Tên gọi Ga-li-lê gợi nhớ nguồn cội đức tin của người theo Chúa. Tại sao Chúa Cứu Thế Jesus được gọi là người Ga-li-lê? Vì Ga-li-lê là quê hương thân yêu Chúa lớn lên từ tấm bé (Lu-ca 4:16). Nơi đây Chúa Jesus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng đẹp lòng Ðức Chúa Trời và người ta (Lu-ca 2:52).

Giăng Báp-tít và Chúa Jesus giảng dạy tại đây. Mười một sứ đồ của Chúa là người Ga-li-lê (Giu-đa là sứ đồ duy nhất từ vùng Giu-đê). Dân chúng vùng Galilee thời đó phần lớn là người Do-thái sùng kính Chúa và yêu nước. Họ làm nông, chăn nuôi và chài lưới. Kinh nghiệm nghề nghiệp của họ được nhắc đến thường xuyên trong lời giảng dạy của Chúa (lúa mì và cỏ lùng, người gieo giống, quăng lưới ra biển, người kia có 100 con chiên…).

Nhờ đất màu mỡ, khí hậu thích hợp và nhiều suối nước, Galilee sản xuất khá nhiều lúa mì, lúa mạch, trái vả, nho và rau cải. Galilee đúng là xứ đầy sữa và mật. Trái vả và nho ngọt lịm tràn ngập Galilee mười tháng liên tục mỗi năm. Nhiều loại trái cây khác chín đều 12 tháng. Trong thời Chúa Jesus, các ngành nhuộm màu vải tơ sợi, thuộc da, đóng tàu, muối cá và làm khô cũng rất thịnh hành.

Người Do-thái miền Nam khinh thường người Galilee. Họ không hề nghĩ rằng danh nhân hào kiệt có thể xuất thân từ Galilee (Giăng 1:46; 7:52). Người Galilee có giọng nói trọ trẹ, quê mùa. Phân khúc Kinh Thánh nổi bật về giọng nói độc đáo của người Galilee có lẽ là lời tố cáo và cái nhìn soi mói của dân Jerusalem dành cho Phi-e-rơ (Mác 14:70; Lu-ca 22:59).

Khi người La-mã lật đổ chính quyền Do-thái năm 70 Sau Chúa, người Do-thái miền Nam và môn đệ của Chúa Jesus bỏ kinh thành Jerusalem lánh nạn về Galilee. Từ đó, Galilee trở thành trung tâm văn hóa Do-thái.

Vùng Galilee dài 60 dặm, từ sông Litani phía Bắc (gần Lebanon) xuống đồng bằng Esdrelon, phía Nam. Galilee rộng 30 dặm, chạy từ bờ Ðịa Trung hải phía Tây đến núi Carmel, bờ Ðông của hồ Galilee và sông Jordan. Galilee là vùng đất ôn hòa, mát mẻ và mưa nhiều. Cảnh vật Galilee tuyệt đẹp, nhiều đồng bằng và thung lũng xanh tươi.

Galilee bao gồm những thành quen thuộc như Cana, Capernaum, Tiberias và Nazareth. Mấy thành nầy được nhắc đến nhiều lần trong bốn sách Phúc-âm. Galilee thường được chia làm hai miền: Galilee Thượng và Galilee Hạ – Upper Galilee and Lower Galilee. Capernaum, Genesareth, Magdala và Tiberias trên bờ phía Tây của hồ Galilee nằm trong vùng Galilee Thượng.

Galilee Hạ có thành Nazareth và đồng bằng Esdrelon, còn được gọi là Armageddon (Khải Huyền 16:16), nơi cuộc chiến cuối cùng của thời tận thế sẽ xảy ra. Ðây là vùng núi lửa, phún thạch phủ đầy, đất tốt, nhiều suối nước, cây cỏ xanh, hoa màu dồi dào nhất.

Các thành phố kế cận hồ Galilee xưa và nay là nơi tập trung dân cư đông đảo nhất của cả vùng. Theo ước đoán hiện nay, thời Chúa Jesus có 9 thành ven hồ Galilee, mỗi thành có chừng 15,000 người hay nhiều hơn. Trong đó có các thành Tiberias, Magdala, Korazim, Bethsaida, Hippos, Capernaum, Gadara và Kenneret. Người Do-thái tập trung trong các thành phía Tây của hồ. Ðại đa số quần chúng các thành phía Ðông của hồ là dân ngoại.

