Hôm qua tôi nói về tam giác hôn nhân, “lìa, gắn bó và trở nên một thịt” là điều chỉ có thể xảy ra giữa hai người.
Sau đó một phụ nữ điện thoại bảo tôi rằng cô ta không thích hình tam giác tôi vẽ trên bảng vì có quá nhiều góc nhọn, dễ châm chích lắm.

Tôi hiểu ý cô ta, nhưng đừng cố nghĩ hình tam giác hôn nhân, tình yêu, tình dục này như một điều gì cứng ngắt, không thay đổi được, nhưng hãy nghĩ về nó như một cái gì sống động hơn.
Ví như có lần ở một đoàn xiếc nọ tôi thấy ba diễn viên, đứng cách đều nhau như ba góc của một tam giác. Mỗi người đều tung hai quả banh của mình cho hai người kia, đồng thời nhận banh do hai người kia chuyền trở lại. Họ chuyền và nhận banh thật khéo. Chừng nào họ còn giữ nhịp điệu giao và nhận đều đặn như vậy, trò chơi vẫn cứ tiếp diễn trong sự hoà hợp hoàn toàn.
Hôn nhân cũng tương tự một cuộc trình diễn hoà hợp, khéo léo như vậy. Sự sống của hôn nhân tuỳ vào sự giao hoà giữa các khía cạnh hợp pháp, khía cạnh nhân bản và khía cạnh thân xác của mối tương giao.
Vừa nói tôi vừa lấy trong cặp ra một tam giác bằng gỗ đưa lên cho mọi người thấy. Nắm lấy góc trái của cạnh đáy tôi nói:
Hôn nhân cần tình yêu. Vì tình yêu làm hôn nhân trở thành vui thoả, viên mãn. Tình yêu là một món quà cho hôn nhân, nó đem đến cho hôn nhân một tinh thần phiêu lưu và hy vọng không tàn. Tình yêu giống như những giòng máu lưu thông qua những mạch máu của hôn nhân. Tình yêu làm cho hôn nhân sống động.
Khi thành hôn, hoặc lập gia đình thì sự sống này được truyền vào khía cạnh kết hợp thân xác dưới một mái nhà. Có lần tôi được một thiếu nữ cho biết cô muốn nghĩ về hôn nhân như một túp lều hơn là một hình tam giác. Thực ra hôn nhân là một túp lều cho mối tương giao thân xác. Kẻ đang yêu cảm thấy được sự bảo vệ và an toàn trong đó, không còn phải sợ hãi, họ kinh nghiệm sự thoả lòng lớn lao và ý nghĩa của sự bình an do chính họ kiến tạo. Ý thức về sự bình an này lại tiếp tục đưa đến tình yêu. Nó là nền tảng vững chắc ở dưới tất cả những bấp bênh của cảm xúc. Ở trong túp lều này kinh nghiệm trở nên một thịt làm vững mạnh tình yêu và làm cho tình yêu tăng trưởng. Đó là động cơ khiến người ta trung thành trong tình yêu và muốn tình yêu bền vững.
Tương Quan Ba Mặt

Tình yêu không chỉ nhận sức mạnh từ liên hệ thân xác mà còn đem sức mạnh đến cho sự hiệp một thân xác. Tình yêu mong mỏi diễn đạt qua ngôn ngữ của thân xác, làm cho sự kết hợp thân xác thêm sâu đậm, có ý nghĩa và trở thành quí giá. Là một hành động của tình yêu trong hôn nhân, sự kết hợp nên một thịt trở thành một đạo luật của tình yêu trong ý nghĩa đầy đủ nhất.
Kết quả là trong “túp lều” thì hành động yêu thương không chỉ là nhận được sự an toàn mà còn đem lại an toàn cho hôn nhân. Qua sự dâng hiến thân xác cho nhau, những người yêu nhau luôn nhắc lại lời hứa của họ trong hôn lễ.
Hôn nhân giúp cho tình yêu bền vững là nhờ những hành động “tái xác nhận” này. Vì vậy hôn nhân rất cần tình yêu cũng như tình yêu rất cần hôn nhân. Trong những giờ phút đau buồn, khi tình yêu đứng trước nguy cơ nguội dần, chồng và vợ lại bám lấy sự kiện họ đã kết hôn và nhắc nhở lẫn nhau lời hứa long trọng trong hôn lễ: họ thầm thì: “Chúng mình đã lấy nhau”, như vậy, hôn nhân đã trở nên một định chế giữ gìn, bảo vệ tình yêu.
Ý Chúa
Ngày nay thường có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa tính dục, tình yêu và hôn nhân. Sự nhầm lẫn này không chỉ có ở Phi Châu mà cả ở Đông phương và Tây phương nữa. Vì thế, câu Kinh Thánh nền tảng của chúng ta quả là một khẳng quyết rất mới mẻ. Nó chứa đựng đầy đủ cả ba yếu tố trên. Câu hỏi quan trọng được đề cập ở đây là: Ý Chúa thế nào về tính dục, tình yêu và hôn nhân? Chúa muốn ba yếu tố này quan hệ với nhau như thế nào? Không ai dám trả lời câu hỏi này.
Dầu vậy tôi muốn đưa ra một gợi ý hướng dẫn cho chúng ta trong thời đại rối loạn này.
Ý muốn của Chúa là: ba yếu tố trên phải có tác dụng hỗ tương. Vì vậy điều gì hỗ trợ cho tác dụng đó là hợp với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngược lại điều nào cản trở tác dụng ấy thì không hoà hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời.
Chỉ dẫn này có thể áp dụng trước hôn nhân cũng như trong hôn nhân. Trước hôn nhân bạn tự hỏi: “Điều tôi làm có chuẩn bị cho tương quan ba mặt ‘thành hôn, tình yêu, một thịt’ trong hôn nhân của chúng tôi sau này không?”. Trong hôn nhân bạn cần tự hỏi: “Hành động này hoặc hành động kia có làm cho tương quan ba mặt ấy trở nên sâu xa hay thực ra nó chỉ gây ra rắc rối?”
Tương quan giữa ba góc trong tam giác hôn nhân mang tính chất bền dai đầy khám phá. SaSt 2:24 Chúa ban cho chúng ta một hình ảnh phù hợp với mọi nhu cầu cá nhân trong mọi hoàn cảnh, mọi nền văn hoá. Ý muốn của Chúa không chỉ có giá trị cho Cơ Đốc nhân nhưng có giá trị cho toàn nhân loại.
Tương quan tam giác là hình ảnh hướng dẫn cho câu Kinh Thánh chúng ta đang học, là quà tặng của Đức Chúa Trời dành cho mọi người. Tôi nói đó là một sự ban cho, một tặng vật. Chúa chẳng bao giờ đòi hỏi chúng ta điều gì trừ khi đồng thời Ngài cũng ban cho chúng ta điều đó.
Cử toạ yên lặng suy tư. Họ nhìn hình tam giác trên bảng và nhìn hình tam giác trên tay tôi. Tôi cố đọc những suy tư của họ.
Có lẽ quí vị đang cảm thấy nản lòng, có lẽ quí vị nói: hôn nhân là một tác phẩm như vậy thì khó lòng hy vọng có được một cuộc hôn nhân thập toàn. Tôi hiểu. Tôi cũng nghĩ như quí vị và tôi biết chắc Mục sư Daniel cũng nghĩ vậy nữa.
Daniel gật đầu.
Một cuộc hôn nhân thập toàn là điều không có trên đời. Hôn nhân làm chúng ta phải khiêm nhường. Cách chắc chắn để trở nên khiêm nhường về phương diện đức hạnh là hãy lập gia đình. Chúng ta luôn luôn phải đương đầu với một trong ba góc của tam giác.
Tôi có thể nói hầu hết những nan đề hôn nhân đều phát sinh từ sự kiện một trong ba góc không được liên hợp toàn vẹn trong tam giác. Chúng ta hãy thử dùng hình ảnh hướng dẫn này để chẩn bệnh cho vài căn bệnh hôn nhân.
Bệnh nhân đầu tiên là người gặp phải vấn đề ở góc trái của tam giác chúng ta đang xem. Tình yêu dần dần lạnh nhạt. Tôi gọi căn bệnh này là:
Hôn Nhân Trống Rỗng
Tôi xin mô tả căn bệnh này: Hai người đã kết hôn với nhau, họ kết hôn hợp pháp và êm ấm trong một thời gian. Họ cũng có quan hệ thể xác nhưng tình yêu đã ra đi.
Tình trạng này có nhiều nguyên do. Có lẽ từ ban đầu họ không yêu nhau gì cả. Có lẽ họ đã kết hôn quá trẻ, quá vội vàng. Họ đã nghĩ tình yêu của họ thiếu mất đặc tính “gắn bó”. Hoặc là hôn nhân của họ dựa trên sự hấp dẫn về thể xác, năm tháng trôi qua sự hấp dẫn này không còn mạnh mẽ nữa. Hoặc họ xao lãng không châm thêm dầu cho ngọn lửa tình yêu và bị cuốn hút trong công việc nội trợ, trong nghề nghiệp hay việc chăm sóc con cái. Mỗi người theo đuổi những sở thích riêng mà không chia sẻ cho nhau. Chẳng bao lâu giữa hai vợ chồng không còn gì chung nữa.
Đây là căn bệnh nguy hiểm khiến cho không cuộc hôn nhân nào chịu được lâu mà không lâm vào tình trạng bệnh hoạn trầm trọng. Ban đầu bệnh này có thể được che đậy ổn thoả bởi cái vẻ đã “yên bề gia thất” và đánh lừa mọi người. Cặp vợ chồng này vẫn chung sống trong một mái nhà. Chỉ có vậy thôi.
Căn bệnh không dừng lại ở đó. Khi nặng hơn nó có những triệu chứng như sau: Dần dần hai người đối xử với nhau tàn tệ trong lời nói, việc làm, mở đường cho sự lãnh đạm hoàn toàn và một sự trống rỗng chán ngán trong mối tương giao của hai người.
Rồi đến một lúc không thể tránh được, sự trống rỗng này ảnh hưởng đến mối tương giao thân xác. Vì ba góc của tam giác là bất khả phân, cho nên bệnh tật của một góc sẽ lây qua hai góc kia. Đời sống gối chăn chỉ còn là bổn phận hay gánh nặng. Giữa tính dục và hôn nhân có một sự căng thẳng.
Chẳng bao lâu người chồng bắt đầu tìm kiếm một người đàn bà khác để có thể thông cảm với anh ta hơn vợ. Người vợ lại kiếm một người đàn ông có thể an ủi cô ta hơn chồng, sự ghen tuông len lỏi vào. Ngoại tình tư tưởng đến trước ngoại tình thân xác. Cuối cùng tội gian dâm ảnh hưởng đến nền tảng pháp lý của hôn nhân và ảnh hưởng đến góc trên cùng của tam giác.
Chứng bệnh này được mô tả và trình bày qua hàng ngàn truyện phim và tiểu thuyết. Những phim ảnh, tiểu thuyết này thường đổ lỗi một cách sai lầm rằng hôn nhân là thủ phạm đã giết chết tình yêu.
Họ muốn chúng ta tin chỉ có ngoài hôn nhân, tình yêu mới có cơ may sống sót. Chỉ có loại tình yêu như vậy mới đáng ca ngợi, mới là thích thú, hấp dẫn và lôi cuốn.
Nhưng kết luận như vậy thật rất sai lầm. Không phải hôn nhân giết chết tình yêu, nhưng chính do thiếu tình yêu mà hôn nhân chết. Tình yêu ngoài hôn nhân thường dễ trở nên một ngọn lửa thiêu huỷ, cuối cùng đốt cháy những kẻ yêu nhau.
Một điều mà phim ảnh, tiểu thuyết ít nhận ra là tình yêu thật chỉ có trong hôn nhân hạnh phúc, và tình yêu đó cũng chính là một thành phần trong tam giác hôn nhân. Phương pháp trị bệnh đúng ở đây là hôn nhân phải có tình yêu, tuy vậy phương pháp này phải được áp dụng trước khi tình yêu chết và trước khi hai góc kia của tam giác hôn nhân đã bị ảnh hưởng.
Chúng ta hãy đến với bệnh nhân kế tiếp. Một cặp vợ chồng khác, vấn đề của họ nằm ở đỉnh của tam giác, tôi gọi bệnh này là:
Hôn Nhân Vụng Trộm
Những triệu chứng của trường hợp này như sau: Hai người này nghĩ rằng họ yêu nhau, đã có ăn nằm với nhau, dù chưa được cưới hỏi hợp pháp.
Cám dỗ lớn nhất trong thời đại chúng ta là coi hành vi pháp lý của lễ cưới chỉ là hình thức, xem hôn thú như là một mảnh giấy không quan trọng, có thể xin bất cứ lúc nào, hoặc chẳng bao giờ cần xin cũng được. Người ta coi hai góc tình yêu và tình dục là đầy đủ cho hôn nhân.
Một số người lại thật thà nghĩ rằng nên có những cuộc hôn nhân thử trước. Họ đề nghị hai người nên thử sống với nhau một thời gian để xem có hợp nhau không. Nếu sau đó thấy không hợp họ có thể chia tay mà không cần ly dị. Đề nghị đó đã dựa trên ảo tưởng cho rằng hai góc tình yêu và tình dục là đầy đủ. Thật ra hôn nhân không thể được thử nghiệm nếu chỉ mới có hai yếu tố.
Mối tương giao ấy là bệnh hoạn. Triệu chứng như sau: tâm hồn tan vỡ và đời sống bị huỷ phá, nhất là đối với người nữ. Tôi không hiểu quí vị nghĩ sao về việc này nhưng trong nhiều nền văn hoá trên thế giới, một thiếu nữ không còn trinh tiết rất ít có hy vọng lập gia đình. Ở xứ tôi một thiếu nữ có con ngoại hôn là một điều bất lợi rất lớn. Vì thế người ta thường phải tổ chức đám cưới vội vàng khi người thiếu nữ khám phá ra mình đã có thai. Nhiều cuộc hôn nhân như thế sau một thời gian lại kết thúc bằng một cuộc ly dị.
Chúng ta cũng phải suy xét đến số phận của con cái lớn lên trong những cuộc hôn nhân như thế. Chúng nó bị tước đoạt mất sự che chở bảo vệ của hôn nhân. Chóp lều bị mất, mưa tuôn vào. Con cái không những không được ở trong một căn lều hôn nhân lành lặn mà còn mất một người cha nữa. Thật khó lường ảnh hưởng của điều đó trên đời sống đứa trẻ. Như vậy, chắc chắn cái nóc của túp lều – lễ hôn phối – là cần thiết.
Ở điểm này tôi không thể không nghĩ đến người giấu tên đã gọi điện thoại cho tôi. Không biết cô ta có ngồi trong cử toạ tối nay không? Suy nghĩ này thúc giục tôi thêm lời nhắc nhở:
Những người cất bỏ phần chóp của túp lều và thực hành “tự do luyến ái” hoặc “hôn nhân thử nghiệm” thường quên nói thêm rằng đối với họ, việc sử dụng những phương pháp ngừa thai là cần thiết.
Họ làm bộ coi như việc này không có ảnh hưởng gì đối với mối tương giao của những cặp đó. Nhưng điều này không đúng. Trong thời kỳ tiền hôn nhân một số phương pháp ngừa thai thường phá huỷ tính cách hồn nhiên và phẩm cách cao quí của tình yêu.
Đến phần này tôi hơi do dự, tôi không biết mình nên đi vào chi tiết đến mức độ nào. Tôi lấy tay chỉ cho Daniel những từ ghi chú trong bài giảng có đề cập đến tên gọi của những phương pháp ngừa thai. Daniel liếc nhìn những chữ ấy và khẽ lắc đầu. Tham khảo ý kiến nhau trên bục giảng như vậy là cả một kinh nghiệm tuyệt vời với tôi. Dĩ nhiên tôi nghe theo và tiếp:
Tôi muốn lặp lại: điều đó làm cho tình yêu tật nguyền. Chúng ta có thể làm một cuộc quan sát tương tự ở đây, giống như đã xem xét trường hợp “hôn nhân trống rỗng”. Nếu một trong các góc của tam giác hôn nhân có bệnh, hai góc kia cũng bị ảnh hưởng và lây bệnh ngay. Các góc trở nên xung đột lẫn nhau.
Thiếu tình yêu, tính dục và hôn nhân xa rời nhau. Trong trường hợp chưa có hôn lễ, tình yêu và tính dục lại chống nghịch nhau.
Sự kết hiệp tính dục thường diễn ra cách vội vã và lén lút trong hoàn cảnh không danh giá gì. Kinh nghiệm như vậy không làm cho tình yêu nẩy nở và thăng hoa, ngược lại làm cho tình yêu khô héo đi.
Đây là vấn đề rất phổ thông ở Mỹ Châu và Âu Châu. Mới đây một bộ phim lành mạnh hiếm có ở Đức đã minh hoạ rõ căn bệnh hôn nhân vụng trộm này. Bộ phim trình bày một cặp nam nữ trẻ tuổi sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng khoảng hai mươi phút sau khi cuốn phim bắt đầu, người xem mới biết rằng cặp này chưa làm đám cưới. Bạn bè và những người thân cố gắng thuyết phục, khuyên họ nên làm đám cưới, nhưng họ từ chối. Ban đầu mọi việc diễn tiến có vẻ tốt đẹp hoàn hảo lắm. Nhưng rồi cô gái có thai. Tình yêu và sự tin tưởng của họ chưa đủ sâu đậm để nàng dám thố lộ với “chồng”. Nàng sợ anh bỏ nên quyết định bí mật phá thai.
Cảnh cuối của phim là cảnh nàng đang nằm kiệt quệ trên giường trong căn nhà trọ sau khi được giải phẫu. Anh ta đi làm về, nhìn cảnh đó và hiểu được điều gì đang xảy ra. Anh ngồi xuống ở đầu cái bàn lớn, trống trải ở giữa hai người. Sự im lặng bao trùm căn phòng, không ai nói gì cả. Họ chẳng còn gì để nói với nhau nữa. Bởi lẽ đã thiếu góc cạnh của lễ cưới. Tình yêu không có cơ hội để minh chứng sự bền bỉ và chân chính của nó. Tính dục đã giết chết tình yêu.
Dừng lại một chút, tôi cảm thấy có một sự đối kháng nào đó từ phía những thanh niên. Qua ánh mắt họ, tôi kết luận thành phố của họ đã có truyện phim này.
Chúng ta hãy đến thăm bệnh nhân kế tiếp trong bệnh viện hôn nhân. Đây là loại bệnh thứ ba. Nó liên quan đến góc phải của tam giác, góc này cũng có thể ngã bệnh. Tôi tạm gọi bệnh này là:
Hôn Nhân Không Trọn Vẹn
Trước hết tôi xin mô tả trường hợp này: Hai người đã thành hôn một cách hợp pháp. Đã sống với nhau khoảng mười đến hai mươi năm. Họ yêu nhau tha thiết, chẳng bao giờ nghĩ đến việc ly dị. Nhưng dầu vậy họ không thoả lòng trong mối quan hệ thân xác.
Người chồng đến với tôi và bảo: “Vợ tôi bị lãnh cảm, nàng không đáp ứng với tôi một cách bình thường. Tôi cảm thấy trong đời sống gối chăn nàng chỉ chịu đựng mà không bao giờ mời gọi tôi cả. Nàng không thấy hứng thú gì”.
Người vợ đến nói với tôi: “Chồng tôi vội vàng quá, tôi nghĩ rằng anh ấy cưỡng bức và lạm dụng tôi. Anh ta không bao giờ thấy đủ”. Hoặc nàng có thể nói ngược lại: “Anh ta luôn mệt mỏi. Khi tôi mong đợi thì anh ấy xoay lưng lại với tôi và ngủ. Tôi có cảm tưởng anh ấy bị bất lực”.
Mọi người cười ầm lên đến mức tôi không ngờ được. Lúc ấy tôi đã quên khuấy đi rằng “bất lực” là một đề tài lớn để giễu cợt ở Phi Châu. Một người đàn ông bất lực được xem như một vật gì kém hơn một con người. Người đàn ông Phi Châu sợ bất lực còn hơn cả sợ chết.
Những bệnh tật thuộc về thể chất trong hôn nhân cũng tạo nên sự chịu đựng nặng nề cho hai người bạn đời. Chỉ vì yêu nhau, muốn làm cho nhau hạnh phúc họ lại càng phải chịu đựng nhiều hơn. Bệnh này từ đâu đến vậy?
Trong nhiều trường hợp, “hôn nhân không trọn vẹn” là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của “hôn nhân vụng trộm”. Khi nói đến điều này tôi không nghĩ nhiều đến bệnh phong tình đâu. Khi nói rằng “hôn nhân vụng trộm” thường gây ra “hôn nhân không trọn vẹn” tôi đang nghĩ đến mối quan hệ thân xác thiếu sâu sắc của người bạn đời có ít nhiều thờ ơ lãnh đạm. Vì khi bị ép buộc và lén lút thì chỉ có thân xác mà thiếu trái tim, không với cả con người của mình.
Một lần nữa chúng ta có thể quan sát hai góc còn lại của tam giác chịu ảnh hưởng do bệnh này ra làm sao.
Khi quan hệ thân xác trở nên khổ hình, vì nó luôn luôn chấm dứt với sự thất vọng của một trong hai người hoặc của cả hai. Một trong hai người sẽ trách người bạn đời của mình thiếu yêu thương. Sự nhàm chán gia tăng. Mối liên hệ nhân bản của họ biến thành việc làm máy móc, phi nhân tính. Tình yêu trở nên lạnh nhạt. Ngay khi điều này xảy ra, người ta gặp một cám dỗ lớn là muốn được thoả mãn tính dục ngoài hôn nhân với một người hưởng ứng hơn, ân cần hơn vợ hay chồng mình. Từ đó góc cạnh hợp pháp của hôn nhân bị đe doạ. Những hậu quả tiếp theo là gian dâm và ly dị. Căn bệnh này có thể làm chết hôn nhân nếu không chữa trị kịp thời.
Lúc này lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì rõ ràng đây là phần dễ đụng chạm nhất trong bài giảng của tôi. Vậy mà Daniel đã thông dịch không chút ngập ngừng và lớp người lớn tuổi không có vẻ bị xúc phạm.
Tôi tiếp:
Đối với những người đang chuẩn bị cho hôn nhân, một câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta phải bước vào hôn nhân bằng lối nào?
Thông thường có ba cách trả lời cho câu hỏi này: trả lời theo truyền thống, trả lời theo lối tân thời và trả lời theo Kinh Thánh. Chúng ta hãy lần lượt xem từng cách trả lời một.
Cách trả lời theo truyền thống đề nghị bước vào tam giác hôn nhân theo lối từ trên đỉnh của tam giác. Tôi tạm gọi là:
Cửa Đám Cưới
Cho đến ngày nay đó vẫn là một cửa vào thông thường không những chỉ thấy ở Phi Châu và Á Châu mà cũng thường thấy ở các nước phương Tây khác nữa.
Hôn nhân được sắp đặt do cha mẹ của đôi bên chớ không do hai người. Đôi khi hai người chỉ được thấy nhau lần đầu vào ngày cưới, hoặc một thời gian rất ngắn trước đó. Mục đích của lối hôn nhân này rất rõ: Con cái. Nếu không phải để có hậu tự thì người ta bước vào tam giác này làm gì? Cửa “đám cưới” thuộc về quan niệm “mảnh vườn”.
Tôi lại cầm tam giác gỗ lên và chỉ vào đỉnh.
Một người bước vào từ góc hôn lễ và đi thẳng về phía góc tính dục, trong trường hợp này chúng ta phải gọi là góc màu mỡ. Bởi vì mục đích kết hợp thân xác này chỉ được nhìn từ một ý nghĩa hẹp hòi: sinh con đẻ cái.
Góc tình yêu bị loại bỏ hoặc lãng quên cũng có thể trở thành nguy hiểm vì sẽ dẫn đến xung đột giữa hai người với gia đình của họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ lại có một chọn lựa khác với điều gia đình đã định?
Dầu gì đi nữa tôi cũng không có ý muốn nói rằng tất cả những cuộc hôn nhân được sắp đặt theo lề lối cổ truyền này đều không hạnh phúc. Chắc chắn tình yêu vẫn có thể phát triển trong hôn nhân.
Một vở nhạc kịch rất nổi tiếng tại Mỹ Châu và Âu Châu, tựa là “Người kéo vĩ cầm trên mái nhà”, thuật về một cặp vợ chồng người Do Thái.
Tevye, người bán sữa và Golde, vợ anh. Họ là mẫu người tiêu biểu của những cặp vợ chồng bước vào hôn nhân theo cửa “đám cưới”. Sau hai mươi lăm năm chung sống với nhau họ mới hỏi nhau rằng không biết họ có yêu nhau không? Chúng ta hãy nghe mẫu đối thoại sau đây của hai người:
Tevye: Golde, tôi hỏi mình một điều, mình có yêu tôi không?
Golde: Mình ngớ ngẩn quá.
Tevye: Tôi biết… Nhưng mình có yêu tôi không?
Golde: Tôi có yêu mình không ấy à? Suốt hai mươi lăm năm qua, tôi đã giặt quần áo cho mình, nấu cơm cho mình, lau nhà cho mình, sinh con đẻ cái cho mình, vắt sữa mấy con bò của mình… Sau hai mươi lăm năm tại sao bây giờ lại nói về tình yêu?
Tevye: Golde, lần đầu tiên tôi gặp mình đó là ngày cưới của chúng ta, tôi sợ lắm.
Golde: Tôi thì mắc cỡ lắm.
Tevye: Tôi lúng túng lắm.
Golde: Tôi cũng vậy.
Tevye: Nhưng bố mẹ bảo chúng ta phải học yêu thương nhau và bây giờ tôi đang hỏi, Golde mình có yêu tôi không?
Golde: Tôi là vợ mình mà.
Tevye: Tôi biết. Nhưng mình có yêu tôi không?
Golde: Mình có yêu anh ấy không nhỉ? Đã hai mươi lăm năm mình sống với anh ấy, cùng lao nhọc, cùng đói khổ. Hai mươi lăm năm qua, giường mình cũng là giường anh ấy. Nếu đó không phải tình yêu thì là gì?
Tevye: Vậy mình yêu tôi phải không?
Golde: Có lẽ vậy, tôi nghĩ thế.
Tevye: Còn tôi, tôi cũng nghĩ là tôi yêu mình.
Tevye và Golde: Bảo rằng chúng mình yêu nhau, đâu có thêm bớt được gì cho cuộc sống lứa đôi, nhưng dù sao sau hai mươi lăm năm, biết được điều ấy vẫn thấy ấm lòng.
Người Mỹ và người Âu có khuynh hướng đánh giá cao tình yêu lãng mạn. Khi người Châu Phi và người Châu Á nhắc nhở điều đó, chúng tôi thấy cần phải nghe họ.
Một người Ấn Độ đã ví tình yêu là tô canh và hôn nhân là cái đĩa nóng trên mặt lò: “Người Âu Tây các ông đặt một cái tô nóng trên một cái đĩa lạnh và nó nguội dần. Còn chúng tôi đặt một tô súp nguội lên trên đĩa nóng và làm cho nó ấm lên dần dần”.
Lối so sánh này cho thấy một số chân lý. Nó không phủ nhận tình yêu là thiết yếu cho hôn nhân. Nhưng nó còn cho thấy hôn nhân không phải chỉ là tình yêu mà còn hơn nhiều vô cùng. Không chỉ có ánh trăng và hoa hồng mà còn có chén bát và tã lót.
Dầu vậy người ta cũng không chắc rằng lối vào bằng cửa đám cưới có phải là lối vào hứa hẹn nhất không? Nguy cơ rất thực tế đó là tình yêu thường không bao giờ chịu góp phần vào việc tạo quan hệ hỗ tương giữa các góc của tam giác hôn nhân. Vì thế xếp đặt một hôn lễ thiếu sự thoả thuận của hai người như vậy là cả một sự liều lĩnh.
Có lần tôi được tham dự một buổi thảo luận của các nữ sinh viên tại một trường đại học lớn ở Phi Châu. Các cô đặt rất nhiều câu hỏi về hôn nhân. Tôi rất ngạc nhiên vì câu hỏi nóng bỏng nhất của các cô là: “Làm thế nào để sống hạnh phúc mà không kết hôn?”. Tôi hỏi họ: “Tại sao các cô không muốn kết hôn?” Họ trả lời: “Chúng tôi thấy quanh mình có quá nhiều cuộc hôn nhân trống rỗng, không có tình yêu cho nên thấy lo sợ mỗi khi nghĩ đến phải bước vào hôn nhân qua cánh cửa đám cưới”.
Thế là ngày nay người ta đã đưa ra một đề nghị mới, đó là bước vào hôn nhân từ góc tính dục.
Cửa Tính Dục
Tôi cần minh giải một điều trước khi bắt đầu, đó là khi nói về những người muốn bước vào tam giác hôn nhân bằng cửa tính dục, tôi không nói đến những cặp đã hứa hôn, vấn đề của họ sẽ được đề cập vào ngày mai.
Hôm nay tôi chỉ nói về những người bắt đầu xây dựng hôn nhân bằng kinh nghiệm tính dục. Bởi vì họ nghĩ rằng tình yêu sẽ nẩy nở từ kinh nghiệm đó và rồi như một sự kiện tất nhiên, họ nghĩ rằng tình yêu này sẽ trở thành tình nghĩa thuỷ chung, từ đó cuối cùng lễ cưới đương nhiên đến.
Tôi lại cầm tam giác gỗ lên, chỉ vào đó, bắt đầu từ góc phải, góc của tính dục, rồi di chuyển qua góc trái và lên đỉnh.
Hoặc có lẽ bằng con đường ngược lại, họ tin rằng sự hiến dâng thân xác sẽ buộc người kia phải đi đến chỗ kết hôn với họ và rồi với giấy hôn thú trong tay, tình yêu sẽ theo sau bằng một cách nào đó.
Cả hai cách tin tưởng này đều chỉ là ảo tưởng. Tình yêu không hề nẩy sinh từ tính dục. Tình yêu phải trưởng thành trước rồi mới dẫn đến tính dục.
Thật vậy, trong hôn nhân, dưới sự che chở bảo đảm của căn lều, tính dục mới thêm sức mạnh cho tình yêu. Còn ngoài hôn nhân, tính dục không phục vụ cho mục đích yêu thương mà chỉ hoàn toàn phục vụ cho những lý do ích kỷ.
Tại sao một chàng trai lại muốn ngủ với một cô gái mà mình không hề biết và không thực sự lưu tâm đến? Thường thì do ba động cơ chính:
1. Cậu ta sợ rằng nếu không giải quyết tính dục cậu ta sẽ trở nên bệnh hoạn hoặc bị rối loạn thần kinh, hoặc cả hai.
2. Cậu ta nghĩ rằng cậu ta phải học bằng cách thực hành.
3. Cậu ta muốn huênh hoang khoe thắng lợi với bạn bè.
Lý do đầu tiên không đúng, lý do thứ hai không thể được, lý do thứ ba đê tiện, hoàn toàn đê tiện. Không có lý do nào trong ba lý do trên xuất phát từ tình yêu và sự lưu tâm đến người khác. Một chàng trai lý luận kiểu đó chỉ nghĩ đến anh ta mà thôi. Chàng ta sử dụng người nữ như một phương tiện nhắm vào một cứu cánh nào, như là một dụng cụ để đạt được mục đích của mình. Anh ta không chuẩn bị chính mình cho hôn nhân.
Tại sao một cô gái có thể dâng hiến chính mình cho một người mà cô chẳng hề biết và chẳng hề lưu tâm đến? Cũng vậy, thường thì có ba động cơ chính liên quan đến điều này:
1. Cô ta muốn trở nên nổi tiếng với những cậu khác.
2. Một cách ý thức hoặc vô ý thức cô ta muốn biết mình có thể trở thành một người mẹ hay không.
3. Cô ta muốn ràng buộc một cậu trai và giành về cho mình người chồng.
Cả ba động cơ này đều xuất phát từ lòng ích kỷ và không đến từ tình yêu. Một cô gái dâng hiến chính mình vì một trong những lý do trên cũng không chuẩn bị chính mình cho hôn nhân.
Có lẽ cô ta sẽ trở nên nổi tiếng, nhưng chỉ nổi tiếng với những chàng trai bê bối. Chẳng bao lâu cô ta bị xem như một cô gái quá buông thả và ai chọn cô ta với lối sống như vậy người đó chắc phải rất thấp kém. Cô ta có thể mang thai và qua đó cô ta biết mình có thể làm mẹ. Nhưng như thế cô ta đã coi khinh con mình, xem nó là phương tiện để tiến tới cứu cánh. Nó có thể lớn lên là một đứa bé không cha. Ràng buộc người nam bằng sự kết hợp thể xác trong hầu hết mọi trường hợp chỉ là ảo tưởng. Cậu trai thường mất hứng thú đối với một chiến luỹ đã chinh phục được. Nếu như chàng trai bị ép phải cưới, cuộc hôn nhân như vậy khó có hy vọng thành công.
