Quyển Giáo Lý Căn Bản của Cơ đốc giáo nầy được biên soạn cho các tín hữu mới tin, chuẩn bị làm lễ báp têm và gia nhập hội thánh. Tuy nhiên các tín hữu đã tin nhận Chúa lâu năm cũng có thể sử dụng để ôn lại những hiểu biết của mình về phương diện giáo lý.
Mong rằng Chúa dùng loạt bài học nầy giúp các tín hữu vững chắc hơn trong niềm tin của mình để trở thành những tín hữu ích lợi hơn cho hội thánh Chúa khắp nơi.

GIÁO LÝ CĂN BẢN CỦA CƠ ĐỐC GIÁO
Chương 1
THƯỢNG ĐẾ và BA NGÔI
Dẫn nhập

Con người khi nhìn vạn vật và vũ trụ quanh mình bao giờ cũng nẩy ra ba câu hỏi: Chúng ta sống trên đời nầy để làm gì? Khi qua đời chúng ta sẽ đi đâu?

Ba câu hỏi nầy đã khiến cho nhân loại bối rối hang bao nhiêu ngàn năm nay. Không ai trả lời được.

– Chúng ta từ đâu đến? Tại sao có loài người và sinh vật trên trái đất nhỏ bé nầy trong vũ trụ bao la? Chúng ta chưa tìm được sinh vật nào trong vũ trụ cả. Ai dựng nên chúng ta và các loài động vật trên đất? Ai tạo nên vũ trụ nầy?

– Chúng ta sống trên đời nầy để làm gì? Tại sao người ta giành dựt, chém giết nhau hằng ngày? Tạo sao người ta không thể sống hòa bình để xây đựng một thế giới tốt đẹp hơn cho chúng ta và cho con cháu chúng ta? Ý nghĩa cuộc đời làm bận tâm những con người biết suy nghĩ. Chắc hẳn con người chúng ta phải có một cuộc sống khác hơn loài vật là loài chỉ biết sinh tồn, ngoài ra không biết làm gì khác.

– Sau khi qua đời rồi chúng ta sẽ đi đâu? Từ ngày có loài người đến nay, trải qua hàng trăm thế kỷ, bao nhiêu tỷ người đã sinh ra, sống tạm ít lâu trên đất rồi qua đời. Không ai biết họ đi đâu vì không một ai trở về trần thế để nói cho chúng ta biết. Các tôn giáo trên thế giới đều tìm cách giúp chúng ta liên lạc vời thế giới bên kia nhưng không tôn giáo nào biết chắc chắn rằng những gì xãy ra sau cái chết.

Đứng trước những thắc mắc đó, chúng ta, các tín hữu của Chúa đi tìm lời giải thích và tìm được qua Kinh Thánh. Sách Sáng Thế Ký tức sách thứ nhất của Kinh-Thánh ghi ngay trong mấy câu đầu, “Ban đầu Thượng Đế dựng nên trời đất,” (Sáng thế ký 1:1) Rồi cũng trong đoạn 1 Kinh Thánh mô tả Thượng Đế dựng nên trời đất và vạn vật ra như sau:

Ngày thứ 1: tạo nên ánh sáng
Ngày thứ 2: tạo nên bầu trời
Ngày thứ 3: tạo nên nước, biển, sông ngòi và thực vật
Ngày thứ 4: tạo nên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao
Ngày thứ 5: tạo nên động vật
Ngày thứ 6: tạo nên loài người từ bụi đất. Người đàn ông tên A-đam, người đàn bà tên Ê-va.
Ngày thứ 7: Thượng Đế nghĩ ngơi và làm ngày ấy ra ngày thánh, còn gọi là ngày Sa-bát.
Như thế chúng ta biết con người được Thượng Đế dựng nên chứ loài người không phải tiến hóa từ loài khỉ theo như một số nhà động vật học chủ trương. Vậy Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa (Creator) của nhân loại và vũ trụ.

ĐẶC TÍNH CỦA THƯỢNG ĐẾ

1. Ngài là thần, không phải loài người, Sách Giăng 4:24 ghi, “Thượng Đế là thần nên ai thờ phụng Ngài phải lấy tâm thần và sự thật mà thờ phụng.”
2. Ngài ở khắp mọi nơi (vô sở bất tại) nghĩa là Thượng Đế có mặt ở khắp nơi cúng một lúc. Sách Giê-rê-mi 23:24 viết “Ta đầy dẫy các từng trời và đất.” Ngài không bị hạn chế về không gian ba chiều như chúng ta.
3. Ngài biết hết mọi điều (Vô sở bất tri) nghĩa là điều gì Ngài cũng biết. Ngài biết mọi ý tưởng và hành động của con người. Sách Thi-thiên 139:4 viết “Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi thì Chúa đã biết trọn hết rồi.”
4. Ngài là Đấng Toàn Năng (vô sở bất năng) Không có việc gì Ngài không làm được. Giê-rê-mi 32:27 viết, “Nầy ta là Thượng Đế của mọi loài xác thịt. Có điều gì quá khó cho ta không?” và Ma-thi-ơ 19:26 ghi, “Thượng Đế làm được mọi việc.”
5 Ngài là Đấng sống đời đời vô cùng. Thượng Đế không có điểm khởi đầu hay điểm kết thúc như loài người chúng ta. Thi thiên 90:2 “Từ trước vô cùng cho đến đời đời Ngài là Thượng Đế.”
6. Ngài không bao giờ thay đổi. Sách Ma-la-chi 3:6 viết, “Ta là Chúa. Ta không bao giờ thay đổi.” Nghĩa là hôm qua, ngày nay, và cho đến mãi mãi, Thượng Đế vẫn là Thượng Đế của nhân loại.
7. Ngài là Đấng thánh khiết. Ngài không chịu được tội lỗi. Thượng Đế ghét điều ác và thích điều thiện. Ngài phải trừng phạt tội lỗi. Ê-sai 59:1-2 ghi “Sự gian ác các ngươi khiến các ngươi xa cách Thượng Đế và tội lỗi các ngươi che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi.”
8. Ngài là Đấng công bình. Ngài không thiên vị người nào. Ngài luôn luôn giữ lời hứa mình với con người. Sách La-mã 1:18 viết, “Cơn thịnh nộ của Thượng Đế nổi lên nghịch cùng những điều không công bình do con người làm ra.”
9. Ngài là Đấng yêu thương. Dù rằng Ngài ghét tội lỗi nhưng Ngài rất thương tội nhân. Giăng 3:16 viết, “Vì Thượng Đế quá yêu nhân thế đến nỗi hi sinh Con Một của Ngài để hễ ai tin Con ấy không bị chết mất mà được sự sống đời đời.”
10. Ngài chuộng sự thật. Ngài không thể chịu được sự dối trá. Không những Ngài chuộng sự thật mà chính Ngài là sự thật. Sách Giăng 14:6 ghi lại lời Chúa Giê-xu tuyên bố, “Ta là đường đi, sự thật và nguồn sống.”

BA NGÔI

Thượng Đế gồm ba ngôi: Cha, con và Thánh Linh. Ba Ngôi đều bình đẳng nghĩa là như nhau nhưng mỗi ngôi đóng một vai trò riêng biệt.

Con người không thể hiểu được sự liên hệ giữa Ba Ngôi. Chúng ta biết được sự hiện diện của Ba Ngôi trong nhiều trường hợp do Thánh Kinh ghi lại chẳng hạn như khi Chúa Giê-xu chịu lễ báp têm dưới sông Giô-đanh. Khi Ngài lên khỏi nước thì Thánh Linh hiện xuống đậu trên Ngài như chim bồ câu và có tiếng Cha Ngài từ thiên đàng phán xuống rằng, “Đây là con rất yêu dấu của ta, các ngươi hãy vâng lời người.” (Mác 1:10,11)