Chúa chọn Capernaum, bên bờ Tây Bắc làm trung tâm truyền giảng và mục vụ. Chúa dành một phần lớn thì giờ và năng lực của Ngài tại vùng hồ Galilee. Bài Giảng Trên Núi (Ma-thi-ơ 5-7), Sự Hóa Hình (Ma-thi-ơ 17), hóa bánh và cá cho 5000 người ăn (Ma-thi-ơ 14) là một ít ví dụ điển hình. Hai mươi lăm trong số 33 phép lạ Chúa làm, xảy ra tại Galilee. Mười chín trong số 32 ẩn dụ Chúa kể cũng xảy ra tại đây.

Galilee là vùng Chúa được mến mộ nồng nhiệt nhất. Nhiều phụ nữ theo phục vụ Chúa cũng xuất thân từ Galilee (Ma-thi-ơ 27:55). Sau ngày Chúa phục sinh, hai lần Chúa xuất hiện quan trọng nhất cũng xảy ra tại Galilee. Chúa ban hành Ðại Mạng Lệnh Truyền Giáo (Ma-thi-ơ 28:16-20) và gặp 7 môn đồ đang đánh cá tại bờ Tiberias (Giăng 21:1-23).

Ngày nay, hầu hết các thành trong vùng Galilee là thành phố kỹ nghệ và nông nghiệp trù phú, xuất cảng rất nhiều olives và lúa mì. Phía Ðông Galilee là vùng Golan Heights của Syria, Do Thái chiếm đóng từ cuộc chiến 1967 đến nay.

Galilee đã trở thành một phần của thế giới hiện đại. Bên cạnh các cộng đồng nông nghiệp nổi tiếng (kibbutzim) là khách sạn quốc tế sang trọng, hay các nhà khách cho dân du lịch “ba-lô” bình dân. Quý vị có thể xin phép ở chung trong cư xá tập thể, tham gia sinh hoạt cộng đồng, làm việc, ăn ngủ và giải trí tại một kibbutz hay thư nhàn tại một khách sạn rất tây phương.

Nhiều gia đình trẻ từ Hoa Kỳ đem con cắm trại tại các campgrounds thanh lịch, tiện nghi. Một số du khách trẻ từ Âu châu đi xe đạp, đi bộ, hoặc quá giang xe qua lại để thăm viếng làng mạc, nông trại, vườn olives, khu vực khảo cổ và các danh lam thắng cảnh khác.

Cho dù ngồi xe bus du lịch trên núi cao, đi bộ trên đồi, hay đạp xe trong thành phố và làng quê, khách thập phương đều có thể chìm ngập tâm hồn trong thanh tĩnh của cảnh trí bình yên, nhẹ nhàng.

Cana thu hút du khách không phải chỉ vì rượu ngon nhưng vì Cana là nơi Chúa Jesus làm phép lạ đầu tiên – hóa nước thành rượu. Vì để tiệc hết rượu là một tại họa sỉ nhục lớn (Phúc-âm Giăng, chương 2), một hãng rượu tại đây quảng cáo với chiêu bài rất dỉ dỏm, khôn ngoan, “Ðừng để nhà bạn hết rượu – Don’t let wine run out on you!” Ðối lại, một nhà thờ mời gọi, “Why wait until everything else runs out before trying Jesus – Tại sao phải đợi hết thuốc chữa (cạn túi) mới tìm đến Chúa Jesus?”

Chúa đến trần gian với sứ mạng cao cả nhất lịch sử nhân loại – cứu chuộc con người ra khỏi tội. Nhưng Ngài dành thì giờ để tham dự một tiệc cưới. Chúa đến dự tiệc cưới, đem vui mừng, phước hạnh cho mọi người. Từ khởi điểm hoan hỉ đó, Chúa Jesus làm Chúa và Chủ của biết bao nhiêu gia đình tôn quý mời đón Ngài. Sự hiện diện của Chúa trong gia đình đem lại sức sống tâm linh sung mãn và vui mừng vô tận.

