Mục đích của hôn nhân là gì ? Chúng ta cần phải suy nghĩ về điều đó, ghi chép lại và sẵn sàng đem ra thực hiện như một công tác phục vụ Chúa và như một lời làm chứng sống động về Ngài cho thế gian. Đây chính là mục tiêu mà những người phụ nữ Cơ Đốc phải nhắm đến.

HÔN NHÂN LÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Giao ước hôn nhân
Hôn nhân không phải là sản phẩm của lịch sử ! Hôn nhân chính là chương trình của Đức Chúa Trời cho con người trong suốt mọi thời đại. Đức Chúa Trời là Chúa của giao ước và hôn nhân chính là một hình thức giao ước. Cham Ngon 2:17 “Nàng lìa bỏ bạn của buổi đang thì, Và quên sự giao ước của Đức Chúa Trời mình”
Lời Chúa trong sách Châm ngôn đã khẳng định một cách dứt khoát chế độ một vợ một chồng cũng như sự thánh khiết của hôn nhân và gia đình. “Các ngươi lại còn làm sự nầy: các ngươi lấy nước mắt, khóc lóc, than thở mà che lấp bàn thờ Đức Giê-hô-va, nên nỗi Ngài không nhìn đến của lễ nữa, và không vui lòng nhận lấy vật dâng bởi tay các ngươi. Các ngươi lại nói rằng: Vì sao ? Ay là vì Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh dối, dầu rằng nó là bạn ngươi và là vợ giao ước của ngươi” (Mathio 2:13,14)
Từ ngữ GIAO ƯỚC được định nghĩa trong tự điển như sau:
Một sự cam kết long trọng giữa hai hoặc nhiều người với nhau
Một sự cam kết có tính cách pháp lý
Một giao kèo
Do đó hôn nhân Cơ Đốc là một GIAO ƯỚC giữa người nam và người nữ cùng nhau thề nguyện trước mặt Chúa sẽ trung thành với nhau suốt đời trong một giao ước long trọng và chặt chẽ nhất.
“Vậy người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp” (Mac 10:9)
Kinh thánh rất coi trọng hôn nhân:
Cham Ngon 18:22 “Ai tìm được một người vợ, tức tìm được một đều phước”
Gieremi 29:5,6 “Hãy xây nhà và ở; hãy trồng vườn và ăn trái; hãy lấy vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, hầu cho chúng nó đẻ ra con trai và con gái. Hãy lấy vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, hầu cho chúng nó đẻ ra con trai và con gái. Số các ngươi khá thêm nhiều ra ở đó và đừng kém đi”
I Timothe 3:12 “Các chấp sự chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi, phải khéo cai trị con cái và nhà riêng mình”
ITimothe 5:14 “Vậy ta muốn những gái góa còn trẻ nên lấy chồng, sanh con cái, cai trị nhà mình, khỏi làm cớ cho kẻ thù nghịch nói xấu”
Heboro 13:4 “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình”
Việc tạo dựng nên người nữ – Sự bày tỏ của tình yêu
Việc tạo dựng nên người nữ đã bày tỏ tình yêu thương sâu sắc của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Ngài không những chỉ quan tâm đến việc sinh sản con cái, nhưng Ngài cũng quan tâm đến tình trạng cô đơn của người nam, bởi vì Ađam đã không thể tìm được người bạn nào giữa các thú vật và ông rất cần một người để giúp đỡ mình. Và thế là Ngài đã tạo dựng nên một người giúp đỡ rất phù hợp cho Ađam, là người sẽ bổ túc cho ông và cũng là người có thể cùng có một tần số với ông về mặt tinh thần, thể chất, tình cảm cũng như thuộc linh.
“Nhưng về phần Ađam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết” (Sang The Ky 2:20).
Khi tạo dựng Eva Đức Chúa Trời đã tạo dựng một người bạn hoàn toàn phù hợp với Ađam.
“Giêhôva Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi Ađam làm nên một người nữ, đưa đến cùng Ađam” (Sang The Ky 2:22).
Việc tạo dựng nên người nữ rất đặc biệt. Điều này nhằm thực hiện một mục đích rất cụ thể. “Đức Chúa Trời đã dựng nên người nữ” – Từ ngữ Hêbơrơ “panah” được dịch là “dựng nên” có nguyên nghĩa là được tạo dựng một cách khéo léo. Kinh thánh đã không dùng từ ngữ “asah” là từ ngữ vẫn thường dùng để nói về sự khéo léo.
Như vậy người nữ đã được tạo dựng một cách đặc biệt để đáp ứng với nhu cầu của người nam. Điều mà Ađam cần đó là một người giúp đỡ giống như ông. Chính từ ngữ “người giúp đỡ” đã bày tỏ ý nghĩa và tầm quan trọng của người phụ nữ .
“Giúp đỡ” có nghĩa là đáp ứng những gì cần thiết – có nghĩa là đem lại sự yên ủi khi gặp khó khăn, giúp đỡ, phục vụ … Với tình yêu thương cao cả, Đức Chúa Trời đã quyết định lấy xương sườn của Ađam để dựng nên người nữ, và như thế người nữ không những chỉ là một người giúp đỡ nhưng còn là người bạn đường của người đàn ông. Êva đã được dựng nên để mang lại sự hoàn hảo cho Ađam, hầu cho Ađam có thể nhìn thấy sự trọn vẹn của mình nơi Êva và tìm thấy nơi Êva những điều bù đắp cho sự thiếu sót của mình.
Khi người nam và người nữ kết hiệp với nhau để làm nên sự trọn vẹn thì họ trở thành một sự phản ảnh tình yêu của Đức Chúa Trời và bày tỏ ý chỉ tốt lành của Ngài. Ngài đã xác định rằng mối quan hệ hôn nhân ưu tiên hơn và vượt qua mối quan hệ với cha mẹ. Sẽ không có mối liên hệ nào hay sự ràng buộc nào quan trọng hơn mối liên hệ giữa chồng và vợ.
Việc tạo dựng nên người nữ là một sự bày tỏ tình yêu và mối liên hệ giữa người nam và người nữ trong hôn nhân chính là sự thể hiện của tình yêu.
MỤC ĐÍCH CỦA HÔN NHÂN
Hôn nhân được thiết lập bởi Đức Chúa Trời có ba mục đích:
– Tình bè bạn, tình chăn gối
– Sinh sản con cái Vì lợi ích của xã hội
– Tình bạn trong hôn nhân
Sách hướng dẫn nghi lễ hôn phối của giáo hội Anh quốc giáo xác định mục đích của hôn nhân là: “để phục vụ lợi ích của xã hội, đem lại sự giúp đỡ và khích lệ cho cả vợ lẫn chồng khi thịnh vượng cũng như lúc khó khăn. Tạo điều kiện để các bản năng và tình cảm tự nhiên được dựng nên bởi Đức Chúa Trời được thánh hóa và sử dụng một cách đúng đắn, cũng như tạo điều kiện để mỗi cá nhân được Đức Chúa Trời kêu gọi sống đời sống lứa đôi cần phải sống một cách thánh khiết”.
Ngày nay tại các nước phương Tây cũng như các nước đang phát triển, những quan điểm truyền thống trong hôn nhân bắt đầu thay đổi nhiều. Trước đây người chồng được coi là người chủ gia đình và người vợ chỉ lo công việc nội trợ. Ngày nay người ta đang nhấn mạnh đến sự chia xẻ trách nhiệm chung giữa vợ chồng. Đang có một phong trào kêu gọi sự bình đẳng nam nữ ở sở làm cũng như tại gia đình. Tuy nhiên, mối quan hệ căn bản giữa vợ chồng vẫn giữ nguyên: đó là nhu cầu về tình bạn, tình yêu, tình chăn gối và sự thành đạt chung.
Việc sinh sản, nuôi dưỡng con cái và mối liên hệ chăn gối chỉ là một phần nhỏ trong đời sống hôn nhân. Phần quan trọng hơn của đời sống hôn nhân đó là chia xẻ cuộc sống, suy nghĩ, tình cảm, nỗi lo âu và niềm hạnh phúc.
Ý nghĩa của hôn nhân chính là sự chia xẻ cuộc sống, một tình bạn bền vững, một người bạn đời chung thủy và một tình bạn thân thiết.
Hôn nhân là điều đẹp đẽ nhất, kỳ diệu nhất và ý nghĩa nhất.
Chúng ta bước vào hôn nhân với tất cả hành trang vốn có của mình: Sự sợ hãi, tự ti mặc cảm và tất cả những thiếu sót bất toàn của mỗi con người.
Như tôi đã nói trong những phần trước, một trong những vấn đề của tôi là sự tự ti mặc cảm và ý nghĩ cho rằng mình không có giá trị. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể tốt bằng nhà tôi. Nhà tôi lớn hơn tôi vài tuổi và là một mục sư Anh quốc giáo, là người mà tôi vô cùng kính phục và ngưỡng mộ. Sự kính sợ mà tôi thường có đối với Đức Chúa Trời cũng như đối với cha tôi chính là yếu tố nổi bật nhất trong mối quan hệ với chồng tôi. Tôi cứ luôn sợ rằng nhà tôi sẽ chú ý đến một người phụ nữ khác có cuộc sống thuộc linh hơn tôi. Vì thế tôi cố gắng cư xử một cách tốt đẹp như một cô bé ngoan ngoãn và không bao giờ muốn chồng tôi thấy được những khía cạnh xấu của tôi, bởi vì tôi nghĩ rằng nếu chồng tôi nhận ra những điều đó thì sẽ không còn yêu thương tôi nữa. Tôi đã nhìn chồng tôi như một tượng đài cao cả.
Tôi không bao giờ có thể nghĩ đến sự bình đẳng nam nữ. Nhà tôi không hề hay biết gì về những dằn vặt nội tâm của tôi. Do ý tưởng cho rằng mình không tốt đủ nên tôi đã không phát huy vai trò tích cực của tôi trong đời sống hôn nhân. Tôi đã không chấp nhận chính mình và có một hình ảnh rất tiêu cực về chính mình. Chính vì thế cả những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến tôi bối rối và cảm thấy khốn khổ, dễ bị tổn thương, ganh tị. Và điều tệ hơn là tôi không dám thú nhận mình có những tình cảm đó. Tôi đau khổ và lặn hụp trong tâm trạng bất ổn và không bao giờ dám nghĩ rằng chồng tôi thực sự yêu thương tôi. Tôi tự cho rằng mình là con người kém cỏi và luôn thấy rằng chồng tôi ở vị trí cao hơn. Sự mất bình đẳng này đã không giúp chúng tôi xây dựng được một tình bạn chân thật và sâu đậm. Chúng tôi còn giữ được mối hôn nhân tốt đẹp chỉ vì chúng tôi yêu mến Chúa và hết lòng muốn phục vụ Ngài. Chúng tôi rất bận rộn trong công tác phục vụ Chúa. Tôi cũng cảm thấy được Chúa kêu gọi như chồng tôi. Rất nhiều lần tôi che giấu những tình cảm riêng của mình bằng các việc làm. Chỉ khi tôi được hòa thuận với Đức Chúa Trời và chấp nhận chính mình, giữ địa vị cân bằng với chồng tôi như một người bạn đời thì tình bằng hữu mới bắt đầu phát triển.
Cảm tạ Chúa, Ngài đã chữa lành cho tôi và phục hồi hôn nhân của chúng tôi.
“Nhưng làm thế nào mối liên hệ hôn nhân giữa một người nam và một người nữ có thể phát triển đến mức tốt đẹp nhất mà Đức Chúa Trời đã ấn định ? Điều này đòi hỏi một tình yêu sâu sắc và không ngừng rèn luyện. Ở đây có một yếu tố quan trọng hơn mọi yếu tố khác. Đó là tình bè bạn – tình bằng hữu giữa hai con người trong đó mỗi người phát triển đến điều tốt đẹp nhất và ban phát cũng như nhận lãnh tối đa những gì mà hai người có thể chia xẻ cho nhau. Một khi hôn nhân không đạt đến sự chia xẻ đó thì đã đánh mất ý nghĩa cao cả nhất”.
Trải qua năm tháng, tôi và nhà tôi đã trưởng thành trong tình bạn đối với nhau. Tôi không còn coi nhà tôi là thần tượng nữa. Không phải bởi vì nhà tôi không còn hấp dẫn như trước, nhưng chỉ vì chúng tôi đã trưởng thành trong sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau cả những ưu điểm và khuyết điểm. Người chồng hay người vợ không nên trở thành một điều gì đó ngăn trở sự phát triển nhân cách của người kia, nhưng với tình yêu thương họ cần phải chia xẻ cuộc sống, nâng đỡ và gây dựng lẫn nhau.
Hôn nhân là cả một quá trình ban cho và tiếp nhận, hôn nhân có nghĩa là một tình bè bạn chân thật và bền vững.
Hôn nhân chính là tình bè bạn và tình bạn cần thời gian để phát triển.
Trong tác phẩm “Tình Bạn”, tác giả Jim Conway đã nêu lên mười yếu tố chính của tình bạn:
Tình bạn là điều rất quan trọng trong hôn nhân, bởi vì một ngày nào đó những đứa con đã từng chiếm mất thời giờ và vị trí trong gia đình sẽ trưởng thành và rời khỏi gia đình. Một trong những kinh nghiệm buồn bã nhất là vợ chồng nhận ra rằng mình không có một nền tảng chung và gia đình chỉ là một căn nhà trống trải. Thời gian đã trôi qua nhưng mối liên hệ giữa vợ chồng đã không được vun đắp tài bồi. Mối quan hệ đó đã không nẩy nở để trở thành một vườn hoa với đầy tình yêu thương và tình bạn chân thật, nhưng đã trở nên một khu vườn hoang vắng, khô hạn và buồn tẻ. Có những cặp vợ chồng đã bước vào hôn nhân với tình yêu nồng thắm và hạnh phúc, nhưng sau đó chỉ còn là đống tro tàn của sự chịu đựng và niềm vui gượng gạo.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là người phụ nữ đã chỉ sống cho con cái hoặc cho sự nghiệp, và người chồng chỉ đóng vai trò thứ yếu trong đời sống của họ. Người phụ nữ có thể quá quan tâm đến con cái mà không chú ý đến việc đáp ứng nhu cầu của người chồng. Đến khi con cái đã khôn lớn và tự lập thì những người phụ nữ này thường rơi vào tình trạng khủng hoảng, cô đơn và cảm thấy tự ti mặc cảm, có cảm giác như mình không còn cần thiết nữa. Vợ, chồng có thể sống chung dưới một mái nhà, nhưng người đàn ông đã tự tạo cho mình một cuộc sống riêng với những thú vui riêng. Họ không có điều gì chung để chia xẻ cả. Cuộc sống của họ như hai đường thẳng song song không hề gặp nhau.
Tuy nhiên nếu chúng ta sống cuộc đời đặt Chúa làm trung tâm của mình chứ không phải là bản ngã, thì chúng ta sẽ có thể xây dựng một cuộc hôn nhân với tình bạn bền vững chứ không phải chỉ là mối quan hệ gượng gạo.
Vấn đề giới tính
“Hôn nhân được Đức Chúa Trời thiết lập với mục đích để các bản năng và tình cảm tự nhiên mà Tạo hóa phú bẩm cho con người có thể được thánh hóa và sử dụng một cách đúng đắn; và để cho những người được Chúa kêu gọi sống cuộc sống gia đình có thểõ tiếp tục bước đi trong “sự thánh khiết”. (Sách Cầu nguyện của Giáo hội Anh quốc giáo xuất bản năm 1928).
Những sự bày tỏ bình thường của các bản năng tự nhiên được Tạo hóa phú bẩm đã khiến cho hôn nhân trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc đối với cả vợ lẫn chồng. Bản năng tính dục rất thường bị lạm dụng và giải thích một cách sai lạc. Với tư cách là người phụ nữ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải giữ cho vấn đề tính dục luôn thánh khiết và đẹp đẽ như ý định của Đức Chúa Trời đã thiết lập. (Vấn đề tính dục sẽ được bàn thêm ở Chương 6 “Tính dục trong hôn nhân”).
Việc duy trì nòi giống.
“Hãy sinh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy đất”