DÂNG TRỌN CUỘC ĐỜI 
Tác giả: Michael Griffiths

Lời Nói Đầu

“Tầm quan trọng của thái độ không nhiệt thành”
Ngày nay, mọi người hình như đều nghĩ rằng muốn trở nên trưởng thành, già dặn, bạn phải là một con người không nhiệt thành, không tha thiết đến bất cứ một cái gì hết; hoặc nếu cần phải tỏ ra sốt sắng, nhiệt thành, bạn phải giấu mình dưới một chiếc mặt nạ dửng dưng, xem thường tất cả. Điều càng tệ hại hơn sự nhiệt thành, đó là tính nhiệt cuồng, nhất là nhiệt cuồng trên phương diện tôn giáo, hay cuồng tín. Trong xã hội nói chung, một tín đồ Đấng Christ ý thức được sứ mạng về sự dâng mình trọn vẹn cho Đức Chúa Trời là một người hiếm có, không được lòng thiên hạ, có khi còn bị chế giễu nữa. Khuynh hướng của thời đại chúng ta là san bằng mọi dị biệt, với sự trợ giúp của những phương tiện truyền thông đại chúng khiến chúng ta phải giống y nhau trong việc hạn chế ăn uống, dùng kem đánh răng, may mặc và những niềm tin tôn giáo. Quan điểm thế gian nói chung dạy chúng ta nên chừng mực trong mọi việc. “Phải biết châm chế lẫn nhau. Tại sao lại vô lễ đến độ muốn nhấn mạnh vào những điểm dị biệt của nhau, hay nhiệt cuồng đến nỗi tin rằng mình là phải, còn người khác là trái?”
Giữa vòng các sinh viên, vẫn còn một số người muốn chọn lấy một lý tưởng, khiến nó trở thành một chính nghĩa cho riêng mình để đương đầu với những đối xử cứng rắn, những chế giễu, giam cầm và tiến thẳng đến mục tiêu họ nhằm vào. Dầu họ đang ngồi trên các vệ đường tại Anh quốc, hay đang hát là “Chúng ta sẽ thắng” tại Hoa Kỳ, hoặc nối đuôi nhau đi lượn phố bên Nhật Bản, họ đều sẵn sàng hoạt động tích cực cho điều mình tin tưởng. Họ rải truyền đơn, tổ chức những buổi mít-tinh ngoài trời, đi biểu tình, ngồi trên đường phố để thách đố dùi cui, lựu đạn cay, và bắt bớ giam cầm của cảnh sát. Nhưng dĩ nhiên là điều đó hoàn toàn khác biệt với tôn giáo.
So với họ thì tín đồ Đấng Christ là một số người dường như sống cách vô vị và ôn hoà hơn. Bạn không thể nào bận tâm đến các định chế Cơ Đốc giáo, nếu ít ra bạn không yêu mến nó. Dường như tôn giáo không thúc bách mấy về việc đó. Nó không phải là một vấn đề đương đại, nhưng dường như liên hệ trước nhất đến việc bảo tồn các đền đài cổ, đóng góp tiền bạc để mua phong cầm, gìn giữ các thánh tích của một thế hệ trước đây. Nó phảng phất mùi ẩm mốc của ghế nhà thờ, của những quyển sách kinh đặc biệt. Nó cũng có thứ ngôn ngữ riêng, phần lớn là ngôn ngữ cũng có từ ít ra ba thế kỷ về trước hay lâu hơn nữa. Tôn giáo rất dễ đưa đến, nếu không phải là sự mê tín thực sự, thì ít ra cũng là một thái độ nhạy cảm, trốn tránh thực tại. Đối với các vấn đề đau khổ và bất công trên thế gian, dường như nó chỉ đưa ra một giải pháp tin kính tầm thường, thỉnh thoảng có những cuộc biểu quyết chớ không có một hành động thực tiễn nào. Dường như giáo hội Cơ Đốc không hề hoạch định những “bước nhảy vọt quan trọng”, và viễn tượng nó nhằm vào luôn luôn là một cái gì hình như cứ càng ngày càng thấy lui xa hơn. Làm tín đồ Đấng Christ dường như tốt nhất là nên như người đi bộ, chứ không phải là hoàn toàn đứng yên, hay tệ hại hơn là thụt lùi.
