I Sa-mu-ên 3:1-10
“Đức Giê-hô-va đến đứng tại đó, gọi như các lần trước: Hỡi Sa-mu-ên! Hỡi Sa-mu-ên! Sa-mu-ên thưa: Xin hãy phán, kẻ đầy tớ Ngài đương nghe!” (câu 10). 

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa kêu gọi cậu Sa-mu-ên lúc nào? Tại đâu? Tại sao cậu Sa-mu-ên nghĩ ông Hê-li gọi cậu? Cậu đáp ứng tiếng gọi ra sao? Ngày nay Chúa kêu gọi chúng ta bằng cách nào? Chúng ta lắng nghe và đáp ứng tiếng gọi của Chúa ra sao? 

 Lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà mỗi người cần có. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người cảm thấy rất khó khăn khi tập trung lắng nghe người khác nói; trái lại, họ thích nói nhiều hơn nghe. Hay nói cách khác, lắng nghe là điều thật sự khó làm đối với nhiều người. Nhưng việc lắng nghe rất quan trọng, nhất là trong mối quan hệ của mình với Chúa, chúng ta thường thích nói với Chúa hơn là nghe, trong nếp sống hằng ngày chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa phán với mình qua Lời Ngài.  Suốt ba thế kỷ do các quan xét trị vì, Lời Chúa trở nên hiếm hoi vì không có vị tiên tri nào rao giảng sứ điệp của Đức Chúa Trời cho dân tộc của Ngài. Lý do là vì dân chúng chẳng chịu lắng nghe các tiên tri của Đức Chúa Trời sai đến. Dân tộc Ít-ra-ên và các quan xét thích làm điều lòng họ muốn, làm điều họ cho là đúng, là phải, miễn sao có lợi cho họ, không quan tâm đến Lời Chúa phán dạy, hoặc điều họ làm ảnh hưởng thế nào đến những người chung quanh mình. Thái độ của các con trai Thầy Tế lễ Hê-li là một bằng chứng (2:12-17). Thêm vào đó, lịch sử của dân tộc Ít-ra-ên vào thời đó cho biết họ sống gian ác. Không ai quan tâm đến việc lắng nghe tiếng Chúa. Dân chúng quá bận rộn với cuộc sống riêng đến nỗi không tuân giữ được điều răn của Chúa. Giữa môi trường sống quá buông thả và trụy lạc như thế, Đức Chúa Trời kêu gọi cậu Sa-mu-ên.  Cậu Sa-mu-ên bắt đầu phục vụ Đức Chúa Trời khi còn thơ ấu dưới sự hướng dẫn của Thầy Tế lễ Hê-li. Cậu Sa-mu-ên được trưởng dưỡng tại đền thờ, trong sự hiện diện của Chúa. Dù vậy, cậu chưa biết tiếng Chúa đang gọi mình trong một đêm thanh vắng cho đến khi Thầy Tế lễ Hê-li nhận ra đó là tiếng Chúa gọi cậu. Sau đó, ông Hê-li dạy cậu Sa-mu-ên cách đáp lại tiếng gọi của Chúa và cậu đã thưa với Chúa khi được Chúa gọi lần thứ ba rằng: “Xin hãy phán, kẻ đầy tớ Ngài đang nghe!”  “Xin hãy phán, kẻ đầy tớ Ngài đang nghe!” là lời đáp lại tiếng gọi của Chúa với tinh thần sẵn sàng, nhiệt tình của một người tin cậy và thuận phục. Cụm từ “Kẻ đầy tớ Ngài” nói lên sự hạ mình, tin cậy Đấng đáng cung kính và đáng vâng phục.  Bạn có nghe tiếng Chúa gọi bạn bao giờ chưa? Làm sao để chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa? Giống như cậu Sa-mu-ên, chúng ta cần biết Chúa để có thể nhận ra tiếng của Ngài phán với mình. Chúa phán với chúng ta qua Lời của Ngài trong Kinh Thánh và qua sự cầu nguyện mỗi ngày. Để nhận được sứ điệp của Chúa cho mình, chúng ta phải luôn sẵn sàng lắng nghe và đáp ứng lại tiếng gọi của Chúa trong sự vâng phục bằng cách làm theo điều Ngài dạy dỗ. Chúa chỉ phán với những người vâng phục trọn vẹn. 

Lạy Chúa, xin giúp con biết Ngài để nhận ra tiếng Ngài, Đấng Chăn của con và sẵn sàng thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa, có con đây, xin hãy sai con!” Xin dùng đời sống con để làm sáng danh Ngài. 

Kẻ Lạc Mất

Đọc: Lu-ca 15:4-6


Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên bị mất! – Lu-ca 15:6


Suốt những năm đại học, tôi làm hướng dẫn viên, đưa nam sinh trên những chuyến đi vất vả vào Rocky Mountain National Park ở Colorado . Có lần, một trong các em cùng đi việt dã với tôi – một cậu bé nhỏ con, chậm chạp – lê bước đằng sau, rồi đi lạc. Khi chúng tôi về lại chỗ cắm trại, chẳng thấy cậu ta đâu cả. Tôi hoảng sợ vội vã đi tìm. Ngay trước khi trời tối, tôi gặp em ngồi bên một hồ nhỏhoàn toàn thất vọng và cô đơn. Vui quá, tôi ôm hôn khắng khít, công kênh trên vai, và đưa em về với các bạn. Trong câu chuyện của George MacDonald, một tác giả Tô Cách Lan, ông mô tả một thiếu nữ gặp một đứa bé cô đơn lạc trong rừng. Cô ôm bé vào lòng và đưa bé về nhà cha của cô, đúng lúc cô nhận thức một điều không bao giờ quên được: “Bây giờ cô hiểu được lòng của Con Người, [Đấng đã đến] để tìm và mang các con lạc lối về với Cha của họ và Cha của Ngài.” Tôi muốn bạn cũng biết tấm lòng của Chúa Giê-xu, tức Con Người, Đấng đã đến để tìm và mang những đứa con lầm lạc về với Cha, “vì Con Người đã đến để tìm và cứu kẻ bị hư mất” (Lu-ca 19:10). Dù bạn có trôi lạc tới đâu và hư mất cỡ nào, thì Ngài vẫn đến để tìm và cứu bạn. – David Roper 


To find salvation, you must admit that you’re lost. 

Để được cứu, bạn phải nhìn nhận mình lạc lối.


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]