Tác giả:
Ông Phao-lô
Thời kỳ hình thành sách:
Năm 66 SC ngay trước khi ông Phao-lô qua đời.

Mục đích: Nhằm bảo đảm việc giảng dạy lời Đức Chúa Trời vẫn được thực hiện bất chấp những gian khổ và mặc dù ít người ưa thích.
Đối tượng: Giới phụ huynh, giáo viên Trường Chúa Nhật, người chăn bầy, và bất kỳ ai thấy cần phải giảng dạy Kinh Thánh.
Tản mạn
Có một tổ chức mang tên là tổ chức Delancey Street. Tổ chức này điều hành các hoạt động của nhiều trung tâm cai nghiện ma tuý ở Mỹ. Chín trong số mười người cai nghiện ma tuý sau khi được cai nghiện ở các trung tâm nào đều không tái nghiện ngập nữa, và người ta đặt cho chương trình này biệt danh Phép Lạ Chín Mươi Phần Trăm (The 90 percent Miracle). Lạ lùng hơn nữa là các trung tâm này chẳng có bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia khải đạo, cũng chẳng nhận tài trợ nào của chính phủ cả. Người cai nghiện cư ngụ tại các trung tâm lo tự quản tự trị. Năm 1996, có 12.000 người trước đây nghiện rượu, ma tuý và các chất gây nghiện khác đã rời các trung tâm này để sống cuộc đời hữu ích, không còn làm nô lệ cho ma tuý nữa. Làm sao họ gặp hát được thành quả như thế? Mỗi người vào trung tâm phải học cho được ba nghề để mưu sinh trong tương lai. “Giáo viên” của họ là thành phần vào cai nghiện trước tại trung tâm chớ chẳng phải chuyên viên nào khác. Phương châm của trung tâm là Mỗi người dạy một người (Each one, teach one) . Phương châm này là bài học chính rút ra từ bức thư thứ hai của ông Phao-lô gởi cho vị mục sư trẻ tuổi Ti-mô-thê.
Thâm nhập
Ông Phao-lô viết thư thứ nhất cho ông Ti-mô-thê để khuyên ông này ở lại thành Ê-phê-sô dạy dỗ các tín hữu. Tiếp theo ông viết thư thứ hai để chỉ dẫn vị mục sư trẻ tuổi Ti-mô-thê cách chuyển giao nhiệm vụ giảng dạy lại cho người khác chuẩn bị cho ngày ông rời khỏi thành Ê-phê-sô (2:2, 4:9, 21). Bằng cách này, ông Ti-mô-thê có thể đảm bảo là lời giáo huấn của ông Phao-lô sẽ tiếp tục được truyền dạy ngay cả sau khi ông rời Ê-phê-sô. Ông Phao-lô rất quan tâm, lo lắng về việc này vì ông biết ông sắp qua đời (4:6-7). Ông muốn đảm bảo rằng giáo huấn của ông cứ tiếp tục được truyền dạy ngay cả khi ông đã mất (1:13, 2:2, 3:10, 4:15, 17).
