LA BÀN THUỘC LINH
Sáng Thế Ký là sách về những sự khởi đầu. Đó chính là ý nghĩa của chữ “sáng thế” (genesis). Trong Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời cho chúng ta biết khởi đầu của nhiều điều vì Ngài muốn chúng ta hiểu những điều ấy đúng theo ý định của Ngài.

Cuộc đối thoại được ghi lại đầu tiên giữa Đức Chúa Trời và con người được chép trong chương ba của Sáng Thế Ký ngay sau khi Ađam và Êva ăn trái mà Đấng Tạo Hóa cấm họ ăn. Do không vâng lời Đức Chúa Trời, ông bà đã biết được điều thiện và điều ác nên ẩn mình vì cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Chúng ta đọc thấy Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những tạo vật nổi loạn của Ngài trong khu vườn, và khi tìm gặp Ngài đã chất vấn họ. Thật sự khi Đức Chúa Trời đặt câu hỏi với họ thì chẳng phải là do Ngài không biết câu trả lời. Mục đích của Ngài là khiến họ phải suy nghĩ. Tôi thấy những câu hỏi của Đức Chúa Trời giống như một chiếc “la bàn thuộc linh”. Vì khi bàn về hôn nhân, Kinh Thánh bắt đầu từ hai người liên hệ trong cuộc hôn nhân, nên tôi xin chia sẻ tám câu hỏi mà Đức Chúa Trời hỏi chúng ta trong Kinh Thánh để có thể giúp hai vợ chồng hiểu được chính mình và hiểu nhau. Những lời đầu tiên của Đức Chúa Trời nói với con người sa ngã được ghi lại trong Kinh Thánh đều là những câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên của Ngài là: “Ngươi ở đâu?” (Sáng Thế Ký 3:9;). Điều nầy hàm ý: “Ngươi đáng lẽ phải ở đó nhưng ngươi lại không ở đó. Vậy ngươi ở đâu?” Đại khái câu hỏi đó muốn nói rằng: “Hãy nghĩ xem ngươi ở đây có được không, vì đây không phải là chỗ của ngươi” . Ađam trả lời rằng: “Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lỏa lồ, nên đi ẩn mình ” (10) . Nói cách khác, “Khi nghe tiếng Chúa, tôi rất sợ. Tôi biết rằng sự lõa lồ tôi sắp bị phơi bày ra và tôi không muốn mình bị phơi bày ra như thế.” Điều nầy mô tả chính xác bản chất con người như đã và đang tồn tại ngày nay. Bạn có bao giờ nghĩ rằng đáng lẽ mình phải có mặt ở nơi nào đó mà lại không có mặt chưa? Ví dụ trường hợp bạn tin rằng Đức Chúa Trời đặt với bạn câu hỏi: “Ngươi đang ở đâu?” Phải chăng cái mà chúng ta gọi là “khủng hoảng bản thân” chính là điều mà Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta trong Sáng Thế Ký chương ba? Phải chăng Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu điều kỳ diệu là Đấng Tạo Hóa theo đuổi chúng ta ngày nay với những câu hỏi buộc chúng ta phải xét lại vị trí của mình vì chúng ta không ở đúng nơi mà Ngài mong muốn? Câu hỏi thứ hai Chúa hỏi con người là: “Ai nói cho ngươi biết?” hay cụ thể hơn là: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lõa lồ ” (11) Trong nguyên ngữ Hêbơrơ là “Ai khiến cho ngươi biết mình lõa lồ?” Câu hỏi thứ hai của Đức Chúa Trời nhằm đưa Ađam và Êva trở lại lúc hai người ăn trái cấm. Khi họ đã ăn trái cấm chúng ta đọc thấy: “Đoạn, mắt hai người đều mỡ ra, biết rằng mình lỏa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân ” (7) . Vậy, khi Chúa hỏi: “Con thấy mình bị lõa lồ từ lúc nào, ai khiến cho con thấy mình lõa lồ?” thì câu trả lời là chính Đức Chúa Trời khiến cho họ thấy mình lõa lồ vì Ngài yêu thương họ. Cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Trời với Ađam và Êva là sự mô tả đẹp đẽ về tình yêu của Ngài như vốn có xưa nay. Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã mở mắt họ, vì Ngài muốn con người do Ngài dựng nên hiểu được điều họ đã làm và họ phải bày tỏ một điều gì đó về thực tế là họ đã không có mặt đúng nơi Ngài muốn. Ngày nay Chúa vẫn bày tỏ tình yêu của Ngài cho chúng ta giống như vậy. Câu hỏi thứ ba và thứ tư của Chúa đưa họ đến chỗ xưng nhận tội lỗi mình. Câu hỏi thứ ba là: “Ngươi có ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn đó chăng ?” (11) Tôi tin rằng các cây nầy mang ý nghĩa phúng dụ tượng trưng. Tôi không có ý nói rằng các cây đó là thần thoại hay hư cấu và không có ý nghĩa. Phúng dụ là một câu chuyện mà trong đó con người, nơi chốn và đồ vật mang ý nghĩa sâu sắc hơn, thường là ý nghĩa về mặt đạo đức hay thuộc linh. Bạn từng bao giờ thấy cây kiến thức chưa? Bạn thấy cây sự sống bao giờ chưa? Bạn có bao giờ thấy hay nghe một giọng nói bước đi chưa? Như vậy đây phải là ngôn ngữ phúng dụ tượng trưng, nhưng ngôn ngữ đó muốn dạy lẽ thật nào đây? Trong phúng dụ về các cây trên, Đức Chúa Trời chỉ có ý muốn nói như thế nầy: “Ta đã đặt con trên thế gian nầy và ta biết nhu cầu của con rõ hơn con. Ta có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con qua các cây nầy nếu con ăn các thứ trái đó đúng như ta hướng dẫn con để nhờ đó mà được thỏa mãn nhu cầu của mình” . Chúng ta đọc thấy Đức Chúa Trời trồng các thứ cây nầy theo thứ tự ưu tiên (Sang The Ky 2:8-9). Trước hết là những cây mang ý nghĩa thỏa mãn nhu cầu thị giác. Trong Kinh Thánh, con mắt đôi khi tượng trưng cho tâm trí hay cách nhìn nhận sự vật. Chủ yếu Chúa Jêsus muốn nói với chúng ta rằng: “Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi (cách ngươi nhìn sự vật ) xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm ” (Mathio 6:22-23). Cách chúng ta nhìn sự vật rất quan trọng. Theo lời Chúa Jêsus, cách chúng ta nhìn sự vật sẽ tạo ra sự khác biệt giữa một thân thể sáng sủa và một thân thể tối tăm. Ở đây, trong Sáng thế ký, Đức Chúa Trời muốn nói theo cách phúng dụ: “Nhu cầu lớn nhất của con đó là được ta chỉ cho cách nhìn sự vật như thế nào”. Chúa phán rằng trái cây trong vườn sẽ đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho họ. Đó là sự đáp ứng cho nhu cầu và cả ước vọng của con người nữa. Đây là cách nói phúng dụ về những gì mà Chúa Jêsus sẽ nói trong nhiều thế kỷ về sau: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời ” (Mathio 4:4). Bạn thấy đó, nếu trước hết chúng ta để Chúa hướng dẫn cách nhìn sự vật của mình, mọi nhu cầu khác của chúng ta sẽ được thỏa mãn qua các cây nầy. Khi Ađam và Êva phạm tội, họ vi phạm thứ tự ưu tiên của các cây nầy. Họ ăn trái cấm trước vì nó xem bộ ăn ngon, sau đó cũng vì nó đẹp mắt nữa (Sang The Ky 3:6). Việc vi phạm thứ tự ưu tiên nầy của Đức Chúa Trời cuối cùng đã khiến họ bị đuổi ra khỏi vườn. Nếu chúng ta không để cho lời Chúa cai trị và dẫn dắt để biết cách sống với nhau thì việc ngày nay chúng ta vi phạm thứ tự ưu tiên có thể đưa đến chỗ sử dụng vũ khí hạch tâm, thậm chí có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân khiến chúng ta bị quét sạch khỏi hành tinh nầy. Trong phúng dụ sâu xa được linh cảm nầy, Đức Chúa Trời muốn nói rằng: “Ta đặt con người giữa thế gian nầy và ta không để cho họ phải mò mẫm trong bóng tối. Ta đã ban Lời Ta cho họ, nhưng khi nghe Tiếng Ta qua Lời Ta phán, thì họ lại khó chịu. Họ trốn chạy khỏi Lời Ta vì Lời ấy sẽ vạch trần sự lõa lồ hay nhu cầu của họ. Nếu họ không áp dụng Lời Ta cho nhu cầu của mình, họ sẽ phải suốt đời lánh mặt Ta và lẽ thật qua Lời Ta phán”. Về cơ bản, câu hỏi của Chúa là: “Có phải ngươi ăn trái cây kia không?” nghĩa là: “Phải chăng ngươi đang đi nhầm chỗ để tìm câu trả lời cho mình?” Có lẽ bạn sẽ hỏi: “Điều nầy liên quan gì đến hôn nhân?” Điều nầy áp dụng trực tiếp cho việc thảo luận của chúng ta về vấn đề hôn nhân trong Kinh Thánh. Bạn có còn nhớ là ngay khi bắt đầu những bài học về hôn nhân và gia đình, tôi đã lưu ý bốn lãnh vực thường xảy ra nan đề trong bất cứ cuộc hôn nhân nào, đó là: ( Lãnh vực có nan đề trước tiên là ở người chồng. ( Lãnh vực có nan đề thứ hai là ở người vợ. ( Lãnh vực có nan đề thứ ba là trong quan hệ vợ chồng. ( Lãnh vực có nan đề thứ tư là con cái. Tôi cũng đã giải thích cặn kẽ rằng khởi điểm để bàn về hôn nhân là từ hai vợ chồng, đặc biệt là từ người mà bạn chịu trách nhiệm trực tiếp và có thể làm một điều gì đó cho họ, đó là chính bạn. Đáp án cho những câu hỏi nầy khiến chúng trở thành “La Bàn Thuộc Linh”, có thể giúp cho vợ chồng biết chính mình phải như thế nào, điều đó sẽ làm cho quan hệ vợ chồng được lành mạnh, vững chắc và ổn định. Trước khi để ý đến câu hỏi thứ hai, tôi muốn hỏi bạn một câu về hôn nhân và gia đình của bạn. “Bạn đang tìm kiếm sự hướng dẫn hôn nhân trong văn hóa hay trong Kinh Thánh?” Hay nói cách khác: “Khi tìm kiếm sự hướng dẫn hôn nhân thì bạn có chọn lựa đúng trái cây cần ăn không?” Một câu hỏi khác là: “Nếu bạn đang tìm kiếm sự huớng dẫn hôn nhân trong văn hóa, thì đời sống hôn nhân gia đình bạn có được tốt đẹp không?” Thi thiên thứ nhất mô tả điều mà Kinh Thánh gọi là “Người Được Phước.” Từ ngữ “được phước” có nghĩa là “hạnh phúc”. Một trong những điều đầu tiên mà Kinh Thánh cho chúng ta biết về người hạnh phúc đó là “chẳng theo mưu kế của kẻ dữ ” (1). Bạn có bước theo mưu kế của kẻ dữ không? Chẳng hạn, khi bạn gặp nan đề, bạn có tìm sự hướng dẫn của Chúa qua vị mục sư hay một nhà lãnh đạo thuộc linh nào đó trong Hội Thánh, một người tin kính hiểu biết Lời Chúa hay không? Hay bạn chạy đến với những người thế tục và vô tín? Khi tôi còn học ở trường Kinh Thánh, tôi thường phải đến ngân hàng để vay tiền cho sinh viên. Tại ngân hàng, nơi chúng tôi mượn tiền, có một câu khẩu hiệu nhỏ với câu hỏi: “Nếu bạn thông minh như thế, tại sao lại không giàu?” Là những sinh viên trường Kinh Thánh, chúng tôi nghĩ là mình biết mọi điều! Nhưng câu khẩu hiệu đó làm chúng tôi phải suy nghĩ. Tại sao chúng tôi thông minh như thế mà lại quá nghèo? Nhiều người trong chúng ta cần lưu ý đến câu hỏi tương tự: Nếu chúng ta thông minh như thế, tại sao lại không hạnh phúc? Tại sao chúng ta không có đời sống hôn nhân gia đình hạnh phúc hơn? Có lẽ do chúng ta không hiểu Kinh Thánh nhiều. Nếu chúng ta hạnh phúc, và nếu chúng ta có một gia đình hạnh phúc mẫu mực thì ấy là bởi ân điển của Chúa, chúng ta là người nam, người nữ được phước và chúng ta có đời sống hôn nhân gia đình được phước. Nếu chúng ta không kinh nghiệm được điều đó thì mỗi người chúng ta cần chạy đến với Chúa và để Ngài hỏi chúng ta những câu hỏi nầy. Có lẽ đời sống hôn nhân gia đình của chúng ta không được phước vì chúng ta bước theo mưu kế của kẻ dữ, trong khi lẽ ra chúng ta cần phải quay lại với những nguyên tắc căn bản nầy về hôn nhân và gia đình đã được ghi lại trong Kinh Thánh. Nếu chúng ta cứ tiếp tục “ăn trái cấm”, đời sống hôn nhân và gia đình của chúng ta không bao giờ được Chúa ban phước. Bây giờ hãy trở lại với những câu hỏi quan trọng nầy và câu hỏi thứ tư mà Chúa hỏi để làm rõ lời thú tội của Ađam và Êva sau câu hỏi thứ ba là: “Ngươi đã làm gì?” (Sang The Ky 3:13) Từ ngữ “thú tội ” trong Kinh Thánh là một từ kép, kết hợp hai từ là “nói và như”. Nghĩa chính của nó là: “nói như điều Chúa nói về tội lỗi chúng ta”, hay “đồng ý với Chúa”. Đây là điều Chúa muốn làm khi Ngài hỏi Ađam và Êva: “Ngươi đã làm gì?” Ngài biết chính xác những gì họ đã làm, nhưng Ngài muốn nghe họ nói lại những gì Ngài đã biết rồi. Rõ ràng điều nầy không phải vì lợi ích của Ngài mà vì họ. Khi chúng ta xưng nhận tội lỗi mình với Chúa, không phải là chúng ta nói với Chúa điều Ngài chưa biết. Chúng ta xưng tội chẳng phải vì lợi ích của Đức Chúa Trời mà là vì sự cứu rỗi của chúng ta. Chẳng có ai trọn vẹn và cũng chẳng có cuộc hôn nhân nào trọn vẹn cả. Hai vợ chồng cần phải để Chúa hỏi: “Ngươi đã làm gì?” vừa riêng, vừa chung cho cả hai người và sau đó phải nói về những việc mình làm như ý Chúa muốn nói. Chúa hứa với chúng ta rằng nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài giữ lời hứa của Ngài và tha thứ mọi điều chúng ta đã làm và đã không làm trong hôn nhân (IGiang 1:9). Chúng ta tìm thấy câu hỏi sâu nhiệm thứ năm ở phần sau trong sách Sáng thế ký khi thiên sứ của Chúa đến tìm nữ tì Aga trốn chạy khỏi Ápram và Sarai. Thiên sứ hỏi cô: “Ngươi từ đâu đến đây, và ngươi định đi đâu?” (Sang The Ky 16:8). Tôi không biết bạn có nghĩ nhiều về ý muốn của Chúa cho đời sống và hôn nhân của mình không, nhưng nếu có thì đây là câu hỏi rất tốt để Chúa thường xuyên hỏi bạn. Đó là loại câu hỏi mà chúng ta nên để Chúa hỏi mình trong những ngày cuối năm trước khi bước sang năm mới. Trong