ÂN-TỨ KHUYÊN-BẢO

 

Tiếng Việt hay, nói về học có hai động từ kép: học-hỏi và học-hành. Muốn học thấu đáo phải nêu ra nhiều nghi-vấn trong vấn-đề. Ở đâu, tại sao, thể nào, cái gì, khi nào? Sau khi học thì phải hành. Nếu thiếu hành thì học luống công. Người có ý chí mạnh-mẽ thì có thể làm theo điều mình đã học. Nhưng người thiếu ý chí mạnh-mẽ thì cần có người khuyên-bảo mới có thể làm được. thật ra người có ý chí mạnh-mẽ cũng cần lời khuyên-bảo, khích-lệ mới có thể làm cách trường-kỳ.

Ngoài xã-hội, người ta khuyên-bảo nhau thường là do trách-nhiệm hơn là tình thương. Chúng ta thấy ai yếu, thường mừng vì biết mình mạnh. Thấy ai suy-sụp thì vui vì biết mình thành-công hay không đến nỗi nào.  Chúng ta thường đạp thêm vào người đã ngã. Chỉ trong tình ruột thịt, may lắm mới thấy “chị ngã, em nâng”.

Khuyên-bảo là cách gián-tiếp xen vào đời tư người ta, phiền-phức lắm. Ơn chẳng thấy lại thấy oán. Người khôn-ngoan chỉ khuyên-bảo khi có lời yêu-cầu và khuyên-bảo cách hàng hai để người được khuyên-bảo lựa chọn và chịu trách-nhiệm về hậu quả. Thật ra thì phải vậy, vì người đời khuyên thường căn-cứ vào kinh-nghiệm hay dựa vào một ít định-luật đã được đúc-kết bởi kinh-nghiệm của nhiều người. Kinh-nghiệm không phải là một định-luật bất di bất dịch.

Trong Hội-thánh con cái Chúa phải đối nhau trong tình ruột thịt. Phải có tấm lòng “nào ai yếu-đuối mà tôi chẳng yếu đuối ư? Nào ai vấp-ngã mà tôi chẳng như nung như đốt ư?” (II Cô-rinh-tô 11:29).

Khuyên-bảo là một ân-tứ rất cần-thiết để gây-dựng đời sống thuộc linh của con cái Chúa và gây-dựng Hội thánh chung. Con cái Chúa mạnh khuyên-bảo vì căn cứ trên lời Chúa bất di, bất dịch, lại có năng-lực của Chúa Thánh-Linh phụ-trợ, phát xuất từ lòng yêu-thương. Khuyên-bảo, đối với con cái Chúa là làm với trách-nhiệm và lòng yêu-thương.

Ân-tứ khuyên-bảo Chúa ban cho ai, không làm cho người đó trở nên “thầy đời”. Khuyên-bảo theo nguyên văn Greek có nghĩa là dùng lời nói an-ủi (comfort), khuyên-giải (console), khuyên-lơn (counsel), nài-xin (entreat), khẩn-cầu (implore) để khích-lệ (encourage).

Chúa Thánh-Linh có tên là “Đấng An-ủi” (Comforter) (Giăng 14:16). Chúa Jêsus có tên là “Đấng Cầu-thay” (Advocate) (I Giăng 2:1). Cả hai chức-vị nầy trong nguyên văn đều cùng một chữ “Paraclete” có nghĩa là người ở bên cạnh để giúp-đỡ. Người có ân-tứ khuyên-bảo là người đứng bên cạnh, giúp cho kẻ yếu trở nên mạnh, giúp cho kẻ rối lòng được yên-tịnh, nâng-đỡ kẻ điêu-đứng, khuyên-giải kẻ buồn-bã, khích-lệ kẻ sờn chí, giục-giã kẻ đang tiến bước trên linh trình.

Ân-tứ khuyên-bảo Chúa thường ban cho người chăn bầy của Chúa. Phao-lô được ân-tứ nầy. “Tôi hằng chảy nước mắt ra mà khuyên-bảo cho mọi người luôn” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:31). Trong thư viết cho Hội-thánh tại Rô-ma, Phao-lô tha-thiết “lấy sự thương-xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân-thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1). Giu-đe và Si-la cũng có ân-tứ nầy. Kinh thánh chép: “Giu-đe và Si-la chính là kẻ tiên-tri, cũng lấy nhiều lời giảng mà khuyên-bảo, và giục lòng anh em mạnh-mẽ” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:32). Phi-e-rơ cũng có ân-tứ nầy. Phi-e-rơ đã “gửi lời khuyên-nhủ nầy cho các bậc trưởng-lão” (I Phi-e-rơ 5:1). Chúa đã ban thêm ân-tứ nầy cho Phi-e-rơ để “làm vững chí anh em mình” (Lu-ca 22:32). Tác giả thư Hê-bơ-rơ đã dùng ân-tứ nầy viết thư Hê-bơ-rơ. Cuối thư, tác giả kết thúc: “Hỡi anh em, xin hãy vui lòng nhận lấy những lời khuyên-bảo nầy” (Hê-bơ-rơ 13:22).

