Điều gì khiến một CDN lập gia đình?

1. Lời giới thiệu

2. Tôi Đồng Ý

3. Tuần Trăng Mật

4. Cùng Nhau Chung Sống Trọn Đời

5. Vai Trò Người Chồng

6. Vai Trò Người Vợ

7. Vấn Nạn Tiền Bạc

8. Một Tá Hay Hai

9. Kỷ Luật Con Cái…Lẫn Cha Mẹ

10. Sự Hiện Diện Của DCT Trong Gia Đình

11. Chúa Jêsus Sống Ở Đây

Lời Giới Thiệu

Điều gì khiến một CDN lập gia đình? Bạn tự hỏi khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, vì bây giờ bạn đã đi đến một quyết định. Sau khi đã suy nghĩ kỹ càng và cầu nguyện khẩn thiết, bạn đã khẳng định rằng chàng thanh niên này hoặc cô thiếu nữ xinh xắn kia là người Chúa chọn cho bạn để chung sống trọn đời. Cuối cùng thì các bạn nhận ra rằng các bạn cần sự hiện diện và tình bầu bạn của nhau không phải chỉ bây giờ mà suốt cả cuộc đời. Không thể nào mường tượng được cuộc sống thiếu vắng người yêu dấu. Hôn nhân, vốn dĩ là một cầu vồng của sắc màu. Từ màu đỏ lấp lánh hạnh phúc đến màu tím thẫm ác liệt. Những đôi lứa như các bạn đang chìm đắm trong tình yêu lãng mạn cần ý thức những sắc thái khác nhau của nó. Một vài lĩnh vực của đời sống gia đình đòi hỏi sự uyển chuyển của cơ bắp. Vài lĩnh vực khác lại đòi hỏi chúng ta phải thực tế đến tận cùng. Còn một số lĩnh vực khiến chúng ta tập trung cảm nhận đạo đức và tâm linh. Vì thế, biết được một số nhân tố cơ bản trong hôn nhân, các đôi lứa có thể ứng xử không những với một chút lãng mạn mà còn với một lượng thực tiễn lớn nữa. Quyển sách này nhằm viết cho các bạn là những người sắp sửa bước vào cuộc sống gia đình. Tác giả tin rằng một sự trình bày trong sáng, thực tế về những phương diện khác nhau của mối tương quan này sẽ ích lợi hơn là những mỹ từ hay lời khuyên ẩn ý chỉ đem đến sự thích thú nhưng không cung cấp những thông tin cần thiết. Quyển sách khởi sự với tấm lòng mong muốn kết hôn và kết thúc với sự xác nhận liên tục của tình yêu đối với mái ấm gia đình được chính DCT, Đấng thiết lập hôn nhân và xây dựng gia đình hướng dẫn và điều hành. Thế là các bạn sắp kết hôn. Mong ước quyển sách này sẽ hỗ trợ cho các bạn. Evelyn M. Feliciano,

ĐÍNH ƯỚC!

Ông Poonen đã gọi thời kỳ đính hôn là sự “đếm ngược” trước khi đến ngày cưới. Đây là những tháng ngày thú vị ngay trước khi bước vào hôn nhân. Đôi lứa theo nghi lễ hay không theo nghi lễ tuyên bố rằng họ chính thức thuộc về nhau. Để bảo đảm cho tình yêu, chàng trai có thể tặng cho người yêu của mình chiếc nhẫn đính hôn như một dấu ấn rằng cô đã thuộc về chàng. Tuy nhiên, thật thú vị khi ta để ý thấy rằng nhẫn đính hôn thường được các chàng trai tặng cho bạn gái sau khi các cô nói “đồng ý” mà chưa hề xác định ngày cưới. Do đó, thời gian đính hôn chỉ mang ý nghĩa một sự công bố chính thức mà thôi. Đây cũng là thời gian để làm quen với gia đình và họ hàng của cả đôi bên. Thời kỳ để hoạch định và chuẩn bị. Thời kỳ mà tình cảm và cảm xúc dâng cao. Câu hỏi thường được nêu lên là: “Nên đính hôn trong bao lâu?” Lâu đủ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho hôn nhân, gồm có về mặt vật chất, thể chất và tinh thần. “Đính hôn nhằm giúp chuyển tiếp từ tình trạng độc thân tương đối vô trách nhiệm đến sự tận hiến có trách nhiệm trong hôn nhân. Đây là thời kỳ đặc biệt dành để sắp xếp và thử thách” (D.H. Small, Mô Hình Cho Hôn Nhân Cơ Đốc, trang 201) Nếu trước đây đã có thời gian tìm hiểu, quen biết và nhận xét thì không cần đính hôn lâu. Nhiều quyển sách khuyên khoảng từ sáu tháng đến một năm, chứ không nên kéo dài hơn. Trên quan điểm thực tế và tình cảm, đính hôn kéo dài hoặc bị kéo dài là thiếu khôn ngoan. Đối với hai người yêu nhau tha thiết, thời gian chờ đợi nếu không cần thiết rất khó chịu đựng. Nếu có những lý do chính đáng để trì hoãn như đau ốm thình lình hoặc chưa đủ tài chánh, điều ấy có thể biện minh được. Nhưng một chàng trai thất nghiệp mà đề nghị thành hôn với lời hứa hẹn chỉ là mối tình mang theo, ngoài ra không có gì cả, thì hơi xử ép với người yêu của mình. Nếu đính hôn là thời gian để trù tính, thì chúng ta trù tính cái gì và với ai? Hãy trả lời câu sau trước. Tốt nhất là nên bàn bạc với nhau. Nên nhớ đây là lễ cưới của các bạn, cả hai bạn. Bàn thảo và chuẩn bị sẽ giúp cả hai thấy được điều gì sẽ xảy ra. Các bạn sẽ khám phá ra rằng với con số 1001 điều phải suy tính, hôn nhân không phải chỉ toàn ánh trăng và hoa hồng. Nó đòi hỏi phải tận lực, cùng nhau làm việc, kiên trì và tự chủ. Nó cũng đòi hỏi phải có tiền nữa. Hãy xin ý kiến cha mẹ. Họ là những người đầu tiên sẵn sàng làm bất cứ việc gì để ngày cưới của các bạn là một dịp tiện vui vẻ. Lời khuyên của họ sẽ rất có giá trị khi các bạn bàn thảo. Ngoài ra, họ cũng cần được an tâm rằng các bạn cần họ giúp đỡ và các bạn không hề có ý định gạt họ ra bên lề. Hãy trở lại với câu hỏi thứ nhất: Cần phải trù tính điều gì với nhau? Tất nhiên, ý nghĩ đầu tiên đến với hai bạn là khi nào thì đám cưới? Tháng 12, tháng 6 hay tháng 9? Một điều rất thực tế cần chú ý khi định ngày là chu kỳ kinh nguyệt của cô gái. Vì thế cô nên đề nghị ngày đám cưới. Đám cưới ở đâu? Người thì tổ chức đám cưới ở trong vườn, ở nhà, bên bể bơi, tại uỷ ban và có người còn cưới ở dưới nước. Đối với CDN, một đám cưới ở nhà thờ luôn luôn đẹp và ý nghĩa. Chúng ta tôn vinh Chúa bằng cách đưa nhau đến nhà Ngài xin Chúa chúc phước và thừa nhận cuộc sống có nhau. Một đám cưới ở nhà thờ có thể là cách để làm chứng cho bạn bè, thân bằng quyến thuộc chưa tin Chúa khi họ đến chia vui với chúng ta. Bạn có thể chi phí đến bao nhiêu? Có ai trong chúng ta lại không muốn