“Cá dưới sông chết, nước sông hôi thối, người Ê-díp-tô không thể uống được; vậy huyết lan khắp cả xứ Ê-díp-tô”
(câu 21).

Câu hỏi suy ngẫm: Tai vạ đầu tiên Đức Chúa Trời giáng xuống người Ai Cập diễn ra như thế nào? Sự kiện này có tầm ảnh hưởng thế nào đối với vua và người Ai Cập? Bạn nhận thấy lòng nhân từ của Chúa thể hiện ở đây như thế nào? Bạn dâng lên Chúa lời tạ ơn nào hôm nay?

Sau một thời gian từ khi ông Môi-se và ông A-rôn khởi sự yêu cầu vua Ai Cập cho người Ít-ra-ên đi thờ phượng Chúa (5:1-3) và thực hiện phép lạ biến cây gậy thành rắn bởi năng quyền Chúa ban cho, Đức Chúa Trời sai ông
Môi-se và ông A-rôn đến gặp vua Ai Cập và cảnh báo về hậu quả của việc vua cứng lòng, không cho tuyển dân ra đi là sự đoán phạt sẽ giáng xuống toàn cõi Ai Cập (câu 16-18). Tai vạ đầu tiên được thực hiện trên sông Nile, nơi được cho là dòng nước thánh đem nhiều nguồn lợi về kinh tế đến toàn cõi Ai Cập. Nhà vua thường xuyên đến nơi này vào lúc sáng sớm để rửa tay và thực hiện một số nghi thức tế lễ. Hai ông Môi-se và A-rôn đã gặp vua ba lần ở đây (7:15; 8:20; 9:13).

Đức Giê-hô-va phán cùng ông Môi-se rằng: Hãy truyền cho ông A-rôn lấy cây gậy đưa ra trên nước xứ Ai Cập, trên sông, rạch, ao, hồ và khắp mọi nơi có nước trong xứ, hầu cho nước hóa thành máu, thậm chí nước được chứa trong bình bằng gỗ hay đá cũng hóa thành máu (câu 17-19). Ông Môi-se và ông A-rôn làm y theo Lời Chúa phán dặn trước mặt vua và quần thần, nước trên toàn cõi Ai Cập hóa ra máu như Lời Chúa đã phán. Sự kiện này ảnh hưởng lớn đến tín ngưỡng và sức khỏe toàn dân Ai Cập, dòng nước thánh của họ bị ô nhiễm, cá dưới sông chết, nước sông hôi thối không thể uống được. Người ta phải đào dọc theo sông để tìm nước uống (câu 24). Nhưng các thuật sĩ Ai Cập cũng đã cậy phù chú để làm nước biến ra máu nên lòng
Pha-ra-ôn vẫn cứng cỏi. Tuy nhiên, phép thuật của các thuật sĩ chỉ làm cho tình trạng của người Ai Cập tồi tệ hơn, họ không đủ năng quyền để biến máu trở thành nước như tình trạng ban đầu. Vua Ai Cập không sáng suốt nhìn thấy điều này mà vẫn cứng lòng, ông quay về cung điện mà chẳng để tâm đến những điều đó chút nào (câu 23).

Mặc dù Đức Chúa Trời ra tay giáng vạ xuống người Ai Cập nhưng sự nhân từ của Ngài vẫn bày tỏ ở đây khi Ngài không triệt hết mọi đường sống của họ. Người Ai Cập vẫn có thể sống còn nhờ nguồn nước đào dọc theo bờ sông. Nếu Đức Chúa Trời thẳng tay trừng trị thì ai có thể đứng nổi trước mặt Ngài?

Bạn kinh nghiệm sự nhân từ của Chúa trong cuộc sống như thế nào?

Chúc tụng Chúa vì lòng nhân từ Ngài còn đến đời đời! Cảm tạ Chúa đã ban nước, không khí, thức ăn, và mọi phương tiện để duy trì sự sống của con; xin giúp con biết nhạy bén với sự sửa phạt của Ngài và ăn năn tội lỗi của mình.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 9.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien