Thánh Vịnh 103 trong Kinh Thánh là bài thơ thích hợp nhất cho Mùa Tạ Ơn vì nó cho ta thấy ý nghĩa sâu xa của Lễ Cảm Tạ, không phải là Lễ Cảm Tạ chỉ mới có vài trăm năm nay tại Hoa Kỳ nhưng là Lễ Cảm Tạ và tinh thần cảm tạ đã có hằng ngàn năm trước trong Thánh Kinh.

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa dặn dò con dân Chúa mỗi năm phải giữ ba ngày lễ quan trọng đó là lễ Vượt Qua, kỷ niệm ngày họ được giải phóng khỏi ách nô lệ tại Ai-cập. Ngày lễ thứ hai họ phải giữ là Lễ Ngũ Tuần hay Lễ 50 ngày, tức là 7 tuần lễ kể từ ngày bắt đầu gặt lúa. Và lúc cuối năm họ phải giữ lễ Lều Tạm hay Lễ Mùa Gặt, lúc đã thu hoạch mùa màng xong xuôi. Đây là ngày lễ mang ý nghĩa tạ ơn như chúng ta có ngày hôm nay. Tạ ơn vì đã tiếp nhận được tất cả hoa lợi mùa màng đến từ Thiên Chúa. Những ngày lễ trong Kinh Thánh mang ý nghĩa nhắc nhở vì quên là bản tính thông thường của con người. Trong Mùa Tạ Ơn năm nay, chúng ta hãy cùng nhau tự nhắc mình về những ơn lành của Thiên Chúa để tạ ơn Ngài.
Trong câu chuyện Phúc Âm tuần trước, chúng ta đã nói đến lý do chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa dựa vào Thánh Vịnh 103. Hôm nay, chúng ta sẽ xét đến một khía cạnh khác của sự cảm tạ, đó là tinh thần cảm tạ hay phương cách cảm tạ. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa nhưng cảm tạ như thế nào? Hai câu mở đầu của Thánh Vịnh nầy cho thấy tinh thần cảm tạ đó.
Trước hết tác giả nói: “Hỡi linh hồn ta, hãy ca ngợi Chúa Hằng Hữu, mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng Danh thánh của Ngài.” Vua Đa-vít không nói với ai khác hơn là chính mình. Ông tự nhủ, tự nhắc mình hãy cảm tạ Thiên Chúa. Đây cũng là điều chúng ta cần làm trong Mùa Cảm Tạ. Dĩ nhiên chúng ta cần được người khác nhắc nhở về tinh thần cảm tạ và với lòng biết ơn nhưng trên hết chính chúng ta cần ý thức về vấn đề nầy để sống với tinh thần cảm tạ và lòng biết ơn đó vì chúng ta là tạo vật của Thiên Chúa. Vua Đa-vít chẳng những nói với chính mình nhưng ông nói với linh hồn của mình: “Hỡi linh hồn ta hãy ca ngợi Chúa Hằng Hữu.” Linh hồn là nói đến cái gì sâu thẳm nhất trong con người. Chúng ta thường nói “từ đáy lòng” của mình. Và đây cũng là điều tác giả tự nhủ: “Hồn ta hỡi hãy ngợi ca Thiên Chúa, cảm tạ ơn Ngài tự đáy tâm can.” Tinh thần tạ ơn hay lòng biết ơn thật phải phát xuất từ đáy lòng, nếu không, đó chỉ là một cái gì hời hợt bên ngoài. Chúng ta thường nghe những câu như “thành thật tri ân” hay “chân thành cảm tạ” nhưng người nói nhiều khi không còn để ý đến những gì mình nói nữa. Đó chỉ là những câu đầu môi chót lưỡi, thiếu đi sự chân thành từ đáy tim của mình. Con người chúng ta cần biết ơn Thiên Chúa cách thành thật từ đáy lòng của mình vì những lý do mà chúng ta đã nhắc đến lần trước: vì Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, hơi thở. Ngài cũng đã ban ơn cứu rỗi và tha thứ cho chúng ta. Không biết ơn Chúa từ đáy lòng của mình là một thiếu sót lớn.
Tác giả Thánh Vịnh chẳng những nói lời cảm tạ phát xuất từ đáy tim, ông cũng nói đến lòng biết ơn đến từ khối óc. Tác giả không trực tiếp nói đến trí óc nhưng ông nói đến việc quên đi ân huệ của Chúa. Tác giả nói: “Hỡi linh hồn ta hãy ca ngợi Chúa Hằng Hữu, đừng quên ân huệ của Ngài.” Nhớ hay quên là việc làm của trí óc. Việc quên hay nhớ đó có khi vô tình, có khi cố ý nhưng vô tình hay cố ý cũng đều là điều đáng trách vì ơn lành Thiên Chúa ban cho chúng ta quá nhiều, quên đi thì thật là vô tình. Thật ra chữ “quên” trong Kinh Thánh thường nói đến việc cố tình hay cố ý quên. Chữ “quên” thường đi chung với hành động vô ơn. Chúa cảnh cáo con dân của Ngài trước khi họ vào Đất Hứa là họ phải cẩn thận vì nếu không cẩn thận, họ sẽ quên ơn Chúa. Lãnh tụ Mai-sen đã nói với con dân Chúa như sau: “Ngươi khá cẩn thận kẻo quên Chúa Hằng Hữu… e răng sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở, thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc vàng và mọi tài sản mình dư dật rồi thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Chúa Hằng Hữu là Đấng đã đem ngươi ra khỏi Ai-cập.” Mặc dầu được cảnh cáo như vậy, con dân của Chúa cũng đã quên ơn Chúa. Một khi đặt chân vào Đất Hứa, hưởng thụ tất cả ơn lành của Thiên Chúa, con dân Chúa đã vội quên ơn Chúa và họ đã phạm hai lỗi lầm mà chính Chúa đã cảnh báo họ. Đó là họ đã tự cao, kiêu ngạo, cho rằng chính mình chứ không phải một ai khác đã giúp cho mình có nhà cao, cửa rộng, bạc tiền dư dật. Họ quên đi rằng nếu Thiên Chúa không giải phóng họ ra khỏi Ai-cập thì họ vẫn còn là nô lệ tại đó. Đây cũng là lỗi lầm chúng ta dễ mắc phải một khi giàu có, dư dật và có trong tay tất cả những gì chúng ta mơ ước. Chúng ta nghĩ rằng bàn tay mình đã tạo nên tất cả mà quên đi rằng sự sống, sức khỏe, khả năng, dịp tiện, sự tự do và tất cả những điều khác đều đến từ Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không ban cho chúng ta sự sống sức khỏe và tất cả những điều đó thì chúng ta làm được gì, vậy mà chúng ta đã vội quên ơn Ngài và cho rằng bàn tay mình đã làm nên tất cả!
Lỗi lầm thứ hai con dân Chúa mắc phải khi họ quên ơn Chúa là họ đi phụng thờ và cảm tạ những thần tượng khác thay vì Thiên Chúa. Thánh Phao-lô trong lá thư gửi cho những nguòi sống tại kinh thành La-mã trong thế kỷ thứ nhất đã nói: “Họ dẫu biết Đức Chúa Trời nhưng không làm sáng Danh Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài. Họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.” Đổi vinh quang Thiên Chúa để lấy hình tượng con người và hình tượng loài chim, loài thú. Đó là điều con người đã làm khi họ quên ơn Chúa. Hình tượng mà con người dùng để thay thế Đức Chúa Trời ngày nay không nhất thiết là những hình tượng bằng kim loại hay gỗ đá nhưng là những chủ thuyết, những mục tiêu mà mình tôn sùng, đeo đuổi. Đó là thần vật chất, thần khoái lạc, tiền tài, danh vọng và tất cả những điều kéo con người xa lìa Thiên Chúa, quên đi ơn lành của Ngài.
Trong Mùa Cảm Tạ, hai điều quan trọng chúng ta không thể quên đó là con tim và khối óc của chúng ta. Tinh thần cảm tạ phải phát xuất từ đáy lòng và chúng ta phải tự nhủ với tâm trí mình rằng, đừng bao giờ tự cao và phụng thờ những thần tượng khác mà quên ơn Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, hơi thở và ơn cứu rỗi, chúng ta lại quên ơn Ngài sao? “Hồn ta hỡi hãy ngợi ca Thiên Chúa, chúc tụng Danh Ngài tự đáy tâm can. Hồn ta hỡi hãy ngợi ca Thiên Chúa, đừng bao giờ quên ân huệ Chúa ban!”

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]

www.nguonhyvong.com