TRUYỆN TÍCH VỀ GIÔ-SUÊ TRUYỀN LỆNH CHO MẶT TRỜI DỪNG LẠI
Một trong những chỗ khó khăn nhất trong Thánh Kinh đối với một người học hỏi nghiên cứu là trong câu chuyện được ghi lại ở Giosue 10:12-14 mà về nó, giám mục Colenso từng viết: “Phép lạ trong sách Giô-suê này là thí dụ nổi bật hơn hết về điểm bị diệt giữa Kinh điển và khoa học”.

“Ngày mà Đức Giê-hô-va phó dân A-mô-rít cho cho dân Y-sơ-ra-ên, thì Giô-suê thưa cùng Đức Giê-hô-va tại trước mặt Y-sơ-ra-ên, mà rằng: Hỡi mặt trời, hãy dừng lại trên Ga-ba-ôn; hỡi mặt trăng, hãy dừng lại trên trũng A-gia-lôn! Mặt trời bèn dừng lại, mặt trăng liền ngừng. Cho đến chừng dân sự đã báo thù quân nghịch mình. Điều đó há không có chép trong sách Gia-sa sao? Mặt trời dừng lại giữa trời, và không vội lặn ước một ngày trọn”.

Các nhà phê bình phá hoại và người ngoại đạo nói rằng câu chuyện này không thể nào có thật được; rằng nếu mặt trời đã dừng lại theo như cách đã được ghi lại ở đây, thì nó đã phải làm đảo lộn cả diễn biến của cõi thiên nhiên. Chẳng ai dám nói là nó có thật hay không. Đó chỉ là một giả định mà thôi. Thế nhưng Đức Chúa Trời là Đấng đã sáng tạo ra địa cầu, mặt trời và toàn thể vũ trụ này có thể giữ cho nó đứng vững cả khi mặt trời có dừng lại, hay nói chính xác hơn, là nếu địa cầu có dừng lại trên trục xoay của nó, của mặt trời trông có vẻ như đã đứng yên.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ khúc sách này trong Hy-bá-lai văn, chúng tôi nhận thấy nguyên văn nó rằng mặt trời dừng lại. Lệnh truyền của Giô-suê trong câu mười hai rằng “Hãy dừng lại” dịch theo nguyên văn là “Hãy im lặng”, còn mấy chữ được dịch ra “dừng (đứng yên)” trong câu mười ba theo nguyên văn là “đã im lặng”. Nó đã được dịch ra chín lần trong Thánh Kinh là “giữ im lặng”’ ít ra cũng năm lần là “hãy im lặng”; trong một khúc sách khác là “giữ sự bình an của nó”; trong một khúc sách khác nữa là “tự giữ im lặng” trong một khúc sách khác “trì hoãn”; trong một khúc sách khác nữa, là “chờ, đợi” và trong một khúc sách khác nữa là “ngừng, nghỉ”. Những cách dịch như thế tổng cộng có đến trên dưới ba mươi lần nhưng đã chẳng bao giờ được dịch ra là “dừng lại đứng yên” ngoại trừ trong khúc sách này. Từ ngữ đã được dịch ra là “dừng” và “ngừng” trong Giosue 10:13 thỉnh thoảng còn được dịch là “đứng yên”. Nghĩa đen của nó là “đứng” hay “đứng lên” nhưng cũng được dùng theo nghĩa là “đứng lại” , “trì hoãn” hay dừng lại tại một nơi nào đó, trong một tình trạng hay điều kiện nào đó chẳng hạn như trong IIVua 15:20 hay Sang 45:1.

Vậy thì, ý muốn nói về tình trạng của mặt trời và mặt trăng trong khúc sách này là trì hoãn, trì hoãn chưa chịu làm, chứ không phải là tuyệt đối đứng yên hay dừng lại, mà chỉ có vẻ như sự chuyển động (hay việc lặn đi) của chúng đã bị chậm lại hay bị trì hoãn mà thôi. Hơn nữa các từ ngữ Hy-bá-lai văn “giữa trời” theo nghĩa đen là “tại nửa lưng trời”. Từ ngữ đã được dịch ra là “giữa” cũng đã hơn một trăm lần dịch ra là “nửa”. Nó chỉ được dịch ra là “giữa” có năm hoặc sáu lần mà thôi, mà ở một trong các trường hợp như thế (Danien 9:27) bản Revised Version đã đổi từ giữa sang nửa. Trong các trường hợp còn lại nó cũng có thể, hoặc đúng hơn là nên được dịch ra là nửa (thí dụ như trong Thi Thien 102:24).

Thế thì, điều Giô-suê truyền cho mặt trời làm, là lần nữa, trì hoãn ở nửa lưng trời, và đó là điều đã được chép lại là việc mặt trời đã làm. Trên trời có hai phân nửa, một nửa được chúng ta nhìn thấy là ở phía bên này, và một nửa được chúng ta nhìn thấy là ở phía bên kia của trái đất. Tiền trí từ Hy-bá-lai văn đã được dịch ra là “ước” nguyên vó nghĩa là “độ chừng” hay “đại khái”. Do đó, gộp chung các sự kiện trên đây lại thì điều mà câu chuyện này kể lại trên đường chân trời mà người ta nhìn thấy được là cả một ngày.

Rõ ràng là nói như thế có nghĩa là nói rằng cái biến cố đã xảy ra ngày hôm ấy gần Ga-ba-ôn, trong trũng A-gia-lôn, là điều vẫn xảy ra nhiều ngày mỗi năm tại Bắc cực, tức là mặt trời vẫn còn được nhìn thấy ở chân trời trọn hai mươi bốn giờ. Phương pháp để thực hiện việc ấy đã không được nói cho chúng ta biết. Có thể đó là việc một địa cực đã có hơi nghiêng xuống sâu hơn một chút, hay cũng có thể là do sự khúc xạ của các tia sáng, hoặc bằng một trong nhiều cách khác nữa mà chúng ta không thể phỏng đoán. Chắc chắn là chẳng có gì cần thiết phải có một sự đổ vỡ, một tai nạn xảy ra trong cái vũ trụ vật lý của chúng ta như những kẻ phản bác đã tưởng tượng.
Còn chẳng hay một việc như thế đã có xảy ra hay không, thì đó là một vấn đề của sử ký. Phần sử ký trong sách Giô-suê mà chúng ta có lý do để tin lẽ thật, đã nói là có như thế. Đó là một sự kiện quan trọng mà sử ký ngoài Thánh Kinh cũng từng gợi ý y như thế. Herodorus, một đại sử gia người Hy-lạp kể lại cho chúng ta rằng các tư tế người Ai-cập từng cho ông ta xem một câu chuyện chép về một ngày thật dài. Các sách Trung Hoa kể rằng đã có một ngày như thế dưới thời trị vì của hoàn đế Yeo của họ, là người được cho là đồng thời với Giô-suê. người Mễ-tây-cơ cũng có một câu chuyện chép rằng mặt trời đã dừng lại một ngày trọn trong năm được cho là trùng hợp chính xác với năm mà Giô-suê đang đánh giặc tại xứ Palestine.

Đã chẳng có gì thật sự quan trọng chứng minh rằng đã không có một ngày như thế. Cho nên sau khi đã khảo sát thật kỹ, “cái thí dụ nổi bật hơn hết về điểm dị biệt giữa Thánh Kinh và khoa học” này đã được nhận thấy không hề là một thí dụ về một điểm dị biệt giữa Thánh Kinh với khoa học, hoặc thậm chí là giữa Thánh Kinh với sử ký nữa.

Đã có lý thuyết được đưa ra là mấy chữ đã được dịch ra là “Hãy dừng lại” theo nghĩa đen là “hãy im lặng” phải được lý giải rằng câu ấy có nghĩa là Giô-suê đã truyền lệnh cho mặt trời hãy im lặng theo nghĩa là phải cầm giữ ánh sáng của nó lại, và việc đã xảy ra nhân cơ hội ấy không phải là việc môt ngày đã được kéo dài thêm, nhưng là một ngày tối tăm nên Giô-suê đã có lợi thế để thực sự hành quân vào ban ngày, là lúc phải có ánh sáng.

Lẽ dĩ nhiên, nếu đây là cách lý giải đúng câu “Hãy dừng lại” thì mọi khó khăn của khúc sách này đều tan biến cả. Thế nhưng, nếu cách lý giải này là điều khả dĩ chấp nhận được, ta sẽ khó thấy được phải làm thế nào để hoà giải phần thuật sự khác với lý thuyết này. Và như đã thấy, cái lý thuyết cá biệt này không nhất thiết đã cất được hết mọi khó khăn trong đó.
Lẽ dĩ nhiên, dù sao thì đây cũng là một phép lạ, nhưng chẳng hề có ai tin vào một Đức Chúa Trời vốn là Đấng Tạo Hoá của toàn thể vũ trụ vật chất này, và một Đức Chúa Trời đã từng được chứng minh trong lịch sử là đã khiến Chúa Cứu Thế Giê-xu từ chết sống lại, lại bị va váp chỉ vì sự kiện về một phép lạ. Chúng ta tin vào một Đức Chúa Trời có quyền làm phép lạ.

ĐÊ-BÔ-RA CA TỤNG KẺ SÁT NHÂN GIA-ÊN

Người ta thường dẫn chứng để chống lại nguồn gốc của Thánh Kinh vốn từ Đức Chúa Trời rằng bộ sách ấy bênh vực và đề cao việc Gia-ên đã lừa dối để giết Si-sơ-ra, và rất bất cứ một quyển sách nào bênh vực cho một hành động tàn ác và lường gạt như thế đều không thể có tác giả là Đức Chúa Trời.

Câu trả lời thật đơn giản cho thắc mắc này, là Thánh Kinh chẳng bênh vực cũng chẳng đề cao hành động của Gia-ên. Thánh Kinh chỉ ghi lại hành động ấy với tất cả chi tiết mà thôi. Bộ sách ấy cũng ghi lại sự kiện bà Đê-bô-ra, vị nữ tiên tri đang làm quan xứ cho dân Y-sơ-ra-ên vào thời đó (Cac Quan Xet 4:4) đã nói tiên tri rằng Đức Giê-hô-va sẽ phó Si-sê-ra vào tay một phụ nữ (4:4). Sách ấy cũng ghi lại sự kiện bà Đê-bô-ra và ông Ba-rác, trong hoan ca tán tụng Đức Giê-hô-va của họ sau khi họ được giải phóng khỏi ách áp bức tàn bạo của Si-sê-ra, đã nói rằng “Nguyện cho Gia-ên, vợ Hê-be, người Kê-nít. Được phước giữa các người đàn bà! Nguyện người được phước giữa các đàn bà ở trong trại!” (Cac Quan Xet 5:4)

Tuy nhiên, đã chẳng có chỗ nào khác trong phần ký thuật của Thánh Kinh nói bóng gió gì về việc Đê-bô-ra và Ba-rác đã nói như thế là do Đức Chúa Trời cảm thúc (linh cảm) trong bài ca cảm tạ và tán tụng ấy. Khi Thánh Kinh đề cập bà Đê-bô-ra với cương vị nữa tiên tri thì bộ sách ấy đã chẳng hề phải chịu trách nhiệm về mọi hành động và lời nói của bà Đê-bô-ra nhiều hơn là phải chịu trách niệm về mọi hành động và lời nói của Ba-la-am, người cũng đã được đề cập là “mọi tiên tri” (IIPhiero 2:16). Trong tất cả các khúc sách mà Thánh Kinh đề cập Ba-la-am như một nhà tiên tri, thì đều đề cập việc ông ta đã bị quở trách vì các tội lỗi mình.

Thánh Kinh không hề dạy rằng mọi lời nói ra của tất cả các nhà tiên tri đều là lời được linh cảm của Đức Chúa Trời. Trái lại, Thánh Kinh dạy rằng một nhà tiên tri có thể nói dối (xem IVua 13:11-18). Chẳng có chỗ nào trong Thánh Kinh biện minh cho hành động của Gia-ên. Sách ấy chỉ ghi lại hành động đó mà thôi. Thánh Kinh ghi lại lời của Đê-bô-ra và Ba-rác ca tụng hành động ấy nhưng đã không có chỗ nào nhận trách nhiệm về lời ca ngợi ấy. Do đó, chúng ta không nhất thiết phải cố tìm cách biện minh cho tất cả các chi tiết của cách ăn ở cư xử của Giô-ên, và lẽ tất nhiên cũng chẳng cần chi phải biện minh cả cho cách ăn ở cư xử nói chung của bà nữa.

Thế nhưng mặt khác, chúng ta cũng không nên phê phán bất công đối với Gia-ên. Chúng ta không thể phê phán bà bằng ánh sáng của đạo đức học trong Tân ước kinh, vì bà đã sống khoảng ba trăm năm trước Chúa Cứu Thế. Bà đã sống trong một thời đại của sự bạo tàn. Hơn nữa, bà phải đối phó với một kẻ áp bức tàn ác đang gây tàn hại trong dân sự. Đây là một thời kỳ chiến tranh – một trận chiến tranh không diễn ra với các ý niệm hiện đại về chiến tranh – nên chúng ta phải phê phán bà dưới làn ánh sáng của các hoàn cảnh trong đó bà đang sống. Tuy nhiên, cho dù cách hành xử của bà có lẽ không thể biện minh đi chăng nữa, nó vẫn không hề ảnh hưởng chút nào đến sự kiện đã được kiểm chứng về nguồn gốc của Thánh Kinh là từ Đức Chúa Trời. Bộ sách ấy đã tuyệt đối không tìm cách bênh vực cho bà; nó chỉ mô tả cách hành xử của bà mà thôi.

SINH TẾ BẰNG CON CÁI GIÉP-THÊ

Truyện tích về con gái Giép-thê như đã được ghi lại trong Thánh Kinh, đã gây nhiều khó khăn cho một số người nghiên cứu Thánh Kinh nông ổi cũng như cho nhiều nhà phê bình bộ sách ấy. Chúng ta thường bị chất vấn: “Ta có thể biện minh như thế nào cho việc Giép-thê thiêu con gái mình như một sinh tế cho Đức Giê-hô-va?”

Để trả lời, trước hết, thiết tưởng chúng ta cần nó là đã chẳng có chỗ nào chép rằng Giép-thê đã thiêu con gái ông. Chúng ta được cho biết là Giép-thê đã thề nguyện như thế.

“Hễ chi ở cửa nhà tôi đi ra đầu hết đặng đến đón rước tôi, thì nấy sẽ thuộc về Đức Chúa Trời, và tôi sẽ dâng nó làm của lễ thiêu”.

Từ ngữ đã được dịch ra là “của lễ thiêu” không nhất thiết hàm ý là thiêu. Đã chẳng có chỗ nào chép rằng con gái của Giép-thê đã thật sự bị giết rồi đem thiêu. Khúc sách kể lại những gì đã thật sự được thi hành đối với cô ta có phần tối nghĩa, và nhiều người nghĩ rằng cô ta đã được cha mình hiến dâng như một của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời bằng cách sống đồng trinh trọn đời (Cac Quan Xet11:37-39).

Nhưng dù có cho rằng cô ta đã thật sự bị giết rồi đem thiêu như nhiều nhà nghiên cứu Thánh Kinh vô tiư tin tưởng tuy Thánh Kinh không hật sự chép rằng cô ta đã bị đối xử như thế – thì cũng chẳng có gì là cần thiết để phải bào chữa cho hành động của Giép-thê. Chúng ta không hề bị đòi hỏi phải bênh vực cho bất luận một hành động sai trái nào của toàn thể các công cụ bất toàn mà Đức Chúa Trời đã nhận thấy là thích dụng nhằm giúp đỡ cho dân sự Ngài do ân điển và lòng nhân từ thương xót kỳ diệu của Ngài.

Đã chẳng có chỗ nào trong Thánh Kinh bênh vực cho hành động của Giép-thê. Nếu Giép-thê quả thật có giết con gái ông, thì chỉ vì ông đã hấp tấp thề nguyện mà chẳng hề được Đức Chúa Trời chỉ bảo hay bất buộc là phải làm như thế; và sau khi đã thề nguyện như thế rồi, thì ông lại tiếp tục trong việc làm sai trái ấy để thực hiện lời thề nguyền trắng trợn ấy. Trong trường hợp này thì toàn thể câu chuyện, thay vì là một điều bảo đảm cho vấn đề dâng sinh tế bằng con người, vốn chỉ có ý hướng là một bài học cho những lời thề nguyện hết sức dại dột và hấp tấp do sự nhiệt thành của xác thịt mà thôi.

NHỮNG CÂU CHUYỆN XẤU TRONG THÁNH KINH

Một phản bác xưa cũ và tâm đắc của những người không tin Chúa nhằm vào Thánh kinh là bộ sách ấy có “nhiều chương nặc mùi dâm ô từ đầu chí cuối”. Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi không muốn phủ nhận rằng có nhiều chương trong Thánh kinh mô tả các khung cảnh mà nếu đem trình diễn trước một cử toạ hỗn hợp thì không phải là khôn ngoan, nhưng các chương ấy không phải là dâm ô.

Đề cập tội lỗi – cả đến các tội lỗi xấu xa nhất – bằng những lời lẽ rõ ràng nhất, thì không phải là nói chuyện dâm ô. Đó là sự thánh khiết ở hình thức cao nhất của con người. Các câu chuyện về tội lỗi có dâm ô hay không, là hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách thức nó được kể lại, và mục đích nhằm vào khi người ta kể chúng lại. Nếu câu chuyện được kể lại nhằm đùa giỡn với tội lỗi hay biện hộ hoặc bào chữa cho tội lỗi, thì nó là dâm ô. Mặt khác, nếu một câu chuyện sở dĩ được kể lại là để cho người ta ghét tội, chỉ cho người ta thấy sự ghê tởm của tội, để đưa người ta đến chỗ tránh tội lỗi được xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và chỉ cho người ta về sự cần thiết của sự cứu chuộc thì nó không phải là dâm ô, mà trái lại, nó vốn là lành mạnh về phương diện luân lý đạo đức nữa.

Cho nên, đây chính là phương pháp của Thánh Kinh nhằm mô tả tội lỗi. Quả thật là nhiều tội như ngoại tình và những tội tương tự như thế chống lại sự trong trắng thuần khiết đã được đề cập đích danh mà không tìm cách giảm nhẹ lời lẽ đi. Những việc làm ghê gớm thuộc loại ấy đã được mô tả rõ ràng và các kết quả khủng khiếp của chúng đã được đề cập, nhưng mọi sự đều đã được kể lại thế nào để khiến được người ta phải lánh xa các tội lỗi tàn ác và đáng ghê tởm đó.

Chẳng có gì để nghi ngờ là nhiều người đã lại sa trở vào việc thực thi các tội đó do những điều rõ ràng mà Thánh Kinh đã nói về chúng. Nhiều người khác đã từng sa vào các tội ấy, nhưng đã nhờ Thánh Kinh hướng dẫn để thấy tính cách trầm trọng của các hậu quả của chúng, nên đã được chỉ dẫn để quên chúng đi nhờ những gì Thánh Kinh nói về chúng. Tôi không muốn suy diễn từ điểm này mà chỉ viết theo số nhiều từng trải của nhiều người cả nam lẫn nữ đã từng bị cám dỗ để phạm vào các tội ấy nhưng đã được Thánh Kinh giữ lại nhờ những lời của Thánh Kinh liên quan đến chúng. Tôi cũngviết nhờ có nihều từng trải với nhiều người từng sa ngã, nhưng rồi lại được nâng lên và được cứu nhờ chân lý của những gì đã có trong Thánh Kinh về các đề tài này.

Có người đã nói: “Có nhiều điều trong Thánh Kinh chẳng thích hợp cho việc đọc sách ấy trước công chúng chút nào”, và câu này đã được đưa ra, dường như nó là một luận cứ để chống lại Thánh Kinh. Thế nhưng đó là một luận cứ biết sức dại dột. Trong nhiều tác phẩm hay nhất và có giá trị nhất viết về thuốc, có nhiều đoạn chẳng thích hợp cho việc đọc trước công chúng chút nào, thậm chí cũng chẳng thích hợp để đọc cho trẻ con nghe nữa. Dù vậy, kẻ nào đó sẽ rất dại dột nếu đem cắt các khúc sách ấy đi khỏi các tác phẩm viết về thuốc men là vì lý do ấy, và kẻ nào phản đối Thánh Kinh vì những khúc sách trong đó tuy có giá trị tại chỗ của chúng, nhưng lại không có ý định để được đem đọc trước công chúng, thì cũng là kẻ dại dột y như thế.

Thánh Kinh giống như một quyển sách về phần thuật luân lý đạo đức và trị liệu về phương diện thuộc linh, nên nó sẽ rất thiếu sót và thật ra là một dấu chỉ là nó không phải từ Đức Chúa Trời đến, nếu nó không đề cập các sự kiện đáng sợ ấy về con người như nó vốn là như thế, và với các phương pháp để chữa trị các căn bệnh luân lý đạo đức đáng ghê tởm đó.

Tôi là một người cám ơn Đức Chúa Trời vì đã có những khúc sách như thế trong Kinh Thánh. Có nhiều điều mà tất cả các thiếu niên cả nam lẫn nữ đều cần phải biết về một vài hình thức của tội lỗi vào một thời kỳ tương đối là rất sớm. Nhiều bé trai bé gái đã sa vào các hình thức đó của tội lỗi trước khi ý thức được tính cách đáng ghê tởm của nó chỉ vì họ đã không được cảnh cáo về chúng. Dốt nát về chúng là một điều bất hạnh. Tôi chẳng biết có phương pháp nào hay hơn cho các thanh niên nam nữ để làm quen với các hậu quả của những tội lỗi mà họ cần phải biết rõ này, khác hơn là các cô cậu ấy phải đọc những gì Thánh Kinh cần nói về chúng vào thì giờ mà họ biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời.

Thay vì đổ lỗi cho Thánh Kinh về những điều đó, đáng lẽ chúng ta phải ca tụng Đức Chúa Trời vì đã đặt chúng vào đấy. Thí dụ, trong chương thứ nhất của sách Rô-ma có những điều không thể có trong những Bài giảng trước công chúng, và theo quy luật chung, chúng ta thường bỏ qua hai câu khi đọc chương ấy, trước công chúng. Tuy nhiên hai câu ấy lại có giá trị lớn lao khi cần phải đối phó với người ngoại đạo, và chúng đã cứu được nhiều người trên các quốc gia có tiếng là theo Cơ-đốc giáo khỏi các tội lỗi đáng ghê tởm đã từng bị vạch trần và tố giác đó.

