Ma-thi-ơ 16:13-20
“Theo lời người ta nói thì Con Người là ai?”.
Ma-thi-ơ 16:13

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu là ai? Ngài là Con Đức Chúa Trời hằng sống có ý nghĩa gì? Riêng bạn, Chúa Giê-xu là ai? Sự xưng nhận của Sứ đồ Phi-e-rơ khích lệ bạn điều gì trên con đường theo Chúa? Thường thường, người ta có thể theo các sự dạy dỗ của một tôn giáo, mà không nhất thiết phải biết rõ vị giáo chủ của tôn giáo ấy là ai. Nhưng đối với Cơ Đốc giáo thì khác. Chúa Giê-xu là nền tảng của Cơ Đốc giáo. Thân vị của Chúa Giê-xu gắn liền với lời dạy của Ngài. Chúng ta được cứu rỗi không phải nhờ làm theo những luật lệ Chúa dạy, nhưng nhờ niềm tin đặt vào chính Ngài. Cho nên chúng ta cần phải biết Ngài là ai, và phải tin cho đúng đắn. Nếu không, việc theo Chúa của chúng ta chỉ là vô ích. Trong Ma-thi-ơ 16, Chúa đã hỏi các môn đệ rằng: Theo người ta nói thì Con Người là ai? “Các môn đệ thưa rằng: Người nói là Giăng Báp-tít, người nói là Ê-li, người khác lại nói là Giê-rê-mi, hay đấng tiên tri nào đó.” Chúa hỏi tiếp các môn đệ: “Còn các ngươi xưng Ta là ai?” Ông Phi-e-rơ trả lời rằng: “Chúa là Đấng Cơ Đốc, Con Đức Chúa Trời hằng sống.” Ông Phi-e-rơ đã trả lời đúng và được Chúa khen ngợi. Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời. Quan hệ giữa Ngài với Đức Chúa Cha như thế nào? Một số tà giáo dạy rằng Ngài là một người hay là một thiên sứ; tức là một tạo vật do Chúa Cha tạo nên, và được Chúa Cha chọn để làm một người Con đặc biệt và làm Cứu Chúa của thế giới. Nhưng Kinh Thánh không dạy như vậy. Kinh Thánh cho biết Ngài không phải là một tạo vật, Ngài là Đức Chúa Trời. Chúa Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trời. Có ba ngôi vị phân biệt nhau, nhưng không tách rời nhau. Cả ba đều là Đức Chúa Trời, nhưng không phải là ba Đức Chúa Trời, mà chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi. Đây không phải là một vị đóng ba vai vào những thời kỳ khác nhau, nhưng cả ba vị đồng hiện hữu đời đời. Đây cũng không phải là ba thành phần, ba mặt hợp lại thành một Đức Chúa Trời, nhưng là ba vị phân biệt nhau, mỗi vị đều có đầy đủ tất cả các bản tính của Đức Chúa Trời. Ba vị phân biệt nhau, nhưng cả ba có đồng một bản thể. Có người phủ nhận dạy dỗ trên vì cho rằng khó hiểu, không hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta phải ý thức rằng khả năng lý luận của chúng ta có giới hạn. Có nhiều hiện tượng trong thiên nhiên mà trí óc chúng ta không thể giải thích hợp lý, huống chi là Chúa, Đấng Tạo Hoá vô hạn. Làm sao chúng ta lấy lý luận hạn hẹp của con người mà giải thích được! Có những điều thuộc về Ngài phù hợp với kinh nghiệm và lý luận của chúng ta, nên có thể hiểu dễ dàng. Ví dụ như chúng ta có thể hiểu Chúa là Đấng quyền năng và khôn ngoan, vì nhận thấy vũ trụ bao la, trật tự; thấy thân thể của chúng ta được cấu tạo một cách tinh vi và hoạt động nhịp nhàng. Nhưng Chúa vượt quá giới hạn của kinh nghiệm và khả năng của trí óc chúng ta. Có những điều thuộc về Chúa không giống như những gì chúng ta thường thấy, thường biết. Đây là “những sự mầu nhiệm,” tức là những điều chúng ta chỉ có thể biết được nhờ sự mạc khải, bày tỏ của Chúa. Với những sự mầu nhiệm này, chúng ta cũng chỉ hiểu đến một mức nào đó thôi. Giáo lý Ba Ngôi là một sự mầu nhiệm mà Chúa đã mạc khải cho chúng ta. Kinh Thánh, Chúa dạy dỗ rõ ràng rằng Cứu Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ lần lượt suy ngẫm về dạy dỗ ấy. Theo bạn, Chúa Giê-xu là Ngôi Hai Thiên Chúa có ý nghĩa gì?

Lạy Chúa Giê-xu – Đức Chúa Trời của con – xin giúp con luôn tôn thờ Ngài.

Đạo Binh Của Đức Chúa Trời

Đọc: 2 Các Vua 6:8-17

 


 

Ngài sẽ ban lịnh cho các thiên sứ Ngài gìn giữ ngươi trong mọi đường lối ngươi. – Thi Thiên 91:11

 


 

Khi cháu gái Julia của chúng tôi còn nhỏ xíu, chúng tôi lái xe đưa cháu đi con đường núi ở Idaho. Sau đó, trong lúc trò chuyện với Nana về chuyến “phiêu lưu” đó, Nana nói, “Bà chẳng lo gì cả, vì bà nghĩ ông có một thiên sứ bảo vệ cùng đi.” Julia đáp, “Con nghĩ hẳn là ông có nguyên cả một toán thiên sứ bảo vệ kia!” Sứ mạng của thiên sứ là bảo vệ và phục vụ con cái Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:13-14). Tác giả Thi Thiên nói, “Xe của Đức Chúa Trời hàng ngàn hàng vạn; Chúa ở giữa các xe ấy” (Thi Thiên 68:17). Đức Chúa Trời là “Đức Giê-hô-va vạn quân,” có nghĩa “nhiều đạo binh.” Thiên sứ là đạo binh của Chúa. Trong 2 Các Vua, chúng ta đọc chuyện Ê-li-sê cùng đầy tớ ông bị đạo binh Sy-ri bao vây. Đầy tớ Ê-li-sê la lên, “Thầy ơi, chúng ta làm sao đây?” Ê-li-sê đáp, “Đừng sợ, vì những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.” Sau đó Chúa mở mắt cho đầy tớ thấy “Núi đầy những ngựa và chiến xa bằng lửa đang bao quanh Ê-li-sê” (6:15-17). Đạo binh của Chúa đang cận kề! Cho dù không nhìn thấy bằng mắt trần, chúng ta vẫn có thể yên tâm tin rằng Đức Giê-hô-va vạn quân không ngừng theo dõi chúng ta và Ngài có một đạo binh vô hình sẵn sàng tuân lịnh đi nơi nào Ngài muốn. – David Roper


Thiên sứ của Chúa Trời bảo vệ dân sự Chúa trong lúc họ làm công việc Chúa.