bối cảnh hôn nhân của chúng ta, đây là câu hỏi để có những giây phút yên tịnh trong mối tương giao với Chúa vào những dịp kỷ niệm ngày cưới. Ý chính của câu hỏi nầy là nếu chúng ta không gặp sự cố buộc phải thay đổi, thì chúng ta lại quay trở về nơi xuất phát của mình. Chúng ta sẽ lại trải qua những kinh nghiệm giống như trước nếu không có một điều gì đó xảy ra. Trong cuộc đời bạn, có bao giờ rơi vào tình huống mà bạn thấy mình không thể tiếp tục thế nầy mãi được hay không? Kinh Thánh không bao giờ đòi hỏi chúng ta tự mình thay đổi. Kinh Thánh dạy chúng ta phải đáp ứng những điều kiện nào đó rồi để Chúa thay đổi chúng ta. Chúa Jêsus nói chúng ta chúng ta phải sanh lại (Giang 3:3-5). Nhưng không ai bảo chúng ta tự mình sanh lại. Sự sanh lại là một từng trải thụ động. Chúng ta được sanh ra vào ngày đó, tháng đó. Sự ra đời đến với chúng ta. Sự sanh lại thuộc linh cũng như vậy. Chúng ta được sanh lại. Chúng ta được thay đổi bởi sự đổi mới tâm trí mình (Roma 12:1-2). Những môn đồ được tái sanh của Chúa Jêsus là những người được thay đổi, là những người đang thay đổi và đang hướng đến trạng thái vĩnh cửu là lúc họ được thay đổi trọn vẹn (IICorinhto 5:17, 3:18; I Cor 15:51). Sự kiện chúng ta được thay đổi có nghĩa là chúng ta không cần phải trở lại nơi xuất phát cuộc hành trình sự sống và đức tin của mình. Quá khứ không thể dự đoán được đời sống hiện tại và tương lai của chúng ta. Chúng ta không cần phải sống năm nầy qua năm khác với cùng một tình trạng như vậy. Nếu bạn không chịu nổi ý nghĩ sẽ sống thêm mười năm nữa trong tình trạng giống như mười năm vừa qua trong đời sống hôn nhân cũng như đời sống cá nhân của mình, thì hãy trình dâng cho Chúa những điều đó và cầu xin Ngài thay đổi, để hiện tại và tương lai của bạn được lấp đầy bằng niềm hy vọng lạc quan không dứt. Sau đây là câu hỏi thứ sáu, rất thâm thúy, được chép trong Sáng thế ký mà mỗi cá nhân cũng như mỗi cặp vợ chồng cần phải trả lời trước Đức Chúa Trời. Đó là: “Ngươi là ai ?” (Sang The Ky 27:18, 32) Trong một câu chuyện sâu xa khác, cả Giacốp và Êsau đều được hỏi cùng câu hỏi nầy. Giacốp nói dối, còn Êsau thì khóc òa khi nghe hỏi: “Con là đứa nào?” Câu hỏi nầy được lập lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong chương đầu tiên của sách Tin Lành Giăng, câu hỏi được đặt ra với Giăng Báptít, người dọn đường cho Đấng Christ trên thế gian. Các nhà lãnh đạo tôn giáo hỏi ông: “Ông là ai? hầu cho chúng tôi trả lời cùng những người đã sai chúng tôi đến. Ông tự xưng mình là ai ?” (Giang 1:22). Giăng dùng lời của tiên tri Êsai để trả lời họ: “Ta là tiếng của người kêu trong đồng vắng rằng: Hãy ban đường của Chúa cho bằng ” (23). Đó là câu trả lời thẳng thắn và đơn giản. Ông có thể thêm vào: “Đó chính là ta, là công việc của ta, là vị trí của ta. Ta chẳng là gì hơn thế. Ta cũng không thể là gì kém hơn thế. Ta chính là người làm công việc ở vị trí mà Chúa đặt để.” Chúa Jêsus nói Giăng Báptít là người cao trọng nhất trên thế gian nầy. Vậy, ông cao trọng ở chỗ nào? Đơn giản đó là ông biết mình là ai và không phải là ai. Ông chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về những khả năng Ngài ban cho ông và về nhiệm vụ của ông trong chương trình của Đức Chúa Trời. Nhưng ông cũng thừa nhận những giới hạn về những mặt hạn chế của mình. Ông biết trả lời đúng khi có người hỏi: “Ông là ai?” Bạn biết mình là ai không? Bạn nói gì về chính mình? Khi hai người kết hôn trước mặt Chúa muốn xây dựng hôn nhân vững bền thì phải bắt đầu từ chính mình. Cuộc hôn nhân của họ sẽ hạnh phúc và trọn vẹn khi từng cá nhân cũng được hạnh phúc và trọn vẹn trước mặt Chúa. Khi mỗi người có thể nói điều mà Giăng Báptít từng nói mình là ai thì họ có được nền tảng xây dựng cơ bản cho đời sống hôn nhân tốt đẹp và một gia đình hạnh phúc. Một khi bạn khám phá ra rằng Đức Chúa Trời thích đặt câu hỏi đối với dân sự Ngài, bạn sẽ thấy Ngài làm như vậy suốt Cựu ước và Tân ước. Trong Phúc âm Mathiơ, Chúa Jêsus đã nêu ra tám mươi ba câu hỏi. Trên bước đường theo Chúa, bạn sẽ tiếp tục lớn lên và khi đọc Kinh Thánh, hãy để Chúa đặt những câu hỏi đó với mình. Câu hỏi sâu xa thứ bảy: “Bạn làm gì?” là câu hỏi được ngụ ý qua lời của sứ đồ Phaolô: “Nhưng tôi nay là người thể nào, ấy là nhờ ơn Đức Chúa Trời ” (ICorinhto 15:10). Ông cũng viết cho người Côrinhtô: “Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận lãnh,thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh ?”