Có một người ngoại đạo trong một tác phẩm của ông ta, đã thách thức các Cơ-đốc nhân là chẳng hay họ có “dám lấy quyển Thánh Kinh, đọc lên sự kiện về Ô-nan trong Sáng Thế ký, hay không” (xem Sang 38:8-9). Dường như ông ta tưởng rằng đây là một luận cứ dứt khoát chống lại Thánh Kinh, nhưng nghĩ như thế chỉ là ngốc nghếch mà thôi. Không đọc chương này trước công chúng thì quả là khôn ngoan, nhưng đọc riêng chương sách này khi chỉ có một mình, đã cứu được nhiều người khỏi cái thói quen của một tội giống như thế. Lẽ dĩ nhiên, cả chương này là một điểm đắc ý để người ngoại đạo công kích, vốn đã được lợi dụng rất có kết quả để vạch trần thói tham dục và các hậu quả đáng ghê sợ của nó.

Có một kẻ phản bác cũng từng nói về bộ Thánh Kinh: “Một phần sách thánh có chép về sử ký và thuật lại nhiều sự kiện thuộc loại không thể đề cập trước một phụ nữ đức hạnh mà khởi gây ghê tởm. Một phụ nữ có được phép đọc trong phòng riêng điều mà người ta sẽ run rẩy khi nghe nói tại bàn ăn hay không?” Đây cũng đã được xem là một luận cứ hợp lý nhằm chống lại Thánh Kinh, thế nhưng khi khảo xét thật kỹ và suy xét thật thấu đáp, ta sẽ thấy là một điều hoàn toàn dại dột.

Chắc chắn rằng một phụ nữ cần phải đọc trong phòng riêng điều mà người ấy chắc sẽ “run rẩy nếu được nghe” tại bàn ăn. Tất cả các phụ nữ khôn ngoan đều làm như thế. Tôi biết một quyển sách mà tất cả các phụ nữ đều thích đọc trong phòng riêng, mà nếu được đem ra đọc tại bàn ăn, sẽ khiến họ đứng dậy khỏi đó vì xấu hổ, để rồi sẽ đi luôn ra khỏi phòng.

Có nhiều điều mà đàn ông và đàn bà đều cần phải suy nghĩ đến ở chỗ riêng tây, để khỏi có lúc nào đó phải đem ra thảo luận trước công chúng. Có những quyển sách về thái độ phải lẽ của phụ nữ trước một số các mối liên hệ thiêng liêng trong đời sống vốn thánh khiết hơn bất kỳ một mối liên hệnào khác, khiến người ta có thể vào ra mắt một Đức Chúa Trời thánh khiết mà chẳng thắc mắc gì về vấn đề chẳng hay Ngài có tán thành hay không, nhưng lại không thể đề cập ở chỗ đông người. Thật là kỳ lạ khi nhiều đàn ông đàn bà thông minh lại sử dụng các luận cứ ấu trĩ đến thế.

Thánh Kinh là một bộ sách thuần khiết là điều đã hiển nhiên do sự kiện nó không phải là một quyển sách được ưa thích trong hay ổ của những kẻ đê tiện. Mặt khác, những quyển sách cố tìm cách biến Thánh Kinh trở thành có vẻ như một quyển sách dâm ô và cố tìm cách ngăn cản người ta đọc, lại là những quyển sách được ưa thích trong các hang ổ của những kẻ đê tiện. Những người cả nam lẫn nữ thuộc hạng bất khiết đều ái mộ một nhân vật xuất sắc dám tấn công vào cái gọi là “tính cách dâm ô của Thánh kinh”. Hạng người bất khiết đó vốn chẳng thường đọc Thánh Kinh. Họ thường đọc sách của những kẻ không theo đạo.

Những người ngoại đạo hay phản bác thích ám chỉ Thánh kinh là một bộ “sách dâm ô” rất thường phản lại sự thiếu thành thật và đạo đức giả của họ. Trong một quyển sách của mình, ở một chỗ đề cập đề tài này Đại tá Ingersoll đã phản bác Thánh Kinh là kể lại những việc làm xấu xa ấy mà “chẳng có nét trào lộng nào” cả. Nói khác đi, ông ta đã không phản đối việc kể lại những câu chuyện xấu nếu đó chỉ là một câu chuyện nhằm đùa giỡn với tội lỗi. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì đó chính là điều mà Thánh kinh không làm, tức là đùa giỡn với tội. Bộ sách ấy biến tội lỗi thành đáng ghê tởm đến độ chính những kẻ đã có sẵn thói dâm ô ở trong lòng rồi, vẫn tưởng rằng Thánh kinh là một quyển sách dâm ô.

Một số người từng tận lực tấn công vào bộ sách bị gọi là “dâm ô” này, lại chính là những kẻ nổi tiếng trong vấn đề kể chuyện dâm ô. Một trong những nhân vật dẫn đầu việc công kích Thánh Kinh trên cơ sở là tính dâm ô của nó, đã được một nhà xuất bản sách báo dâm ô thuê để bào chữa cho vụ kiện của ông ta. Một người khác vốn là một lãnh tụ trong thành phố của ông ta trong việc tung ra những lời tấn công Thánh Kinh, thách thức các Cơ-đốc nhân hãy đọc trước công chúng một số đoạn Kinh điển được cho là vô luân, sau đó chẳng bao lâu, đã được tìm thấy là bị chết vì tự sát trong một khách sạn tại Boston, bên cạnh một phụ nữ trẻ không phải là vợ ông ta.

Một người nói rằng “Tôi chống lại việc Thánh Kinh được đặt vào tay thanh niên vì các trang sách ấy sặc mùi dâm ô”, một người không muốn cho thiên hạ đọc những “phần xấu xa” đó của Kinh điển, e rằng tâm trí họ bị ô nhiễm, nhưng lại hết sức cẩn thận đưa ra một danh mục các khúc sách mà ông ta không muốn cho người khác đọc. Thậm chí ông ta còn yêu cầu các độc giả của mình hãy thử đọc xem. Thế thì còn có thái độ đạo đức giả nào hơn thế nữa chăng?

Tôi nhận thấy trong một thành phố mà tôi đang tổ chức những buổi nhóm lại, là có một người luôn luôn làm gián đoạn buổi nhóm bằng cách nói lên về những phần Kinh điển mà ta cho là không thích hợp và vô luân vô đạo, lại từng bị bắt giữ và truy tố về tội xuất bản sách báo dâm ô. Sự thật là số người đó vốn thù ghét Thánh Kinh. Sở dĩ họ ghét bộ sách ấy vì nó tố giác tội lỗi và khiến cho họ phải khó chịu, xốn xang khi sống trong tội lỗi.

Để tóm tắt tất cả lại, trong Thánh Kinh có nhiều phần mô tả tội lỗi mà một người khôn ngoan không thể đem ra đọc trong tất cả các hội chúng hội họp công khai, nhưng những phần mô tả ấy đều lành mạnh về phương diện luân lý đạo đức trong những nơi mà Đức Chúa Trời là Tác giả bộ sách ấy, có ý định muốn cho họ đọc. Đứa trẻ con được trưởng dưỡng để đọc toàn bộ Thánh Kinh, từ Sáng Thế ký đến Khải huyền sẽ được biết rõ bằng phương pháp tốt nhất có thể có được, điều mà một đứa trẻ cần phải biết ngay trong giai đoạn đầu tiên của đời sống, nếu nó được bảo vệ cẩn thận chống lại các nguy cơ đang vây quanh đời sông hiện đại của chúng ta. Một đứa trẻ được trưởng dưỡng và được thường xuyên cho đọc toàn bộ Thánh Kinh sẽ càng có nhiều hy vọng được giải cứu khỏi các thói xấu đang ngấm ngầm muốn phá hại sức lực tinh thần, đạo đức và thuộc thể của các thanh niên thanh nữ của chúng ta hơn bất cứ một đứa trẻ nào khác.
Nhưng một đứa trẻ được trưởng dưỡng bằng sách báo và những cuộc trò chuyện ngoại đạo thì dễ trở thành mồi ngon cho kẻ quyến rủ và gái điếm hơn. Người dễ bị quyến rủ nhất tiếp theo đó là kẻ mà do chểnh mảng bỏ qua không chịu đọc Thánh Kinh, nên bị bỏ mặc cho dốt nát về những chiếc hố sâu, là những cạm bẫy của cuộc đời.

TỘI CỦA ĐA-VÍT

Trong IISam 11:1-27 chúng ta đọc thấy câu chuyện về một trong những cuộc sa ngã đáng buồn nhất của một người của Đức Chúa Trời không thấy được ghi lại ở một chỗ nào khác trong sử ký, đồng thời chúng ta cũng được đọc phần ký thuật về một trong những tội lỗi đáng phỉ nhổ và nặng nề nhất mà bất cứ một người nào cũng có thể phạm đối với một bạn thân trung thành với mình. Chúng ta đọc thấy thế nào Đa-vít đã phạm tội đối với người tôi tớ tận trung với mình là U-ri, một trong những tội phạm nặng nề nhất mà một người này đã phạm đối với một người khác, và thế nào để che lấp tội lỗi mình, vua ấy đã khiến cho tay mình vấy máu của con người ấy. Sau khi sự việc xảy ra, do lòng nhân từ thương xót lớn lao của Ngài, Đức Chúa Trời đã sai nhà tiên tri của Ngài đến với Đa-vít để công bố với vua rằng “Nhưng vì việc này vua đã gây dịp cho những kẻ thù nghịch Đức Giê-hô-va nói phạm đến Ngài, nên con trai đã sanh cho ngươi hẳn sẽ chết” (12:14)

Lịch sử đã chứng minh cho chân lý của lời công bố này. rất ít có điều gì trong Thánh Kinh đã từng tạo ra nhiều kẻ thù nói phạm Đức Giê-hô-va hơn là tội lường gạt này của Đa-vít. Các kẻ thù của Chúa thường xuyên dựng nó lên và biến nó thành mục tiêu cho việc che bai chế nhạo không thương tiếc.

Một số người muốn bảo vệ Thánh Kinh từng tưởng rằng cần phải bào chữa cho hành động này của Đa-vít, hay ít ra cũng cố tìm cách làm cho nó có vẻ như chẳng đáng thù ghét gì mấy như khi mới thoạt nhìn vào. Thế nhưng, tại sao chúng ta lại tìm cách biện hộ cho hành động của Đa-vít? Đã chẳng có chỗ nào trong Thánh Kinh tìm cách bào chữa cho nó cả. Trái lại, Đức Chúa Trời đã quở trách nó bằng những lời lẽ nghiêm khắc nhất. Nó đã bị trừng phạt bằng một loạt nhiều tai hoạ đáng sợ, loại tai hoạ rất ít khi được thấy một người nào khác phải gánh chịu.

Quả thật là Đa-vít từng được Thánh kinh đề cập như là con “người theo lòng của Đức Chúa Trời” (ISam 13:14; Cong Vu 13:22); nhưng nói như thế không có nghĩa rằng Đa-vít là một người hoàn toàn không lầm lỗi. Nó chỉ có nghĩa rằng khác hẳn với Sau-lơ là người lúc nào cũng sẵn sàng đi theo ý riêng, thì Đa-vít là một người luôn luôn muốn tìm biết ý chỉ Đức Chúa Trời trong mọi sự để rồi làm đúng theo đó. Cho nên, ông vốn là một người theo lòng của Đức Chúa Trời.

Tuy đây, vốn là thái độ luôn luôn có trong tâm và trí của Đa-vít đối với Đức Chúa Trời, ông vẫn có thể sa vào tội lỗi – y như việc vẫn có thể xảy ra cho người ta hiện nay. Cả đến một người toàn tâm toàn ý muốn đầu phục Đức Chúa Trời; vẫn có thể bước lệch ra khỏi lập trường tuyệt đối vâng phục Đức Chúa Trời của mình, để trong một khoảnh khắc yếu lòng và dại dột, có thể có một hành động thật quái gỡ trước mặt Đức Chúa Trời đến nỗi sẽ tự chuốc lấy cho mình sự đoán phạt nghiêm khắc nhất của Chúa.

Đoạn ký thuật về tội của Đa-vít mà Kinh điển không hề tìm cách giảm khinh, là một trong nhiều bằng cớ chứng minh nguồn gốc từ Đức Chúa Trời và tính cách tuyệt đối đáng tin của Thánh Kinh. Đa-vít vốn là vị đại anh hùng của thời đại ông. Nếu các trước giả viết Thánh Kinh không được Đức Thánh Linh hướng dẫn, chắc các vị đã che giấu hoặc ít nhất cũng tìm cách giảm bớt đi điều lỗi lầm đáng sợ này của Đa-vít; nhưng sự thật là các vị đã không hề làm một việc gì thộc loại như thế cả. Đức Thánh Linh là Đấng hướng dẫn các vị trong phần ký thuật này, đã chỉ đạo để các vị vẽ lại biến cố này với tất cả những gì là xấu xa đáng ghê tởm của nó, y như sự việc đã xảy ra.

Đây là điểm dị biệt căn bản giữa các nhà viết tiểu sử trong Thánh Kinh với các nhà viết tiểu sử khác. Ngay đến các vị anh hùng trong Thánh Kinh, một khi đã sa ngã thất bại, cũng không được xử trắng án, tội lỗi của họ đã không hề được bào chữa. Tội lỗi của họ đã không được che giấu đối với con mắt của công chúng. Chúng đều được ghi lại với đầy đủ chi tiết, còn tội nhân thì cũng bị “treo lên” như một lời cảnh cáo đối với nhiều người khác. Trong vấn đề cá biệt này, Đa-vít “đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va mà làm điều không đẹp lòng Ngài” (IISam 12:9) và Thánh Kinh đã nói rõ ràng như thế.

“Điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đức Chúa Trời” (IISamuen 11:27), nên Đức Chúa Trời đã đưa ông ra trước cả thế gian như một kẻ phạm tội tà dâm và sát nhân (12:9). Cả câu chuyện vốn quá kinh tởm để có thể đem ra đọc trước công chúng, nhưng nếu người nào chịu đọc nó trong chỗ riêng tây cùng với lời cầu nguyện thiết tha, thì có thể nhận thấy nhiều bài học vô cùng quí báu trong đó. Đây là một trong số những tội lường gạt nghiêm trọng nhất của lịch sử, nhưng tôi vui mừng vì nó đã được ghi lại trong Thánh Kinh. Phần ký thuật về nó và các hậu quả của nó đã giữ được cho nhiều người dừng lại để khỏi sa vào cái tội hay nhìn ngắm để rồi nghiền ngẫm với ý đồ tội lỗi.

NHỮNG NGƯỜI TỐT NHẤT VẪN CÓ THỂ SA NGÃ

Câu chuyện về tội lỗi của Đa-vít chứa đựng nhiều bài học quan trọng. Bài học đầu tiên nó dạy cho chúng ta là một con người đặc biệt tốt lành thiện hảo – vâng, một nhân vật “theo lòng của Đức Chúa Trời” – nếu rời mắt khỏi Lời Ngài, thì rất dễ sa vào một tội lỗi hết sức trầm trọng vào đó. “Kẻ nào tin cậy nơi lòng mình là kẻ ngu muội” (Cham Ngon 28:26). Còn ai tưởng rằng mình có thể lấy sự khôn ngoan và sức riêng của mình để ganh đua với ma quỉ, thì sẽ phải thất vọng nặng nề. Đa-vít là một trong những nhân vật cao thượng nhất thời mình. Ông vốn dũng cảm hào hiệp, có quyết tâm vâng phục ý chỉ Đức Chúa Trời, nhưng lại dám tự mình đùa giỡ với sự cám dỗ, nên đã sa xuống đến chỗ sâu thẳm nhất của sự xấu xa, đê tiện, và nhục nhã.

ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG TÂY VỊ AI

Câu chuyện này cũng dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ nhìn vào tội lỗi của người ta với một chút tán thành nào cả. Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai cả (Roma 2:11) theo nghĩa là Ngài cho phép một vài người nào đó phạm tội rồi bỏ qua không trừng phạt. Đức Chúa Trời rất yêu mến Đa-vít. Ngài đã cho vua thấy nhiều chứng cứ về tình yêu đó của Ngài. Nhưng khi Đa-vít phạm tội, thì Đức Chúa Trời đã đối xử với tội lỗi của vua ấy thật nghiêm khắc và bằng cách đoán phạt nhà vua không chút nương tây. Ngài đã cho phép tội lỗi của Đa-vít cắn rứt ông, khiến cả đời ông cảm thấy cay đắng, bị dày vò cho đến tận ngày ông qua đời.

Đức Chúa Trời đã tha tội cho Đa-vít và phục hồi địa vị được thông công với Ngài và được hưởng niềm vui của sự cứu rỗi (Thi Thien 51:12) nhưng Ngài đã để cho Đa-vít uống nhiều từ chiếc chén đắng mà nhà vua đã tự pha chế cho mình. Một trong các con trai của nhà vua đã noi theo nhà vua trong tội tà dâm mà gánh nặng của nó lại giáng trên chính con gái vua (xem 13:1-14). Một con trai khác lại noi theo nhà vua vào tội sát nhân (xem 13:28-29) và như Đa-vít đã nổi loạn chống lại Cha trên trời của vua, chính con trai vua cũng đã nổi loạn phản lại vua (15:13-14). Đa-vít đã bị bỏ mặc để phải gặt lấy những gì nhà vua đã gieo. Đa-vít đã phải khóc than về đứa con bội nghịch đó khi nó nằm dài trước mặt vua, câm lặng vì đã chết rồi: “Vua rất cảm thương, bèn lên lầu cửa thành và khóc. Người vừa đi vừa nói rằng: Ôi, Áp-sa-lôm, con trai ta! Áp-sa-lôm, con trai ta! con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con! Ôi, Áp-sa-lôm! con trai ta! con trai ta!
Nhưng Đa-vít đã biết rất rõ ràng rằng sở dĩ Áp-sa-lôm phải lầm lạc để rồi phải chết, chính là vì hậu quả của tội lỗi của nhà vua.

SỰ THA THỨ TRỌN VẸN CHO MỌI TỘI NHÂN

Nhưng hãy còn một bài học quí báu khác nữa cho chúng ta trong lịch sử của tội lỗi của Đa-vít, và đó là cả đời với một tội nhân xấu xa hơn hết, thì vẫn có sự tha thứ đầy đủ và vô điều kiện (miễn phí). Tội của Đa-vít thật đen tốt, đen tối như lúc nửa đêm vậy; nó thật đáng sợ; nó vô phương bào chữa; nhưng Đa-vít đã được tha thứ, thật trọn vẹn và vô điều kiện. Đa-vít nói: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va” và qua nhà tiên tri của Ngài, Đức Chúa Trời đã phán với Đa-vít: “Đức Giê-hô-va cũng đã xoá tội vua” (IISamuen 12:13).

Trong một trong những bài thi thiên đẹp đẽ nhất của Đa-vít kể lại câu chuyện về việc mình đã được tha tội (Thi Thien 32:1-6) chính Đa-vít đã nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời thánh khiết. Ngài cực kỳ thù ghét tội lỗi. Ngài sẽ không thể nhìn vào dù là một tội nhỏ nhặt nhất với một chút đồng ý nào. Thế nhưng Đức Chúa Trời cũng là một Đức Chúa Trời của tình yêu thương tha thứ. Ngài đang đứng đó, sẵn sàng tha thứ cho tội nhân xấu xa đê tiện hơn hết. Ngài luôn luôn kêu gọi những người nam người đã phạm tội.
“Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng; hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào” (Esai 55:7)

Có nhiều người tưởng rằng họ đã phạm tội quá nhiều, quá sâu nặng đến mức chẳng bao giờ còn có thể được tha thứ nữa, nhưng sự thật không phải là như thế. Thật khó tìm ra một người nào từng phạm tội sâu nặng hơn vua Đa-vít. Nhà vua đã phạm vào cái tội lớn nhất mà một người có thể phạm đối với một người khác, và vua đã làm bẩn đôi tay của mình bằng máu của nạn nhân, thế nhưng nhà vua vẫn được tha thứ. Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời vì cớ câu chuyện của Đa-vít. Nó ban cho tôi niềm hi vọng dành cho tất cả mọi người. Căn cứ vào những gì Thánh Kinh đã kể lại, tôi chẳng quan tâm lo lắng gì cả cho bất kỳ ai đến hỏi tôi rằng “Có sự cứu rỗi cho tôi không?” vì tôi sẽ không chút phân vân do dự để trả lời rằng: “Có, Đa-vít đã được tha thứ, thì bạn cũng có thể được nữa”.

Một đêm nọ, tôi trò chuyện với một người đang bị tội lỗi cắn rứt sâu xa. Anh ta đã làm vấy bẩn tay mình bằng máu của một đồng loại. Anh ta đã bắn chết một người. Anh ta bảo chắc mình sẽ chẳng bao giờ được tha thứ. Tôi đã chỉ cho anh ta lời cầu nguyện của Đa-vít trong Thi Tv 51:14 và cho anh ta thấy rằng Đa-vít đã được giải cứu khỏi tội làm đổ máu, nên cũng có sự tha tội cho anh ta nữa.

NHỮNG THI THIÊN CẦU HOẠ

Một phản bác thường được đưa ra chống lại Thánh Kinh là một số câu nói trong điều gọi là “Các Thi thiên cầu hoạ”, hay những Thi thiên dường như chứa đầy những lời nguyền rủa và cầu xin giáng hoạ cho người khác. Nhiều câu như thế đã gây lúng túng cho các Cơ-đốc nhân nhiệt thành từng nghiên cứu cẩn thận lời truyền dạy của Tân ước kinh liên quan đến việc tha thứ cho kẻ thù.

Có ba khúc sách trong Thi thiên đã đặc biệt được một tác giả mới đây trích dẫn nhằm chứng minh rằng Thánh Kinh không phải là Lời của Đức Chúa Trời. Khúc sach thứ nhất là Thi Tv 58:6 “Hỡi Đức Chúa Trời xin hãy bẻ răng trong miệng chúng nó”. Tác giả ấy nói rằng câu này cho thấy quá nhiều ý tưởng báo thù khiến nó không thể được viết ra do sự cảm thúc của Đức Thánh Linh (linh cảm).

Khúc sách thứ hai bị phản bác là Thi Thien 109:10 “Nguyện con cái nó hoang đàng và ăn mày, phải đi xin ăn xa khỏi nhà hoang của chúng nó”. Khúc sách thứ ba là Thi Thien 137:8-9 “Ớ con gái Ba-by-lôn, là kẻ phải bị diệt, phước cho người báo trả ngươi. Tuỳ theo điều ác ngươi đã làm cho chúng ta! Phước cho người bắt con nhỏ ngươi, đem chà nát chúng nó nơi hòn đá!

