Có bao giờ có người nào làm điều gì hoặc nói một lời nào khiến quý vị bị tổn thương hoặc đau đớn không? Chắc chắn là có. Không ai là không từng bị người khác gây tổn thương, đau đớn bằng cách này hay cách khác.

 Nhiều khi người gây tổn thương cho chúng ta là người mà ta gần gũi yêu thương nhất, là người ta hy sinh thì giờ, sức lực và cả tiền bạc nữa, để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người đó. Có khi người làm cho chúng ta tổn thương là cha mẹ hay con cái của chúng ta, có khi đó chính là người bạn đời yêu dấu của chúng ta. Khi nghĩ lại điều người đó làm có lẽ chúng ta vẫn còn buồn giận, đau đớn và có thể tự nhủ rằng mình sẽ tránh không gặp người đó hoặc không bao giờ làm một điều gì cho người đó nữa, vì người đó đã gây tổn thương cho chúng ta quá nhiều. Khi một người gây tổn thương cho chúng ta, nếu chúng ta thương người đó càng nhiều thì nỗi đau đớn càng lớn, càng sâu đậm, do đó chúng ta càng khó quên và khó tha thứù. Tuy nhiên, điều kinh khủng mà ít ai nghĩ đến là, nếu không tha thứ cho người gieo đau buồn thiệt hại cho mình, chúng ta trở thành nạn nhân của người đó và chúng ta tự giam mình trong ngục tù cay đắng, ngục tù đó sẽ cướp mất niềm vui trong cuộc đời chúng ta.

Ông Philip Yancey là một văn sĩ Tin Lành nổi tiếng của Hoa Kỳ. Trong quyển sách nói về ân sủng của Chúa và ân sủng trong đời sống người theo Chúa, ông có đề cập đến vấn đề tha thứ như sau. Ông nói:

Khi một người gây tổn thương hay thiệt thòi cho tôi, tôi sẽ có hằng trăm lý do để không tha thứ cho người đó. Trước hết, tôi không tha thứ vì tôi phải dạy cho người đó một bài học, vì tôi không muốn người đó tiếp tục gây đau khổ cho người khác. Tôi không tha thứ vì ít ra người đó phải lãnh lấy hậu quả của việc mình làm, không tha thứ là tôi giúp cho người đó nhìn thấy vấn đề để biết xử sự khôn ngoan hơn. Tôi cũng có thể viện lý do rằng, tôi là nạn nhân tại sao tôi phải tha thứ? Tôi là người vô tội, sao tôi lại phải giải hòa trước? Làm sao tôi tha thứ được khi người đó chưa nhìn thấy lỗi của mình? Tại sao tôi là người bị tổn thương mà tôi lại phải hy sinh, phải chịu thiệt thòi thêm nữa?

Trong đời sống hằng ngày, trong mối quan hệ với người thân yêu, chúng ta không thể tránh khỏi những lúc đụng chạm làm mất lòng nhau và gây tổn thương cho nhau. Nhất là trong quan hệ vợ chồng hay cha mẹ với con cái. Chúng ta thương nhau nhiều nhưng cũng dễ gây đau buồn cho nhau.

Một bà vợ kia vào nhà thương thăm mẹ, khi trở về nói với chồng: “Em không ngờ anh vô tình, tệ bạc đến như vậy?” Người chồng ngạc nhiên hỏi: “Anh làm cái gì mà vô tình tệ bạc?” Người vợ đáp: “Anh có quan tâm gì tới ai bao giờ đâu, mẹ em nằm trong nhà thương hai ngày rồi mà anh đâu có thèm vào thăm!” Người chồng bực mình nói: “Em không nói thì làm sao anh biết mà đi thăm. Chẳng lẽ tự nhiên chạy vô nhà thương đi thăm mẹ?” Người vợ bắt đầu khóc và nói: Anh không hỏi làm sao em nói, anh có bao giờ thương mẹ em đâu mà em dám nói cho anh biết bà bị đau. Người chồng bắt đầu giận nên nói: “Này đừng có đổ lỗi cho tôi nhen, bà mẹ em có thương tôi không mà bảo tôi phải thương bà. Nhưng mà không ai nói gì cả thì làm sao tôi biết là bà đau.” Người vợ cũng cao giọng: “Biết anh không thương, ai mà dám nói!” Người chồng gằn giọng: “Nhưng mà em phải nói cho biết, tự nhiên làm sao ai biết được, rồi không thăm thì phiền trách, đúng là mẹ nào con nấy!” Câu nói của chồng khiến người vợ căm giận vô cùng và tự nhủ là không nói chuyện với chồng nữa. Từ đó hai vợ chồng giận nhau, không ai nói chuyện với ai.

Vài ngày sau, người chồng vào nhà thương thăm mẹ vợ nhưng không nói cho vợ biết. Người vợ vì giận, cũng không hỏi chồng. Không khí trong nhà thật là căng thẳng. Vài ngày sau, người chồng ra ngủ ngoài phòng khách, người vợ đem đứa con nhỏ vào ngủ với mình. Hết đêm này qua đêm khác, hai vợ chồng đều trằn trọc không ngủ được, họ muốn làm hòa với nhau nhưng không ai muốn làm hòa trước. Mỗi đêm người vợ thầm mong chồng sẽ đến xin lỗi và làm hòa với mình, trong khi đó người chồng cũng chờ vợ đến làm hòa với mình. Cứ như thế người này chờ người kia, không ai muốn hạ mình tha thứ và xin lỗi trước. Khi giận ai, chúng ta cần tha thứ cho người đó trước, rồi mới đủ yêu thương, nhịn nhục để xin lỗi và giải hòa với người đó.