Một cô gái thất vọng nói với tôi như vầy: “Đối với tôi đó mới chỉ là bắt đầu nhưng đối với anh ấy lại là kết thúc”. Thay vì nắm được, cô ta lại mất chính điều mình muốn bắt lấy và học từ một kinh nghiệm đau thương: tính dục không những không làm cho tình yêu tăng trưởng mà còn huỷ diệt.
Có một chuyện trong Kinh Thánh mà ngày nay chúng ta cũng thấy xảy ra trên báo chí. Trong IISa-mu-ên đoạn 13 đã thuật lại câu chuyện Am-nôn, con vua, cưỡng bức em gái Ta-ma cùng cha khác mẹ. Chàng ta giả vờ bị đau và nằng nặc đòi Ta-ma đích thân đến săn sóc. Cô phải làm bánh trước mặt Am-nôn, nhưng chưa đủ, Am-nôn còn đòi Ta-ma phải đút cho mình ăn khi chỉ có hai người ở riêng trong phòng ngủ. Ta-ma không hề phản đối gì cả.
Và điều phải đến đã đến: “Nàng dâng bánh cho người ăn nhưng người vớ lấy nàng mà nói rằng: Em ơi hãy đến ngủ cùng anh” (câu 11). Trong giờ phút cuối, Ta-ma bấy giờ cố gắng một cách tuyệt vọng để níu kéo góc cạnh hôn lễ. Trong hoàn cảnh này, cô ta đòi Am-nôn xin nhà vua cho phép cưới nhau. Nhưng không! “Am-nôn không khứng nghe nàng, và vì người mạnh hơn, bèn gian hiếp nàng, nằm cùng nàng”.
Rồi chúng ta thấy câu Kinh Thánh tiếp theo như một kết cuộc thảm khốc. Câu tiếp theo như vầy: “Rồi đó, Am-nôm lấy làm gớm ghét nàng quá, đến nỗi tình người ghen ghét nàng lại lớn hơn tình thương yêu nàng khi trước. Am-nôn nói cùng nàng rằng: Hãy đứng dậy đi đi”
Câu chuyện này bày tỏ cho chúng ta thấy tam giác hôn nhân không thể bị tách rời được. Đây là một hình ảnh sống động cho thấy những ham muốn tính dục sẽ trở thành một năng lực huỷ phá đến nỗi biến đổi tình yêu thành sự ghét bỏ và căm thù khi góc thứ ba bị cắt bỏ và khi tình yêu không được khích lệ hoặc che chở bởi hôn nhân.
Như vậy, người nào đòi hỏi sự dâng hiến thân xác như một bằng cớ của tình yêu, người ấy đã không hành động vì yêu thương. Khi một cậu trai đòi hỏi một cô gái với lập luận rằng: “Nếu em yêu anh, hãy bày tỏ bằng cách hiến mình cho anh đi”. Chỉ có một câu trả lời tương xứng với chàng trai đó: “Bây giờ em hiểu rằng anh không yêu em, nếu yêu em, anh đã không đòi hỏi em điều đó”.
Tương tự như thế, không cần phải nói gì thêm trong trường hợp một cô gái dùng lối lý luận trên và đòi hỏi chàng trai như một dấu hiệu chứng tỏ tình yêu, cô cũng đáng nhận câu trả lời tương tự phía chàng trai.
Tiến sĩ Paul Popenoe, nhà khải đạo hôn nhân nổi tiếng, có lời khuyên rất thực tế trong vấn đề này. Ông bảo rằng một thiếu nữ có thể chuyển lời cho người bạn trai của cô ta như sau:
“Hãy chậm lại người yêu của tôi ơi, để trông thấy mọi điều tốt đẹp ở trong tôi. Hoặc vội vàng để rồi tôi thấy anh sao quá kém cỏi vậy”.
Trong đám cử toạ nam giới có thái độ chống đối nên tôi thêm:
Bởi vì ngày nay chúng ta thấy ngày càng có nhiều thiếu nữ “quá dạn”, có lẽ các thanh niên cũng nên chuẩn bị để chuyển những lời tương tự cho các cô bạn gái của mình.
Tôi xin kết thúc với những lời trích từ lá thư của một thiếu nữ đã cùng với người yêu quyết định không bước vào hôn nhân qua cánh cửa tính dục.
Cô ta viết: “Từ khi có quyết định này, chúng tôi cảm thấy dễ chịu trong mối quan hệ với nhau – sự thoải mái của một cái gì đó chưa bị kết thúc. Đây là điều tôi cảm thấy vui sướng nhất. Đồng thời trong sự nhẹ nhàng trong sáng này, có lời hứa hẹn cho điều gì đó cao cả và sâu xa hơn”.