Hội thánh trong thời cuối cùng gặp nhiều nỗi khó-khăn. Con cái Chúa “ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời” (II Ti-mô-thê 3:4). Đối với lời Kinh-thánh, chân –lý, con cái Chúa “không chịu nghe đạo lành… bịt tai nghe chân-lý”. Nhưng “ham nghe những lời êm tai, theo tư-dục … xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:3,4). Công-việc nhà Chúa được hệ thống hóa, nhân-viên làm việc chúa được tuyển-chọn theo khả-năng và tri-thức. giáo hội đặt mục tiêu năm năm, mười năm. Để đạt được mục-tiêu người ta tìm phương-cách và hàng ngàn phương cách đã được đề ra để hội thánh tăng-trưởng. hội thánh đã tăng-trưởng về lượng. “Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa”. Nhưng thực trạng , “song ngươi không biết rằng mình khổ-sở, khốn-khó, nghèo-ngặt, đui-mù, và lõa-lồ” (Khải-huyền 3:17).

Thực trạng Hội thánh ngày nay, tại mỗi địa-phương, công việc Chúa dường như được giao-trọn cho vị Mục-sư quản-nhiệm với sự phụ giúp của “ban chấp hành”. Con cái Chúa trong Hội-thánh kể như làm trọn bổn-phận đối với Chúa, đối với Hội thánh, đối với người hư-mất nếu trung-tín nhóm lại thờ-phượng Chúa với Hội-thánh, dâng một số tiền vào Hội –thánh, tham-gia vài công-tác Hội-thánh mới đề ra.

Con cái Chúa, trên phương-diện tổ-chức là thuộc viên của Hội-thánh. Nhưng thật ra, mỗi con cái Chúa là một phần tử trong-thân thể Đấng Christ, cùng hưởng đồng một sự sống với chính Ngài và mỗi con cái Chúa phải dự phần sanh động với chính Ngài. Vì cớ phải sanh động với chính Ngài, nên Ngài ba cho mỗi người, một hoặc nhều ân-tứ để sanh động. Ân-tứ đó được gọi là Ân-tứ của Chúa Thánh-Linh.

Nhiều con cái Chúa đã không biết về ân-tứ Chúa ban cho mình. Nhiều con cái Chúa đã không xử-dụng ân-tứ Chúa ban cho mình.

Lời Kinh-thánh nhắc mỗi con cái Ngài: “Đừng bỏ quên ơn ban trong lòng con” (I Ti-mô-thê 4:14). “Mổi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín, giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 4:10).

Mong rằng quyển sách nhỏ này sẽ giúp quý vị nhận biết ân-tứ Chúa ban cho mình. Nhận biết ân tứ Chúa ban cho anh chị em mình. Để rồi chúng ta cùng nhau xử-dụng ân tứ Chúa ban, gây dựng Hội thánh, thân-thể của Đấng Christ vậy.

 

ÂN TỨ CHÚA BAN CHO

 

Hội thánh lúc ban đầu cũng không ý-thức được về sự ban ân-tứ của Đức Thánh-Linh cho mỗi một con cái Chúa. Phao-lô trong thư viết cho Hội thánh Cô-rinh-tô, ông nhấn mạnh: “hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng-liêng” (I Cô-rinh-tô 12:1). Chúng ta là con cái Chúa, chúng ta phải ”biết về các sự ban cho thiêng-liêng”. Chúng ta không cần biết để cầu xin. Nhưng vì Chúa đã ban cho chúng ta rồi nên chúng ta cần biết để xử-dụng. hãy nhớ chắc một điều, điều gì Chúa ban cho chúng ta đều là điều rất quan-trọng, rất cần-yếu, rất giá-trị và phước hạnh. Chúng ta cần phải biết.

Sau khi tin-nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, người tin được tái-sanh, sanh ra trong gia-đình Đức Chúa Trời, trở nên con cái rất yêu dấu của Ngài. Lập tức Ngài ban cho người đó ân-tứ của Chúa Thánh-Linh để sanh động trong “thân-thể đấng Christ”. Ngài “ban ân-sủng cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban-cho của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:7). Chữ “ban-cho” (gift) theo nguyên văn Greek là món quà sinh nhật. Ân-tứ Chúa ban cho mỗi con cái Ngài ngay sau khi được tái sanh như là món quà sing nhật quý giá. Chúa ban cho Phao-lô ngay sau khi người đầu phục Chúa, ân-tứ “giảng Tin-Lành” (Ê-phê-sô 4:11) để “đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:15; xem thêm 22:15,21; 26:16-28).