Tha thứ là điều khó chứ không dễ, nhất là khi chúng ta thấy mình không có lỗi, còn người kia có lỗi mà không nhận lỗi. Trong Kinh Thánh Chúa Giê-xu dạy rất nhiều về vấn đề tha thứ. Chúa bảo chúng ta hãy tha thứ cho anh em mình, không phải bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy, và hãy tha thứ như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Khi tha thứ cho người có lỗi chúng ta thấy như mình quá dại và sẽ bị thiệt thòi nhưng tha thứ là phương thuốc chữa lành thật là kỳ diệu. Ông Philip Yancey cho biết, trước hết tha thứ sẽ phá vỡ cái chu kỳ đổ lỗi cho nhau và vì thế cũng chấm dứt việc gieo đau đớn cho nhau. Khi nào chúng ta còn dùng chữ tại anh, tại em hay tại vì thì cái vòng lẩn quẩn của đổ lỗi, phiền trách và gây tổn thương cho nhau sẽ càng tô đậm thêm. Trái lại, khi chúng ta dừng lại, không đổ lỗi cho ai nữa nhưng xin lỗi nhau và tha thứ nhau, cái chu kỳ đau đớn đó sẽ chấm dứt.

Thứ hai, tha thứ sẽ giúp người có lỗi mất đi cái mặc cảm đang đè nặng trong lòng. Khi biết mình được tha thứ, dù người có lỗi có thể vì tự ái không nhận là mình có lỗi nhưng trong lòng âm thầm biết ơn người đã tha thứ cho mình. Đây là điều thường xảy ra giữa những người trong gia đình, nhất là giữa vợ và chồng. Lòng tha thứ giúp người có lỗi cảm thấy nhẹ nhàng và cũng mang lại niềm vui cho người chủ động trong việc tha thứ. Nhiều khi, người cảm thấy bình an sung sướng là người đã tha thứ cho người khác.

Thứ ba, tha thứ có thể không giúp ta xác định ai là người có lỗi, ai là người vô tội, cũng không giúp cho công lý hay công chính được thể hiện, nhưng tha thứ sẽ giúp xây dựng lại mối quan hệ giữa ta với người mà ta phiền giận.

Ông Solzhenitsyn, một nhà văn người Nga đã nói:

Con người khác với loài vật, không phải vì con người chúng ta có khả năng suy tư nhưng vì chúng ta có khả năng ăn năn lỗi lầm và tha thứ nhau. Chỉ có con người mới có thể làm được điều trái ngược với bản tính tự nhiên như thế.

Có một bà mẹ kia, vì quá giận con bà nói: “Mày đi đi, tao không bao giờ muốn nhìn thấy mặt mày nữa!” Vì lời nói đó, người con căm giận cắt đứt liên lạc với mẹ. Còn người mẹ, vì không tha thứ cho con nên đã phải sống trong đau buồn suốt hơn mười năm, và cuối cùng chết trong cô đơn. Người con khi hay tin mẹ ngã bệnh vội vàng trở về nhưng đã quá trễ, anh không kịp xin lỗi mẹ, cũng không kịp xin mẹï tha thứ. Và vì không hạ mình xin lỗi và tha thứ, anh đã phải sống trong ân hận dày vò suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. Vì không tha thứ cho nhau, hai mẹ con đó đã giam mình trong ngục tù căm giận và sống trong khổ đau.

Nhiều khi người có lỗi không đáng được tha thứ chút nào, và theo cái nhìn của con người, nếu ta tha thứ là đem lại thiệt hại cho chính mình. Nhưng như đã nói ở trên, tha thứ cho người có lỗi là chúng ta giải thoát chính mình khỏi tình trạng làm nô lệ cho buồn giận cay đắng, là chúng ta chấm dứt cái vòng lẩn quẩn đổ lỗi cho nhau, là thôi chồng chất căm giận với oán hờn. Nhưng điều quý hơn hết là, khi tha thứ cho người, chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời thương xót. Chúa Giê-xu dạy:

Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót… hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình (Lu-ca 6:36-37)

Chúa đã tha thứ tất cả tội lỗi cho chúng ta khi Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá. Trong lúc chịu cực hình đau đớn, một trong những lời cuối cùng Chúa Giê-xu nói trước khi tắt hơi là: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết điều mình làm. Chúa đã xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những tên lính La-mã đóng đinh Ngài, những người giễu cợt trước sự đau đớn của Ngài, tha thứ cho Giu-đa là người đã phản bội Ngài, cho tên lính đã lấy giáo đâm vào hông Ngài, Chúa cũng xin Đức Chúa Cha tha thứ cho tất cả những người gieo sỉ nhục, đớn đau cho Ngài, tha thứ cho chúng ta là những người ngày hôm nay vẫn khước từ Chúa, khước từ tình yêu và sự hy sinh của Ngài, dù chúng ta không nhận biết lỗi của mình và cũng chưa cầu xin ơn tha thứ. Chúa Cứu Thế đã nêu cho chúng ta tấm gương sáng ngời về lòng tha thứ và Ngài muốn chúng ta cũng tha thứ cho tất cả những người đã gieo đau khổ, tổn thương cho chúng ta.

Sứ đồ Phao-lô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, đã khuyên chúng ta những lời sau đây:

Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy đẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy (Ê-phê-sô 4:32)

Quý vị có đang buồn giận người nào vì họ đã gây đau đớn thiệt hại cho quý vị không? Hãy vâng lời Chúa dạy, tha thứ cho người đó và giải hòa trước khi quá trễ. Quý vị sẽ sống trong bình an và sẽ nhận được những ơn phước lạ lùng từ nơi Chúa mà chính quý vị cũng không ngờ.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

________________________________________________________________________

www.vietchristian.com/niengiam/