Sê-sa-rê Phi-líp là một thành phố cực Bắc Do-thái, trải dài trên vùng cao nguyên tuyệt đẹp của sườn Nam chân núi Hẹt-môn hùng vĩ (Mt Hermon). Ðây là một nguồn nước quan trọng của sông Giô-đanh, đất màu mỡ, cây cối xanh tươi.
Với độ cao 1150 feet trên mặt nước biển, Caesarea Philippi nằm 6 kilometers hướng Ðông của cổ thành Ðan, 240 km hướng Bắc của Jerusalem và 48 km hướng Tây của bờ Ðịa trung hải.
Sau thời A-lịch-sơn đại đế chinh phục, người Hy-lạp tràn đến Sê-sa-rê Phi-líp, xem đây là một vùng đất linh thiêng. Người ta thích thăm viếng các hang động, thạch nhũ và những hồ nước trong – yên tĩnh, ngoạn mục, kỳ thú.
Người La-mã, người Do-thái tha thiết quý trọng cảnh trí thơ mộng nầy. Ðại đế Herod xây đền thờ tưởng niệm Augustus, hoàng đế La-mã vì Augustus chọn Sê-sa-rê Phi-líp làm lãnh địa hoàng gia. Ðây là đền thờ tuyệt đẹp, lộng lẫy nhất trong vùng – với đá khối trắng ngần, rất quý giá.
Thành phố mang tên Caesarea Philippi vì Philip, con đại đế Herod chỉnh trang, nâng cấp và chọn tên đôi nầy để kỷ niệm hoàng đế La-mã Tiberius Caesar và chính mình. Sê-sa-rê Phi-líp là thủ đô của Philip.
Paneas, tên cũ gần như đi vào quên lãng từ đó. Tên mới của thời hiện tại là Banias. Paneas được chọn làm tên của thành phố nầy để tôn thờ Pan – thần thiên nhiên: sông núi, ruộng đồng, rừng rú, non núi, súc vật, cỏ cây. Người ta xây đền thờ thần Pan trong một hang đá.
Tên gọi Sê-sa-rê Phi-líp vang dội thanh âm gần gũi, thân yêu với chúng ta hôm nay không phải vì cảnh trí thơ mộng nhưng vì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đặt chân đến vùng đất lịch sử nầy.
Chúa đến Sê-sa-rê Phi-líp, Sê-sa-rê Phi-líp trở thành một phần của dòng Sử Thiêng Trên Ðất Thánh tuyệt vời – phong phú, danh tiếng, độc đáo. Tại đây, các sứ đồ được Chúa khai tâm, khai trí – được nâng lên một chốn cao hơn.
Chúa Giê-xu đứng giữa một vùng núi đá với đình miếu, điện thờ đủ các thần – thần địa phương, thần Sy-ri, thần Hy-lạp. Trên đỉnh đồi cao, các tượng thần ngạo nghễ nhìn xuống. Bên dưới, nguồn thượng lưu sông Giô-đanh ầm ầm vỗ tiếng reo vang.
Tại đây, Chúa Giê-xu hỏi các môn đồ thân tín câu hỏi trứ danh, lịch sử. Tại đây, sứ đồ Phi-e-rơ xưng nhận Chúa Giê-xu là Ðấng Cứu Thế, Con của Thượng Ðế hằng sống. Nhờ đọc Phúc âm Ma-thi-ơ 16:13-20 chúng ta hiểu rõ vai trò lịch sử của địa danh Sê-sa-rê Phi-líp vang bóng, vượt thời gian:
“Khi vào địa phận Sê-sa-rê Phi-líp, Chúa Jesus hỏi các môn đệ: ‘Theo như người ta nói thì Con Người là ai?’ Các môn đệ thưa: ‘Một số người nói Thầy là Giăng Báp-tít, một số khác nói là Ê-li, một số khác nói là Giê-rê-mi hay một tiên tri nào đó.’ Ngài hỏi các môn đệ: ‘Còn chính các con thì cho rằng Ta là ai?’ Si-môn Phi-e-rơ thưa: ‘Thầy là Chúa Cứu Thế, Con Ðức Chúa Trời hằng sống.’ Chúa Giê-xu phán: ‘Phước cho con, Si-môn con Giô-na! Vì không phải xác thịt và huyết bày tỏ cho con, mà chính Cha Ta ở trên trời.’ Còn Ta, Ta bảo con: ‘Con là Phi-e-rơ, Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên vầng đá nầy và cửa Âm Phủ sẽ không thắng nổi hội đó. Ta sẽ cho con chìa khóa của Nước Thiêng Ðàng. Ðiều gì con buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời. Ðiều gì con mở dưới đất, thì cũng sẽ mở trên trời.’ Rồi Ngài truyền lệnh cho các môn đệ không được tiết lộ Ngài là Chúa Cứu Thế.”
Người Do-thái không xác nhận được Chúa Giê-xu là ai. Họ cãi nhau về thân vị của Ngài. Giống như vua Herod, một số người nghĩ Chúa Giê-xu là Giăng Báp-tít – đã chết và đã sống lại.
Một số khác cho rằng Chúa Giê-xu là hiện thân của tiên tri Ê-li thời Cựu-ước. Một số khác cho rằng Chúa Giê-xu là Giê-rê-mi, nhà tiên tri than khóc, với con tim thổn thức vì dân tộc tội lỗi và quê hương suy tàn.
Chúng ta không chạy theo dư luận quần chúng để xác định Chúa Giê-xu là ai. Người khác nói Chúa Giê-xu là ai không mấy quan trọng. Vấn đề là bạn và tôi nói Chúa Giê-xu là ai?
Quyết định của đám đông về Chúa Giê-xu không thể thay thế, không thể đại diện cho bạn và tôi. Sứ đồ Phi-e-rơ nhận định đúng. Ông quyết định đúng. Câu trả lời của ông xác định điều đó: “Thưa Thầy, Thầy là Chúa Cứu Thế, Con Thượng Ðế hằng sống!”
Chúa Giê-xu vui mừng nghe lời tuyên xưng đức tin của Phi-e-rơ. Chúa khen ngợi ông. Phi-e-rơ đến gần Chúa hơn. Ông đang tiến lên một bước cao hơn với Chúa trong sự thông hiểu chân lý, đức tin và đường phục vụ.
Chúa Giê-xu thường dùng khung cảnh vật thể quen thuộc chung quanh để đưa người nghe vào lời dạy chân lý sâu sắc. Ði dọc theo bờ Hồ Ga-li-lê, thấy Si-môn và An-rê đánh cá dưới biển, Chúa bảo: “Hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các con trở nên tay đánh lưới cứu người.”
Ðứng trên núi đá hùng vĩ đó, Chúa tuyên bố sẽ thành lập Hội Thánh: “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên Vầng Ðá nầy – petra – the Rock.” “Trên Ðá nầy” là một đề tài được bàn cãi sôi nổi 2000 năm qua. Ðọc kỹ 1 Phi-e-rơ 2:4-7 chúng ta biết chắc Chúa Giê-xu là Vầng Ðá sống mà Hội thánh được xây dựng lên trên.
Am tường Cựu Ước, Phi-e-rơ biết “Chúa là Vầng Ðá hiên ngang. Ðường lối Ngài chính là công lý, tuyệt đối chính trực và công bằng, luôn thành tín, không hề nhiễm tội.” (Phục Truyền 32:4).
“Chúa là Vầng Ðá, là thành lũy, là Ðấng giải cứu tôi” (Thi thiên 18:2). Chúa Cứu Thế Giê-xu là Vầng Ðá, là nền tảng của Hội Thánh. Ứng nghiệm lời tiên tri trong Thi thiên 118:22: “Tảng Ðá người thợ xây nhà loại bỏ đã trở thành Ðá Nền Tảng.”
Chúa Giê-xu xác nhận như vậy: “Các ông chưa đọc lời Thánh Kinh nầy sao? ‘Tảng Ðá bị thợ xây nhà loại ra đã trở thành tảng đá móng. Ðây là việc diệu kỳ Chúa đã thực hiện” (Ma-thi-ơ 21:42).
Chúa Giê-xu là Tảng Ðá móng – Nền Tảng của Hội Thánh. Còn chúng ta? Chúng ta là những hòn đá sống (petros – a stone). Chính Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta rằng Hội thánh được dựng trên Chúa Cứu Thế Giê-xu, Tảng Ðá Sống petra, Tảng Ðá Ðầu Góc nhà – cornerstone, capstone (I Phi-e-rơ 2:4-7).
Sứ đồ Phao-lô cũng xác nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Nền Tảng của Hội Thánh. Ngoài Ngài, chẳng ai có thể đặt nền móng khác (I Cô-rinh-tô 3:11).
Cả Kinh Thánh minh chứng rằng Hội Thánh của Ðức Chúa Trời được xây dựng trên Chúa Cứu Thế Giê-xu, chứ không phải Phi-e-rơ. “Nền móng của anh em là Chúa Cứu Thế Giê-xu, còn các sứ đồ và tiên tri là rường cột” (Ê-phê-sô 2:20).
Chúa nói: “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên Vầng Ðá nầy – petra.” Ðây là lần đầu tiên từ “Hội Thánh” được đề cập đến trong Thánh Kinh. Hội Thánh – ekklesia trong tiếng Hy-lạp – có nghĩa là Hội của những người được gọi riêng ra. Chúng ta được Chúa gọi riêng ra – cho Chúa.
“Hội Thánh Ta” Chúa nói ở đây không phải chỉ là một nhóm người tại một địa phương nhưng là tất cả mọi người xưng nhận đức tin của mình nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu – như Phi-e-rơ đã xưng nhận Ngài công khai, dứt khoát, rõ ràng.
Chúa không nhắm xây dựng một Hội Thánh địa phương nhưng một Hội Thánh phổ thông, qua các thời đại. Trong “Hội Thánh Ta,” chính Chúa Cứu Thế sẽ kết hợp tất cả mọi người tin nhận Ngài – người Do-thái cũng như người ngoại – thành một nhân loại mới (Ê-phê-sô 2:11-22).
“Cửa Âm phủ – gates of Hades” có ý nghĩa gì? Âm phủ là chỗ giam giữ linh hồn của những người khước từ Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ðây là ngục tù cuối cùng của họ mà Chúa Cứu Thế Giê-xu cầm chìa khóa (Khải huyền 1:18).
“Cửa” hay cổng tượng trưng thẩm quyền. Cổng thành là nơi người Do-thái làm ăn buôn bán, quyết định hành chánh của giới chức thẩm quyền – như tòa thị sảnh ngày nay. “Cửa Âm phủ” ở đây là biểu tượng quyền lực của sự chết và Satan.
Qua sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài đắc thắng sự chết. Sự chết không còn quyền thống trị trên những người đã đặt trọn niềm tin và cuộc đời mình trong Ngài. Cho dầu Satan cố sức hủy phá, tấn công, “Hội Thánh Ta” vẫn đắc thắng, vững vàng.
Ðứng giữa đình miếu tràn ngập tượng thần, sứ đồ Phi-e-rơ xưng nhận Giê-xu là Chúa Cứu Thế, Con Thượng Ðế hằng sống. Lời tuyên xưng đức tin của Phi-e-rơ bên ghềnh núi đá cheo leo, tượng thần ngạo nghễ, ma quái và dân ngoại cuồng tín quả là một quang cảnh đe dọa, thách đố.
“Phi-e-rơ trên núi đá” có thể không mang một ý nghĩa đặc biệt, độc đáo nào đối với người đọc thế kỷ thứ 21, nhưng là một biến cố lịch sử, quan trọng và đầy ý nghĩa cho Phi-e-rơ và Hội thánh.
“Phi-e-rơ” là tên Chúa đặt cho ông ngay lần gặp gỡ đầu tiên, khi Anh-rê đưa anh mình đến giới thiệu với Chúa. Giăng 1:42 ghi lại: “Anh-rê đưa Si-môn đến gặp Ðức Giê-xu. Ngài nhìn Si-môn bảo: ‘Anh là Si-môn, con của Giăng, nhưng anh sẽ được gọi là Sê-pha.” Sê-pha dịch sang tiếng Hy-lạp: Peter – Phi-e-rơ, nghĩa là “đá.”
Chúa Giê-xu nhìn Si-môn, chẳng những thấy đôi mắt, khuôn mặt, dáng người của Si-môn, Ngài thấy cả tấm lòng và cuộc đời ông. Trên núi đá thành Sê-sa-rê Phi-líp, “Ðá” Phi-e-rơ mạnh dạn tuyên bố Giê-xu là Chúa Cứu Thế, Con Ðức Chúa Trời hằng sống.
Năm đầu tiên của ba năm chức vụ, ngoài 12 sứ đồ thân tín, dân chúng theo Chúa khá đông. Một số rất tha thiết, thành tâm, một số khác tò mò, một số khác vì được Chúa cho ăn no, một số khác để được Chúa chữa lành bịnh tật.
Khi thấy giá phải trả để theo Chúa, một số đông bắt đầu rút lui, không theo Ngài nữa (Giăng 6:66). Nhìn đám đông quay lưng, Chúa hỏi môn đồ, “Các con cũng muốn bỏ đi sao?” Ðóng vai lãnh đạo và phát ngôn viên, Phi-e-rơ trả lời, “Thưa Chúa, chúng con sẽ đi theo ai nữa? Chúa có Lời Sự Sống vĩnh phúc. Chúng con đã tin và biết chắc chính Chúa là Ðấng Thánh của Ðức Chúa Trời” (Giăng 6:69).
Phi-e-rơ bày tỏ một phần phẩm chất “đá” của cá tính, đức tin và vai trò lãnh đạo qua câu trả lời. Phi-e-rơ cũng rất mạnh bạo khi nói về lòng trung kiên của mình đối với Chúa.
Trong đêm cuối với các môn đồ, Chúa bảo họ, “Hỡi các con bé thơ, Ta chỉ còn ở với các con được ít lâu nữa. Rồi các con sẽ tìm kiếm Ta, nhưng bây giờ Ta nhắc cho các con điều Ta đã bảo người Do thái: Nơi Ta đi các người sẽ không thể đến được” (Giăng 13:33).
Câu trả lời của Phi-e-rơ để lộ cá tính cả tin và tự phụ: “Lạy Chúa, sao hiện giờ con không thể theo được? Con sẵn sàng chết vì Chúa” (Giăng 13:37). Chúa Giê-xu, Ðấng đặt tên “Ðá” cho Phi-e-rơ đáp lại: “Con có thật sẵn sàng chết vì Ta không? Thật vậy, Ta bảo con: Trước khi gà gáy, con sẽ chối Ta ba lần” (Giăng 13:38).
Lời tiên tri nầy là lời quở trách tỏ tường, trực tiếp cho con người kiêu ngạo Phi-e-rơ. Các biến cố kế tiếp trong đêm đen thống khổ cho thấy rõ bản tính tự phụ, “nói trước, bước không tới” của Phi-e-rơ. Ông nương tựa chính mình nhiều hơn dựa nương Chúa.
Khi Chúa bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Phi-e-rơ rút gươm chém đứt tai đầy tớ của vị trưởng tế (Giăng 18:10). Ông rụt rè theo Chúa, rồi miễn cưỡng đứng chung với đám người chống đối, cuồng tín nguy hiểm.
