“Đức Chúa Giê-xu động lòng thương xót, giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi” (Mác 1:41).

Câu hỏi suy ngẫm: Từ “phung” trong Kinh Thánh mô tả những căn bệnh nào? Người phong hủi đến cùng Chúa
Giê-xu với mục đích gì? Chúa đã làm gì với người phong hủi này? Người phong hủi cảm nhận gì khi được Chúa đưa tay rờ người? Bạn học được điều gì về ngôn ngữ tình yêu?

Từ “phung” trong Kinh Thánh mô tả một số bệnh ngoài da, bao gồm bệnh mà ngày nay chúng ta gọi là phong tức hansen (Lê-vi Ký 13). Người phong hủi bị xem là ô uế, phải sống cách ly với cộng đồng (Lê-vi Ký 13:45-46). Phần lớn trong số họ phải đi ăn xin để sống. Người phong hủi trong câu chuyện đang bị bệnh ở giai đoạn nặng, “phung đầy mình” (Lu-ca 5:12). Ông đến với Chúa Giê-xu, không phải để xin tiền mà để xin được chữa lành với thái độ rất khiêm cung: quỳ, sấp mặt xuống đất. Ông gọi Ngài một cách tôn kính, “Kyrie” có nghĩa là Chúa, Ngài. Ông bày tỏ đức tin rằng, nếu Chúa muốn, Ngài có quyền năng để chữa lành ông.

Chúa phán rằng Ngài muốn làm cho ông được “sạch,” vì bệnh phong hủi bị xem là ô uế. Chúa Giê-xu có quyền năng chỉ cần phán một lời là chữa được bệnh phong hủi (Lu-ca 17:14); nhưng ở đây Ngài đã làm một việc mà không ra-bi nào dám làm, “giơ tay rờ người” phong hủi! Từ lúc bị bệnh này đến nay, chưa ai dám chạm vào người ông, dù là người trong gia đình. Chúa Giê-xu không bị ô uế khi cố tình rờ người phong hủi mà còn làm cho ông được sạch, được chữa lành ngay lập tức! Cái rờ chạm đầy lòng thương xót của Chúa chẳng những chữa lành bệnh phong hủi mà còn chữa lành sự tự ti mặc cảm của một người bị xã hội ruồng bỏ. Rồi Chúa nghiêm giọng bảo ông đừng kể việc chữa lành này cho ai, mà phải vâng theo luật Môi-se, đi trình diện với thầy tế lễ để được xét nghiệm, dâng tế lễ tạ ơn, với mục đích giúp cho ông được chính thức trở về hòa nhập với cộng đồng (Lê-vi Ký 14).

Cái rờ chạm của Chúa Giê-xu trên thân thể người phong hủi bày tỏ ý Chúa muốn dùng ngôn ngữ tình yêu đặc biệt để tạo mối liên hệ giữa Ngài với người mà không một ai dám lại gần và đụng chạm. Sau bao nhiêu năm dài bị bệnh phải sống cách ly, giờ đây người phong hủi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng khi cảm nhận được một cử chỉ đầy yêu thương, là một bàn tay chạm đến da thịt mình. Và ông bỗng nhìn thấy thân thể ông trở nên lành lặn cách kỳ diệu! Cái rờ chạm đầy lòng thương xót của Chúa Giê-xu với người phong hủi dạy chúng ta rằng, ngôn ngữ của tình yêu không chỉ giới hạn trong lời nói mà được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, như cái nắm tay yêu thương, nụ cười khích lệ, cùng khóc với tang gia, hiện diện lúc anh chị em mình cô đơn, món quà nhỏ chứng tỏ sự quan tâm v.v…

Bạn thường bày tỏ lòng thương xót bằng những hành động nào?

Lạy Chúa, xin tình yêu Chúa trong con giúp con nhạy cảm đối với nhu cầu của người khác, và bày tỏ hành động yêu thương cụ thể với những người trong hoàn cảnh khó khăn.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 10-11.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien