Năm 1946 sau khi tản cư về, ba tôi cáo lão từ quan. Ba tôi và ông Mai Thọ Tuyền đều là tịnh độ cư sĩ (tu tại gia) lâu năm, cùng có ý định phát huy Phật giáo tại Nam Việt, xây một ngôi chùa. Pháp danh của ông Truyền là Chánh Trí. Ba tôi là Chánh Tịnh. Gia đình nội ngoại tôi đều theo Phật giáo nhiều đời. Về vai vế trong quan trường và tuổi tác ba tôi lớn hơn ông Truyền. Vì ba tôi từ quan nên chỉ hoạt động trong bóng tối. Ông Truyền đứng tên công khai hoạt động “nổi”. Thời gian sau đó ông là Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt và Chùa Xá Lợi được đa số Phật tử vùng Sài Gòn, Chợ Lớn Gia Định cùng đóng góp xây lên.

Riêng ba tôi và một số Phật tử khác xây một ngôi chùa nhỏ tại xã Đông Nhì là Chùa Từ Quang để tiện việc di chuyển và để cho thầy ruột của ba tôi một vị cao tăng xuất gia quy y từ lúc 6 tuổi, có nơi yên tâm tịnh tu vì thầy theo phái Thiền (Trúc Lâm) và không thích ở chùa lớn náo nhiệt.
Hồi cư về thành, gia đình tôi ở phố vùng lăng ông bà Chiểu. Đó là xóm chợ không có công viên nên tất cả trẻ con lối xóm hơn 150 đứa từ “thượng vàng hạ cám” đều tập trung ở khuôn viên sân cỏ và sân tennis rộng rãi quanh Lăng Ông. Trong xóm có một tên tiểu du đãng lớn hơn tôi 1 tuổi, nó thích phá phách chơi cha và ăn hiếp trẻ con khác, biệt hiệu nó là “phá lấu” vì là con của một chú Hoa Kiều hiền hậu, chuyên bán phá lấu độ nhựt. Vì “phá lấu” ăn hiếp và tôi không nhịn nó được nên tôi và nó đánh lộn thường xuyên dù ba má tôi tuyệt đối cấm tất cả anh chị em tôi không được ẩu đả. Vậy mà trong vòng hơn 4 tháng, tôi và “phá lấu” ra chiêu 6 lần tất cả. Đó là chưa kể các vụ “thượng tay hạ chân” với trẻ con khác và bạn học trong trường. Ba má tôi chủ trương dĩ hòa vi quý, một câu nhịn chín câu lành mà bản tính tôi lại hung hăng, thiếu “nhân chi sơ tính bản thiện” nên hễ ẩu đả mà ba má tôi biết được là bị đòn. Tôi bị đòn nguội nhiều lần vì chú “phá lấu” rất nể ba tôi, khi hay tên tiểu “phá lấu” so tài cùng tôi do bọn trẻ con khác mách lại, trên đường đi bán, ông ghé nhà xin lỗi ba tôi. Vì vây, tôi nằm dài lãnh roi “nguội” đau điếng. Đánh lộn dường như là tật không từ bỏ được nên ba má tôi bàn nhau đem tôi vào chùa quy y tam bảo. Ngoài giờ học ở trường và giờ ăn uống nghỉ ngơi, ngày nào ba hoặc má dẫn tôi vào chùa để học bài, đồng thời để Thượng Tọa thầy của ba tôi giảng dạy giáo lý sơ đẳng nhà Phật, mục đích ba tôi muốn tôi tránh xa 150 tên tiểu yêu lối xóm. Lúc quy y tôi hơn 10 tuổi. Tôi còn nhớ mãi bài học vỡ lòng, một trong nhiều giáo lý căn bản của Phật giáo là Ngũ hương dâng Phật khi thắp hương còn gọi là dâng hương lễ Phật: “Giới hương, Định hương, Giữ huệ hương, Giải thoát Giải thoát, Trí kiến hương.” Tôi bắt đầu tập ăn chay ban đầu 2 ngày một tháng, lần lần 10 ngày 1 tháng. Trong suốt thời gian con đi học, tôi theo ba má đi chùa đều đặn. Tôi được thầy (của ba lẫn của tôi) giảng dạy về Phật giáo từ dễ đến khó. Thí dụ: Chuyển mê khai ngộ, Giác mã, Giác tha, Giác hạnh viên mãn, Từ bi hỉ xả, Sắc tức thị không, Không tức thị sắc, thế nào là Phước Huệ Song Tu, Tiểu thừa, Đại thừa, Luân hồi, Nam tông Bắc tông, các kinh, luật, luận, nghi lễ trong chùa, Thích Ca Mâu Ni là ai, Lục Tổ Huệ Năng làm gì, Thiền là gì v..v….Ngoài ra tôi còn phải thuộc lòng mọi kinh kệ, chú, để ba tôi được yên lòng khi ông nhắm mắt. Tôi vâng lời ba tôi đọc và học thuộc lòng nhiều bài chú mặc dù cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu rõ ý nghĩa vì những bài chú đó viết bằng tiếng Phạn cổ xưa. Lúc mới tập tễnh vào chùa vì tuổi nhỏ, mất tự do, bị bó buộc bởi nghiêm đường, lại bị ăn chay, tập ngồi bán già, rồi kiết già, tê chân thật khó chịu, quỳ gối hàng giờ là cả cực hình nhưng trước lại sau quen và dần dần về lâu tôi cảm thấy thích thú. Được cha mẹ thương hơn trước, anh em ruột thịt nể nang, không còn gọi tôi là biệt danh “phá lì” (vừa phá vừa lì đòn, phá lì đối với phá lấu) như trước kia. Hơn nữa trong chùa cũng kính nể ba tôi nên tôi được cho ăn nhiều trái cây ngon ngọt. Phần khác có thì giờ sự yên tịnh để học bài, việc học trong trường khả quan, tiến bộ hơn. Mục đích đầu tiên của cha mẹ tôi đã đạt được, tách xa tôi ra khỏi đám tiểu yêu mà phản ứng cá nhân tôi rất thuận lợi. Ba mẹ tôi đã già, có thể yên chí giao cho tôi trọng trách phụ lo vấn đề tài chính cho chùa. Xa hơn nữa có thể thành lập đoàn thanh niên Phật tử địa phương và tôi có thể thích thú đóng góp công của vào việc dịch thuật kinh sách Phật ra tiếng Việt phổ thông. Thời đó kinh sách ít ỏi, đa số bằng chữ Hán, tiếng Phạn, nếu có bản Việt ngữ cũng rất khó hiểu vì lối văn cổ, điển tích khó khăn, pha nhiều chữ nho v.v…Tuyệt nhiên ba mẹ tôi không khuyến khích tôi xuất gia vì ông bà thương con cảm biết sự khốn khổ khi khoát áo cà sa vào kiếp người. Tôi cũng hiểu được đó là nhược điểm của ba mẹ tôi. Gia đình theo Phật mấy đời nhưng không dám hy sinh con, dứt khoát hẳn 100%. Tôi cũng cảm thông thái độ “nửa chừng xuân”, nửa đời nửa đạo của ba mẹ tôi vì “nghiệp” của ông bà chưa dứt, “căn” của tôi chưa tốt, “duyên” chưa tròn.
