Khi hai vợ chồng đến gặp mục sư hay người cố vấn hôn nhân, thì một trong những nan đề đầu tiên của họ là sự tương thông với nhau. Họ thường bắt đầu buổi nói chuyện bằng câu: “Chúng tôi không có sự chia sẻ. Chúng tôi ít trò chuyện cùng nhau”.

Chương 4: MẮC XÍCH TƯƠNG THÔNG
Sự tương thông là một lãnh vực trong hôn nhân, có tính tích cực giúp cho đôi vợ chồng trở nên một thịt, đó là công cụ giúp họ có khả năng hoàn thành việc hiệp nhất. Khi một tín hữu được tái sanh, người đó sẽ có sự hiệp nhất với Đấng Christ. Việc hiệp nhất với Đấng Christ không chỉ để nuôi dưỡng mà còn duy trì, bảo vệ mối tương quan vợ chồng. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải dành thì giờ riêng để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Nói cách khác, chúng ta nuôi dưỡng và duy trì mối tương giao với Chúa qua việc tương giao với Ngài trong giờ cầu nguyện và lắng nghe tiếng phán của Ngài qua Kinh Thánh. Nền tảng trong hôn nhân cũng tương tự như vậy. Chúng ta phải nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ của chúng ta. Sự trò chuyện hằng ngày sẽ làm tăng trưởng và bảo vệ đời sống của đôi vợ chồng. Vi khuẩn có thể sinh sôi nảy nở trong bóng tối chứ không thể sống trong ánh sáng. Nếu hai người thiếu sự tương thông, “vi khuẩn” sẽ nảy sinh ở giữa họ. Đó là lý do tại sao Phaolô khuyên chúng ta phải “từ bỏ mọi điều hổ thẹn giấu kín” (IICor 4:2). Nếu chúng ta không thành thật và còn giữ kín điều gì đó, tức là chúng ta giữ lấy “vi khuẩn” trong bóng tối. Sự tương thông giống như chúng ta bật ngọn đèn cho sáng lên trong mối quan hệ của mình. Khi làm như vậy, “vi khuẩn” sẽ chết đi. Với một mối tương thông tốt đẹp, chúng ta có thể nhắm đến những điều không hay chết, như là “ánh sáng” của mối tương giao, làm nên công cụ để duy trì và nuôi dưỡng sự hiệp nhất. Theo từ điển, từ tương thông được định nghĩa là “cho và nhận thông tin, lời nhắn và các ý tưởng bằng cách nói năng, ra hiệu hay bằng các phương tiện khác”. Định nghĩa nầy nói với chúng ta nhiều điều về sự tương thông. Trước tiên, nếu không trải qua những việc kể trên thì không có tương thông. Khi nói: “Chúng tôi không có sự tương thông”, điều nầy thật ra là không đúng. Chúng ta luôn luôn có tương thông. Nhưng sự khác biệt là nói với nhau về điều gì và bằng cách nào? Nói chuyện? Hành động? Hay một cách nào khác?