( 4:7). Những gì chúng ta có ngày nay đều liên quan đến khả năng, ân tứ và tài năng thuộc thể và thuộc linh, điều nầy nói lên ơn kêu gọi của Chúa trên chúng ta. Tất cả những điều nầy đến từ Đức Chúa Trời để trang bị cho chúng ta làm người, làm công việc, và ở vị trí mà Chúa muốn. Cựu ước bắt đầu với câu hỏi của Đức Chúa Trời: “Ngươi ở đâu ?” Tân ước bắt đầu với câu hỏi của các nhà thông thái, “Ngài ở đâu?” (Mathio 2:2) Phúc âm Giăng bắt đầu bằng câu hỏi của Chúa Jêsus là câu hỏi sâu xa thứ tám. Câu hỏi đó là: “Ngươi muốn gì?” hay “Ngươi tìm chi ?” (37). Khi Chúa Jêsus hỏi câu hỏi thứ tám nầy, Ngài muốn đưa ra hai câu hỏi mà mỗi chúng ta phải trả lời: Chúng ta muốn mình là ai, làm gì và ở đâu theo như ý muốn của Chúa hay không? Chúng ta có khao khát tìm lời giải đáp cho những câu hỏi nầy không? Nỗi khao khát cao quí Tám câu hỏi nầy trong Kinh Thánh chỉ cho chúng ta một thực tại thuộc linh tuyệt đối. Đức Chúa Trời muốn chúng ta có một vị trí trong đời nầy. Ngài muốn chúng ta trở nên một người nào đó. Ngài muốn chúng ta trở nên như thế nào và Ngài có một công việc để chúng ta thực hiện trên thế gian nầy. Khi Đấng Christ phục sinh và hằng sống bước vào cuộc đời chúng ta, giống như Sứ Đồ Phaolô, thì thế nào chúng ta cũng có niềm khao khát cao quý muốn nắm lấy mục tiêu mà vì đó Đức Chúa Trời đã nắm lấy chúng ta. Câu hỏi thường ngày của chúng ta đối với Ngài phải là: “Lạy Chúa, con phải làm gì đây?” Nơi duy nhất chúng ta tìm được hạnh phúc là nơi mà Phaolô gọi là: “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời ” (Roma 12:2). Trong ý muốn trọn vẹn của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy được vị trí, bản sắc và ơn kêu gọi đặc biệt của mình. La bàn thuộc linh Vì la bàn có tám điểm chỉ phương hướng nên tôi ví sánh tám câu hỏi mà chúng ta đề cập ở trên như chiếc la bàn thuộc linh của tôi. Tôi thường nhìn vào đó. Câu hỏi thì không thay đổi nhưng câu trả lời luôn thay đổi. Những câu hỏi nầy đều có đáp án, nhưng bạn và người phối ngẫu sẽ không có được hạnh phúc nếu chưa tìm được đáp án đó. Hãy thảo luận các câu hỏi với người phối ngẫu và chia sẻ với nhau câu trả lời mà bạn cảm nhận được về đời sống cá nhân, gia đình và hôn nhân. Dựa vào năm thập kỷ tư vấn cho nhiều cặp vợ chồng tin kính, tôi nhận thấy rằng nếu một trong hai người có đời sống bất hạnh thì cuộc sống gia đình của họ cũng sẽ không hạnh phúc. Nguyên nhân duy nhất và lớn nhất gây bất hạnh trong đời sống Cơ Đốc nhân là không có câu trả lời đúng cho những câu hỏi quan trọng nầy của Đức Chúa Trời và những câu hỏi tương tự khác. Tôi xin kêu gọi các bạn là những người đã có gia đình, hãy giữ sự tương giao thân mật bằng cách trả lời những câu hỏi nầy trước mặt Chúa và đồng thời mang ra thảo luận với nhau. Kế đến hãy lắng nghe câu trả lời của người phối ngẫu. Nếu thực hiện được điều nầy, các bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên về những gì Đức Chúa Trời thực hiện trên đời sống mình. Sẽ là một bi kịch cho những cặp vợ chồng tin kính lại chấp nhận cuộc sống mà không nghĩ đến những điều nầy. Nhiều Cơ Đốc nhân đang sống thất bại mà không biết. Nếu bạn không hài lòng với đời sống thuộc linh của mình, hãy nghiêm túc xem xét các câu hỏi nầy như thể chính Đức Chúa Trời đang đặt ra cho bạn. Các câu hỏi và trả lời có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn. Khi điều đó xảy đến với một người vợ hay người chồng tin kính, sự chiếm hữu trọn vẹn của Đấng Christ có thể làm họ thay đổi và truyền sức sống vào đời sống hôn nhân của họ.

Chương 3: THỂ HIỆN NIỀM VUI HIỆP NHẤT

Qua lời tường thuật trong Sáng thế ký, chúng ta thấy Đức Chúa Trời nhìn mọi vật Ngài dựng nên và phán rằng: “Tốt lành !” Nhưng Ngài lại thấy một điều “không tốt ”. Ngài phán: “Loài người ở một mình không tốt” (Sang 2:28). Vì vậy Đức Chúa Trời tạo nên một người giúp đỡ cho Ađam, và hai người trở nên “một thịt”. Một trong những điều đầu tiên chúng ta cần để ý về việc Đức Chúa Trời tạo ra mối quan hệ tình dục là Ngài dự định điều đó cho sự sinh sản. Ngài truyền lệnh cho Ađam và Êva: “Hãy sinh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy ” (1:28). Chúng ta biết rằng hôn nhân là kế hoạch của Đức Chúa Trời để làm cho người tốt đầy dẫy khắp đất. Ngài không chỉ muốn làm đầy dẫy đất mà thôi, song còn phải đầy dẫy người tốt nữa. Để điều nầy trở thành hiện thực, cha mẹ phải là người trưởng thành và vững vàng. Họ cũng phải là những người vợ, người chồng mạnh mẽ để có thể là bậc cha mẹ mạnh mẽ và sinh ra những thế hệ mạnh mẽ qua cuộc sống hôn nhân gia đình. Như thế, rõ ràng là Đức Chúa Trời đã định cho tình dục phải được thực hiện trong bối cảnh hôn nhân gia đình, và Ngài mong đợi tình dục phải phục vụ cho sự sinh sản. Ngoài việc sinh sản, Đức Chúa Trời còn muốn tình dục phải là phương tiện bày tỏ tình cảm giữa hai vợ chồng. Khi cuộc sống vợ chồng có sự trục trặc trong quan hệ chăn gối, thì trước khi xét đến khía cạnh tình dục, phải tìm hiểu xem hai người có hiệp một về mặt thuộc linh hay không. Hai người nên nghĩ đến việc nói chuyện với nhau và đến những lãnh vực khác của sự tương hợp. Hai người phải nghĩ nét đặc trưng thực sự, giống như tình yêu của Đấng Christ, và phải để ý đến kết quả trong sự hiểu biết lẫn nhau. Chỉ khi đó họ mới nên đối diện với vấn đề chăn gối của hai người. Ai cũng biết rằng tình dục mà Đức Chúa Trời tạo nên là để biểu lộ niềm vui hiệp nhất, song cũng có thể trở thành một chướng ngại cho sự hiệp nhất. Nếu thể hiện sự hiệp một qua thể xác của chúng ta đúng theo ý định của Đức Chúa Trời, thì có lẽ nó chiếm 10% trong mối quan hệ vợ chồng. Nhưng nếu quan hệ thể xác không đúng như đáng phải có thì nó có thể gây ra 90% nan đề. Hôn nhân tan vỡ do vấn đề tình dục, vì khi một người không được thỏa mãn thì việc họ gặp một ai đó làm cho họ thỏa mãn chỉ là vấn đề thời gian. Thật là trái ngược, điều Đức Chúa Trời tạo nên để làm phương tiện bày tỏ niềm vui hiệp nhất lại có thể là trở lực lớn cho sự hiệp nhất. Chỉ có ma quỉ mới có thể lấy điều Đức Chúa Trời hoạch định để bày tỏ niềm vui hiệp nhất, biến thành sự ngăn trở lớn nhất cho sự hiệp nhất đó. Khi vấn đề tình dục chiếm 90% nan đề giữa vợ chồng thì điều họ phải xét đến đầu tiên là: Họ muốn thể hiện điều gì khi quan hệ chăn gối? Nếu không có sự hiệp nhất tâm linh, không có đối thoại, không tình yêu, không thông cảm thì họ bày tỏ điều gì đây? Nếu không có những phương diện tương giao gần gũi ấy, thì quan hệ thể xác của họ làm sao có thể thực hiện được ý định của Đức Chúa Trời? Nếu họ không có sự hiệp nhất chân chính thì quan hệ mối thể xác của họ cũng như sự giao phối của thú vật mà thôi. Khi bạn bước vào trong mối quan hệ tình dục, bạn có thật sự muốn đem lại sự thỏa mãn cho người phối ngẫu hay không? Đó chính là quyết định khiến cho tình dục trở thành như điều Đức Chúa Trời đã định. Nói cách khác, nếu không thể hiện được mối dây yêu thương mà Đức Chúa Trời đặt để trong hôn nhân thì họ sẽ chẳng bao giờ có mối quan hệ tình dục “tốt lành” như Đức Chúa Trời từng công bố. Hay nói một cách khác, mức độ hợp nhất tâm linh của họ sẽ quyết định chất lượng của sự hợp nhất thể xác trong hôn nhân giữa hai người. Đức Chúa Trời dự định tính dục cho việc sinh sản và biểu lộ tình cảm trong hôn nhân, nhưng Ngài cũng đặt tính dục hầu đem lại sự thỏa mãn cho con người nữa. Có một điều mà tôi không biết đã bắt nguồn từ đâu. Nhiều người cho rằng có thể từ thời đại Victoria tại Anh quốc. Đó là từ lâu, Cơ Đốc nhân thường nghĩ rằng khoái lạc tình dục là điều không tốt. Theo quan niệm của họ, Đức Chúa Trời chẳng có liên hệ gì đến tính dục cả. Tôi không thể nói hết tầm quan trọng của việc phá bỏ quan điểm hết sức phi Kinh Thánh nầy. Khi một người nam hay nữ thật sự tin rằng tính dục là không tốt, hoặc thậm chí là sai trật nữa thì có thể dẫn đến tình trạng bất lực hoặc lạnh nhạt trong hôn nhân. Tính dục là thiêng liêng. Tính dục là thánh khiết. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ khác đi hay gieo cho con cháu một ấn tượng nào khác. Dĩ nhiên, đây là một thách thức. Nếu bạn muốn con trai, con gái giữ mình thanh sạch cho đến khi lập gia đình, thì rất khó khuyến khích chúng tiết chế tình dục nếu không tạo cho chúng ấn tượng tình dục là điều gì đó sai trật. Khi mở đầu bằng sự tường thuật sáng thế, Kinh Thánh cho chúng ta biết tình dục là tốt lành. Chẳng hạn, sách Nhã Ca của Sa-lô-môn là một trong những sách kỳ diệu nhất trong Kinh Thánh. Theo ý tôi, mục đích của sách đó khi được đưa vào Kinh Thánh là để bày tỏ cho chúng ta biết rằng tính dục là tốt đẹp và do Đức Chúa Trời tạo dựng. Thật là kỳ diệu khi có mối liên hệ tình dục như được mô tả trong sách Nhã Ca của Sa-lô-môn. Trong đó cũng có một phúng dụ. Sách mô tả tình yêu của Đấng Christ đối với Hội Thánh và của Giê-hô-va Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng đó là ứng dụng phụ. Ứng dụng chính của sách là bày tỏ cho chúng ta thấy tình dục là tốt lành. Tính dục là tốt. Nó được Đức Chúa Trời tạo nên là thánh khiết, thiêng liêng, tốt lành và là sự biểu lộ niềm vui trong tình yêu vợ chồng. Mọi quan niệm về tình dục trong bối cảnh hôn nhân, song lại không đạt tiêu chuẩn như những lời mô tả nêu trên về tình yêu thể xác thì đều không đến từ Đức Chúa Trời, mà đến từ ma quỉ. Bạn mong đợi điều gì và có thái độ nào đối với sự hiệp một trong hôn nhân? Phuc Truyen 24:5 cho thấy luật pháp Do Thái ấn định thời gian trăng mật dành cho đôi tân hôn: “Khi một người nam mới cưới vợ, thì chớ đi đánh giặc, và chớ bắt người gánh công việc chi; người sẽ được thong thả ở nhà trong một năm, vui vẻ cùng người vợ mình đã cưới ”. Hầu hết các học giả đều cho rằng cụm từ “đem lại hạnh phúc” có nghĩa là người chồng có bổn phận làm cho vợ mình thỏa mãn về tình dục, đem lại cho nàng khoái lạc về thể xác. Nói cách khác, luật pháp qui định thời kỳ trăng mật kéo dài một năm. Bạn có nghĩ rằng điều đó là lời tuyên bố về cách Đức Chúa Trời cảm thông về tình dục không? Trong Tân ước đưa ra một mệnh lệnh là phải tôn trọng hôn nhân và gìn giữ sự riêng tư về thể xác giữa vợ chồng. “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế,vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình ” (Heboro 13:4). Tại đây Đức Chúa Trời vạch ra một giới hạn chống lại việc quan hệ tình dục tùy tiện, ngược lại, Ngài nhấn mạnh hôn nhân là điều đáng tôn trọng và quan hệ tình dục trong hôn nhân là điều thiêng liêng, thánh khiết. Bạn sẽ học được nhiều điều bổ ích khi đọc ICorinhto 7:1-7, Cham Ngon 5:15-20 và sách Nhã Ca. Hãy xem các phân đoạn Kinh Thánh nầy rồi hãy tự hỏi là bạn nên có thái độ và trông chờ điều gì vào chuyện chăn gối. Thái độ là điều rất quan trọng trong quan hệ tình dục. Có người nhận xét rằng cơ quan sinh dục quan trọng nhất của con người lại chính là bộ não. Chúng ta có thể dùng phúng dụ về các cây trong Sáng Thế Ký chương ba mà tôi đã mô tả trong chương trước để áp dụng cho mối quan hệ tình dục. Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta có sự ham muốn nhục dục, nhưng nhu cầu lớn nhất của chúng ta phải là cầu xin Đức Chúa Trời đáp ứng nhu cầu được nhìn thấy, tức là cầu xin Ngài chỉ cho chúng ta thấy rõ mục đích, vị trí và chức năng của tính dục. Nếu chúng ta đặt nhu cầu đó lên hàng đầu, thì sẽ không đánh mất đi những gì mà Đức Chúa Trời dành sẵn khi Ngài ban cho chúng ta và người phối ngẫu phương tiện để biểu lộ niềm vui trong tình yêu với nhau. Nếu chúng ta đi theo đường lối Chúa, thì sẽ nhận được tất cả lạc thú trong tính dục. Nhưng nếu đặt ham muốn tình dục lên hàng đầu, đặc biệt là bên ngoài khuôn khổ hôn nhân thì chúng ta sẽ phải trả giá. Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời chỉ cho chúng ta cách nhìn sự vật như thế nào. Nếu chúng ta để lời Chúa bày tỏ cho mình biết nên có thái độ và kỳ vọng thế nào về mối quan hệ tình dục, thì sẽ khám phá ra rằng Đức Chúa Trời tạo nên tình dục để được thể hiện trong khuôn khổ hôn nhân gia đình mà chính Ngài đã thiết lập. Bạn tìm hiểu thông tin về tình dục ở đâu? Nếu bạn tiếp nhận tín hiệu từ nền văn hóa, thì sẽ không có được thông tin giúp bạn xây dựng một gia đình Cơ Đốc và đời sống hôn nhân hạnh phúc. Vậy bạn nên tìm kiếm sự chỉ dẫn về tình dục ở đâu? Từ các nhà giáo dục chăng? Hay từ bác sĩ? Hay từ các cấp chính quyền? Có người cho rằng gia đình là nơi xác định vai trò của tình dục. Nhưng ai sẽ hướng dẫn những người xây dựng gia đình đó? Vợ chồng biết được kế hoạch của Đức Chúa Trời về mối quan hệ tình dục từ đâu? Tôi có lời kết luận rằng, nếu Hội Thánh không nói ra thì chẳng có ai nói cho họ biết, và thật sự cũng không có sai khác. Thành thực mà nói, bạn có thể học biết về vị trí và mục đích thực sự của tình dục ở đâu nếu không phải là Hội Thánh? Hôn nhân là ý tưởng của Đức Chúa Trời và điều đó được chép trong Kinh Thánh. Tình dục cũng vậy. Khi đọc Kinh Thánh, đặc biệt là sách Nhã Ca của Sa-lô-môn thì bạn sẽ nhận ra rằng Đức Chúa Trời không hề yên lặng về vấn đề tình dục. Bởi vậy nên người rao giảng cũng không thể yên lặng. Tôi thường nói rằng để giảng dạy sách Nhã Ca, thì người dạy phải có tóc bạc. Khi tôi còn là một sinh viên trẻ trong trường Kinh Thánh, có một cụ già tóc bạc trắng đến nói chuyện với chúng tôi về tình dục. Sau bài nói chuyện mang lại nhiều thông tin rất bổ ích đó, tôi hỏi cụ: “Khi nào thì sự ham muốn tình dục dần biến mất đi? Khi nào thì ngọn lửa tình bắt đầu tàn lụi?” Cụ cười toe toét rồi bảo: “Xin chịu thôi!” Cụ đã 82 tuổi rồi đấy! Thế mới thấy, không chỉ người trẻ mới hưởng được cách thể hiện niềm vui hiệp nhất. Quan hệ tình dục được Đức Chúa Trời thiết lập để đem sự thỏa mãn về thể xác cho cả hai vợ chồng. Nhưng theo số liệu điều tra, nhiều phụ nữ chưa bao giờ kinh nghiệm được sự thỏa mãn đó. Tôi nghĩ rằng có hai lý do chủ yếu khiến người nữ không được thỏa mãn là tính ích kỷ và sự dốt nát của người chồng. Mười lăm đức tính của tình yêu liệt kê trong ICorinhto 13:1-13- mà tôi đã lược sơ qua trong tập đầu của bộ sách nhỏ hai tập nầy – đều có tính “vị tha”. Chữ “vị tha” có nghĩa là “có một trung tâm khác.” Vì chúng ta hết thảy đều là tội nhân nên trước khi tin Chúa, trung tâm của chúng ta là bản ngã. Nhưng khi chúng ta được tái sanh, trung tâm đời sống chúng ta là Đấng Christ, và kế đến là những người khác đã bước vào cuộc đời chúng ta. Khi lập gia đình, “người khác” quan trọng nhất chính là người bạn đời của mình. Muốn có được sự thỏa mãn tình dục giữa vợ chồng, người chồng phải chuyển trung tâm của mình qua người kia, như vậy mới đảm nhiệm tốt được vai trò người tình mà Đức Chúa Trời giao phó cho người chồng. Chỉ những ai chuyển trung tâm của mình sang cho người phối ngẫu thì mới có được sự khoái lạc trọn vẹn mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn. Điều nầy có nghĩa là chồng và vợ phải có sự tương tác. Người chồng nên nghĩ rằng những gì mình đang làm là nhằm đem lại cho vợ niềm vui và cảm giác thỏa mãn. Bên cạnh đó, người chồng cũng có thể nhận lại điều đó từ vợ. Người vợ phải trò chuyện với chồng, nói cho chồng biết những nhu cầu và những điều mình ao ước. Nhiều người được giáo dục một cách tiêu cực về tình dục và điều nầy khiến họ khó có thể kinh nghiệm sự thỏa mãn trọn vẹn trong sự hòa hợp tình dục. Những điều nầy cần phải nói ra để nội tâm được chữa lành, sau đó sẽ đem lại sự thỏa mãn tính dục.

Chương 4: CHƯƠNG VỀ HÔN NHÂN TRONG KINH THÁNH

Chương bảy của sách Côrinhtô thứ nhất là một trong những đoạn Kinh Thánh hay nhất, đề cập đến những điều thầm kín trong hôn nhân. Phaolô bàn về đề tài nầy khi giải đáp các câu hỏi của người Côrinhtô đặt ra trong thư. Khi nghiên cứu lời giải đáp của ông, chúng ta có thể hiểu được họ hỏi những gì. Trong câu 26, Phaolô viết: “Vậy tôi tưởng vì cớ tai vạ hầu đến …” Tai vạ đó là gì? Chắc là sự bắt bớ. Cơ Đốc nhân đầu tiên sống dưới mối đe dọa bắt bớ liên tục, và thật là hợp lý nếu bị bắt bớ