Mặc dầu tên gọi là “Biển Chết,” đây là một vùng đất sinh động độc đáo. Nằm giữa vùng đất Palestine sa mạc khô cằn, Biển Chết thu hút người sống. Du khách xa gần đến Biển Chết để sạt bình thân xác, tinh thần và tâm linh.

bien-chet-sinh-dong

Hướng dẫn viên du lịch thường hỏi du khách có biết độ cao của Biển Chết. Câu hỏi không có gì đặc biệt nhưng câu trả lời rất lý thú. Không có “độ cao,” Biển Chết chỉ có “độ thấp.” Nằm dưới mực nước biển 416 mét, Biển Chết là điểm thấp nhất trên mặt địa cầu và có lẽ là khối nước với hàm lượng muối cao nhất, mặn nhất thế giới.
Nguồn nước chính của Biển Chết là sông Giô-đanh, từ hướng bắc đổ xuống. Biển Chết không chảy ra – chỉ có nhận vào. Một khối lượng hơi nước khá lớn bốc lên bầu trời sa mạc – khô nóng cả ngày lẫn đêm.

Những ngày hè oi bức 115 – 125% F nước muối bốc hơi nhiều như một nồi nước nóng, tạo thành lớp sương mù dày đặc, nồng nực. Các suối nhỏ và các mạch nước ngầm chảy vào Biển Chết cũng có độ mặn lạ thường, mang theo khá nhiều khoáng chất và lưu huỳnh.

Về phía đông nam của Biển Chết là một dãy núi muối đá dày 300 feet (khoảng 100 mét). Ðây chỉ là một phần nhỏ trồi lên trên mặt đất, nằm bên cạnh Biển Muối. Bên dưới là một hầm muối sâu 4,500 feet (khoảng 1500 mét) dài 5 dặm.

Ðáy của Biển Chết là một khối tinh thể pha-lê muối, trắng xóa. Ðộ đặc của muối tại đây là 26% (so với 3.5% của nước biển Thái Bình Dương). Không có cá nào, sinh vật nào, thảo mộc nào sống được trong Biển Muối nầy.

Nước muối ở đây rất nặng nên người không biết bơi cũng không sợ chết chìm. Quý vị có thể cầm đọc một tờ báo, nằm ngửa thả nổi trên Biển Chết mà vẫn sống – chụp hình, đem về khoe làng xóm chơi.

Ðộ muối và các khoáng chất tập trung trong Biển Chết bao nhiêu thiên niên kỷ qua thật đáng kể. Ðộc đáo nhất đối với khách du lịch có lẽ là khối lượng bùn lầy, màu xám đen của Biển Chết – Dead Sea therapeutic black mud.

Hàng trăm du khách đến Biển Chết mỗi ngày để sống những giờ phút vui thú “tắm bùn – mud-bath.” Biển Chết được quảng cáo là nơi tuyệt vời nhất thế giới với khối khoáng chất phong phú, chất lượng cao.

Bức xạ mặt trời lý tưởng, khí hậu khô, trong lành và thích hợp nhất cho việc chữa bịnh. Từ xưa, người La-mã dẫn đầu thế giới trong việc nhập cảng nước mặn và muối Biển Chết cho giới quý tộc – dùng làm thuốc trị bịnh ngoài da, bịnh thấp khớp và làm mỹ phẩm.

Thời Tân Ước, người Ai-cập nhập cảng khá nhiều sản phẩm của Biển Chết để dùng trong kỹ nghệ ướp xác người chết. Thảo mộc ở đây được dùng làm nhựa thơm, nước hoa, và các loại thuốc giá trị, đắc tiền. Các nguyên liệu nầy được xem là “vàng” của Biển Chết và là mục tiêu tranh giành giữa các quyền lực lớn tại Trung Ðông – từ thời Mark Anthony chinh phục cho người đẹp Cleopatra, khoảng 30 năm Trước Chúa.

Ngày nay, Biển Chết là một vùng đất kỹ nghệ quan trọng. Người ta khai thác potash (phân bón và xà phòng), bromine và nhiều loại khoáng chất khác để xuất khẩu. Biển Chết không hề chết nhưng sống mãi với thời gian – tiếp nhận hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm. Họ đến với niềm hân hoan, mong đợi, với máy chụp hình, quay phim, đô-la và thẻ tín dụng.

Ðường du lịch đến Biển Chết khá thuận lợi – một giờ lái xe xuôi nam từ Jerusalem, hoặc 30 phút nếu bay từ Tel-Aviv. Biển Chết đáng chú ý không phải chỉ vì độ mặn, “độ cao,” hay những giờ tắm bùn đen lý thú. Biển Chết thu hút vì các yếu tố địa dư độc đáo của Dòng Sử Thiêng Trên Ðất Thánh.

Biển Chết là vùng đất khảo cổ lịch sử, phong phú. Các chuyên gia Thánh Kinh, khảo cổ từ bốn phương đến. Biển Chết đến dễ, khó về. Di tích lịch sử trứ danh gần bên Biển Chết là Pháo đài Masada và Qumran – nơi người ta tìm được Dead Sea Scrolls năm 1947. Ðây là Các Cuộn Sách Biển Chết – sử liệu Thánh Kinh Cựu Ước từ thế kỷ thứ nhì Trước Chúa đến năm 70 Sau Chúa – liên hệ đến hầu hết các sách Cựu Ước, lịch sử, văn chương và tôn giáo thời Cứu Chúa Jesus.

Ngày nay, Biển Chết trở thành trung tâm sinh động của những người sống – sống cho sức khỏe lành mạnh, trung tâm phục hồi, trung tâm sắc đẹp – cho cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ.
Khách sạn tối tân và trung tâm giải trí sang trọng, đắc tiền được xây dựng dọc theo bờ hồ sầm uất. Hàng ngàn du khách thập phương tiếp tục trở lại Biển Chết sinh động nầy mỗi năm để nghỉ ngơi, chữa bịnh và phục hồi.

CỰU ƯỚC. Biển Chết còn mang tên là Biển Mặn (Phục truyền 3:17; Giô-suê 3:16; 15:2-5). Biển Chết có chỗ đứng đặc biệt trong Thánh Kinh Cựu Ước, thường được gọi là Biển Muối (Sáng thế ký 14:3).

Biển Muối lộ thiên nầy không phải chỉ là một mỏ muối mà thật sự là một Biển Muối mênh mông. Không ai sợ mưa gió ướt át, tan chảy vùng Biển Muối vô biên nầy. Tại đây chiến tranh bùng nổ giữa liên minh Sô-đôm, Gô-mô-rơ và các vua Ðông phương.

Các vua Sô-đôm, Gô-mô-rơ, Át-ma, Xê-bô-in và Xoa hợp lực xuất trận dàn binh trong thung lũng Si-đim, nơi có nhiều hố nhựa. Liên minh các vua Ê-lam, Gô-im, Si-nê-a và Ê-la-sa chiến thắng lớn. Quân Sô-đôm và Gô-mô-rơ tháo xạy, một phần rơi xuống hố, phấn còn lại trốn lên núi.

Quân thắng trận cướp và đem đi tất cả tài sản, lương thực trong thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Họ cũng bắt Lót, cháu Áp-ram, ở Sô-đôm và cướp đoạt tài sản. Một người chạy thoát, đến báo tin cho Áp-ram.

Áp-ram tập họp 318 tôi tớ đã huấn luyện, sinh trưởng trong nhà, đuổi theo đoàn quân xâm lăng cho đến Ðan. Ðang đêm, Áp-ram chia quân tiến công, đánh đuổi quân địch cho đến Hô-ba, về phía Ða-mách. Áp-ram chiếm lại tất cả tài sản đã mất và đem Lót, cháu mình trở về, với tài sản cùng với đám phụ nữ và dân chúng (Sáng thế ký 14).

Biển Chết nằm về phía nam của thung lũng sông Giô-đanh, dài khoảng 53 dặm, tính từ cửa sông Giô-đanh, hướng Bắc đến vùng Sebkha, hướng nam. Bề ngang có chỗ nhỏ hẹp, có chỗ rộng đến 10 dặm. Phần lớn hai bên bờ là núi đá cao. Bán đảo Lisan dài 8 dặm rưởi, chia Biển Muối nầy thành hai phần. Hồ phía bắc lớn hơn, chỗ sâu nhất khoảng 1300 feet. Hồ phía nam tương đối phẳng lì, sâu khoảng 3 đến 30 feet.

Từ năm 1952, chính quyền Israel tiếp tục khai thác potash của Biển Chết, xây cất xa lộ từ Biển Chết đến Beersheba và Negeb – biến Biển Chết thành một vùng kỹ nghệ quan trọng, với các thành phố sinh động đầu tiên trong phần đất sa mạc nầy.

Khung cảnh khô hạn, cằn cỗi của Biển Chết ngày nay phản ảnh Dòng Sử Thiêng Trên Ðất Thánh về việc Chúa tiêu hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Sáng thế ký 19). Vợ ông Lót biến thành tượng muối tại đây.

Sa mạc hoang dã chung quanh Biển Chết cho Ða-vít một vùng trú ẩn an toàn khi trốn tránh vua Sau-lơ (1 Samuel 23–24). Ða-vít cùng với 600 quân lính trú ẩn tại đây, nhờ vô số các hang động trong vùng núi đá mênh mông, kiên cố nầy.

Sau-lơ vào một cái hang đi tiện. Ða-vít cùng các thuộc hạ đang ẩn nấp trong đó. Một người thì thầm với Ða-vít: “Hôm nay là ngày Chúa giao kẻ thù vào tay ông!” Ða-vít nhẹ nhàng đứng dậy, đến cắt vạt áo ngoài của Sau-lơ. Nhưng ngay sau đó, Ða-vít tự trách về việc nầy. Ông bảo thuộc hạ: “Xin Chúa kiểm soát hành động ta, đừng cho ta ra tay ám hại người được Chúa xức dầu.” Từ đấy đám thuộc hạ không còn ý định giết Sau-lơ nữa.

Sau-lơ ra khỏi hang tiếp tục lên đường. Ða-vít ra theo, lớn tiếng gọi: “Bệ-hạ!” Sau-lơ quay lại. Ða-vít cung kính cúi gập người xuống, tâu: “Tại sao bệ hạ nghe lời người ta nói rằng con muốn hại vua? Lúc nãy trong hang, Chúa giao mạng bệ hạ vào tay con. Có người bảo con giết vua, nhưng con không nỡ, vì tự nghĩ: ‘Ta không được giết chủ, người được Chúa xức dầu.’ Cha thấy không, con cắt vạt áo chứ không giết cha. Như thế đủ cho cha thấy rằng con không định hại vua, phản chủ. Con không có lỗi gì cả, trong khi cha tìm mọi cách để giết con!”

Sau-lơ hỏi: “Có phải con đấy không, Ða-vít?” Khóc lớn lên, vua nói: “Con tốt hơn cha, vì con lấy thiện trả ác. Hôm nay con đã lấy lòng nhân đãi cha, vì Chúa nạp cha vào tay con mà con không giết. Không ai bắt được kẻ thù rồi thả cho đi, nhưng hôm nay con đã làm như thế cho cha. Xin Chúa ân thưởng cho con.”

Thời đó, dân địa phương dùng các hầm và hang động tại đây làm nhà ở và nghĩa trang. Ða-vít và quân lính dùng căn cứ nầy làm chỗ nương thân trong thời gian tị nạn. Ngày nay, khách du lịch có thể đến thăm viếng các hang động nầy dễ dàng – có những hầm chứa được hàng ngàn người.

Mùa đông năm 1947 một người chăn chiên gần suối nước tại một hang đá Qumran nầy ném đá vào hang chơi. Cục đá đập vỡ một chum đất trong hang. Hai người tò mò vào hang xem thử. Họ tìm thấy 10 chum đất. Bên trong chum là các bản thảo và tài liệu Thánh Kinh. Từ đó đến năm 1954, người ta tìm được khoảng 600 bản thảo giá trị mà 200 bản là tài liệu Thánh Kinh – 85% viết trên da thú, 15% viết trên giấy. Người ta tìm được một phần hoặc toàn bộ của tất cả các sách Kinh thánh Cựu ước, ngoại trừ sách Ê-xơ-tê.

Ðiểm son của Các Cuộn Sách Biển Chết (the Dead Sea Scrolls) nầy là xưa cũ nhất – khoảng 1000 năm trước các bản Kinh Thánh đã tìm được trước đó.

Pháo đài Masada lừng danh, nằm trên bờ tây của Biển Chết là nơi người Do-thái yêu nước chống quân đội La-mã đến hơi thở cuối cùng, năm 73 Sau Chúa. Pháo đài Masada cao hơn Biển Chết 1400 feet, trên đỉnh là mặt bằng, tương đương với 2 khu phố lớn tại Mỹ.

Masada có nghĩa là “thành lũy núi đá” (Các Quan Xét 6:2; I Samuel 23:14). Ðại đế Hê-rốt xây dựng lâu đài tại đây, gồm có nhà tắm vĩ đại, chiều 33 feet, chiều 36 feet, tường cao 6 feet, theo kiểu La-mã, với hồ nước nóng, phòng xông hơi, phòng ấm, phòng lạnh.

Nhiều kho chứa hàng, 12 hồ nước lớn được xây dựng rất công phu, tỉ mỉ – chứa được 10 triệu rưỡi ga-lông. Chu vi tường thành là 4250 feet, gồm 32 tháp canh, 8 cổng. Tường thành có hai lớp, bảo vệ 110 phòng bên trong.

Sau khi tàn phá thành Jerusalem năm 70 Sau Chúa, người La-mã tận diệt các thành phần chống đối. Pháo đài Masada là ngoại lệ duy nhất còn lại của 960 người Do-thái yêu nước kiên cường.

Mười lăm ngàn quân La-mã dưới quyền điều động của Silva bao vây Masada chặt chẽ với ý định không để một mạng trốn thoát ra ngoài. Silva cho xây đường đất đá thật rộng lên đến đỉnh pháo đài, tấn công và phá thủng được thành, nhưng kháng chiến quân Do-thái dùng gỗ và đất sửa chữa lại được trong đêm. Quân La-mã đốt phá nữa.

Khi thấy quân La-mã sắp sửa tràn ngập pháo đài, Eleazar Ben-Ya’ir kêu gọi chiến sĩ hy sinh. Lời Ben-Ya’ir chưa dứt, các chiến sĩ hào hùng đã bắt đầu ôm vợ, hôn con giả từ. Nước mắt tràn ngập Pháo Ðài Masada trong giờ phút hào hùng, đau thương, lịch sử. Họ giết vợ – để vợ không bị quân thù sỉ nhục. Họ giết con – để con không bị bắt làm nô lệ. Họ đốt hết tài vật nhưng để lại thức ăn. Họ chọn cái chết oai hùng, bất khuất, chứ không để lọt vào tay quân La-mã.

Họ chọn 10 người để giết tất cả các chiến sĩ khác. Mỗi chiến sĩ nằm bên cạnh vợ và con để một chiến hữu khác kết thúc cuộc sống mình. Sau cùng họ chọn một chiến sĩ để giết 9 người còn lại. Anh ta tự kết liễu cuộc sống và cuộc chiến đẫm máu, hào hùng.

Kế hoạch được thực hiện đúng với từng chi tiết một cho đến giờ phút chót. Ngày hôm sau, quân La-mã tràn vào, tưởng gặp chống đối dữ dội, nhưng tất cả im lìm, ghê rợn. Khói lửa còn đang cháy nghi ngút. Thức ăn còn tràn đầy – chứng minh hùng hồn – họ sẵn sàng chết – không phải vì đói, khát. Quân La-mã tìm bắt được hai người đàn bà và 5 trẻ con trốn trong một hang đá. Ðây là những nhân chứng duy nhất của một cuộc chiến hào hùng của các chiến sĩ Masada anh dũng.

Anh nghe gì về Biển Chết? Biển Chết chưa chết đâu Anh. Biển Chết vẫn sống. Biển Chết vẫn sinh động với một lịch sử hào hùng – giữa lòng sa mạc Palestine khô cằn. Chị có thể tìm vui trên bờ Biển Chết, tắm bùn đen với đôi mắt trong nhìn trời tươi sáng.

Mục sư Hồ Xuân Phước