Điều hạnh phúc của người theo Chúa, là mình có gì đó để dâng cho Ngài, một trong những điều chúng ta phải chú ý nhắc nhở chính mình, nhắc nhở vợ con, Hội Thánh. Đó chính là: Dâng Của Lễ Tình Nguyện. 

Vua Đa Vít nói: ” Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ dâng cho Ngài của lễ tình nguyện, cũng sẽ cảm tạ danh Ngài, vì điều đó là tốt lành”. Thi Thiên 54:6

Bạn và tôi sẽ dâng của lễ gì cho Ngài? Có thể bạn và tôi đã dâng nhiều của lễ. Nhưng hãy nói như vua Đa vít rằng: “Tôi sẽ dâng của lễ tình nguyện cho Ngài, vì điều đó là tốt lành.”

Của lễ tình nguyện được dân Y sơ ra ên dâng cho Ngài qua hình thức vật chất của cải như vòng vàng, khuyên tai, nhẫn, các thứ đồ trang sức, bằng bạc, bằng đồng, các thứ ngọc, dầu thơm v.v… Họ dâng với tấm lòng cảm động để dùng xây dựng đền thờ và để làm công việc về sự tế lễ nơi thánh.

“Cả dân Y-sơ-ra-ên, nam hay nữ, phàm ai có lòng cảm động xui cho mình tình nguyện quyên vào các công việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn nơi Môi-se, đều đem dâng cho Đức Giê-hô-va các lễ tình nguyện vậy”. (Xuất 35:29).

Kinh thánh ghi rằng: “Cả dân Y-sơ-ra-ên dù nam hay nữ họ đã cảm động để dâng của lễ tình nguyện vào các công việc Đức Chúa Trời” nhưng kinh thánh còn ghi tiếp rằng: “Mỗi buổi sớm mai, dân sự lại đem đến lễ vật tình nguyện nữa”. Họ đã dâng của lễ tình nguyện rồi, nhưng họ lại tiếp tục để dâng của lễ tình nguyện nữa, họ làm điều này vào mỗi buổi sớm. (Xuất 36:3)

Trước mặt Môi-se, họ thâu các lễ vật của dân Y-sơ-ra-ên đã đem đến, để làm các công việc định dùng về sự tế lễ nơi thánh. Nhưng mỗi buổi sớm mai, dân sự lại đem đến lễ vật tình nguyện nữa.

Mỗi buổi sớm mai chúng ta có dâng của lễ tình nguyện, của lễ phó thác, tin cậy, sẵn lòng không? Của lễ không ép buộc, không gắng gượng, không luyến tiếc, nhưng vui lòng.

Mỗi buổi sớm mai bạn và tôi sẽ dâng của lễ gì cho Ngài? Tôi nói: “Đây của lễ tình nguyện tôi.”

Tôi đã dâng của lễ tình nguyện cho Ngài không giống như dân Y-sơ-ra-ên đã dâng, vì dân Y-sơ-ra-ên đã dâng của cải, vật chất, gồm những vòng vàng, khuyên tai v.v…Nhưng tôi không có của cải, thậm chí chẳng có gì, ngoài tấm lòng, sự nhiệt thành với Chúa và cho công việc nhà Ngài. Ngay từ đầu khi tin Chúa cho đến ngày nay, thì ngoài 1/10 về của dâng, của lễ tốt nhất mà tôi đã dâng cho Ngài đó là dâng chính mình tôi cho Ngài, không để lại điều gì cả. Tôi đã dâng cả con người cùng tuổi thanh xuân cho Ngài, chưa bao giờ tôi hối tiếc phải làm như vậy.

Phao lô nêu cao tinh thần, tấm gương, và sự tận hiến của người Ma xê đoan cho mọi tín hữu trong mọi thời đại không chỉ rộng rãi, nhưng họ đã dâng mình cho Chúa. Ông đã khen người Ma-xê-đoan như sau: “Vì trước hết đã dâng chính mình cho Chúa, và sau lại cho chúng tôi, theo ý muốn Đức Chúa Trời.” (II Côrinhtô 8:5) .