Chủ đề của sách 1Ti-mô-thê là:
Xây dựng lời giáo huấn còn chủ đề của sách 2Ti-mô-thê là Liên tục giáo huấn . Các từ “giáo sư”, “dạy dỗ”, và “giáo lý” (hoặc “giáo huấn”, “lời dạy” theo bản N.I.V) được nhắc đi nhắc lại trong 2Ti-mô-thê (1:11, 4:3, 2:2, 23, 3:10, 16, 4:2,3). Các từ “chân lý/ lẽ thật” và “những lời lành” cũng được dùng nhiều lần (2:15, 18, 25, 3:7, 8, 4:4, 1:13). Trong 1Ti-mô-thê, ông Phao-lô bảo ông Ti-mô-thê ngăn chặn thành phần dạy các giáo lý sai lạc. Trong sách 2Ti-mô-thê, ông Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê cứ tiếp tục dạy dỗ người khác. Trong 1Ti-mô-thê, ông Phao-lô khuyến giục ông Ti-mô-thê chận đứng giới giáo sư dạy những giáo lý sai lạc. Khi làm như thế có thể ông Ti-mô-thê bị các giáo sư bất kính bắt bớ lại. Vì thế, ông Phao-lô phải viết bức thư thứ hai cho Ti-mô-thê để giục giã ông Ti-mô-thê cứ tiếp tục giảng dạy chớ không bỏ cuộc. I. Tiếp tục dạy, không hổ thẹn (1:1-18) Trong Chương thứ nhất, ông Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê cứ giữ những lời dạy dỗ có ích của ông (1:13) chớ không nên hổ thẹn. Trước tiên, ông Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê đừng hổ thẹn khi làm chứng về Chúa Cứu Thế (1:6-11). Thứ hai, ông Phao-lô bảo cho ông Ti-mô-thê hãy nhìn gương của chính ông. Ông chẳng hề hổ thẹn vì ông tin chắc rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng ông tin cậy, sẽ bảo vệ lời dạy của ông ( 1:12-14). Thứ ba, ông Phao-lô nêu ra gương sáng của ông Ô-nê-si-phô-rơ, là người không hổ thẹn dù ông Phao-lô bị lao tù (1:15-18). Còn một số khác, như Phy-ghen và Hẹt-mô-ghen chẳng hạn, đã xấu hổ và bỏ rơi ông Phao-lô vì ông vào chốn lao tù (1:15). Về vấn đề này, ông Phao-lô phải đoan chắc với ông Ti-mô-thê rằng chẳng có gì đáng phải xấu hổ cả. Ông Phao-lô chịu lao tù chỉ vì ông dạy dỗ chân lý của Đức Chúa Trời (1:11-12). Không thể vin vào nỗi gian khổ của ông mà kết luận là ông đã giảng dạy những điều sai lạc. Nên nhớ rằng các giáo sư bất kính lại chủ trương và dạy rằng lòng tin kính sẽ được hưởng nhiều lợi ích trong lãnh vực kinh tế (6:5). Do đó, khi ông Phao-lô bị tù tội họ liền nắm lấy sự kiện này mà công kích ông Phao-lô. Từ chuyện này chúng ta rút được bài học là đừng hổ thẹn về các giáo sư tin kính của chúng ta, cũng đừng xấu hổ về lời dạy của họ chỉ vì họ bị bức hại hoặc sống nghèo khổ. Thực ra, họ chịu gian khổ vì họ cứ tiếp tục dạy các lẽ thật theo sự tin kính. Không phải cứ hễ họ có vẻ thất bại theo nhãn quan của con người là lời giảng dạy của họ không có giá trị.
II. Tiếp tục giảng dạy với năng quyền (2:1-13) Chương 1, ông Phao-lô khuyến giục ông Ti-mô-thê nên tiếp tục dạy dỗ chớ đừng hổ thẹn. Chương 2, ông Phao-lô khuyến giục ông Ti-mô-thê phải mạnh mẽ, bạo dạn (2:1) thi hành nhiệm vụ giảng dạy (2:2). Cần chú ý là hầu hết các bản dịch, mệnh lệnh của ông Phao-lô đều được chuyển ngữ là: “Hãy mạnh mẽ”. Nhưng chuyển ngữ như thế không lột tả được vấn đề, không sát với vấn đề cho lắm. Bảo ông Ti-mô-thê “Hãy mạnh mẽ” thì chẳng khác gì bảo một người bệnh “Hãy mạnh khoẻ” hoặc bảo người nghèo khó “Hãy giàu có”. Nên chuyển ngữ đầy đủ ý nghĩa hơn như sau: “Hãy nhận thêm sức lực” . Như vậy tức là phải có người khác ban sức lực cho bạn. Nhưng bằng cách nào? Sức lực không phát xuất từ năng lực của tư duy tích cực, nhưng từ ân sủng của Chúa Cứu Thế Giê-xu ( 2:1 xem thêm 4:17). Vì sao ông Ti-mô-thê cần có thêm sức lực? Vì cớ ông sẽ phải đương đầu với nhiều gian khổ trong tư cách một người trung tín dạy đạo lành (2:2). Ba lần ông Phao-lô nói rằng ông Ti-mô-thê sẽ chịu gian khổ (2:3, 10, 12). Lần đầu, ông Phao-lô bảo ông Ti-mô-thê hãy cùng chịu đựng gian khổ với ông và ông Lu-ca (2:3-7 xem thêm 4:11). Lần thứ hai, ông Phao-lô bảo ông Ti-mô-thê hãy chịu đựng gian khổ vì những người được Chúa lựa chọn (2:8-10). Lần thứ ba, ông đảm bảo với ông Ti-mô-thê rằng những người chịu đựng gian khổ cũng sẽ được cai trị với Chúa Cứu Thế (2:11-13). Ở nhiều nơi, thành phần chăn bầy Cơ Đốc, tức là người giảng dạy lời Đức Chúa Trời, thường phải hy sinh nhiều cũng như chịu đựng thiếu thốn và gian khổ về mọi mặt. Chúng ta phải tiếp tục dạy dỗ bất chấp gian khổ đó. Đừng bỏ cuộc để sau này còn nhận phần thưởng của mình (4:8). Vậy, chúng ta phải dạy dỗ ai? Người trung tín, có khả năng dạy dỗ người khác. Không những chúng ta phải dạy đạo lý theo sự tin kính, nhưng cũng phải dạy những người trung tín và có khả năng dạy dỗ. Mỗi người phải dạy một người. Mỗi thành viên của Hội Thánh phải là người dạy đạo bằng cách này hoặc cách khác. III. Tiếp tục dạy dỗ và giữ mình tránh khỏi tội lỗi (2:14-3:17) Thật ra, Chương 3 bắt đầu từ 2:14 chứ không phải là từ 3:1. Chủ đề của phần thứ ba (2:14-3:17) là Niềm Tin Kính (2:16, 3:5, 12). Do đó, trong phần này, ông Phao-lô căn dặn ông Ti-mô-thê cứ tiếp tục dạy dỗ chứ đừng dính dấp vào những việc tội lỗi. Tương tự phần thứ nhất và thứ hai, cũng có thể chia phần này làm ba phần. Trước tiên, ông Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê tránh những người bất kính như Hy-mê-nê và Phi-lết (2:14-2:26). Thứ hai, ông Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê nên tránh xa những người chỉ giữ hình thức đạo đức như Gian-nét và Giam-be (3:1-9). Thứ ba, ông Ti-mô-thê phải noi gương những người tin kính và đạo đức thật như chính ông Phao-lô (3:10-17). Trong Chương 1, điều cản trở ông Ti-mô-thê tiếp tục giảng dạy đạo lành là sự hổ thẹn ở trong bản thân ông. Trong Chương 2, hoạn nạn, khốn khó trên thế gian sẽ cản trở ông. Trong phần thứ ba, chính những người tội lỗi trong thời kỳ cuối cùng sẽ cản trở ông Ti-mô-thê. Trong Chương 4, điều ngăn trở ông Ti-mô-thê giảng đạo lành là những người nghe với tinh thần kén chọn theo sở thích mình: thành phần tín hữu thích nghe chuyện huyền hoặc, chuyện do con người bịa đặt ra hơn là nghe lời Đức Chúa Trời.
IV. Tiếp tục dạy dỗ bất chấp cảnh ngộ (4:1-22). Vì thế, trong Chương 4, ông Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê hãy giảng Đạo Chúa dù gặp thời hoặc không (4:2) và cứ giảng dạy trong mọi hoàn cảnh (4:5). Ông Ti-mô-thê phải công bố Đạo Chúa dù người ta có lắng nghe hoặc không. Trong phần thứ nhất, ông Phao-lô gọi ông Ti-mô-thê là người được ơn (1:16), được giao phó trọng trách rao giảng Lời Đức Chúa Trời (1:14). Trong phần thứ hai, ông gọi ông Ti-mô-thê là chiến sĩ anh dũng của Chúa Cứu Thế Giê-xu (2:3). Nhưng trong phần thứ ba có điểm khác biệt, đó là ông Phao-lô nói đến tất cả các Cơ Đốc nhân (ông dùng “họ” trong 2:14 “tất cả mọi người” trong 3:12 xem thêm 3:17). Trong phần thứ tư, ông Phao-lô trở lại gọi ông Ti-mô-thê là người giảng Phúc Âm và đầy tớ Chúa (4:5). Ngoài chủ đề chính Tiếp tục giảng Lời Đức Chúa Trời, sách này còn có một chủ đề phụ, đó là Chịu gian khổ . Nguyên nhân của những nỗi gian khổ này là do giảng dạy Lời Chúa. Trong Chương 1 và 2, ông Ti-mô-thê phải cùng ông Phao-lô chịu gian khổ vì Phúc Âm (1:8, 12, 2:3, 8-10). Còn trong Chương 3, ông Ti-mô-thê phải chịu khổ như ông Phao-lô đã chịu (3:10-11). Trong Chương 4, ông phải chịu khổ trong chức vụ làm người giảng Phúc Âm (4:5). Sự dạy dỗ của ông Phao-lô đặt cơ sở trên Phúc Âm – Chương 1 (1:8-10). Đối tượng trong kế hoạch dạy dỗ – Chương 2 (2:2, 24). Mục đích dạy dỗ lòng tin kính – Chương 3 (3:17). Và cuối cùng, chúng ta có thể tìm thấy nội dung lời dạy của ông Phao-lô trong Chương 4 – Đạo Chúa (4:2). Liên tục giảng dạy là nhiệm vụ rất quan trọng vì dù ông Ti-mô-thê có đức tin chân thành (1:5), nhưng vẫn có những giáo sư, như Hy-mê-nê và Phi-lết, phá hoại đức tin của người khác (2:17-18). Họ giống như Gian-nét và Giam-be. Đức tin của họ không chịu thử thách được (3:8). Còn ông Ti-mô-thê thì trở nên giống như ông Phao-lô, là người giữ vững niềm tin cho đến cuối cùng (4:7).
Trọng tâm
Nếu chỉ dạy đạo lý với lòng tin kính mà thôi thì chưa đủ, nhưng cần phải huấn luyện, đào tạo các giáo sư tin kính nữa. Hoặc: “Mỗi người dạy một người”.
Thực hành
Khi bạn nỗ lực giữ nếp sống tin kính và dạy đạo lý theo sự tin kính, chắc chắn bạn sẽ bị bức hại (3:12). Đây là lý do giải thích vì sao bạn cần có sức mạnh (2:1). Nhưng làm sao bạn có được sức mạnh này? Bạn không thể có được sức lực ấy bằng cách phát triển sức bạn đang có, nhưng bằng cách nhận lãnh sức mới. Sức mới không phải là sứccủa bạn, mà là sức của Chúa. Cần biết rằng khi bạn bị bắt bớ hoặc bị mọi người ruồng bỏ thì chính Chúa sẽ giúp đỡ và thêm sức cho bạn (4:17). Ngài sẽ giải thoát bạn khỏi mọi điều ấy và đưa bạn vào Nước Trời (4:18). Vì thế, đừng chỉ thiết lập đạo lý theo sự tin kính (1Ti-mô-thê) , nhưng cũng phải tiếp tục dạy đạo lý theo sự tin kính (2Ti-mô-thê) . Chúng ta không chỉ lựa chọn người có tài dạy dỗ (3:2), nhưng cũng phải chọn người trung tín dạy dỗ nữa (2:2).
2 Ti-mô-thê
Từ chính: DẠY DỖ (TRƯỚC KHI) RA ĐI Chủ đề chính: Dạy dỗ Cụm từ chính: ‘có tài dạy dỗ’ (2 lần)
Câu chính: “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác.” ( 2:2)
Bài học chính: Nếu chỉ dạy đạo lý với lòng tin kính mà thôi thì chưa đủ, chúng ta cũng phải huấn luyện, đào tạo các giáo sư tin kính nữa.