“Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn mà đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Ti-mô-thê 6:6-10)

Suy gẫm: 
 
Thế giới quan Cơ đốc (Christian worldview) được sứ đồ Phao-lô bàn đến trong mấy câu Kinh Thánh này tuy ngắn ngủi nhưng rất cô động và đi thẳng vào ngay trọng tâm của vấn đề. Đối với thế giới vật chất chung quanh, Cơ đốc nhân cần có một thái độ rất rõ ràng: “sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một mối lợi lớn.” Giữa vật chất (material) và sự tin kính (godliness), Cơ đốc nhân cần phải chọn sự tin kính thay vì tìm kiếm sự thỏa mãn nhu cầu vật chất mà xem nhẹ sự tin kính. Sự tin kính là sự biểu lộ của lòng kính sợ Chúa bên trong qua cách sống mang tính đạo đức và niềm tin của mình. Lòng tin kính liên quan đến sức mạnh thuộc linh và quyền năng của Đức Chúa Trời bày tỏ trong đời sống người theo Chúa. Chính vì thế, khi Phi-e-rơ và Giăng chữa lành cho người què tại Cửa Đẹp, người ta thắc mắc không biết có phải hai vị sứ đồ này đã nhờ vào “quyền phép” hay “nhơn đức” của chính mình mà chữa lành cho người què không (Công vụ 3:12)? Tại đây, từ “tin kính” được dịch là “nhơn đức” và hàm ý đồng nghĩa với từ “quyền phép” mà hai vị sứ đồ dựa vào đó thi hành phép lạ. Chính lòng tin kính là sức mạnh để Cơ đốc nhân có thể sống “thỏa lòng” trong mọi hoàn cảnh và sống vượt lên trên sự đòi hỏi mãnh liệt của lòng tham mê vật chất đời này. Tự bản thân con người không thể chống chọi với lòng tham muốn vật chất vì đó bản chất cố hữu của con người sau sự sa ngã. Khi phạm tội, con người đã đánh đổi hay thay thế lòng tin kính bằng lòng tham mê vật chất: “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt, và quý vì để mở trí khôn” (Sáng 3:6). Cho nên, lòng tham mê vật chất chính là thước đo của lòng tin kính: “Nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Trời chẳng ở trong người ấy” (I Giăng 2:15b). Lòng tin kính chính là sự vâng lời Đức Chúa Trời. Ma quỷ rất tinh khôn trong việc giúp chúng ta chuyển nhượng điều thuộc linh để đổi lấy vật chất. Khi một người bắt đầu để cho tâm trí và tấm lòng mình hướng về và bị chi phối bởi vẻ hòa nhoáng và sự quyến rũ của thế giới vật chất [thế gian] chung quanh mình, ngay lập tức nồng độ yêu mến Đức Chúa Trời của người đó sẽ bắt đầu giảm sút và dần dà tư tưởng, ngôn ngữ, và triết lý sống của người đó bị nhuốm màu thế tục. Trong phòng thí nghiệm của Đức Chúa Trời chẳng có một chất hóa học nào để dung hòa hai điều này hầu làm cho cuộc sống Cơ đốc nhân trở nên dễ chịu và thoải mái hơn. Ngày nào Cơ đốc nhân còn sống, ngày đó người ấy phải đối diện với cuộc đọ sức gay gắt và nghiệt ngã giữa hai xu hướng này trong chính mình. Nhưng sự quyết định và chọn lựa không thuộc về phía Đức Chúa Trời bèn là phía con người. Khi một người quyết định gạt bỏ những gì của thế tục ra khỏi tâm trí và bằng lòng để cho những gì thuộc thế giới thần thượng của Đức Chúa Trời chiếm hữu mình, ngay lập tức người đó sẽ có sức mạnh để sống vượt lên trên sự quyết rũ của thế giới vật chất chung quanh mặc dầu người đó đang bị vây lấy giữa thế gian. Đây là chiến trận xảy ra trong tâm trí, chuyển tải xuống tấm lòng, và biểu lộ bằng hành động mà người khác có thể thấy được. Sống tin kính và thỏa lòng sẽ là một “mối lợi” lớn. Từ “mối lợi” được dùng trong thương trường để nói lên món lợi nhuận có được sau một chuyến làm ăn. Như thế, Cơ đốc nhân sống quan tâm đến nhu cầu tâm linh hơn nhu cầu vật chất là một người khôn ngoan và đang thực hiện chuyến “đi buôn” với sự lòng tin chắc mình sẽ “lời to” trong đời này lẫn đời sau! Sứ đồ Phao-lô giải thích tại sao lại “lời to” khi sống thỏa lòng? Ông nói: “Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn mà đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng.” Tất cả những gì chúng ta thấy trong thế giới vật chất này và những gì chúng ta đang chiếm hữu một ngày nào đó cũng không thuộc về chúng ta, phải để lại cho người khác sử dụng. Những gì chúng ta thật sự có là chính con người chúng ta! Cho nên, thỏa lòng là thái độ sống không bị chi phối bởi thế giới vật chất chung quanh mình. Người thấy những gì mình có là đủ thì sẽ thỏa lòng. Người thỏa lòng là người có lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời là Đấng biết rõ nhu cầu của mình và Đấng có thể cung ứng cho mình theo sự giàu có vô hạn của Ngài (Phi-líp 4:19). Người đó tin rằng những gì Đức Chúa Trời thấy cần thì Ngài đã ban cho mình rồi. Không cần phải tham muốn hay đòi hỏi hơn điều mình đang có. Người thỏa lòng sẽ là người theo đuổi nếp sống giản dị, vui thỏa với điều mình có và cảm tạ Chúa về điều mình có, biết rằng đó là điều tốt nhất Đức Chúa Trời ban cho mình. Người thỏa lòng chẳng bao giờ bị khuấy nhiễu bởi điều người khác có mà mình không có. Ngược lại, người đó sẽ hãnh diện, sung sướng, và thích thú với điều mình đó. Thái độ như thế quả là một mối lợi lớn! Sứ đồ Phao-lô nêu ra trường hợp Cơ đốc nhân có thể vướng mắc lòng tham mê của cải vật chất, giàu có đời này mà dẫn đến hư mất linh hồn. Khi Cơ đốc nhân sống xa Chúa thì sẽ thấy thế giới vật chất thật to lớn và đầy quyến rũ. Nhưng khi sống gần Đức Chúa Trời, Cơ đốc nhân sẽ thấy thế gian này chỉ là nhỏ bé và tạm bợ. Sứ đồ Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm của ông: “Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!” (Ga-la-ti 6:14). Cội nguồn của mọi vấn đề, theo sứ đồ Phao-lô là “lòng tham tiền bạc” khiến con người đánh mất sự cứu rỗi của chính mình. Chẳng những thế thôi, lòng tham mê tiền bạc và vật chất đưa dẫn con người vào trong biết bao điều khổ não và thiệt hại vô lý trong hiện tại, chuốc lấy nhiều điều đau đớn cho đời sống. Ê-sau là người đã đánh đổi quyền trưởng nam tiêu biểu cho đặc quyền thuộc linh của Cơ đốc nhân chỉ vì không thể chống chọi lại với sự đòi hỏi của nhu cầu thể xác. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt vì ba mươi miếng bạc đã đánh mất cả mạng sống của mình trong đời này và đời sau. Nhưng Con Đức Chúa Trời đã từ khước sự đòi hỏi của nhu cầu của thể xác, sự hấp dẫn của quyền lực, và sự giàu có của thế gian hầu làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời sau 40 ngày kiêng ăn. Cuộc chiến xảy ra trước hết trong tâm trí và Ngài đã đắc thắng. Chúa Jesus nhận thức rõ ràng rằng bánh chỉ đáp ứng nhu cầu tạm thời của thân xác con người nhưng Lời của Đức Chúa Trời còn lại đời đời. Chúa Jesus gạt bỏ tư tưởng thế tực và xác định dứt khoát: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Ðức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). Và rồi sau trận chiến thuộc linh này, điều gì đã xảy ra? Kinh Thánh chép: “Ma quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài” (Ma-thi-ơ 4:11). Động từ “hầu việc” có nghĩa là cung ứng mọi nhu cầu cần thiết của cuộc sống, đặc biệt liên quan đến nhu cầu vật chất. Thật tạ ơn Chúa! Đức Chúa Trời chẳng bao giờ bỏ rơi những con người bằng lòng sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Cách này hay cách khác, Chúa sai những “thiên sứ” đến tiếp trợ cho họ đầy đủ nhu cầu họ cần. Những ai sống theo đuổi vật chất chẳng bao giờ kinh nghiệm được sự tiếp trợ của Chúa vì Ngài để cho họ lao khổ với công lao khó nhọc của mình. Còn những ai bằng lòng sống và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì sẽ kinh nghiệm được sự chăm sóc kỳ diệu của Chúa. “Sau cơn mưa trời lại sáng” có phải là kinh nghiệm của mỗi chúng ta không? Hãy tiếp tục tin cậy Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn của Ngài. Đừng ngã lòng. Đừng tủi thân khi nhìn chung quanh. Hãy nhìn lên Đức Chúa Trời như tác giả Thi-thiên: “Tôi ngước mắt lên trên núi: Sự tiếp trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp trợ tôi đến từ Ðức Giê-hô-va, là Ðấng đã dựng nên trời và đất” (Thi 121:1-2). Amen!
 
SUU TAM
 

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]