“Hãy chúc phước cho người bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa” (Rô-ma 12:14).

Câu hỏi suy ngẫm: Kẻ cừu địch của ông Gióp là ai? Ông ước Chúa làm gì cho họ? Tại sao ông ước như vậy? Chúa
Giê-xu dạy con dân Chúa nên cư xử thế nào với người bức hại, thù nghịch cùng mình?

Sau khi ông Gióp bày tỏ lập trường liêm chính của mình (câu 1-6), ông gọi các bạn ông là “kẻ cừu địch tôi,” vì họ cứ một mực cáo gian ông, ấn định cho ông số phận kinh khiếp của người ác phải gánh chịu. Vì thế, ông ước với Chúa rằng: “Ước gì cừu địch tôi bị xử như người ác, và người dấy lên nghịch cùng tôi bị cầm như người trái lẽ công bình” (câu 7). Ông khẳng định những người ác sẽ không có được sự hy vọng trong Chúa. Ông dùng câu hỏi để nhấn mạnh những người ác không có niềm hy vọng (câu 8). Đức Chúa Trời sẽ không nghe tiếng người ác trong ngày họ gặp hoạn nạn, họ sẽ không “tìm được sự vui sướng nơi Đấng Toàn Năng” vì họ không cầu khẩn Đức Chúa Trời. Ngày Chúa cất người ác đi là ngày tuyệt vọng của họ.

Luật công chính “mắt đền mắt, răng đền răng” của Cựu Ước buộc mọi người phải trả giá tương xứng với hành động tội lỗi họ làm. Vì vậy, các trước giả Thi Thiên thường viết những lời cầu xin Đức Chúa Trời công bình trừng phạt người ác. Tuy nhiên, khi đọc kỹ sẽ thấy những lời của ông Gióp hay của các trước giả Thi Thiên là lời của những người tuyệt vọng ước ao xin Đức Chúa Trời thi hành sự công chính của Ngài trên người ác, chứ không phải là lời nguyền rủa ác độc của cá nhân họ với kẻ thù. Khi Chúa Giê-xu đến thế gian, Ngài dạy chúng ta sống với mức độ đạo đức cao hơn là làm theo luật pháp Chúa đã ban dạy trong Cựu Ước. Trong Ma-thi-ơ 5:38-48, Chúa dạy chúng ta không chỉ sống theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng” nhưng sống theo tiêu chuẩn tốt hơn, cao hơn khi chúng ta phải “yêu thương người thù nghịch, và cầu nguyện cho người bắt bớ các ngươi.” Chúa Giê-xu muốn chúng ta trọn vẹn, như Cha chúng ta là trọn vẹn. Sứ đồ Phao-lô cũng dạy: “Hãy chúc phước cho người bắt bớ anh em.” Trên thập tự giá, Chúa Giê-xu xin Cha tha thứ cho những người rủa sả, ném đá, và đóng đinh Ngài (Lu-ca 23:34). Khi bị rủa sả, Sứ đồ Phao-lô chúc phước, khi bị bức hại, ông nhịn nhục (I Cô-rinh-tô 4:12).

Đúng như ông Gióp ước ao với Đức Chúa Trời, người ác sẽ không có hy vọng sau khi Chúa cất linh hồn họ. Vì thế, chúng ta phải yêu thương họ chứ không thù ghét và nguyền rủa họ. Cần noi gương Chúa Giê-xu và Sứ đồ
Phao-lô, nhịn nhục, cầu nguyện, chia sẻ Phúc Âm cứu rỗi ccho họ, và hướng dẫn họ đến hy vọng đời đời trong Chúa.

Bạn có cầu nguyện cho người bức hại bạn và yêu thương người nghịch cùng bạn không?

Tạ ơn Chúa vì Ngài chết thay cho tội lỗi của con. Xin giúp con yêu thương và cầu nguyện cho người chống nghịch và bức hại con. Xin cho con sốt sắng rao truyền tình yêu của Chúa.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giăng 17.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien