HTTL Hà Nội – Một điều thú vị khi chúng ta nghiên cứu về lịch sử Tin Lành tại Việt Nam, chúng ta luôn muốn biết ai là người Việt theo đạo Tin Lành ở Việt Nam đâu tiên? Quả thực đây là câu hỏi rất khó trả lời vì chúng ta không thể biết một cách chính xác, duy chỉ Chúa biết rõ điều này. Tuy nhiên chúng ta có thể tìm thấy người Tin Lành đầu tiên ở Việt Nam tin Chúa trước năm 1911 mà người này được ghi danh và có sử liệu về ông một cách rõ ràng hơn những người khác. BBT xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết này.

Keywords:Phân tích sử liệu Tin Lành, Tin Lành Việt Nam, Lịch sử Tin Lành Việt Nam.

Nguyễn Trọng Bình (*)

I. Dẫn nhập

Tìm kiếm, hoặc khẳng định một điều nào đó thực tế đã diễn ra trong quá khứ là điều thú vị mà bất kỳ một người nghiên cứu lịch sử nào cũng phấn khích. Nhất là với người Tin Lành, bởi họ sẽ biết trân trọng và ngợi khen Chúa về những gì Chúa đã làm một cách kỳ diệu qua lịch sử. Tác giả bài viết này hiểu và cảm nhận được nhiều niềm vui mừng khi có rất nhiều tôi con của Chúa trong và ngoài nước đã thành công trong việc tìm kiếm những điều Chúa đã làm và phát hiện ra những nhân vật, cộng đồng Tin Lành từ trước năm 1911, nhất là công trình nghiên cứu của Ts Đặng Ngọc Phúc (2011).

Bài khảo cứu này sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn trân trọng hơn trong sự hạ mình, khiêm nhường, để một đại bộ phận trong giới Tin lành khoan vội nói trước 1911 không hề có một người Việt theo Tin lành vì đó là lời tuyên bố “vội vàng”, “rất sai lầm” nếu như không muốn nói là mang tư tưởng mà ta tạm gọi là “tư tưởng C&MA máy móc”, thậm chí đôi khi là “hẹp hòi”, “tư tưởng tự tôn C&MA”. Chúng ta hiểu rằng lòng tự hào là điều dễ thấy và không sai, bản thân tôi cũng có lòng tự hào C&MA và người khác phải tôn trọng, tuy nhiên khi nó được đề cao một cách thái quá, thì nó đều trở thành những hình thái tư duy “khai trừ” và họ sẽ chỉ nhìn thấy mình nhưng không hề nhìn thấy những công khó của người khác, không thể hiệp một với người khác đặc biệt là những gì Chúa đã chuẩn bị cho Tin lành được rực sáng ở Việt Nam mà chính họ là người được giáo phó cho sứ mệnh ấy. Do đó điều trước tiên tác giả của bài viết muốn mọi người có một cái nhìn rộng hơn , đồng thời cũng khẳng định bài viết này không phê phán bất kỳ ai mà đơn giản là trình bày “sự thật”.

II. Vài dấu vết từ Lịch sử

Điều đầu tiên chúng ta cần phải nhắc lại vài điều về Lịch sử về đạo Chúa đến với Việt Nam, vì có những tài liệu mà cả học giả Công giáo lẫn Tin lành đều đề cập dựa trên nguồn tư liệu mà những người Công Giáo để lại, trong đó Linh mục Pedro Ordonez de Cevallos – người làm phép Báp-tem cho Công chúa Mai Hoa trong đời nhà Lê (22/05/1591) đề cập sứ đồ Thô-ma được xem là người đầu tiên mang đạo Chúa đến Việt Nam (Giao Chỉ, Cửu Chân) vào thế kỷ thứ I SCN. Tuy nhiên việc sứ đồ Thô-ma mang Tin Lành đến Việt Nam vẫn là điều vô cùng khó giải thích vì thiếu cứ liệu lịch sử bổ khuyết và khoảng thời gian này là quá sớm. Dù vậy, các nhà giáo sử vẫn ghi lại điều này bởi chúng ta không biết chính xác một cách chi tiết điều gì về ông cho đến lúc ông tuẫn đạo khoảng năm 72SC tại Ấn Độ[1].

Công cuộc truyền giáo của sứ đồ Thô-ma tiếp tục được các môn đệ của ông kế thừa. Theo Linh mục Nguyên Hồng, “trước thế kỷ thứ IV, tòa Tổng Giám Mục Catholicos Seleuci – Ctésiphon đã có nhiều địa phận ở Đông Nam Á, như ở Đảo Socotara, Tích Lan, Malatabartaria Ấn Độ, Giáo Đoàn Tartaria và Trung Hoa” (Duchesne. Les Églises Séparées) [2]. Đối với Việt Nam và vùng Đông Nam Á, đạo Chúa được rao giảng từ sớm những năm đầu của thế kỷ thứ III SCN do các môn đệ của Thô-ma rao truyền, họ từ Ấn Độ theo tàu buôn vào Việt Nam [3].

Điều thú vị tiếp theo, Đại Việt Sử Ký và Việt Sử Tân Biên cũng là những tài liệu nói Sĩ Nhiếp (mất năm 226) cũng đã tin, thờ Chúa và xây đền thờ tại Thanh Hoá (Cửu Chân) và đưa thánh giá Chúa Giê-xu vào các đền thờ. Người ta thuật lại: “Ông chết hưởng thọ 90 tuổi vào năm 226. Vào 160 năm sau, người Lâm – Ấp lên xâm chiếm đất Việt, mở mộ ông, thấy xác vẫn còn nguyên như khi vừa mới chết. Con cháu ông còn giữ đạo Chúa đến năm đời mới thôi.” (Petrus Trương Vĩnh Ký, Cours d’histoire d’Annam, Saigon. xb. 1875)”[4]. Đến đời của vua Lê Anh Tông (1557-1573), khi sửa một vài đền đài cổ, người ta thấy trong bức tường có hình thập tự giá rất cổ từ đó vua ra lệnh trọng đãi với các nhà truyền đạo[5].

