“Tôi tin! Xin Thầy thêm đức tin cho tôi” (Mac 9:24). Chúng ta không biết tên của người đã nói với Chúa Giê-xu những lời đáng ghi nhớ này. Dù là ai thì những lời ông ta nói đã diễn tả đầy trọn những lo âu của nhiều Cơ Đốc nhân.

Lời tựa
1 Nghi ngờ là gì?
2 Nghi ngờ Phúc Âm
3 Nghi ngờ chính mình
4 Nghi ngờ Chúa Giê-xu
5 Nghi ngờ Thượng Đế
6 Làm sao xử lý
Lời Tựa
“Tôi tin! Xin Thầy thêm đức tin cho tôi” (Mac Mc 9:24). Chúng ta không biết tên của người đã nói với Chúa Giê-xu những lời đáng ghi nhớ này. Dù là ai thì những lời ông ta nói đã diễn tả đầy trọn những lo âu của nhiều Cơ Đốc nhân. Họ đã khám phá ra trong Chúa Cứu Thế một điều gì tuyệt vời hơn điều họ từng hy vọng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn còn những nỗi nghi ngờ phiền toái. Tôi có thực sự tin Phúc Âm không? Chắc chắn điều gì tốt quá khó có thật được! Thượng Đế có thật sự yêu tôi không? Tôi có thể giúp ích được gì cho Chúa? Trong thâm tâm nhiều Cơ Đốc nhân đã lo lắng về những vấn đề tương tự và họ thường xấu hổ vì cảm thấy thế. Do đó, họ đã đè nén những nỗi nghi ngờ với hy vọng rằng chúng sẽ tan biến. Cũng có khi chúng biến đi nhưng thường thì không. Cuốn sách này giải thích nghi ngờ là gì và do đâu mà có. Nó cũng đề cập một loạt đến những nghi ngờ đặc trưng và những lo lắng mà Cơ Đốc nhân thường gặp trong những năm đầu của đời sống tín đồ. Nó cũng nêu những gợi ý để đối phó với sự nghi ngờ và giúp cho đức tin của bạn ít bị lung lay. Chủ đề của sách rất đơn giản: Nghi ngờ là một lời mời gọi để đức tin và hiểu biết tăng trưởng hơn là điều khiến chúng ta hoảng sợ hay lo lắng. Tất cả chúng ta phải học cách thức nắm lấy cũng như đánh giá cao ‘Khía cạnh tích cực của sự nghi ngờ’ (Tennyson)
Alister McGrath
Nghi ngờ là gì?
Rất nhiều Cơ Đốc nhân không muốn đề cập đến sự nghi ngờ. Một số người lại còn không muốn nghĩ đến nữa. Vì thừa nhận mình nghi ngờ dường như có nghĩa là sỉ nhục Chúa và ngờ vực sự trọn vẹn của Ngài. Nếu bạn nghĩ thế cũng dễ hiểu thôi, về phần bạn, có thể bạn cho rằng thừa nhận những nghi ngờ là dấu hiệu của sự yếu đuối về tâm linh hay trí tuệ; mặt khác, có thể bạn không muốn thừa nhận những nỗi nghi ngờ đó với bạn bè, vì biết đâu điều đó làm họ rối trí hoặc đức tin của họ bị tổn hại. Do đó, nhiều Cơ Đốc nhân đã giấu kín những nỗi ngờ vực vì cho rằng thừa nhận những điều đó là sai lầm. Họ sợ bị coi là ngu dốt, và cảm thấy lòng tự trọng sẽ bị tổn thương. Một trong những lý do khiến một số Cơ Đốc nhân gặp khó khăn khi đối phó với sự nghi ngờ là lầm lẫn giữa hai ý tưởng riêng biệt mà thoạt đầu dường như tương đồng nhưng thật ra lại khác nhau. Thứ nhất, sự nghi ngờ không phải là chủ nghĩa hoài nghi , là quyết định cố ý nghi ngờ mọi việc như một nguyên tắc. Thứ hai, nghi ngờ không phải là vô tín , nghĩa là quyết định không tin nơi Chúa. Vô tín là hành động của ý chí hơn là sự khó khăn trong việc tìm hiểu. Nghi