị trường tiêu thụ bạch phiến lớn nhất trên hoàn cầu. Đây là một mối nhức đầu không nhỏ cho Quốc hội và chính phủ Mỹ. Cho nên, nếu mặt vật chất khiến nhiều người lầm tưởng Hoa-kỳ là thiên đàng hạ giới thì về mặt tinh thần, quốc gia nầy chẳng khác nào địa ngục trần gian. Ở lâu bên Mỹ ta mới nhận thấy rằng nếu nước Mỹ mà không có các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo níu kéo thì có lẽ quốc gia nầy đã bị phá sản đạo đức (morally bankrupt) từ lâu rồi. Những quan niệm về hiếu để, nền tảng gia đình, tình bằng hữu, lòng trung thành…đều được người Mỹ xem nhẹ. Thống kê cho thấy hơn 50% các cuộc hôn nhân trên xứ Mỹ đều tan vỡ trong vòng 2 năm! Chung thủy để làm gì? “Sống hôm nay” và “Sống cho tôi” trước đã! Phá thai (một hình thức giết người) được Tối Cao Pháp Viện Mỹ hợp pháp hóa và xem như không có tội gì cả vì người Mỹ cho rằng “tôi có quyền tự do trên thân thể tôi!” Nghĩa là ở Hoa-kỳ người ta tìm cách “hợp lý hóa” (justify) hay biện bạch cho tội lỗi.

Bà Ruth Graham, phu nhân vừa quá cố của Mục sư Billy Graham, một nhà truyền giáo Cơ đốc Hoa-kỳ nổi danh, khi còn sống đã kinh hoàng trước những tội ác mà nước Mỹ đang lao đầu vào. Bà phải cay đắng thốt lên, “Nếu Thượng Đế không trừng phạt nước Mỹ về những tội ác mà dân chúng Hoa-kỳ đang phạm thì Ngài phải xin lỗi hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ!” (Đó là hai thành phố bị Thượng Đế tiêu diệt vào thời xưa bằng lửa diêm sinh từ trời giáng xuống vì dân cư quá gian ác! Câu truyện nầy được Thánh Kinh ghi lại trong sách Sáng thế chương 19) Câu nói của bà Ruth Graham tuy mỉa mai nhưng phản ảnh tình trạng đáng lo ngại về sự tuột dốc tinh thần thê thảm của nước Mỹ. Do đó chúng ta thấy nước Mỹ có đủ mọi thứ tự do, kể cả tự do phạm tội (freedom to sin) mà người Hoa-kỳ xem là một quyền bất khả xâm phạm.

Tự do là gì? –Tự do là được thoát khỏi một sự kềm kẹp! Ta thấy dù hùng cường và giàu có như Hoa-kỳ đi nữa thì người Mỹ cũng vẫn còn bị kềm kẹp bởi tội lỗi. Nghĩa là họ chưa tìm được sự tự do khỏi tội lỗi (freedom from sin). Tội lỗi chẳng những là cái ách nô lệ đè lên đầu óc người Mỹ mà cũng là cái ách đang đè lên cả nhân loại. Đừng tưởng rằng thoát khỏi ách tội lỗi là việc dễ. Chúng ta có những “thói quen xấu” (một hình thức của tội lỗi) mà không sao từ bỏ được. Bao nhiêu người có thể bỏ hút thuốc, rượu chè, cờ bạc, dối trá…mặc dù biết những thứ ấy có hại cho mình và cho gia đình mình? Con người hình như bất lực trước gánh nặng tội lỗi đang đè lên mỗi chúng ta. Một ông thánh như Phao-lô đã phải thốt lên, “Tôi không làm điều mình thích mà làm điều mình ghét… Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác cứ theo đuổi tôi.” Và ông thú nhận, “Cho nên khi tôi làm điều mình ghét thì chẳng phải tôi làm nữa mà là tội lỗi bên trong xui khiến tôi.” Chính Chúa Giê-xu đã khẳng định, “Ai phạm tội là làm nô lệ cho tội lỗi.” Lưu ý câu: “tội lỗi bên trong xui khiến.” Đó là nguyên nhân của ách tội đang đè nặng trên chúng ta. Ai cũng muốn ném bỏ cái ách ấy đi nhưng hoàn toàn bất lực. Dù văn minh vật chất ngày nay đã tiến bộ vượt bực so với bao nhiêu thời đại trước nhưng có ai dám bảo rằng tấm lòng con người ngày nay tốt hơn con người ở thời cổ xưa hay không? Suy nghĩ một tí chúng ta sẽ thấy lòng người tệ hơn thời xưa là khác vì ngày nay người ta giết nhau bằng những vũ khí tối tân hơn, tiêu diệt nhiều sinh mạng hơn, và có thể tiêu diệt cả nhân loại nếu cần! Chiến tranh ngày nay khủng khiếp hơn thời xưa rất nhiều! Viễn ảnh con người tự tiêu diệt chính mình là một hình ảnh ghê gớm mà nhân loại không biết làm sao ngăn ngừa.

Đôi khi chúng ta tự hỏi: Tại sao con người có thể chiến thắng thiên nhiên mà không thắng nổi tấm lòng của mình? Tại sao con người càng ngày càng đi tới chỗ sa đoạ? Tại sao con người không thể sống hoà bình với nhau? Tất cả các câu hỏi gai góc ấy đều có thể được trả lời như sau: “Vì tội lỗi đang hành động trong con người” theo lời Thánh Kinh cho thấy. Đó là cái ách mà con người không ném bỏ nổi.

Bi quan và tuyệt vọng chăng? — Không! Giữa tình trạng đổ vỡ của xã hội con người thì có một Tin Mừng đưa đến: Con Trời (Chúa Giê-xu) đã đến thế gian để giải thoát chúng ta khỏi cái ách nặng nề ấy. Trước khi Ngài sinh ra trên thế gian cách đây hơn 2.000 năm thì thiên sứ đã báo tin cho Giô-xép, chồng hứa của Ma-ri, mẹ Ngài như sau, “Nàng sẽ sinh một trai, ông hãy đặt tên là Giê-xu vì Con Trai ấy sẽ giải thoát nhân loại ra khỏi tội lỗi.”

Có Tin Mừng nào lớn hơn Tin Mừng ấy không, thưa bạn? Vì thế mỗi khi người Hoa-kỳ kỷ niệm sự tự do vào ngày lễ độc lập 4 tháng 7 thì đừng quên rằng cả họ lẫn chúng ta cần một sự tự do mới: Tự do khỏi tội lỗi (freedom from sin) mà chỉ có Chúa Cứu Thế Giê-xu mới ban cho chúng ta được thôi. Muốn nhận được sự tự do ấy chúng ta không phải tốn tiền lo giấy tờ tốn kém, làm lụng cực nhọc, cầu khẩn cúng kiến, hành hạ thân xác… mà chỉ cần xin Chúa Giê-xu ngự vào lòng chúng ta để Ngài ban cho chúng ta sự tự do mà Ngài hứa cho những ai cầu xin Ngài. Chúa Giê-xu đã tuyên bố, “Nếu ta giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ thật sự được tự do.” Là người Việt chúng ta không khỏi đau buồn khi nhớ lại rằng nhiều đồng bào và thân nhân chúng ta đã phải trả giá bằng sinh mạng của họ trên đường tìm tự do. Nhưng sự tự do khỏi tội lỗi mà Chúa Giêxu hứa ban cho, chúng ta không phải trả giá gì vì Ngài đã trả giá ấy cho chúng ta bằng chính mạng sống của Ngài trên cây thập tự. Sự chết và sống lại của Ngài đã giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích của tội lỗi.

Độc giả thân mến, Chúng ta đã được tự do khỏi ách nô lệ nhưng quý vị có muốn được tự do khỏi tội lỗi không? Muốn vậy, quý vị hãy mời Chúa Giê-xu ngự vào lòng, thế chỗ cho tội lỗi bằng lời cầu nguyện vắn tắt và chân thành như sau: “Lạy Chúa Cứu Thế Giê-xu, con đã mang nặng gánh tội lỗi lâu nay. Xin Ngài đến ngự vào lòng con và giải thoát con khỏi gánh nặng ấy và biến con thành một con người mới vô tội trước mặt Ngài. Nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-xu, A-men.” Sau đó bạn có thể tiếp xúc với Hội Thánh Tin Lành gần nơi bạn ở, báo cho vị mục-sư quản nhiệm biết bạn đã nhận sự tự do mới qua bài tham luận nầy.

GS PHAM QUANG TAM