“Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy”
(Rô-ma 14:17).

Câu hỏi suy ngẫm: Mối liên hệ giữa các yếu tố “thức ăn, thân thể, và linh hồn” ra sao? Giá trị của những yếu tố này trước mặt Đức Chúa Trời là gì? Bạn bày tỏ sự quan tâm của mình đối với thân thể và đời sống tâm linh ra sao?

Từ “mọi sự” mà Sứ đồ Phao-lô nói trong câu 12 chỉ về mọi việc làm không phải là tội lỗi, trong đó còn bao gồm cả việc ăn gì và ăn như thế nào. Câu nói “Đồ ăn vì bụng, bụng vì đồ ăn” (câu 13) chính là lập luận của các tín hữu Cô-rinh-tô khi họ bày tỏ quan điểm cho rằng những vấn đề liên quan đến thức ăn và những quy định cần tuân giữ trong việc ăn uống chỉ liên quan đến bụng hay bao tử. Về một phương diện, quan điểm của họ là đúng, nhưng về phương diện tâm linh thì một ngày kia trên thiên đàng thức ăn và bụng không còn cần nữa. Và Sứ đồ Phao-lô khẳng định với họ rằng “cái nọ và cái kia”—tức cả bụng và thức ăn—là những điều Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt trong ngày cuối cùng, cho nên những điều ấy cần trong hiện tại nhưng chẳng có giá trị gì trong cõi vĩnh hằng.

Mặc dù Đức Chúa Trời có quy định rất rõ ràng, khắt khe về những thức ăn nên hoặc không nên ăn, ăn như thế nào, và thức ăn cho từng đối tượng cụ thể trong các sách Ngũ Kinh của ông Môi-se. Làm trọn những quy định này đem đến cho người tuân giữ những giá trị nhất định về kỷ luật tâm linh, song hoàn toàn không phải là phương cách để giúp họ được Đức Chúa Trời xưng là công bình. Những luật lệ ấy mang ý nghĩa là một dấu chỉ để phân biệt tuyển dân của Đức Chúa Trời với Dân Ngoại.

Điều quan trọng Sứ đồ Phao-lô nhắc cho các tín hữu Cô-rinh-tô là việc tuân giữ các sự kiêng cữ về ăn uống không giúp con người có được địa vị công bình trước mặt Đức Chúa Trời, song chỉ duy nhờ “nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời” (câu 11) cho chúng ta sự rửa sạch tội, sự nên thánh, và sự xưng công bình, xứng đáng hưởng được Nước Đức Chúa Trời. Thức ăn, việc tuân giữ những luật kiêng cữ là những điều mà chúng ta không thể nhờ đó vào Nước đời đời và cũng chẳng có thể mang chúng vào Nước đời đời. Điều mà chúng ta có thể mang vào cõi vĩnh hằng chính là thân thể được sống lại (câu 14). Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ, thân thể dù chỉ có giá trị ngắn hạn, tạm thời mà chúng ta còn quan tâm, chăm sóc bằng thức ăn, huống chi đời sống tâm linh có giá trị đời đời, lại chẳng được chúng ta quan tâm chăm sóc bằng thức ăn thiêng liêng là Lời Đức Chúa Trời sao.

Bạn đã quan tâm đúng mức cho đời sống tâm linh mình chưa?

Lạy Ba Ngôi Đức Chúa Trời! Xin giúp con nhận biết giá trị của những điều con đang hướng sự quan tâm đến, để con luôn đầu tư đúng nhằm giữ được những điều có giá trị còn lại đời đời, ích lợi cho đời sống tâm linh của con.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Các Vua 18.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien