RU-TƠ
Tác giả: Không rõ
Thời kỳ hình thành sách: trong thời gian vương quốc còn thống nhất.
Mục đích: Để phổ hệ ông Đa-vít với các tổ tiên của ông là những người trung thành với giao ước.

RU-TƠ

Tác giả: Không rõ

Mục đích: Để phổ hệ ông Đa-vít với các tổ tiên của ông là những người trung thành với giao ước.

Đối tượng: Những người cần thấy một nhân vật sống làm gương mẫu về lòng yêu mến và trung thành với giao ước của Đức Chúa Trời.

Tản mạn

Người Trung Hoa yêu thích nhất hai loại hoa: hoa mận và hoa sen. Hoa mận không nở vào mùa xuân mà vào mùa đông, không nở khi môi trường ấm áp êm ả mà nở trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Hoa sen không được vun trồng chăm chút trong vườn hoa diễm lệ nhưng mọc và nở ở ao hồ và ven sông bùn lầy. Hai loại hoa này không phải là hoa xinh đẹp nhất trong các loại hoa. Có nhiều loại hoa đẹp đẽ hơn, nhưng sao người Trung Hoa lại yêu thích hai loại hoa này nhất? Vì lý do nào? Vì hoa có thể nở đẹp đẽ dù hoàn cảnh bất lợi, khắc nghiệt. Vẻ đẹp phát sinh từ những hoàn cảnh như thế thật là đáng cho người ta trân trọng ngưỡng mộ hơn. Hai loại hoa này minh họa chính xác về cô Ru-tơ – cô sống trong thời kỳ hắc ám của các quan xét, là thời kỳ băng hoại về mặt đạo đức lẫn thuộc linh. Dầu vậy, từ bối cảnh đen tối đó xuất phát một phụ nữ diễm lệ với sức mạnh đạo đức lớn lao. Trong khi ai nấy đều bất trung vô tín, cô Ru-tơ chứng tỏ một lòng trung thành với người khác và với Đức Chúa Trời. Vẻ đẹp nơi cô càng tăng bội phần vì cô sống trong một thời kỳ đạo đức suy đồi và xã hội băng hoại.

Thâm nhập

Chủ đề chính của sách này là ‘phước hạnh’ , cùng một chủ đề với sách Sáng Thế. Sáng Thế Ký nói về phước hạnh dành cho người Do Thái, còn ở đây nói về phước hạnh của Đức Chúa Trời ban cho qua một người ngoại bang. Trong Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời hứa ban phước qua một người nam là ông A-đam. Còn trong sách này Đức Chúa Trời ban hạnh phước qua một người nữ là cô Ru-tơ. Trong Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời là Đấng chủ động lập giao ước (Sa 2:1-3). Trong sách Ru-tơ, chính cô Ru-tơ chủ động lập giao ước (Ru 1:16-17).

I. Quyết định trở nên nguồn phước (1) Câu chuyện mở đầu trong bầu không khí ảm đạm. Bà Na-ô-mi, chồng và hai con trai bỏ xứ Giu-đa di cư qua xứ Mô-áp để tránh nạn đói. Trong khi ở tại Mô-áp, chồng cùng hai con trai lần lượt qua đời. Còn lại một mình bà phải gánh trách nhiệm về hai cô con dâu người Mô-áp. Bà cay đắng đổ lỗi cho Đức Chúa Trời (4 lần trong 1:20-21), rồi quyết định hồi hương. Bà phải thuyết phục nhiều lần một cô con dâu mới chịu quay về nhà cha mẹ ruột trong xứ Mô-áp. Nhưng cô Ru-tơ khăng khăng ở lại với bà và quyết định làm nguồn phước cho bà (1:16-17). Lời hứa nguyện của cô đối với bà Na-ô-mi là một trong những lời bộc lộ đẹp đẽ nhất trong Kinh Thánh về lòng yêu thương.