Mỗi năm hàng ngàn gia đình dẫn nhau đến Cana – không phải để tìm rượu Cana nhưng để tái cam kết tình yêu và hôn nhân – mời Chúa Cứu Thế Jesus làm Thượng Khách, Chúa và Chủ của gia đình mình. Anh Chị và tôi không cần phải đến tận Cana, Israel để xin Chúa ban phước trên hôn nhân mình. Hãy quỳ gối tại nhà mình ngay hôm nay để tiếp đón Ngài!

Nazareth là nơi thiên sứ Gariel hiện đến với trinh nữ Ma-ri, loan báo sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Jesus. Lúc đó, Nazareth chỉ là một làng quê, thơ mộng và sống còn nhờ một dòng suối mát duy nhất. Qua thời gian, Cơ-đốc-giáo phát triển, Nazareth mở rộng ranh giới, thu hút thêm dân và chuyển mình nên thành phố lớn nhất trong vùng Galilee Hạ hiện nay.

Nazareth là nơi Chúa Jesus sống với Mari, mẹ Ngài và gia đình từ thuở bé thơ. Giô-sép, chồng Mari làm thợ mộc ngay trong làng nên Chúa Jesus thường được gọi là “con người thợ mộc.” Joseph’s Workshop – Xưởng Mộc Giô-sép, Giếng Ma-ri (Mary’s Well) hai địa điểm thu hút du khách – bán nhiều mặt hàng kỷ niệm độc đáo, dễ thương. (Xin nhớ mang nhiều tờ $1 đô-la – màu xanh giá trị, được ưa chuộng tại Israel!)

Ngày nay, Nazareth có 70, 000 dân, hai phần ba là tín đồ Hồi giáo, phần còn lại là Cơ-đốc nhân. Ba mươi nhà thờ và tu viện mọc đều Nazareth. Ðền vòm tròn Hồi giáo sáng chói xen lẫn với nóc chuông nhà thờ – tô điểm đồi cỏ xanh và phố phường sinh động. Nhạc chuông nhà thờ từ các lầu chuông cao ngất vang vọng thánh thót. Tu sĩ công giáo, trẻ con và khách hành hương từ khắp phương trời hòa lẫn trên đường phố. Mùi cà-phê và bánh mì nóng thơm ngát tỏa ra từ quán chợ.

Phố cổ Nazareth còn giữ vẽ kiêu sa của một thời vàng son. Trên mặt đường lót đá nhẵn nhụi, du khách thích thú lội bộ qua các ngỏ hẻm, ngắm nhìn những căn nhà đá cổ kính. Chợ đồ cổ bày bán la liệt hàng thủ công nghệ, nhất là đồ gỗ, đặc sản của Nazareth (Cảnh cáo, cảnh cáo: $1 đô-la của quý vị thích dừng chân tại đây!)

“Dự Án Nazareth 2000” đổi mới khuôn mặt thành phố để chào đón thế kỷ 21. Nazareth chuyển mình qua việc trùng tu nhà thờ, tu viện và các lâu đài cổ. Di tích lịch sử bắt đầu được bảo vệ quy mô và có hệ thống hơn. Ðường phố, downtown được mở rộng, xây dựng thêm và tân trang. Khách sạn lớn, bãi đậu xe, nhà hàng thanh lịch mọc lên nhiều nơi.

Nếu viếng thăm Nazareth, mời quý vị bắt đầu với Giếng Mary, bên cạnh “Nhà Giếng” mới được trùng tu. Kế đến, thả bộ theo dòng suối mát trên sườn đồi. Bên dưới là nhà thờ Tin Mừng (church of the Annunciation), mái ngói đỏ với các tháp chuông cao sừng sững, nơi tin mừng về Chúa Cứu Thế đến với trinh nữ Mari.

Rời nhà thờ, mời quý vị bước qua Tòa Thị Chính, với lối vào và sảnh đường tuyệt đẹp. Kế đến là Moskubiyeh, khách sạn của người Nga. Tòa án, bưu điện và đồn cảnh sát cũng cùng nằm chung trong tòa nhà nầy. Kiến trúc độc đáo nhất tại địa điểm nầy có lẽ là Jarjura House, một dinh thự sang trọng, cổ và rất rộng rãi, xây chung quanh một cái sân rộng, lót đá và có giếng nước ở giữa.