Giọng điệu can đảm, thái độ tự mãn tan biến khi một đứa tớ gái hỏi: “Ông không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?” Phi-e-rơ chối liền: “Không phải tôi” (Giăng 18:17).
Không phải Phi-e-rơ chối Chúa một lần. Ông chối Chúa lần thứ hai. Ông chối Chúa lần thứ ba. Phi-e-rơ chối Chúa mà chính ông – mấy giờ trước đó – đã thề hứa trung thành chết cho Ngài. Thậm chí Phi-e-rơ rủa và thề: “Tôi không biết người ấy đâu” (Ma-thi-ơ 26:74). Chính lúc đó, gà gáy. Ông đi ra ngoài khóc lóc đắng cay. Ðá Phi-e-rơ vở nứt ra.
“Cảnh Hai”… chấm dứt ở đây. Màn sân khấu kéo lại. Bóng tối phủ trùm thê lương. Nhưng xin Anh, Chị đừng để thất vọng đau thương phủ kín tâm hồn. “Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống. Hừng đông về, đã vọng tiếng hò reo” (Thi thiên 30:5b). Xin Anh, xin Chị nhìn xa hơn cái thất bại xót xa nầy – để tiếp tục theo dõi “Cảnh Ba” trong Phúc âm Giăng 21, và xa hơn nữa.
Nhiệt tình, tha thiết sống gần gủi Chúa như Phi-e-rơ mà vẫn vấp ngã bầm dập? Phi-e-rơ thất bại thê thảm vì tự phụ, vì nương tựa chính mình hơn là dựa nương Chúa. Vấn đề không phải là tôi có thể vấp ngã hay không, Anh Chị thất bại hay không. Vấn đề là “tôi” có thái độ nào trên bước đường đời theo Chúa mỗi ngày.
Tôi đã vấp ngã. Tôi có thể vấp ngã thêm một lần nữa – vì mắt kém, mắt mù. Xin Chúa mở mắt con! Tôi có thể vấp ngã hôm nay vì chân yếu. Chúa ôi, con yếu đuối, con không đứng lên nổi nếu Chúa không đỡ nâng con. Con không thể tiến tới nếu không có Chúa dìu bước con đi. Vì khi con yếu đuối, chính là lúc con mạnh mẽ. Tạ ơn Chúa! (2 Cô-rinh-tô 12:10).
Con có thể vấp ngã ngày mai vì con yếu lòng. Xin năng lực của Chúa Phục Sinh làm lòng con mạnh mẽ. Xin chuyển bại thành thắng trong cuộc đời con, để con tiếp tục tiến bước, ra đi – nhiệt tình làm nhân chứng cho Chúa.
Xin giúp con mạnh mẽ trong tinh thần ca ngợi, tôn thờ Chúa. Xin giúp con dâng hiến thì giờ, năng lực, ân tứ, tiền bạc cho Chúa – với tấm lòng vui mừng, biết ơn. Con muốn dâng lòng con, đời sống con cho Chúa.
Con đã vấp ngã, lầm lỡ. Xin Chúa tha thứ và cho con cơ hội thứ nhì – như Chúa đã tha thứ và phục hồi Phi-e-rơ. Amen.
“Tôi yếu đuối nhờ linh năng Ngài. Jesus đưa đường tôi khỏi chông gai. Mỗi phút bước gần bên Chúa yêu thương. Luôn mọi đường lòng ngập vui mừng không thôi.
Ði với Chúa lòng luôn an bình. Jesus Christ là chân lý muôn đời. Sống với Chúa ngày đêm thỏa vui luôn. Xin Jesus hằng ngày đi gần bên tôi.
Just a closer walk with Thee. Grant it, Jesus, is my plea. Daily walking close to Thee. None but Thee, dear Lord, none but Thee. Let it be, dear Lord, let it be.” Amen.