đám cưới của mình trọng thể, linh đình? Nhưng linh đình, trọng thể không đồng nghĩa với phô trương và cầu kỳ. Cả hai phải thực tiễn để biết được túi tiền của mình có thể chi đến đâu (nhất là chú rể). Hình thức đám cưới các bạn trù tính, số người thân và bạn bè các bạn mời, kể cả những người không mời cũng đến sẽ quyết định số tiền phải chi. Trong vòng con cái Chúa, đã nhanh chóng hình thành phương thức đóng góp chi phí. Một số phụ huynh (của cô dâu) tình nguyện đóng góp và việc này giúp cho chú rể không ít. Ai sẽ tham dự? Một số người rất thân thiết và chúng ta muốn họ cùng chia xẻ hạnh phúc của chúng ta trong ngày cưới. Việc chọn vị mục sư hoặc các vị mục sư, người đỡ đầu, người tham dự vv…phải dựa trên căn bản tình cảm của họ đối với chúng ta chứ không phải trên tiếng tăm, ảnh hưởng hoặc sự giàu có của họ. Người “đỡ đầu” phải được chọn lựa vô cùng cẩn thận. Trong văn hóa Philippine, họ là cha mẹ tinh thần, vì thế họ phải có phẩm cách. Họ phải là những người không những chỉ chứng kiến sự hợp pháp của cuộc hôn nhân, nhưng là người sẽ tiếp tục cầu thay cho chúng ta dù tiếng chuông báo hiệu hôn lễ đã kết thúc từ lâu. Các bạn sẽ hưởng tuần trăng mật ở đâu? Sau đám cưới, các bạn sẽ thích có một thế giới riêng tư để vui vẻ với nhau ít nhất là trong những ngày đầu của cuộc sống. Đừng quên bàn bạc về chuyện này. Hai, ba tuần trước ngày cưới, nên giữ chỗ trước và chuẩn bị chu đáo. Các bạn không cần phải đi Hong Kong hay Baguio để hưởng tuần trăng mật. Điều cơ bản mà các bạn cần là sự riêng tư và thoải mái để tự do sống với nhau. Một căn nhà nhỏ trên núi hoặc một túp lều bên bãi biển gần nơi bạn ở cũng được rồi. Sau đó các bạn sẽ ở đâu? Các bạn sẽ mướn nhà, xây nhà riêng hay ở chung với một trong hai bên cha mẹ? Đôi khi điều này lại trở thành một vấn đề. Sợ phải bươn chải trên sức mình, các bạn chọn cuộc sống dễ chịu hơn, đó là ở với cha mẹ. Lời Kinh Thánh bàn về vấn đề hôn nhân như sau: “Người nam phải lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sang The Ky 2:24). Và dường như cũng không có chỗ nào khuyên các bạn nên sống với cha mẹ vợ cả. Rey phân vân giữa việc nên hay không nên lìa cha mẹ. Anh sắp sửa kết hôn với Nora, nhưng vì là con một của cha mẹ lớn tuổi, anh cảm thấy nên sống chung với họ sau khi kết hôn. Anh nói chuyện này với Nora. Cả hai cùng nhận thấy sự cần thiết của việc sống độc lập, nhưng đồng thời cũng nhận thấy bổn phận của mình đối với cha mẹ. Với sự cảm thông sâu xa, Nora đồng ý sống chung tạm thời với bố mẹ của Rey cho đến khi cả hai có thể mướn được nhà trong thành phố nơi họ làm việc. Mọi sự đều suôn sẻ với họ. Khi các bạn suy tính, nên chuẩn bị. Chuẩn bị chính mình cho cuộc sống gia đình. Phải biết rõ các bạn được thông tin đầy đủ về vai trò tính dục của người chồng, hay người vợ. Đừng dựa trên những câu chuyện tếu lâm mình nghe được từ bạn bè cũng chẳng biết gì như mình, hoặc đọc trong những chuyện khôi hài hay tiểu thuyết. Nhưng thay vào đó, nên cố gắng tìm những tài liệu thông tin chính xác từ những tác giả đứng đắn. Bạn sẽ tìm được một số sách hoặc tiểu phẩm liệt kê ở cuối sách. Hãy làm sáng tỏ những điều các bạn đọc bằng cách trao đổi với những tín hữu trưởng thành đã lập gia đình, nên là những người cùng giới thì tốt hơn. Riêng các bạn nam luôn luôn có thể hỏi vị mục sư của mình. Vợ của các mục sư cũng nên trang bị kiến thức về vấn đề này để giúp các