Bây giờ tới giai đoạn bắt tay vào học, chúng ta sẽ bắt đầu cách nào?
1. Hoạch định việc học
Bạn phải hoạch định việc học thế nào để cho kết quả tối đa. Có nhiều cách. Một là học mỗi lần một quyển, thay đổi giữa Cựu Ước và Tân Ước. Vì mỗi quyển được viết riêng rẽ, nên mỗi quyển là một đơn vị của Kinh Thánh.
Nếu trước kia bạn chưa từng học Kinh Thánh thì đừng nên bắt đầu bằng một sách dài hay khó, như sách Ê-sai chẳng hạn. Tốt nhất là bắt đầu với các sách Phúc Âm, như sách Mác chẳng hạn, hoặc là một trong các thư tín ngắn như I Giăng hay Phi-líp. Điều quan trọng là bạn phải có kế hoạch.
Sau khi đã chọn sách, phải ấn định những đoạn ngắn để học, trung bình từ 25 đến 30 câu là vừa. Nhiều bộ Kinh Thánh đã phân sẵn những khúc ngắn rất có ích. Có thể dùng những phân đoạn dài trong Phúc Âm, và phân đoạn ngắn trong các thư tín. Nếu chọn nguyên chương thì dễ hơn nhưng như thế thì hơi dài, vả lại nhiều khi ở cuối chương chưa dứt ý. Tuy nhiên việc lựa chọn nầy không cứng ngắc một chiều.
Ví dụ, Mac Mc 1:1-45 có 45 câu quá dài. Phân đoạn đầu qua hàng ở câu 20, vậy ta lấy câu 1-20 làm đoạn đầu.
2. Cầu nguyện cho việc học
Cầu xin Thượng Đế dạy bạn qua Thánh Linh Ngài. Vì biết rằng nếu Chúa không dạy thì học cũng vô ích nên bạn cần phải cầu nguyện ngay cả khi hoạch định. Mỗi ngày trước khi học bạn cầu nguyện và mỗi khi gặp nan đề bạn cũng hãy cầu nguyện. Hãy cảm tạ chúa khi Ngài cho bạn thấy tia sáng và cho lòng bạn vui mừng khi có những ý mới. Khi bạn nghĩ đến việc áp dụng chân lý, tìm xem mình sẽ phải làm gì, bạn cũng sẽ thấy cần cầu nguyện. Như vậy, cầu nguyện quyện lấy sự học, từ đầu đến cuối.
3. Đọc
Trước khi bắt đầu học sách nào, nên đọc qua cả quyển một lần. Sách Tin Lành Mác có vẻ dài, nhưng bạn có thể đọc hết trong một buổi chiều hay trong vòng một hai giờ buổi chiều. Cái lợi nhận được bù lại công khó dành thì giờ ra đọc: có khái niệm về toàn thể quyển sách sẽ giúp ích nhiều cho việc hiểu từng phần trong sách.
Mỗi lần bạn đọc, đọc đi đọc lại khúc sách mình chọn. Càng đọc nhiều càng có lợi. Đọc lần thứ năm – Có khi đến lần thứ mười – bạn sẽ thấy khác lần đầu. Một trong những nhược điểm của người học Kinh Thánh là muốn hiểu trước khi làm quen với đoạn sách. Họ muốn biết Chúa muốn nói gì trước khi họ nghe điều Ngài nói. Vì vậy họ đọc vội vã đoạn sách một lần, rồi suy đoán nghĩa gì. Lời Chúa cần được tôn trọng đúng mức. Cần đọc đi đọc lại nhiều lần cho tới khi nhập tâm.
Trong khi đọc mấy lần đầu, khoan thông giải vội. Chỉ quan sát, ghi chú nhưng khoan đào sâu ý nghĩa. Trước hết hãy làm quen với khúc sách.
4. Quan sát
Có thể bạn đọc mà không để ý gì cả. Nhiều khi người ta đọc Kinh Thánh mà không suy xét. Cũng như khi người ta gặp một nhân vật lớn như vị Tổng thống, nhiều khi hồi hộp trước sự hiện diện của nhân vật quan trọng ấy mà quên nhận xét hình dáng của ông ta. Việc suy xét kỹ khi đọc Kinh Thánh rất quan trọng để hiểu nó, vì nếu bạn không biết trong đó nói gì thì bạn không thể nào hiểu được ý muốn nó nói gì.
Bạn phải quan sát những gì? Chúng ta hãy lấy 1:1-20 làm ví dụ.
a. Văn thể của khúc sách
Nó thuộc thể văn kể chuyện (ký thuật), thơ, giáo dục, hay tiên tri…? Ví dụ, câu 1-3 là phần giới thiệu, câu 4-20 kể chuyện. Để ý văn thể rất quan trọng vì mỗi thể văn có những đặc điểm đòi hỏi một lối thông giải khác. Chúng ta sẽ bàn về các đặc điểm nầy sau.
b. Những chữ và nhóm và chữ dùng nhiều lần
Ví dụ, chữ Tin Lành trong câu 1, 14, 15; chữ giảng trong câu 4, 7, 14; chữ ăn năn trong câu 4, 15; những chữ vừa khi, tức thì, liền trong câu 10, 12, 18, 20. Có khi sự trùng lặp đó có ý nghĩa, có khi không. Bạn có thể tìm hiểu sau, nhưng trước hết phải ghi ra.
c. Những chữ nối kết (liên từ )
Ví dụ như những chữ và, nhưng, vì, bởi vậy, cho nên. Những chữ nầy nối kết các chữ hay câu lại với nhau, ảnh hưởng tới ý nghĩa của câu.
Chữ và dùng nhiều lần từ câu 4 đến 20. Đây là một chữ thông thường trong văn kể chuyện để chỉ việc nầy tiếp theo việc kia. Tuy nhiên, đôi khi thay đổi một liên từ có thể đổi ý nghĩa một câu. Chẳng hạn câu “Thằng Bi ăn nhiều kẹo vì nó mập” và “Thằng Bi ăn nhiều kẹo cho nên nó mập” ý khác hẳn nhau dầu cùng chỉ một sự việc. Chữ ‘nhưng’ trong câu 8 có ý nghĩa. Thường chữ nhưng dùng để chỉ sự tương phản. Ở đây nó có chỉ ý đó không?
d. Những chữ chỉ thời gian
Những chữ này được dùng đặc biệt trong văn kể chuyện, như sau khi, rồi thì, lập tức, trước khi, đến chiều vv. .. Mác dùng nhiều chữ tương tự trong khúc sách nầy.
e. Những chữ chỉ nơi chốn
Ví dụ như Giu-đê (c.5), Na-xa-rét (c.9), biển Ga-li-lê (c.16).
f. Những chữ đối chiếu, so sánh
Sứ giả của ta đối chiếu với Chúa (c.2, 3), quỉ Sa-tan cám dỗ với thiên sứ hầu việc (c.13), so sánh Con Đức Chúa Trời với Con yêu dấu của ta (c.1, 11); và Giăng giảng với Chúa Giê-xu giảng (c.7, 14).
g. Những chữ không biết
Tra những chữ khó trong từ điển.
h. Trọng tâm mỗi câu
Trong những câu dài nên để ý chủ từ, động từ chính và túc từ của chủ từ (nếu có). Trong 1:14-15, “Chúa Giê-xu đến… giảng… mà rằng ” là trọng tâm của câu. Phần còn lại trả lời những câu hỏi về nó. Chúa Giê-xu giảng khi nào? Sau khi Giăng bị bắt. Ngài giảng gì? Tin Lành. Ngài nói gì? Kỳ đã trọn.vv…
Thể văn ký thuật thường đơn giản nên ở đây không có nan đề nào. Trong các sách tiên tri và thơ tín, có những câu dài rắc rối, không dễ gì lựa lọc ra. (xem Eph Ep 1:3-12)
i. Các thành ngữ nói bóng
Chúng ta sẽ bàn rộng hơn ở chương 13. Một số thành ngữ “ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài ” (c.7), “ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người ” (c.17).
j. Trình tự diễn tiến (logical sequences )
Thường thường hai sự việc trong một câu có liên hệ thuận lý nhau-việc nầy là nguyên nhân gây ra việc kia, hay là lý do để cho việc kia xảy ra. Ví dụ, chữ ‘vì’ trong câu 16 cho ta thấy lý do họ thả lưới; trong câu 22 Chúa Giê-xu giảng dạy đầy quyền năng khác với thầy thông giáo là lý do khiến quần chúng kinh ngạc, chữ chìa khóa cũng là vì.
k. Điều gì lạ, bất thường, bất ngờ
Chẳng hạn khi quần áo và thức ăn của Giăng không phải là bình thường (c.6).
l. Các thực thể liên hệ
Có thể là người, việc, vật, phẩm tính, vv… như Chúa Giê-xu, Đức Thánh Linh và “tiếng từ trời” (của Cha) trong câu 10-11.
m. Văn phạm
Bạn cần chú ý những danh từ, đông từ, tĩnh từ của những câu không rõ nghĩa. Trong c.5, xứ và dân chúng là chủ từ của động từ đến. Trong c.10, các từng Trời mở ra và Đức Thánh Linh ngự xuống là túc từ của Ngài thấy.
Còn có nhiều đặc điểm bạn có thể nhận xét được. Càng học nhiều bạn càng mau nhận ra. Một cách để bạn luyện óc nhận xét là đặt sáu câu hỏi: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Cách nào? Tại sao? Những dữ kiện của khúc sách trả lời cho bốn câu hỏi đầu. Các dữ kiện đó cũng có thể trả lời cho hai câu sau. Chỉ câu hỏi sau cùng đặc biệt hướng dẫn bạn suy nghiệm, tưởng tượng ra một lý do của một câu hỏi hay hành động, dầu nhiều khi trong khúc sách không nói đến lí do.
