Cơm áo là hai nhu cầu lớn nhất của con người ở mọi thời đại, ở mọi quốc gia. Ngày xưa, khi sống trên trần gian nầy, Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng biết nhu cầu đó của con người nên đã hơn một lần, Chúa dùng quyền năng của Ngài ban bánh cho những người theo Ngài.

Điều đáng buồn là người ta chỉ trông thấy bánh đó và tiếp tục theo Chúa vì bánh, hay nói khác đi, người ta chỉ đi theo Chúa vì nhu cầu vật chất. Chúa Cứu Thế muốn cho mọi người thấy rằng ở đời nầy còn có những điều giá trị hơn vật chất rất nhiều nên đang khi người ta đến với Chúa vì bánh, vì nhu cầu vật chất, Chúa đã phán với họ những lời như sau: “Ta là bánh của sự sống, ai đến cùng ta chẳng hề đói và ai tin ta chẳng hề khát.”
“Ta là bánh của sự sống,” đó là lời tuyên bố của Chúa Giê-xu, cũng tương tự như lời tuyên bố, “Ta là ánh sáng của trần gian” chúng ta đã cùng nhau thảo luận tuần trước. “Ta là ánh sáng của trần gian” nói về sự hướng dẫn của Chúa giữa cuộc đời tăm tối, còn lời tuyên bố, “Ta là bánh của sự sống,” nói về sự cung cấp của Thiên Chúa cho đời sống. Sự cung cấp của Thiên Chúa chẳng những nói đến những gì Ngài đã ban trong thiên nhiên, nhưng cũng nói đến những điều Ngài cung cấp trong đời sống hằng ngày và trên hết, nói đến sự thỏa mãn hoàn toàn trong đời sống.
“Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp,” từ trong văn học dân gian ta đã nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong đời sống mọi người. Người dân quê Việt Nam biết rằng nếu không có mưa thuận gió hòa, nếu không có ơn mưa móc, sẽ không có nước mà uống, không có ruộng mà cày. Và không có mưa, không có nước cũng có nghĩa là không có cơm để ăn và ngay cả nhiên liệu là rơm đun bếp cũng không có nữa! “Ta là bánh của sự sống” trước hết nói đến sự cung cấp của Thiên Chúa từ thiên nhiên mà Ngài đã tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ tốt đẹp nầy cho con người chúng ta thụ hưởng, không phân biệt một ai. Thánh Kinh dạy: “Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.” Ánh nắng mặt trời cũng như mưa móc là ơn Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người. Chúng ta thụ hưởng và cần bày tỏ lòng biết ơn khi thụ hưởng những ơn đó.
Những điều chúng ta thụ hưởng bình thường hằng ngày trên trái đất nầy lắm khi chúng ta coi thường nhưng thật sự là ân phúc lớn lao của Đức Chúa Trời. Không khi để thở chẳng hạn, chúng ta không phải trả một đồng nào, trong khi các phi hành gia bay vào không gian phải được trang bị bằng một bộ áo phi hành đặc biệt trị giá đến 6 triệu Mỹ kim mới có thể sinh hoạt bình thường như chúng ta trên quả đất này. Người ta cũng tính phải tốn đến 100 Mỹ kim để cung cấp một gallon nước cho những người đi trong các phi thuyền nầy. Không khí để thở, nước để uống là những điều chúng ta thấy rất bình thường nhưng thật là quý giá mà Thiên chúa đã cung cấp.
Lời tuyên bố “Ta là bánh của sự sống” cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa là nguồn cung cấp mọi nhu cầu cho đời sống. Hay nói khác đi, Thiên chúa biết và Thiên Chúa luôn luôn tiếp trợ cho chúng ta đầy đủ nh cầu hằng ngày. Bản tính thông thường của con người chúng ta là lo lắng, lo cho miếng cơm manh áo. Những người mới qua Mỹ lo mà những người ở đây đã lâu cũng lo. Kiếm sống là một nhu cầu của đời sống cho nên lo là chuyện dĩ nhiên. Tuy nhiên lắm khi sự lo xa của chúng ta đã trở thành lo lắng. Và từ lo lắng những điều lẽ ra là phương tiện đã trở thành cứu cánh của đời sống và chúng ta trở thành nô lệ cho những điều đó. Chúng ta không phủ nhận những nhu cầu thiết yếu của đời sống, tuy nhiên chúng ta cần có cái nhìn đầy đủ hơn vào vấn đề.
Vấn đề là vấn đề cơm áo và vấn đề là vấn đề thái độ. Vấn đề là vấn đề nhu cầu và vấn đề là vấn đề ưu tiên. Thiên Chúa không phủ nhận nhu cầu cơm áo của con người nhưng Thiên Chúa cho chúng ta thấy có một nhu cầu cấp bách hơn, quan trọng hơn, đó là nhu cầu tâm linh. Nhu cầu tâm linh được mô tả như sau: “Sự sống há chẳng quý trọng hơn hơn đồ ăn sao? Thân thể há chẳng quý trọng hơn quần áo sao?” Thức ăn đưa vào người không quan trọng bằng chính con người. Áo quần che thân thể không quan trọng bằng chính thân thể. Những khi đau yếu không thiết đến ăn uống, lúc đó ta thấy sức khỏe thật là cần thiết và sự sống bên trong con người mới quan trọng. Tương tự như vậy với mảnh vải che thân. Bạn có thấy là mỗi khi vào bệnh viện người ta khoác lên cho chúng ta chiếc áo choàng mỏng manh của bệnh viện không? Điều quan trọng lúc đó không phải là ăn mặc như thế nào, dù là tài tử trứ danh hay là tổngthống thủ tướng đi nữa. Ta chỉ cần mảnh vải đủ che thân, sự chữa trị, thân thể của chúng ta mới quan trọng. Miếng cơm, manh áo vì vậy là phương tiện chứ không phải cứu cánh nhưng nhiều khi chúng ta đã vin vào đó, cứ bảo là có nhu cầu và rồi xao lãng bao nhiêu điều quan trọng khác.
Một bài học quan trọng khác rút ra từ thiên nhiên là bài học loài chim trên trời và cỏ hoa nơi đồng nội. Chim không gieo gặt, hoa cỏ không dệt may nhưng cả hay đều không thiếu ăn thiếu mặc. Một lần nữa Thiên Chúa cho thấy giá trị của con người, con người quý hơn loài chim loài hoa rất nhiều. Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Ngài chắc chắn sẽ chăm sóc chúng ta. Lời khuyên của Chúa cho vấn đề nầy vì vậy là phải ý thức được vấn đề giá trị và biết đặt ưu tiên. Giá trị là giá trị tâm linh và ưu tiên là ưu tiên tâm linh: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” “Mọi điều ấy” là nhu cầu vật chất, là cơm ăn áo mặc. Chúa hứa ban những điều đó cho chúng ta nếu chúng ta biết trước hết đeo đuổi những giá trị tâm linh, biết tìm kiếm Nước Trời.
Đó cũng là ý nghĩa thứ ba của câu: “Ta là bánh của sự sống.” Bánh của sự sống là bánh đem lại sự sống, bánh ban cho chúng ta ý nghĩa của đời sống. Con người chúng ta chạy theo bánh vì nghĩ rằng bánh đem lại cho chúng ta sự sống. Bánh là nói chung đến những gì thuộc phạm vi vật chất. Bánh có đem lại cho chúng ta sự sống, nhưng đó chỉ là một phần của đời sống như lời Chúa đã dạy cho con dân Chúa từ ngàn xưa: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi.” Con người sống nhờ bánh nhưng không phải chỉ nhờ bánh mà thôi, bánh thôi không đủ. Và lời Chúa dạy thêm, “nhưng nhờ mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời.” Con người là một sinh vật tâm linh nên cần thức ăn tâm linh là lời của Thiên Chúa. Chính thức ăn tâm linh, chính đời sống tâm linh mới làm cho con người sống thật.
Chúa phán: “Ai đến cùng ta chẳng hề đói và ai tin ta chẳng hề khát.” Đây là đói khát tâm linh mà người nào đến với Chúa sẽ luôn được thỏa mãn. Có hai chữ quan trọng chúng ta cần để ý trong lời dạy của Chúa là “đến” và “tin.” Hai chữ nầy có thể đồng nghĩa: người tin Chúa là người đến với Chúa. Và cũng có thể là một tiến trình: đến với Chúa rồi tin nhận Ngài. Nhưng dù là tiến trình hay đồng nghĩa, điều quan trọng là hành động, hành động của những người nghe lời Chúa. Chúng ta nghe và đáp ứng lại lời mời gọi của Chúa.
Cũng có hai chữ quan trọng nữa đáng cho chúng ta suy nghĩ đó là “đói” và “khát.” Tôi không nghĩ là Bạn đang đói và khát giờ nầy nhưng có một đói khát tâm linh, một cái gì xao xuyến trong tâm hồn mà có lẽ Bạn chưa bao giờ tìm được lời giải đáp. Bạn thân mến, Chúa Giê-xu phán, “Ta là bánh của sự sống.” Đây không phải là sự sống thân xác nhưng là sự sống tâm linh. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã xả thân của Ngài trên cây thập tự để chúng ta có được sự sống đó. Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ sống vô cùng và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt ta.” Bánh Chúa ban cho chúng ta chính là thịt của Chúa, tức là mạng sống của Ngài. Chính Ngài phải chịu chết để chúng ta được sống.
Chúa chết để chúng ta được sống, nghe như nghịch lý nhưng đó chính là chân lý. Vì tội lỗi con người phải chết nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã gánh thế tội, chịu chết thế cho chúng ta nên chúng ta không phải chết nữa, nhưng được sống. Đó là sự sống tâm linh và cũng là một cuộc sống thỏa mãn, có ý nghĩa, không bao giờ khao khát gì thêm nếu chúng ta chịu đến với Chúa và bằng lòng đặt lòng tin nơi Chúa. Khi ta ký thác trọn đời ta vào tay Chúa, ta sẽ tiếp nhận sự sống từ nơi Chúa và ta sẽ không còn phải chạy đi tìm ý nghĩa của đời sống ở một nơi nào khác nữa!
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

www.tinlanh.org 

 Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]