Ân-tứ khuyên-bảo cũng được ban cho con cái Ngài. Một trong các sự khuyên-bảo mà Chúa muốn con cái Ngài phải làm, ấy là “chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:25). Đi nhóm lại thờ-phượng Chúa là một điều rất khó trong đời sống tin-kính. Ma-quỉ không muốn ai thờ-phượng Chúa. Nó còn muốn Chúa thờ-phượng nó (Ma-thi-ơ 4:9), nên nó tìm đủ cách ngăn trở con cái Ngài thờ-phượng Chúa. Là con cái Chúa, chúng ta biết mưu-kế của ma-quỉ, chẳng những chúng ta trung-tín trong sự nhóm lại thờ-phượng Chúa mà còn “khuyên-bảo nhau” trung-tín nhóm lại thờ-phượng Chúa. Chúa không dạy chúng ta những lễ-nghi trong khi thờ-phượng Chúa. Chúa cũng không dạy chúng ta tổ-chức các buổi thờ-phượng Chúa sao cho vui, hấp-dẫn, mới lạ. Chúa dạy: “Những kẻ thờ-phượng thật lấy tâm-thần và chân-lý mà thờ-phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ-phượng mà Cha ưa-thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ-phượng Ngài thì phải lấy tâm-thần và Chân-lý mà thờ-phượng” (Giăng 4:23,24). Vì cớ đó, người thiếu lòng yêu-mến Chúa, không ưa thích chân-lý dễ chán khi thờ-phượng Chúa. Nhờ sự “khuyên-bảo nhau”, người thiếu lòng yêu-mến Chúa, không ưa-thích chân-lý sẽ trung-tín nhóm lại. Nhờ đó thêm lòng yêu-mến Chúa và ưa-thích chân-lý. Khi đã quen rồi, thì “tôi vui-mừng khi người ta nói với tôi rằng: Ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 122:1).

Hội-thánh trong buổi ban đầu, một con cái Chúa có ân-tứ khuyên-bảo đến nỗi thành danh, ấy là “Giô-sép mà các Sứ-đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là con trai của sự “yên-ủi” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:36). Ba-na-ba đã là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

 

  • Ba-na-ba đã yên-ủi người ta bằng chính tài-vật.

Hội-thánh lúc ban đầu đã tỏ tình tương-thân, tương-ái trong Chúa bằng cách giúp-đỡ những người nghèo-khổ trong Hội-thánh. Một số người nghèo-khổ vì sau khi tin Chúa bị bắt-bớ, bị mất việc. một số người ở xa có việc đến Giê-ru-sa-lem đã tin Chúa qua bài giảng của Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ-tuần, đã ở lại nhóm với Hội-thánh để học đạo và thờ-phượng Chúa, nên cần có sự tài-trợ. Ba-na-ba “có một đám ruộng, bán đi, đem tiền đặt nơi chân các Sứ-đồ” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:37).

 

  • Ba-na-ba khuyên-bảo Hội-thánh chấp nhận Phao-lô.

 

Sau khi Phao-lô đầu phục Chúa trên đường Đa-mách, trở nên con cái và đầy-tớ Chúa nhưng Hội-thánh vẫn nghi-ngờ Phao-lô, chẳng ai muốn giao-tiếp. Phao-lô “tới thành Giê-ru-sa-lem rồi, muốn hiệp với các môn-đồ; nhưng hết thảy đều nghi sợ người, không tin là môn-đồ”. Ba-na-ba ra tay, dùng ân-tứ khuyên-bảo, đưa Phao-lô “đến các Sứ-đồ và thuật lại cho biết thể nào dọc đường Chúa đã hiện ra và phán cùng người, lại thể nào người đã giảng-dạy cách bạo-dạn về danh Đức Chúa Jêsus tại thành Đa-mách” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:26,27). Trong Hội-thánh, người có ân-tứ khuyên-bảo, dùng ân-tứ để đánh tan những nghi-ngờ giữa đầy tớ Chúa với con cái Ngài hay giữa các con cái Ngài. Kinh-thánh không ghi về việc Ba-na-ba dùng ân-tứ mình có đối với Phao-lô thể nào. Nhưng câu 38 và 39 cho chúng ta biết “Từ đó, Sau-lơ tới lui với môn-đồ tại thành Giê-ru-sa-lem, và nhơn danh Chúa mà nói cách dạn-dĩ”. Như vậy, phao-lô đã được Ba-na-ba dùng ân-tứ khuyên-bảo khích-lệ Phao-lô trong sự hầu-việc Chúa. Nhiều đầy-tớ Chúa được an-ủi trong chức-vụ đầy khó-khăn vì một số con cái Chúa có ân-tứ khuyên-bảo đã khích-lệ đầy tớ Ngài.

 

  • Ba-na-ba khích-lệ Mác

 

Mác là cháu của Ba-na-ba đã đi theo Phao-lô và Ba-na-ba trong cuộc truyền giáo thứ nhứt. nhưng chẳng được bao lâu, Macs bỏ cuộc trở về. Trong cuộc truyền-giáo thứ hai, Ba-na-ba lại định cho Mác đi theo, nhưng Phao-lô không đồng ý. Phao-lô tính thẳng-thắn, tự “đãi thân-thể tôi cách nghiêm-khắc” (I Cô-rinh-tô 9:27). Ai hầu việc Chúa chung với Phao-lô cũng phải “cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus-Christ” (II Ti-mô-thê 2:3). Nên Phao-lô không thể chấp nhận Mác. Nhưng Ba-na-ba chấp nhận Mác, Ba-na-ba dùng ân-tứ khuyên-bảo để khích-lệ Mác, bởi đó Mác đã trở nên đầy-tớ Chúa rất hữu dụng sau nầy. Khi Phao-lô ở tù, Phao-lô viết thư cho Ti-mô-thê: “Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm” (II Ti-mô-thê 4:11). Chính Mác là tác giả sách Tin-lành theo Mác.

Có đầy-tớ Chúa mới ra trường, chưa kinh-nghiệm, được bổ nhiệm tới một Hội-thánh nhỏ mà phần lớn con cái Chúa là người già cả. Các con cái Chúa thường phiền-trách đầy-tớ Chúa, khiến đầy tớ Chúa ngã lòng, muốn thối lui. Nhưng trong Hội thánh có một người được ân-tứ khuyên-bảo nên đã hết lòng khuyên Hội-thánh hãy cầu-nguyện đặc-biệt cho đầy-tớ Chúa thay vì lằm-bằm. Đồng thời cũng an-ủi, khích-lệ đầy tớ Chúa cứ hết lòng trung tín hầu việc Chúa. Nhờ vậy mà công việc Chúa tại Hội-thánh được duy-trì. Các con cái Chúa thương-yêu, hiệp-tác với đầy-tớ Chúa. Đầy-tớ Chúa phấn-khởi trong công-việc Chúa giao-phó. Ân-tứ khuyên-bảo quan-trọng là dường nào trong công-việc gây-dựng thân-thể Đấng Christ.

Lời Kinh-thánh dạy rằng: “Ai gánh việc khuyên-bảo, hãy khuyên-bảo” (Rô-ma 12:8). Ai có ân-tứ nầy, hãy xử-dụng. Hãy trở nên những Ba-na-ba trong hội thánh ngày nay.

 

 

BẢN TRẮC-NGHIỆM ÂN-TỨ KHUYÊN-BẢO

 

Quý vị có thể biết mình có ân-tứ khuyên-bảo hay không qua các điểm sau đây:

  • Mức-độ tương-giao với Chúa. 1        2        3        4        5
  • Muốn vận-động người ta làm điều chánh đáng. 1        2        3        4        5
  • Khả-năng nhận biết nhu-cầu riêng tư. 1        2        3        4        5
  • Khả-năng thuyết-phục người ta. 1        2        3        4        5
  • Khả năng đưa ý tưởng đến hành động. 1        2        3        4        5
  • Được người ta hỏi ý kiến. 1        2        3        4        5
  • Cảm thấy khó chịu thấy điều trái mà không nói dầu có thể nói.

1        2        3        4        5

  • Cảm thấy vui lòng khi đã nói điều ích lợi cho người ta.

1        2        3        4        5

 

*1 – yếu            3 – trung-bình                    5 – nhiệt thành

 

Kinh-nghiệm

  • Trong 8 phần trên có kinh-nghiệm trong phần nào.

 

  • Viết ra một vài sự việc đã làm theo kinh nghiệm.

 

 

  • Viết ra một vài sự việc đã thấy nơi người khác theo 8 phần trên.