Một hình ảnh gần tương đương về Ba Ngôi là mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Nếu thiếu 1 thì sẽ thiếu cả 3. Ba yếu tố ấy họp lại thành một thực thể duy nhất, nên nhớ giáo lý về Ba Ngôi không co nghĩa là Ba Chúa hay Ba Thần. Cơ đốc giáo là một tôn giáo độc thần (monotheism) không phải đa thần (polytheism) như một số tôn giáo khác. Sách Phục truyền luật lệ ký 6:4-5 viết, “Hỡi Y-sơ-ra-ên hãy nghe: Chúa là Thượng Đế chỉ có một mà thôi. Ngươi hãy hết lòng, hết sức, hết ý mà yêu mến Chúa là Thượng Đế ngươi.” Ta có thể nói trong giáo lý Ba Ngôi, Cha là Thượng Đế, Con là Thượng Đế, và Thánh Linh cũng là Thượng Đế.

Câu hỏi ôn cho chương 1:

Thượng Đế và Ba Ngôi

1. Ai dựng nên vũ trụ và con người?
2. Con người được tạo nên vào ngày thứ mấy?
3. Ai là hai người đầu tiên được tạo nên?
4. Con người được tạo nên từ vật gì?
5. Kể ra 4 trong số 10 đặc tính của Thượng Đế?
6. Thượng Đế có mấy ngôi?
7. Kể ra Ba Ngôi của Thượng Đế?
8. Chúng ta có thể hiểu được sự liên hệ giữa Ba Ngôi không?
9. Cơ đốc giáo là độc thần hay đa thần?
10. Chúng ta biết được những điều Thượng Đế làm và hiểu vào Ngài nhờ vào sách nào?

CHƯƠNG 2

CHÚA CỨU THẾ GIÊ-XU

Chúa Giê-xu là ngôi thứ hai trong Ba Ngôi như chúng ta đã học. Ngài có từ xưa vô cùng như Thượng Đế. Tuy nhiên sự hiện diện của Ngài trên đất rõ ràng hơn khi Ngài trở thành người và sống giữa nhân loại trong 33 năm. Việc Trời trở thành người là một biến cố quan trọng nhất cho nhân loại. Chúa Giê-xu sinh ra qua một trinh nữ tên Ma-ri, người được Thượng Đế chọn làm mẹ phần xác của Ngài. Ngài được gọi là Cứu Chúa (savior) vì Ngài được sai đến thế gian để chịu chết thế tội cho nhân loại.

Các sách Tin Mừng nói về đời sống Chúa Giê-xu trên đất. Khi sống trên đất Ngài mang haii đặc tính: nhân tính (human nature) và thần tính (divine nature).

Vì Ngài là Thượng Đế cho nên Ngài có tất cả những đặc tính của Thượng Đế chẳng hạn như Ngài ở khắp nơi, biết hết mọi điều, Toàn năng, không thay đổi, đầy tình yêu thương…Chúa Giê-xu đến thế gian làm người với bốn mục đích:

1. Trình bày Cha cho chúng ta biết. Sách Giăng 14:9 viết, “Chỉ có Con Một ở ngay cạnh Cha là Đấng giãi bày Cha cho chúng ta biết.”

2. Chuộc tội lỗi thế gian bằng cách chịu chết trên thập tự giá để cứu chúng ta và cho chúng ta sự sống đời đời. Sách Giăng 4:14 viết:”Xưa, Môi-se treo con rắn lên nơi sa mạc thế nào thì Con Người cũng phải bị treo lên như thế để ai tin đến Ngài thì được sự sống đời.”

3. Hủy phá công việc của ma-quỉ. Sách I Giăng 3:8 “Con Thượng Đế hiện ra để hủy phá công việc của ma-quỉ.” Ma-quỉ là kẻ thù của Thượng Đế cho nên nó luôn luôn tìm cách phá hoại công việc của Ngài. Chính vì thế mà Chúa Giê-xu phải đến để chiến thắng nó.

4. Ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Ngài bằng cách sống lại từ kẻ chết. Khi hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va phạm tội thì Thượng Đế trao án phạt cho họ là sự chết. Án đó thi hành cho tất cả nhân loại. Tuy nhiên Chúa Giê-xu đã chiến thắng kẻ thù chung của chúng ta là sự chết khi Ngài sống lại nên Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta sự sống lại giống như Ngài. Sách I Cô-rinh 15:20 viết, “Đấng Cứu Thế đã sống lại từ trong kẻ chết cho nên Ngài là trái đầu mùa của những người chết. Trong A-đam mọi người điều chết, nhưng trong Đấng Cứu Thế mọi người đều sẽ sống lại.”

Sự chết của Ngài nằm trong chương trình từ xưa của Thượng Đế khi con người phạm tội. Ngài là Đấng vô tội chết thế cho chúng ta là người có tội.

Sự chết chuộc tội cho nhân loại và sự sống lại của Chúa Cứu Thế là hai chân lý quan trọng trong Cơ đốc giáo vì nếu không có sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá và sự sống lại của Ngài thì cơ đốc giáo cũng như các tôn giáo khác mà thôi nghĩa là không có quyền năng gì.

Sự lên trời của Chúa Cứu Thế; Sau khi Ngài sống lại và hiện ra cho nhiều người thấy thì Chúa Giê-xu trở về thiên đàng. Sách Sứ đồ 1:9 viết, “Ngài được cất lên trời trong khi các sứ đồ nhìn xem Ngài. Có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thất nữa.”

Hiện nay Ngài đang cầu thế cho chúng ta. Đây là một niềm an ủi lớn cho con cái Chúa vì chúng ta có một Đấng biện hộ cho chúng ta. Sách I Giăng 2:1 viết, “Nếu có ai phạm tội thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Chúa Cứu Thế.

Câu hỏi ôn cho chương 2: Chúa Cứu Thế Giê-Xu

1. Ai giáng sinh làm người?
2. Có phải Chúa Giê-xu chỉ mới có khi Ngài sinh ra làm người hay là Ngài đã có từ trước vô cùng?
3. Khi sống trên thế gian thì Chúa Giê-xu mang hai đặc tính quan trọng nào?
4. Chúa Giê-xu đến thế gian để làm gì?
5. Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá để làm gì?
6.Có phải Chúa Giê-xu chết vì tội Ngài không?
7. Chúng ta muốn được cứu rỗi và được sống đời đời phải làm gì?
8. Có phải Chúa Giê-xu chết luôn trong mồ mả như mọi người không?
9. Sau khi sống lại và hiện ra cho các môn đệ thì Chúa Giê-xu đi đâu?
10. Hiện nay Chúa Giê-xu đang làm gì?

CHƯƠNG 3

ĐỨC THÁNH LINH

Đức Thánh Linh là ngôi thứ ba trong Ba Ngôi: Cha, Con, và Thánh Linh. Ba ngôi đều bình đẳng với nhau. Tân Ước mô tả Thánh Linh là Đấng An Ủi, Đấng Trợ Giúp, Cố Vấn…Sau khi Chúa Giê-xu trở về thiên đàng thì Ngài phái Thánh Linh xuống trên các môn đệ như Sách Sứ đồ 2:1-4 ghi “Đến ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đồ nhóm họp lại một chỗ. Thình lình có tiếng từ trời xuống như tiếng gió thổ ào ào…Tất cả đều được đầy dẫy Thánh Linh.”

VAI TRÒ CỦA ĐỨC THÁNH LINH

1. Cáo trách con người ta về tội lỗi. Sách Giăng 16:8 viết “Khi Thánh Linh đến Ngài sẽ cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công bình, và về sự xét xử.” Chúng ta không thể tin nhận Chúa và được cứu rỗi nếu Thánh Linh không khiến chúng ta hối hận về tội lỗi mình.

2. Khiến chúng ta trở thành người mới. Chúa Giê-xu bảo Ni-cô-đem, Một học giả Do-thái, “Nếu một người không nhờ nước và Thánh Linh mà sinh lại thì không thể và Nước Trời.” (Giăng 3:5) Như thế sự tái sinh là một dấu hiệu của một người đã thực sự được cứu rỗi.

