te-sa-lo-ni-ca-thanh-co-nguon-hy-vong-1

Sứ đồ Phao-lô thân yêu để lại dấu chân mình trên Tê-sa-lô-ni-ca Thành Cổ. Thành Cổ đã đổ nát và người ta xây dựng lại ngay trên cảnh hoang tàn đó. Không đại thánh đường đồ sộ nào để kỷ niệm con người, chức vụ và lời giảng lừng lẫy của Phao-lô – về phương diện kiến trúc vật chất. Còn phượng diện tâm linh và lịch sử Hội thánh? Phao-lô đã in dấu ấn mẫu mực tuyệt vời của Bàn Chân Ðẹp truyền rao Tin Lành rạng rỡ!
te-sa-lo-ni-ca-thanh-co-nguon-hy-vong-2
Bờ biển Tê-sa-lô-ni-ca

Dân du lịch am tường thường nói, “Nếu bạn muốn gặp A-lịch-sơn Ðại đế, hãy đến Tê-sa-lô-ni-ca, vì A-lịch-sơn đang sống mạnh và sống khỏe tại thành phố lịch sử nầy!”  Khách sạn thanh lịch nằm bên cạnh (công viên) Aristotle Park, ở cuối (đường) Aristotle Street.  A-rít-tốt là giáo sư của cả A-lịch-sơn và vua cha Philip.

Qua công viên A-rít-tốt cỏ hoa rực rỡ, ngang (đường) Nikis Street dễ thương, bạn thư giãn thả bộ đến hải cảng thơ mộng, ngắm nhìn du thuyền lướt sóng qua lại, hay vào đậu bến mơ. Bước thêm một quảng đường tình, bạn đến đài kỷ niệm A-lịch-sơn và White Tower (Tòa Tháp Trắng).

te-sa-lo-ni-ca-thanh-co-nguon-hy-vong-3
Tê-sa-lô-ni-ca nhìn từ trên cao

Tê-sa-lô-ni-ca Thành Cổ được tướng Cassandra, em rể của A-lịch-sơn xây dựng năm 315 Trước Chúa, lấy tên của vợ mình, Thessaloliki. Tê-sa-lô-ni-ca phát triển và phồn thịnh hơn cả A-thên trong thời Byzantine, và hiện nay, Tê-sa-lô-ni-ca là thành phố lớn thứ nhì của Hy lạp, ngay sau A-thên. Tê-sa-lô-ni-ca tuyệt vời duyên dáng, thu hút, mời gọi du khách gần xa.

Khi Phao-lô đến Hy lạp, Tê-sa-lô-ni-ca là thành phố lớn, với 65 ngàn dân, tường thành bề thế bao bọc và là thủ phủ kiêu sa của Ma-xê-đoan lừng lẫy. Tê-sa-lô-ni-ca là một trong những thành phố lớn nhất, sầm uất nhất của đế quốc La-mã một thời vang bóng.

 te-sa-lo-ni-ca-thanh-co-nguon-hy-vong-4
White tower – Tòa Tháp Trắng

Theo Công Vụ 17, Phao-lô đến Nhà Hội của người Do thái, giảng dạy về Chúa Cứu Thế Jesus. Cộng đồng Do thái khá lớn và phát đạt hàng thiên niên kỷ. Gần đây, năm 1936 nhật báo tiếng Hy-bá-lai của người Do thái phát hành và phổ biến rộng rãi, là một trong những nhật báo dẫn đầu toàn cõi Hy lạp. Thời đó, Tê-sa-lô-ni-ca thường được gọi là Thành Phố Do Thái (Jewish City).

Nếu thăm viếng Tê-sa-lô-ni-ca thân yêu của mình năm 2014 nầy, sứ đồ Phao-lô sẽ gặp rất ít người đồng hương Do thái. Tại sao? Vì trong Thế Chiến thứ II, hầu hết người Do thái đã chết trong trại tập trung, lò hơi ngạt, hay tị nạn tạ Hoa kỳ và các quốc gia Tây phương khác. Họ bỏ tất cả để giữ lấy thân – tìm đất sống. Mẹ già, vợ trẻ, con thơ dìu dắt nhau – tránh cuộc lùng bắt và tàn sát dã man của Ðức quốc xã. Họ đã vĩnh viễn ra đi và sợ hãi khi nhìn lại cảnh diệt chủng đau thương tàn khốc – nơi Phao-lô để lại con tim.

te-sa-lo-ni-ca-thanh-co-nguon-hy-vong-5
Nhà thờ Agia Sophia

Nhờ Phao-lô nhiệt tình bền bỉ giảng dạy Ðấng Christ không ngừng nghỉ , nhiều người Do thái tin nhận Chúa Cứu Thế Jesus – trong đó có khá đông phụ nữ trưởng giả, giàu có và người Hy-lạp kính sợ Ðức Chúa Trời . Vì ảnh hưởng của Phao-lô và Hội thánh tăng trưởng nhanh chóng, mạnh mẽ, một số người Do thái ganh tức, bực bội. Họ xúi giục băng đảng, côn đồ gây rối loạn và tìm kiếm Phao-lô để hành hung.

Ðám đông hổn loạn kéo đến nhà Gia-sôn, tìm bắt Phao-lô và Si-la để – thi hành công lý của “toà án nhân dân?”  Không tìm được Phao-lô và Si-la, họ kéo Gia-sôn và một số anh em tín hữu đến trước chính quyền thành phố, tố cáo Phao-lô và Si-la “gây rối loạn trong thiên hạ và Gia-sôn đã chấp chứa đám phản loạn.”

te-sa-lo-ni-ca-thanh-co-nguon-hy-vong-6
Tượng A-lịch-sơn Đại đế

Phao-lô và Si-la “phản loạn” như thế nào? “Cả bọn đều có hành động chống lại luật lệ Sê-sa, nói rằng có một vua khác, là Jesus!”  Chính quyền phản ứng ra sao? “Nghe những lời tố cáo ấy, dân chúng và nhà cầm quyền đều náo động. Họ đòi Gia-sôn và các người khác nộp tiền thế chân theo luật định, rồi thả ra!” (Công Vụ 17:1-9).

Ngay trong đêm đó, anh em đưa Phao-lô và Si-la đến Bê-rê – sau ba tuần lễ ngắn ngủi nổ lực truyền rao sứ điệp cứu rỗi của Chúa Jesus kính yêu – với kết quả tuyệt vời rạng rỡ.

Ðọc thư gửi Hội thánh Tê-sa, chúng ta biết Phao-lô viết từ Cô-rinh-tô, một thời gian ngắn sau khi rời anh chị em tín hữu thân yêu tại Tê-sa.  Có lẽ Phao-lô đã ở Tê-sa-lô-ni-ca lâu dài hơn là ba tuần lễ, và hầu hết tín hữu là thành phần bình dân, lao động.

 te-sa-lo-ni-ca-thanh-co-nguon-hy-vong-7
Kiến trúc đồ sộ quen thuộc trên núi đá chơi vơi tại Tê-sa-lô-ni-ca và cả Hy Lạp

Phao-lô hòa nhập vào cuộc sống lao động nhọc nhằn đó. Anh, Chị nhớ lời Phao-lô viết trong 1 Tê-sa 2:9? “Hẳn anh chị em còn nhớ nỗi lao nhọc, vất vả của chúng tôi. Trong khi rao giảng Tin Lành cho anh chị em, chúng tôi làm việc ngày đêm để không trở thành gánh nặng cho một ai trong anh chị em.”

Ông khen ngợi họ trước mặt Ðức Chúa Trời về “công việc của đức tin anh chị em, công lao của lòng yêu thương, sự kiên nhẫn trong hy vọng của anh chị em nơi Chúa chúng ta là Ðức Chúa Jesus Christ” (1:3).

Phao-lô nhắc lại việc tín hữu Tê-sa ân cần tiếp đãi ông và Si-la. Họ đã quay về với Ðức Chúa Trời, từ bỏ thần tượng để phục vụ Ðức Chúa Trời hằng sống và chân thật (1:9).

Thời đó, Tê-sa-lô-ni-ca là thành phố của nhiều tà giáo – phản ảnh đô thị náo nhiệt, phức tạp, đa văn hóa. Mấy thập niên gần đây, khảo cổ học đã đào bới và tìm ra nhiều nơi thờ phượng Greek Pantheon (đền thờ Bách Thần Hy Lạp) và vô số các điện thờ tà thần khác.

te-sa-lo-ni-ca-thanh-co-nguon-hy-vong-8
Quảng trường theo kiến trúc La Mã

Các nhà khảo cổ và học giả tin rằng Phao-lô sống tại Tê-sa-lô-ni-ca một thời gian dài chứ không phải ba tuần lễ. Ông nổ lực ngày đêm lao động, nhiệt tình rao giảng Tin Lành và xây dựng Hội thánh giữa một cộng đồng chìm ngập trong mê tín, dị đoan, hương khói thờ lạy tà thần.

Tê-sa-lô-ni-ca là bằng chứng sống động, hùng hồn về Huyết Báu Chiên Con Thánh và quyền năng đổi mới, của Ðức Thánh Linh. Tạ ơn Chúa, trong ơn và năng quyền mầu nhiệm Chúa Phục sinh, Phao-lô, người hăm dọa, lùng bắt, trói giải và sát hại Hội thánh năm xưa trở thành nhà truyền giáo đầy ơn, xây dựng một Hội thánh tăng trưởng tuyệt vời – gương mẫu, phục vụ, yêu thương, kiên nhẫn, hy vọng.

Tạ ơn Chúa về những Bàn Chân Ðẹp truyền giáo. Tạ ơn Chúa về những Phao-lô của thế kỷ 21 “cư xử dịu dàng như một người vú săn sóc các con mình” (2:7), sẵn sàng chia xẻ với anh chị em cả chính mạng sống mình (2:8), và nhiệt tình ngày đêm lao nhọc để rao giảng Tin Lành, xây dựng Hội thánh Ðấng Christ.

Hãy để Chúa làm tươi mới lòng, chữa lành, bồi dưỡng và ban phước Anh, Chị. Hãy cùng nhau bắt chước sứ đồ Phao-lô, vì chính ông noi theo gót chân Chúa. Mời Anh, Chị, Em Bước Theo Gót Chân Phao-lô trên Hành Trình Ðất Hy Lạp tháng 10, 2014 nầy với chúng tôi. Amen.

MỤC SƯ HỒ XUÂN PHƯỚC