Việc buôn bán giữa Ấn Độ và Trung Hoa qua Việt Nam (Giao Chỉ) đã bắt đầu từ thế kỷ thứ I SCN và vì vậy có lẽ các môn đệ của sứ đồ Thô-ma cũng đã theo ngả này [6]. Giáo sư Viện sĩ Trần Ngọc Thêm cũng cho biết vùng đất Đông Nam Á là đích nhắm cũng như chạm dừng chân rất quan trọng của những cuộc trao đổi hàng hóa trên con đường biển từ Phương Tây đến Trung Hoa. Đối với Việt Nam, những người phương Tây đã đến nước ta từ đầu công nguyên, những đồng tiền vàng in hình những vị hoàng đế phương Tây bấy giờ được tìm thấy ở Óc Eo (An Giang), Thừa Thiên, Ba Vì cho thấy mầm mống của sự hiệp thương, mầm mống của sự giao lưu văn hóa. Gs. Trần Ngọc Thêm cho biết chi tiết vê dấu tích các cuộc trao đổi hàng hóa như sau:

“Dấu tích của các cuộc trao đổi này là những tấm mề đay bằng vàng ghi năm 152(thuộc triều đại hoàng đế Antoni le Pieux), những đồng tiền vàng in hình hoàng đế Marcus Aurelins (161-180 SCN), những đồ trang sức sản xuất ở Rô-ma tìm thấy ở Óc Eo (An Giang). Những đồng tiền vàng in hình hoàng đế Antoni cũng tìm thấy cả ở vùng Thừa Thiên và vùng núi Ba Vì (Sơn Tây). Tại Ba Vì còn tìm thấy cả những đồng tiền muộn hơn, thuộc thời đại hoàng đế Constantine đệ nhất (306-337) và thời đại Byzance (Thế kỷ V). Ngay từ cuối thế kỷ II, nhà địa lý học Claudius Ptolémée đã là người đầu tiên vẽ bản đồ vùng Đông Nam Á (in trong bộ Geographica).” (Trần Ngọc Thêm, 2006)[7]

Do đó, việc đạo Chúa được rao truyền sớm ở Việt Nam là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thời gian tiếp theo đến trong một bối cảnh đa tôn giáo, sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, Việt Nam đã có sự định cư của những người Cảnh giáo (Nestorian) là những người Cơ Đốc có “những phần tín lý” giống với giáo lý của các hệ phái Tin Lành ngày nay, họ là người Canh Đê đã từ Ba Tư vào miền Bắc Việt Nam (Đại Cồ Việt) khoảng những năm 982-983 đời Vua Lê Đại Hành [8]. Trong khi cả Linh mục Nguyên Hồng, Ts Phạm Huy Thông (Công giáo), thậm chí Mục sư Lê Hoàng Phu đều lướt qua chi tiết này thì Ts Đặng Ngọc Phúc (Tin Lành) đã trình bày công trình nghiên cứu của mình một cách sâu sắc hơn và phát hiện cộng đồng Cảnh giáo tồn tại ở Hà Nội (Tống Bình) từ cuối thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ thứ 8 (713) và có tu sĩ Cảnh giáo đến đây để hầu việc Chúa [9]. Năm 754, 878, có thêm những người Cảnh giáo từ Quảng Châu di cư xuống Hà Nội. Năm 845, Cảnh giáo ở Trung Hoa phải ngưng hoạt động 20 tháng, dù đã có những ngày tháng nỗ lực trở lại xong không cảnh giáo không thể phục hồi điều này ảnh hưởng đến người Cảnh giáo ở Việt Nam dần dần họ đã lần lượt ra đi. Đến khi thuận tiện, người Cảnh giáo quay lại tìm cộng đồng thì chẳng còn ai (Đặng Ngọc Phúc, 2011) [10].

Phải đến thời kỳ Phục Hưng, sau những chuyến viễn du của thuyền trưởng người Bồ Đào Nha Vasco de Gama, cuộc giao lưu giữa phương Tây với Việt Nam và Đông Nam Á đã thực sự được khôi phục, diễn ra liên tục[11]. Những người phương Tây đến với nước ta đến từ những nước Công Giáo và cả những nước đã đón nhận niềm tin Cảnh chánh như Hà Lan, Pháp, Anh… họ đến nước ta để giao thương và kéo theo đó là sứ mệnh truyền giáo. Linh Mục Nguyên Hồng cho biết trong cuốn gia phả họ Đỗ, làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc,tỉnh Thanh Hóa có ghi con thứ cụ Đỗ Trung Kỷnh tên là Đỗ Hưng Viễn, ông là em của cụ Đỗ Viên Đức, anh của cụ Đỗ Công Biều là người theo đạo Hoa Lang [12]. Từ đây xuất hiện các nghiên cứu có đôi chút khác nhau giữa các học giả Công giáo và Tin Lành, cả Ts Đặng Ngọc Phúc và Ts Phạm Huy Thông (Công giáo) đều đưa ra nhận định có khác nhau của mình về thuật ngữ “Hoa Lang”. Ts Đặng Ngọc Phúc cho biết, theo nhận định của Linh mục Constant Poncent, ông Đỗ Hưng Viễn đã tin Chúa khoảng 1560-1570 và đạo Hoa Lang là đạo của người Hòa Lan (Hà Lan) chỉ về đạo Tin Lành chứ không phải Công giáo. Tuy nhiên các Linh mục khác cho rằng đạo Hòa Lan chỉ về Công Giáo vì có sự hiểu nhầm. Tuy nhiên cũng có các linh mục khác cho rằng Hoa Lang là thuật ngữ chung chỉ cho Cơ đốc giáo (cả Công giáo và Tin Lành)[13]. Đây là điều rất thú vị, vì nếu Hoa Lang là thuật ngữ chỉ chung cho cả Công giáo và Tin Lành thì sử liệu Tin Lành cũng phải ghi tên ông Đỗ Hưng Viễn vào sử liệu.

Ngoài việc phân tích sự kiện mười năm trước khi các giáo sĩ dòng Tên đến Việt Nam và thành công trong việc truyền giáo, đã có những Cộng đồng Cơ Đốc mà không rõ ai đã thành lập tại Đàng Ngoài [14], TS Đặng Ngọc Phúc, còn công bố công trình của mình với một loạt những nỗ lực, đóng góp đáng kể của người Tin Lành Hà Lan, cũng như Hội Thánh Cải Chánh Hà Lan đã làm tại Việt Nam để hình thành cộng đồng Cơ Đốc tại Hà Nội (Kẻ Chợ) cũng như tại Việt Nam trong 63 năm từ (1637-1700)[15]. Trong đó cách truyền giáo bằng cách kết hôn với người bản địa với Luật nghiêm ngặt là người bản địa phải tin Chúa của người Hà Lan đã cho Đặng Ngọc Phúc khám phá ra hai người trong nhiều người nữ mà ông cho rằng có rất có thể họ là những người nữ Việt Nam theo Tin Lành đầu tiên trong giai đoạn này, đó là mẹ của Samuel Baron và vợ Mục sư Joannes de Leonardis-người đã lấy vợ Việt Nam[16].

Cũng trong công trình nghiên cứu tìm những người Tin Lành đến Việt Nam trước 1911 vào năm 2011 của mình, Đặng Ngọc Phúc cũng không quên trình bày về những người Tin Lành Pháp, Hội Thánh Cảnh Chánh Pháp, Thánh Kinh Hội, các Hiệp hội khác v.v. đặc biệt là những sử liệu quý về vị bác sĩ Tin Lành đầy cống hiến Bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) đã đến truyền giáo âm thầm ở Việt Nam từ 1890; hai nhân vật để lại sử liệu chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam là Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) và Mục sư Charles Gutzlaff (1803-1851) đều là những nghiên cứu quý báu. Cũng như  những đóng góp của những người Tin lành Anh, Mỹ và cuộc đời của những tôi tớ Chúa C&MA vào Việt Nam từ sớm. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi Ts Đặng Ngọc Phúc không nhắc đến Đội Dương, Nguyễn Văn Phúc hay một nhân vật khác mà chính ông phát hiện ra là Ông Hy.