Tôi đi làm năm 23 tuổi, thanh tra thương mại cho chi nhánh Shell Nha Trang, một chức vụ thua giám đốc chi nhánh (người Pháp) nhưng việc nhàn lương hậu. Công việc nặng phần tổ chức và ngoại giao, khách hàng của Shell Nha Trang đa số là người Hoa (đại lý trạm xăng) và người Pháp chủ các đồn điền trà, cà phê to lớn rải rác khắp vùng hai chiến thuật. Một số khách hàng Việt Nam tôi cần giao dịch là chính quyền dân sự và quân sự khắp 10 tỉnh vùng hai. Bài học vỡ lòng có kết quả nhất để giao tiếp thuận lợi cho công việc buôn bán với người Hoa người Pháp, kể cả một số thương gia Việt Nam, không thể xảy ra ở văn phòng máy lạnh, bàn toán, máy đánh chữ, nhiều thư ký, hàng đống giấy tờ cao đến cổ mà phải ở cao lầu, vũ trường, canh bạc ngoại giao.
Còn độc thân lương khá, muốn công việc được trôi chảy dễ dàng, tôi bắt buộc phải tập uống bia, rượu chát các loại, lần lần đến Whisky, Cognac. Phải học nhảy slow sao cho mùi, Valse bay bướm, cha cha cha nhịp nhàng, thấu cáy xì phé sao cho địch vỡ mặt…học khó chơi dễ. Nghề chơi chẳng lắm công phu đâu nhất là khi có môi trường thuận lợi. Bạn bè học chung gặp lại tôi đã tròn xoe mắt kinh ngạc. Tôi từ một tiểu tăng, một tên “cù lần” nhát gái mấy năm trước, nay không còn phảng phất một nét nhỏ “học trò” nào cả. Khi hết “tướng học trò” “giờ nghiểm nhiên trở thành tướng cướp”. Nói tiếu lâm, uống Martell mỗi chiều giờ tan sở như uống nước lã. Café thuốc lá hàng chuỗi dính môi, vũ trường nào ở Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang tôi đều quen thuộc, em “cave” nào đặc biệt đấu hay, nhót giỏi “lột xìn” (làm tiền) tài, tôi đều quen mặt. Một chút danh, một chút lợi, tứ đổ tường…đã tách tôi ra khỏi tiếng mỏ câu kinh của thời niên thiếu. Chỉ khi nào có dịp về Sài Gòn tôi mới ghé Chùa tặng quà cho thầy để rồi lật đật ra đi, yêu cuồng sống vội, bù đắp cho hơn 10 năm vào cửa Từ Bi. Bạn bè cùng lớp ngày xưa mơ có cuộc sống như tôi. Danh không to lắm, tiền không nhiều nhưng địa vị, những xa hoa bên ngoài như quần áo, xe hơi ở Việt Nam là lực hút mạnh của phái nam để thu hút phái đẹp. Từ tập tễnh nhảy đầm, uống rượu, thấu cấy xì phé, đốt thuốc lá…không bao lâu sao tôi mê tất cả và hưởng thụ một cách thiện nghệ. Dù vậy, thấm nhuần bởi giáo lý Phật giáo lâu năm trong tiềm thức sau những chiều say, những đêm lả lướt với đào, với vũ nữ, những đêm khuya tố xả láng trong canh phé nhiều cảm giác…lúc về nhà riêng, thân thể mệt mỏi rã rời, tâm tư ưu sầu, lòng ray rứt, mặc cảm tội lỗi to dần. Tôi cố tâm niệm Phật, tìm xin sự ăn năn, quyết chí ngày mai sẽ sống cuộc đời mới đạo đức hơn, trong sạch hơn. Rồi ngày mai đến, cuộc sống vẫn ngựa quen đường cũ. Khi ánh nắng chiều vừa tắt sau giờ làm, tôi cần nhiều ly Martell để quên sầu. “Tửu” phải đi kèm với “sắc”. Vũ nữ rất dễ gặp miền có tiền. Bạn bè ăn nhậu thật đông, kẻ mời chào người níu kéo…chả lẽ về nhà riêng nằm trằn trọc thui thủi. Tôi cố tâm quay về hướng thiện nhiều lần. Lần nào cũng thất bại dù đã dùng nhiều cách mà tôi biết qua giáo lý nhà Phật, qua sách vở đã đọc. Xã hội nhiều quyến rũ, đam mê được tiền tài và phương tiện vật chất đổ thêm xăng vào lửa, cuộc đời nổi trôi vào bể trầm luân. Ăn chơi rồi về nhà ray rứt, hưởng thụ ngày mai, ngày mốt ray rứt, ưu lo…muốn phá tan phiền não, muốn cởi bỏ u minh thì sức cá nhân đã chào thua. Cuộc sống bênh ngoài của tôi có vẻ hào nhoáng làm cho một số bạn trẻ ưa thích mà bên trong tôi âu lo vì còn nhớ mãi thuyết luân hồi. Cuộc đời vụng tu, kiếp sau đầu thai lại chắc chắn không thể thành Bồ Tát, may mắn lắm có thể thành người để còn có dịp tu. Điều chắc nhất mà tôi biết tôi lo, sợ sệt là sẽ trở thành súc sinh hay ngọa quỷ Atula.
Một hôm về nghỉ phép ở Sài Gòn nửa tháng, tôi quyết tâm vào tịnh nghỉ trong chùa để dễ sám hối, để mong tiếng kinh kệ câu kinh giúp tôi vượt qua nghiệt ngã, ô trượt mà nếp sống hàng ngày trói buộc. Cố gắng lắm tôi mới ở lại chùa được nửa ngày, mùi thuốc lá thích hơn mùi nhang, thịt cá đậm đà hơn tương rau, tiếng mỏ tiếng chuông không hấp dẫn bằng nhịp trống vũ trường, nước lã nhà chùa thua xa Martell dìu dịu.
Tôi thú thật cùng ba tôi cuộc sống hiện tại nơi vùng hai và cầu mong ba tôi cho biết khi đầu thai lại tôi sẽ thành gì? Ba tôi đáp ngắn gọn, vẻ mặt vừa buồn vừa giận: “Atula” Quay sang hỏi thầy, thầy gật gật có vẻ đồng ý với ba tôi. Tôi biết ba và thầy vô cùng đau buồn vì tôi ăn chơi. Bao nhiêu năm đầu tư điều thiện vào tôi như công dã tràng. Tôi xin lỗi hai vị, cho biết tôi đã thử nhiều lần, cầu xin Phật Tổ cho tôi sống lại những ngày đạo đức của tuổi ấu thơ. Tôi thật tâm muốn trở thành chánh quả, thật tâm muốn chuyển mê khai ngộ…mà bao nhiêu lần đều thất bại, kể cả lần này vào chùa để xa hẳn cám dỗ. Tôi nói cùng thầy: “ Bạch thầy, giáo lý thầy dạy con hơn 10 năm con đã thuộc. Con biết và công nhận giáo lý Từ bi quả thật cao siêu nhưng sao không thể thực hành. Con có học, có quyết tâm tự cứu lấy con. Giác ngã không xong, làm sao con giác tha và khó hơn nữa giác hạnh viên mãn được?”
Nghe xong thầy nghiêm trang dạy: “ Con phải từ chức, xuất gia, vào chùa sống lại như xưa, con mới tránh được u mê cám dỗ”. Nhìn ba tôi để tìm xem ý kiến. Ba tôi bớt giận, ôn tồn nói: “Con lớn rồi, hãy tự quyết định con biết đường nào lên Niết Bàn, biết phương pháp Phật dạy. Biết đường nào sa vào địa ngục…”
“Thưa ba và thầy, con hiểu lý thuyết khá nhiều, con là người bình thường, cố tâm sám hối mà không thực hành được, con thử nhiều lần. Nếu từ chức, xuất thế con phải nhập ngũ ngay. Con tụng kinh lần chuỗi nhiều lần để quên đi cuộc sống hiện tại mà không được. Không phải ai cũng “xuất thế” được. Con biết xuất gia là điều tốt nhưng con biết con, con không muốn sau này huyền tục để làm ô danh cửa thiên và gia đình.”
Thời gian trôi dần, tôi vẫn ngụp lặn trong bể trầm kha, vẫn có khi ham mê danh lợi, vẫn có lúc muốn cải tà qui chánh mà rồi thể xác yếu đuối, chạy theo mãi đam mê.
Một lần nọ, nghe tin ba tôi suyễn nặng tôi về nhà thăm. Cơn suyễn mãnh liệt, ba tôi chỉ ngồi không nằm được, cơn đau dằn vặt lúc thúc bách lúc lơi lơi. Thuốc đã nhiều, không thuyên giảm vì vừa nhẹ suyễn ba tôi lại thiền. Sức khỏe suy yếu lại cơn suyễn tái phát. Đợi cho cơn suyễn tạm lắng, tôi ngần ngại hỏi: “Thưa ba, ba biết giáo lý Sắc tức Không, Không tức Sắc. Sao ba không áp dụng? xem như ba không bị đau thì không còn rên.”
“Không được con à! Cơn đau lần này là một thực hữu. Dù ba tu hơn 40 năm nhưng ba chưa đạt được mức có thể quên đi được thực tại thở không được.”
Tôi biết chắc rằng không phải ba tôi mà dù thầy có hơn 65 năm công đức cũng không thể áp dụng Sắc Không-Không Sắc khi con người đã được Thượng Đế gắn liền vào thể xác, vào tâm linh mình lục dục thất tình. Tôi tự an ủi tôi vì tuổi đời tuổi đạo, đạo đức cá nhân tôi thấp hơn ba tôi, giáo lý cũng thua ba tôi. Ba tôi thất bại thì huống gì tôi.
Một lần khác nghỉ phép về Sài Gòn thăm nhà, nhân có đám giỗ, anh em chúng tôi ăn bánh hỏi thịt quay. Ở bàn kế bên thầy và ba tôi ăn chay. Vì thầy và tôi thân tình trong hơn 10 năm đi chùa, tôi cắc cớ hỏi:
“Bạch thầy, thầy xuất gia từ lúc 5, 6 tuổi trường chay từ đó đến nay. Thầy thấy tụi con ăn thịt quay thầy có thèm không?”
“Thành thật mà nói, có lúc thèm khi chứng kiến, có lúc không. Tùy lúc con ạ. Khi thèm thì thầy niệm Phật, đè nén để quên và sau đó thì quên. Sở dĩ phải thèm vì chứng kiến, con mắt dễ làm sa ngã lắm con ạ.”
Tôi hỏi thêm dù biết ba tôi bất bình:
-“ Bạch thầy, chưa bao giờ thầy biết đàn bà, có bao giờ thầy ham muốn sắc dục?” Ông suy nghĩ giây lát rồi đáp:
– “Thuở thầy còn 50 hay trẻ hơn, thỉnh thoảng vẫn có ham muốn nhưng thầy dễ kiểm soát, biết dập tắt nhờ thấm nhuần lẽ đạo về sắc dục. Bây giờ thầy già rồi hơn 70 tuổi không còn nữa.”
Trong óc tôi, sau khi nghe thầy nói, nảy lên giáo lý “ Khổ + Tập + Diệt + Đạo” mà lúc đó chữ diệt quan trọng nhất. Tôi thấy thầy không “diệt” được ham muốn thật bình thường, thật con người vì con người không bịnh hoạn ai chẳng thèm thịt cá, nam nữ nào chẳng có lúc thoáng thích sắc dục vì đó là điều tự nhiên khi nhựa sống còn đầy. Thầy hơn 65 năm trau dồi và truyền dạy giáo lý nhà Phật cho chúng sinh, cho những kẻ mê muội như tôi mà vẫn chưa “diệt” được thì làm sao đắc đạo? Tôi tửu sắc điều hòa, môi trường phạm giới rất dễ. Tôi biết chắc chắn 100% con người không thể lên Niết Bàn nhờ tâm huyết, nhờ đạo đức cá nhân, tài năng riêng biệt dù là xuất chúng, dù xuất thế chứ đừng nói chi nhập thế như tôi đang sống lẫn lộn ngoài đời.
Trở ra Nha Trang đi làm, tôi suy nghiệm lại bản thân, không để bào chữa mà khi so sánh với đạo đức người khác, tôi cũng trung bình. Ăn chơi khi tuổi còn trẻ, khi có phương tiện là điều mà các bạn trẻ khác kể cả người lớn hơn tôi vẫn làm. Tôi bị mặc cảm tội lỗi ám ảnh vì giáo lý đã thu nhận nhiều hơn là tội lỗi thật. Rượu, trà, café, thuốc lá, nhảy đầm, đánh bạc…còn trong vòng kiểm soát thật có gì quá đáng với thanh niên hiện đại.
Giáo lý Ngũ hương nói lúc đầu và các giáo lý Sắc Không-Không Sắc, Khổ Tập Diệt Đạo đối với cá nhân tôi và có lẽ đối với tất cả chúng sinh, vô kế khả thi, biết để biết, để làm phong phú kiến thức hơn là để Tri Kiến Hương. (Tôi xin lỗi đã dùng một số danh từ Phật giáo mà không giải thích mơi đây được vì trang giấy có hạn, sự hiểu biết vẫn còn nông cạn nhưng vị nào là Phật tử hẳn sẽ hiểu rõ hơn tôi các danh từ trong bài này).
Mấy năm sau tôi nhập ngũ vì không còn được hoãn dịch và lập gia đình. Cuộc sống độc thân trước kia rất bay bướm, lã lướt mà cũng ray rứt. Giờ đây cuộc sống trong quân ngũ và nếp sống gia đình ngăn nắp thú thật cũng vui ít buồn nhiều, cũng lắm lo âu, rứt ray triền miên.
Khi nghe thầy bịnh nặng tôi xin phép về để cùng ba tôi vào viếng chùa. Thầy bịnh già nhưng trí óc lúc đó còn minh mẫn lắm. Thăm hỏi đôi câu về bịnh tình, tôi vào đề:
“Bạch thầy và ba, nếu giả sử giờ này thầy và ba tịch (chết) thầy và ba đắc hạnh gì?”
Thầy siết bàn tay tôi thật nhẹ trong bàn tay giá lạnh nhăn nheo, thầy thì thào: “thầy thật không biết” ba tôi tiếp:
“Ba thành thật nói con rõ ba cũng không biết. Con còn nhớ Phật Thích Ca trối gì với đệ tử A NAN ĐÀ khi Phật sắp tịch? Cứ lấy công đức cá nhân mà đi đến đích.” Ba tôi nhắc thêm:
“ Con phải tu, cứ tu hoài hết kiếp này sang kiếp khác sẽ thành chánh quả. Phật chỉ dạy con đường, chính con phải dùng sức mình để đi đến đích.”
Tôi nhớ thêm có một lần Phật Thích Ca phán: “Ta không phải là Chân Lý. Ta chỉ cho các con đường nào đến Chân Lý. Các con theo lời chỉ dạy mà đi.”
Thầy mất ít ngày sau. Trở về quân ngũ tôi chứng kiến nhiều cảnh chết chóc, có nhiều dịp suy tư về thân phận con người, về chân lý mà tôi thật lòng muốn tìm, muốn đi vào chân lý đó. Thầy tu hơn 65 năm, ba tôi hơn 40 năm mà khi sắp lìa đời vẫn chưa biết chắc mình đắc hạnh gì. Thế giới bên kia ra sao. Cứ mò mẫm đi mãi (tu mãi) để đạt tới “hư không” mà hư không đối với tôi thật còn mơ hồ. Tôi muốn tìm Chân Lý. Thích Ca khẳng định Ngài không phải Chân Lý. Thích Quảng Đức tự thiêu liễu đạo được giáo hội Phật giáo phong Bồ Tát. Thật sự Thích Quảng Đức thành Bồ Tát hay đầu thai lại thành người? Tôi không biết, ba tôi cũng không biết, thầy của ba tôi cũng không biết. Điều tôi biết rõ khổ tu có một ích lợi thiết thực là gia đình bớt cãi cọ mâu thuẫn, xã hội bớt xấu xa tội lỗi hơn nhưng thực ra có bao nhiêu người khổ tu. Thỉnh thoảng ăn chay đi chùa là điều tốt nhưng chưa tìm hiểu kinh kệ thì chưa đủ. Tìm hiểu xong thì quá khó và không thực hành nổi, không biết sau kiếp này tức là khi nhắm mắt xuôi tay linh hồn này, thể xác này đi về đâu, con thuyền không bến?
Tháng 2 năm 1975 tôi sang Los Angeles, California tu nghiệp. Tháng 4 năm 1975 tại L.A theo dõi tình hình Việt Nam qua tivi và báo chí Mỹ, tôi đoán chắc thế nào nam Việt Nam cũng mất. Âu lo mà không biết làm sao cứu vãn. Vận nước đã tới, tình thế chín mùi. Trong tuần lễ cuối tháng 4 năm 75 tôi cố liên lạc bằng điện tín và điện thoại về Việt Nam với mục đích thúc dục vợ con ra đi nhưng không liên lạc được. Tới 28 tháng 4 năm 1975 tôi và vài người bạn rủ nhau đến thăm một ngôi chùa cách Downtown L.A vài km để nghe ngóng tin tức Việt Nam và tìm an ủi, vì nơi đây có một Đại Đức Việt Nam du học, có nhiều Phật tử Việt Nam túc trực mỗi ngày tại chùa. Đến cửa Thiền, tay chẳng bắt mặt không mừng, Đại Đức và các Phật tử Việt Nam cũng như chúng tôi đều như xác không hồn.
Tôi buồn chán, thất vọng, chia tay các bạn một mình đi bộ, lang thang về hướng Hollywood với hy vọng giết thì giờ. Đến gần Hollywood đứng trên vỉa hè định băng ngang qua đường, tình cờ tôi gặp ông George D. trong quân phục rằn ri đang lái chiếc Jeep chậm chậm cùng hướng đi của tôi. Gặp tôi, ông và tôi đều mừng, nhận ra nhau ngay. Ở Việt Nam tôi quen ông qua bạn của tôi, một chiến hữu mũ xanh, cố trung tá Lê Hằng Minh nguyên là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Trâu Điên TQLC, em ruột chuẩn tướng Lê Minh Đảo. Minh ở cùng xóm học chung với tôi từ tiểu học.
Ông George D. thắng xe Jeep cạnh tôi hỏi ngay: “Anh đi đâu vậy? vợ con ở đâu? Hay là chúng ta quẹo vào nhà thờ Tin Lành trước mặt nói chuyện cho tiện. Nơi đây có bảng cấm đậu xe.”
Trong sân đậu xe sau nhà thờ, nhìn lại cấp bậc ông đã lên Đại tá, đang phục vụ tại 1 trại TQLC gần L.A độ 48 km. Tôi chia mừng về sự thăng chức mới đây của ông, thăm hỏi về gia đình ông ta. Đồng thời tôi kể qua những thăng trầm ba chìm bảy nổi chín lênh đênh của tôi. Tôi không quên cho ông biết hiện vợ con tôi đều kẹt ở Việt Nam mà không cách nào liên lạc được. Thật ra bên Việt Nam tôi gặp ông ta vài lần, quen sơ sơ chẳng có thân tình. Đại tá D chia buồn cùng tôi: “Rất buồn khi hay vợ con anh kẹt lại Sài Gòn nhưng hoàn cảnh bây giờ tôi không biết làm cách nào giúp cho sự đoàn tụ gia đình của anh.”
Tôi hết hy vọng định bắt tay tạm biệt, có lẽ đọc được tâm trạng của tôi, ông nói có thể giúp tôi một cách gián tiếp. Tôi mừng ra mặt tưởng đac có chiếc phao lúc đắm tàu.
“Anh nên nghe tôi, hãy tin Chúa tại đây, giờ này trong hoàn cảnh hiện tại. Anh hãy thật tâm cầu nguyện. Chúa Giê-su là Thượng Đế là Chân Lý. Ngài là Đấng duy nhất có thừa khả năng đem vợ con anh em anh ra khỏi Việt Nam bình an.”
Tôi sa sầm nét mặt, hy vọng tiêu tan. Tưởng gì chứ bảo tin Chúa và cầu nguyện thật lòng, tin thế nào được tôi nói thầm, tôi là Phật tử. Nơi đây ở bãi đậu xe, không có nghi lễ tôn giáo, không có mục sư, linh mục, không có rửa tội. Tôi cho là ông D. nói nhảm nhưng không phản đối bằng lời. Ông khẩn thiết nói thêm: “Anh nên quyết định nhanh chóng. Chúa Giê-su là Chân Lý, Chân Lý đó nhiều quyền năng, giúp anh vượt qua mọi nghịch cảnh, cho anh sự sống bình an kiếp này và cả trong cõi đời đời.”
Nhìn thẳng vào mắt ông D. tôi thấy ông thành thật, như một vị chân tu thuyết pháp vào ngày rằm hơn là một Đại tá của TQLC đánh trận khét tiếng. Hơn nữa hai chữ Chân Lý được ông lặp đi lặp lại làm tôi xiêu lòng vì trong tâm linh tôi, tôi quyết tâm đi tìm Chân Lý mà Phật Thích Ca tự thú không phải là Chân Lý. Lúc đó tôi không nghĩ gì đến Phật Di Đà, Thích Ca, Di Lặc hay Quan Thế Âm Bồ Tát. Dường như tôi linh cảm bên trong lòng Đại tá D. đã giới thiệu trao vào tâm linh tôi Chân Lý dù lúc đó tôi chưa có một ý niệm cỏn con nào về Chúa Giê-su cũng như Chúa Giê-su là Chân Lý.
Tôi có nhu cầu đoàn tụ Đại tá D. cho tôi chiếc phao tâm linh. Cử chỉ của ông ta tha thiết, ân cần tôi cảm động. Lòng thành thật tôi tập trung tư tưởng hai tay chắp trước ngực như bên Phật giáo theo thói quen mấy chục năm qua, mắt chăm chú nhìn lên nóc nhà thờ, tôi nguyện thầm: “Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng con tin có Chúa ở trên cao.
Xin Chúa cho vợ con đoàn tụ với con!”
Hai câu thơ trên thoáng hiện trong óc mà tôi không nhớ là của ai. Tôi chỉ lặp lại rồi cầu xin thêm sự đoàn tụ. Không có dấu thánh giá, không có amen. Tôi có bao giờ biết cầu nguyện theo Tin Lành đâu. Tôi chỉ có tấm lòng thành thật và nhu cầu đoàn tụ. Giờ phút đó tôi đến với Chúa trong phút giây ngắn ngủi, thật tâm, không có nghi lễ tôn giáo nào.
Trái với tôi, Đại tá D. đứng trong tư thế nghiêm chỉnh, đầu cúi xuống, mắt nhắm nghiền, thì thầm bằng tiếng Mỹ mà tôi không nghe được nhưng đoán biết ông thật tâm cầu xin cho tôi. Cầu nguyện xong ông mừng rỡ ra mặt. Tôi chợt nhớ một điều chót thật quan trọng, thật cần thiết với tôi. Tôi nhờ ông giúp tôi dùng máy truyền tin liên lạc với toán TQLC Mỹ đang bảo vệ tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn để tôi nhờ anh ruột tôi, một tướng lãnh đem vợ con tôi ra khỏi Việt Nam. Ông suy nghĩ do dự ra mặt. Tự nhiên tôi thốt ra lời: “Hay là Thánh Chúa dùng ông (chỉ ông D.) để giúp tôi. Nếu đúng vậy xin ông giúp cho trót vì tôi hiểu nguyên tác làm việc bên Mỹ này. Việc tư không thể xen vào việc công. Tôi thật muốn nói chuyện với anh hoặc vợ tôi ở Việt Nam. Tôi mong mỏi Chúa của ông cho tôi một phép lạ nhỏ. Tôi muốn thấy quyền năng của Chân Lý ông vừa giới thiệu cho tôi.”
Tôi cảm thấy hổ thẹn vì nhờ vả quá mức. Cuối cùng đại tá D. mời tôi lên xe chở về trại TQLC. Ông khẳng định với tôi: “Đây là ngoại lệ trong đời binh nghiệp, đầu tiên và cuối cùng tôi giúp anh.”
Qua ống nói máy truyền tin vô tuyến viễn liên quân đội Hoa Kỳ, tôi liên lạc về văn phòng làm việc của anh tôi ở Việt Nam. Không ai trả lời, tôi xin tiếp tổng đài ở tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn cho tôi nói chuyện với tư gia anh tôi trong tổng tham mưu. Ở đầu dây bên kia trung sĩ người Nùng, quản gia của anh tôi nhận ra tiếng tôi, không mừng rỡ mà thiểu não cho biết anh tôi đã ra đi 2 đêm rồi, tất cả tài sản cho hết trung sĩ này. Trung sĩ muốn tỏ lòng trung thành với anh tôi nên thanh minh rằng sở dĩ trung sĩ không đi theo anh tôi vì kẹt vợ con ở sông Mao.
Trước khi cúp điện thoại tôi nhấn mạnh nếu có dịp gặp anh chị nào của tôi, vợ con tôi, hãy bảo phải rời khỏi Việt Nam bằng mọi giá, nếu được thì nên sang Mỹ. Sau khi cúp điện thoại tôi buồn rã rượi. Vợ tôi không quen biết ai. Anh tôi, người có phương tiện ra đi đã rời nhà 2 đêm rồi. Tuyệt vọng! chỉ có phép lạ mới đưa được vợ con tôi đoàn tụ với tôi. Trong khi tôi nói chuyện, đại ta D. ngồi cúi đầu cầu nguyện, không khí nặng trĩu. Tôi bắt đầu từ giã ông để về L.A. Tôi dự định sau đó sẽ đi thẳng lên Washington D.C để lo thủ tục sang Pháp tạm sống với chị ruột tôi đang có cơ sở làm ăn tại Paris. Đại tá D. mừng rỡ viết cho tôi địa chỉ, số điện thoại sở làm của vợ ông vì vợ ông đang làm cho một cơ quan thiện nguyện ở Washington D.C. Ông nói cũng sẽ gọi điện giới thiệu với vợ ông về hoàn cảnh của tôi. Đến Washington D.C tôi gọi điện cho bà D. từ phòng trọ. Bà vội đến, thái độ vui vẻ, nhiều thiện cảm. Bà khuyên tôi nên ở lại Mỹ. Bà sẽ liên lạc với các trại tị nạn Pendleton và Fort Chaffee cũng như American Red Cross để truy tìm tin tức anh chị em và vợ con tôi. Sau khi cần thận hỏi tôi các tên tuổi và chi tiết cần thiết. Bà bảo ở quê bà, một thành phố nhỏ của Michigan có chương trình bảo trợ người tị nạn Việt Nam đáng tin cậy. Bà có thể giới thiệu tôi lên đó vừa tị nạn vừa có thể được hưởng lương bán thời gian thay vì đi Pháp. Nếu đi Pháp mà vợ con tôi đi Mỹ thì khó xử, và đời sống Pháp cũng chật vật. Tôi suy nghĩ và chấp nhận đề nghị của bà D. Bà liên lạc lên Michigan, lo giấy máy bay, tìm nhà thờ bảo trợ cho tôi và gia đình tôi sau này, nếu may mắn vợ tôi sang Mỹ. Bà không quên cho tôi một cuốn sách truyền đạo Tin Lành. Bà an ủi khuyên tôi hãy tin Chúa, kiên tâm cầu nguyện, biết đâu Chúa sẽ cho tôi một phép lạ.