Ngoài việc dâng của lễ tình nguyện qua vật chất tiền bạc, họ vẫn không bỏ điều quan trọng nhất đó là: ” Dâng chính mình cho Chúa”. Đây là của lễ tình nguyện đẹp lòng Chúa nhất.

Chúng tôi đã phục vụ Chúa tình nguyện trong nhiều năm, không có sự hỗ trợ của giáo hội hay tổ chức, mà chỉ biết trông chờ sự thương xót của Chúa trong từng ngày một, qua những công việc làm thêm của tôi, thật công việc rất nặng, xúc đá cát và đi trồng tỉa hoa thuê. Nhưng sức khỏe của tôi cũng không được tốt nên thường đi làm về là ốm lắm. Ngoài những ngày đi làm, thời gian còn lại chúng tôi lo cho hội thánh địa phương, làm chứng, sự đi lại tất cả bằng tiền chúng tôi có được.

Nhiều lúc đi hầu việc Chúa về nhà chẳng còn gì để ăn, cũng chẳng dám mấy khi mời ai về nhà, có những lúc khách đến nhà không báo trước, cũng lo lắm vì chẳng có gì để tiếp đãi cả.

Chúng tôi đã chịu những ngày thật khó khăn, đến ngày nay chúng tôi có cớ để ngước mặt nên cách không hổ thẹn, để ca ngợi Cha từ ái, vì Ngài không bỏ kẻ khốn cùng mãi mãi, và không làm kẻ thiếu thốn phải thất vọng luôn luôn.

Tôi nói như Đa vít rằng:

“Kẻ khốn cùng nầy có kêu cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời người,
Giải cứu người khỏi các điều gian truân.”

(Thi Thiên 34:6).

Làm sao có thể nhịn đói, ăn những bữa ăn đạm bạc, lấy rau làm nhiều món khác nhau, để dành tiền đổ xăng để đi thăm viếng, chăm sóc, dạy giáo lý, làm chứng? Có ai bắt đâu? Không, chẳng ai bắt cả, ngay cả Đức Chúa Trời cũng cho tôi cái quyền tự do để lựa chọn cách sống và hầu việc Ngài. Tôi được thỏa lòng và vinh dự để có thể làm điều đó lắm! Nếu lúc nào cũng được ăn ngon, mặc đẹp, để hầu việc Chúa, thì tôi đã không có vinh dự để chia sẻ của lễ tình nguyện ở đây.

Khi tôi viết những lời này, Hội Thánh nơi tôi chăm sóc cùng đọc, thì tôi đã chứng minh cho HT rằng chưa một lần chúng tôi kêu ca, than vãn, hay đòi quyền lợi gì cả, cũng chưa bao giờ trách phiền Hội Thánh. Vì tất cả điều chúng tôi đã làm là không phải để mong được trả công, nhưng vui lòng làm, tình nguyện làm cho Chúa. Và tạ ơn Chúa, Ngài cũng đã gửi đến cho chức vụ chúng tôi, cho Hội Thánh Ngài những nhân sự hầu việc Chúa tình nguyện giống như chúng tôi. Họ dâng mình cách vui lòng, khó không lui, thiếu không phiền, vẫn tràn trề say mê sốt sắng hầu việc Chúa.

Tôi có cớ để hát bài hát mà nữ Đê-bô-ra đã hát để ca ngợi Đức Chúa Trời:

“Lòng ta ái mộ các quan trưởng của Y-sơ-ra-ên,
Là những người trong dân sự dâng mình cách vui lòng;
Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va!

(Các Quan Xét 5:9)

Tôi ghi lại vài lời để với mục đích Ca Ngợi Đấng Christ, vì quả thật không có Ngài chúng tôi đã không làm được, không vượt được những chặng đường khó khăn đã qua và không tiếp tục được công việc mà Ngài đã giao phó, kêu gọi. Chúng tôi xin thành thật hạ lòng, nghiêng mình để nói như thánh Phao lô đã nói rằng: ” Chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa trời”. Vì như có lời chép rằng: ” Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa”. (ICôrinh tô 1:31)

Chúng tôi chẳng có cớ gì để khoe mình cả, muốn khoe mình cũng chẳng có gì để khoe, vì tôi không học thức, không nhà cửa, không địa vị, không tiền bạc, chỉ góp chút công sức, sự nhiệt thành của tuổi trẻ cho Ngài thôi, vì nếu Phao lô là người đủ lý do, đủ điều kiện mà ông còn không dám khoe mình, thì chúng tôi là ai?

