Kinh Thánh: Sáng-thế ký (Genesis) 13:1-7

Áp-ram ở Ê-díp-tô dẫn vợ cùng các tài vật mình và Lót đồng trở lên Nam phương. Vả, Áp-ram rất giàu có súc vật, vàng và bạc. người vừa đi vừa đóng trại, từ Nam phương trở về Bê-tên và A-hi, là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước.

Now Abram was very rich in livestock, in silver and in gold. He went on his journeys from the Negev as far as Bethel, to the place where his tent had been at the beginning, between Bethel and Ai, to the place of the altar which he had made there formerly; and there Abram called on the name of the LORD. Now Lot, who went with Abram, also had flocks and herds and tents. And the land could not sustain them while dwelling together, for their possessions were so great that they were not able to remain together. And there was strife between the herdsmen of Abram’s livestock and the herdsmen of Lot’s livestock. Now the Canaanite and the Perizzite were dwelling then in the land. 

Dưỡng linh: 

Con người của đức tin (man of faith) không hẳn là không bao giờ sai lầm. Nhưng Đức Chúa Trời dủ lòng thương xót bảo vệ và giải cứu ra khỏi nguy cơ của sự sụp đổ hoàn toàn. Rời Ai-cập, Áp-ram cùng gia đình trở lên hướng Nam Phương. Ra đi mà lòng Áp-ram ôm theo một nỗi sầu thảm vì thất bại ê chề, không sống đến mức mà Đức Chúa Trời mong đợi nơi mình. Tuy nhiên, đây là một kinh nghiệm vô cùng quý báu cho Áp-ram để ông hiểu mình nhiều hơn và hiểu Chúa rõ hơn. Trước khi đi xuống Ai-cập và ngay cả trong những tháng ngày sống tại Ai-cập, Áp-ram chẳng hề thiết lập bàn thờ để cầu khẩn Đức Chúa Trời của mình. Đó chính là nguyên do của sự thất bại của con người đức tin này. Nay, khi quay trở lại Nam Phương, và khi đi đến vào giữa khoảng Bê-tên và A-hi, Áp-ram thiết lập lại sự thờ phượng Đức Chúa Trời, vì thiếu nó chỉ gây ra sự đổ vỡ và thất bại cho đời sống tâm linh và gia đình. Cũng chính nhờ sự gặp gỡ Chúa trong sự thờ phượng này đã giữ lòng và ý tưởng Áp-ram trong đường lối của Chúa và giao ước mà Ngài thiết lập với ông. 

Nhờ vụ việc của Sa-rai mà gia đình của Áp-ram, trong đó bao gồm cả Lót đã trở nên giàu có hẳn ra: “Vì cớ người [Sa-rai], nên Pha-ra-ôn hậu đãi Áp-ram, và Áp-ram được nhiều chiên, bò, lừa đực, lừa cái, lạc đà, tôi trai và tớ gái” (12:16). Nhưng cái giàu này chẳng lấy gì làm thích thú cả. Chính nó đã đóng góp trong việc gây ra sự đổ vỡ trong mối quan hệ bác cháu. Đi theo bác sau khi ông nội qua đời tại Cha-ran, Lót chứng kiến tất cả những tình tiết của sự việc xảy ra tại Ai-cập và chắc hẳn để lại trong tâm trí đứa cháu này một hình ảnh không mấy gì đẹp đẽ về đời sống đức tin của ông bác! Vì thế, khi sự xung đột giữa bác cháu xảy ra, Lót cũng chẳng còn bao nhiêu kính trọng để hành động xem ra là phải biết “kính trên nhường dưới” của một đứa cháu đối với bác. Tất cả mọi sự xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó: thiếu lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời của Áp-ram. Lúc ban đầu Áp-ram chưa thấy được hậu quả của hành động mình gây ra. Nhưng rồi thời gian sẽ đem mọi sự ra trong ánh sáng và phơi bày tất cả. Áp-ram muốn hay không muốn đều phải đối diện với hậu quả của việc mình đã làm. Thật vô cùng đáng tiếc phải không? 

Xung đột là điều tất yếu phải có trong mọi cuộc đời và mọi nơi chốn, nhất là trong vòng những người thuộc cùng giao ước của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, điều quan trọng là phương cách giải quyết xung đột như thế nào mới là điều đáng phải học. Chúng ta thấy khi việc không vui xảy ra giữa hai bác cháu, Áp-ram đã có một lối hành xử bày tỏ sự ăn năn sâu xa trong sự việc đã xảy ra tại Ai-cập. Nay ông muốn “chuộc lại” mọi lỗi lầm. Điều đó được bày tỏ qua những điểm sau đây: 

Áp-ram quan tâm đến danh Chúa và tình cảm con người với nhau hơn là ai đúng ai sai. Chúng ta hãy nghe Áp-ram nói với Lót: “Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa” (13:9). Nguyên do Áp-ram hành xử như thế vì: “Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót” (13:8). Áp-ram nói rằng chẳng có gì đẹp đẽ khi có sự xung đột và làm cho lớn chuyện trước sự chứng kiến của những giống dân không thuộc về giao ước của Đức Chúa Trời! Áp-ram bằng lòng gác bỏ tự ái, quyền lợi, và ngay cả lý lẽ nữa để giữ cho danh Chúa được cả sáng và tình cảm đừng sứt mẻ. Áp-ram không ngồi đó để kể công với Lót mình là người đã cưu mang, lo cho Lót từ lúc còn nhỏ v.v… Áp-ram có trăm ngàn lý lẽ đễ nói rằng mình đúng, mình phải chứ. Nhưng vì Áp-ram xem trọng danh Chúa hơn danh mình, nên ông bằng lòng gác qua mọi tự ái để giải quyết vấn đề cho êm đẹp. Tại Ai-cập, Áp-ram đã thấm thía chuyện danh Chúa bị tổn thương ra làm sao đối với một ông vua dân ngoại bang, và sự sỉ nhục mình phải gánh lấy vì hành động ngu dại của mình gây ra. Nay Áp-ram muốn chuộc lại lỗi lầm và bày tỏ sự ăn năn chân thật. Đây là dấu hiệu trưởng thành của con người đức tin Áp-ram. 

Áp-ram dùng đức tin để giải quyết vấn đề xung đột. Áp-ram có quyền để chọn trước nhưng ông nhường quyền đó cho Lót. Tại sao? Vì ông học bài học vô cùng thấm thía của việc xuống Ai-cập vì quá lo cho cuộc sống vật chất của mình rồi chẳng được chi. Chỉ tổ mang lại sự đau khổ và sỉ nhục! Nay, ông muốn để Chúa chọn cho mình thì quý hơn hết vì Ngài là “kỷ phần” và “gia sản” của ông. Trước đây Áp-ram dùng sự khôn ngoan riêng để toan tính cho mình. Nay ông xin để cho Chúa tính cho ông thì tốt hơn nhiều. Thật đúng như thế! Phần của Lót chọn trước mắt thấy tốt đẹp và đầy hứa hẹn, nhưng sau này tiêu tan ra mây khói (13:10-13). Còn phần Đức Chúa Trời chọn cho Áp-ram trước mắt thấy chẳng có gì, nhưng sau còn lại mãi mãi (13:14-17). Đây là dấu hiệu khôn ngoan của con người đức tin Áp-ram. 

Động cơ thúc đẩy mọi hành vi và lời nói của Cơ-đốc nhân chính là đức tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống. Khi chúng ta xa rời niềm tin này như là cái neo của linh hồn, dong ruổi trong con đường của ý muốn riêng mình, chúng ta sẽ nếm biết bao nhiêu nỗi đắng cay của cuộc đời và tạo ra biết bao xung đột trong đời sống, từ cá nhân, gia đình, và cho đến trong hội thánh của Đức Chúa Trời. Của cải vật chất là sự ban cho của Chúa. Tuy nhiên, nếu do hành động bất chính mà có được của cải, tài sản thì của đó gọi là “của hoạnh tài,” không do mồ hôi nước mắt mình làm ra. Trước sau gì nó cũng có cánh mà bay. Đức Chúa Trời có cách để thổi bay tung tóe khắp nơi. Cuối cùng chúng ta cũng chẳng còn được gì! Người có đức tin nơi Đức Chúa Trời chẳng bao giờ kể công với người khác, chẳng bao giờ đòi hỏi hay chứng minh rằng mình có quyền hành để làm điều này điều nọ. Người đó sẽ để cho Đức Chúa Trời hành xử mọi sự và chỉ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời để danh Ngài được vinh hiển. Khi chúng ta rơi vào sự khủng hoảng của đời sống đức tin và còn non trẻ trong đức tin, mặc dầu tuổi đời có nhiều, chức vụ có cao đi chăng nữa, thì chúng ta cũng vẫn hành xử cách ngu dại và nông nổi, gây ra đổ vỡ, bất hòa, và gây sỉ nhục cho danh Chúa. Bài học của Áp-ram tuy cũ nhưng vẫn luôn luôn mới cho tất cả những ai muốn sống đời nhơn đức và tin cậy Đức Chúa Trời hằng hữu. 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài về cuộc đời của Áp-ram, một gương về con người của đức tin để dạy dỗ và hướng dẫn con trong con đường tin kính. Xin Chúa giúp con biết ăn năn khi sai lầm và quay trở lại với Ngài để hành xử theo nguyên tắc của đức tin và lòng kính sợ Chúa. Chúa ôi! xin cứu con khỏi lòng tự ái của bản ngã có thể gây ra nhiều điều không sáng danh Ngài, tổn thương công việc Chúa. Xin giúp con sống đặt Chúa lên trên hết trong mọi sự và ký thác đời sống mình cho Ngài cách trọn vẹn. Amen! 

Alliance Theological College


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]