III. Về Đội Dương, Nguyễn Văn Phúc, Ông Hy

Chi tiết về những hoạt động của giới Tin Lành Pháp tại Việt Nam cũng như tại Hà Nội có thể xem chi tiết trong phần Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Hà Nội trong phần B1911.

Vào năm 1902, giới Tin Lành Pháp có hai Hội Thánh được lập thêm ở Hà Nội (tại phố Hàng Da), Sài Gòn (2bis đường Norodom- nay là Lê Duẩn) , sau đó là tại Đà Lạt. Có thể kể đến những Mục sư Pháp hầu việc Chúa tại Hà Nội Trước năm 1911: Adolphe de Richemond (1898-1901), Jacques Pannier (1902-1905), Louis de Saint-André (1904-1911) [19]. Tuy không thành công mạnh mẽ trong sứ mệnh truyền giáo, nhưng Hội Thánh Tin Lành Pháp đã có một nỗ lực không nhỏ tại Việt Nam. Đối với Đội Dương, năm 1909, Đội Dương đã tin Chúa ở Việt Nam qua việc đọc Kinh Tân Ước từ một sĩ quan Tin Lành Pháp tặng và được xem là tín hữu Tin Lành Việt Nam đầu tiên[20].

Khoảng chín năm sau khi Đội Dương tin Chúa, tức vào năm 1918,  Hội Thánh Tin lành cải chánh Pháp bắt đầu chiến lược phổ biến Tin lành cho người Việt với chủ định thành lập một phái bộ nghiên cứu cho kế hoạch truyền giáo tại Đông Dương. Sau đó ngày 21/03/1921 tại Pháp, Phái bộ với 4 thành viên đầu tiên là Mục sư Paul Monet, Mục sư Ulysse Soulier, Truyền đạo Samuel Vũ Tam Thất, cùng Ðội Dương ngày nào cũng đã trở thành truyền đạo và nhóm này đã họp từ giã tại Nhà nguyện phố Madame (Paris) lên kế hoạch về Hà Nội. Phải đến cuối tháng 2/1922 phái bộ mới quay trở về Hà Nội để thực hiện kế hoạch[21]. Về đến Hà Nội, Mục sư Paul Monet bắt đầu tiến hành thành lập “Việt Nam thanh niên hội” để tiến hành sự gây thiện cảm và phục vụ cho tầng lớp sinh viên, thanh niên. Tại Hà Nội, cơ sở sinh hoạt được đặt tại số 5, phố Vọng Đức. Hội thanh niên này cũng đã ảnh hưởng phần nào đến với giới trẻ, có khá nhiều nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam cũng tham gia hội này. Tuy nhiên họ gặp khó khăn và đến năm 1925 kế hoạch của họ bị phá sản.  Sau này họ chỉ  duy trì rất hạn chế tại 04 trung tâm chính: Hà Nội và Hải phòng dừng hoạt động trước 20/07/1954; tại Sài gòn và Đà Lạt dừng hoạt động trước 30/04/1975. Dù vậy, họ cũng có nỗ lực và nhiều đóng góp cho cho cả giới Tin Lành Mỹ truyền giáo ở Trung Kỳ và Tây Nguyên, cũng như vào thời Mục sư Thomas Calas, ông đã giúp đỡ rất nhiều cho giới Tin Lành Việt Nam là Giáo hội ta cùng các tôi tớ Chúa, ngay Thánh Kinh Báo cũng có sự giúp đỡ từ Mục sư Thomas Calas để được cấp phép xuất bản. Ngay từ lúc phá sản với kế hoạch của mình, giới Tin lành Pháp đã suy ngẫm và đặt niềm hy vọng vào C&MA sẽ tiếp nối sứ mệnh của Chúa tại Việt Nam. Và tất nhiên niềm mong ước của họ đã được các giáo sĩ C&MA làm thành [22].

Mục sư Lê Hoàng Phu dù nghiên cứu rất kỹ về giới Tin Lành Pháp nhưng Mục sư đã hoàn toàn không ghi nhận những nỗ lực của họ trong sách lịch sử của ông. Tuy vậy, Mục sư Lê Hoàng Phu có nhắc đến “Trung sĩ Dương”, chỉ ngay điều này cho thấy Mục sư Phu đã nghiên cứu cẩn trọng về Đội Dương thể nào nhưng Mục sư Lê Hoàng Phu chỉ thuật lại Đội Dương tin Chúa trước năm 1911 và đặt câu hỏi chưa rõ là Đội Dương nghe Tin Lành ở Việt Nam hay ở Pháp. Còn Gs Đỗ Hữu Nghiêm cho biết Đội Dương là người Việt Nam theo đạo Tin Lành đầu tiên qua việc đọc Kinh Thánh Tân Ước do một sĩ quan Pháp tặng [23]. Cần phải nói Mục sư Lê Hoàng Phu đặt câu hỏi như vậy một phần là vì nhận thấy điểm yếu của người Pháp trong việc bày tỏ niềm tin một cách cá nhân cho người bản địa (Việt Nam). Nhưng điều này đã được cải thiện và cũng dễ hiểu vì những nỗ lực của người Pháp là nỗ lực đi từng bước với sứ mệnh “Thăm dò” của mình. Điều trước tiên là họ muốn gây thiện cảm đến với mọi người nhất là giới sinh viên bởi vốn dĩ họ bị đánh đồng là thực dân, là xâm lược. Giới Tin lành Pháp, thậm chí khuyên các sinh viên giữ lấy truyền thống, văn hóa, dân tộc. Điều này dễ nhìn thấy trong phương pháp “bằng hữu chứng đạo”, hay “mục vụ toàn diện”, hay “công tác xã hội” ngày nay… Tất nhiên có nhiều lý do khiến họ thất bại khác ngoài việc thiếu sự hiệp một, lòng kiên trì mà chúng ta sẽ bàn đến ở bài khác. Dù chúng ta biết, có thể người Pháp yếu về mặt cá nhân chứng đạo, nhưng không phải tất cả đều như vậy.

Giáo sĩ Reimer khẳng định ngược lại, ông cho rằng không có nghi ngờ gì về việc giới Tin Lành Pháp đã bày tỏ đức tin của mình một cách cá nhân cho các dân tộc ở Đông Dương[24]. Điều mà Giáo sĩ Reimer phân vân chỉ là ông cho rằng ít nhất vài nhân viên người Việt làm việc cho Thánh Kinh Hội (BFBS) từ 1890 trở đi có thể đã tin Chúa trước Đội Dương (1909). Giáo sĩ Reimer chia sẻ về một nhân vật có tên là “Nguyen Dinh Phuong” là người bắt đầu bán sách rong cho Thánh Kinh Hội (BFBS) từ năm 1904 và người này cũng là người đã cải đạo về sau này, ông cho rằng có thể nhân vật này tin Chúa trước Đội Dương [25]. Giáo sĩ Reimer dựa vào bài làm chứng được đăng trên Alliance Weekly (2/03/1917) do giáo sĩ E.F. Iwrin đăng tải về người Việt Nam đầu tiên tin Chúa. Tuy nhiên, điều thú vị là bài làm chứng này là của ông “Nguyễn Văn Phước” bị gõ lỗi thành “Nguyen Van Phouc” người mà C&MA báo cáo là người Việt đầu tiên tin Chúa qua mục vụ phân phối Kinh Thánh ở Việt Nam của ông Charles Bonnet, một người Pháp. Vào tháng 1/1912, giáo sĩ Paul Hosler làm phép báp-tem cho ông Nguyễn Văn Phúc[26]. Qua công trình nghiên cứu của Ts Đặng Ngọc Phúc về Thánh Kinh Hội, con dân Chúa có thể thấy chỉ trong năm 1903 có hơn 7000 cuốn Kinh Thánh được phân phối ở Việt Nam, cùng với rất nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh Thánh Kinh Hội[27].

Bài làm chứng của Nguyễn Văn Phước mà giáo sĩ Reimer có lẽ đã ghi nhầm tên ông là Nguyen Dinh Phuong, hoặc có thể ông có tên khác, đã cho chúng ta biết thêm về ông. Nguyễn Văn Phước nói rằng, Chúa đã “chọn” ông để phục vụ Ngài bắt đầu từ ngày 14/08/1904 cho đến nay (thời điểm đăng báo), trong suốt thời gian kể từ 14/08/1904-1911, ông đã đi khắp các vùng trên toàn cõi Đông Dương, miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam và cả Campuchia để bán các sách Kinh Thánh. Từ 1911-1913, Nguyễn Văn Phúc sống ở miền Bắc, rao bán Kinh Thánh ở nhiều nơi tại miền Bắc. Ông tạ ơn Chúa và mô tả có nhiều làng quyết định theo Chúa Giê-xu, thậm chí là nhiều làng Công Giáo tại miền Bắc ao ước từ bỏ tôn giáo của mình để theo Chúa Giê-xu (theo nghĩa cải đạo Tin Lành) và họ muốn theo nhóm của ông vì chính niềm tin của họ bị lung lay quá nhiều. Không chỉ có vậy họ còn muốn xây một nhà nguyện. Tuy nhiên một điều đáng để lưu tâm là khi ông đưa những người này đến gặp ông Bonnet thì, ông Bonnet trả lời phải đợi những nhà truyền giáo sang. Lần này đến lần khác Nguyễn Văn Phước đều phải nói từ chối, ông thể hiện sự nuối tiếc và cho rằng làm chứng tại vùng nông thôn dễ hơn là với thành phố, đặc biệt là với người Công giáo càng dễ cải đạo hơn nữa. Chính vì vậy, sau này các Linh Mục biết chuyện họ cấm tín đồ của mình mua sách của ông, trừng trị nghiêm khắc đối với tin đồ mua sách, đốt cháy những gì trong nhà; làng Thủy Tú được Nguyễn Văn Phước nhắc đến là có những người bị bách hại vì họ lưu trữ Kinh Thánh của ông. Sau khi bị mất Kinh Thánh, những người này tìm cách gặp Nguyễn Văn Phước để mua lại[28]. Một điều thú vị về Nguyễn Văn Phước là ông cho biết khi còn bán sách ở Trung kỳ (Annam) trước đây, nhận thấy một vùng đất màu mỡ ông đã Cầu nguyện cho anh em trong vòng “Hội Thánh” hiệp một với Thánh Kinh Hội cầu nguyện cho người miền Trung, và cũng cầu nguyện để Tin Lành có thể có có một chỗ đứng tại vùng miền Trung này[29]. Có rất nhiều điểm đáng phân tích ở đây:

Thứ nhất, việc Giáo sĩ Hosler làm phép Báp-tem cho Nguyễn Văn Phước vào 1/1912, ngoài ý nghĩa thuộc linh  là điều làm chỉ để ông gia nhập vào một Hội Thánh hữu hình bắt đầu có tính hệ phái, ở đây là thuộc hội đoàn truyền giáo liên hệ phái là C&MA, đánh dấu mốc cho sự “cải đạo”.  Còn việc ông tin Chúa thì chính sử liệu C&MA đã thừa nhận là hoàn toàn nhờ ông Bonnet từ trước.  Charles Bonnet có thể nói như dọn đường cho C&MA, ông đã để lại tiếng tốt cho người Tin Lành tại Việt Nam, ông không chỉ đưa Nguyễn Văn Phước cho C&MA mà cả tất cả những gì ông đã gieo, dọn đường tại miền Bắc (có cả ở Hà Nội), miền Trung, miền Nam Việt Nam, đặc biệt là chuyển nhượng lại cơ sở tại Đà Nẵng. Sau này giáo sĩ Tạp chí Al1iance Weekly vào tháng 8/1912 đã có một bài viết, bài viết này gần như chắc chắn là của giáo sĩ A.B. Simpson trong đó ca ngợi công khó của Bonnet đã để lại và cũng thừa nhận Nguyễn Văn Phước là “trái quả” của C. Bonnet[30].

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy có một tư tưởng nào đó thời bấy giờ chưa tiến bộ như ngày nay, khiến việc trì hoãn việc cải đạo, Báp-tem lại phải chờ đợi khi có các giáo sĩ đến mới được tiến hành như đã xảy ra ở trên. Dường như tư tưởng máy móc không có Mục sư, Truyền Đạo thì không thể cầu nguyện tiếp nhận Chúa hay không thể dạy giáo lý, làm thánh lễ Báp-tem là sự ngăn trở thời bấy giờ. Điều này, khiến nhiều người cho rằng có thể Nguyễn Văn Phước chưa cầu nguyện tiếp nhận Chúa và ông Bonnet vẫn yêu cầu ông đợi cho đến khi gặp các giáo sĩ C&MA, dù vậy đây chỉ là khả năng ít có thể xảy nhưng không phải là khả năng lớn sẽ xảy ra. Việc trì hoãn làm phép Báp-tem thì đã rõ nhưng việc trì hoãn tin Chúa hay cầu nguyện tiếp nhận Chúa thì chúng ta không thể biết được vì tin Chúa là vấn đề nội tại, là cái bên trong mỗi một con người. Nên từ đây chúng ta sẽ đưa ra thuật ngữ người Việt đầu tiên tin Chúa với niềm tin cải chánh hay “người theo tôn giáo Tin Lành đầu tiên”?

Thứ hai, việc Nguyễn Văn Phước tin Chúa trước 1909 là điều có thể xảy ra vì cách làm chứng của ông cho biết, ông nói rằng “Chúa đã chọn tôi để làm việc cho Ngài”, sau đó ông nêu ra thời gian, chọn từ khi nào, đó là từ: 14/08/1904. Đây là việc thường thấy khi một người tin Chúa họ thường ghi nhớ ngày mình tin Chúa. Đối với việc trở thành nhân viên bán sách nó không phải là một mốc thường xuyên để ghi nhớ chính xác ngày, tháng, năm để rồi sau này nhớ lại được chính xác ngày tháng năm đó. Nhưng nó sẽ là cột mốc nếu được gắn với yếu tố khác như yếu tố “tâm linh” một cách cá nhân. Ở đây Nguyễn Văn Phúc khi làm chứng lại thì ông có thể dùng từ “Chúa chọn” là cách nói bình thường, nhưng khi ông giải thích khi nào chọn thì là một điều khác. Đôi khi chỉ cần nói Chúa chọn ông khi bắt đầu làm cho ông Bonnet là đủ, hoặc Chúa chọn ông vào năm 1904 là đủ nhưng ông nói rõ chi tiết ngày tháng năm là “14/08/1904” như vậy là có một ý khác về sự làm chứng của mình. Chưa kể để trở thành nhân viên bán sách của ông Bonnet, thì phải được huấn luyện dù chỉ đôi chút và các nhân viên bán sách cũng phải đọc các sách trong Kinh Thánh là điều rất tự nhiên.

Nguyễn Văn Phúc chia sẻ trong giai đoạn đầu của mình 1904-1911, ông đi khắp nơi cả Bắc, Trung, Nam Việt Nam và Campuchia, khi bán sách gặp người ta hỏi han về sự giảng dạy những giáo lý trong các sách Kinh Thánh thì nhóm của ông sẽ nói rằng trước khi Chúa Giê-xu rao giảng, Đức Chúa Trời sai Giăng Báp-tít đến để chuẩn bị tấm lòng của những người sẽ nghe Ngài giảng. Cũng như vậy, công việc của họ là bán sách cho mọi người biết trước, rồi Chúa sẽ gửi những người giảng đến sau. Điều này mô tả sự dọn đường của Thánh Kinh Hội cho Tin Lành của Chúa tại Việt Nam [31]. Đến giai đoạn sau mà Nguyễn Văn Phúc mô tả từ 1911-1913, khi sống tại miền Bắc, gặp những làng Công giáo, có nhiều người tranh cãi với ông về niềm tin rồi họ tự nhận mình sai lầm[32]. Như vậy, Nguyễn Văn Phúc ít nhất phải được sửa soạn, chuẩn bị từ trước để rồi cho những sự biện luận của mình sau này, chưa kể khoảng thời gian Nguyễn Văn Phúc  làm việc với C. Bonnet từ 1904 trước lúc Đội Dương tin Chúa (1909) là khoảng 5 năm. C.Bonnet bán sách tại Việt Nam từ 1902, có lẽ ông đã gặp Nguyễn Văn Phúc sớm hơn năm 1904, có thể 1903 tại miền Trung, hoặc chí ít ông phải gặp Nguyễn Văn Phúc từ trước ngày 14/08/1904 để nói về những tiêu chí tuyển lựa của mình cũng như mô tả công việc bán các sách Kinh Thánh. Người song hành cùng C.Bonnet để đi khắp Đông Dương cũng không thể là người mà có thể tuyển lựa sơ sài. Cũng như không phải ai cũng sàng nhận lời làm công việc bán sách Kinh Thánh, nay đây, mai đó nếu không có niềm tin trong hành trình phưu lưu này và 05 năm là quãng thời gian đủ để một người biết cầu nguyện.

Thứ ba, chi tiết Nguyễn Văn Phúc chia sẻ là khoảng một thời gian “trước”, khi còn bán sách ở “làng của Namo”, thuộc Annam (miền Trung), nhiều người lớn tuổi nói vói ông rằng họ muốn theo giáo lý của Chúa Giê-xu và muốn mở nhà nguyện tại đây và hy vọng sau này sẽ có ai đó được cử đến để giảng dạy cho họ, ông cho rằng nếu “Namo” trở thành Cơ Đốc Nhân, thì chắc chắn cả làng sẽ theo gương của “cô”. Và vì lý do đó, ông chia sẻ rằng ông đã “cầu nguyện cho “anh em trong hội thánh” (ám chỉ Hội Thánh phổ thông) được kết nối, hiệp một với Thánh Kinh Hội trong sự cầu nguyện để tất cả đều được giảng Phúc âm trong mọi ngôi làng, từ đó Tin Lành sẽ có chỗ đứng chắc chắn tại Annam[33]. Chi tiết này cho thấy, chi tiết Nguyễn Văn Phúc nói “một thời gian trước”, khi còn bán sách ở miền Trung cũng có thể là khoảng thời gian ông chưa ra Bắc, ông cũng đã gặp những người muốn cải đạo tại miền Trung nhưng ông vẫn không thể giúp họ, vì thế ông “cầu nguyện”. Đương nhiên hành động “cầu nguyện” là biểu hiện của đức tin, điều này không phải bàn cãi. Vấn đề là một thời gian trước mà ông mô tả là khi còn bán sách ở Annam (miền Trung)  là khi nào thì chúng ta cũng không biết được chính xác. Chúng ta chỉ biết vào thời điểm ông cầu nguyện vẫn chưa có Giáo sĩ đến miền Trung để giúp mọi người đến với Chúa. Và chúng ta biết rằng Nguyễn Văn Phúc đã từng đi khắp Bắc, Trung, Nam là trong khoảng 1904-1911.

Thứ tư, việc một nhân viên bán sách cho Thánh Kinh Hội là người tin Chúa và biết làm chứng về Chúa là điều hết sức bình thường, điều này không loại trừ với Nguyễn Văn Phúc. Một nhân vật khác là ông Hy. Rất ngạc nhiên khi Ts Đặng Ngọc Phúc đề cập đến ông Hy và công tác tại miền Trung, nhưng Đặng Ngọc Phúc lại không có bất cứ lập luận nào về niềm tin của ông dù có thể đây là nhân chứng sống động. Ông Hy là một nhân viên Kinh Thánh người Việt. Vào năm 1911, khi đi làm chứng về Chúa ông gặp một người tranh luận cùng ông:

“Ông nói chỉ có một Đức Chúa Trời, như vậy là ông nói sai rồi. Người Annam mình thờ phượng một ông Trời; người Trung Hoa, người Nhật, người Pháp thờ những ông trời khác. Có những ông trời khác nhau nhiều như số quốc gia khác nhau vậy.

            Ông Hy, nhân viên phân phối Kinh Thánh đã trả lời rằng: Hãy nhìn lên trời! Cùng một bầu trời cho nước Việt, nước Trung Hoa, nước Nhật và nước Pháp. Hãy nhìn vào cuốn sách này. Đây là lời của Đức Chúa Trời. Dầu ở bên Trung Hoa, bên Nhật, bên Pháp hay tại Việt Nam, Lời của Chúa cũng giống như nhau. Đức Chúa Trời yêu thương mọi người. Ngài ban sách của Ngài cho mọi dân tộc. Cũng vậy, Ngài ban Con của Ngài cho tất cả mọi người. Ai tin Ngài thì sẽ nhận được sự sống đời đời.

            Sau khi nghe lời giải thích, người đó mua một sách Phúc Âm và khuyên những người đứng bên cạnh mình mua nữa” (Đặng Ngọc Phúc, 2011) [34].

Qua đoạn đối thoại chúng ta thấy quá rõ ràng về niềm tin của ông Hy, ông đang biện giáo và trả lời cầu hỏi với sự kinh nghiệm về Chúa một cách sâu sắc, điều này cho thấy ông đã tin Chúa từ trước, khá lâu. Khả năng để  ông Hy tin Chúa trong năm 1911 và được huấn luyện cấp tốc ngần ấy thứ  để trở thành nhân viên của Thánh Kinh Hội và để đối thoại, làm chứng về Chúa với mọi người với kinh nghiệm của một người lâu đời là khó nhưng cũng có thể xảy ra. Với câu hỏi trên, ngay cả với ngày nay không phải vị Mục sư nào cũng trả lời được như ông Hy chứ chưa đề cập đến một tín hữu mới tin Chúa. Chúng ta không rõ thời gian nào nhưng gần như chắc chắn có thể ông tin Chúa trước 1911. Tại đây cần phải nói rằng mốc 1911 liên tục được các học giả đưa ra vì gắn liền với việc các giáo sĩ C&MA đặt nền móng đầu tiên tại Việt Nam, cụ thể là Đà Nẵng. Và cũng cần phải nói thêm rằng các giáo sĩ C&MA vào năm 1911 hoàn toàn không đưa ai quay trở về với Chúa vào năm này. Không có một sử liệu nào của C&MA ghi nhận bất cứ một trường hợp nào tin Chúa vào năm 1911. Đến năm 1912, như đã trình bày ngoài việc làm phép Báp-tem cho Nguyễn Văn Phúc là người không do C&MA làm chứng mà tin Chúa do C.Bonnet “dọn cỗ” và “biếu”. Đến năm 1913, cũng không hề có một người nào tin Chúa bởi các giáo sĩ C&MA tại Việt Nam mãi đến năm 1914 đánh dấu mốc là có 03 người[35]. Như vậy khi chúng ta nói trước 1911 không có một người Tin Lành Việt Nam nào thì phải xem lại và cần chuyển nó sang dạng “C&MA máy móc” là trước 1914, không có người Tin Lành do C&MA làm chứng, cải đạo ở Việt Nam mới chính xác. Chính vì vậy thuật ngữ “1911” được đề cập máy móc đôi khi làm não trạng của chúng ta chỉ xoay quanh C&MA mà không hề nghĩ đến công khó của những cá nhân, tập thể, hội đoàn v.v.  mà Chúa đã sử dụng để dọn đường cho họ từ rất lâu.

Thứ năm, quay trở lại với Đội Dương, người tin Chúa năm 1909. Vấn đề mà Mục sư Lê Hoàng Phu nói về Đội Dương chỉ là vấn đề việc Đội Dương tin Chúa ở Việt Nam hay Pháp. Như đã trình bày, Đội Dương và Vũ Tam Thất khi trở về Hà Nội năm 1922 đã là Truyền Đạo. Cả hai người đều được ghi nhận là được đưa sang Pháp vào thế chiến thứ I (8/1914 – 11/1918)[36]. Trong khi đó với Vũ Tam Thất thì chúng ta không biết đã tin Chúa chưa. Nhưng với Đội Dương thì chúng ta đã biết là đã tin Chúa trước 1911. Thế chiến thứ I diễn ra trong khoảng thời gian 8/1914-11/1918, có nghĩa là Đội Dương sẽ được Pháp đưa sang trong thời gian từ 8/1914 trở đi, vậy thì đương nhiên là Đội Dương tin Chúa ở Việt Nam vì ông tin Chúa năm 1909, ông vẫn ở Việt Nam và bấy chưa được đưa qua Pháp để tham gia thế chiến.

Như vậy chỉ có Vũ Tam Thất là tin Chúa ở Pháp và riêng với trường hợp của Vũ Tam Thất và Đội Dương, sử liệu của giới Tin Lành Pháp chỉ ghi một trường hợp cải đạo ở Pháp là Vũ Tam Thất. Nếu giả sử Đội Dương tin Chúa ở Pháp thì sử liệu về 2 trường hợp đặc biệt của hai truyền đạo trở về Việt Nam để truyền giáo năm 1922 cũng sẽ phải ghi về Đội Dương như đã ghi cho Vũ Tam Thất. Giáo sĩ Reimer cho biết, trong hai người chỉ một trường hợp cải đạo ở Pháp được ghi lại là TĐ. Vũ Tam Thất[37]. Vì vậy, chúng ta có thể tạm đưa ra kết luận dù có rất nhiều người có thể tin Chúa trước 1911, nhưng về bằng chứng về sử liệu rõ rệt nhất chính là Đội Dương. Mặt khác giả sử nếu cả hai người đều tin Chúa ở Pháp, thì cũng thật là đáng mừng bởi vì họ là những người Việt đã trở về quê hương để truyền giáo và đáng ghi vào sử liệu Tin Lành cách trân trọng.

IV. Vài lời tâm tình (Thay cho lời kết)

Tác giả bài viết đứng dưới một góc nhìn khách quan để phân tích về vài nhân vật thuộc Lịch sử Tin Lành Việt Nam trong thời gian trước 1911. Ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa đã cho tôi đọc công trình đồ sộ của Ts. Đặng Ngọc Phúc về “những người Tin Lành ở Việt Nam trước 1911”. Khi  nhận trách nhiệm truy lục lịch sử về Hội Thánh Tin Lành Hà Nội, ông cũng cho phép tôi sử dụng công trình nghiên cứu của ông và với tấm lòng biết ơn, thay mặt cho ban Lịch sử của Hội Thánh, tôi cảm thấy cần phải giới thiệu “tác phẩm” này nhiều hơn nữa để chúng ta có một cái nhìn khách quan, rộng hơn và yêu Chúa hơn nữa trong việc đi tìm những chứng cứ về Ngài.

Tôi đánh giá, sau cuốn lịch sử của Mục sư Lê Hoàng Phu cho đến thời điểm này tôi chưa được đọc thêm một cuốn sách nào khác viết về lịch sử Tin Lành ở Việt Nam của người Việt đầy tính học thuật như cuốn sách: “Những người Tin Lành tại Việt Nam trước 1911” của Ts Đặng Ngọc Phúc. Tôi phấn khích chờ đợi những phần tiếp theo của ông viết về những giai đoạn tiếp theo. Nếu có ai đó muốn nghiên cứu về Lịch sử Tin Lành ở Việt Nam thì không thể không đọc các “tác phẩm đồ sộ” của ông. Quý độc giả có thể tìm mua tại Văn Phẩm Nguồn Sống:

http://vpns.org/catalog/product_info.php?products_id=231

Bài viết này, không chỉ là lời tri ân, mà bài viết cũng muốn đóng góp một chút nhỏ bé vào trong “tác phẩm” đồ sộ của ông để nêu những phần mà tôi lấy làm ngạc nhiên.

Qua những gì đã trình bày, tác giả đưa ra kết luận cuối cùng của mình. Vấn đề ai là người tin Chúa đầu tiên, ngay cả với niềm tin cải chánh vào thời điểm trước năm 1911 tại Việt Nam, là điều mà chúng ta cũng không thể biết rõ. Bởi đây là vấn đề “nội tại” – bên trong mỗi một con người mà chỉ có thể là Chúa biết. Do đó mốc 1911 chỉ là mốc nào đó mà đến thời điểm này, ngoài việc ghi nhớ công ơn những giáo sĩ C&MA thì chúng ta cần phải mang lấy tinh thần truyền giáo rực lửa của họ. Tôi không phê phán ai, nhưng tư tưởng “C&MA máy móc” thì lại khác, nhất là trong bối cảnh hiện đại ngày nay thì chúng ta không còn thời gian cho sự máy móc mà cần ngay đến sự hiệp một trong sự cầu nguyện cho mục vụ truyền giáo của toàn Hội Thánh Chúa trên đất Việt Nam bởi Chúa sử dụng tất cả mọi đối tượng cho kế hoạch lớn của Ngài. Chúng ta ít cầu nguyện chừng nào, thì chừng ấy cơn Đại Tỉnh Thức cũng không thể xảy ra trong đất nước ta.

Góp ý thảo luận tại Page Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Hà Nội

___________________________

Chú thích:

* Chấp sự Hội Thánh Tin Lành Hà Nội
[1 ] Xem:

– Phạm Huy Thông, Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công Giáo và văn hóa Việt Nam. (Hà Nội: NXB Tôn Giáo: 2012), p9

– Tăng Việt Yên, “Lịch sử Đạo Thiên Chúa trên quê hương Kinh Bắc – Bắc Ninh”, Gia đình Giáo phận Xuân Lộc, http://www.giadinhgpxuanloc.org/sach/ky-yeu-bn/10.htm

– Phước Nguyên, “Quá Trình Phiên Dịch KINH THÁNH Sang Tiếng Việt”, Trích Báo Linh Lực (Tháng 1, 1996), http://vnbaptist.org/Tai_Lieu/QuaTrinh.htm

– Nguyên Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Quyển I (Sài gòn, NXB Từ Điển Bách Khoa, 2009), p28 (Ghi chú: Sách này từng xuất bản năm 1959)

– Wikipedia Việt Nam, “Tôma Tông đồ”, https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4ma_T%C3%B4ng_%C4%91%E1%BB%93

[2] Nguyên Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Quyển I (Sài gòn, NXB Từ Điển Bách Khoa, 2009), p2. (Ghi chú: Sách này từng xuất bản năm 1959) [3] Nguyên Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, p13. (Pedro Ordonez de Cevallos, Tratado de las relaciones verdaderas de los Reynos de la China, Cochinchina, y Champa, y otras cosas notables y varios successos sacadas de sus originales) [4] Xem thêm:

– Nguyên Hồng, ibid, p14.

– Phạm Huy Thông, Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công Giáo và văn hóa Việt Nam, p9

– Tăng Việt Yên, “Lịch sử Đạo Thiên Chúa trên quê hương Kinh Bắc – Bắc Ninh”, Gia đình Giáo phận Xuân Lộc, http://www.giadinhgpxuanloc.org/sach/ky-yeu-bn/10.htm

– Phước Nguyên, “Quá Trình Phiên Dịch KINH THÁNH Sang Tiếng Việt”

[5] Xem thêm:

– Nguyên Hồng, ibid, p14-p15

– Phước Nguyên, “Quá Trình Phiên Dịch KINH THÁNH Sang Tiếng Việt”

[6] Nguyên Hồng, ibid, p14 [7] Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam (Hồ Chí Minh: NXB Tổng Hợp, 2006) p521-p522 [8] Xem thêm:

– Nguyên Hồng, ibid, p14-p15

– Đặng Ngọc Phúc, Những người Tin lành tại Việt Nam trước năm 1911. (San Diego, California: 2011) p1-p40. Ghi chú thêm của chấp sự Nguyễn Trọng Bình: Sau công đồng Chalcedon (451), Nestorius bị cáo buộc vì nhầm lẫn về thần tính và nhân tính của Chúa Giê-xu và xung đột từ công đồng này dẫn đến tình trạng ly khai theo Nestorius trong đế quốc Ba Tư. Tuy nhiên sau này, nhiều giáo đoàn thuộc giáo hội phương Đông tuy được gọi là Nestorius nhưng giáo lý khác với Nestorius, nhìn nhận đúng đắng về thần tính, nhân tính của Chúa Giê-xu như chúng ta, điều đó có nghĩa là giống với Tin Lành. Và đó là lý do họ có những phần tín lý giống với chúng ta.

[9] Đặng Ngọc Phúc, Những người Tin lành tại Việt Nam trước năm 1911. (San Diego, California: 2011) p1-p40. [10] Đặng Ngọc Phúc, p1-p40 [11] Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, p522 [12] Xem thêm:

– Nguyên Hồng, ibid, p21-22

– Đặng Ngọc Phúc, p102-104. Tiến sĩ Đặng Ngọc Phúc cho biết trong “Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ” do Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút ra ngày 1/03/1941 có ghi về gia phả dòng họ Đỗ của cụ Đỗ Công “Biểu” – người được phong Kim Tử Vĩnh Lộc Đại Phu có ghi lại con trai thứ Đỗ Hưng Viễn của cụ theo đạo “Hoa Lang”.

[13] Xem thêm:

– Theo Linh Mục Nguyên Hồng: “Hoa Lang là tên gọi những lái buôn Bồ, Tây Ban Nha đến buôn bán ở xứ ta. Nhiều người cho nguồn gốc tên đó do một thứ vải có hình hoa khoai lang, lái buôn Bồ đem vào bán ở xứ ta. Hiểu nhầm đạo Công giáo của người Bồ, Tây Ban Nha, dân chúng gọi là đạo người Hoa Lang hay Hoa Lang đạo”, Nguyên Hồng, ibid, p21.

– Đặng Ngọc Phúc, p102-104; p47-p62

– Phạm Huy Thông, Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công Giáo và văn hóa Việt Nam, p21

[14] Đặng Ngọc Phúc, p99 [15]Đặng Ngọc Phú, 184 [16] Xem thêm:

– Đặng Ngọc Phúc, p184-p189

– ibid, p178-p183

– ibid, p192-p195

[19]  Xem thêm:

– Đỗ Hữu Nghiêm, “Tìm Hiểu Về Các Hội Thánh Tin Lành Tại Việt Nam”, http://vibiwebsite.com/VIBI_WV/?p=1166  ( Ngày truy cập 16/03/2015)

– Đặng Ngọc Phúc, p369

[20] Xem thêm:

– Đỗ Hữu Nghiêm, Phương Pháp truyền giáo Tin Lành Tại Việt Nam. 1968, p179

–  Reg Reimer, The Protestant Movement in Vietnam: Church Growth in Peace and War Among the Ethenic Vietnamese. F (in Partial Fulfillment of the Requirements for the Degree Master of Arts), p89