ngờ thường có nghĩa là đặt câu hỏi hoặc nêu những điều không biết chắc trên quan điểm đức tin. Bạn có đức tin nhưng bạn gặp khó khăn hay băn khoăn về một khía cạnh nào đó của đức tin. Đức tin và nghi ngờ không loại trừ nhau như đức tin và vô tín. Nghi ngờ có lẽ là một đặc điểm thường xuyên của đời sống Cơ Đốc. Nó giống như một cơn sốt vỡ da (cơn sốt do sự phát triển cơ thể) về tâm linh. Có lúc lui đi, có lúc bộc phát dữ dội. Một bác sĩ đã từng nhận xét rằng cuộc đời là một cuộc chiến đấu thường xuyên chống lại mọi thứ bịnh tật. Sức khỏe tốt chỉ hơn khả năng chận đứng bịnh tật một chút. Về nhiều phương diện, đời sống đức tin cũng giống như một cuộc chiến đấu thường xuyên chống lại sự nghi ngờ. Xem nghi ngờ là dấu hiệu yếu đuối của con người, hay của sự không sẵn lòng tin cậy Chúa cũng giúp ích cho chúng ta. Chúng ta hãy triển khai tư tưởng này bằng cách tìm hiểu xem người ta đã đến với đức tin như thế nào.
Đến với đức tin từ những nỗi nghi ngờ chưa được giải quyết Có một cách hiểu sự quy đạo như sau. Nghi ngờ ngăn chận người ta đến với đức tin nơi Chúa. Sau khi đã tranh chiến với những nỗi nghi ngờ khác nhau và đã thắng hơn thì con đường dẫn đến đức tin được mở rộng. Việc đến với đức tin xảy ra khi mọi nỗi nghi ngờ được xua tan. Đức tin loại trừ nghi ngờ. Có thể một số người đã đến với đức tin bằng cách này, tuy nhiên, hầu hết không như vậy. Kinh nghiệm cho thấy có một cách khác để hiểu sự quy đạo đáng tin hơn. Nhiều người cảm thấy Lời Chúa lôi cuốn mạnh mẽ bất chấp mọi nghi ngờ. Một mặt những nghi ngờ của họ có thật và ngăn họ đến với đức tin; mặt khác, Lời Chúa lôi cuốn mạnh mẽ và kéo họ đến với đức tin. Cuối cùng họ quyết định đặt lòng tin nơi Thượng Đế và Chúa Cứu Thế Giê-xu dù những băn khoăn, lo lắng vẫn chưa được giải quyết. Họ vẫn còn do dự và hy vọng rằng những nghi ngờ và khó khăn sẽ được giải quyết khi đức tin họ lớn lên. Francis Bacon, triết gia của thế kỷ 17 trong tác phẩm Advancement of Learning đã khen ngợi cách này như sau: ‘Nếu một người bắt đầu với sự đoan chắc, cuối cùng anh ta sẽ nghi ngờ; nhưng nếu anh ta bằng lòng khởi sự với sự nghi ngờ, cuối cùng anh ta sẽ biết chắc’. Thí dụ minh họa điều này. Giả sử đang dự một bữa tiệc tẻ nhạt, bạn gặp một người và cảm thấy bị người ấy thu hút. Bạn làm quen với người ấy và rồi theo thời gian bạn nhận ra mình đang yêu người ấy. Tuy nhiên, bạn khựng lại và không để cho tình cảm ấy tiến xa hơn. Dù sao, bạn cũng không biết rõ người ấy mà; biết đâu người ấy có một tính xấu nào đó; bạn có thể tin tưởng được người ấy không? Và giống như nhiều người, bạn có thể mặc cảm về chính mình. Bạn tự hỏi không biết người kia thấy gì nơi bạn; có thể nào người ấy yêu bạn không? Bạn thật sự đã cảm thấy thích người ấy nhưng bạn đã khựng lại. Bạn nghi ngờ. Bạn không nhất quyết. Trong trường hợp này bạn có hai sự lựa chọn. Có thể bạn vẫn còn khựng lại và bị giam hãm trong những nỗi nghi ngờ, do dự. Nếu lúc nào chúng ta cũng làm vậy, chúng ta sẽ bỏ lỡ những cuộc phiêu lưu và những bất ngờ của cuộc sống như là tình yêu và tìm được đức tin Cơ Đốc. Hoặc bạn có thể liều. Bạn có thể tự nhủ: ‘Mình cứ thử xem và hy vọng mọi nỗi nghi ngờ lo lắng của mình sẽ tan biến dần’, và bạn cho phép mối quan hệ đó phát triển. Nhiều người đã trở thành Cơ Đốc nhân trong tinh thần đó. Nhận biết sức thu hút mãnh liệt của Lời Chúa, họ cảm động sâu xa khi nghĩ Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chết vì tội lỗi của họ, họ cảm thấy phấn khởi trước những lời hứa tha tội và ban đời sống mới. Họ quyết định vươn đến đức tin và sở hữu những điều đó. Còn các nỗi nghi ngờ, lo lắng, họ hy vọng chúng sẽ được giải tỏa và đặt vào đúng chỗ khi quan hệ của họ với Chúa được phát triển. “Tôi tin! Xin Thầy thêm đức tin cho tôi” (Mac Mc 9:4). Nếu bạn đang ở trong tình trạng này thì việc vật lộn với nghi ngờ là rất quan trọng trong cuộc đời Cơ Đốc của bạn. Cách mà bạn đến với đức tin sẽ đưa ra cho bạn những việc cần phải làm. Phải quyết định cần lựa chọn, sắp xếp những điều gì. Bạn sẽ muốn suy nghĩ đến một số câu hỏi thường xảy ra trong bất cứ mọi mối liên hệ cá nhân. Tôi có thể thật sự tin cậy Thượng Đế không? Ngài có thật sự yêu thương tôi không? Còn về những sự bất xứng riêng tư của cá nhân tôi thì sao? Ngài có biết con người thật của tôi là gì không? Và có thể có những sự nghi ngờ khác về Phúc Âm, về chính bạn, về Chúa Cứu Thế, và về chính Thượng Đế. Quyển sách này nhằm mục đích xử lý những vấn đề đó. Nhưng những sự nghi ngờ của bạn không hề làm mất hiệu lực kinh nghiệm trở lại tin Chúa của bạn – bạn thật sự là một Cơ Đốc nhân!
Nghi ngờ – điều nhắc nhở sự yếu đuối và tội lỗi của con người. Kinh Thánh nói về sự cứu chuộc. Chúng ta đã được giải phóng khỏi tội lỗi qua sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tuy nhiên sự cứu chuộc không phải được hoàn tất trong giây lát. Có một bé gái đã hỏi một giám mục rằng ông đã được cứu chưa. Ông đáp: “Tôi đã được cứu khỏi án phạt của tội lỗi, tôi đang được cứu khỏi quyền lực của tội lỗi và một ngày kia tôi sẽ được cứu khỏi sự hiện diện của tội lỗi”. Sự cứu rỗi đòi hỏi thời gian! Đó là một quá trình, qua đó đức tin chúng ta trưởng thành giống như một hạt giống lớn lên thành cây. Phân biệt rõ ràng sự xưng nghĩa và sự nên thánh rất hữu ích. Trong sự xưng nghĩa chúng ta được nhận làm con cái của Chúa; được ban cho Thánh Linh như là một ấn chứng hay sự xác nhận chúng ta là Cơ Đốc nhân. Còn nên thánh là một quá trình lâu dài, qua đó càng ngày chúng ta càng trở nên giống Chúa Cứu Thế hơn. Điều đó không xảy ra lập tức được. Sự kiện đòi hỏi thời gian không nói lên sự thất bại về phía Thượng Đế nhưng cho thấy rằng tội lỗi đã ăn sâu trong chúng ta như thế nào. Martin Luther đã sử dụng những từ rất thích hợp khi gọi Cơ Đốc nhân là những người đồng thời ‘vừa công chính vừa tội lỗi’ (simul iustus et peccator ). Ông muốn nói rằng Cơ Đốc nhân công chính vì ở trong mối quan hệ đúng đắn với Thượng Đế, nhưng tội lỗi vì chưa được xóa sạch khỏi bản chất tội. Cũng như một trận chiến quân sự, thắng lợi có tính cách quyết định đối với tội lỗi được hoàn tất trong sự quy đạo của chúng ta, nhưng cuộc tảo thanh vẫn còn phải tiếp tục để tiêu diệt những ổ đề kháng lẻ tẻ. Chúng ta tự lừa dối nếu nói mình không có tội chi hết (IGiang 1:8). Làm ngơ trước tội lỗi hay cho rằng không có tội lỗi là một hiểu biết sai lạc về tình trạng tội lỗi nghiêm trọng của con người. Đối với Phao-lô, ân điển và tội lỗi giống như hai quyền lực đang tranh chiến trong chúng ta. Chúng ta biết kết quả tối hậu của trận chiến ra sao, nhưng khi còn tiếp diễn, chúng ta không thể làm ngơ ảnh hưởng của nó. Một trong những ảnh hưởng đó là sự nghi ngờ. Nghi ngờ nói lên sự hiện diện thường xuyên và quyền lực của tội lỗi trong chúng ta, nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta cần ân điển, và ngăn cản chúng ta khỏi sự tự mãn về mối quan hệ chúng ta với Thượng Đế. Tất cả chúng ta đều là tội nhân và tất cả chúng ta đều có những nghi ngờ ở những mức độ khác nhau. Chúng ta cần vun đắp mối quan hệ với Thượng Đế, và ý thức rằng khi làm điều này, chúng ta đang làm với Chúa chứ không phải bằng sức mình (Philip 2:12,13). Tội lỗi khiến chúng ta không tin cậy những lời hứa của Chúa và nghi ngờ Ngài. (Chính sự không tin cậy Chúa là ‘nguyên tội’ ở Sang Ky The 3:1-5). Tội lỗi chỉ cầm quyền trên chúng ta bằng cách làm chúng ta xây khỏi Thượng Đế. Đức tin không chỉ là quyết tâm và khả năng tin cậy mà còn là ống dẫn ân điển của Chúa, là đường dây dẫn sự sống Chúa vào chúng ta. Đức tin cũng giống như một thân cây chuyển nhựa sống từ rễ đến cành để vừa chống đỡ vừa nuôi dưỡng chúng. Cắt đứt ống dẫn nhựa, cành cây sẽ khô héo (Giang 15:1-8). Sau khi quy đạo nếu tội lỗi có chiếc lược gì với bạn thì chiến lược đó chính là cắt đứt ống dẫn này để bạn không đến gần được những lời hứa và quyền năng của Thượng Đế và để tội lỗi trở lại cầm quyền trên đời sống bạn. Thế nên, cần phải nhìn sự nghi ngờ ở đúng chỗ của nó, đó là trong cuộc chiến chống lại tội lỗi (Heboro 12:4). Nghi ngờ không phải là một hiện tượng tách rời nhưng là một phần khắng khít của quá trình tăng trưởng trong đức tin, quá trình đọ sức kháng cự của bản chất cũ trong chúng ta. Tuy nhiên, cũng không hoàn toàn đúng khi mô tả nghi ngờ là do tội lỗi con người mà ra. Nghi ngờ cũng nói lên sự yếu đuối của con người. Những giới hạn khắc nghiệt đặt trên khả năng của con người do sự kiện chúng ta là tạo vật chứ không phải là Thượng Đế đã là một đề tài chính của Thần học Cơ Đốc qua nhiều thế kỷ. Để phản đối những ý niệm quá dễ dãi về Thượng Đế của thế kỷ 15, Augustine đã nhận xét nỗi bất lực của con người trong việc nhận thức