3. Ban các ân tứ cho các tín hữu trong hội thánh. Thánh Phao lô viết trong I Cô-rinh 12:4 “Có nhiều ân tứ khác nhau nhưng đều do một Thánh Linh ban cho.” Vì thế hội thánh hoạt động như một thân gồm nhiều chi thể.

4. Làm chứng rằng chúng ta là con cái Chúa. Sách La-mã 8:14 viết “Tất cả những ai được Thánh Linh dắt dẫn đều là con của Thượng Đế”… và “Đức Thánh Linh chứng nhận rằng chúng ta là con cái của Ngài.”

5. Soi dẫn các tác giả khi viết Thánh Kinh. Thánh Kinh do tay người viết nhưng ở dưới sự soi dẫn hay mặc khải của Thánh Linh. Sách II Ti mô thê 3:16 viết, “Tất cả Kinh Thánh đều là do Thượng Đế soi dẫn và hà hơi.” Và sách II Phi-e-rơ 1:20 ghi, “…nhờ Thánh Linh soi dẫn mà người ta nói ra bởi Thượng Đế.”

6. Hướng dẫn hội thánh. Sứ đồ 4:31 viết, “Sau khi họ cầu nguyện thì nơi họ họp rúng động. Tất cả đều được đầy dẫy Thánh Linh và bắt đầu rao giảng lời Chúa một cách bạo dạn.”

7. Giúp chúng ta cầu nguyện. Đây là một vai trò khá quan trọng của Thánh Linh vì Ngài can thiệp hộ chúng ta. Sách La-mã 8:26 viết, “Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối của chúng ta vì chúng ta không biết phải cầu xin như thế nào.”

8. Ngự trong chúng ta để làm chứng rằng chúng ta thuộc về Chúa. Thánh Phao-lô nhắc chúng ta biết rằng thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong chúng ta (I Cô rinh 6:19) vì thế thân thể chúng ta là nơi thánh, không thể san sẻ với thần khác. Phao-lô cũng khuyên chúng ta “chớ làm buồn Thánh Linh của Thượng Đế vì nhờ Ngài làm của cầm cho đến ngày cứu rỗi.” (Ê-phê-sô 4:30)

9. Ban ân tứ và bông trái của Ngài cho những người tin. Sách I Cô-rinh 12:4-11 viết “Có những ân tứ khác nhau nhưng chỉ có một Thánh Linh…Thánh Linh bày tỏ cho mỗi người để được ích chung …mọi điều ấy đều là công việc của đồng một Thánh Linh, theo ý Ngài muốn phân phát ân tứ riêng cho mỗi người.”

Những ai thực sự thuộc về Chúa đều cho thấy bông trái của Thánh Linh trong đời sống mình. Sách Ga-la-ti 5:22-23 liệt kê các trái của Thánh Linh như yêu thương, vui mừng, hòa bình, kiên nhẫn, nhân từ, đức độ, trung tín, dịu dàng và tiết độ.”

Câu hỏi ôn cho chương 3: Đức Thánh Linh

1.Thánh Linh là ngôi thứ mấy trong 3 ngôi?
2. Thánh Linh còn được gọi tên khác là gì?
3. Thánh Linh giáng xuống trên các môn đệ Chúa Giê-xu lúc nào?
4. Kể ra 3 vài trò của Thánh Linh.
5. Ai hướng dẫn các tác giả viết các sách trong Thánh Kinh?
6. Theo Phao lô thì thân thể chúng ta là gì?
7. Khi chúng ta cầu nguyện thì Thánh Linh làm gì?
8. Ân tứ mà con cái Chúa có là do ai cho?
9. Có phải tất cả mọi người đều có cùng một ân tứ không?
10. Kể ra ít nhất 3 bông trái của Thánh Linh.