– Lê Hoàng Phu, Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965). (Tp. Hồ Chí Minh: NXB Tôn Giáo, 2010) p85-86. Ghi chú thêm của Nguyễn Trọng Bình (16/3/2015): Tiến sĩ Phan Văn Hoàng ghi chú khi phân tích bức thư thẳng thắng và rất lịch sự mà Bác Hồ (ký tên là Nguyễn Ái “Quấc”) gửi cho Mục sư Ulysse Soulier, tiễn sỹ có ghi chú Samuel Vũ Tam Thất và Đội Dương là hai “cựu chiến binh Việt Nam” bị đưa sang pháp trong chiến tranh thế giới thứ I. Đến tháng 2/1922, Samuel Vũ Tam Thất và Đội Dương cùng với 02 Mục sư Ulysse Soulier và Paul Monet sang Hà Nội để hầu lo cho Hôi Thánh Tin Lành Pháp tại Hà Nội. Giáo sư Đỗ Hữu Nghiêm (một người Công Giáo) cũng có ghi chú nhỏ về phái đoàn này trong tác phẩm của ông tìm hiểu về người Tin Lành. Như vậy có thể thấy rằng thời gian Đội Dương bị đưa sang Pháp là từ 1914-1918, trong khi đó Đội Dương tin Chúa trước 1911(theo sử liệu của MS Lê Hoàng Phu) thì truyền đạo này phải tin Chúa ở Việt Nam trước rồi mới bị đưa sang Pháp để tham gia thế chiến. Xem thêm:  Phan Văn Hoàng. Thư của Nguyễn ái Quấc gửi một mục sư Pháp. Tạp chí điện tử Hồn Việt. (http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4073-mot-tu-lieu-lich-su-moi-duoc-phat-hien-thu-cua-nguyen-ai-quac-gui-mot-muc-su-phap.aspx – Ngày truy cập 16/03/2015) & Đỗ Hữu Nghiêm, “Tìm Hiểu Về Các Hội Thánh Tin Lành Tại Việt Nam”, http://vibiwebsite.com/VIBI_WV/?p=1166  ( Ngày truy cập 16/03/2015)

[21]Xem thêm:

–  Đỗ Hữu Nghiêm, “Tìm Hiểu Về Các Hội Thánh Tin Lành Tại Việt Nam”, http://vibiwebsite.com/VIBI_WV/?p=1166  ( Ngày truy cập 16/03/2015)

[22] Xem thêm:

– Đỗ Hữu Nghiêm, “Tìm Hiểu Về Các Hội Thánh Tin Lành Tại Việt Nam”,

– Đặng Ngọc Phúc, 378-379

[23] Xem thêm:

– Lê Hoàng Phu, p85-86

– Đỗ Hữu Nghiêm, Phương Pháp truyền giáo Tin Lành Tại Việt Nam. 1968, p179

[24] Reg Reimer, The Protestant Movement in Vietnam: Church Growth in Peace and War Among the Ethenic Vietnamese. F (in Partial Fulfillment of the Requirements for the Degree Master of Arts), p89 [25] Reg Reimer, ibid, p89 [26] John Sawin, History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam,  Alliance Magazine – Report. (Báo cáo của Hội truyền giáo Phúc Âm Liên Hiệp (C&MA), p2 [27] Đặng Ngọc Phúc, p309 [28] E.F. Irwin, The Reopening of Tourane Station, Alliance Weekly, No 18, 3/02/1917, p281-282 [29] E.F. Irwin, The Reopening of Tourane Station, p282 . “Ghi chú: Bản dịch của giáo sĩ E.F. Iwrin về lời chứng của Nguyễn Văn Phúc có ghi những người trong làng của nhân vật nữ “Namo” (thuộc miền Trung) rất dễ cải đạo, họ muốn xây một nhà nguyện tại vùng này và nếu như “Namo” tin Chúa, thì nhiều người sẽ noi theo cô. Từ đó ông muốn Hội Thánh cùng hiệp một với Thánh Kinh Hội để cầu nguyện sao cho Tin Lành có chỗ đứng tại Annam [30] John Sawin, History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam,  p56-57 [31] E.F. Irwin, The Reopening of Tourane Station, p281-282 [32] E.F. Irwin, ibid, p281-282 [33] ibid [34] Đặng Ngọc Phúc, p310-311: [ B.F.B.S, More Golden Than Gold. London: Bible House (1912), 78] [35] John Sawin, History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam,  p3-p4 [36] Đỗ Hữu Nghiêm, “Tìm Hiểu Về Các Hội Thánh Tin Lành Tại Việt Nam” [37] Reg Reimer, ibid, p90

 

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Phạm Huy Thông, Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công Giáo và văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB Tôn Giáo: 2012.
  2. Nguyên Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Quyển I (Sài gòn, NXB Từ Điển Bách Khoa, 2009. (Ghi chú: Sách này từng xuất bản năm 1959)
  3. Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam .Hồ Chí Minh: NXB Tổng Hợp, 2006.
  4. Đặng Ngọc Phúc, Những người Tin lành tại Việt Nam trước năm 1911. San Diego, California: 2011.
  5. Reg Reimer, The Protestant Movement in Vietnam: Church Growth in Peace and War Among the Ethenic Vietnamese. F (in Partial Fulfillment of the Requirements for the Degree Master of Arts).
  6. Lê Hoàng Phu, Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965). (Tp. Hồ Chí Minh: NXB Tôn Giáo, 2010.
  7. John Sawin, History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam, Alliance Magazine – Report. (Báo cáo của Hội truyền giáo Phúc Âm Liên Hiệp (C&MA).
  1. Tăng Việt Yên, “Lịch sử Đạo Thiên Chúa trên quê hương Kinh Bắc – Bắc Ninh”, Gia đình Giáo phận Xuân Lộc, http://www.giadinhgpxuanloc.org/sach/ky-yeu-bn/10.htm
  2. Phước Nguyên, “Quá Trình Phiên Dịch KINH THÁNH Sang Tiếng Việt”, Trích Báo Linh Lực (Tháng 1, 1996), http://vnbaptist.org/Tai_Lieu/QuaTrinh.htm
  3. Wikipedia Việt Nam, “Tôma Tông đồ”, https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4ma_T%C3%B4ng_%C4%91%E1%BB%93
  4. Đỗ Hữu Nghiêm, “Tìm Hiểu Về Các Hội Thánh Tin Lành Tại Việt Nam”, http://vibiwebsite.com/VIBI_WV/?p=1166
  5. Phan Văn Hoàng, Thư của Nguyễn ái Quấc gửi một mục sư Pháp, Tạp chí điện tử Hồn Việt. http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4073-mot-tu-lieu-lich-su-moi-duoc-phat-hien-thu-cua-nguyen-ai-quac-gui-mot-muc-su-phap.aspx

Xem tiếp: Đội Dương, một trong những người Việt theo đạo Tin Lành đầu tiên trước 1911 http://www.hoithanhhanoi.com/blog/khao-luan/doi-duong-mot-trong-nhung-nguoi-viet-theo-dao-tin-lanh-dau-tien-truoc-1911#ixzz3sacWJgeA