Nhà thơ Percy Bysshe Shelley trong một tiểu luận triết học về tình yêu, viết:
“Tình yêu là gì? Hãy hỏi người đang sống: đời là gì. Hãy hỏi người đang cầu nguyện: Thượng Đế là ai.

Tôi không biết được điều gì ở trong những người khác, thậm chí ở bạn, người mà tôi đang nói cùng. Theo dáng vẻ bề ngoài, tôi thấy rằng những người này giống với tôi nhưng khi tôi quyết định tìm ra một cái gì đấy chung với tất cả mọi người và mở cõi lòng mình với họ thì hóa ra tôi đang nói bằng một ngôn ngữ mà họ không hiểu được, giống như mình bị lạc vào một xứ sở hoang vu và xa lạ. Tôi càng có thêm kinh nghiệm thì càng cảm thấy khoảng cách và càng thấy xa hơn những gì xưa đồng điệu. Đem phân chia tâm hồn ra phần rạo rực, xốn xang và phần nhu nhược, yếu hèn, bằng vẻ dịu dàng tôi đi tìm sự nhận thức nhưng chỉ gặp sự chống trả quyết liệt và chịu nếm mùi cay đắng.
Và bạn sẽ hỏi, tình yêu là gì? Đó là sự ham mê khủng khiếp đối với tất cả những gì ta hình dung ra, những gì ta sợ, những gì ta hy vọng ở bên ngoài bản thân ta, khi ta nhận ra trong mình có một khoảng trống không được thỏa mãn và ta khát khao thức dậy ở mọi người một cái điều gì chung mà ta đang chịu đựng. Nếu ta bàn luận – thì ta mong được trở thành người làm chứng; nếu ta tưởng tượng – thì ta mong sự hình dung của mình cũng sẽ nảy ra trong đầu óc người khác; nếu ta cảm xúc – thì ta muốn tâm hồn người khác sẽ rung nhịp cùng với tâm hồn này, để cho đôi mắt của ai sẽ cháy lên khi bắt gặp, và sẽ rót ánh sáng của mình vào ánh sáng này, để cho bờ môi cháy bừng bằng máu nóng của con tim ai mà không gặp phải bờ môi giá băng và bất động. Tình yêu là thế đấy. Đó là mối liên hệ và là điều bí ẩn kết gắn một con người không chỉ với một con người mà với tất cả những gì sống động. Ta đi qua cuộc đời, và từ khoảnh khắc đầu tiên có điều gì đấy ở trong ta mãnh liệt khát khao một điều gì tương tự. Điều này, có lẽ, cũng giống như con trẻ hướng về vú mẹ, ta càng lớn lên thì niềm khát khao này cũng lớn lên. Trong cái “tôi” của tâm hồn, ta mang máng nhìn ra cái bản sao tí hon của ta nhưng ta coi thường và đoán xét nó, cái hình mẫu lý tưởng mà ta có thể hình dung ra trong bản chất của con người. Không chỉ diện mạo bề ngoài mà tất cả những bộ phận cấu thành nên con người ta, tấm gương phản chiếu chỉ những hình ảnh sáng sủa và thanh khiết; hồn trong hồn ta vẽ ra thiên đàng của mình bằng một vòng ma thuật mà không cái ác hay sự buồn rầu, đau khổ nào có thể đi qua. Ta thường so sánh thiên đàng này với tất cả tình cảm của mình và ước mong tìm ra một cái gì tương tự. Đi tìm cái tương đồng của mình; đi tìm một đầu óc thông minh, biết đánh giá; tìm một sự hình dung có khả năng hiểu rõ những cung bậc tinh tế, khó nắm bắt của tình cảm mà ta nâng niu, trìu mến; một thể xác cùng biết rung một nhịp như bộ dây của hai cây đàn hòa theo giọng ca tuyệt vời của người ca sĩ; tìm ra tất cả trong một sự tương đồng, đó là điều mà tâm hồn ta khao khát – đấy là cái mục đích không nhìn ra và không thể đạt đến, là cái mà tình yêu khát khao hướng đến. Để đạt được mục đích này, tâm hồn buộc ta nắm bắt dù chỉ là cái bóng nhỏ nhoi của cái người, mà nếu thiếu, thì con tim không hề yên nghỉ. Bởi thế, khi ở trong tình trạng cô đơn hoặc trong cái hoang vắng giữa những người không hiểu ta, ta yêu cỏ, yêu hoa, yêu bầu trời, yêu dòng nước chảy. Trong cái run rẩy của chiếc lá mùa xuân, trong bầu không khí màu xanh ta tìm ra sự hoà nhịp thầm kín với con tim mình. Trong ngọn gió không lời có tài hùng biện, trong tiếng rì rào giữa những cây lau có khúc nhạc du dương êm ái và có một mối liên hệ không nhìn thấy của chúng với một cái gì đó ở trong ta, làm nảy sinh ra trong hồn ta một điều gì mừng rỡ, bao trùm lấy hơi thở; khơi ra dòng lệ thật đằm thắm, dịu dàng, giống như lòng tự hào về đất nước, quê hương hay giọng nói của người yêu dấu chỉ nói cho một mình ta. Sterne* nói rằng, giá mà ông một mình giữa bãi hoang thì có lẽ ông đã yêu một cây thông nào đấy. Khi lòng khát khao này, khả năng này chết đi thì con người sẽ trở thành một quan tài sống: chỉ còn lại cái vỏ mà trước đây đã từng có”.

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]

www.nguonhyvong.com