Hai ngày sau tôi thật cảm động khi vừa rời máy bay tại phòng khách sân bây tại Michigan. Hơn 300 người Mỹ thuộc nhiều nhà thờ đến nhìn tôi với đầy thiện cảm, vui vẻ. Tôi tự hỏi sao họ tốt quá vậy? Tôi là một tên tị nạn vô danh, khác màu da, khác tiếng nói, không cùng văn hóa, khác tôn giáo. Lần hồi tôi mới khám phá ra: họ, các tín hữu Mỹ đã nhận được tình thương của Chúa Cứu Thế Giê-su và Chúa Giê-su là Chúa của tình thương, là Chân Lý nên họ đem tình thương đó chia sớt lại cho tôi. Vị mục sư Tin Lành người Mỹ bảo trợ cũng thăm viếng tôi luôn. Ông cho tôi thêm sách truyền đạo và một quyển Kinh Thánh. Ông tha thiết khuyên tôi hãy sớm tin Chúa và cầu nguyện, Chúa không bỏ tôi. Tôi tìm hiểu tại sao đại tá D. bà D. và mấy người Mỹ Tin Lành, vị mục sư này…tất cả đều nói cùng một cách, khuyên cùng một ý, có cùng một tình thương. Họ cứ nhấn mạnh Chúa Giê-su là Chân Lý.
Những điều họ nói về Chúa tôi nghe nhiều, vào tai này ra tai kia. Nhưng mấy rảnh rỗi, buồn buồn, tôi mở Kinh Thánh ra, đọc được câu Chúa Giê-su tuyên xưng mình là Đường Đi, Chân Lý, và Sự Sống…à ra thế. Tín hữu Tin Lành Mỹ tốt với tôi vì họ đã tìm thấy Chân Lý. Họ đem Chân Lý đó đến với tôi một cách chân thành, tha thiết, nồng nàn. Tôi có biết Từ bi, Hỉ xả, tôi chẳng thực hành được với đồng bào Việt Nam năm 54 hay sau biến cố Mậu Thân 68 dù tôi và gia đình tôi có phương tiện. Như có một lực hút mới, tôi đọc Kinh Thánh thường xuyên hơn. Tôi bắt đầu tin Chúa là Chân Lý, Chúa là tình thương bao la. Tôi đi nhà thờ với ba lý do lẫn lộn: làm vui lòng nhà thờ bảo trợ, vì hiếu kỳ, và sau chót muốn biết tường tận Chân Lý thật này dẫn tôi về đâu. Tôi đi nhà thờ Tin Lành nhưng vẫn còn hai thắc mắc:
+ Tôi vốn là Phật tử, thuở nhỏ phạm thượng hay đùa cợt danh Chúa, Chúa có chấp nhận tôi không? Tôi là kẻ tội lỗi. Chúa có tha thứ cho tôi không?
+ Theo Chúa tôi nghe nói phải bỏ cha mẹ ông bà?
Lời Chúa Cứu Thế Giê-su khẳng định trong Kinh Thánh: “Chúa là Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo là Trời, là tình thương tuyệt đối, thương yêu, tha tội những ai biết Ngài và nhận Ngài làm Cứu Chúa của cá nhân mình. Ngài đoan chắc sẽ tha tội cho tôi bất kể tôi tội nặng đến mấy, bất kể tôi thuộc đạo giáo nào, màu da, giàu nghèo, sang hèn, thất học hay thông thái miễn tôi ăn năn tội và quay lại theo con đường Ngài.
Đến Michigan gần 1 tháng, một hôm có chuông điện thoại reo. Anh ruột tôi nhờ bà đại tá D.tìm giùm, đã gọi và cho biết anh đang ở Fort Chaffee với đầy đủ vợ con tôi. Tôi mừng đến rơi nước mắt. Anh kể lại khi vào Tân Sơn Nhất, sân bay bị pháo kích mãnh liệt. Máy bay Mỹ bị hư phải chờ chuyến khác. Sau 2 ngày chờ trong Tân Sơn Nhất, vì còn quên giấy tờ quan trọng ở nhà nên anh quay về lấy. Nhờ về nhà nghe được cú điện thoại của tôi từ Mỹ, anh sang nhà vợ con tôi gần đấy bốc đi luôn vào giờ chót,. Hàn huyên đôi câu anh đưa điện thoại cho vợ tôi, vợ tôi khóc nức nở, quả quyết với tôi: “mẹ con em sang Mỹ được là phép lạ.” Vợ tôi chưa biết bên Mỹ tôi đã tin Chúa, cầu nguyện và xin phép lạ nơi Chúa.
Tôi không còn nghi ngờ, tôi biết chắc chắn một cách sắt đá rằng Chúa đã thương xót tôi, tha sạch tội tôi, nhận tôi làm con cái Ngài. Ngài đã ban tình thương cho cá nhân và gia đình tôi. Điều tôi biết đã được lời Ngài trong Kinh Thánh xác nhận, được vị mục sư Mỹ chỉ cho tôi đọc. Theo Chúa cũng không phải bỏ cha mẹ vì điều răn thứ năm của Chúa dạy phải hiếu kính cha mẹ.
