2 Cô-rinh-tô
Tác giả: Ông Phao-lô.
Thời kỳ hình thành sách: Năm 55 SC, sau khi ông Phao-lô thay đổi chương trình hoạt động của ông.

Mục đích: Nhằm bênh vực chức vụ và chức sứ đồ của ông Phao-lô chống lại những lời chỉ trích gièm pha.

Đối tượng: Các con cái Chúa, các vị mục sư và giáo sĩ bị chỉ trích gièm pha cách bất công và đang trải qua sự thử thách.

Tản mạn

Nhiều năm về trước, một người bạn trẻ nhưng khôn ngoan đã khuyên tôi một điều tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ. Anh ấy nói rằng: “Người dại nào cũng có thể gièm pha, chỉ trích, chỉ có người tin kính Chúa mới có thể xây dựng”. Dường như là hễ bạn thực hiện bất cứ một việc gì đáng làm trên đời này là bạn sẽ bị chỉ trích, gièm pha. Còn khi bạn làm một việc gì đáng làm trong Hội Thánh, bạn sẽ bị gièm pha, chỉ trích nhiều hơn nữa. Ông Phao-lô chẳng phải là trường hợp ngoại lệ. Có lẽ ông là vị sứ đồ làm việc đắc lực nhất nên ông bị tố cáo, gièm pha nặng nề nhất thì chẳng có gì lạ cả. May thay, ông để lại một bức thư dạy chúng ta biết phải làm thế nào để có thể xử lý lời chỉ trích, gièm pha cách khoan dung – với ân sủng của Đức Chúa Trời. Đó là thư thứ hai gởi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô.

 

Thâm nhập

Trước tiên, lời chỉ trích thường bắt nguồn từ chuyện rất nhỏ nhặt, tầm thường. Ông Phao-lô thay đổi chương trình hoạt động của ông và trì hoãn ngày viếng thăm Hội Thánh Cô-rinh-tô. Vì thế, ông bị chỉ trích gay gắt. Thứ hai, lời chỉ trích, gièm pha thường biến thành một cuộc đả phá một cá nhân. Trong trường hợp của ông Phao-lô, những người chỉ trích ông quay sang chất vấn lòng chân thành và những điều kiện cho phép ông là sứ đồ và truyền giáo. Thứ ba là những lời gièm pha, chỉ trích thường gia tăng lan qua nhiều lãnh vực khác. Những kẻ tố cáo ông Phao-lô không chỉ chất vấn chức sứ đồ của ông, nhưng họ còn chất vấn động cơ thúc đẩy ông phục vụ và lòng trung thực của ông trong vấn đề tiền bạc. Ba làn sóng gièm pha, chỉ trích nhằm vào ông Phao-lô tạo thành ba phần của bức thư này. Ông lần lượt xử lý từng đợt gièm pha, chỉ trích trong mỗi phần.

I. Ân sủng để có thể an ủi trong cơn thử thách (1-7)

Trong phần thứ nhất, người ta chỉ trích ông Phao-lô là thay đổi chương trình hoạt động. Họ buộc tội ông là chỉ hứa suông, không đáng tin cậy về lời nói. Một khi họ bắt đầu nghi ngờ lời nói thì họ tiếp tục nghi ngờ lời giảng dạy và Phúc Âm mà ông rao giảng. Câu trả lời của ông Phao-lô cho người Cô-rinh-tô không chỉ bênh vực Phúc Âm và chức sứ đồ của ông, nhưng cũng là một bài học quan trọng giúp chúng ta biết phải làm thế nào để tiếp tục chức vụ bất chấp những lời chỉ trích oan ức. Thứ nhất, đáp lại lời chỉ trích, ông giải thích lý do thay đổi chương trình hoạt động: ông không muốn họ buồn rầu vì khi gặp mặt họ ông sẽ quở trách họ về những việc làm sai trái (1:1-2:13). Thứ hai, trước những lời đả phá Phúc Âm, chức sứ đồ và công tác của ông, ông tự biện giải: ông giải thích rằng chính Đức Chúa Trời, chứ không phải con người, ban cho ông khả năng và lòng tự tin để thi hành chức vụ (2:14-7:4). Thứ ba, ông Phao-lô đi thêm một bước trong sự phục vụ người khác. Ông trở lại với chương trình hoạt động của ông và giải thích rằng ông đến với họ nữa để an ủi họ trong lúc buồn rầu (IICor 7:5-16). Ngoài việc trả lời cho những người chỉ trích, ông Phao-lô cũng chỉ dẫn tín hữu ở Cô-rinh-tô về việc họ nên làm: họ nên đáp ứng chức vụ của ông, phục hoà với Đức Chúa Trời (IICor 5:20), và mở rộng lòng để đáp lại tình yêu thương của ông (IICor 6:137:2). Thay vì gièm chê, chỉ trích mục sư và các nhân sự trong Hội Thánh về những vấn đề nhỏ nhặt, các thành viên của Hội Thánh cần phải phục hoà với Đức Chúa Trời và nói về mục sư và giáo sĩ với lòng bao dung rộng rãi. II. Ân sủng để có thể ban cho trong cảnh nghèo khó (8-9) Trong phần thứ hai, họ chỉ trích ông Phao-lô về vấn đề quản lý tiền quyên trợ giúp các tín hữu nghèo. Đáp lại lời chỉ trích đó, ông giải thích rằng người được các Hội Thánh cử đã cùng đi với ông để làm chứng rằng số tiền quyên trợ đó đã được phân phối đúng đắn (IICor 8:18-21). Một lần nữa, ông Phao-lô không chỉ lo trả lời những người chỉ trích, ông còn dạy tín hữu ở Hội Thánh Cô-rinh-tô hai nguyên tắc về việc dâng hiến. Thứ nhất là Nguyên Tắc Cân Bằng: khi bạn có dư, hãy giúp người túng thiếu (IICor 8:1314). Thứ hai là Nguyên Tắc Rộng Rãi: khi bạn dâng hiến cách rộng rãi, bạn sẽ được ban phước dồi dào (IICor 9:6-7). Đức Chúa Trời ban ân sủng cho chúng ta để chúng ta thực hiện cả hai nguyên tắc này (IICor 8:16799:8). III. Ân sủng ban cho năng lực tuy con người yếu đuối (10-13) Lời chỉ trích thứ ba nhằm vào bản thân ông Phao-lô. Kẻ thù nghịch ông nói rằng: ông là một người kém cỏi và lời nói của ông chẳng có giá trị gì (IICor 10:10). Để chứng minh ông Phao-lô là người tầm thường đến mức nào, những kẻ chỉ trích ông khoe khoang về vốn liếng của họ trong tôn giáo và địa vị đầy uy tín của họ. Để trả lời cho các giáo sư giả là người đả kích ông, ông Phao-lô cũng khoe về chính ông. Nhưng sự khoe khoang của ông khác xa sự khoe khoang của họ: ông khoe khoang trong mức hạn định cho ông và ông khoe khoang trong Chúa (IICor 10:15-17), ông khoe về sự yếu đuối và sự khốn khó của ông (IICor 11:3012:5), và ông khoe khoang đúng theo sự thật (IICor 12:6). Một lần nữa, ông Phao-lô không chỉ lo tự biện minh. Ông chỉ dạy cho tín hữu ở Hội Thánh Cô-rinh-tô biết làm thế nào để họ cũng có năng lực (nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời) để phục vụ người khác bất chấp sự yếu đuối của chính họ (IICor 12:913:3-49). Cả ba phần trong bức thư này đều có cùng một điểm chủ chốt: Ân sủng của Đức Chúa Trời. Ân sủng của Ngài ban cho chúng ta lòng tự tin trong chức vụ (IICor 3:4-5), khả năng dâng hiến (IICor 9:8), và năng lực trong sự yếu đuối (IICor 12:9).

 

Trọng tâm

Hãy xử lý mọi lời chỉ trích, chê bai cách khoan dung với ân sủng của Đức Chúa Trời. Thực hành Có ba cách xử lý những lời chỉ trích. Cách thứ nhất là chịu thua và từ bỏ việc phục vụ Chúa. Cách thứ hai là chịu đựng những lời chỉ trích và cứ tiếp tục phục vụ Chúa nhưng lòng không vui. Cách thứ ba là nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời để chiến thắng, vượt lên trên những lời chỉ trích đó. Chúng ta cần noi theo gương của ông Phao-lô trong cách ông nhờ cậy ân sủng của Đức Chúa Trời đối diện với những lời chỉ trích. Khi bị chỉ trích một cách bất công, ông vẫn có thể an ủi những người khác đang trong tình trạng nản lòng, thất vọng. Khi ông bị buộc tội một cách oan sai, ông vẫn giữ được lòng tự tin. Khi ông nghèo khó và thiếu thốn. Ông vẫn nghĩ đến việc giúp đỡ những người đói khát tại Giê-ru-sa-lem. Khi đối diện với những người hay khoe khoang, ông vẫn có thể giữ được tính khiêm nhu. Lý do khiến ông có thể làm được tất cả những việc đó là vì ông nhận biết rằng những điểm yếu kém nơi ông tạo cơ hội cho Đức Chúa Trời bày tỏ năng lực trọn vẹn của Ngài trong ông. Khi bị người ta chỉ trích và làm tổn thương, chúng ta thường có khuynh hướng trở nên tự kỷ trung tâm (tự cho mình là trung tâm) . Không mấy ai trong chúng ta, tương tự như ông Phao-lô, xem đây là những hoàn cảnh giúp chúng ta lớn lên trong ân điển của Đức Chúa Trời để phục vụ người khác. Khi người ta chất vấn về khả năng của chúng ta, lòng tự tin vào khả năng phục vụ người khác trong chúng ta thường bị lung lay. Khi lòng trung thực của chúng ta bị chỉ trích, việc dâng hiến của chúng ta thường giảm sút. Và khi người khác bắt đầu khoe khoang và so sánh thân phận cùng những thành tựu của họ với của chúng ta, thì chúng ta có khuynh hướng sa vào cùng một cái bẫy kiêu ngạo tương tự như họ vậy. Chúng ta hãy nhìn xa hơn sự tổn thương và đau đớn trong chính mình, và thấy cơ hội cho chúng ta an ủi người khác đang buồn rầu. Chúng ta hãy nhìn xa hơn sự nghèo khó của chính mình để thấy tình trạng đói khát của người khác. Chúng ta hãy nhìn xa hơn “cái gai nhọn đâm vào thịt”, để nhận ra rằng chúng ta cần khiêm tốn. Nguyện ân sủng của Đức Chúa Trời biến đổi chúng ta thành người khoan dung, nhân từ khi chúng ta phóng tầm nhìn vượt qua những lời chỉ trích chê bai lẫn tình trạng yếu đuối của chúng ta để nhìn đến Chúa Giê-xu Cứu Thế.

2 Cô-rinh-tô

Từ chính: BUỒN RẦU (VÀ) KHỔ ĐAU

Chủ đề chính: Ân sủng

Cụm từ chính: ‘Ân sủng dư dật’ gr 8 (3 lần)

Câu chính: “Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” (IICor 12:9)

Bài học chính: Hãy xử lý mọi lời tố cáo, chỉ trích, gièm pha cách khoan dung, nhân từ với ân sủng của Đức Chúa Trời.

NHV SUU TAM