Nhưng tôi đồng thanh nói như Phao lô rằng: “Vậy tôi có cớ khoe mình trong Đức Chúa Jêsus Christ về điều hầu việc Đức Chúa Trời”. (Rôma  15:17).

Tôi không khoe về những việc mình đã làm, nhưng khoe về những điều mà Đấng Christ đã làm qua chúng tôi và giúp đỡ, dìu dắt, thêm sức cho chúng tôi vượt qua những tháng ngày vất vả, khốn khó trong khi hầu việc Ngài.

Tôi thật biết ơn vợ tôi đã chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi, không kêu ca, than vãn, nhưng vẫn tôn trọng tôi, khích lệ động viên những lúc tôi ngã lòng, đuối sức. Nếu tôi chịu thương khó với Chúa tại chiến trường hầu việc Chúa, thì vợ tôi đã chịu thương khó ngay trong gia đình mình. Vợ tôi không chỉ dâng chính mình cho Chúa, nhưng phó thác, tận hiến, hy sinh lo cho chồng, cho con. Vợ tôi đã không có cơ hội để được đứng trên bục giảng. Nhưng nhà tôi đã làm tất cả, để lời giảng của tôi có sức mạnh, và có sự tin quyết nơi Đấng Christ.

Thưa Hội Thánh thân yêu, chúng tôi không chỉ dâng sức lực, hy sinh, tâm huyết cho hội thánh, nhưng chúng tôi thật yêu Hội Thánh với cả trái tim vậy. Trên con đường từ nhà đến Hội Thánh là giờ phút chúng tôi trải dài sự thầm lặng, nhịn nhục, và cam chịu, ngoài những gì chúng tôi đang phải trải qua, cũng lại đối diện với những nan đề lớn nhỏ trong Hội Thánh. Đau đớn nhất là Hội Thánh thiếu tình thương, chia rẽ nhau, cố chấp nhau. Ước chi mỗi người chịu thua thiệt một chút, ước chi mỗi người hiểu được Đấng Christ đã chết cách nhục nhã, đau đớn là vì ai? Mà cớ sao Anh chị em lại không chịu đau một chút, chịu nhịn một chút và nhục một chút được ư? Phao lô khuyên chúng ta hãy sống với nhau cách nhân từ và đầy tình yêu thương, lời ấy đang ở đâu trong chúng ta rồi.

Nhiều khi chúng tôi đi chỉ biết ngửa mặt lên trời mà khóc với Chúa, không nói thành lời, nhưng được khích lệ lắm, vì tin chắc Chúa Cha trên cao vẫn nhìn xuống. Chỉ ước mong sao, đến Hội Thánh, thấy Hội Thánh yêu thương, xum vầy cạnh nhau, thấy đầy đủ những gương mặt, không thiếu một ai là vui lắm, quên hết khó khăn.

Tôi thật vinh dự được làm việc chung với một mục sư. Ông đã kể lại khi hầu việc Chúa tại các vùng dân tộc, một mình lên các vùng dân tộc hầu việc Chúa, chịu đói, chịu rét, đi bộ cả ngày trời để đến bản, trèo đèo, lội suối, bị sốt rét, mấy lần bị cây đổ và đất đổ xuýt chết trong mùa mưa bão, ăn những thức ăn hôi thối đã để cả tháng. Mà đâu phải chỉ đi một vài lần, đi nhiều lần trong tháng, đi nhiều tháng trong năm.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao họ có thể vượt hết được những khó khăn đó?

Đó chẳng phải là của lễ tình nguyện họ đã dâng chính mình cho Chúa sao? Vì yêu Chúa, yêu Hội Thánh, yêu những linh hồn hư mất. Tôi xin ghi nhớ người anh trong chức vụ. Xin khiêm cung để bước theo những tấm gương, đã chịu thương khó, nếm đủ sương gió vì Chúa Cứu Thế.

Tin chắc rằng những bàn chân bước đi trên những khổ đau, hiểm nguy vì đức tin, vì phục vụ Chúa, sẽ để lại trong trái tim và tấm lòng của những Ti-mô-thê trẻ noi bước.

