Thi thiên 139:13-18
Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm.

Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm. Khi tôi được dựng nên trong nơi kín, chịu nắn nên cách xảo lại nơi thấp của đất, thì các xương cốt tôi không giấu được Chúa. Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; Số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy. Hỡi Ðức Chúa Trời, các tư tưởng Chúa quí báu cho tôi thay! Số các tư tưởng ấy thật lớn thay! Nếu tôi muốn đếm các tư tưởng ấy, thì nhiều hơn cát. Khi tôi tỉnh thức tôi còn ở cùng Chúa.

Suy gẫm:

Tác giả Thi-thiên 139 là vua Đa-vít đã đưa ra một nhận thức rất sâu sắc về nguồn gốc của chính mình. Qua đó, ông thấy được giá trị đích thực của cuộc đời mình như thế nào. Nhận thức này thay đổi và ảnh hưởng cả nhân sinh quan (human view) lẫn thế giới quan (world view) của tác giả. Trước hết, Đa-vít nhận thức Chúa là Đấng tạo dựng nên mình cách lạ lùng. Ông biết Chúa đã làm nên “tâm thần” mình, bởi đó ông mới có được nhận thức về Ngài. Trong nguyên văn Hi-bá-lai, từ “tâm thần” bao gồm “trí tuệ” (mind) và “tấm lòng” (heart). Từ “tấm lòng” ở đây nghĩa đen là từ dùng chỉ về trái thận (kidney). Trong Cựu Ước, từ ngữ “trái thận” được dùng để chỉ về nơi ngự của tình cảm và bản tánh đạo đức của con người (trong Thi 7:9; 26:2 dịch là “lòng dạ” = heart + kidneys). Trong cơ thể con người, quả thận có chức năng để lọc máu, giúp thanh lọc những chất độc để thải ra ngoài. Như vậy, điều Đa-vít muốn nói là Đức Chúa Trời đã ban cho ông tâm thần để có thể nhận thức và gạn lọc những gì không phải đến từ chính Ngài. Biết mình ra từ đâu là điều vô cùng quan trọng vì nó sẽ quyết định mục đích của đời sống. Con người chỉ có thể khám phá ra mục đích của cuộc đời mình khi quay nhìn Chúa là Đấng tạo dựng nên mình. Vì thế, khi con người khám phá ra Đức Chúa Trời là ai thì đồng thời cũng sẽ khám phá ra mình là ai và mục đích của đời sống mình là gì. Có một tác nhân cùng làm việc với Đức Chúa Trời trong việc tạo dựng nên con người là người mẹ. Vua Đavít nói Đức Chúa Trời đã “dệt thành tôi trong lòng mẹ.” Động từ “dệt” trong câu này là hình thức tương đương với từ “mặc” trong Gióp 10:11 để chỉ về công tác tạo dựng kỳ diệu của Chúa.  Cơ đốc nhân phải người kính yêu Chúa hết mực nhưng cũng là người biết ơn mẹ là người sinh ta ra.

Thứ hai, Đa-vít cho thấy con người là tạo vật cao quý nhất  mà Chúa đã dựng nên cách kỳ diệu. Từ chỗ được Chúa ban cho tâm thần để nhận biết Ngài, tác giả có khả năng nhận biết về chính mình là tạo vật của Chúa kỳ diệu như thế nào. Sự nhận thức này của Đa-vít vượt trổi hơn kiến thức y học về con người. Chẳng những ông nhận ra các chức năng về thể chất hay vật lý Đức Chúa Trời đặt để trong con người hoạt động như thế nào, nhưng ông còn nhận biết những lãnh vực mà khoa học không thể chứng nghiệm được bằng kính hiển vi trong phòng thí nghiệm. Khi đối diện với Chúa con người sẽ nhận rõ chính con người của mình gồm cả những phần thuộc thể chất hữu hình và vô hình (shapless form) của mình. Sự kinh ngạc mà Đa-vít diễn tả không phải là chỉ là sự ngạc nhiên khi hiểu được cơ thể mình hoạt động như thế nào nhưng còn là sự run rẩy sợ sệt khi đối diện với một Đấng Tạo Hóa uy nghi, cao cả, thánh khiết, vinh hiển trong khi mình thì quá nhỏ bé, mong manh, dễ vỡ. Chính vì thế, Đa-vít cảm nhận cuộc đời của mình là một món quà quý báu Chúa ban khi ông nói: “Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng.”

Thứ ba, sự nhận thức về Chúa là Đấng tạo dựng nên mình cách kỳ diệu đã mang Đa-vít đến chỗ an nghỉ trong Ngài vì Chúa là Đấng biết tất cả mọi sự trong con người của mình và hiểu mình hơn điều ông có thể hiểu về mình. Chúa là Đấng biết những suy nghĩ thầm kín, những tình cảm hỗn loạn của con người và chính Ngài có thể sửa lại những gì sai trật. Cuộc đời của ông luôn luôn ở trong sự hiện diện của Chúa. Những số ngày của ông đã được định rồi. Nói cách khác, Đa-vít nhận biết Chúa là Đấng toàn tri. Cả cuộc đời của ông đã được bày ra trước mặt Đức Chúa Trời và Ngài đã có một chương trình tốt lành cho cuộc đời của ông từ lúc chưa có một ngày nào. Khi nhìn lại tất cả những biến cố xảy ra trong cuộc đời mình, Đa-vít hiểu được rằng cuộc đời ông giống như một bức tranh mà Đức Chúa Trời là vị Họa sĩ đại tài đã biết cách sử dụng những màu sắc đối chọi và xung khắc nhau và ngay cả những nét chấm phá để làm nên bức tranh tuyệt vời.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con mỗi ngày được đem vào trong sự hiểu biết về Ngài cách sâu xa hơn, để con có thể hiểu biết mình nhiều hơn và hoàn toàn an nghỉ trong Ngài giữa tất cả những gì đang xảy ra cho cuộc đời con. Xin cho con có thể nói với Chúa rằng “con cảm tạ Ngài đã dựng nên con cách lạ lùng.” Amen!

DLW