GALATI
Tác giả: Ông Phao-lô.
Thời kỳ hình thành sách: Khoảng năm 48 SC, khi các tín hữu trong thời ông Phao-lô chưa có Kinh Thánh Tân Ước.

Mục đích: Nhằm cảnh báo Cơ Đốc nhân không nên làm theo luật pháp thời Cựu Ước để có thể tăng trưởng về phần thuộc linh.

Đối tượng: Những người lỡ vướng vào một hệ thống tôn giáo duy luật pháp nhưng không dám từ bỏ vì sợ các lãnh đạo của họ bức hại.

Tản mạn

Ngày 31 tháng 10 năm 1517, vào ngày lễ hội Halloween, trong một thị trấn nhỏ bé, tầm thường ở nước Đức, một vị tu sĩ 34 tuổi, ít tiếng tăm thuộc dòng Thánh Augustine, niêm yết một bản chuyên luận thần học nơi cánh cửa ra vào của một nhà thờ (cánh cửa đó cũng được dùng làm bảng bá cáo) . Tác giả rất ngạc nhiên khi trong vòng bốn tuần lễ, các bản sao của bản chuyên luận nặng tính chất nghiên cứu khá buồn tẻ đó đã được gởi đi khắp nước Đức và Thụy Sĩ. Bản chuyên luận làm lung lay thần học của Giáo hội Công Giáo La Mã đến tận nền tảng. Vị tu sĩ đó tên là Martin Luther. Sở dĩ ông Martin Luther viết bản chuyên luận ấy là vì cớ lúc bấy giờ một tu sĩ khác tên là ông Tetzel rao giảng và bán bùa xá tội gần thị trấn của ông. Ông Tetzel tuyên bố rằng ai mua bùa xá tội thì có thể lập tức giải phóng linh hồn người thân ra khỏi ngục luyện tội (người Công Giáo tin rằng ngục luyện tội tẩy sạch tội lỗi cho linh hồn người chết rồi họ mới được vào thiên đàng) . Ông Martin Luther nhận xét rằng việc mua bùa xá tội thật ra là phương thức cứu rỗi bởi công đức. Ông tin rằng đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là điều kiện duy nhất để được sự cứu rỗi. Ông Martin Luther tìm đâu ra điểm thần học này? Từ bức thư ông Phao-lô gởi cho tín hữu ở Ga-la-ti. Về sau ông viết rằng: “Thư gởi cho người Ga-la-ti là thư tín gởi cho tôi. Cứ như thể tôi và bức thư này nên duyên phu phụ vậy. Thư Ga-la-ti là Katherine đối với tôi.” (Katherine là tên của vợ ông) . Nhiều Hội Thánh ngày nay lại lo rao giảng sự cứu rỗi nhờ công đức trở lại. Còn một số Hội Thánh khác thì tế nhị hơn. Họ không đặt vấn đề về sự cứu rỗi của bạn nhưng khi bạn không thực hiện những quy định của họ là họ liền cho rằng bạn kém tăng trưởng thuộc linh. Những quy định này thay đổi theo từng Hội Thánh:

“Phải kiêng ăn ít nhất mỗi tuần một lần rồi bạn mới được Đức Chúa Trời chấp nhận”.

“Phải cầu nguyện và dâng tiền cho Hội Thánh để Đức Chúa Trời giảm bớt sự hình phạt về tội lỗi của bạn”.

“Phải dự Tiệc Thánh càng thường xuyên càng tốt để càng nhận được nhiều ân sủng cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã ban cho bạn”.

“Phải chịu báp-tem để được cứu rỗi linh hồn”.

“Phải xưng ra mọi ý nghĩ, lời nói hoặc hành vi tiêu cực và tội lỗi với linh mục để được tha thứ”.

Ông Phao-lô viết thư này cho những Cơ Đốc nhân trong các Hội Thánh có quy định như trên.

 

Thâm nhập

Chủ đề chính của sách này là chủ nghĩa duy luật pháp . Sáu chương của sách này từ “Luật pháp” nhắc đến 29 lần. Bài học chính của sách này là: không một ai được xưng nghĩa bởi luật pháp cả. Ông Phao-lô không muốn độc giả của ông bỏ sót điểm này. Vì thế, nội trong một câu Kinh Thánh thuộc phần thứ nhất, ông nhắc lại từ “Luật pháp” ba lần (Galati 2:16). Sau đó trong phần thứ hai và thứ ba ông nhắc lại từ này nữa (3:115:4). Luật pháp mà ông Phao-lô đề cập ở đây là những quy định về tôn giáo trong năm sách đầu của Cựu Ước (từ Sáng Thế Ký đến Phục Truyền Luật Lệ Ký). Lúc bấy giờ tín hữu ở Ga-la-ti chưa có Kinh Thánh Tân Ước (vì chưa được viết ra), nên họ tưởng là phải sống theo luật pháp của Cựu Ước. Ngày nay nếu Cơ Đốc nhân không đọc Kinh Thánh thì họ cũng tưởng là phải sống theo những quy định của Hội Thánh.

I. Chết đối với luật pháp (1-2)

Mở đầu thư tín ông Phao-lô khuyên tín hữu ở Ga-la-ti đừng từ bỏ Phúc Âm đích thực để tiếp nhận một “Phúc Âm” bịa đặt. “Phúc Âm” bịa đặt mà có nguy cơ họ sẽ tiếp nhận – người ta có thể được cứu bởi việc làm – thực sự chẳng phải là Phúc Âm. Trái lại, Phúc Âm đích thực không phải là “Phúc Âm” do con người đặt ra, mà là sự khải thị từ chính Chúa Cứu Thế Giê-xu. Để chứng minh điểm này, ông Phao-lô kể lại ông nhận sự khải thị này trực tiếp từ Chúa Cứu Thế Giê-xu là thể nào chứ không phải qua trung gian các vị sứ đồ (1:15-24). Về sau, các vị sứ đồ đã xác nhận Phúc Âm cùng chức vụ của ông (2:6-9). Ông Phao-lô muốn tín hữu ở Ga-la-ti nhận biết rằng người đã được cứu bởi Phúc Âm đích thực cũng phải sống theo chân lý Phúc Âm (2:14). Vì Phúc Âm bày tỏ rằng chúng ta được cứu là nhờ ân sủng bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, nên chúng ta cũng phải tiếp tục sống nhờ ân sủng, bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu vậy. Ai được xưng nghĩa bởi đức tin thì cũng phải được thánh hoá bởi đức tin. Vấn đề này nảy sinh vì cớ một nhóm người lãnh đạo công kích ông Phao-lô và Phúc Âm của ông bắt đầu dạy tín hữu ở Ga-la-ti rằng chính họ phải chịu cắt bì, phải trở thành người Do Thái trước khi trở thành Cơ Đốc nhân, và phải sống theo bộ luật pháp của Cựu Ước. Ông Phao-lô gọi nhóm lãnh đạo này là Những Kẻ Chịu Cắt Bì (2:12) (tức là những Cơ Đốc nhân Do Thái theo chủ trương phải chịu cắt bì mới được “cứu rỗi”). Ông Phao-lô muốn tín hữu ở Ga-la-ti giữ mình để không vướng vào những quy định nghiêm ngặt về tôn giáo của nhóm người này. Ngay cả ông Phi-e-rơ, là người Do Thái, cũng rút lui không ăn chung với các tín hữu không phải là người Do Thái vì sợ nhóm người này. Do đó, ông Phao-lô phải khiển trách ngay cả ông Phi-e-rơ. Ông Phao-lô lập luận rằng không một người nào, ngay cả người Do Thái, được cứu nhờ tuân theo luật pháp thời Cựu Ước cả. Vì thế, họ không nên vâng giữ luật pháp để được cứu rỗi. Họ được cứu nhờ tin Chúa Cứu Thế Giê-xu; vì vậy, họ nên sống cho Đức Chúa Trời bởi đức tin. Ông Phao-lô dùng cụm từ “các việc của luật pháp” ba lần (2:16). Sở dĩ ông dùng cụm từ này về thực sự ông không bài bác tự thân luật pháp của Cựu Ước. Nhưng ông công kích việc dùng luật pháp làm phương cách cứu rỗi. Vì thế, vâng giữ luật pháp trở thành các việc làm theo luật pháp để con người tìm kiếm sự cứu rỗi cho riêng mình. Ngày nay chúng ta mệnh danh cho chủ trương này là sự cứu rỗi bởi việc làm. Sự chết của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá khiến cho ngay cả người Do Thái như chính ông cũng phải chết đối với (các việc) luật pháp. Ông dùng cụm từ “chết đối với luật pháp” (2:19) để nhấn mạnh việc ông hoàn toàn phân rẽ khỏi luật pháp. Ông nhấn mạnh rằng ông không bao giờ trở lại dưới luật pháp vì ông chẳng hề được cứu nhờ tuân theo luật pháp.

II. Được cứu chuộc khỏi luật pháp (3-4)

Trong phần thứ nhất, ông Phao-lô viết về người Do Thái như ông Phi-e-rơ và chính ông. Trong phần thứ hai, ông Phao-lô hướng sự chú ý đến tín hữu ở Ga-la-ti, hầu hết là Cơ Đốc nhân người ngoại bang. Trong phần thứ nhất, ông bày tỏ cho họ biết rằng thậm chí người Do Thái cũng phải chết đối với (các việc làm) theo luật pháp. Đến phần thứ hai, ông Phao-lô cho họ biết rằng họ (người ngoại tộc) đã được cứu chuộc khỏi sự rủa sả của luật pháp (3:134:5). Tiểu đề trong phần thứ nhất là Phúc Âm mà ông rao giảng. (Trong phần này, ông dùng từ “Phúc Âm” mười lần). Còn tiểu đề trong phần thứ hai là Lời Hứa của Đức Chúa Trời. (Ông dùng từ “lời hứa” mười một lần trong phần này) . Trong phần thứ nhất, ông so sánh ân sủng của Phúc Âm thật với các việc làm của “Phúc Âm” giả. Trong phần thứ hai, ông so sánh Lời Hứa của Chúa với sự rủa sả của luật pháp. Ông Phao-lô dùng cụm từ “luật pháp” không phải với ý là tự thân luật pháp là sự rủa sả. Nhưng hễ ai nỗ lực làm theo luật pháp để được cứu rỗi thì bị rủa sả. Sở dĩ người đó bị rủa sả là vì phải không chỉ tuân theo một số điều trong luật pháp, nhưng phải vâng giữ mọi điều đã ghi trong luật pháp (3:10 xem thêm Phuc Truyen 27:26 và Galati 5:3). Thỉnh thoảng một số Cơ Đốc nhân trích dẫn sai lời của ông Phao-lô ở đây. Họ dùng cụm từ “những lời rủa sả (số nhiều) của luật pháp”. Họ nói rằng chúng ta có quyền xin phước lành của luật pháp vì Chúa Cứu Thế đã loại bỏ những sự rủa sả của luật pháp (3:13). Nói như vậy là không chính xác cho lắm, ông Phao-lô không đề cập đến những lời rủa sả cụ thể trong luật pháp của Cựu Ước. Nhưng ông đề cập đến sự rủa sả (số ít) đối với việc cố gắng sống theo luật pháp của Cựu Ước. Chúng ta không thể xin những phước lành trong luật pháp của Cựu Ước vì chúng ta không còn sống dưới luật pháp nữa. Mục đích của luật pháp là dẫn chúng ta đến Chúa Cứu Thế và tin Ngài (3:24). Do đó, nếu chúng ta đặt mình dưới luật pháp một lần nữa thì chẳng có ý nghĩa gì cả dù cho chúng ta làm việc ấy chỉ nhằm xin những phước lành của luật pháp. Lời hứa của Đức Chúa Trời tốt đẹp hơn, đáng mong đợi hơn những phước lành trong luật pháp nhiều. Lời hứa mà ông Phao-lô đề cập đến chính là giao ước của Đức Chúa Trời với ông Áp-ra-ham, thường gọi là Giao Ước Áp-ra-ham (Sang The Ky 12:1-3Galati 3:1617). Về sau, một phần trong Giao Ước Áp-ra-ham được mở rộng gọi là Giao Ước “Mới” (Gieremi 31:31-34). Giao Ước Mới này bao gồm lời hứa ban Thánh Linh cho tín hữu (Esai 32:15Gioen 2:28-29). Đó là lý do khiến ông Phao-lô nói rằng người ngoại bang cũng được nhận lời hứa của Chúa (Galati 3:14). Nhận lãnh Thánh Linh là điều rất quan trọng vì trong phần thứ ba ông Phao-lô bày tỏ cho chúng ta biết phải nhờ cậy Thánh Linh như thế nào để sống một cuộc sống được giải phóng khỏi luật pháp. Luận điểm của ông là nếu chúng ta đã bắt đầu nhờ Thánh Linh thì chúng ta nên tiếp tục nhờ Thánh Linh hướng dẫn (3:3).

III. Được giải phóng khỏi luật pháp (5-6) Trong phần trước, ông Phao-lô chứng tỏ cho các tín hữu tại Ga-la-ti biết rằng họ đã chết đối với việc làm theo luật pháp và được cứu khỏi sự rủa sả của luật pháp. Trong phần thứ ba, ông cho họ biết họ đã được giải thoát khỏi sự ràng buộc của luật pháp (Galati 5:113). Nhưng sự tự do này có thể gây ra một vấn đề: khi chúng ta không ở dưới sự kiểm soát của luật pháp thì có nguy cơ xác thịt hoặc bản tánh tội lỗi trong chúng ta điều khiển chúng ta (5:13). Vì vậy, chúng ta học tập sống theo Thánh Linh, chứ không theo xác thịt là điều quan trọng chủ chốt. Do đó, sự tương phản trong phần thứ ba không phải là giữa Luật Pháp và Ân Sủng mà là giữa Xác Thịt và Thánh Linh. Chủ đề chính thứ hai của sách này là Sự Đóng Đinh Vào Thập Tự Giá . Trong phần thứ nhất, ông Phao-lô nói rằng ông đã chết đối với luật pháp vì ông đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Chúa Cứu Thế (2:20). Trong phần thứ hai, ông cho họ biết họ đã được cứu khỏi sự rủa sả của luật pháp vì Chúa Cứu Thế đã chịu đóng đinh thay họ (3:113). Nhưng trong phần thứ ba, bạn cần biết rằng xác thịt và thế gian đối với bạn đã bị đóng đinh và bạn đối với xác thịt và thế gian cũng đã bị đóng đinh vậy (5:24,6:14). Nhưng đối với bạn bị đóng đinh có nghĩa là gì? Có nghĩa là bạn không còn phải hành động cho xác thịt và thế gian; không còn bị xác thịt và thế gian rủa sả, hoặc không còn bị bó buộc phải tuân theo xác thịt và thế gian nữa. Thay vào đó, chúng ta sống (để phục vụ) cho Cha (2:19), sống bởi đức tin nơi Con (2:20), và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Linh (5:16). Như vậy, bài học chính của sách Ga-la-ti gồm có hai phần: phần phủ định và phần khẳng định. Bài học mang tính phủ định đó là: một khi chúng ta không được cứu nhờ vâng giữ các quy định, nên khi được cứu rỗi không nên để tự ràng buộc mình vào một số quy định đó. Còn bài học mang tính khẳng định là: vì chúng ta được cứu nhờ tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, nên chúng ta phải tiếp tục sống bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Phương pháp xưng công nghĩa quy định phương pháp thánh hóa. Chúng ta được xưng nghĩa bởi sự đóng đinh, chứ không phải bởi phép cắt bì. Vì thế, chúng ta được thánh hóa bởi sự đóng đinh, chứ chẳng phải phép cắt bì. Trọng tâm Đừng rập khuôn tuân theo luật pháp; hãy để Thánh Linh, Chúa của tình thương hướng dẫn bạn. Thực hành Bạn có thể thấy là bên cạnh hai bài học chính cũng có hai phần áp dụng chính. Cần đặc biệt thận trọng khi áp dụng có tính cách phủ định và khẳng định. Phần áp dụng có tính cách phủ định để không áp dụng sai. Không tuân theo luật pháp không có nghĩa là hành động, cư xử vô luật pháp và không tôn trọng luật pháp. Thật ra, ông Phao-lô dạy rằng chúng ta phải làm trọn một luật pháp khác – luật pháp của Chúa Cứu Thế (6:2). Không tuân theo luật pháp bao hàm hai ý nghĩa. Thứ nhất, nghĩa là đừng bao giờ để việc vâng giữ luật lệ hoá ra sự giả hình. Nếu vâng giữ luật pháp mà không có tình yêu thương thì hoá ra giả hình mà thôi (5:6). Chẳng hạn như ông Phi-e-rơ và ông Ba-na-ba rút lui không ăn chung với Cơ Đốc nhân người ngoại tộc để làm hài lòng Những Người Chịu Cắt Bì. Họ giữ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, tức là không ăn một số thức ăn mà luật pháp cho là không tinh sạch và khinh thường Cơ Đốc nhân người ngoại tộc vì cớ họ ăn tất cả các loại thịt. Vì hành động như vậy nên ông Phi-e-rơ và ông Ba-na-ba cũng bị cuốn hút vào lối giả hình của đám người chịu cắt bì. Họ vâng giữ luật pháp, nhưng không có tình yêu thương. Thứ hai, đừng bao giờ cho phép sự vâng giữ luật lệ, quy định trở thành thước đo mức tăng trưởng thuộc linh. Khi xảy ra chuyện đó, thì tuân theo luật pháp trở thành việc làm thuộc linh mà chúng ta nhờ cậy. Khi ấy chúng ta không còn nhờ cậy đức tin nữa )3:5,11). Rồi sự chết của Chúa Cứu Thế chẳng còn giá trị gì đối với chúng ta nữa (5:2). Luật pháp hoá ra là sự rủa sả khi chúng ta không có đức tin. Thí dụ, khi tín hữu ở Ga-la-ti bắt đầu nghiêm ngặt giữ ngày Sa-bát lẫn các thánh nhật khác và biến việc này thành ra luật đối với mọi người (4:10). Họ cũng bắt đầu chịu cắt bì và buộc mọi người khác phải chịu cắt bì (5:3). Giữ ngày Sa-bát và chịu cắt bì là những việc hết sức quan trọng vì là dấu hiệu của giao ước buộc đương sự phải vâng giữ toàn bộ luật pháp của Cựu Ước (Xuat 31:13Exechien 20:12Galati 5:33:12). Khi làm như vậy, họ đặt chính họ dưới sự rủa sả của luật pháp (3:10). Họ vâng giữ luật pháp, nhưng không có đức tin. Tín hữu ở Ga-la-ti đã mắc phải sai lầm là biến việc giữ ngày Sa-bát và phép cắt bì thành những quy định thuộc linh để được cứu rỗi và để tăng trưởng thuộc linh. Chúng ta đừng bao giờ mắc phải sai lầm tương tự là cho phép những lễ nghi tôn giáo tốt đẹp như báp-tem hoặc Tiệc Thánh hoặc sự cầu nguyện trở thành những yêu cầu của luật pháp để được cứu rỗi hoặc tăng trưởng thuộc linh. Giờ đây, chúng ta cùng xét đến phần áp dụng có tính cách khẳng định. Cần chú ý đến vai trò trọng yếu của Thánh Linh khi chúng ta nỗ lực sống cho Đức Chúa Trời, vì đó là việc rất quan trọng. Nhiều Cơ Đốc nhân (nhất là giới người phản đối người tìm cầu ân tứ Thánh Linh) có khuynh hướng bỏ qua vai trò của Thánh Linh trong sự nên thánh và họ dựa vào nỗ lực riêng để tăng trưởng tâm linh (3:3). Nhưng không, chúng ta phải nhờ Thánh Linh mà trông đợi những kết quả tốt đẹp dành cho người công bình (5:5), nhờ Thánh Linh mà sống (5:1625), nhờ Thánh Linh hướng dẫn (5:18), bước theo Thánh Linh (5:25), và gieo giống tốt của Thánh Linh để gặt hái sự sống vĩnh cửu (6:8). Ông Phao-lô cho chúng ta biết rằng mối quan hệ thoả đáng theo chiều dọc giữa chúng ta với Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến mối quan hệ chiều ngang hoà hợp với nhau. Nếp sống theo sự hướng dẫn của Thánh Linh đưa đến sự yêu thương nhau (5:131422). Sau khi nêu nguyên tắc chung trong Chương 5, ông Phao-lô đưa ra hai thí dụ cụ thể về cách áp dụng nguyên tắc này trong Chương 6. Thứ nhất, nếu có anh em tín hữu nào phạm lỗi, chúng ta phải sửa họ lại. Nhưng cần lưu ý là chúng ta phải làm việc này trong sự hướng dẫn của Thánh Linh và với lòng mềm mại (6:1), vì mềm mại là bông trái của Thánh Linh (5:22). Thứ hai, khi chúng ta làm việc thiện đối với nhau (6:9-10) và khi chúng ta chia sẻ vật dụng, vật thực cho nhau (6:6) thì chúng ta có thể được Thánh Linh hướng dẫn. Một lần nữa, chúng ta cần chú ý là hiền lành cũng là bông trái của Thánh Linh (5:22). Chúng ta cần đến Thánh Linh để làm việc thiện vì chúng ta rất dễ nản lòng khi thấy việc làm của chúng ta không có kết quả tốt đẹp, nhất là khi chúng ta làm việc thiện cho anh em trong đức tin (tức là các tín hữu) . Đây chỉ là hai thí dụ về hai trong chín bông trái Thánh Linh, chúng ta cần nghĩ đến những việc làm khác do Thánh Linh dẫn dắt để chúng ta có bảy trái Thánh Linh còn lại – yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, trung tín và tiết độ (5:22-23). Nếu chúng ta vâng giữ luật pháp nhưng không có tình yêu thương thì các việc làm theo luật pháp chỉ là sự giả hình. Nếu chúng ta có luật pháp nhưng không có đức tin thì luật pháp hóa ra là sự rủa sả. Nhưng đức tin thể hiện qua hành động do tình yêu thương (5:6) làm trọn luật pháp của Chúa Cứu Thế (6:2). Nếu chúng ta sống theo xác thịt không theo Thánh Linh thì sẽ sinh ra ghen tị (5:152126) và dẫn đến sự hư hoại (6:8). Khi bản tánh xác thịt bị đóng đinh vào thập tự giá, sẽ sinh ra tình yêu thương (5:24). Nếu chúng ta sống theo thế gian không có Chúa Cứu Thế thì sẽ sinh ra khoe khoang, kiêu ngạo (5:266:414) và dẫn đến sự tiêu diệt (5:15). Khi thế gian bị đóng đinh vào thập tự giá sẽ sinh ra đức tin (6:14). Cơ Đốc nhân bị đóng đinh với Chúa Cứu Thế là một người mới (6:15). Cơ Đốc nhân được Thánh Linh hướng dẫn sẽ gặt hái sự sống đời đời (6:8).

Ga-la-ti

Từ chính: DUY LUẬT PHÁP (CHỐNG LẠI) TỰ DO hoặc PHÉP CẮT BÌ (CHỐNG LẠI) SỰ ĐÓNG ĐINH (VÀO THẬP TỰ GIÁ)

Chủ đề chính: Duy luật pháp và sự đóng đinh (vào thập tự giá) Cụm từ chính: “các việc làm theo Luật pháp” (9 lần)

Câu chính: “Vả, bởi luật pháp, tôi đã chết cho luật pháp, để sống cho Đức Chúa Trời. Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (2:19-20)

Bài học chính: Đừng vâng giữ cứng nhắc Luật pháp; Nhưng hãy để Chúa của tình thương hướng dẫn bạn.