Có người thuật lại rằng Oliver Wendell Holmes đã nói: “Trong lòng tôi có một gốc cây nhỏ gọi là Cây Tôn Kính cần phải tưới nước mỗi tuần một lần”. Cơ Đốc giáo đã được đồng nhất hoá với một thứ nghi thức cứng nhắc phải thực hiện mỗi tuần một lần, và chỉ có một số ít người thành kính còn chủ tâm đến việc nhóm lại là còn thực hành. Nếu không cần đến lễ báp-tem, lễ hôn phối và lễ an táng, người ta có thể nghĩ rằng tất cả mọi sự đều sẽ phải dẹp đi. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ bao nhiêu khi thấy rằng làm tín đồ Đấng Christ dường như chỉ có nghĩa là trở thành một con người chậm chạp, tầm thường, không hấp dẫn bao nhiêu đối với phần lớn mọi người.
Chữ “Cơ Đốc giáo” chẳng bao giờ có trong Kinh Thánh, chứ chữ “Cơ Đốc nhân” thì có, nhưng dường như là để mô tả một con người hoàn toàn khác hẳn con người mà chúng ta gọi là “tín đồ Đấng Christ” ngày nay. Phải chăng tín đồ Đấng Christ như chúng ta ngày nay chỉ là một số người giả dối miệng luôn nói mình tin vào những điều mà thật ra chúng ta không tin? Gần đây nhiều người đã viết ra những ý kiến khác nhau về hình dáng của Đức Chúa Trời. Hình ảnh phổ thông về một tín đồ Đấng Christ phải ra thế nào dường như cũng chịu chung một số phận như vậy, thậm chí ngay cả trong các Hội Thánh. Mục đích của quyển sách nhỏ này là muốn cho chúng ta suy nghĩ lại ý nghĩa của việc làm tín đồ Đấng Christ – làm một trong số những người của Đấng Christ – theo ý nghĩa của từ ngữ ấy trong Kinh Thánh. Rõ ràng là nó bao gồm nhiều việc hơn là một giờ mỗi tuần đi nhóm lại một cách thụ động trong một ngôi nhà dành riêng cho sự thờ phượng tôn giáo, xem những gì được một người có huấn luyện chuyên môn về thần học chỉ dạy cho, nghe một bài giảng ngắn, và ném vài đồng bạc vào một chiếc túi đựng tiền dâng.
Những đức tính hiện đại như châm chước và chừng mực dường như chỉ chiếm một chỗ rất khiêm nhượng trong Kinh Thánh. Điều Đấng Christ phán dạy các môn đệ Ngài dường như là tất-cả-hay-không-là-gì-cả. Làm tín đồ Đấng Christ có nghĩa là biệt riêng ra như một cái gì sống động và sinh động. Người tín đồ là người có một nguồn sinh lực, có lòng nhiệt thành, và sự vui mừng trong đời sống. Quyển sách này là một lời khích lệ hành động – một lời khuyên trở về với loại người tín đồ Đấng Christ gương mẫu của Kinh Thánh, một Hội Thánh kiểu mẫu của Tân Ước. Không có quyển sách nào kích thích được chúng ta hành động – chỉ một mình Thánh Linh của Đức Chúa Trời có thể làm được việc đó mà thôi. Đó là lý do khiến cho mỗi chương đều kết thúc theo cách đã có, vì đây là một quyển sách viết về lòng nhiệt thành của người tín đồ Đấng Christ đáp lại lời Đức Chúa Trời bằng việc phục vụ vui mừng, tự phát, đối với Đức Chúa Trời và loài người. Amy Carmichael thường đòi hỏi “những lời lẽ nẩy lửa” và những quyển sách có “sắt và máu” bên trong. Kinh Thánh chính là quyển sách đó. Tôi không biết là trong quyển sách này có “sắt và máu” hay không, nhưng tôi biết là chúng ta muốn có loại tín đồ Đấng Christ “sắt và máu”.

Tokyo
Tháng 10, 1965