Định nghĩa về sự tương thông cũng cho chúng ta biết hai chiều hướng của việc nầy: Cho và nhận. Một phụ nữ nọ có lần nói: “Như thể chồng tôi đang sống tại một hòn đảo bí ẩn, còn tôi đi chung quanh hòn đảo đó trong 20 năm mà vẫn không tìm ra chỗ đáp chiếc thuyền”. Hãy tưởng tượng rằng bạn và người phối ngẫu của bạn đang ở trên hai hòn đảo hoàn toàn cách biệt nhau và chỉ có thể liên lạc với nhau bằng radio. Để liên lạc với nhau bằng radio, một trong hai người phải mở radio lên và gởi đi một tin nhắn và người kia cũng phải mở radio lên để thu tin nhắn đó. Thỉnh thoảng cũng có thể gặp chuyện rắc rối khi một người trong các bạn hoặc cả hai không chịu mở radio lên và gởi vào đó một tin nhắn. Đôi khi các bạn có gởi tin nhắn nhưng lại bị lệch tần số. Rồi cũng có những lần sự tương thông bị trục trặc và phát hiện ra rằng một trong hai người phối ngẫu đã không chịu mở máy thu của họ, hoặc có mở, thì người thu cũng không điều chỉnh đúng tần số của người phát. Cách nhận một tin nhắn cũng quan trọng như cách gởi vậy. Khi con rùa ló đầu ra khỏi mai và bị chúng ta đạp lên, nó sẽ rút đầu lại và trong một thời gian khá lâu, nó sẽ không dám thò đầu ra ngoài nữa. Con người chúng ta cũng vậy. Thử tưởng tượng khi bạn chia sẻ những điều nội tâm sâu lắng của mình cho người phối ngẫu, nhưng điều chia sẻ đó không được tiếp nhận một cách thành tâm, bạn sẽ thu mình trong vỏ ốc của mình và sẽ không bày tỏ gì hết trong một thời gian khá lâu. Nếu các bạn không thể truyền thông với nhau, các bạn sẽ không có công cụ để duy trì và nuôi dưỡng sự hiệp nhất của mình, cũng như không thể phát triển mối tương thông giữa các bạn với nhau. Có thể mối tương thông của các bạn có sự tiến triển đột ngột và điều nầy sẽ làm cho đời sống hôn nhân của các bạn tăng trưởng thực sự. Không giống như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, là mối quan hệ mà ngay từ khi mới sinh đã được dự trù là sẽ tách biệt, mối quan hệ vợ chồng kéo hai người đến với nhau. Hôn nhân được thiết lập giống như các mặt của một kim tự tháp nối kết lại với nhau. Vợ chồng phải ngày càng gần gũi nhau hơn. Sự liên lạc cho chúng ta một cầu nối để có thể đạt được điều tốt đẹp đó. Nếu hai vợ chồng không có mối liên hệ tốt đẹp, họ mất đi công cụ mà Đức Chúa Trời dự định để trang bị cho sự phát triển mối thông công giữa họ với nhau.
Nan đề của việc truyền thông đi vào đời sống vợ chồng ít nhất qua hai cách. Cách thứ nhất là tranh cãi. Có một số cặp vợ chồng không thể nói chuyện trong năm phút mà không tranh cãi về một vài điều nào đó. Cách thứ hai hoàn toàn đối nghịch – yên lặng. Sự yên lặng không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn đang có nan đề về tương thông, nhưng thường là như vậy. Mỗi người có mỗi tính cách khác. Sự yên lặng khiến cho một số người cảm thấy không thỏai mái. Với họ, yên lặng là một sự khó chịu. Một số người thuộc “mẫu người yên tĩnh”, thì họ lại không muốn nói nhiều. Một trong những người bạn tốt của tôi là một người đàn ông trầm lặng nhất mà tôi biết. Một ngày kia một phụ nữ hỏi ông: “Ông chẳng có gì để nói sao?” Bạn tôi trả lời: “Dòng nước sâu thì chảy bình tịnh và yên lặng. Khi cạn, nó sẽ chảy róc rách”. Bạn tôi không phải thiếu tử tế với người phụ nữ kia đâu, ông chỉ nói lên ý kiến của mình thôi. Vì thế, nếu bạn kết hôn với một người thuộc tuýp người trầm lặng, điều đó không có nghĩa là mối tương quan giữa các bạn đang có vấn đề. Một trong những cách tốt nhất để gắn bó với nhau là có sự đồng cảm, đó là ý nghĩa chủ yếu của từ “tương thông”. Có thể các bạn đã hết sức cảm thông với nhau về điều không thể nói ra. Yên lặng không phải lúc nào cũng có nghĩa là có vấn đề về tương thông. Thế nhưng “sự yên lặng khinh miệt” là một dạng của sự tương thông, thì có nghĩa là mối quan hệ của bạn có vấn đề. Nếu người bạn đời của bạn đang đối xử với bạn bằng sự yên lặng khinh miệt, có nghĩa là bạn đã làm cho vợ hoặc chồng mình cảm thấy chán ghét, nên họ dùng “chiến thuật yên lặng” để truyền đạt cho bạn. Một phụ nữ có người chồng thường hay cư xử với bà như thế, nói rằng: “Bạn phải hết sức lắng nghe khi ông không nói, để có thể hiểu được ông ấy muốn nói gì”. Chúng ta có thể truyền thông qua việc nói chuyện, qua hành động và qua nhiều cách khác. Những cách khác nầy có thể là yên lặng, ném một cái đĩa, đóng sầm cửa, ném bột vào cửa hay vào tường… Ngược lại với những điều đó, thì hình thức truyền thông có thể là một nụ cười, một cái vỗ vai, một cái ôm chặt hay những giọt nước mắt… Vậy bạn thấy đó, không có những điều trên là không có sự truyền thông. Thỉnh thoảng chúng ta truyền thông qua cử điệu và những cách khác chứ không dùng lời nói, nhưng những cách kể trên là sự truyền thông rất có tác dụng. Francis Assisi từng nói: “Mọi vật đều nói về Chúa Cứu Thế”. Khi cần thiết, hãy sử dụng lời nói. Khi sự tương thông đang ở thế tích cực hay tiêu cực, thì cách truyền thông hiệu quả không phải luôn luôn là bằng cách trò chuyện. Tôi biết một giảng viên có lần đi vào lớp học đang ồn ào. Ông đi lên bục giảng, đến bàn giáo viên và đập mạnh tay xuống mặt bàn. Âm thanh phát ra như một khẩu súng lục và đồng thời với bàn tay đập xuống bàn, ông hét lớn: “Tôi muốn ồn ào hơn nữa đi!” Các sinh viên liền im bặt. Kế đó ông giải thích cho chúng tôi: 7% của sự truyền thông là lời nói, 55% là phóng đại, 38% là ngôn ngữ cử điệu của toàn thân đi đôi với lời đang nói ra. Ông nói: “Tôi muốn ồn ào hơn nữa đi!” Câu nói đó sẽ không lay chuyển được lớp học. Chỉ có người nào hiểu được ẩn ý sau lời nói của ông thì sẽ có thái độ ngược lại. Qua cách đó, điều làm lớp học lắng xuống đã thể hiện sự phóng đại trong lời nói của ông. Nhờ vào giọng nói mà chúng ta hiểu ông muốn nói: “Tôi muốn lớp học nầy trở nên trật tự!” Và điều đó được nhấn mạnh khi ông đập tay xuống bàn.
Tóm Tắt
Truyền thông không chỉ đơn thuần là nói điều gì, mà còn là điều được nghe. Truyền thông không chỉ đơn giản là nói ra, mà còn phải biết lắng nghe nữa. Đó cũng là điều được cảm nhận dựa vào cử điệu và những cách có ý nghĩa khác. Truyền thông không đơn giản là điều được nói ra, mà còn là sự truyền đạt bằng tư tưởng. Truyền thông không chỉ đơn giản là nói, mà đôi khi cũng là điều người khác muốn nghe. Tất cả những điều nầy để lại cho người nhận một “ấn tượng tổng quát” về điều được diễn đạt qua lời nói, cử điệu và nhiều cách khác.
Những Vấn Đề Của Sự Truyền Thông
Qua nhiều năm trong chức vụ Mục sư, tôi thường hỏi các cặp vợ chồng: “Các bạn đã từng có sự truyền thông tốt chưa?” Và câu trả lời thường là: “Có”. Tôi giao cho những cặp vợ chồng nầy một công việc. Nếu vấn đề của họ là không thể nói chuyện với nhau được nữa, tôi sẽ đề nghị họ đưa ra một loạt các lý do tại sao họ ngưng nói chuyện với người phối ngẫu. Nếu vấn đề của họ là dầu không trò chuyện song vẫn không có sự giận hờn, thì tôi lại đề nghị họ viết ra một loạt lý do tại sao họ nổi giận khi trò chuyện với vợ hoặc chồng. Tôi gọi những việc làm nầy là: “Phá vỡ vòng tròn truyền thông”. Trải qua nhiều năm tôi thu thập được một bảng liệt kê gồm nhiều nan đề và để tâm nghiên cứu. Tôi xác định có hơn hai mươi nan đề trong sự truyền thông và phát hiện ra những nan đề nầy hầu hết đều nằm trong bảng liệt kê đó.
1. Không quan tâm : Một buổi tối nọ, người vợ nói với chồng: “Hôm nay con mình bú ngón tay cái, anh à!” Cô quan tâm đến sự phát triển của đứa bé, thế nhưng chồng cô thì không chú ý đến lời cô nói. Anh ấy vẫn tiếp tục làm việc hay đọc báo. Không một ai muốn nói chuyện khi họ nhận ra rằng họ đang nói với chính mình. Tuy chưa tệ hại lắm, nhưng không lắng nghe có nghĩa là đang có điều gì đó bất thường – không quan tâm. Thái độ đó như muốn nói với cô rằng: “Tôi không quan tâm đến em và đứa nhỏ”. Theo cô, việc anh ấy không quan tâm cho thấy rằng anh không yêu vợ và con.
2. Không chủ động : Bạn hãy luôn nhớ rằng truyền thông là cho và nhận. Một ngày nào đó khi người phối ngẫu nhận ra: “Mình luôn là người ban cho, còn anh ấy hoặc cô ấy thì chẳng bao giờ góp phần gì vào mối quan hệ của chúng mình cả. Mọi điều người ấy làm từ trước đến giờ chỉ là đáp ứng thôi’’. Nếu sự truyền thông là một cây cầu, thì chồng và vợ mỗi người phải đi tới cho đến điểm giữa. Nếu một người cứ phải tiếp tục làm nên toàn bộ cây cầu thì họ sẽ trở nên mất hứng thú và không còn muốn chuyện trò nữa.
3. Sự tranh cãi và bất hòa : Vua Sa-lô-môn nói rằng một người đàn bà hay cãi cọ giống như “Một máng xối dột luôn luôn trong ngày mưa lớn ” (Cham Ngon 27:15). Thật ra thì nam và nữ đều giống nhau trong sự cãi lẫy. Một người hay cãi cọ thì hay tranh giành, va chạm với người bạn đời. Nếu họ có một ý tưởng mới thì người phối ngẫu sẽ luôn nghịch lại với ý tưởng đó. Có thể rất khó khăn và đôi khi dường như không thể nào nói chuyện được với người hay cãi cọ.
4. Thất bại khi nhận ra người phối ngẫu thích cảnh cô độc : Không thể phản ảnh được sự thân mật của cuộc sống bạn nếu người phối ngẫu thích lặng lẽ. Đừng quá lo lắng bởi điều đó. Hãy nhớ rằng, mặc dầu “hai trở nên một” trong hôn nhân, song một thực tế không thể phủ nhận được đó là chúng ta vẫn là hai người.
5. Đôi khi nan đề về sự tương thông là do những nguyên nhân về thể chất , tình cảm và tinh thần của một hoặc cả hai vợ chồng : Khi gặp những trường hợp nầy thì lý thuyết về truyền thông trong hôn nhân sẽ không giải quyết được gì. Giải pháp cho những nan đề nầy thường được tìm thấy qua các lãnh vực ở bên ngoài mối quan hệ hôn nhân, thuộc về tinh thần, thể chất, và tình cảm.
6. Nan đề về sức khỏe gây khó khăn nhiều cho việc truyền thông và mối quan hệ trong hôn nhân : Bạn có thể xem nan đề về thể chất là căn nguyên của sự rắc rối trong truyền thông. Đây là điều thực tế, nhất là khi một người với thân thể luôn bị đau yếu thì rất khó truyền đạt thông tin. Vấn đề tâm lý cũng có thể là mặt tiêu cực gây ảnh hưởng xấu trong việc truyền thông. Nếu người phối ngẫu của bạn gặp vấn đề về tình cảm và thể chất thì người còn lại phải tìm cách giúp đỡ.