CHƯƠNG 4

LOÀI NGƯỜI

A. Nguồn gốc loài người theo Thánh Kinh

Theo sách Sáng thế ký đoạn 1,2 và 3 chúng ta biết loài người được Đấng Tạo Hóa (Thượng Đế) dựng nên:

1. Theo hình ảnh Ngài. (1:26-27)
2. Từ bụi đất. (2:7)
3. Để quản trị các loài thú Ngài dựng nên (1:28)
4. Để giao thông với Ngài (2:15-17)
5. Có ý chí tự do (2:16)
6. Gồm một người đàn ông (A-đam) và một người đàn bà (Ê-va) (2:19,22) và Thượng Đế lập cuộc hôn nhân đầu tiên trên thế giới cho hai người nầy.
7. Được ở trong vườn Ê-đen do Thượng Đế lập (2:8)
8. Theo chương trình nguyên thủy của Thượng Đế là con người được sống mãi trong vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn ấy (2:15)
9. Bản chất con người nguyên thủy khi mới được dựng nên rất tốt, không có tội.
10. Con người được tự do ăn các hoa quả trong vườn ngọai trừ cây biết điều thiện và đều ác. (2:17)

B. Con người dưới cái nhìn của Thượng Đế

Sách Thi Thiên 8:3-5 viết “Khi tôi nhìn các từng trời là công việc cùa tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt thì con người là gì mà Chúa nhờ đến? Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng?

Chúa làm cho con người kém Thượng Đế một chút và ban cho người sự vinh hiển và sang trọng.”

Như thế con người là tuyệt tác của công trình sáng tạo của Ngài và Ngài rất quan tâm đến chúng ta.

C. Những thành phẩm của một con người sống

1. Thể xác
2. Trí tuệ
3. Linh hồn

Theo Thánh Kinh thì khi con người qua đời, thể xác trở về bụi đất (3:18) nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại và sẽ trở về cùng Đấng Tạo Hóa (Lu-ca 12-20) để chịu xét sử (Hê-bơ-rơ 9:27)

Linh hồn con người rất quý giá hơn cả thế gian (Mác 8:36-37)

D. Nguồn gốc nhân loại: từ hai con người đầu tiên sinh ra toàn thể nhân loại gồm các màu da. Sem, Cham và Gia-phết (các con trai của Nô-ê) được xem như là ba ông tổ đầu tiên của các giống dân trên thế giới (Sáng thế ký 9:18-19)

Câu hỏi ôn cho chương 4:

Loài người

1. Loài người được dựng nên theo hình ảnh của ai?
2. Loài người được dựng nên từ vật gì?
3. Kể ra 2 mục đích khi Thượng Đế dựng nên con người.
4. Hai con người được dựng nên đầu tiên là ai?
5. Khi mới được dựng nên con người có ý chí tự do không?
6. Hai người đầu tiên được đặt để ở đâu khi mới được dựng nên?
7. Họ không được phép làm gì trong vườn Ê-đen?
8. Ba thành phần của một con người sống là gì?
9. Thành phần nào quý giá nhất và bất diệt trong con người?
10. Việc gì xãy ra sau khi con người qua đời?

CHƯƠNG 5

TỘI LỖI

A. Nguồn gốc của tội lỗi

Vì có ý chí tự do nên con người có quyền lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu. Khi Thượng Đế cấm con người không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác ở giữa vườn Ê-đen thì con người nghe theo lời con rắn là ma-quỉ mà bất tuân mệnh lệnh Ngài. A-đam nghe theo lời vợ là Ê-va ăn trái cấm, Ê-va nghe theo lời dụ dỗ của ma-quỉ (Sáng thế ký 3;4-6) mà vi phạm lệnh cấm của Chúa. Từ đó có 3 điều xãy ra cho con người: mất sự vinh hiển của Chúa (Sáng thế ký 3:7) phải chết về phần xác (3:19) lẫn phần hồn, và bản chất trở nên tồi tệ hơn. Sách Giê-rê-mi 17:9 viết “Lòng loài người dối trá hơn mọi vật và cực kỳ xấu xa.” Đó là hậu quả của sự bất vâng phục Thượng Đế. Đó cũng là nguồn gốc của tội lỗi.