II. Nỗ lực trở nên nguồn phước (2) Trong chương 2 cô Ru-tơ bươn chải làm lụng cực nhọc ngoài đồng để trở nên nguồn phước. Cũng như bà Na-ô-mi, cô Ru-tơ là goá phụ, không có con để nương tựa nhờ cậy. Cô hoàn toàn không có một tài sản nào cả ngoài tuổi trẻ và năng lực. Cô đã bỏ quê hương, nền văn hoá và chỗ đứng của mình trong lòng dân tộc để nhận vị trí một người ngoại quốc đáng khinh dể tại Giu-đa – số là người Do Thái ghét người Mô-áp vì họ là dân ngoại bang thờ hình tượng. Dầu vậy, cô Ru-tơ thử phiêu lưu chấp nhận bất trắc, ra đồng mót lúa của người Giu-đa. Đây là một công việc nhiều nguy hiểm bất trắc vì không có ai bảo vệ binh vực cho cô cả. Cô là một phụ nữ ngoại quốc sống trong một nước thù địch và vô đạo đức. Như thể do ngẫu nhiên tình cờ, cô đi vào mót trong đồng ruộng thuộc quyền sở hữu của ông Bô-ô. Cô làm việc không biết mệt vì tình yêu thương đối với bà gia. Chẳng bao lâu dân làng đều thán phục và nể trọng cô vì nỗ lực đó. Ông Bô-ô cũng biết chuyện nên quyết làm nguồn phước đặc biệt cho cô và cho bà Na-ô-mi. Ông bảo thợ gặt cố tình bỏ sót vài gié lúa cho cô mót và coi chừng đừng để ai quấy phá cô. Điểm chủ chốt của sách nằm trong việc bà Na-ô-mi nghe nói ông Bô-ô quan tâm đến cô Ru-tơ. Ở đây bà phản ứng khác hẳn -điều bà nói trong chương 1, bà reo lên rằng: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết!” (2:20).

III. Hi sinh trở nên nguồn phước (3) Bà Na-ô-mi vạch ra một chương trình hành động để ‘kiếm’ cho cô Ru-tơ một tấm chồng. Cô Ru-tơ luôn luôn là người hoàn toàn vâng phục nên nhất trí với chương trình này. Đêm hôm đó cô Ru-tơ phải lẻn vào vựa lúa ngoài đồng nơi ông Bô-ô nằm ngủ (vào mùa gặt, chủ ruộng thường ngủ lại ngoài đồng ruộng trong vựa lúa). Rồi khi ông Bô-ô phát hiện thì cô xin ông bảo vệ cô. Cô dạn dĩ thực hiện việc đó cho thấy cô không phải là hạng người yếu hèn. Cô có lòng can đảm. Khi đáp lời cô, ông Bô-ô khen ngợi tinh thần hi sinh của cô. Xem ra ông Bô-ô lớn tuổi hơn cô nhiều. Ông khen ngợi cô là không tìm cách thu hút những người đàn ông trẻ tuổi hơn. Ông bảo cô yên tâm để ông sắp xếp mọi chuyện. Rồi ông bảo cô kín đáo rời khỏi vựa lúa sau khi tặng cô một số lượng lớn lúa mạch. Đến giai đoạn này chúng ta có thể kết luận cách an toàn rằng giữa ông Bô-ô và cô Ru-tơ không phải chỉ có lực thu hút lẫn nhau mà còn là một sức thu hút rất mạnh! IV. Được chọn trở nên nguồn phước (4) Nhưng câu chuyện gặp trở ngại bất ngờ trong chương cuối vì có một nhân vật xen vào giữa ông Bô-ô và cô Ru-tơ. Ông này mới là người bà con gần nhất của bà Na-ô-mi. Nhưng ông ta không hề được nêu danh, mà chỉ được gọi là ông ‘paloni almoni’ (trong Hi-bá-lai có nghĩa là ông ‘có tên gì gì đó’). Ông đó đồng ý chuộc đất đai của bà Na-ô-mi và thanh toán hết nợ nần cho bà. Nghe đến đây chắc tim ông Bô-ô muốn rụng luôn! Nhưng ông nhanh nhẩu nhắc ông đó rằng nếu muốn chuộc đất đai của bà Na-ô-mi thì ông cũng phải làm trọn một bổn phận khác đối với người bà con gần nhất, đó là sinh con cho bà Na-ô-mi, có nghĩa là phải lấy cô Ru-tơ. Thế là ông ‘tên gì gì đó’ lập tức rút lui còn ông Bô-ô thở phào nhẹ nhõm. Rốt cuộc cô Ru-tơ vẫn thuộc về ông. Sách kết thúc với sự kiện Đức Chúa Trời ban cho ông Bô-ô và cô Ru-tơ một bé trai kháu khỉnh. Về sau bé trai này trở nên ông cố của vua Đa-vít. Rồi về sau Đấng Mê-si là chính Chúa Giê-xu ra đời trong dòng họ này. Đức Chúa Trời đã chọn cô Ru-tơ không những để làm nguồn phước cho bà gia Na-ô-mi mà còn là nguồn phước cho toàn thể nhân loại. Sách còn ghi lại nhiều phước hạnh nữa. Đám thợ gặt, bà Na-ô-mi, các trưởng lão đều chúc phước cho ông Bô-ô (2:4,19,204:11). Ông Bô-ô chúc phước cho cô Ru-tơ (3:10), còn giới phụ nữ trong làng ca ngợi Đức Chúa Trời và chúc phước cho bà Na-ô-mi (4:14). Những lời chúc phước này có vẻ như những lời trao đổi thân tình ở mặt nổi. Nhưng Đức Chúa Trời làm thành những lời chúc đó vì những lời chúc đó nhằm đem phước hạnh đến cho nhiều người khác. Đời sống của cô Ru-tơ nổi bật một cách khác thường. Cô nghèo nàn hơn mọi người nghèo. Dầu vậy cô vẫn có thể làm nguồn phước cho nhiều người khác. Cô ‘chỉ’ là một góa phụ, dầu vậy cô vẫn đem phước hạnh đến cho bà Na-ô-mi cũng là một góa phụ.