thanh nữ nhút nhát, e thẹn, kín đáo vốn ngại nói về đề tài tính dục. Các bạn nên đi khám sức khỏe như một thủ tục. Các bạn có thể cùng đi hoặc đi riêng nếu cảm thấy sự có mặt của người kia là bất tiện. Nếu có bác sĩ là tín hữu trong khu vực của bạn thì sẽ dễ thông cảm và hiểu biết hơn. Nếu không thì bác sĩ của gia đình hoặc bác sĩ của bệnh viện cũng được. Bác sĩ sẽ giúp bạn hiểu tốt hơn về khía cạnh thể chất trong hôn nhân. Các bạn có thể hỏi: “Sao lại phải đi khám sức khỏe?” “Tôi khỏe mà”, có thể bạn nghĩ như thế. “Và hơn nữa, khám ngượng chết đi được.” Một giấy chứng nhận sức khỏe tốt chẳng lấy mất cái gì nơi bạn. Nếu cả hai bạn cùng khỏe, điều này sẽ giúp các bạn an tâm và hạnh phúc. Nếu một trong hai, hoặc cả hai có bệnh gì đó, thì các bạn có đủ thì giờ để chữa trị. Còn nếu là bệnh nghiêm trọng, các bạn có thể dời ngày cưới chờ cho khỏe hẳn. Còn nếu không chờ được thì ít nhất các bạn cũng bước vào cuộc sống lứa đôi với ý thức về bệnh tật của mình. Nếu bệnh không thể chữa được và các bạn vẫn tin rằng Chúa muốn các bạn sống với nhau, thì sẽ không có hối tiếc về sau. Sức khỏe là tài sản thiết yếu mà bạn mang theo vào hôn nhân. Các đôi lứa mạnh khỏe thường có tâm tính vui vẻ hơn và cái nhìn lạc quan hơn vào cuộc sống. Người phụ nữ nên nhớ rằng mình sẽ sinh con và sức khỏe của con cái lúc mới sinh tùy thuộc nơi người mẹ. Người chồng là người kiếm tiền nuôi sống gia đình cần có sức khỏe cường tráng. Đính hôn là thời gian để suy tính, chuẩn bị và cũng để cầu nguyện nữa. Tất nhiên, các bạn đã cùng nhau cầu nguyện lâu rồi. Nhưng lúc này những lời cầu nguyện của các bạn đặc biệt hơn và có mục tiêu rõ ràng. Hãy dâng lên Chúa từng chi tiết trong đám cưới của các bạn, sự chuẩn bị, những vấn đề dường như sẽ gặp và một lô những vấn đề khác. Cũng không sớm lắm đâu khi các bạn chia sẻ kinh nghiệm về sự hiệp một trong tâm hồn, tâm trí và tâm linh. Một cuộc hôn nhân được vun đắp bằng những lời cầu nguyện và nhận định chân thực về những khó khăn trong cuộc sống sẽ làm dịu bớt những thăng trầm trong đời sống. Chúng ta cũng cần luôn nhớ rằng DCT muốn và vui thích đáp lời cầu xin của con cái Ngài, thế thì đừng ngần ngại trao cho Ngài mọi sự. Chúng ta sẽ chấm dứt phần nói về đính hôn bằng một câu của tác giả Poonen: “Đính hôn không phải là giấy chứng nhận cho phép quan hệ tình dục. Có một thời kỳ cho mỗi vấn đề. Có thời ôm ấp và có thời hạn chế việc ôm ấp (Truyen Dao 3:5). Thời kỳ ôm ấp là sau hôn lễ. Hãy kiên nhẫn, các bạn sẽ thấy đời sống gia đình thú vị hơn nhiều, vì sẽ không có hối tiếc gì trong hôn nhân. Khi một cặp thanh niên nam nữ khởi sự âu yếm nhau trước hôn lễ, họ đã tạo ra khả năng làm hỏng mối tương giao cá nhân, những căng thẳng tình cảm gia tăng, cầu nguyện chung không thực hiện được (vì bận âu yếm nhau) và có nguy cơ tiến đến quan hệ tình dục với nhau trước khi lập gia đình. Khả năng hồi hôn cũng phải dự trù trong trí các bạn. Nếu âu yếm nhau quá mức, khi cuộc đính hôn tan vỡ, cô gái sẽ tiếc nuối vì đã để cho chàng trai sử dụng thân thể mình.” (Zac Poonen: Tình Dục, Tình Yêu Và Hôn Nhân, trang 107) Thế thì chúng ta hãy nhớ rằng thời kỳ đính hôn vẫn còn nằm ngoài phạm vi hôn nhân. Nếu cho rằng các cặp đính hôn có thể bắt đầu những giây phút thân mật thể xác vì chẳng bao lâu nữa họ sẽ kết hôn là đi trước kế hoạch hạnh phúc của DCT. Chúng ta có thể phá vỡ mọi sự vì quá nôn nóng không đúng lúc.

TÔI ĐỒNG Ý

Bùng lên sự hối hả sau cùng. Rồi thì tiếng đàn organ trổi lên. Cô dâu rạng rỡ, đứng lại trước cửa nhà thờ, chờ cho đoàn người theo sau bước tới. Ông thân của cô trang trọng trong bộ lễ phục truyền thống lặng lẽ lục tìm khăn mùi soa để lau cặp kính gọng thép. “Chói mắt quá”, vừa lau mắt ông vừa nói bâng quơ. Thật ra ông cảm thấy mắt mình hơi ướt. Bên trong nhà thờ, trên hàng ghế đầu, thân mẫu của cô dâu đang sụt sùi lớn tiếng. Bà không thể nín được, “Cô con gái bé bỏng” của bà đang xa rời bà. Vừa nghĩ đến đây bà càng xì mũi to hơn. Một trong số các con trai đã lập gia đình của bà, huých khuỷu tay bà và thầm thì: “Mẹ ơi, thôi đủ rồi!” Rồi hợp âm quen thuộc vang lên. Mọi người đứng dậy. Cô dâu khoan thai bước vào, xinh xắn mĩm cười phía sau tấm voan che mặt. Chú rể khoác tay cô, nghiêm trang dìu cô đến trước bục lễ. Người cha lặng lẽ ngồi xuống và ông Mục sư bắt đầu giới thiệu hôn lễ. Người ta mang nhiều tâm trạng lẫn lộn trong hôn lễ. Nước mắt hòa lẫn với những nụ cười sung sướng…thoang thoáng một nỗi lo và chút sợ hãi. Có một cảm giác mất mát cũng như niềm vui được thêm cộng với niềm hưng phấn khi tưởng đến tương lai. Chính ra đây là giờ phút cao điểm nhất trong cuộc đời không chỉ riêng với cô dâu, là người được chúng ta chú ý triệt để, mà cũng của chú rể đang đứng đợi bên bục lễ. Dầu vậy, xin chúng ta nhớ rằng hôn lễ chỉ mới là khởi đầu của hôn nhân. Đó là đỉnh điểm của giai đoạn tìm hiểu (dù sau hôn lễ vẫn tiếp tục tìm hiểu) nhưng chính là điểm khởi đầu của cuộc sống gia đình. Vì thế chúng ta không nên dồn tất cả tàn lực vào hôn lễ, vì phía trước vẫn còn một chặng đường dài đòi hỏi sự chuẩn bị của chúng ta nữa. Một đám cưới lớn không bảo đảm cho hạnh phúc trong hôn nhân. Dù đây là dịp trọng đại, nhưng tín hữu không nên thổi phồng cách không cần thiết. Người Phi Luật Tân có khuynh hướng chạy đua với nhau để tỏ ra hào phóng, xa hoa trong các đám cưới. Về phần tín hữu Cơ Đốc cũng thấy khó đứng ngoài cuộc. Chúng ta bày tỏ điều đó qua chiếc áo cưới cầu kỳ của cô dâu, qua số lượng phù dâu phù rể và lắm khi qua những bộ lễ phục dường như không phù hợp lắm nhưng lại rất đắt tiền của chú rể. Dĩ nhiên mỗi người có quyền tự do lựa chọn bộ cánh của riêng mình để mặc trong ngày cưới. Chúng tôi chỉ nêu lên lời kêu gọi xin các bạn chú ý đến sự thích hợp và ý thức thực tế mà thôi. Có lần, tác giả được mời đến dự một đám cưới ở vùng xa. Toàn bộ buổi lễ diễn ra đơn giản, dễ thương như những đám cưới trong Chúa, chỉ có điều tất cả những người nam tham dự đều mặc áo khoác. Trời thì nóng như thiêu trong ánh mặt trời ba giờ chiều. Họ chịu đựng cái nóng kinh người cho đến khi tan lễ. Và điều đáng nói là họ đã lạc lỏng trong trang phục ấy giữa vùng quê yên tĩnh. Một cô dâu Cơ Đốc nên xinh xắn nhưng đừng trang điểm thái quá khiến chú rể hoang mang không biết người con gái đang bước kia có phải là người anh đã cầu hôn hay không. Khiếp đảm lắm khi nhìn một cô dâu phấn son lòe loẹt, với đôi mắt có nhiều tầng mascara như cầu vồng. Đừng để cho những chuyên gia trang điểm làm cho mình thành diễn viên hát tuồng cốt để lấy tiền của bạn mặc kệ bạn trông ra sao. Hãy trang điểm đơn sơ và vừa phải thôi. Điều khiến chúng ta muốn gây ấn tượng trên người khác không dừng lại ở áo quần. Chúng ta còn bày tỏ qua cách chuẩn bị thức ăn rất lãng phí. Một lần nữa, chúng ta lại để cho tinh thần tiêu biểu rất Philippine điều khiển mình. Thay vì để cho khả năng tài chánh quyết định phải chọn thức ăn như thế nào, chúng ta để cho sĩ diện làm chủ tình hình. Dịp như thế này sẽ có nhiều người đến dự, nhất là bà con. Chúng ta e rằng sẽ vô cùng thất lễ nếu chỉ đãi họ bằng những thức ăn bình thường. Và thế là chú rể vốn đã quá tải phải cố tìm cách xoay sở cho dù phải mang nợ. Chúng ta không nên làm thế. Một nguyên tắt tốt mà các đôi lứa Cơ Đốc nên đem theo vào hôn nhân là không bao giờ nên sống vượt quá khả năng tài chánh cho phép. Nên tránh đừng để mang nợ trước hoặc sau đám cưới. Mang nợ vì làm đám cưới không phải là một gương tốt của Cơ Đốc Nhân. Ngoài ra, nợ nần sẽ gây khó khăn cho các bạn trong những ngày đầu chung sống, khi chủ nợ đến tìm mà bạn không có gì để trả cho họ cả. Hoang phí, lãng phí không phải là dấu hiệu của CDN chân chính, mang công mắc nợ cũng thế. Sau cùng, tín hữu Cơ Đốc cần nhận ra rằng đám cưới không phải chỉ là áo cưới nhập ngoại đắt tiền và những bữa tiệc sang trọng. Theo Tiến sĩ Ruth Smith thì “đám cưới của một đôi lứa Cơ Đốc là sự hứa nguyện trước Chúa và trước Hội Thánh một cách công khai rằng sẽ chung sống trọn đời theo ý Chúa. Nhưng cung cách sống hoang phí trước và trong hôn lễ chỉ phản ảnh cuộc sống sau ngày cưới mà thôi. Tình trạng suy sụp bất ổn ở một chừng mực nào đó sau tuần trăng mật có thể phát sinh do quá chú trọng vào chi tiết của hôn lễ. Kinh Thánh đề cập nhiều đến hôn nhân hơn là hôn lễ.” (Ruth Smith: “Hôn Lễ của chúng ta có mang tinh thần Cơ Đốc hay không?”) Chúng ta cũng cẩn thận chú ý đến những phần âm nhạc trong chương trình hôn lễ có phù hợp với đức tin Cơ Đốc hay không. Vì là một sự hứa nguyện công khai trước Chúa, nên từng chi tiết phải góp thêm sự trang trọng và thánh khiết vào biến cố này. Chúng ta phải biết rõ rằng bài hát, hoặc hát đều nói lên được điều chúng ta muốn tỏ bày lên Chúa trong ngày trọng đại ấy. Có nhiều bài Thánh ca có ý nghĩa, chúng ta có thể chọn để hát với lòng ước mong đem chúng ta đến gần với ngôi ơn phước của Chúa, bạn bè và những người dự lễ cũng cùng tâm trạng như vậy. Xin hãy tổ chức hôn lễ theo tinh thần của Thánh Kinh. __