Hai điều thắc mắc lớn của tôi được giải tỏa. Phật dạy phải tự lực cánh sinh để lên Niết Bàn. Tôi liên tưởng đến hình ảnh một người Việt Nam muốn vượt biên sang Mỹ phải băng ngang Thái Bình Dương. Theo lý thuyết nhà Phật, ví dụ tôi biết lội, mỗi ngày lội 10m, chắc chắn vài chục năm vài kiếp thế nào cũng qua được Mỹ. Thực tế cuộc đời cho tôi kinh nghiệm con người vốn yếu đuối, trên thực tế chưa có ai lội băng ngang Đại Đương được dù có người dạy rành mạch phương pháp, chỉ rõ đường hướng. Ngoài khơi có bao nhiêu bão táp phong ba, kình ngư, cá mập mà sức con người không thể vượt qua nổi. Con đường từ quả đất lên Niết bàn xa hơn, khó hơn tỉ tỉ lần con đường vượt Đại Dương từ Việt Nam sang Mỹ. Lội ngang Thái Bình Dương bằng sức cá nhân không nổi thì con đường tự đi lên Niết Bàn đối với tôi quả là vô vọng. Cuộc đời tôi, kinh nghiệm của ba tôi, thầy chúng tôi đã mở mắt cho tôi thấy rõ sự bất lực của con người trong vấn đề tự giải thoát cho mình.
Tôi xin mạn phép mượn hình ảnh sau để diễn tả cho dễ thấy:
Chúa Giê-su là chiếc tàu thật vững, thật an toàn, thật mạnh, còn nhiều chỗ trống. Ai muốn băng Đại Dương đi tìm tự do, Chúa mời quý vị lên tàu, Chúa sẽ ân cần chăm sóc, đưa bất cứ ai thật tâm đến với Ngài đến bên bờ một cách bình yên. Nói cách khác con đường từ trái đất đến Thiên Đàng dù khó, dù xa thì chỉ có Cứu Chúa là Đấng duy nhất, Đấng có đầy đủ quyền năng, thi ân bồng ẵm mình lên đó như Cha từ ái thương đứa con nhỏ bé, bất lực, bất toàn của mình.
Chúa biết sức con người yếu đuối mà đường đi thật khó vì ngăn sông cách núi, vì lòng người ngại núi e sông, tội lỗi, cám dỗ đè bẹp con người vào vực thẳm nên Chúa ban ơn cứu rỗi cho nhân loại.
Một vài bạn đứng tuổi, thân tình hỏi thật khi biết tôi tin Chúa, một điều khó tin nhung có thật: “Anh tin Chúa vào tuổi tứ tuần, anh có thấy ánh sáng nào le lói ở cuối đường hầm (cuối cuộc đời) không?
Xin thật lòng đáp: “ Sắp tứ tuần…với những lên voi xuống chó, những kinh nghiệm vui buồn. Ánh sáng không le lói mà sáng choang, không ở cuối đường hầm hay khi nhắm mắt xuôi tay mà ngay trong hiện tại lẫn cuộc sống đời đời”
Khi viết những dòng này tôi tròn 50 tuổi. Kinh nghiệm theo Chúa 11 năm qua đem đến sự bình an vui thỏa trong tâm hồn dù bây giờ cuộc sống gia đình tôi chật vật hơn lúc ở Việt Nam, gia đình êm ấm hơn khi mới cưới nhau vì vợ con tôi đều tin Chúa, cùng một chí hướng, cùng nhận được một tình thương Thiên Thượng chan hòa. Các tật xấu tôi có lúc trước như cờ bạc, rượu chè dù không cố gắng nhưng như có một sức mạnh trong tôi đã giúp tôi rời bỏ được những tật xấu đó. Tôi đã từng uống nửa chai Martel mỗi buổi chiều khi còn ở Việt Nam, vợ tôi đã từng khóc lóc hết nước mắt năn nỉ tôi bỏ rượu, nhưng tôi đã từng nói: “Anh bỏ em chứ không bỏ rượu được!” Vậy mà khi tin Chúa mới đầu hôm sớm mai tôi đã bỏ được rượu. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả những người tin Chúa đều hoàn toàn trong sạch vì hiện tại tôi cũng còn phạm nhiều tội nhưng khi tôi cầu nguyện ăn năn Chúa đã tha thứ cho tôi và giúp tôi sửa đổi.
Tôi xin tất cả các bạn hãy mạnh dạn đến với Chúa dù bạn là tu sĩ đã xuất gia hay chỉ thỉnh thoảng đi chùa. Dù bạn ở bất cứ tôn giáo nào nếu muốn tìm Chân Lý, tìm sự giải thoát toàn vẹn hay giác hạnh viên mãn xin hãy tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa. Chúa sẽ nhận bạn ngay, che chở bảo vệ bạn trong cánh tay toàn năng, cánh tay yêu thương của Ngài hôm nay và mãi mãi về sau.
Cao Lưu Ca

Sau khi đọc những lời chứng tâm huyết trên, nếu bạn muốn tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của đời mình, xin hãy thành tâm cầu nguyện như sau:
“ Kính lạy Chúa Cứu Thế Giê-su, Ngài là Chân Lý, con biết phận mình là người tội lỗi không ra gì trước mặt Chúa, nhưng con xin ăn năn từ bỏ những tội lỗi con đã làm. Con tin Chúa đổ huyết cứu chuộc trên cây thập tự giá để làm giá cứu chuộc con. Giờ này con xin Chúa tha tội cho con, chấp nhận con vào đại gia đình con cái của Đức Chúa Trời. Con xin tuyên xưng Ngài là Cứu Chúa và là chủ tể của đời con. Trong đức tin con biết Ngài đã tha tội và tiếp nhận con, con cảm tạ Chúa vô cùng. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su Christ Amen!”