Trọng tâm

Không cần phải giàu có mà vẫn có thể làm nguồn phước cho người khác.

Thực hành

Về mặt vật chất, cô Ru-tơ hoàn toàn trắng tay. Nhưng cô có tuổi trẻ, sức khỏe và tâm hồn cao thượng. Cũng như cô, bạn có thể vận dụng khả năng sẵn có, có thể chịu khó nhọc và với lòng tin tưởng mạnh mẽ bạn có thể biến những điều đó thành kho báu của cuộc đời. Còn ngược lại, ông ‘tên gì gì đó’ mãi mãi vẫn là một người vô danh tiểu tốt – dù ông ta có địa vị, có ưu thế, và có thế lực. Tất cả chỉ vì ông không chịu trả giá. Không có một chi tiết nào trong sách gợi ý cô Ru-tơ là một người có nhan sắc. Nhưng chúng ta dám chắc chắn rằng cô là một người đẹp. Cái đẹp của cô phát xuất từ tâm hồn, cô là một ‘phụ nữ tài đức’ (3:11). Chính cụm từ này cũng được dùng để mô tả người phụ nữ trong Cham 31:1-31 (31:10). Có thể ví cô Ru-tơ với một cái máy điều hoà không khí. Cô có ảnh hưởng trên hoàn cảnh chung quanh mình. Cô đem niềm vui đến cho người chung quanh mình. Còn có thể ví bà Na-ô-mi với cái nhiệt kế. Nhiệt độ thuộc linh của bà lên xuống tùy theo cảnh ngộ. Nhiều Cơ Đốc nhân cũng chẳng khác gì bà Na-ô-mi. Họ sẵn sàng làm nguồn phước cho người khác khi Đức Chúa Trời ban phước cho họ. Câu nói cửa miệng của họ là: “Để khi nào nền kinh tế của tôi ổn định thì tôi sẽ giúp đỡ người khác.” Hoặc: “Để con cái tôi lớn chút đã rồi tôi sẽ giúp hội thánh phục vụ người khác.” Có người cũng thường nói: “Tôi chỉ là một người nội trợ nghèo nàn thôi, tôi chẳng làm gì được.” Hoặc: “Tôi chỉ là một sinh viên non trẻ”. Cũng có đôi người nói: “Tôi chỉ là một người ngoại quốc” v.v… Thật ra chúng ta có vô số lý do để khỏi phải làm nguồn phước cho người khác. Thực tế là dù nghèo khổ đến đâu, dù kém may mắn đến đâu, dù bị kỳ thị đến đâu, BẠN vẫn có thể trở nên nguồn phước cho gia đình của mình, cho bạn đồng công, cho bạn bè, cho thuộc viên trong hội thánh, cho dân tộc đất nước của bạn hoặc cho toàn thể nhân loại chẳng kém gì cô Ru-tơ. Biết đâu chừng bạn đang muốn làm một con người ‘tên gì gì đó’ vì bạn không chịu trả giá! RU-TƠ Ý chính: Trở về (ươm) tình yêu Chủ đề chính: Phước hạnh Cụm từ chính: ‘Đức Giê-hô-va ban phước’ (4 lần) Câu chính: “Na-ô-mi đáp cùng dâu mình rằng: Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết!” (Ruto 2:20) Bài học chính: Không nhất thiết phải giàu có mới làm được nguồn phước.

I SA-MU-ÊN

Tác giả: Không rõ (Ông Sa-mu- ên? Ông Na-than? Ông G át?)

Thời kỳ hình thành sách: Trong thời gian vương quốc chia đôi.

Mục đích: Để chứng minh rằng người lãnh đạo phải là người Đức Chúa trời chọn.

Đối tượng: Người sống trong thời kỳ xáo trộn khủng hoảng, muốn hiểu biết vai trò Đức Chúa trời trong lịch sử.

Tản mạn

Thời gian gần đây bạn có gặp người Phi-li-tin nào không? Chắc là không. Nếu thế chúng ta học được gì trong sách 1Sa-mu-ên đây vì sách này viết nhiều về người Phi-li-tin (sách này nhắc đến từ Phi-li-tin nhiều lần hơn bất cứ sách nào khác trong Kinh Thánh.) Từ ‘Philistine’ là một từ cổ tương ứng với từ tình thế khắc nghiệt hoặc bức bách thời hiện đại. Chắc chắn cuộc đời của bạn trong thời gian gần đây có lần đã rơi vào những cảnh ngộ này. Vậy là bạn hiểu vì sao chúng ta cần học sách này. Ai ai cũng đều cần học tập cách tháo gỡ những cảnh ngộ bức bách này. Chẳng một ai, trong khi tinh thần còn minh mẫn lại cả gan rước vào thân những chuyện khó khăn hoặc trù liệu cho bản thân những cảnh ngộ bức bách khắc nghiệt. Vấn đề không phải là chúng ta có đối phó với những cảnh ngộ đó hoặc không. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ đối phó với cảnh ngộ đó như thế nào . Tiếp theo đây chúng ta sẽ khảo cứu xem bốn nhân vật chính của sách này đối phó với áp lực của người Phi-li-tin ra sao.

Thâm nhập

Hai nhân vật chính (ông Sa-mu-ên và vua Sau-lơ) và hai nhân vật hỗ trợ (ông Hê-li và ông Đa-vít) tạo ra khung sườn chính của sách. Ông Hê-li và vua Sau-lơ bị loại bỏ. Ông Sa-mu-ên và ông Đa-vít được tuyển chọn. Ông Hê-li đi vào đời trong vai một vị tiên tri tin kính Chúa, nhưng kết cuộc ông chết thảm vì ông đã tỏ ra nhu nhược khi dung dưỡng tội lỗi của hai con trai của mình. Ông là mẫu người ‘xưa kia vốn là’ . Ông Sa-mu-ên là một vị tiên tri tin kính Chúa. Niềm tin và nếp sống vâng lời Đức Chúa Trời của ông là gương sáng cho mọi người. Ông là mẫu người ‘rõ ràng là’ ngoại hạng của Đức Chúa Trời. Vua Sau-lơ ‘ước sao là’ một người vĩ đại. Vua có quyền hành, uy thế và danh vọng. Nhưng vua cũng thất bại và chết thảm. Ông Đa-vít là mẫu người ‘lẽ ra phải là’ . Trong nhiều trường hợp ông tỏ ra mình là một người tin kính chân thành. Nhưng khi học đến sách 2Sa-mu-ên, chúng ta sẽ thấy ông là mẫu người ‘lẽ ra phải là’ tin kính Chúa hơn nữa.

I. Tình thế khắc nghiệt dẫn đến sự kiệt quệ . Tình thế khắc nghiệt của ông Hê-li là ông bỏ mặc cho hai con trai của mình phạm tội ghê tởm và kinh dị trong khi họ làm thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời và phục vụ trước Hòm Giao Ước. Vì cớ đó mà Đức Chúa Trời cho người Phi-li-tin cướp được Hòm Giao Ước và giết chết hai con trai của ông. Khi ông Hê-li nhận được tin này ông té ngửa, gãy cổ và chết ngay tại chỗ. Tác giả có nêu nguyên nhân khiến ông gãy cổ: quá mập (4:18). Tác giả dùng từ ‘nặng nề’ , cùng một dạng với từ ‘đáng kính’ trong tiếng Hi-bá-lai. Lẽ ra ông đáng được tôn kính, trọng vọng, nhưng không, ông chỉ được cái quá phục phịch. Câu chìa khoá của sách này cho ta biết ‘bí quyết khắc phục tình thế khắc nghiệt’ là: “Ai tôn kính Ta, Ta sẽ làm cho được tôn trọng, còn ai khinh bỉ Ta, tất sẽ bị khinh bỉ lại.” (1Sa 2:30). Vì ông Hê-li để cho Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời bị khinh dể trước mặt các con trai của ông và trước mặt người Phi-li-tin nên mạng sống của ông kết thúc cách bất chợt. Ông chẳng hề biết rằng bí quyết khắc phục tình thế khắc nghiệt là tôn trọng Đức Chúa Trời. Phản ứng của ông trước tình thế khó khăn khắc nghiệt là tình trạng tê liệt. Lưu ý là từ dùng để chỉ “cái ghế” mà ông đang ngồi (4:18) cũng có nghĩa là ‘cái ngai’. Ông Hê-li té khỏi ‘ngai’ của mình và chết bất đắc kỳ tử. Hàm ý của tác giả khi dùng từ có hai ý như thế này sẽ sáng tỏ hơn khi chúng ta phát hiện ra là hai sách Sa-mu-ên và hai sách Các Vua đều tập trung xoay quanh chủ đề Đa-vít và ngôi vua.

II. Tình thế khắc nghiệt dẫn đến sự khẩn nguyện (5-7) Ông Sa-mu-ên là một người thường cầu nguyện. Thân mẫu của ông cầu nguyện xin Chúa ban cho bà một người con trai ngay cả khi ông chưa chào đời (1:15). Tên riêng của ông có nghĩa là ‘được Đức Chúa Trời nhậm’ (1:20). Ông đối phó với mọi tình thế ngặt nghèo và mọi áp lực thù địch bằng lời cầu nguyện (7:58:6). Ông nổi tiếng với câu tuyên bố: “Còn ta đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu nguyện cho các ngươi…” (12:23). Ông Sa-mu-ên thận trọng tránh làm ô danh Đức Chúa Trời. Trước khi về hưu ông thách thức mọi người lên tiếng tố cáo ông nếu ông có phạm tội ăn bớt ăn xén, trộm cắp hoặc tham nhũng của ai (12:3). Vì cớ đó mà ai nấy đều nhận định ông là người đáng kính nể (9:6). Ông là vị quan xét cuối cùng của I-xơ-ra-ên nhưng ông cũng là một ông tướng cầm quân ra trận (7:5-15). Ông thực sự phải đối diện với nhiều tình thế khó khăn khắc nghiệt nhưng ông luôn luôn đắc thắng. Trong suốt cuộc đời của ông, người Phi-li-tin không còn quấy phá dân I-xơ-ra-ên nữa (7:13).

III. Tình thế khó khăn khắc nghiệt dẫn đến sự kinh hoảng (8-15). Đáng lẽ vua Sau-lơ phải chờ ông Sa-mu-ên đến bảy ngày vì trước khi bắt đầu giao chiến với quân Phi-li-tin ông Sa-mu-ên phải dâng của lễ cho Đức Chúa Trời. Nhưng trong thời gian chờ đợi, binh sĩ I-xơ-ra-ên đào ngũ. Sáu ngày trôi qua rồi mà ông Sa-mu-ên vẫn chưa đến. Do đó vua Sau-lơ bất tuân luật pháp của Đức Chúa Trời cứ tiến hành cuộc dâng tế lễ (13:7-12). Trong lúc đang dâng của lễ thì ông Sa-mu-ên đến, thấy rõ tội lỗi của vua, nên khiển trách vua. Về sau vua phạm tội trầm trọng hơn khi không vâng lời Đức Chúa Trời lần thứ hai (15:9-23). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phán rằng vì cớ tội phạm lần thứ nhất này mà Ngài đem ngôi nước cho người khác (13:13-14). Vua Sau-lơ đối phó với tình thế khó khăn khắc nghiệt trong tinh thần hoảng loạn. Để làm nổi bật tình trạng kém đức tin của vua Sau-lơ, tác giả đặt trường hợp vua Sau-lơ phạm tội lần thứ nhất sát bên cạnh chiến công của hoàng tử Giô-na-than (Chương 13 và 14). Vua Sau-lơ hoảng hốt khi bên cạnh mình còn có 600 binh sĩ (14:2) trong khi Giô-na-than đơn phương độc chiếc với mỗi một người vác binh khí đã có thể tạo một tình trạng hoảng loạn đâm sâu vào hàng ngũ của quân Phi-li-tin. Ông tâm sự với người vác binh khí rằng: “Đức Giê-hô-va khiến cho số ít người được thắng cũng như số đông người vậy” (14:6). So sánh với số 300 binh sĩ mà ông Ghê-đê-ôn được phép dùng (Cac Vua 7:8). Vua Sau-lơ không thể xoay sở trong những tình thế khắc nghiệt vì vua không tôn trọng Đức Chúa Trời. Vua quan tâm đến uy tín danh dự của mình nhiều hơn. Sau khi chiến thắng người A-ma-léc vua cho dựng một đài để tôn vinh mình (15:12). Ngay cả khi ông Sa-mu-ên khiển trách vua về tội lỗi vua phạm lần thứ hai, vua vẫn nói với ông Sa-mu-ên rằng: “… xin hãy tôn trọng tôi trước mặt các trưởng lão của dân sự tôi và trước mặt I-xơ-ra-ên …” (15:30). Nhưng ngay cả khi ông Sau-lơ chưa lên làm vua có nhiều người đã coi thường ông (10:27).

IV. Tình thế khắc nghiệt dẫn đến sự kiên cường(16-31) Trong đời sống của ông Đa-vít, tình thế khắc nghiệt sản sinh quyền năng. Câu chuyện minh họa rất sát về điều này dĩ nhiên là chuyện ông đối đầu với ông Gô-li-át, một người Phi-li-tin khổng lồ. Trong khi những người khác nhận định về ông Gô-li-át rằng: “Làm sao giết nổi gã khổng lồ đó được!” thì Đa-vít lại nghĩ rằng: “Làm sao mà bắn hụt cái thân hình khổng lồ đó được!” Trong trận chiến này ông hết sức tôn vinh Đức Chúa Trời (17:45-47). Gô-li-át khinh thường ông (17:42), nhưng kết cuộc ông chém đầu Gô-li-át. Chính ông Đa-vít tự nhận mình xuất thân là người nghèo nàn, không danh giá (18:23) nhưng trong thực tế người ta hết sức tôn trọng ông (22:14). Về sau chúng ta thấy ông hết lòng muốn tôn vinh Đức Chúa Trời như thế nào. Ông nhảy múa trước công chúng, trên mình chỉ có bộ đồ lót, chỉ vì ông vui mừng vô vùng khi làm vinh hiển danh của Đức Chúa Trời. Nhưng vợ ông, bà Mi-canh lại chê bai ông về hành vi này. Còn dân chúng lại càng tỏ lòng ngưỡng mộ ông hơn nữa (2Sa 6:22).

Trọng tâm

“Bí quyết” của năng lực nhằm khắc phục tình thế khắc nghiệt nằm ở chỗ biết tôn vinh Đức Chúa Trời. Thực hành Thời nay người ta thảo luận nhiều về phương cách phát huy lòng tự hào đích thực. Sách này có câu trả lời: Hãy tôn trọng Đức Chúa Trời thì bạn sẽ được tôn trọng. Một khi Đức Chúa Trời đánh giá cao bạn thì tưởng tượng xem niềm tự hào của bạn sẽ đến mức nào. Vua Sau-lơ là một người cao ráo lịch sự, nhưng dường như vua không tự hào về mình cho lắm (15:17). Nhưng vua thèm được người khác tôn trọng mình (15:24,30). Có lẽ vua chết trong nỗi bất mãn và vỡ mộng. Vua bị Đức Chúa Trời đánh giá thấp