Giải Pháp Thuộc Linh
Đôi lúc, vấn đề khó nhận ra chỉ đơn giản là tính ích kỷ. Một hoặc cả hai người thiếu tính vị tha, nhưng lại vị kỷ. Đó là lý do tại sao người nầy không được quan tâm, người kia không thích lắng nghe. Khi nan đề là tính ích kỷ thì giải pháp là lòng vị tha. Luật Vàng là một giải pháp. Chúa Jêsus dạy chúng ta hãy làm cho người khác điều mà chúng ta muốn họ làm cho mình (Mat Mt 7:12). Lẽ thật nầy của Chúa Jêsus có thể làm thay đổi sự tương thông trong đời sống lứa đôi. Mỗi người phải sống vị tha và chân thành quan tâm đến những vấn đề của người bạn đời. Nhiều nan đề về sự truyền thông có thể được giải quyết qua việc cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan. Một trong những câu Kinh Thánh mà tôi ưa thích là Gia Gc 1:15: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời ”. Từng hồi từng lúc, chính chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời: “Con không biết phải làm gì, con cầu xin sự khôn ngoan là điều con đang thiếu. Ngài bảo con hãy cầu xin điều đó, vì thế con cầu xin với Chúa đây”. Bạn sẽ ngạc nhiên làm sao khi Ngài vui lòng ban sự khôn ngoan cho con dân Ngài lúc họ cầu xin! Vì vậy, khi gặp nan đề về việc truyền thông dồn bạn đến chỗ không biết phải làm gì thì bạn hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan.
Cách Nói Chuyện Với Người Khó Tính
Có một đoạn Kinh Thánh khác chỉ cho chúng ta cách giải quyết vấn đề rắc rối trong giao tiếp. Hãy nghe lời khuyên của sứ đồ Phaolô dành cho Timôthê: “Hãy cự những lời biện luận điên dại và trái lẽ, vì biết rằng chỉ sanh ra điều tranh cạnh mà thôi. Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh, nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật, và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma quỉ, vì đã bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó ” (IITim 2:23-26). Nếu người phối ngẫu của bạn là một người khó tính thì có thể người ấy đang bị Satan trói buộc. Người ấy đang ở trong sự tối tăm của Satan và không thể nào thoát khỏi. Chỉ có Đức Chúa Trời mới giải cứu họ được mà thôi. Nhưng đây là điều mà bạn có thể làm để duy trì bông trái của Đức Thánh Linh. Ba đặc tính trái Thánh Linh được đề cập đến trong phân đoạn nầy là: Mềm mại, nhịn nhục và nhân từ. Nếu bạn duy trì bông trái của Thánh Linh, Đức Chúa Trời sẽ làm việc qua bạn và Ngài sẽ đóng cánh cửa dành cho ma quỉ trong đời sống bạn. Điều nầy sẽ cho bạn cơ hội được trò chuyện và cuối cùng đặt người bạn đời trước lẽ thật có thể đưa họ đến chỗ thoát khỏi sự trói buộc của satan. Sứ đồ Phaolô nhấn mạnh, là tôi tớ Đức Chúa Trời, bạn không nên cãi lẫy và tranh cạnh vì việc đó sẽ đóng cánh cửa dành cho Đức Chúa Trời và mở cửa cho ma quỉ. Khi bạn áp dụng sự dạy dỗ của Phaolô về việc truyền thông với người bạn đời khó tính trong tinh thần cầu nguyện, bạn phải luôn biết rằng bạn cũng có thể là người khó tính. Chúa Jêsus đề cập vấn đề nầy trong Mathio 7:5: “Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được ”. Có cây đà hay khúc cây trong mắt mình thì sẽ làm chúng ta bị mù và không nhận ra mình là người khó tính như sứ đồ Phaolô mô tả trong phân đoạn nầy. Một giải pháp khác nữa trong Kinh Thánh là, khi người phối ngẫu của bạn làm cho mọi việc trở nên rắc rối vì bị trục trặc về tâm lý hay thể chất một cách đặc biệt, bạn hãy cầu nguyện như Chúa Jêsus đã cầu nguyện trên thập tự giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì ” (Luca 23:34). Hãy thử nghĩ: Trong khi chịu đau đớn cùng cực trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã cầu nguyện cho kẻ thù nghịch mình. Nếu Chúa Jêsus cầu nguyện cho kẻ thù nghịch mình thì tại sao bạn lại không thể cầu nguyện cho người phối ngẫu của bạn? Nếu họ không đáp ứng vì đang gặp trục trặc về thể chất hay tâm lý, thì lời cầu nguyện có thể đem lại phép lạ khiến bạn có thể cầu nguyện cho họ như Chúa Jêsus cầu nguyện cho kẻ thù vậy.
