Các Quan Xét 9:1-25
“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Câu hỏi suy ngẫm: Ông A-bi-mê-léc làm gì để được lên làm vua? Người Si-chem đã cư xử với ông Ghê-đê-ôn và gia đình ông như thế nào? Bạn nghĩ gì về việc làm và thời gian làm vua ngắn ngủi của ông A-bi-mê-léc?

Bạn áp dụng điều gì qua bài học này vào đời sống thường ngày? Sự mê tham tình dục khiến ông Ghê-đê-ôn có nhiều vợ. Một người vợ bé ở Si-chem sinh cho ông một con trai. Đặt tên cho con là điều hệ trọng, nên người Ít-ra-ên cẩn thận chọn những tên hay, có ý nghĩa đặt cho con cái của họ. Nhưng ông Ghê-đê-ôn có vẻ bất cẩn khi đặt tên con là A-bi-mê-léc có nghĩa là “cha ta là vua” (câu 8:30, 31). Hạt giống của sự tham dục và tội lỗi tiếp tục sinh sôi, đứa con này theo đuổi tham vọng điên cuồng, và làm những việc tàn nhẫn. Để được làm vua, ông A-bi-mê-léc đã nhẫn tâm diệt 70 anh em cùng cha khác mẹ của ông. Chỉ có ông Giô-tham trốn thoát. Người Ít-ra-ên thường chọn người xứng đáng làm người lãnh đạo của họ, không hiểu sao ở đây những người Si-chem tôn A-bi-mê-léc một người làm đầu bọn hoang đàng và sát nhân làm vua. Khi hay tin này, Giô-tham đã đứng trên núi đá cheo leo để thách thức những người nổi loạn trước khi chạy trốn. Cây cối là hình ảnh thường được sử dụng để nói về con người. Trong bài ngụ ngôn của Giô-tham, những cây hữu ích đều từ chối làm vua, trong khi một bụi gai lại khẳng định rằng những cây hương nam phải quy phục mình nếu không sẽ bị lửa gai thiêu đốt. Câu 16 và 19 cho thấy người Si-chem đã cư xử bất công với gia đình Giô-tham, vì thế nhà vua mới phất lên và vương quốc tự tạo chẳng bao lâu suy sụp. Những điều tiên đoán của Giô-tham dường như là chuyện hoang đường, nhưng ít lâu sau khi sự nghi ngờ và đối lập phát sinh, thì câu chuyện ngụ ngôn của ông trở thành sự thật. Những tình tiết trong câu chuyện khá xa lạ với chúng ta ngày nay, nhưng nếu ngẫm cho cùng, những ai chạy theo tham vọng điên cuồng, để cho tội lỗi và dục vọng chiếm hữu thì không thể nào tránh kết cuộc đau thương. Khi những người tốt từ chối không làm gì cả, thì những người ác sẽ tự tung tự tác, và ngày càng hưng thịnh là điều đương nhiên.

Bạn sẽ làm gì để gìn giữ sự liêm chính, công bình và chân thật ngày càng thiếu vắng trong cuộc sống đời thường?

Lạy Chúa, xin ban cho con sự can đảm để sống thánh khiết, công bình và chân thật trong xã hội đầy tội ác và gian trá nầy. 

Vượt Ranh Phân Cách

Đọc: Mác 2:13-17

Đang khi Chúa Giê-xu ngồi ăn tại nhà Lê-vi,… nhiều người thu thuế và kẻ có tội ngồi cùng bàn với Ngài. – Mác 2:15

Hai thanh niên đang nghĩ trò ranh mãnh, tiến lại gần một xe truyền giáo đậu ở khu phố một thành phố nước Đức. Các giáo sĩ tới đó để đãi thức uống khai mào một cuộc đàm thoại về Đấng Cơ Đốc. Hai khách này, quấn khăn quanh cổ có in hình sọ-và-xương người, tới đó nhằm gây rối. Nhưng các giáo sĩ không phản ứng lại, theo cách mấy anh côn đồ này nghĩ. Cơ Đốc nhân đã nồng nhiệt hoan nghênh họ, và mời họ tham gia thảo luận. Ngạc nhiên, hai anh chàng cũng chịu ở lại đủ lâu, để nghe Phúc Âm. Một người đã tin Chúa Giê-xu hôm đó. Người kia, thì qua hôm sau. Hai thanh niên đó với các giáo sĩ này, vô cùng cách biệt nhau về văn hóa. Hai chàng là người Đức; các giáo sĩ là người Mỹ. Hai chàng đang sống trong nền văn hóa của bóng tối và chết chóc thuộc linh; còn các giáo sĩ thì đang chiếu sáng. Lằn ranh văn hóa được vượt qua bằng bánh ngọt và tình yêu không xét đoán. Hãy nhìn mọi người quanh bạn. Bằng cách nào, bạn bày tỏ được cho những người bên kia hàng rào văn hóa, loại tình yêu vô điều kiện, không nghi ngờ? Làm sao để bạn vượt rào ngăn cách, giúp họ nhìn thấy tình yêu của Chúa Giê-xu là không biên giới? Hãy vượt ranh giới phân cách. Hãy đem Đấng Cơ Đốc đến cho một nền văn hóa dù không có vẻ gì giống với văn hóa của bạn. – Dave Branon


Lời chứng của chúng ta cho Đấng Cơ Đốc là ngọn đèn cho thế giới tối tăm.