Tác giả: Không rõ (ông E-xơ-ra).
Thời kỳ hình thành sách: Ngay sau thời kỳ lưu đày
Mục đích: Nhằm khơi dậy niềm hy vọng nơi những người trở về chốn lưu đày khi biết rằng Đức Chúa Trời không từ bỏ họ.

Tản mạn

Vị Mục sư ngẫm nghĩ và thầm tự hào. Ông cảm thấy dường như ông vừa giảng xong một bài hay nhất trong cuộc đời mình. Ông hồi tưởng hình ảnh ông đứng trước hội chúng đông đảo, múa may hai tay thật mạnh mẽ để nhấn mạnh các luận điểm. Ông cảm thấy rất thỏa lòng khi giảng xong. Ngồi trên xe, ông cầu nguyện trước khi lái xe về nhà. Ông cúi đầu xuống và sững sờ trong giây lát khi thấy rằng ông đã đứng giảng với cái quần chưa cài dây kéo! Đức Chúa Trời biết cách giữ tôi tớ Ngài trong tinh thần khiêm nhu. Sách II Sử Ký dạy chúng ta cách sống gần gũi với Đức Chúa Trời từ đầu đến cuối. Sách nghiên cứu về cuộc đời của những người thành công và thất bại trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Tác giả cho chúng ta thấy nếp sống của họ và giúp chúng ta học tập cách sống thành công, chớ không phải thất bại, trước mặt Đức Chúa Trời.

Thâm nhập

Về mặt nội dung, hai sách Sử Ký ghi lại những biến cố tương tự như hai sách Các Vua. Nhưng hai sách này tập trung vào vương quyền của Đức Chúa Trời, còn hai sách Sử Ký tập trung vào nhà của Đức Chúa Trời. Trong lịch sử, tác giả dùng hình ảnh dân Y-xơ-ra-ên và Đền Thờ để chỉ về nhà của Đức Chúa Trời, còn trong sách 2Sử Ký tác giả nói về nhà của Đức Chúa Trời qua hình ảnh Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem.

I. Xây dựng Đền Thờ (1-9)

Phần thứ nhất không đặt nặng việc trị vì của vua Sa-lô-môn mà tập trung viết về vua Sa-lô-môn xây dựng Đền Thờ. Ngoài ra việc vua cung hiến Đền Thờ sau khi xây dựng xong là sự kiện có ý nghĩa nhất trong phần một này. Sau khi dời hòm giao ước và các khí dụng thánh ra khỏi đền tạm và chuyển vào Đền Thờ mới (Chương 5), vua Sa-lô-môn cầu nguyện với Đức Chúa Trời rồi chúc phước cho dân chúng (Chương 6). Ngay lúc ấy, vinh quang của Đức Chúa Trời giáng xuống đầy dẫy Đền Thờ và Ngài lập lại giao ước Đa-vít với vua (Chương 7). Trong một phương diện, lời Đức Chúa Trời hứa với vua Đa-vít là lời hứa vô điều kiện: Nhà Đa-vít sẽ không bao giờ tuyệt tự, tức dòng dõi Đa-vít luôn có để cai trị dân I-xơ-ra-ên và dòng dõi vua không bao giờ bị tiêu diệt. Nhưng theo một phương diện khác, giao ước này có điều kiện: Nếu con trai của vua vâng lời Đức Chúa Trời cùng trung thành với Ngài thì con trai ấy sẽ ngồi trên ngai I-xơ-ra-ên. Còn ngược lại, nếu con cái vua không vâng phục và bất trung với Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ truất phế họ (7:17-18). Khi dân sự bất tuân, Đức Chúa Trời cho hạn hán xảy ra trên xứ để cảnh báo họ (7:13). Câu Kinh Thánh chính của sách này gói ghém một giải pháp: “…và nhược bằng dân sự Ta, là dân gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta và trở lại, bỏ con đường tà, thì Ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó và cứu xứ họ khỏi tai vạ” (so sánh 34:27).

II. Làm ô uế Đền Thờ (10-27)

Phần thứ hai nêu ra một số trường hợp cụ thể về những con người không tự hạ mình trong lịch sử của dân Giu-đa. Hạn hán và chiến tranh xảy ra trong xứ vì cớ tội lỗi của họ. Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem cũng được dùng như một nhiệt kế đo nhiệt độ thuộc linh của dân Giu-đa. Vua Sa-lô-môn xây dựng Đền Thờ này khi vua tin cậy rằng Đức Chúa Trời là Đấng cho đất nước được thái bình (IISu 22:9-10,17-19). Trái lại ông Ba-ê-sa, vua của vương quốc I-xơ-ra-ên ở miền Bắc, phải ngưng ngay công tác xây đồn luỹ ở Ra-ma khi vua bị quân thù tấn công (IISu 2Sb 16:5). Một số vị vua gian ác lấy đi vàng bạc trong Đền Thờ và bỏ mặc Đền Thờ trong tình trạng hư nát (12:916:2-3). Một vị vua nhân đức lo sửa chữa Đền Thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời (15:1824:14). Trong ISử Ký lòng trung thành của các vua đối với Đức Chúa Trời được thử nghiệm qua công tác xây dựng nhà của Đức Chúa Trời. Còn trong 2Sử Ký, tấm lòng của họ đối với Đức Chúa Trời được thử nghiệm qua việc tu bổ nhà của Ngài. Khi một vị vua gian ác làm điều xấu xa tội lỗi, toàn dân phải chịu khốn khổ dưới sự hình phạt của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời luôn sẵn lòng phục hồi họ với điều kiện họ phải hạ mình xuống trước mặt Ngài. Vua Rô-bô-am con trai của vua Sa-lô-môn, người gây ra cảnh đất nước chia đôi là một trường hợp điển hình về điều này. Dù là một vị vua gian ác, nhưng rốt cuộc Đức Chúa Trời ban phước cho vua vì vua hạ mình xuống trước mặt Ngài (12:12).

III. Phá hủy Đền Thờ (28-36)

Điểm khác biệt rõ rệt giữa I Sử Ký và hai sách Các Vua là: hai sách Các Vua mô tả các vua theo một hướng nhất định: hoặc hoàn toàn tốt, hoặc hoàn toàn xấu. Còn IISử Ký nêu ra các chi tiết bày tỏ những biến đổi trong lòng họ. Dĩ nhiên, điều quan trọng là Đức Chúa Trời luôn phục hồi họ nếu họ ăn năn, hạ mình xuống trước mặt Ngài. Có những vị vua gian ác, xấu xa nhưng biết hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời và được phục hồi. Đó là Rô-bô-am (12:6-7,12), một số người trong chi phái A-se (30:11) và Ma-na-se, vị vua gian ác nhất trong lịch sử dân Giu-đa (33:12,19). Trái lại, có những vị vua lúc đầu nhân đức sau trở thành xấu xa chẳng hạn như vua Giô-ách (24:22), vua A-ma-xia (25:19,27), vua Ô-xia (26:16) và vua Ê-xê-chia (32:25-26). Nan đề chính của họ là gì? Kiêu ngạo. Và Đức Chúa Trời bảo họ làm gì? Hạ mình xuống trước mặt Ngài (7:14). Tác giả đặc biệt viết về những vị vua tiêu biểu: Giô-tham, một vị vua nhân đức hiếm có. Vua trở nên cường thịnh vì sống chính trực trước mặt Đức Chúa Trời (27:6). Đối lập với vua Giô-tham là Xê-đê-kia, một vị vua gian ác. Ngay cả khi Đức Chúa Trời sửa phạt vua, vua vẫn không chịu hạ mình xuống trước mặt Ngài (36:12). Những người không chịu ăn năn đều bị Đức Chúa Trời hạ nhục trước mặt người ta (28:19). Trong phần cuối lịch sử của dân Giu-đa, Đức Chúa Trời nhận định rằng tình trạng tội lỗi của họ trở nên tồi tệ “chẳng còn phương chữa được” (36:16). Cuối cùng, Đức Chúa Trời thi hành phán quyết của Ngài và đưa họ vào chốn lưu đày. Tuy nhiên sách không kết thúc trong tuyệt vọng mà là hy vọng. Si-ru, hoàng đế xứ Ba Tư , ban sắc lệnh cho dân Giu-đa trở về Giê-ru-sa-lem và xây dựng lại Đền Thờ (36:22-23). Đức Chúa Trời sửa phạt chớ không từ bỏ tuyển dân của Ngài. Ông Winston Churchill nói rằng: “Thành công không phải là chung cuộc; thất bại không phải là đòn chí mạng. Chỉ can đảm là điều đáng kể” (“Success is never final; Failure is never fatal; It is courage that counts”). Sứ điệp trong 2Sử Ký cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, điều đáng kể trong 2Sử Ký không phải là can đảm mà là lòng khiêm nhu.

Trọng tâm

Thành công không phải là chung cuộc; thất bại không phải là đòn chí mạng; tự hạ mình mới là đáng kể.

Thực hành

Thành công và thất bại là hai điều khó xử lý nhất trong cuộc sống. Thành công khiến chúng ta kiêu ngạo. Còn thất bại khiến chúng ta nản lòng và bỏ cuộc. Để tránh tình trạng này, chúng ta cần học tập khiêm nhu. Khi thành công, cần hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời và tự nhủ chúng ta chỉ thành công nhờ ơn phước Chúa ban cho mà thôi. Khi thất bại, cần nhận biết Đức Chúa Trời cho phép thất bại xảy đến trong đời sống chúng ta nhằm hạ chúng ta xuống để sau đó Ngài có thể phục hồi chúng ta. Có thể Đức Chúa Trời phải hình phạt chúng ta khi chúng ta phạm tội. Nhưng một khi chúng ta còn sống, Ngài sẽ ban cho chúng ta cơ hội để được phục hồi. Chúng ta cần nhận biết rằng có những sự việc lẫn con người mà Đức Chúa Trời đưa đến trong đời sống chúng ta để giữ chúng ta khiêm nhường. Đôi khi Ngài đưa đến một vấn đề rắc rối, đôi lúc Ngài đưa đến một người. Cũng có khi Ngài đưa đến một điều bất lợi hoặc bệnh tật. Đối với chúng ta có lẽ những lời phê bình gay gắt và những con người khắt khe là khó chấp nhận nhất. Có khi chúng ta cho rằng họ là ‘sứ giả của Sa-tan’ được sai đến để ‘cho một cái giằm xóc vào thịt chúng ta’ (IICor 12:7). Nhưng Đức Chúa Trời có thể sử dụng ngay cả ‘sứ giả của Sa-tan’ để giữ chúng ta khiêm tốn. Có những lúc chúng ta cần cẩn thận lắng nghe những điều mà ‘kẻ thù’ thuộc loại này nói về chúng ta hơn là lắng nghe bạn bè. Bạn bè của chúng ta thường khen ngợi chúng ta, rồi chúng ta tin lời họ và nghĩ rằng chúng ta thật tuyệt vời. Rắc rối một điều là thông thường những lời giáo huấn giữ chúng ta tinh thần khiêm tốn lại phát xuất từ môi miệng của ‘kẻ thù’ chúng ta, là những người không khi nào ủng hộ chúng ta cả. Đây là nhưng ‘tấm kính chiếu hậu’ của Đức Chúa Trời trong cuộc sống chúng ta để giúp chúng ta loại bỏ những ‘điểm mù’ của mình. Kẻ thù tồi tệ nhất của bạn có thể hoá thành tiên tri của Đức Chúa Trời.

E-XƠ-RA

Tác giả: Không rõ (E-xơ-ra?)

Thời kỳ hình thành sách: sau thời kỳ lưu đày

Mục đích: Nhằm khích lệ người Do thái trở về lập quốc

Đối tượng: Những người muốn biết phương cách nhận lại ân huệ của Đức Chúa Trời.

Tản mạn

Một ông kia phạm tội tà dâm, li dị vợ, bỏ gia đình và hội thánh. Giờ đây, ông quay về nói rằng ông thật lòng ăn năn và muốn trở về với hội thánh. Ông công nhận rằng ngoại tình là tội lỗi và công nhận ông hoàn toàn sai khi li dị vợ cũ cùng bỏ rơi gia đình cũ. Nhưng bà vợ thứ hai đang mang thai nên ông không thể bỏ bà ấy. Dầu vậy ông và bà ấy muốn trở thành thành viên của hội thánh bạn Giả sử bạn đang lãnh đạo một hội thánh. Bạn nghi rằng người đàn ông này không thật lòng ăn năn. Bạn phải làm gì? Ông đã xưng nhận tội lỗi rồi. Nhưng nếu bạn chấp nhận cho ông ta gia nhập vào hội thánh thì có công bằng đối với người vợ trước của ông không? Chúng ta có thể tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi khó này trong sách E-xơ-ra. Câu giải đáp này phát xuất từ số vốn hiểu biết đúng mức về lòng ăn năn.

Thâm nhập

Tương tự sách Sử Ký, sách E-xơ-ra được viết cho thành phần những người vừa trải qua sự sửa phạt của Đức Chúa Trời và cần nối lại mối tương giao với Ngài. Sách 2Sử Ký dạy rằng họ phải tự hạ mình xuống. Còn sách E-xơ-ra dạy họ phải ăn năn. Thế nào là ăn năn thật? Dường như các tín hữu thời nay cảm thấy bối rối về vấn đề này. Vì vậy sách E-xơ-ra giúp chúng ta hiểu rõ sự ăn năn theo quan điểm của Đức Chúa Trời. I. Dân sự tái thiết Đền Thờ (1-6) Phần thứ nhất chép về đợt hồi hương đầu tiên của dân sự từ chốn lưu đày. (Có tất cả ba đợt hồi hương). Phần này tập trung kêu gọi dân sự Đức Chúa Trời tham gia tái thiết Đền Thờ. Tác giả ghi lại những khó khăn mà dân sự phải đối diện và những kỳ công của các đầy tớ trung thành của Đức Chúa Trời. Nhưng sang phần hai, ông E-xơ-ra lãnh đạo công tác phục hồi dân của Đức Chúa Trời. Trong lúc dân sự tái thiết Đền Thờ, có một nhóm người đến xin được ‘đồng công cộng tác’ với họ. Nhưng ông Xô-rô-ba-bên và các trưởng tộc của dân I-xơ-ra-ên từ khước. Vì thế, nhóm người này tìm mọi cách ngăn cản công việc của Đức Chúa Trời (Chương 4). Những người không thật lòng ăn năn cũng giống như vậy. Họ quan tâm đến công việc của bản thân họ hơn là công việc của Đức Chúa Trời. Nếu họ không thể thành công, họ cũng không muốn người khác thành công. Họ thích là cho mọi người đau khổ thay vì học tập mang lấy gánh nặng cho người khác. Tuy vậy nhờ tiên tri A-ghê và tiên tri Xa-cha-ri khuyến giục dân sự nên rốt cuộc dân sự hoàn tất công tác tái thiết Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem. II. Dân sự trở về với Đền Thờ (7-10) Giữa chương 6 và chương 7 của sách E-xơ-ra có một thời gian khoảng chừng sáu mươi năm. Phần thứ hai ghi lại đợt hồi hương thứ hai do chính ông E-xơ-ra cầm đầu. Ông E-xơ-ra là thầy tế lễ và chức vụ của ông chủ yếu tập trung vào việc lập lại mối tương giao giữa dân sự với Đức Chúa Trời. Tiến trình phục hồi này chưa xong trong khi công tác tái thiết Đền Thờ đã kết thúc. Tám mươi năm sau đợt hồi hương thứ nhất trong xứ vẫn còn nhiều tội lỗi. Nhiều độc giả còn xa lạ với Kinh Thánh Cựu Ước có thể nghĩ rằng trong thời lưu đày có lẽ dân Do Thái học xong các bài học về tội lỗi. Nhưng thực tế không phải là như vậy. Trong thời kỳ lưu đày, dân sự nhận được vài bài học thuộc linh. Nhưng họ vẫn phải chiến đấu với nhiều tội lỗi tương tự như những tội lỗi mà cha ông họ đã phạm trong thời trước. Trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời, ông E-xơ-ra thưa rằng Đức Chúa Trời đã ban cho dân Do Thái “một phần dư lại” nguyên văn là một “cây cọc của trại” trong Nơi Thánh Ngài (9:8). Đức Chúa Trời không ban cho họ toàn bộ cái trại mà chỉ một cây cọc của cái trại thôi. Dân sự mới bước vào giai đoạn đầu của sự phục hồi. Còn xa lắm mới đến giai đoạn kết thúc. Cây cọc của cái trại chỉ là một điểm tựa để tiến đến sự phục hồi. Ăn năn là một tiến trình chớ không phải chỉ một lần quyết tâm là đủ. Ăn năn bao gồm quyết tâm lẫn tiến trình phục hồi. Quyết tâm chỉ là điểm tựa để tiến đến sự phục hồi. Nhưng nhiều người lại biến ăn năn thành một chiếc ghế bành. Cần dựng lại toàn bộ cái trại bắt đầu từng phần một. Ngay cả sau khi ăn năn, phần lớn đời sống chúng ta vẫn còn trong tình trạng bất ổn. Tình trạng này là kết quả của những năm tháng phạm tội và thờ ơ đối với Chúa. Chúng ta đừng ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần một quyết định là toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại bình thường. Khi chúng ta xưng nhận tội lỗi mình thì Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta nhờ Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, hậu quả của các tội lỗi mà chúng ta đã phạm trong quá khứ vẫn còn đó. Vì vậy chúng ta cần khép mình vào một chương trình học tập cầu nguyện và học Kinh Thánh để học lại những phương cách mới giúp chúng ta chống lại tội lỗi và sự cám dỗ.

Trọng tâm

An năn bao gồm cả quyết tâm lẫn tiến trình phục hồi.

Thực hành

Bạn có cho con người ‘ăn năn hối cải’ gia nhập hội thánh của bạn không? Tôi sẽ chấp nhận nếu nơi ông ấy có những dấu hiệu bày tỏ lòng khiêm nhu. Một trong những dấu hiệu ấy là ông ta chấp nhận một thời gian thử nghiệm. Trong suốt thời gian này ông tham gia (chứ không phải chỉ tham dự) vào chương trình học tập làm môn đệ của Chúa. Chương trình này hoàn toàn không nhằm phạt ông ta, nhưng nhằm xác định rằng ông không đối xử với người vợ sau như đã đối xử với người vợ trước. Ông cần tìm hiểu nguyên nhân đã khiến ông phạm tội tà dâm khi trước và học tập phương cách giúp ông chiến thắng sự cám dỗ trong tương lai. Nếu ông ta không thường xuyên hoặc không nhiệt tình tham gia chương trình này, hoặc ông không làm trọn nhiệm vụ của mình thì người lãnh đạo hội thánh có quyền dứt phép thông công ông. Ngược lại, nếu trong thời gian ông ta tham gia chương này, nếu lãnh đạo hội thánh nhận thấy ông thật lòng ăn năn thì nên tiếp nhận ông làm thuộc viên của hội thánh đồng thời cho phép ông dự tiệc thánh. Ông ta có thể phản ứng theo một trong ba cách. Thứ nhất, ông rút lại ý định của mình đối với hội thánh, thậm chí có thể ông nổi giận với hội thánh. Nếu ông hành động như thế, chắc chắn là ông chưa thật lòng ăn năn. Nếu khi đó hội thánh bạn loại bỏ ông thì không ai có thể lên án hội thánh bạn đã làm điều sai vì đó là quyết định của ông ta. Thứ hai, có thể ông ta chấp thuận tham gia chương trình môn đệ hóa, nhưng không có quyết tâm theo trọn chương trình này. Rồi ông lại phạm tội một lần nữa. Như vậy ông chưa ăn năn thật. Ông chỉ muốn hưởng những quyền lợi của một thuộc viên trong hội thánh nhưng ông không có mối thông công đúng đắn với Đức Chúa Trời. Thứ ba, ông theo trọn chương trình và thật sự trở về với Đức Chúa Trời và hội thánh. Rồi đây hội thánh bạn sẽ nhận được phần thưởng ân điển Đức Chúa Trời.

E-XƠ-RA

Ý chính: ĐỀN THỜ (và) DÂN SỰ

Chủ đề chính: Nhà Đức Chúa Trời

Cụm từ chính: ‘Đền (đền thờ, nhà) của Đức Chúa Trời’ (33 lần)

Câu chính: “Song bây giờ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng tôi tạm làm ơn cho chúng tôi, để một phần dư lại của chúng tôi thoát khỏi, và ban cho chúng tôi một cái đinh ở trong chỗ thánh nầy; hầu cho Đức Chúa Trời chúng tôi soi sáng con mắt chúng tôi và khiến cho chúng tôi ở giữa sự nô lệ mình được dấy lên một chút.” (Exora 9:8)

Bài học chính: Sự ăn năn bao gồm cả quyết tâm lẫn tiến trình phục hồi.

NÊ-HÊ-MI

Tác giả: Không rõ (ông E-xơ-ra và ông Nê-hê-mi?)

Thời kỳ hình thành sách: Sau thời kỳ lưu đày

Mục đích: Nhằm nhắc Đức Chúa Trời nhớ đến những việc làm của người trung thành với Ngài Đối tượng: Những người làm công việc Chúa, đang gặp chống nghịch và thu gặt được ít kết quả.

Tản mạn

Vào mùa hè năm 1990, bức tường Berlin cuối cùng đã bị phá đổ. Sự kiện này đem lại một niềm vui lớn cho cả Đông Đức lẫn Tây Đức. Thế thì vì sao chúng ta lại nghiên cứu sách Nê-hê-mi – một quyển sách chép về việc xây dựng tường thành? Chẳng phải chúng ta nên cổ vũ cho việc phá đổ những bức tường ngăn cách?