Truyền Thông Trong Gia Đình
Khi bạn và người phối ngẫu có con cái, thì nhân tố truyền thông thành ra nhiều hơn chứ không chỉ có hai vợ chồng. Thật quan trọng khi bạn nhận biết có nhiều “sự kết nối truyền thông” trong gia đình và nên dành thời gian cho mỗi người. Việc truyền thông giữa vợ chồng trong gia đình là điều quan trọng nhất. Nói cách khác, trong sự truyền thông giữa người cha và người mẹ, tôi muốn mô tả như là một “cuộc họp cấp cao”. Bạn không nên xáo trộn thứ tự ưu tiên trong việc truyền thông dành cho người bạn đời. Hãy dành thời gian để chuyện trò cùng vợ hoặc chồng bạn, và sắp đặt thì giờ khác cho con cái bạn. Thêm nữa, có nhiều sự kết nối truyền thông giữa cha mẹ và con cái. Vào lúc nầy, bạn dành riêng thời gian và nơi chốn để chuyện trò thân mật, vỗ về từng đứa con của bạn, và lúc khác, là thời gian trò chuyện chung cho cả gia đình. Đừng quên là con cái bạn có những lúc chỉ muốn chơi đùa với nhau mà không có cha mẹ. Trong gia đình chúng tôi, khi nghe các con trò chuyện thân mật với nhau, chúng tôi gọi đó là “âm thanh anh chị em” và đó là điệu nhạc rót vào tai chúng tôi.
Chu Kỳ Của Đời Sống Bạn
Hãy hình dung một mẫu bánh được cắt làm ba phần. Mỗi phần tượng trưng cho một phần ba cuộc đời bạn khi kết hôn và có con cái. Theo chu kỳ bình thường của cuộc sống, chúng ta trải qua khoảng một phần ba cuộc đời mình ở nhà cha mẹ, một phần ba sống chung với người phối ngẫu cùng con cái, và một phần ba còn lại sống trong “cái tổ trống rỗng” khi con cái đều rời khỏi gia đình. Điều nầy có nghĩa là chúng ta trải qua hai phần ba cuộc đời với người phối ngẫu. Trong mối tương thông, điều ưu tiên phải dành cho người bạn đời vì mối quan hệ đó sẽ kéo dài cho đến khi con bạn lớn lên và rời khỏi gia đình. Một lý do khác cho thấy tại sao điều nầy phải là ưu tiên trong việc truyền thông là vì tất cả những mối quan hệ khác sẽ bị tổn thương trầm trọng nếu như mối tương thông giữa vợ chồng bị phá vỡ. Nhiều bậc cha mẹ đã vấp phải lỗi lầm khi đặt con cái lên hàng đầu. Nếu họ xao lãng trong mối quan hệ dành cho nhau, tổ ấm của họ trở nên trống vắng, họ có thể nhận ra họ không có sự liên hệ. Thật bi thảm khi đời sống hôn nhân phá hỏng sợi dây liên lạc dành cho hai người, bởi vì người cha và người mẹ quên rằng họ còn là người nam, người nữ. Sự tương thông đem lại cho bạn một lợi khí và với lợi khí đó bạn có thể tăng cường mối thông công quan trọng nhất trong gia đình bạn.
Chương 5: MẮC XÍCH TƯƠNG HỢP
Sự tương hợp là bằng chứng của sự hiệp nhất mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho hai vợ chồng. Khái niệm về sự tương hợp khiến cho nhiều người nghĩ về sự tương xứng hay sự say mê thể xác. Sự tương hợp về thể xác là quan trọng, nhưng sự tương hợp không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh hóa mà còn liên hệ đến vấn đề nguyên t?c của chúng ta. Nguyên tắc sống của các bạn có tương hợp không? Đây là chỗ mà nhiều cuộc hôn nhân gặp phải rắc rối. Đôi khi các bạn trẻ tiến đến hôn nhân mà không hề thảo luận gì đến sự tương hợp về mặt thuộc linh của họ. Sau khi kết hôn họ khám phá ra rằng họ không hợp nhau về những giá trị tinh thần. Ví dụ một người vợ trẻ mang thai và chồng bảo phá thai. Cô nói: “Em không làm thế được, điều đó ngược với niềm tin của em”. Người chồng nói: “Niềm tin của em có liên can gì đến việc nầy? Chúng ta chưa muốn có con, hãy phá thai đi!” Điều có thể xảy ra là cô ấy sẽ ly dị chồng. Một lãnh vực khác về việc minh định giá trị thường dẫn đến ly dị trong thời đại ngày nay là xác định vai trò của người chồng và người vợ. Đây là điều cần đưa ra trước tiên để cả hai vợ chồng cùng thỏa thuận về vai trò, trách nhiệm của mỗi người và cũng mong mỏi điều đó nơi người bạn đời của mình, trước khi họ có sự cam kết trong hôn nhân. Cần phải có sự tương hợp về mọi mặt với người mà bạn sẽ kết hôn. Nếu cả hai đều ở trong Chúa Cứu Thế, giá trị của họ được đặt nền tảng trên lời Đức Chúa Trời, hãy nghĩ về điều mà sự tương hợp đem đến cho bạn! Sự tương hợp về mặt thuộc linh là nền tảng giúp bạn xác định vai trò và trách nhiệm mỗi một người phải làm trọn trong mối quan hệ của mình. Nền tảng thuộc linh của các bạn sẽ xác định những vấn đề tinh thần và đạo đức, cách bạn sử dụng thì giờ và tiền bạc, điều mà cả hai muốn dành cho con cái và mọi lãnh vực khác trong cuộc sống bên nhau. Quay trở lại nguồn gốc của từ tương hợp, lúc con người vừa nhận biết về cách sống. Từ tương hợp bắt nguồn bằng từ gốc mang nghĩa là “với” và “chịu đựng”. Cách đây nhiều năm, có hai người đã cân nhắc về tính tương hợp để tiến đến hôn nhân khi họ quyết định “chịu đựng lẫn nhau”. Điều đó có vẻ như tiêu cực khi tiến tới việc sống chung, nhưng thật sự là rất thực tế. Cuộc sống thời đó rất khó khăn. Có bao giờ bạn vào nghĩa trang của một ngôi giáo đường cổ kính và nhận ra có nhiều tấm bia là các trẻ thơ không? Nhiều thế hệ trước, người ta thường sống với nhau trong một đại gia đình. Lý do là họ biết, nếu họ có mười người con, thì may ra chỉ còn sống được năm người. Sự tương hợp là một trong nhiều lý do quan trọng nhất để mối quan hệ truyền thông giữa vợ và chồng trong gia đình là số một. Nếu các bạn mất một người con, các bạn sẽ cùng nhau trải qua sự thử thách, cùng than khóc và đau đớn. Nhưng khi bạn mất đi người phối ngẫu, bạn sẽ đau khổ một mình. Tôi biết có nhiều đôi vợ chồng tin kính Chúa xác nhận là khi họ có đời sống tốt đẹp với Chúa và với người bạn đời, họ có thể giải quyết bất cứ tình huống nào. Đó là một lời diễn giải thích hợp, tóm tắt nguyên nghĩa của từ “tương hợp”. Tuy nhiên, ngày nay người ta thường sử dụng từ nầy theo nghĩa “hai người thích hợp với nhau”. Họ giống nhau về tính tình, giá trị và