Tấm gương Nê hê mi đã mang đến cho chúng ta về chiến lược, và kế hoạch của người Đức Chúa Trời. Ông nhắc nhở chúng ta phải cảnh tỉnh để chống lại kẻ thù, và gây dựng niềm tin cho Anh em. Nhưng ông cũng nhắc nhở cho chúng ta về cách tận dụng thời gian, sự chịu khó, chịu khổ hết lòng cho việc khôi phục bức tường đổ nát, không quản ngại đêm hôm, thức khuya dậy sớm.

Hành động của Nê-hê-mi thật đáng để chúng ta tự đặt ra câu hỏi rằng: Trước khi đi ngủ bạn có lo cho tường thành thuộc linh của mình không? Trước khi thức dậy bạn có quan tâm tới việc khôi phục bức tường đã đổ vỡ của bạn và người thân bạn không? Bạn có ăn ngon ngủ yên khi HT của Chúa có sự đổ nát trong mối quan hệ với nhau không?

Ngày nay chúng ta không thể thỏa lòng để hưởng thụ. Chúng ta không thể xem tivi đến khuya và ngủ đến trưa mới dậy, rồi đi ăn sáng. Nêhêmi thực sự có phẩm chất là người của Đức Chúa Trời: “Ngủ trễ, dậy sớm vì cớ công việc của Đức Chúa Trời. Ông đã lo lắng cho tuyển dân của Đức Chúa Trời và công việc xây tường thành đổ nát.”

Có khi bức tường thuộc linh của tôi và các bạn đang bị đổ vỡ, rạn nứt mà không biết, vì cớ sự thỏa lòng nơi những tiện nghi, và địa vị mình đang có, điều mình sở hữu, đổ vỡ vì sự lười biếng, đổ vỡ vì thiếu tình thương, vì tấm lòng khô khan, vì tâm tánh cộc cằn giận dữ. Đáng lẽ chúng ta phải trổi dậy trong đêm khuya, thức buổi sớm mai để than khóc cho chính mình, cho người nhà mình, cho Hội Thánh. Khóc vì mình ích kỷ, thiếu tình thương, khó tha thứ, khóc cho thái độ của mình khi dâng nghĩ rằng sẽ mất. Chúng ta có thể làm mọi thứ, nhưng không phải tất cả đều đến từ tình thương, sự cảm động hay tình nguyện.

Những tháng ngày dâng của lễ tình nguyện của gia đình chúng tôi sẽ không bao giờ là chấm dứt. Chúng tôi sẽ tiếp tục nói như vua Đa vít rằng: “Tôi sẽ dâng cho Ngài của lễ tình nguyện, vì điều đó là tốt lành”.

Hỡi những tấm lòng đang đòi công giá, hãy thức dậy để nhìn thấy sự hy sinh lớn lao của Chúa Cứu Thế đã gánh mọi tội lỗi của bạn và tôi để chết thay. Ngài đã vì tôi, vì bạn mà không tiếc mạng sống mình, Chúa Cứu Thế đã tình nguyện chết thay mà không đòi bạn phải trả công đòi giá. Vậy cớ sao tôi và bạn nghĩ mình xứng đáng để được hưởng thụ?

Lạy Chúa xin giúp thế hệ chúng con biết tận tâm, tận lực, hy sinh mà không đòi công giá, không làm vì lợi, vì hư vinh bèn là vui lòng. Xin giúp chúng con dâng của lễ tình nguyện mỗi buổi sớm mai cho Ngài. Cảm ơn Cha đã cho chúng con đặc ân để hầu việc Ngài. Cảm ơn Cha đã ban cho chúng con không tuỳ theo việc chúng con đã làm, nhưng theo lòng nhân từ rất lớn của Chúa. Con tạ ơn Chúa nhiều lắm. Trong danh đắc thắng của Chúa Giê-xu. A-men.

Đối với chúng tôi đó là: Dâng của lễ tình nguyện. Còn bạn thì sao? Bạn có dâng không? Dâng cách nào? Của lễ tình nguyện của bạn là gì? Xin Chúa phán với lòng bạn ngay hôm nay.

Unknown