về Thượng Đế cách trọn vẹn. Nếu bạn có thể hiểu được Ngài thì Ngài không còn là Thượng Đế nữa. Thế kỷ 13 Thomas Aquinas đã nhấn mạnh rằng Chúa đã phải dùng hình ảnh và thí dụ để nói với chúng ta. Tại sao vậy? Vì sự yếu kém của trí tuệ chúng ta. Chúng ta không thể hiểu biết Chúa và đường lối Ngài cách trọn vẹn, do đó Ngài đã phải tự bày tỏ tuy không trọn vẹn để thích hợp với khả năng giới hạn của chúng ta, nhưng đó là sự bày tỏ rất chính xác và thỏa đáng. Điều này nói lên sự giới hạn của chúng ta chứ không phải của Ngài. Thế kỷ 16, John Calvin đã đưa ra câu châm ngôn nổi tiếng ‘Chúa tự hạ xuống để thích hợp với sự yếu đuối của chúng ta’. Nói một cách khác, Chúa biết giới hạn của chúng ta và Ngài đã tự hạ xuống cho thích ứng với chúng ta. Chúng ta không thể xem toàn thể bức tranh vì vậy Chúa cho chúng ta một bản hướng dẫn đáng tin cậy chỉ rõ những điểm quan trọng về nội dung của nó. Không thể làm gì hơn được nữa vì những giới hạn của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta gặp trở ngại khi cố hiểu về Chúa và thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là đức tin của chúng ta bị đặt sai chỗ. Một ví dụ về sự yếu kém của con người tác động đến cách nhìn sự vật giúp chúng ta hiểu rõ điều trên hơn: Giả sử, bạn muốn nhìn những ngôi sao hay dãi ngân hà. Bạn không thể làm điều này giữa ban ngày mà phải đợi trời tối. Ban ngày các vì sao vẫn có đó nhưng bạn không thể nhìn thấy. Các ngôi sao không cần bóng tối để hiện hữu nhưng chúng ta cần bóng tối nếu muốn nhìn thấy và biết chắc rằng chúng hiện hữu. Đối với Chúa cũng vậy, cũng như mắt chúng ta không thể thấy các ngôi sao vào ban ngày, trí chúng ta cũng không thể hiểu biết trọn vẹn về Ngài. Vấn đề nằm ở chỗ cách chúng ta kinh nghiệm sự vật hơn là thực trạng của sự vật. Vì là người nên chúng ta có những giới hạn trong việc nhìn, biết và hiểu các sự vật. Sẵn sàng chấp nhận những giới hạn này là phần thiết yếu cho đức tin được tăng trưởng. Tự nhiên chúng ta muốn thấy và biết nhiều hơn. Nhưng chẳng khác gì muốn nhìn thấy những ngôi sao lúc ban ngày, điều đó vượt quá khả năng của đôi mắt chúng ta. Nếu chúng ta nói: ‘Vì tôi không nhìn thấy những ngôi sao trong ánh sáng ban ngày nên những vì sao không có thật’ thì ta đã lầm lẫn giữa cách nhận thức sự vật với thực trạng của sự vật. Nghi ngờ thường phản ánh sự băn khoăn, lo lắng về mối liên hệ giữa kinh nghiệm lý trí, tình cảm và đức tin. Có lúc những điều này dường như trái ngược nhau. Vậy chúng ta tin vào điều gì? Cái nào đúng? Sự hiểu biết đúng đắn ở đây là sự yếu kém của ta đã khiến ta không hiểu đầy đủ những điều đó liên hệ với nhau như thế nào. George MacDonald đã nói rằng ‘Bất cứ điều gì khó khăn đều dẫn đến một điều cao hơn lý thuyết của cuộc sống chúng ta’. Đức tin đảm bảo rằng dù chưa thấy được một cách trọn vẹn thì chúng ta vẫn thấy được một cách chắc chắn (ICorinhto 13:12).
Tìm kiếm sự chắc chắn là điều vô vọng Sâu xa trong mỗi chúng ta là niềm mong ước có được sự an toàn tuyệt đối, khả năng nhận biết sự chắc chắn tuyệt đối. Nhưng sự chắc chắn tuyệt đối chỉ dành cho một số ít niềm tin. Thí dụ những điều hiển nhiên hay có thể chứng minh một cách lô-gíc. Cơ Đốc giáo không liên quan đến những chân lý hiển nhiên như 2+2=4. Ta có thể biết chân lý này một cách chắc chắn tuyệt đối, nhưng những điều này liên quan gì đến cuộc sống? Biết 2+2=4 chẳng cho ta biết gì về ý nghĩa cuộc sống. Thành thật mà nói, những điều bạn có thể biết chắc chắn lại thật sự không quan trọng mấy. Tennyson đã nói rõ như vậy trong The Ancient Sage Vì chẳng có điều gì đáng chứng minh, Có thể được chứng minh hay bác bỏ ; Do đó hãy khôn ngoan bám chặt Khía cạnh lạc quan của sự nghi ngờ. Những điều tin tưởng thật sự quan trọng trong đời sống liên quan đến những sự việc như: Có Đấng Thượng Đế không và Ngài ra sao? hay: Bí mật của bản chất con người và định mệnh. Những niềm tin đó và những niềm tin quan trọng khác có hai đặc điểm căn bản. Trước hết, chúng liên quan đến cuộc sống. Chúng đã ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ, sống, hy vọng và hành động. Thứ hai, chúng không thể được chứng minh là đúng hay sai một cách hoàn toàn chắc chắn. Từ bản chất chúng đã mang ý nghĩ nội tại là không thể biết được một cách chắc chắn tuyệt đối. Cách tốt nhất là chúng ta chỉ hy vọng rằng những điều đó có thể đúng. Yếu tố nghi ngờ luôn luôn có trong bất cứ sự bày tỏ nào vượt quá thế giới của luận lý và của mệnh đề hiển nhiên. Cơ Đốc giáo ở cùng tình trạng này, và không phải duy chỉ có Cơ Đốc giáo, một người vô thần hay một người Mác-xít cũng phải đối diện với chính tình trạng khó xử này. Bất có ai muốn nói về ý nghĩa của cuộc sống phải đưa ra những lời phát biểu dựa trên đức tin chứ không trên sự chắc chắn. Dù sao đi nữa Thượng Đế không phải là một mệnh đề, Ngài là một Thân vị. Chúng ta không thể nhìn thấy và sờ thấy Chúa, chúng ta không thể đòi hỏi Ngài chứng minh về sự hiện hữu hay tính tình của Ngài. Chúng ta chỉ biết Ngài qua đức tin. Nhưng tâm trí con người đòi hỏi nhiều hơn “Hãy cho chúng tôi một dấu lạ, hãy chứng minh”, đây là một vấn đề muôn thuở. Những người nghe Chúa Giê-xu dạy đã muốn thấy dấu lạ (Mathio 12:38) – điều để xác nhận uy quyền của Ngài, điều để thuyết phục họ không nghi ngờ nữa. Tin cũng như quyết định không tin Chúa đều đòi hỏi hành động của đức tin. Cả hai đều không đặt căn bản trên sự chắc chắn tuyệt đối và cũng không thể được. Chấp nhận Chúa Giê-xu, đòi hỏi một bước nhảy vọt trong đức tin mà chối bỏ Chúa Giê-xu cũng vậy. Không ai có thể chứng minh rằng Giê-xu là Con Thượng Đế, là Đấng Cứu Thế của nhân loại cũng như không có ai có thể chứng minh ngược lại. Mọi thái độ đối với Chúa Giê-xu ngoại trừ quyết định không có thái độ nào cả – đều dựa trên đức tin chứ không phải trên sự chắc chắn. Tác giả người Mỹ, Sheldon Vanauken, đã làm sáng tỏ điều này khi mô tả cuộc chiến trong trí khi ông quy đạo tại Oxford:
“Có một khoảng cách giữa điều có thể và điều đã được chứng minh. Làm thế nào tôi có thể vượt qua được? Nếu phải đặt cả cuộc đời trên nền tảng Chúa Cứu Thế Phục sinh thì tôi muốn có bằng cớ. Tôi muốn có sự chắc chắn, muốn thấy Ngài ăn một miếng cá, muốn những chữ lửa xẹt ngang bầu trời. Nhưng tôi chẳng có được gì cả… Vấn đề tôi sẽ tin nhận hay chối bỏ Ngài. Sau lưng tôi cũng có một khoảng trống nữa, Chúa ơi! Có lẽ bước nhảy vọt đến sự tin nhận là một sự liều lĩnh khủng khiếp, nhưng còn bước nhảy vọt đến sự chối bỏ thì sao? Không có gì chắc chắn rằng Chúa Cứu Thế là Thượng Đế – nhưng Chúa ôi! – cũng chẳng có gì để khẳng định rằng Ngài không phải là Thượng Đế. Không thể chịu nổi được nữa. Tôi không thể chối bỏ Chúa Giê-xu. Chỉ còn một điều tôi cần phải làm ngay lập tức khi đã nhìn thấy khoảng trống sau lưng. Tôi đã xây lưng khỏi đó, nhảy qua khoảng cách đến với Chúa Giê-xu”. Thật sự có một bước nhảy vọt đức tin trong Cơ Đốc giáo nhưng kinh nghiệm Cơ Đốc là được chào đón một cách an toàn bởi một Thượng Đế hằng sống và yêu thương đã dang tay đợi chờ. Martin Luther đã nói về điều đó như sau: ‘Đức tin là sự đầu hàng tự nguyện, và là sự đánh cuộc đầy vui mừng trên sự tốt lành mà ta không thấy được, không thử được và không biết được về Thượng Đế’. Mọi quan điểm về cuộc sống, mọi lý thuyết về ý nghĩa sự hiện hữu của con người đều đặt trên đức tin, trên điều không thể chứng minh cách chắc chắn tuyệt đối. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi quan điểm và lý thuyết đó đều có khả năng được chấp nhận như nhau. Chúng ta hãy thử lấy 3 lý thuyết về Chúa Giê-xu để minh họa điểm này: 1. Chúng ta đã được cứu chuộc khỏi tội lỗi bởi sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu. 2. Chúa Giê-xu và các môn đệ của Ngài thực sự là đội quân tiên phong thuộc về lực lượng xâm lăng của sao Hỏ a, do lạc đường đã lầm tưởng trái đất là sao Kim. 3. Chúa Giê-xu không hẳn là một người mà là một chất men gây ảo tưởng. Mặc dù cả ba lý thuyết này không thể được chứng minh hay bác bỏ cách chắc chắn tuyệt đối, nhưng rõ ràng không thể xét chúng với mức độ nghiêm túc ngang nhau. Không ai có thể chứng minh Cơ Đốc giáo bằng sự khẳng định, nhưng đó không phải là vấn đề. Những vấn đề quan trọng liên quan đến sự đáng tin cậy có cơ sở lịch sử, sự hữu lý, năng lực biến cải, cũng như mối liên quan đến đời sống con người của Cơ Đốc giáo. Như C. S. Lewis đã nhấn mạnh trong Mere Christianity , Cơ Đốc giáo có những phẩm chất ưu việt khác thường về mọi mặt. Hãy xem xét đi. Bạn có thể hoàn toàn tin cậy vào Phúc Âm như là lời giải đáp có quyền năng, đáng tin cậy và thỏa đáng sâu xa cho bí mật của đời sống con người. Đức tin, cơ bản là quyết tâm sống một cuộc đời dựa trên sự thừa nhận rằng có một số điều đúng và đáng tin cậy, trong niềm tin chắc rằng những điều đó là thật và đáng tin cậy, và tin rằng một ngày kia chúng ta sẽ biết một cách hoàn toàn chắc chắn những điều thật và đáng tin cậy.