Sông Jordan. Phần đuôi phía Nam của Hồ Galilee hình thành hạ lưu sông Jordan. Yardenit là một địa điểm cử hành thánh lễ báp-tem quen thuộc bên bờ Jordan, thu hút hàng ngàn du khách mỗi ngày. Du khách thong thả bước bộ từ xe bus đến sát bờ sông. Thanh niên thích thú nhảy ầm xuống nước, nhưng phần đông từ từ bước xuống các bậc thềm xi-măng.

Xin nắm tay vào thành rào lan can, nhất là những ngày nước sông dâng cao và chảy xiết. Có cả lối đi cho xe lăn tay. Người ngồi xe lăn tay cũng có thể nhận thánh lễ báp-tem dễ dàng, thuận tiện.

Tại đây, lũy cây cao lớn, xanh rì hai bên bờ phủ cánh qua sông như những lọng dù đài các, thước tha. Tiếng nước chảy, tiếng gió thổi rù rì hòa lẫn tiếng hát tôn thờ, ngợi ca Thiên Chúa. Ðủ mọi sắc dân, màu da, tiếng nói – nhưng chỉ có một ngôn ngữ – ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ hạnh phúc, thiên đường.

Dòng sông Jordan, cửa ngỏ đưa Giô-suê và dân Do-thái vào đất hứa năm xưa trở thành dấu mốc tâm linh của những cuộc đời đổi mới cho Chúa hôm nay. Hàng trăm người nhận thánh lễ báp-tem tại đây mỗi ngày. Dầu nhận thánh lễ báp-tem hay hân hạnh chứng kiến người thân yêu trầm mình, tất cả đều cảm xúc sâu xa giây phút thiêng liêng phước hạnh – nhất là tưởng nhớ Chúa cũng nhận báp-tem tại đây.

Hồ Ga-li-lê, 60 dặm về hướng Bắc của thành thánh Jerusalem, phía Ðông của vùng Galilee và ngay khoảng giữa nếu tính từ Bắc xuống Nam. Hồ rộng 64 dặm vuông, dài 14 dặm, ngang từ 3 đến 7 dặm. Mặt nước của Hồ thấp hơn mặt nước biển 700 feet (210m). Nước sông Jordan từ Bắc chảy vào và cũng từ Hồ chảy xuôi Nam.

Nhiều suối nước nóng cũng như suối nước lạnh chảy vào Hồ Galilee. Nhờ những nguồn nước phong phú nầy, Hồ Galilee cung cấp nước cho các thành phố kỹ nghệ và nông trại lớn vùng sa mạc Negev, phía Nam – đóng góp quan trọng cho việc sản xuất olives và ngũ cốc.

Ðồi núi trùng điệp vây quanh biến Hồ Ga-li-lê thành một khối nước xanh biếc, lòng chảo, ngoạn mục. Bất cứ từ hướng nào, phóng tầm mắt nhìn qua bờ bên kia, du khách có thể tưởng tượng được rằng Ga-li-lê đã đổi thay khá nhiều suốt 2000 năm qua. Tuy nhiên, điểm nổi bật không phải là những biến đổi của thời gian nhưng là những gì không thay đổi – dấu vết Sử Thiêng Trên Ðất Thánh nầy.

Khách thập phương có thể lên du thuyền tại một trong nhiều bến đò chung quanh Hồ Ga-li-lê, an nhàn thả hồn thư giãn, thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ nước ngọt nổi tiếng nầy. Ðây cũng là nơi lý tưởng cho các phái đoàn mục sư, tín hữu học Lời Chúa và cầu nguyện.

Galilee, nơi Chúa đi bộ trên mặt nước (Mác 6:45) và khiến cơn bão dữ lặng yên (Mác 4:39). Tại sao một cái hồ nhỏ như thế mà cũng có gió bão nguy hiểm đánh đắm được tàu bè? Hướng dẫn viên du lịch giải thích: Các rặng núi cao hai bờ Ðông và Tây chận hai bên. Hồ lại thấp hơn mặt biển 210 mét, tạo điều kiện tất nhiên cho bão dữ khi một khối gió mát từ núi cao đẩy mạnh xuống các sườn núi.