Ân-tứ Chúa ban cho mỗi con cái Chúa có khác nhau “theo ý muốn Ngài, phân-phát sự ban-cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 12:11). Mỗi con cái Chúa đều được “Chúa dọn bàn cho tôi” (Thi-thiên 23:5). Ân-tứ nào Chúa ban cho, hãy vui-thỏa, ăn lấy. Đừng nhìn qua bàn người khác để tính hơn thua, thèm thuồng. Mỗi chúng ta ít nhất cũng có một trong các ân-tứ được liệt-kê trong Kinh-thánh.

Rô-ma 12:3-8

1/ Nói tiên tri 2/ Làm chức-vụ (giúp-đỡ) 3/ Dạy-dỗ 4/ Khuyên bảo 5/ Ban-cho 6/ Cai-trị 7/ Làm sự thương xót

I Cô-rinh-tô 12:8-10, 28-30

1/ Lời nói khôn-ngoan 2/ Lời nói tri-thức 3/ Được đức-tin 4/ Ơn chữa bịnh 5/ Làm phép lạ 6/ Nói tiên-tri 7/ Phân-biệt các thần 8/ Nói các thứ tiếng 9/ Thông-giải các tiếng lạ 10/ Sứ-đồ 11/ Dạy-dỗ 12/ Cứu-giúp 13/ Cai-trị

Ê-phê-sô 4:11

1/ Sứ-đồ 2/ Tiên-tri 3/ Thầy giảng Tin-Lành 4/ Mục-sư 5/ Giáo-sư.

Xem qua các ân-tứ trên, mỗi chúng ta có thể tưởng đoán hay biết chắc mình có một hay vài ân-tứ nào đó. Tôi sẽ cậy ơn Chúa giúp quý vị biết chắc ân-tứ mình có ở các chương sau.

Ân-tứ Chúa ban cho mỗi con cái Ngài không có mục đích làm tăng giá-trị con cái Chúa. Mỗi con cái Chúa đã có giá-trị cao tuyệt-đỉnh rồi, giá-trị được “trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12). Con cái Chúa được ban cho ân-tứ vì “sự ích chung” (I Cô-rinh-tô 12:7) của “thân-thể Đấng Christ” chớ không phải vì cá nhân. Cá nhân mỗi chúng ta “đều không ra gì” (I Cô-rinh-tô 3:7). Chúng ta có ân-tứ nào, chớ dại-dột lấy nó mà kiêu-hãnh. “Bởi vì ai phân-biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng nhận-lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận-lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận-lãnh?” (I Cô-rinh-tô 4:7).

Chúng ta có ân-tứ Chúa ban phải xử-dụng để “ích chung”. Nhưng nếu chúng ta không xử-dụng thì chắc chắn “hại chung”. Tên quý vị bắt đầu bằng chữ gì nhỉ. H hay T; B hay N. Quý vị thử xóa bỏ hết chữ đầu tên của quý vị trong chương sách nầy. Qúy vị đã hại tác giả và hại luôn cả người đọc. Chỉ cần một chữ đầu tên của quý vị thôi, có nó thì ích, thiếu nó thì hại. Tên tôi là Bình, khởi đầu bằng chữ “B”. Câu Kinh thánh Giăng 3:16 chỉ có hai chữ dùng đến chữ “b” thôi, thế mà thiếu nó, người đọc hẳn chẳng hiểu chính xác câu Kinh-thánh. Mỗi con cái Chúa không làm “ích” cho công việc Chúa thì chắc chắn làm hại. Chúng ta không thể áp-dụng thuyến trung-dung ở đây.

Chúa Jêsus đã phán ví dụ về “Ta-lâng” được ghi trong Ma-thi-ơ 25:14-30. “Tùy theo tài mỗi người” mà chủ giao cho “người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một”. Người lãnh năm và ba ta-lâng đã xử-dụng ta-lâng mình có để “làm lợi ra” và họ được khen: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung-tín kia, được lắm; …. hãy đến hưởng sự vui-mừng của Chúa ngươi”. Còn kẻ lãnh một ta-lâng, không xử-dụng, “đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ”. Khi chủ về, tên đầy tớ nầy mồm loa, mép giải, vận dụng tài hùng biện thưa với chủ dài dòng: “Lạy Chúa, tôi biết Chúa là người nghiêm-nhặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm-lặt trong chỗ mình không rải ra; nên tôi sợ mà đi giấu ta-lâng của Chúa dưới đất; đây nầy, vật Chúa xin trả cho Chúa”. Biện-luận có khéo, bào-chữa có hay vẫn bị Chủ nhận ra là tên “đầy-tớ dữ và biếng-nhác”.

Quý vị hãy đào ngay ta-lâng mình đã chót dại đem dấu hay vô tình đem dấu. Lời Chúa dạy rằng: “Hãy siêng-năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt-sắng; phải hầu việc Chúa” (Rô-ma 12;11). “Đừng bỏ quên ơn ban trong lòng con” (I Ti-mô-thê 4:14). “Hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 4:10). Kính chào quý vị, những “đầy-tớ ngay-lành và trung-tín”

 

HIỂU BIẾT ÂN-TỨ

 

Hội thánh Cô-rinh-tô có đầy-đủ ân-tứ của Chúa Thánh-Linh, Phao-lô nhận biết về điều nầy. “Anh em đang trông-đợi kì Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta hiện đến, cũng chẳng thiếu một ơn nào” (I Cô-rinh-tô 1:7). Họ có nhưng họ thiếu hiểu biết về ân-tứ mình có. Vì vậy, Phao-lô đã phải giảng giải cho họ hiểu biết. “Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về sự ban-cho thiêng-liêng” (I Cô-rinh-tô 12:1).

Sự hiểu-biết về ân-tứ Chúa Thánh-Linh rất quan-trọng. bởi sự hiểu biết mà chúng ta nhận rõ giá-trị về các ân tứ Chúa Thánh-Linh. Nhận rõ tầm quan-trọng về ân-tứ Chúa Thánh-Linh được ban cho mỗi người và nhận rõ ý muốn của Đức Chúa Trời đối với mình là thế nào.

Sự hiểu biết về ân-tứ Chúa Thánh-Linh làm cho Hội thánh tăng trưởng, làm cho “người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm-sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:17).

 

  • Ân-tứ bày tỏ ý Chúa.

 

Qua ân-tứ Chúa Thánh-Linh, chúng ta bết được ý muốn của Chúa đối với mình.Chúng ta hãy đọc cẩn-thận Rô-ma 12:1-6

Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương-xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân-thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời” (c.1,2).

Chúng ta đã thuộc về Ngài, chúng ta phải “biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời” đối ới mình. Chúng ta cảm-tạ ơn cứu-rỗi của Ngài đối với chúng ta. Ngài đã chuộc chúng ta bằng một giá rất cao (I Cô-rinh-tô 6:20). Ngài đã cho chúng ta trở nên con cái rất yêu dấu của Ngài (Giăng 1:12). “Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng-liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3). Chúng ta biết ơn Ngài, yêu-mến Ngài, thưa với Ngài: “Lạy Chúa, tôi phải làm chi?” (Công-vụ các Sứ-đồ 22:10).

Bởi lòng biết ơn và yêu-mến Ngài, chúng ta muốn làm “một cái gì” cho Chúa. Chúng ta hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con phải làm chi?”, đồng thời chúng ta cũng muốn “làm chi” cho Ngài. Chúng ta thường tự-trọng và tự cao. Đã không làm thì thôi, đã làm thì làm cho đáng. Phao-lô biết tâm-tư chúng ta. Phao-lô nhắn-nhủ:

Vậy nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm-thường, y theo lượng đức-tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người” (c.3).

Phao-lô muốn chúng ta nhìn lại con người của mình, đời sống tin-kính của mình, mức độ thuộc linh của mình, tự định giá chính mình. Chúng ta sẽ không thấy mình “cao” như mình tưởng để “có tư-tưởng cao quá lẽ”.

Trong Hội thánh, thiếu gì người, tài chẳng bằng mình, học thức cũng không cao, thế mà đã thành công ở một lãnh vực nào đó trong Hội thánh. Tại sao mình không làm ở lãnh vực đó để được thành công như họ. Phao-lô biết ý tưởng chúng ta. Phao-lô nhắn nhủ:

Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi-thể, và các chi-thể không làm việc giống nhau” (c.4)

Phao-lô đã lấy thân-thể người ta làm thí-dụ cụ-tượng giúp chúng ta dễ hiểu. Nhìn vào thân-thể. Thân-thể gồm nhiều chi-thể. Mỗi chi-thể có một phần việc khác nhau. Như vậy điều quan-trọng là chúng ta phải biết chúng ta là chi-thể nào? Phần việc nào chúng ta phải làm chớ không bắt chước làm công việc của chi-thể khác.

Trong Hội thánh, ai nấy đều là anh em trong Chúa, nhưng chúng ta muốn làm anh hơn làm em, chúng ta muốn người trong Hội thánh phải tôn-trọng mình. Như vậy, phần việc chúng ta làm trong Hội thánh phải là phần việc quan-trọng chứ không thể tầm-thường. Phao-lô biết ý-tưởng chúng ta. Phao-lô nhắn nhủ:

Thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi-thể của nhau” (c.5)

Mỗi chi thể trong thân thể đều quan trọng. mỗi con cái Chúa đều quan-trọng. Các chi-thể đều có sự tương-quan. Mỗi con cái Chúa đều cần có sự hỗ-trợ của nhau. Giả thử hai bàn tay nói với nhau. Tay trái nói với tay phải: Anh đắc dụng quá, anh viết hay quá. Tôi thật vô dụng. tay phải nói với tay trái: Anh đâu vô-dụng, nhờ anh giữ tờ giấy nên tôi mới có thể viết được. Thánh Phi-e-rơ dạy rằng:

Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 4:10)

Trong Hội thánh, nhiều công-tác được phân chia cho nhiều người theo khả năng mỗi người. Nhưng phần việc chính của mỗi người trong Hội thánh thì đã được Đức Chúa Trời , the ý Ngài xếp-đặt và giao phó. Chúng ta không cần thắc-mắc tại sao Chúa dùng người đó trong công việc đó? Phao-lô giải-đáp:

Vì chúng ta có các sự ban-cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên-tri, hãy tập nói theo lượng đức tin”. (c.6)

Bởi sự “ban cho” của Chúa mà mỗi chúng ta biết Chúa “gọi” chúng ta vào công-việc gì. Hãy nhớ rằng Ngài chẳng bao giờ giao-phó cho chúng ta công-việc theo ý Ngài mà Ngài không ban cho chúng ta ân-tứ thích-hiệp để chúng ta làm trọn công-việc Chúa giao-phó. Hãy nhớ rằng, chúng ta nhận được ân-tứ nào thì phải làm công việc đã quy-định cho ân-tứ đó.

 

  • Ân-tứ liên-hệ với:

 

Nhiều người lầm tưởng ân-tứ Chúa Thánh-Linh với tài-năng. Hát hay, viết hay, khéo tay, khéo miệng không phải là ân-tứ, mặc dầu tài-năng đều do thiên phú. Tài-năng ai cũng có thể có. Nhưng ân-tứ chỉ con cái Chúa mới có. Tài-năng dùng trong lãnh-vực giáo-dục, xây-dựng để cuộc sống con người thăng tiến. Tài-năng dùng trong lãnh-vực nghệ-thuật để tâm-hồn con người khoáng-đạt. nhưng ân-tứ Chúa Thánh-Linh được dùng trong mọi lãnh-vực để gây-dựng thân-thể Đấng Christ, là Hội-thánh Ngài (Ê-phê-sô 1:23) và làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Xử-dụng tài-năng thì nhờ sức mình. Xử-dụng ân-tứ thì nhờ sức Chúa.

Ví bằng có người giảng-luận (thì phải giảng cho hay –  không), thì hãy giảng như rao lời sấm-truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì (thì hãy làm theo khả năng và sức-lực mình có – không), thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban cho, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự nhờ Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh-hiển quyền-phép đời-đời vô-cùng. A men” (I Phi-e-rơ 4:11).

Con cái Chúa có tài giảng-dạy, nhưng chưa chắc có ân-tứ “dạy-dỗ”. Nhưng con cái Chúa có ân-tứ “dạy-dổ” và có luôn tài giảng-dạy. sự hiểu biết nầy cho chúng ta biết rằng, chúng ta không thể cậy tài để làm công-việc Chúa giao-phó, nhưng phải cậy ân-tứ Chúa ban cho. Tài năng có thể phụ-giúp ân-tứ. Sự hiểu biết nầy, giúp chúng ta không cậy vào tài trí mà có “tư-tưởng cao quá lẽ”. Sự hiểu biết này cũng giúp chúng ta khỏi mất thì giờ “tìm đất dụng võ”.

Nhiều người lầm tưởng ân-tứ với “trái của Thánh-linh” được ghi trong Ga-la-ti 5:22.

nhưng trái của Thánh-Linh, ấy là lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhơn-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ”.

Trái của Thánh-Linh” được nẩy sanh khi con cái Chúa được nuôi dưỡng bằng lời Chúa, được Chúa Thánh-Linh sanh-động. Con cái Chúa càng lớn lên trong Chúa, càng có “trái của Thánh-Linh”. “Trái của Thánh-Linh” liên-hệ với ân-tứ nhưng không phải là ân-tứ. Trong thư Cô-rinh-tô thứ nhứt chương 12 và 14, Phao-lô luận về ân-tứ Chúa Thánh-Linh. Giữa hai chương đó, chương 13, Phao-lô luận về tình yêu-thương, “trái của Thánh-Linh”. Nếu có ân-tứ mà thiếu “trái của Thánh-Linh”, “yêu-thương … nhịn-nhục … nhơn-từ” v.v. thì đã làm hư hiệu-quả của người có ân-tứ, “tôi chẳng ra gì”.

Nhiều người lầm tưởng ân-tứ như là một “phần thưởng” Chúa ban cho những ai có đời sống thuộc linh cao. Người đó thiêng-liêng nên được Chúa ban ân-tứ. người đó đạo-hạnh nên được Chúa ban ân-tứ. Không, ân-tứ không phải là phần-thưởng. Chúa có thể ban thêm ân-tứ vì Chúa giao thêm việc.

Trong thời Cựu-ước, Sam-sôn có đời sống bê-bối nhưng vẫn có ân tứ Chúa ban để làm công việc Chúa giao-phó (Các Quan-xét 14:16). Phi-e-rơ nóng-nảy, thiếu nhịn-nhục vẫn được ân tứ Chúa ban để làm công việc Chúa. Hội thánh Cô-rinh tô thì quá tệ, thế mà “chẳng thiếu một ơn nào” (I Cô-rinh-tô 1:7). Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ là hai người đàn bà ưa tranh-cạnh, không hiệp ý với nhau, bất hòa, nhưng vẫn có ân-tứ Chúa Thánh-Linh để cùng với Phao-lô “đã vì đạo Tin-Lành mà chiến-đấu” (Phi-líp 4:2,3).

Sự hiểu biết nầy cho chúng ta biết chắc rằng Chúa ban ân-tứ cho mỗi người chúng ta. Việc ban ân-tứ, Ngài không tùy thuộc vào đời sống thuộc linh. Nhưng ân-tứ Ngài có liên-hệ đến đời sống thuộc linh. Cái mũi là một chi-thể dùng vào việc thở. Nhưng nếu trong mũi đầy sự dơ-dáy thì mũi vẫn thở nhưng không thông suốt hoặc có khi tắt thở. Chẳng một con cái Chúa nào có thể xử-dụng ân-tứ Chúa ban cách hiệu-quả, nếu không có đời sống thuộc linh đúng mức.

Ân-tứ không phải tài-năng, nhưng “tùy theo tài mỗi người” mà Chúa ban ân-tứ nhiều hay ít (Ma-thi-ơ 25:15). Ân-tứ không phải là phần thưởng, nhưng ai “đã trung-tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều” (Ma-thi-ơ 25:21), và Ngài ban thêm ân-tứ để làm việc lớn hơn. Ân-tứ không phải là “trái của Thánh-Linh”. Nhưng người không có “trái của Thánh-Linh” thì chẳng có thể xử-dụng ân-tứ cách hiệu-quả như đáng có vậy.

 

PHÂN PHỐI ÂN TỨ

 

Ơn Đức Chúa Trời ban chung cho loài người thì quá đầy-đủ, dư dật. “Rằng ơn Thánh-Đế dồi dào. Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu” (Kiều). Về ơn cứu-rỗi, Đức Chúa Trời đã ban chung cho cả nhân-loại qua Đức Chúa Jêsus Christ. “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời-đời” (Giăng 3:16). Nhưng về ân-tứ của Chúa Thánh-Linh thì Ngài chỉ ban cho Cơ-đốc nhân, người Ngài đã cứu-chuộc, người Ngài đã tái-sinh, người Ngài đã khiến trở nên con cái Đức Chúa Trời.

Sự phân-phối ân-tứ của Chúa Thánh-Linh cho con cái Ngài thật là kì-diệu. Ngài phân-phối cho mỗi Cơ-đốc nhân. Ngài “đếm đầu chia xôi”, chẳng ai trật phần. Sự ban cho nầy đơn-phương, từ nơi Đức Chúa Trời, khi Ngài tái sinh chúng ta. Chúng ta không cần thái-độ chấp-nhận để có. Khi Ngài tái-sinh chúng ta, Ngài ban cho Vf chúng ta đương nhiên có. Phao-lô đã luận về sự phân-phối ân-tứ Chúa Thánh-Linh như vầy:

Nhưng, đã ban ân-sủng mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban-cho (gift) của Đấng Christ. Vậy nên có chép rằng:

Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu-tù,

Và ban ơn cho loài người.

Vả, những chữ “Ngài đã lên” có nghĩa gì, há chẳng phải Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao? Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy-dẫy mọi sự.

Ấy chính Ngài đã ban cho người nầy là sứ-đồ, kẻ kia làm tiên-tri, người khác làm thầy giảng Tin-Lành, kẻ khác nữa làm mục-sư và giáo-sư” (Ê-phê-sô 4:7-11).

Qua phân đoạn Kinh-thánh nầy, chúng ta học biết giá trị rất cao-quý của ân-tứ Thánh-Linh mà Đức Chúa Trời đã phân-phối cho con cái Ngài bởi Đức Chúa Jêsus-Christ, qua Chúa Thánh-Linh Ngài.

 

  • Giá-trị ân-tứ Thánh-Linh

 

Phao-lô đã trưng dẫn Thi-thiên 68:18

Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu-tù,

Và ban các ơn cho loài người

Đời xưa, các vua đi ra tranh-chiến, sau khi thắng trận thường bắt dân của kẻ thua trận về làm phu-tù, đem chiến lợi phẩm phân-phát cho người thuộc về mình. Tặng phẩm bày tỏ sự chiến-thắng của vua. Phao-lô đã lấy điều nầy để nói đến giá-trị, cùng ý-nghĩa về tặng phẩm của Thánh-Linh mà Ngài đã phân-phát cho mỗi người thuộc về Ngài. Ân-tứ Thánh-Linh là tặng phẩm của vua Jêsus chiến-thắng. Ngài “đã xuống” thế-gian, Ngài đã chịu chết trên thập-tự giá đền tội cho cả nhân-loại. Ngài đã chiến-thắng tử-thần, sống lại cách vinh-hiển, Ngài đã thăng-thiên, “Ngài đã lên”, hoàn-tất chương-trình cứu-chuộc loài người của Đức Chúa Trời. Bởi sự chiến-thắng của Chúa Jêsus-Christ, Ngài tuyên bố: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta” (Ma-thi-ơ 28:18). Ngài ngồi trên ngôi cao-sang, phân-phối ân-tứ và quyền-năng Ngài trên mỗi con cái Đức Chúa Trời. theo Thi-thiên 68, Ngài phân-phối cơ-nghiệp “có nhà ở” (c.6), Ngài phân-phối “sức-lực và quyền-năng cho dân-sự Ngài” (c.35). Ngài phân-phối ân-tứ, “Chúa giáng mưa lớn trên sản-nghiệp Chúa” (c.9). Ân-tứ của Thánh-Linh giá-trị là chừng nào. Ngài ban cho mỗi con cái Ngài. Ai cũng có, thế mà nhiều con cái Ngài chẳng thấy được cái giá-trị siêu đẳng đó, không màng đến ân-tứ Ngài ban cho. Chúng ta thường quý những gì chúng ta tạo ta, chúng ta sở-hữu. Điều chúng ta có so với ân-tứ của Thánh-Linh thì chẳng ra gì. Thế mà chúng ta vẫn có ý tưởng “củi mục bà để trong rương. Hễ ai hỏi đến trầm-hương của bà” (ca-dao). Hãy liệng củi mục mà chăm chú vào trầm-hương Chúa đã ban cho.