Đức tin nông cạn là đức tin dễ bị lung lay Nông cạn là tai họa của thế kỷ XX. Đòi hỏi phải có sự thỏa lòng ngay dẫn đến những quan hệ riêng tư nông cạn và một đức tin Cơ Đốc nông cạn. Nhiều sinh viên lần đầu tiên khám phá ra Cơ Đốc giáo khi đang học tại đại học. Khám phá này thường xảy ra cùng lúc với những biến cố quan trọng khác như là việc rời mái ấm gia đình, cảm thấy yêu ai hay có được sự độc lập về suy nghĩ và hành động. Kết quả là ấn tượng đầu tiên thường được đặt trên những khía cạnh cảm xúc và kinh nghiệm của Cơ Đốc giáo. Điều này không có gì sai. Cơ Đốc giáo có những nguồn mạch phong phú cho những ai muốn nhấn mạnh đến vai trò kinh nghiệm trong đời sống đức tin. Nhưng đức tin không chỉ có thế. Đức tin có ba yếu tố chính. Trước tiên, đó là sự tin cậy vào Chúa. Đó là niềm vui mừng trong sự hiện diện và quyền năng của Ngài vì nhận được sự nhắc nhở, hướng dẫn của Ngài qua sự cầu nguyện và kinh nghiệm được Đức Thánh Linh thôi thúc và yên ủi. Đó là ước muốn sâu xa được gần gũi với Ngài, được ca ngợi danh Ngài và nhận biết sự hiện diện của Ngài. Trong nhiều phương diện, đức tin Cơ Đốc ở khía cạnh này giống như ta đang yêu một người nào đó. Đức tin này liên quan đến con tim hơn lý trí, thuộc về cảm xúc hơn là trí tuệ. Đó là nguồn năng lực của đời sống Cơ Đốc, giữ vững ta trong giai đoạn khó khăn và gây hứng khởi cho ta trong những thời kỳ thuận lợi. Điều trở ngại rất nhiều người dường như không vượt xa hơn giai đoạn này. Đức tin của họ không có gì ngoài cảm xúc, nó trở nên cạn cợt, thiếu chiều sâu, không thật sự đâm rễ và dễ bị lung lay. Đức tin chỉ có thể phát triển khi đâm rễ sâu. Đức tin không chỉ có cảm xúc, kinh nghiệm về tình cảm, dù những điều này có thể quan trọng đối với bạn. Cơ Đốc giáo không chỉ là kinh nghiệm Chúa mà còn là bám chặt lấy Ngài. Một đức tin vững vàng là điều yên ổn, vững chắc để bạn nương dựa vào. Nếu đức tin của bạn không đâm rễ sâu, bạn sẽ bị cám dỗ để tìm sự yên ổn ở một điều nào khác để rồi thất vọng (Mathio 7:24-27). Yếu tố thứ hai của đức tin là hiểu biết hơn về Thượng Đế, về Đức Chúa Giê-xu và về bản chất cũng như số phận con người. Tự bản chất, đức tin đòi hỏi sự hiểu biết, nó tìm cách đâm rễ sâu vào lý trí chúng ta khi chúng ta suy nghĩ về những ẩn ý trong kinh nghiệm của chúng ta đối với Chúa Cứu Thế Phục sinh. Trở thành một Cơ Đốc nhân có nghĩa là gặp gỡ một Thượng Đế thực hữu và trở nên một môn đồ là để sự gặp gỡ này hình thành cách suy nghĩ và hành động của chúng ta. Yếu tố thứ ba của đức tin là sự đầu phục . Phao-lô nói đến “sự vâng phục của đức tin” (Roma 1:5) để nói rằng đức tin phải bày tỏ ra bằng việc làm. “Đức tin được giữ sống động trong chúng ta và có được sức mạnh từ việc làm nhiều hơn là từ sự nghiên cứu” (Joseph Addison). Có lẽ lá thư thực dụng nhất trong thư tín Tân ước là thư Gia-cơ viết. Suốt lá thư này, chúng ta thấy một điểm được nhấn mạnh nhiều lần (Giaco 2:14-26): Đức tin

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]