TUẦN TRĂNG MẬT

Tuần trăng mật là thời kỳ để ôm ấp, để khám phá, để uống thỏa thích từ nguồn mạch và để vui vẻ với vợ cưới lúc xuân thì (Cham Ngon 5:18). Lần giao hòa thân xác đầu tiên là dấu ấn không thể quên được trong đời sống liên hiệp mà chỉ có cái chết mới có thể chia lìa. Sự thỏa mãn thân xác và tình cảm làm cho cả hai cảm nhận sự đầy trọn của con người mình. Đối với con cái Chúa, hành vi tính dục được nâng lên vị trí cao của sự kỳ diệu tinh thần. Dầu vậy, không phải ai ở trong tuần trăng mật đều ở chín tầng mây. Có những người thấy thất bại, thấy vỡ mộng so với những gì họ tưởng tượng trước đây. Một người bạn tín hữu lập gia đình một vài năm, thuật lại cảm giác cũng như phương thức cô phản ứng lại chồng trong tuần lễ đầu chung sống như sau: “Chiều nào tôi cũng sợ hết. Tôi thấy đau khắp mình mẩy, buồn nôn, bao tử thì quặn thắt còn cái đầu thì quay cuồng. Mỗi lần vào nhà tắm là tôi ở trong đó thật lâu. Tôi thật là khờ, toàn bộ sự việc thật là một thử thách đối với nhà tôi. Tôi rất vui vì nhà tôi là người kiên nhẫn. Bà biết không, tôi lập gia đình mà không biết tí gì về tình dục cả. Chỉ nghĩ đến chuyện ấy thôi là tôi đã thấy kinh khủng rồi.” Một thiếu nữ khác sau khi hưởng tuần trăng mật trở về vẫn còn trinh nguyên chưa được chồng đụng tới. Cô cho biết cô đi ngủ với một lô quần sọt trên người. Tận trong thâm tâm cô rất muốn cho chồng nhưng cô không thể. Cái ý tưởng ấy làm cô sợ hãi. Nói chung, các thiếu nữ Philippine đi đến giường cưới nhưng với sự hiểu biết lệch lạc hoặc không biết tí gì. Chỉ nghĩ đến việc giáo dục về tính dục ở học đường thôi cũng không được những người bảo thủ chấp nhận. Với họ, tính dục là cái gì đó mà bạn không thể nói cách lộ liễu. Và thế là rất nhiều cô dâu lên giường với chồng với một ý niệm hết sức mơ hồ về cái gì sẽ xảy ra giữa họ. Vì thế rất cần đọc sách có uy tín để có được những thông tin về vấn đề này và mỗi người cần tham khảo từ những tín hữu cùng giới đã có gia đình. Khi đó họ có thể hỏi những câu hỏi rất cá nhân mà cho dù có ở giữa một nhóm người cùng giới, họ cũng không dám hé răng. Vấn đề đáng tiếc ở đây là có rất ít người có đủ can đảm hỏi và có ít người đã có gia đình có kinh nghiệm muốn trả lời thẳng thắn vào câu hỏi đặt ra cho họ. Thiêng liêng hóa cái khái niệm về sự giao hợp thật sự chẳng giúp được gì cho những thanh niên nam nữ muốn biết rõ sự kiện. Nói một cách đơn giản là như thế này: Chúng ta học ở trường rằng nếu muốn làm một bài văn, hay bài giảng, thì chúng ta cần phải chia làm ba phần: mở đầu, thân bài và kết luận. Khi người chồng muốn đến gần vợ thì cũng theo qui luật ấy. Chúng ta sẽ đề cập đến các phần riêng rẽ. 1. Phần mở đầu hoặc có thể gọi là phần kích thích, khởi động. Một người chồng cần hiểu rằng vợ mình cần phải được kích thích để đưa đến sự hòa hợp thể xác, cần có thời gian. Cô ấy không dễ bị kích thích như chồng. Cô ấy cần được sờ mó, hôn hít, vuốt ve và mơn trớn để khơi dậy trong cô một khao khát được giao hoan. Một vài bộ phận trong cơ thể người phụ nữ được DCT tạo dựng rất nhạy với mục đích này. Đó là những phần mà chúng ta gọi là vùng Vuốt ve, âu yếm những nơi này sẽ khiến người vợ bị kích thích cho đến khi ước ao muốn được chồng chiếm hữu. Một vài vùng đó là cổ, gáy, ngực, nhất là núm vú và mông và phần nhạy cảm nhất là vùng nằm ở phía trên âm hộ. Người chồng phải luôn luôn tỏ ra nhẹ nhàng, dịu dàng và giàu tưởng tượng trong khi âu yếm vợ. Không gì có thể làm cho người vợ chán ngán, mất hứng thú thể xác hơn là ước muốn chiếm hữu cách vô tâm, thô bạo, nhanh chóng cho xong rồi kết thúc. Khi âu yếm, mơn trớn như vậy, người vợ sẽ cảm thấy âm hộ mình ướt một chất nhầy có tác dụng làm cho trơn khiến chồng dễ đưa dương vật vào và ít đau hơn. Đây cũng lại là một trong những dự liệu của DCT. Khi ước muốn của người vợ mạnh hơn, cô sẽ thật sự muốn có sự giao hợp mà chúng ta sẽ gọi là thân bài. 2. Thân bài, chúng ta có thể nói như thế này: chồng đưa dương vật, lúc này đã cương cứng lên, vào trong âm hộ vợ. Lần đầu tiên thì cô dâu mới sẽ cảm thấy đau chút ít vì màng trinh nhằm bảo vệ đường vào âm hộ bị rách. Người chồng phải nhẹ nhàng từ từ cho đến khi đưa trọn dương vật vào trong. Sau đó, chồng nhúch nhích dương vật tới lui, ra vào. Người vợ cũng cùng đáp ứng bằng cách lắc mông qua lại hoặc đưa mông lên xuống. Sau vài phút cả hai sẽ đạt đến đỉnh điểm. Người chồng sẽ tuôn ra một chất dịch vào trong cơ thể vợ, điều đó khiến người chồng đạt được khoái cảm tột cùng. Trong khi đó, người vợ cảm nhận được cái ngây ngất của thân xác. Hebert J. Miles diễn tả trong quyển “Hạnh phúc tình dục trong hôn nhân như sau: “Đó thật là một sự nổ tung các cơ bắp, một khoái cảm tột độ của âm vật, âm hộ và toàn thân từ đầu tới chân.” Khoái cảm của vợ chồng có thể đến cùng một lúc hoặc kẻ trước người sau. Nếu luôn tới cùng lúc với nhau thì thật là tuyệt vời. Nhưng thường thì không được như thế. Người vợ thường chậm hơn sau đó một chút. Một người chồng hiểu biết sẽ không rút dương vật mình ra (dù lúc này nó đã mềm rồi), vẫn tiếp tục rờ âm vật của vợ cho đến khi cô ấy cũng đạt đến khoái cảm như mình. 3. Kết luận, là phần âu yếm sau đó mà người vợ cần hơn người chồng. Vì cớ chồng đã mơn trớn, vuốt ve rồi chiếm đoạt được nàng nên người chồng cần tỏ ra sung sướng cám ơn vợ bằng những cái ôm siết, hôn và thì thầm những lời âu yếm sau đó. Một diễn giả có tài không bao giờ chấm dứt bài nói chuyện đột ngột, nhưng ông ta tóm lược những điểm mấu chốt. Người vợ thường nhận được những lời khen ngợi rằng cô rất quí giá đối với chồng trong những phút giây tâm sự này. Điều cơ bản hơn cả là việc hợp nhất trong những động tác giao hoan là không khí yêu thương, sự quan tâm dịu dàng dành cho nhau và sự hiến dâng chính mình cho người yêu dấu. Càng có kinh nghiệm, bạn sẽ càng sáng tạo ra những kỹ thuật của riêng mình và bạn sẽ nhận ra rằng những năm về sau càng ngọt ngào hơn những năm đầu nữa. Tất nhiên, các đôi lứa sẽ gặp va vấp, lúng túng trong những tháng đầu tiên của hôn nhân. Nhưng đừng để điều đó làm mình nản chí. Đây là lúc cần có sự trao đổi hai chiều cách thoải mái. Vì tình dục rất quan yếu trong hôn nhân, cả hai cần bày tỏ công khai những suy nghĩ, khó khăn trong cảm xúc của riêng mình. Nếu người vợ thấy mình không thỏa mãn hoặc cần kích thích nhiều hơn nữa, cô ấy phải nói ra. Cô đừng e ngại chỉ cho chồng phần thân thể nào chồng cần mơn trớn hoặc vị trí nằm nào cô thích. Người chồng cũng thế, cần tỏ cho vợ biết cái gì làm mình khó chịu. Cả hai cần liên tục khám phá và động viên nhau trong mối quan hệ này hoặc trong những khía cạnh khác cũng vậy. Một cuộc sống tình dục hạnh phúc là một yếu tố lớn trong cuộc hôn nhân thành công. Các cặp vợ chồng không nên tỏ ra mọi sự tốt đẹp trong khi sự thật trái lại. Một quyển sách viết rất trung thực, thẳng thắn trên quan điểm Cơ Đốc về đề tài này là: “Hạnh phúc tình dục trong hôn nhân” của Tiến sĩ Herbert J. Miles. Chúng tôi xin giới thiệu quyển sách này cho các bạn sắp lập gia đình.

CÙNG NHAU CHUNG SỐNG TRỌN ĐỜI

Ai là người đã đặt ra câu thành ngữ “hãy ở với nhau cách hòa thuận” khi ám chỉ về hôn nhân chắc hẳn phải vừa nói đùa vừa mỉa mai. Chúng ta nhận biết rằng một số hôn nhân thật sự là những chiến trường. Còn những cuộc hôn nhân khác thì ở trong tình trạng ngừng bắn khó thở. Dường như những người còn ở lại với nhau là những người biết xấu hổ, có tư cách và do sự ràng buộc của con cái. Nhưng đôi khi, tình yêu chẳng còn nữa. Những cặp vợ chồng Cơ Đốc cũng đang ở trong mối nguy hiểm tương tự. Họ không được miễn trừ khỏi sự căng thẳng và xung đột của đời sống hôn nhân.