5. Ghi chép
Hãy viết ra những gì mình nhận xét được. Ý nghĩ nếu chỉ để trong đầu óc sẽ rất mơ hồ, nhưng nếu viết ra thì bạn sẽ thấy rõ ràng. Ngoài ra nó còn giúp bạn làm việc chính xác.
Chỉ viết ra, khoan nối kết các sự kiện. Sau nầy khi nghiên cứu bình giải khúc Kinh Thánh, bạn sẽ thấy những mấu chốt liên hệ. Bạn sẽ thấy có những điểm ghi chú không cần thiết, có thể loại đi.
Trong Mác 1 bạn có thể ghi nhận được những địa điểm như Giu-đê, sông Giô-đanh, đồng vắng Ga-li-lê. Sau khi viết ra, bạn có thể nhìn vào bản đồ và thấy được sự di chuyển của Chúa Giê-xu: Ngài từ Ga-li-lê đến Giu-đê để chịu báp-têm và cám dỗ, rồi trở về Ga-li-lê khởi sự thánh vụ và kêu gọi môn đồ.
6. Suy nghĩ và phân tích
Sai khi đọc khúc sách nhiều lần và ghi ra nhận xét, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ và bắt đầu suy gẫm về nó. Hãy tìm hiểu ý nghĩa của các sự kiện.
Chẳng hạn bạn suy gẫm lời tiên tri về sứ giả dọn đường cho Chúa (Mac Mc 1:2). Sứ giả là ai? Hẳn nhiên là Giăng. Ông dọn đường cho ai? Cho Đấng Cơ-Đốc. Vậy Đấng Cơ-Đốc tức là Chúa! Những người ăn năn và nhận báp-têm của Giăng đã được chuẩn bị thế nào để dọn đường cho Đấng Cơ-Đốc đến? Sứ điệp của Giăng trong c.7-8 đã đem lại kết quả gì? Suy gẫm cách nầy giúp bạn khám phá ra ý nghĩa của bản văn.
Bạn có thể thấy sự cám dỗ đến ngay sau lời tuyên bố từ Trời (c.11-12) là một sự kiện đáng chú ý. Điều nầy khiến ta nghĩ thế nào về sự cám dỗ và người bị cám dỗ? Nhân đó chúng ta có thể được an ủi khi cảm thấy nản lòng và bứt rứt vì bị cám dỗ.
Những câu hỏi nêu ra trong khi suy nghĩ có thể có câu trả lời ngay, có thể không. Bạn có thể hỏi phải chăng c.5 ngụ ý rằng cả dân chúng Giê-ru-sa-lem và Giu-đê đều xưng tội và chịu lễ báp-têm. Bạn vẫn không trả lời thẳng câu hỏi nầy, nhưng đó là một trong những câu hỏi bạn cần giải đáp trong khi thông giải. Viết câu hỏi ra để tìm hiểu thêm.
Đừng nản lòng vì những câu hỏi nêu lên mà bạn không thể giải thích được. Cứ giữ nó trong óc và trong sổ tay bạn. Rồi trong khi nghiên cứu bạn có thể trả lời được một số câu. Có thể những câu bạn chẳng bao giờ có thể tìm được câu trả lời thỏa đáng. Thượng Đế không hứa giải đáp hết mọi thắc mắc của chúng ta ngay bây giờ, nhưng Ngài hứa ban ánh sáng cần thiết cho chúng ta.
7. Dùng những nguyên tắc thông giải
Chúng ta sẽ xét đến những nguyên tắc nầy trong những chương sau.
8. Áp dụng ý nghĩa của khúc sách
Nghĩa là xét những khía cạnh liên quan đến cuộc sống của mình và Hội Thánh ngày nay. Bạn phải để ý thông giải và áp dụng. Khi bạn thông giải, bạn chỉ giải thích ý nghĩa và diễn đạt nó ra mà không cần đề cập tới một người nào. Khi bạn áp dụng bạn tự xét con người mình đáp ứng như thế nào. Thứ nhất là những điều Thượng Đế phán. Thứ hai là những điều Thượng Đế muốn bạn làm.
Áp dụng sai có thể đưa tới hành vi kỳ quặc, tai hại. Chúng ta sẽ xét đến điều nầy ở cuối sách.
Chúng ta đã xét qua những bước chính trong việc học Kinh Thánh theo một thứ tự hợp lý. Cần nên giữ theo thứ tự đó. Tuy nhiên, có một số bước có thể thực hiện cùng một lúc, như đọc, quan sát, viết và cầu nguyện chẳng hạn. Nếu bạn có những bước đó sẵn trong trí, bạn có thể đem ra thi hành cách tự động mà vẫn cẩn thận, rồi Thánh Linh sẽ giúp cho việc học hỏi của bạn có hiệu quả.