mục đích cá nhân. Điều họ khám phá ra sau khi đã kết hôn là mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu. Điển hình là nhược điểm thường không hề được phô bày ra trước hôn nhân. Nhưng sau khi kết hôn được một thời gian, họ ngạc nhiên trước thực tế là mình đang sống với các ưu điểm và nhược điểm của người phối ngẫu. Bất hạnh thay, khi thực tế không thể phủ nhận nầy xuất hiện, nhiều đôi vợ chồng trong thời nay đã quyết định: “Tôi cho rằng chúng ta không hợp nhau nữa và tôi nhận thấy có người khác hợp với tôi hơn”. Ngày nay ly dị và chia tay là chuyện bình thường vì quan điểm của xã hội hiện đại cho rằng sự bất tương hợp là cơ sở để kết thúc hôn nhân. Thực tế là trong nhiều nền văn hoá khác nhau, bạn đều có thể tìm thấy đủ mọi lý do hợp pháp để ly dị. Song lý do duy nhất Kinh Thánh cho phép ly dị không phải là sự bất tương xứng mà là do ngoại tình. Như tôi đã trình bày từ ban đầu, hợp đồng hôn nhân có một điều kiện, đó là điều kiện độc quyền. Điều kiện nầy có nghĩa là Đức Chúa Trời không yêu cầu chúng ta phải sống với người không chung thủy. Chấp Nhận Hiểu biết của chúng ta về sự tương hợp phải bao gồm khái niệm về sự chấp nhận. Có nhiều điều bạn phải chấp nhận về người bạn đời của mình. Người ấy sẽ không thay đổi. Có nhiều người rất trẻ con. Họ nghĩ sau khi kết hôn, họ có thể thay đổi tính tình người phối ngẫu như họ muốn. Phụ nữ hay mắc phải lỗi lầm nầy. Họ suy nghĩ thật ngây thơ: Sau khi tôi kết hôn với anh ấy, tôi sẽ thuyết phục anh ấy trở thành người tôi muốn. Nhưng đó chỉ là cách suy nghĩ nông cạn. Sau khi lập gia đình, người đàn ông cũng chỉ là người mà cô ấy đã kết hôn và chàng sẽ không thay đổi. Kinh Thánh mô tả một cách khôi hài về một người có thể thay đổi chính đời sống họ trong Gieremi 13:23: “Người Êthiôbi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng ? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được ”. Kinh Thánh rất thực tế khi nói với chúng ta về sự thay đổi nầy. Thế nhưng Kinh Thánh cũng cho biết là chúng ta phải thỏa mãn những điều kiện nhất định để Đức Chúa Trời có thể thay đổi chúng ta. Nếu bạn mong muốn mình được thay đổi hoặc bạn cho rằng người phối ngẫu của bạn cần phải được thay đổi, thì hy vọng duy nhất cho sự thay đổi nầy là bạn và người bạn đời cần phải được tái sanh. Qua sự tái sanh, Đức Chúa Trời sẽ thay đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở thành tạo vật mới trong Đấng Christ và qua Đấng Christ (IICor 5:17). Ngoài sự mong đợi đó, con người không thể thay đổi. Thật là ngây thơ khi nghĩ rằng bạn có thể thay đổi người phối ngẫu và thậm chí còn ngây ngô hơn nếu nghĩ rằng khi người phối ngẫu thay đổi, thì sẽ giải quyết được vấn đề. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng mình đã gắn liền cuộc đời với những điểm mạnh và điểm yếu của người kia. Thật chín chắn khi bạn cầu xin Đức Chúa Trời ban ơn để chấp nhận cả mặt mạnh lẫn mặt yếu của người bạn đời trong cuộc sống. Các bạn càng quan tâm đến sự tương hợp của mình trong đời sống vợ chồng chừng nào, thì càng ít suy nghĩ đến vấn đề tiêu cực, hay những điểm bất tương xứng chừng nấy. Nghĩ nhiều đến vấn đề tiêu cực có thể hủy hoại hôn nhân. Thay vào đó, bạn nên tập trung tâm trí vào mặt tích cực của mối quan hệ.