Người Việt chúng ta có nhiều tôn giáo. Đạo nào cũng có những niềm tin và những nét đặc thù riêng. Nếu phải dành cả đời để nghiên cứu cho tận tường về tín ngưỡng của người Việt, có lẽ cả đời người cũng chưa đủ. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ khá chủ quan của tôi thì Đạo Chúa quả là một đạo thật và đạo tốt; vì đó là đạo thờ Trời, tức thờ phượng Đức Chúa Trời hay Ông Trời của người Việt chúng ta, Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật.

Theo sự mạc khải của Ngài qua cõi thiên nhiên và qua lương tri, tổ tiên chúng ta đã nhận biết Ngài và thờ phượng Ngài từ hàng ngàn năm về trước. Rất tiếc, vì nhiều lý do lịch sử rất phức tạp, dân tộc chúng ta đã không được cơ hội biết Ngài một cách đúng đắn để có thể thờ phượng Ngài một cách chính xác hơn theo như Kinh Thánh đã chỉ dạy.
Do ước muốn giúp đồng bào mình hiểu biết rõ hơn về Đức Chúa Trời theo ánh sáng của Kinh Thánh, tôi mạo muội soạn ra tập bài học nầy, mô phỏng theo hình thức cuốn “Phước Âm Yếu Chỉ” đã có khoảng 50 năm về trước, với hy vọng những ai đang trên đường tầm đạo sẽ có cơ hội hiểu thêm về Đạo Chúa, và những tân tín hữu sẽ có dịp hiểu rõ hơn về tín ngưỡng mà mình mới tin theo, hầu sau đó có thể xin thọ lễ báp-têm, công khai trở thành một môn đồ của Chúa Cứu-thế Giê-su, và được Ngài dùng làm nguồn phước cho nhiều người.
Ước mong rồi đây sẽ có hàng triệu đồng bào chúng ta tin thờ Chúa và được Ngài ban phước, để dân tộc chúng ta cũng sẽ vươn mình lên và vượt trỗi giữa cộng đồng nhân loại.

Muốn thật hết lòng.
Mục sư Đặng Ngọc Báu

Bài 1

Đức Chúa Trời

1. Đức Chúa Trời là ai?

Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Ngài dựng nên mọi vật trong vũ trụ và muôn loài vạn vật trên thế gian nầy. Người Việt chúng ta gọi Ngài là “Trời” hay “Ông Trời.” Những người chịu ảnh hưởng của Hán Học và người Trung Hoa gọi Ngài là “Thiên Chúa” hay “Thượng Đế”. Người Hoa Kỳ, người Anh, người Úc-đại-lợi, và những dân tộc nói tiếng Anh gọi Ngài là “God.” Người Đức gọi Ngài là “Gott.” Người Pháp gọi Ngài là “Dieu.” Người nói tiếng Tây-ban-nha gọi Ngài là “Dios.” Người Do-thái thì gọi Ngài là “El,” “Elohim,” hay “Yahweh” (Đức Giê-hô-va). Những người Việt tin thờ Chúa gọi Ngài là Đức Chúa Trời, Cha, hay Thiên Phụ, để tỏ lòng tôn kính Ngài.

Dù các ngôn ngữ và các dân tộc có những danh khác nhau để gọi Ngài, nhưng tất cả các danh đó đều chỉ về một Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật.

Kinh Thánh dạy:

Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.

(Sáng Thế 1:1).

Ôi, chỉ một mình Ngài là Chúa, Đấng có một không hai. Ngài đã dựng nên các tầng trời, và trời của các tầng trời, cùng toàn thể thiên binh; Ngài đã dựng nên trái đất và mọi vật trên đất, biển và mọi vật trong biển. Chính Ngài ban sự sống cho muôn loài vạn vật. Toàn thể thiên binh thiên sứ đều phủ phục xuống tôn thờ Ngài. (Nê-hê-mi-a 9:6).

Nhà nào cũng do người nào đó xây dựng, còn Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên muôn vật.

(Hê-bơ-rơ 3:4).

2. Làm thế nào chúng ta biết có Đức Chúa Trời?

Chúng ta nhận biết có Đức Chúa Trời qua lương tri, qua sự quan sát cõi thiên nhiên, qua lời Kinh Thánh, và qua Đức Chúa Giê-su.

1) Lương Tri

Con người sinh ra ở đời, không ai bảo ai, tự nhiên dân nào, nước nào, ai nấy đều nhận biết có Đức Chúa Trời. Không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, thực phẩm chúng ta ăn, sức khỏe, tri thức, và tình cảm chúng ta có, thảy thảy đều do Đức Chúa Trời tạo dựng và phú cho. Nhìn vào thân thể con người, chúng ta biết sự hoạt động cách trật tự của các bộ phận trong cơ thể, của các tế bào, các nhiễm sắc thể, các nguyên tử, các phân tử, các điện tử, và các hoá chất trong thân thể chúng ta đều theo các định luật riêng mà mắt thường không thể thấy được, chúng ta tin rằng phải có một Đấng vô cùng thông minh và quyền phép đã tạo nên như thế. Vì vậy, ở bất cứ nơi nào, thuộc bất cứ thời đại nào, dù văn minh hay sơ khai, dù tri thức hay thất học, con người đều tự nhiên tin có Đức Chúa Trời.

Ca dao chúng ta có bài nói rằng:

Lạy Trời mưa xuống,

Lấy nước tôi uống,

Lây ruộng tôi cày,

Lấy đầy bát cơm,

Lấy rơm đun bếp ..

Thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân,

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Sự nhận biết về sự hiện hữu vô hình của Đức Chúa Trời dường như là tự nhiên trong tâm trí của mọi người.

Kinh Thánh chép:

Kẻ dại nói trong lòng rằng, ‘Không có Đức Chúa Trời!’

(Thánh Thi 53:1).

Con cảm tạ Chúa, vì con đã được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng.

Công việc Ngài thật quá diệu kỳ, lòng con biết rõ lắm.

(Thánh Thi 139:14).

2) Cõi Thiên Nhiên

Nhìn lên không trung, chúng ta thấy trật tự trong cõi thiên nhiên và sự tuần hoàn nhịp nhàng của vũ trụ, ai ai cũng nhìn nhận rằng phải có một Đấng Tạo Hóa cực kỳ thông minh và quyền phép đã dựng nên và sắp đặt mọi vật như thế. Trái đất bay hàng triệu năm trong không gian, theo quỹ đạo đã định cho nó trong thái dương hệ, không hề sai lệch một ly. Không khí trải đều khắp mặt đất, bất kể thái dương hệ ở trong dãy thiên hà bay đến đâu trong luồng tăm tối. Vũ trụ quả là một công trình lớn lao không thể tưởng tượng nổi và vô cùng kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không thể nói cái đồng hồ tự nhiên mà có thì chúng ta cũng không thể bảo vũ trụ nầy tự nhiên mà có được.

Các từng trời rao truyền vinh hiển của Đức Chúa Trời;

Bầu trời công bố công việc tay Ngài làm.

(Thánh Thi 19:1).

3) Kinh Thánh

Toàn bộ Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào, Ngài có tương quan gì với loài người, và mối liên hệ của chúng ta với Ngài phải ra làm sao. Ngay câu đầu tiên, Kinh Thánh đã xác định cho chúng ta về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.

Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.

(Sáng Thế 1:1).

Hỡi I-sơ-ra-ên, hãy lắng nghe: Chúa, Đức Chúa Trời của chúng ta, là Chúa độc nhất vô nhị. Anh chị em hãy yêu kính Chúa, Đức Chúa Trời của anh chị em, một cách hết lòng, hết linh hồn, và hết sức mình. (Phục Truyền 6:4-5).

4) Đức Chúa Giê-su

Đức Chúa Giê-su là hiện thân của Đức Chúa Trời trong thân xác loài người. Ngài là Ngôi Hai Đức Chúa Trời và cũng được gọi là Đức Chúa Con. Ngài giáng thế làm người để giải bày về Đức Chúa Trời cho chúng ta biết.

Ngôi Lời (Đức Chúa Giê-su) đã trở nên xác thịt, và sống giữa chúng ta. Chúng tôi đã chiêm ngưỡng vinh quang Ngài; thật là vinh quang của Con Một đến từ Đức Chúa Cha, tràn đầy ân sủng và chân lý.(Giăng 1:14).

Chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời bao giờ, duy chỉ Con Một Đức Chúa Trời, Đấng ở trong lòng Đức Chúa Cha; Ngài giải bày Đức Chúa Cha cho chúng ta biết. (Giăng 1:18).

3. Tại sao chúng ta không thấy Đức Chúa Trời?

Chúng ta không thể thấy Đức Chúa Trời được vì Ngài là thần linh (spirit). Thần linh không có thân xác như loài người chúng ta, nên chúng ta không thể thấy Ngài bằng mắt trần được.

Đức Chúa Trời là thần linh, nên ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng bằng tâm linh và bằng sự chân thật.

(Giăng 4:24).

4. Đức Chúa Trời từ đâu mà có?

Đức Chúa Trời là Đấng tự nhiên mà có. Không ai dựng nên Ngài và cũng không ai sinh ra Ngài. Ngài là Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu. Ngài hiện hữu từ trước vô cùng và sẽ trường tồn đời đời vô tận.

Đức Chúa Trời phán với Mô-se, “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” Ngài lại phán, “Ngươi hãy nói với dân I-sơ-ra-ên như thế nầy, ‘Đấng Tự Hữu đã sai tôi đến với anh chị em.’”(Xuất Hành 3:14)

Không có thần nào hiện hữu trước Ta, và sau Ta cũng không có thần nào nữa. Ta, chính Ta, là Chúa; ngoài Ta ra không có Đấng Giải Cứu nào khác.(I-sa-gia 43:10b-11).

Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Hiện Có, Đã Có, và Hầu Đến, và là Đấng Toàn Năng phán, “Ta là An-pha và Ô-mê-ga.”(Khải Huyền 1:8).

An-pha và Ô-mê-ga là hai mẫu tự đầu tiên và cuối cùng của bảng mẫu tự Hy-lạp. Hai từ này được dùng để ám chỉ rằng Chúa là Đấng hiện hữu từ ban đầu và cuối cùng Ngài vẫn còn hiện hữu.

5. Đức Chúa Trời có còn không?

Đức Chúa Trời hằng còn mãi mãi. Ngài không bao giờ chết. Ngài là Đấng Hằng Sống. Ngài sống đời đời vô cùng.

Trước khi núi non chưa sinh ra, đất và thế gian chưa được dựng nên,

Từ trước vô cùng cho đến đời đời, Ngài là Đức Chúa Trời.

(Thánh Thi 90:2).

Đức Chúa Trời phán với Mô-se, “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.”

(Xuất Hành 3:14).

6. Đức Chúa Trời ở đâu?

Đức Chúa Trời ở khắp nơi. Các cụ ngày xưa thường nói, “Đức Chúa Trời là Đấng vô sở bất tại,” có nghĩa là nơi nào cũng có Đức Chúa Trời. Cùng một lúc Ngài có thể hiện diện ở khắp nơi. Trên trời, dưới đất, và bất cứ nơi nào trong vũ trụ Đức Chúa Trời đều có mặt tại đó, bởi vì Ngài là thần linh, Ngài không bị gò bó trong một thân xác ở một chỗ nào.

Con có thể đi đâu cho khỏi Thần Linh Ngài?

Con có thể trốn đâu cho khỏi mặt Ngài?

Nếu con lên trời, có Ngài đang ngự tại đó;

Nếu con xuống âm phủ, kìa, Ngài cũng hiện diện ở đó.

Nếu con lấy cánh bình minh,

Bay đến những nơi ở tận chân trời góc bể,

Tại đó, tay Ngài sẽ dẫn dắt con;

Tay phải Ngài sẽ nắm lấy con.(Thánh Thi 139:7-10).

7. Đức Chúa Trời có biết hết mọi sự không?

Có. Đức Chúa Trời biết tất cả. Ngài thấy tất cả. Không việc chi giấu được Ngài. Ngài là Đấng vô sở bất tri.

Chúangự trong đền thánh Ngài,

Chúa ngự trên ngôi Ngài trên thiên đàng.

Mắt Ngài thấy rõ hết;

Mí mắt Ngài dò xét các con cái loài người.

(Thánh Thi 11:4).

Nếu con nói, “Chắc bóng tối sẽ che khuất con,

Khi ánh sáng chung quanh con trở nên đêm tối,”

Nhưng đối với Chúa, bóng tối chẳng tối tăm gì cả,

Ban đêm sáng rõ như ban ngày;

Bóng tối hay ánh sáng đều như nhau ở trước mặt Ngài.

(Thánh Thi 139:11-12).

8. Đức Chúa Trời có thể làm được mọi sự không?

Có. Đức Chúa Trời làm được mọi sự hợp theo thần tánh của Ngài và thánh ý của Ngài. Không việc chi là khó khăn cho Ngài cả. Ngài là Đức Chúa Trời quyền năng và toàn năng. Vì thế các cụ ngày xưa thường gọi Ngài là Đấng vô sở bất năng.

Chúahiện ra với Áp-ram và phán, “Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng (El Shaddai). Hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống cuộc đời thánh thiện.”(Sáng Thế 17:1)

Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được. (Lu-ca 1:37)

Nhưng Đức Chúa Giê-su nhìn họ và phán, “Đối với loài người, việc

ấy không thể làm được, nhưng đối với Đức Chúa Trời thì mọi việc

đều được cả.” (Ma-thi-ơ 19:26

9. Ngoài những đặc điểm trên, Đức Chúa Trời còn có đặc điểm nào

nữa chăng?

Đức Chúa Trời còn có nhiều đặc điểm khác nữa. Chúng ta không thể kể hết các đặc điểm của Ngài ở đây. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể kể thêm một vài đặc điểm khác của Ngài; chẳng hạn như: đức thánh khiết, đức công chính, đức yêu thương, đức chân thật, đức thành tín, và đức thiện hảo.

10. Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết có nghĩa gì?

Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết có nghĩa rằng Ngài thánh sạch hoàn toàn. Trong Ngài không có chút chi xấu xa, ô uế, và tội lỗi.

Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh.

(Lê-vi 19:2; 1 Phi-rơ 1:15-16).

Lạy Chúa, trong vòng các thần, có ai giống như Ngài?

Ai có thể sánh được với Ngài,

Đấng uy nghi thánh khiết,

Đấng vinh hiển đáng kinh,

Đấng làm việc diệu kỳ?(Xuất Hành 15:11).

11. Thế nào là Đức Chúa Trời công chính?

Đức Chúa Trời công chính có nghĩa là Ngài luôn luôn đúng. Ngài ngay thẳng và công bình một cách tuyệt đối. Ngài không thiên vị ai. Ngài ban thưởng cho người ngay lành thánh thiện và Ngài đoán phạt những kẻ gian ác tội lỗi. Dù yêu thương ai đến bao nhiêu, Ngài cũng không thể coi kẻ có tội là vô tội.

Bấy giờ Phi-rơ mở miệng nói với họ, “Quả thật, tôi biết Đức Chúa Trời không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Ngài và ăn ở ngay lành, bất luận là dân tộc nào, đều cũng được Ngài chấp nhận.

(Công Vụ 10:34-35).

Ngài sẽ phán xét thế gian trong sự công chính;

Ngài sẽ xét xử muôn dân trong sự chính trực.

(Thánh Thi 9:8).

“Chúa! Chúa!

Là Đức Chúa Trời thương xót và đầy ơn,

Chậm giận,

Tràn đầy tình thương và chân thật,

Thương ai thì thương đến ngàn đời,

Tha thứ tội ác, vi phạm, và tội lỗi,

Nhưng không kể kẻ có tội là vô tội,

Do tội của ông bà cha mẹ mà con cháu bị vạ lây đến ba bốn đời.”

(Xuất Hành 34:6-7).

12. Thế nào là Đức Chúa Trời yêu thương?

Yêu thương là bản tánh tự nhiên của Đức Chúa Trời. Ngài không thể không yêu thương được. Lúc nào Ngài cũng là Đấng yêu thương. Ngài chính là nguồn của tình yêu. Kinh Thánh dạy:

Ai không yêu thì không biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là tình yêu.(1 Giăng 4:8).

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin Con ấy, không bị chết mất, mà được sự sống đời đời.(Giăng 3:16)

13. Thế nào là Đức Chúa Trời chân thật?

Ngài luôn luôn thành thật. Chân thật là bản chất của Ngài. Chính Ngài là chân lý. Ngài là nguồn của mọi chân lý. Đức Chúa Trời không bao giờ nói dối vì bản chất của Ngài là chân thật. Tất cả sự thật đều phát xuất từ Ngài. Ngài là sự thật tối hậu.

Người nào tin nhận lời chứng của Ngài đều xác quyết rằng Đức Chúa

Trời là chân thật.(Giăng 3:33).

… thể nào anh chị em đã từ bỏ các thần tượng mà quay về với Đức

Chúa Trời, để phục vụ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật.

(1 Thê-sa. 1:9b).

14. Thế nào là Đức Chúa Trời thành tín?

Đức Chúa Trời không bao giờ thất hứa. Những gì Ngài hứa thì Ngài sẽ thực hiện đúng theo thời điểm tốt nhất mà Ngài đã định.

Ta sẽ không vi phạm giao ước của Ta,

Ta cũng không thay đổi lời môi Ta đã phán.

(Thánh Thi 89:34).

Đức Chúa Trời là Đấng thành tín; Ngài đã gọi anh chị em vào sự hiệp thông với Con Ngài, Chúa Cứu-thế Giê-su, Chúa chúng ta. (1 Cô-rinh-tô 1:9).

Bây giờ tôi sắp sửa đi qua con đường mà mọi loài mọi vật trên đất phải đi qua. Tất cả anh chị em đều biết rõ trong lòng và trong tâm hồn mình rằng mọi điều tốt đẹp mà Chúa, Đức Chúa Trời của anh chị em, đã hứa với anh chị em, thì không một điều nào mà Ngài không thực hiện. Tất cả đều được ứng nghiệm cho anh chị em; không có điều nào mà Ngài không làm cả.

(Giô-sua 23:14).

15. Thế nào là Đức Chúa Trời thiện hảo?

Đức Chúa Trời là Đấng tốt hoàn toàn. Ngài nhân từ. Trong Ngài không có chút ý xấu nào. Ngài luôn luôn muốn ban điều tốt nhất cho chúng ta, những người tin thờ Ngài.

Vì Chúa thật tốt;

Tình thương của Ngài hằng còn mãi mãi,

Đức thành tín của Ngài còn đến muôn đời.

(Thánh Thi 100:5).

Ngài đã không tiếc chính Con Ngài, nhưng vì tất cả chúng ta mà

phó Con ấy cho, lẽ nào Ngài sẽ không ban cho chúng ta mọi sự cùng

với Con ấy sao?

(Rô-ma 8:32).

16. Đức Chúa Trời có mấy ngôi?

Đức Chúa Trời có ba ngôi. Ba Ngôi đó là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh. Ba Ngôi hiệp lại thành một Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có Ba Ngôi nhưng không phải là ba Đức Chúa Trời. Đây là một lẽ đạo rất khó hiểu đối với trí tuệ hữu hạn của chúng ta.

Khi chúng ta nhìn lên bầu trời, chúng ta không thể biết bầu trời trên đầu chúng ta cao bao nhiêu và có những gì trong đó. Cho dù chúng ta có thể dùng tốc độ của trí tưởng tượng để ngày đêm đi về biên giới của vũ trụ thì suốt đời chúng ta cũng không thể nào đi hết, vì vũ trụ do Đức Chúa Trời dựng nên không có biên giới. Ngay cả trong con người chúng ta, chúng ta cũng chưa biết rõ hết những diệu kỳ trong cơ thể của mình. Nếu những gì mắt chúng ta có thể thấy mà chúng ta còn chưa hiểu rõ thì làm sao chúng ta có thể hiểu một cách tường tận về Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên mọi sự đó được? Chúng ta đành chấp nhận trí óc mình hữu hạn và lấy lòng đơn thành tin rằng Đức Chúa Trời có ba ngôi, vì Kinh Thánh đã dạy chúng ta như thế.

Chúng ta có thể tạm dùng biểu tượng của nước (H2O) để minh họa về lẽ đạo Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Nước dù ở thể lỏng, thể rắn (nước đá), hay thể khí (hơi nước), thì cũng đều là nước (H2O) cả. Một nhưng cũng là ba và ba cũng là một. Sự rắc rối là ở chỗ nầy, nhưng đó lại là sự thật.

Hỡi I-sơ-ra-ên, xin hãy nghe: Chúa, Đức Chúa Trời chúng ta, là Chúa độc nhất vô nhị. Anh chị em hãy yêu kính Chúa, Đức Chúa Trời của anh chị em, một cách hết lòng, hết linh hồn, và hết sức mình. (Phục Truyền 6:4).

Đức Chúa Trời phán, “Chúng Ta hãy dựng nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta, và theo hình dạng Chúng Ta, để chúng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài thú rừng trên đất, và mọi loài vật bò trên mặt đất.”(Sáng Thế 1:26).

Còn Đức Chúa Giê-su, khi chịu báp-têm xong, Ngài bước lên khỏi nước; và kìa, các từng trời mở ra, Ngài thấy Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống trên Ngài, như một chim bồ câu; và có tiếng từ trời phán rằng, “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn.”

(Ma-thi-ơ 3:16-17).

17. Nếu đã biết Đức Chúa Trời là Đấng như thế thì chúng ta nên có

thái độ nào đối với Ngài?

Chúng ta phải yêu kính Ngài, thờ phượng Ngài, và làm rạng danh Ngài.

1) Yêu kính Chúa

Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí, và hết sức mà yêu kính

Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.

(Mác 12:30).

2) Thờ phượng Chúa

Xin hãy đến, chúng ta hãy sấp mình xuống thờ lạy Chúa;

Chúng ta hãy quỳ gối xuống trước mặt Chúa, Đấng Tạo Hóa của

chúng ta.

Vì Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta,

Chúng ta là con dân của đồng cỏ Ngài,

Là đàn chiên do tay Ngài dìu dắt.

(Thánh Thi 95:6-7).

Đức Chúa Giê-su phán với nó, “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra khỏi Ta.

Vì có lời chép rằng, ‘Ngươi chỉ thờ lạy Chúa là Đức Chúa Trời

của ngươi, và chỉ phục vụ một mình Ngài mà thôi’.”

(Ma-thi-ơ 4:10).

Bây giờ nếu anh chị em không muốn thờ Chúa, thì hôm nay anh chị em muốn thờ thần nào, cứ chọn lấy mà thờ, hoặc các thần mà tổ phụ anh chị em đã thờ bên kia sông Cả, hoặc các thần của dân A-mô-ri trong xứ anh chị em đang sống đây; nhưng riêng phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục thờ Chúa. (Giô-suê 24:15).

3) Làm rạng danh Chúa

Vậy, anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm sự chi khác, hãy làm tất cả vì vinh hiển của Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 10:31).

Mục Sư Đặng Ngọc Báu