MỘT PHẦN KÝ THUẬT ĐIỀU ĐÃ ĐƯỢC NÓI RA

Điều đầu tiên chúng ta cần nói là những gì chúng tôi đã nói rồi ở chương thứ hai, tức là, thường thường thì Đức Chúa Trời chỉ đơn giản ghi lại những gì nhiều người khác đã nói – cả kẻ xấu, người tốt, các nhân vật được linh cảm lẫn những người nói đúng hoặc nói sai. Mặt khác, trong sách Thi thiên, nhiều khi chúng ta có những câu của Đức Chúa Trời phán với loài người, và những câu ấy thì bao giờ cũng đúng.
Cả ba khúc sách tôi vừa tríchd ẫn trên đây đều là những câu mà loài người nói với Đức Chúa Trời. Đó là những lời được linh cảm, được ghi lại khi người ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Đối với Đức Chúa Trời thì chúng nói lên nỗi dằn vặt trong lòng họ, và họ cầu xin với Đức Chúa Trời hãy báo thù các kẻ thù của họ. Cả khi được phê phán theo các chuẩn mực của Cơ-đốc giáo thì thà làm như thế còn hơn là tự tay mình thực hiện việc báo thù.

NHƯỢNG QUYỀN BÁO THÙ CHO ĐỨC CHÚA TRỜI

Lẽ dĩ nhiên, đây đúng là những gì Tân ước kinh truyền dạy chúng ta phải làm liên quan đến những kẻ đối xử sai trái với chúng ta. Quyền báo thù thuộc về Đức Chúa Trời, và chính Ngài sẽ báo ứng (Roma 12:19), và thay vì dành cái quyền để tự tay mình báo thù, chúng ta phải gieo nó vào tay Đức Chúa Trời. Chắc chắn là chẳng có gì sai quấy cả trong việc cầu xin Đức Chúa Trời bẻ răng của những kẻ ác vốn vẫn dùng răng của chúng để cắn xé người ngay lành, chính trực.

Lời cầu nguyện thứ nhất được trích từ một Thi thiên mà chúng ta có đầy đủ lý do để cho rằng nó là của Đa-vít, như khúc sách thứ hai cũng đã được trích dẫn. Tuy nhiên, mọi người đều biết rõ rằng khi cá nhân Đa-vít đối xử với các kẻ thù của vua, thì ông đã tỏ ra là người nhân ái hơn hết, vì khi ông có được trong tay kẻ thù cay đắng và nguy hiểm nhất, luôn luôn muốn tìm cách giết ông, thì chẳng những Đa-vít đã không giết đi, mà còn từ chối không chịu để cho một người khác giết kẻ ấy nữa (ISa1Sm 26:5-9). Và thậm chí khi ông chỉ làm cái công việc nhỏ nhặt nhất đối với Sau-lơ là cắt vạt áo của vua ấy, thì lòng ông cũng đã tự trách ông (24:5), cả khi ông làm cái công việc sỉ nhục nhỏ nhặt đó với kẻ thù từng ghét cay ghét đắng và đã thề là “không đội trời chung” với ông.

Sẽ càng hay hơn cho chúng ta biết bao, khi thay vì tự mình báo thù, chúng ta lại trao sự cay đắng của lòng mình cho Đức Chúa Trời, để rồi sẽ đối xử với các kẻ thù mình bằng thái độ nhân ái thật sự, như Đa-vít vậy. Tuy thế, Đa-vít cũng từng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va trong Thi Thien 109:10 “Nguyện con cái nó hoang đàng và ăn mày, phải đi xin ăn xa khỏi nhà hoang của chúng nó” và sau đó, khi đã chiếm được địa vị quyền thế rồi, ông lại còn hỏi: “Có người nào của nhà Sau-lơ còn sống chăng? Ta muốn vì cớ Giô-na-than mà làm ơn cho người” (IISam 9:1). Nhà vua tìm được một cháu nội của Sau-lơ và cho người ấy được ăn chung bàn cùng với chính các hoàng tử của vua (9:2,11).

MỘT LỜI TIÊN TRI CHỨ KHÔNG PHẢI MỘT LỜI CẦU NGUYỆN

“Ớ con gái Ba-by-lôn, là kẻ phải bị diệt, phước cho người báot rả ngươi. Tuỳ theo điều ác ngươi đã làm cho chúng ta! Phước cho người bắt con nhỏ ngươi, đem chà nát chúng nó nơi hòn đá!” (Thi Thien 137:8-9)

Câu nói trong 137:8-9 nghe có vẻ rất tàn ác, nhưng là một lời tiên tri chứ không phải là một lời cầu nguyện. Đó là bản án đáng sợ sẽ giáng trên Ba-by-lôn vì cách thức Ba-by-lôn đã đối xử với dân sự của Đức Chúa Trời, Ba-by-lôn phải gặt những gì nó đã gieo (xem Galati 6:7). Kẻ khác sẽ đối xử với họ theo như cách họ đã đối xử với dân sự của Đức Chúa Trời. Đây là một lời tiên tri theo nghĩa đen về những gì đã thật sai xảy đến cho Ba-by-lôn sau đó. Trong Esai 13:15-18 chúng ta thấy có một lời tiên tri tương tự, nhưng còn đáng sợ hơn nhiều, về tai hoạ chẳng bao lâu sẽ giáng trên ba-by-lôn.

Cho nên khi nghiên cứu các Thi thiên Cầu hoạ này dưới làn ánh sáng mà nhiều khúc Kinh điển khác soi rõi trên chúng, mọi khó khăn được gán cho chúng đều tan biến, và chúng ta thấy rằng đã chẳng có gì ở đây là không hoàn toàn hài hoà với cái ý nghĩa rằng toàn bộ Thánh Kinh đều là Lời Đức Chúa Trời. Lẽ dĩ nhiên, trong một số trường hợp, chính câu nói ra được ghi lại đó vốn đã là không đúng rồi, còn việc ghi lại câu nói ấy là đúng và chính xác Lời Chúa chép rằng một người nào đó đã nói như thế, tuy điều đã được ghi lại về những gì người ấy đã nói có thể không phải là Lời Đức Chúa Trời.

ĐỨC CHÚA TRỜI CHÂN LÝ VÀ TÌNH YÊU CÓ SAI CÁC THẦN NÓI DỐI VÀ TÀ THẦN ĐẾN VỚI CHÚNG TA KHÔNG?

Một trong những khúc sách gây bối rối nhất cho chúng ta trong Thánh Kinh là ở IVua 22:1-53 và trong II Suky 18:1-34. Trong hai khúc sách này, nhà tiên tri Mi-chê đã được thuật lại là có nói rằng: “Vậy, hãy nghe lời của Đức Giê-hô-va” (IVua 22:19). Trong cùng câu ấy, ông tiếp tục kể lại thế nào ông đã “thấy Đức Giê-hô-va ngự trên ngôi Ngài và cả cơ binh trên trời đứng chầu Ngài bên hữu và bên tả”.

Trong khúc sách này, Đức Giê-hô-va đã được tả vẽ là đang yêu cầu cả đạo quân đang tập họp ấy hãy thuyết phục A-háp đi lên Ra-mốt trong Ga-la-át. Rồi một thần nói dối đã được mô tả là đang tiến đến trước mặt Đức Giê-hô-va và nói: “Tôi sẽ đi và làm một thần nói dối trong miệng những tiên tri của Ngài” (IVua 1V 22:22). Đức Giê-hô-va được cho là đã nói với thần nói dối ấy rằng: “Phải, ngươi sẽ dụ người được. Hãy đi, và làm như ngươi đã nói” (c.22)

Thoạt nhìn thì dường như Đức Chúa Trời đã phê chuẩn vào dự phần vào việc nói dối và lường gạt. Ta phải giải thích như thế nào? Nó đã được đưa ra rõ ràng trong văn cảnh. Mi-chê nhân danh Đức Thánh Linh để nói ra đang tìm cách thuyết phục A-háp và Giô-sa-phát đừng lên Ra-mốt trong Ga-la-át. Tất cả các tiên tri giả đã bảo với hai vua ấy rằng họ phải ra đi và sẽ chiến thắng. Còn Mi-chê, sứ giả của Đức Giê-hô-va lại nói với họ ngược lại, rằng nếu họ đi lên thì sẽ bị bại trận, và A-háp chắc chắn sẽ bị tử trận, ông bảo với họ rằng vị “thần” và các tiên tri giả, đã nhân danh để nói ra, là một vị thần nói dối. Ông đã kể lại mọi sự bằng một phương pháp như khắc như hoạ đến cao độ.
Tuy bức tranh ấy là vô cùng sinh động, nó không truyền dạy điều sai lầm mà là sự thật, và truyền dạy bằng một phương pháp hầu như là có tính cách bắt buộc, nghĩa là đã có một vị thần nói dối trên miệng các tiên tri giả. Nếu chúng ta đọc cả phần thuật sự từ đầu chí cuối, thì rõ ràng là Đức Giê-hô-va đã không thật sự dựphần vào việc dối gạt kia. Đã không có dự phần vào vụ lường gạt ấy, Ngài còn sai chính nhà tiên tri của Ngài đến cảnh cáo họ rằng vị thần mà các tiên tri giả đã nghe theo để nói, là một vị thần nói dối, và đã nói với họ các sự kiện chính xác của trường hợp này về kết quả của trận đánh sẽ như thế nào. Nếu họ bằng lòng chọn việc nghe lời của Đức Chúa Trời và nhà tiên tri của Ngài, họ đã được cứu khỏi tai hoạ ấy; nhưng nếu họ không chịu nghe Đức Chúa Trời và nhà tiên tri của Ngài, thì Đức Chúa Trời sẽ phó mặc “cho chúng mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin đều dối trá” (IITesalonica 2:11). Nhưng Ngài đã không làm như thế mà không có cảnh cáo họ rất nhiều lần.

Đây là phương pháp phổ biến của Đức Chúa Trời, chẳng những chỉ được truyền dạy trong Kinh Thánh, mà cả trong kinh nghiệm nữa, ấy là Ngài cho phép mỗi người tự chọn lấy, hoặc là nghe lời Ngài để biết chân lý (sự thật), hoặc là làm mặt ngơ tai điếc đối với Ngài để bị phó mặc cho ảo tưởng sai lầm. Nếu họ “không chịu nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi” (IITesalonica 2:10) thì Đức Chúa trời sẽ phó mặc họ “mắc phải sự lầm lạc là khiến chúng nó tin điều dối giả” (c.11). Nếu loài người muốn lời nói dối, thì Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng đầy dẫy họ.

Trong những khúc Thánh Kinh khác dường như có dạy rằng Đức Chúa Trời saic ác tà thần đến với người ta, thì vấn đề được đặt ra là: “Làm thế nào để chúng ta có thể tin rằng Đức Chúa Trời là toàn thiện, là Đức Chúa Trời của tình yêu, nhưng lại sai các tà thần đến với loài người?” Xin chúng ta chuyển sang một khúc sách đã dạy điều đó, để sẽ cho ngay một câu trả lời cho chỗ khó khăn này. Chúng ta đọc thấy trong ISamuen 16:14 “Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ; Đức Giê-hô-va bèn khiến một ác thần khuyấ khuất người” “một thà thần” có nghĩa gì? Văn cảnh cho thấy rõ ràng rằng đó là một vị thần khuyất khuất, bồn chồn bất an, và trầm uất. Tình hình lúc ấy như sau: Sau-lơ đã bị tố giác là bất trung với Đức Chúa Trời, vua ấy đã cố ý bất tuân lệnh của Đức Chúa Trời (15:4-35 và nhất là c.22-23;); và hậu quả là Đức Chúa Trời đã rút Thần Linh Ngài khỏi nhà vua, và một vị thần bất mãn, bất an đã “nhập” vào nhà vua.

Đây không phải là một hành động xấu từ phía Đức Chúa Trời. Ngài chẳng bao giờ có hể làm điều gì không tử tế cả. Có một điều mà lòng nhân từ thương xót của Cha chúng ta ở trên trời vẫn ban cho chúng ta khi chúng ta không vâng lời và đi lạc xa khỏi Ngài, ấy là Ngài sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy không vui và bất mãn đối với tội lỗi mình. Nếu Đức Chúa Trời cứ bỏ mặc cho chúng ta tiếp tục vui vẻ trong tội lỗi, thì đó mới chính là điều không tử tế nhất mà Ngài có thể làm. Nhưng do lòng nhân từ thương xót lớn lao của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ giành lại tất cả các tội nhân, khiến họ quay trở lại với Ngài, nếu có thể được; và nếu chúng ta phạm tội, thì vì điều lợi ích lớn lao nhất cho chúng ta, Đức Chúa Trời sẽ đưa chúng ta đến chỗ mất tinh thần, bất an nghiêm trọng nhất trong tội lỗi mình. Nếu chúng ta biết lợi dụng phải lẽ vị thần bất an và mất tinh thần mà Đức Chúa Trời đã sai đến với chúng ta đó, thì vị ấy sẽ đưa chúng ta trở lại với Đức Chúa Trời và với niềm vui của Đức Thánh Linh.

Sau-lơ đã sử dụng sai lầm vị thần ấy. Thay vì để cho tấm lòng bất an của mình đưa mình trở lại với Đức Chúa Trời, nhà vua đã để cho tấm lòng bất an ấy gây thêm nhiều cay đắng cho tâm hồn mình để chống lại con người đã được Đức Chúa Trời ban đặc ân cho. Việc sai một tà thần đến là một hành động do lòng nhân từ thương xót về phía Đức Chúa Trời. Việc sử dụng sai hành động nhân từ thương xót ấy đã dẫn đến hậu quả là cảnh tàn hại cuối cùng của Sau-lơ.

Ngày nay, có nhiều người từng có lần được biết một điều gì đó về Linh của Đức Chúa Trời và niềm vui của Đức Thánh Linh nhưng lại sa vào tội lỗi; và Đức Chúa Trời với lòng nhân từ thương xót và tình yêu lớn lao của Ngài, hiện đang sai một tà thần đến với người ấy – một tinh thần bất an, bất mãn, không hài lòng sâu xa, hoặc thậm chí là một nỗi đau khổ trừu tượng nữa. Xin chúng ta hãy cảm tạ Ngài vì điều đó. Hãy để cho Ngài tra xét, hãy khiêm hạ trước mặt Ngài để tìm xem mình đã phạm tội với Đức Chúa Trời ở phương diện nào, khiến mình mất đi niềm vui của sự cứu rỗi. Hãy để cho Ngài cắt nó đi, hãy xưng tội ấy ra và trở lại với Đức Chúa Trời để được Ngài làm mới lại niềm vui của sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã từng ban cho bạn (xem Thi Thien 51:12).

Một tà thần gây bồn chồn bất an và bất mãn cũng đã được sai đến với Đa-vít nữa, lúc vua ấy phạm tội; nhưng rồi, sau khi có chống cự chút ít, Đa-vít đã chịu xưng tội với Đức Giê-hô-va, thì Ngài đã xoá nó đi và đưa nhà vua đến một chỗ vui vẻ mừng rỡ trong Ngài, nơi ông có thể chỉ giáo và dạy dỗ nhiều người khác về con đường mà họ phải theo (Thi Thien 32:4-8; 51:9-13).