Sau khi con người phạm tội thì Thượng Đế đuổi ra khỏi vườn Ê-đen và gánh chịu sự quở trách của Ngài (3:16-19)

Nguồn gốc của tội lỗi bắt đầu từ đó. Tuy nhiên vì bản chất nguyên thủy của con người lúc được Thượng Đế dựng nên rất tốt đẹp cho nên giữa bản chất tội lỗi và bản chất tốt đẹp lúc nào cũng có một sự xung đột. Hay nói khác đi, chúng ta có thể không phạm tội được. Phạm tội là một hành động tự ý.

Tuy nhiên sự xung đột giữa bản chất tốt và bản chất xấu khiến cho chúng ta không làm được điều tốt. Phao lô rất rõ tình trạng này khi ông viết trong thư La-mã 7:19 “Tôi không làm được điều tốt mình muốn mà làm điều xấu mình không muốn.” Chính vì sự bất lực đó của con người mà chúng ta cần quyền năng của Chúa Giê-xu để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.

B. Bản chất của tội lỗi

1. Không vâng phục Thượng Đế. Sáng thế ký 3:17 “Vì người đã nghe theo lời vợ mình mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn nên đất sẽ bị nguyền rủa vì người, trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới vật đất sinh ra mà ăn.”

2. Phá luật lệ Ngài. I Giăng 3:4 viết, “Ai phạm tội tức vi phạm luật pháp vì tội lỗi là phá luật.”

3. Mất giao thông với Chúa Ê-sai 59:2 viết, :Tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi.”

4. Không tin Chúa Giê-xu Giăng 3:18 ghi: ”Ai tin Ngài thì không bị xét xử nhưng ai không tin thì đã bị xét xử rồi vì không tin đến danh con một của Thượng Đế.”

C. Hậu quả của tội lỗi

1. Trốn tránh mặt Chúa. Khi A-đam và Ê-va phạm tội thì trốn tránh vào bụi rậm lúc Chúa đến thăm. Sách Sáng thế ký 3:8 ghi “Đến chiều khi nghe tiếng Chúa đi ngang qua vườn. A-đam và vợ đi trốn giữa bụi cây để tránh mặt Chúa.”

2.Chỉ muốn ở trong tối tăm. Sách Giăng 3:19 viết “Ánh sáng đã đến trong thế gian nhưng người ta thích bóng tối hơn ánh sáng vì việc làm của họ xấu xa.”

3. Chịu khốn khổ. Sau khi con người phạm tội thì bị Chúa rủa và trừng phạt theo sách Sáng thế ký 3:18 viết “Đất sẽ sinh chông gai và người sẽ ăn rau cỏ của đồng ruộng. Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn cho đến ngày nào ngươi sẽ trở về bụi đất là nơi ngươi sainh ra.”

4. Xa cách khỏi Thượng Đế. Sách Ê-sai 59:2 viết “Chính những gian ác các ngươi khiến các ngươi xa cách mình với Thượng Đế.”

5. Lãnh án chết. Chúa cảnh cáo A-đam về việc không nên ăn trái cấm như sau “ngươi được tự do ăn hoa quả của các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ nên ăn vì ngày nào ngươi ăn ngươi sẽ chết.” (Sáng thế ký 2:16-17) Sự chết bắt đầu trên con người từ đó. Phao-lô trong thơ La-mã viết, “Sự chết đã trải qua trên tất cả mọi người vì mọi người điều đã phạm tội.” (5:12) và “tiền công của tội lỗi là sự chết.” (6:23)

6. Bị trừng phạt đời đời nơi hỏa ngục. sau sự chết phần xác còn có sự chết về phần hồn. Sách khải thị 21:8 viết “Những kẻ hèn nhác, kẻ chẳng tin, kẻ dơ bẩn, kẻ giết người, kẻ dâm dục, kẻ làm phù phép, kẻ thờ thần tượng và tất cả các kẻ nói dối đều sẽ lãnh phần nơi hồ lửa diêm sinh cháy. Đó là cái chết thứ hai.

Giáo sư Phạm Quang Tâm