Nếu ai cho chúng ta là một tặng phẩm rất quý giá mà chúng ta làm lơ, không dùng tới, vứt đâu đó, hẳn đã làm buồn lòng người đã có lòng yêu-mến cho chúng ta. Nếu ai cho chúng ta một tặng phẩm rất quý giá mà chúng ta ưa thích, tận dụng, hẳn đã làm vui lòng người đã có lòng yêu-mến cho chúng ta. Chúa đang buồn lòng hay vui lòng nhìn tặng phẩm, ân-tứ của Thánh-Linh mà Ngài đã yêu-mến ban cho mỗi chúng ta?

 

  • Ban ân-tứ cho mỗi người

 

Nhưng đã ban ân-sủng cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban-cho của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:7

Đức Thánh-Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung … Mọi điều đó là công-việc của đồng một Đức Thánh-Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân-phát sự ban-cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 12:7,11)

Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 4:10)

Đức Chúa Trời ban ân tứ của Thánh-Linh cho mỗi con cái Ngài. Nên mỗi con cái Chúa phải nhớ rằng:

  • Mình có ít nhất một ân-tứ

Điều nầy giúp chúng ta nhất định phải khám-phá ra ân-tứ mình có. Nếu chúng ta không có ân-tứ, chúng ta chưa phải là con của Chúa. Nếu đã là con của Chúa thì phải có ân-tứ, ít nhất là một ân tứ.

  • Mình có thể có nhiều ân-tứ

Điều nầy giúp cho chúng ta khám-phá thêm ân-tứ Chúa ban cho. Đừng nghĩ rằng mình chỉ có một ân-tứ thôi. Chúa có thể ban cho chúng ta một ta-lâng, nhưng Ngài cũng có thể ban cho chũng ta đến 3 hoặc 5 ta-lâng.

  • Mình không có hết thảy ân-tứ

Điều nầy giúp cho chúng ta nhận biết sự giúp-đỡ của các con cái Chúa là cần-yếu. Dầu chúng ta có nhiều ân tứ nhưng không bao giờ có hết các ân-tứ. Đừng bao giờ cảm thấy thiếu ơn nếu không có ân-tứ của anh em mình.

  • Chúa ban ân-tứ cho mình hiệp với công-việc chớ không hiệp với con người.

Chúng ta thường chọn người giao việc. chúng ta là người tri-thức chắc Chúa phải ban cho ân-tứ có lời khôn-ngoan, tri-thức, giảng-dạy. trong lịch-sử Hội thánh, không thiếu gì người thiếu sự tri-thức theo đời nầy, được ân-tứ giảng-dạy. “Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ-dại của chúng ta mà cứu-rỗi những người tin-cậy” (I Cô-rinh-tô 1:21). Ngài ban ân-tứ hiệp với công-việc Chúa giao cho làm.

  • Chúa ban ân-tứ với mục-đích gây-dựng thân-thể Đấng Christ là Hội thánh Ngài

Mình có ân-tứ nào Chúa ban cho là để giúp ích, gây-dựng công-việc Chúa. Nếu không dự phần vào công việc Chúa là điều thiếu-sót rất lớn của con cái Ngài. Tình trạng Hội thánh ngày nay tại đất nước nầy, 70% Cơ-đốc nhân không dự phần vào công việc nhà Chúa. Họ đã chôn ta-lâng Chúa ban cho và làm Chúa buồn lòng rất nhiều.

 

  • Ban ân-tứ theo ý Chúa

 

Đức Chúa Trời đã hoàn-tất chương-trình cứu-rỗi loài người bởi sự giáng-sanh, chịu chết, sống lại và thăng-thiên của Đức Chúa Jêsus-Christ. Nhưng công-cuộc cứu-chuộc loài người chưa chấm dứt. Đức Chúa Trời ủy thác công-cuộc cứu-chuộc loài người cho Hội thánh Ngài. Hội thánh làm công-tác nầy dưới sự điều-động của Đức Chúa Jêsus-Christ, Ngài là “đầu Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:23). Hội thánh làm công-tác nầy bởi ân-tứ và năng-lực của Chúa Thánh-Linh. Ân-tứ nầy con cái Ngài không cần cầu xin và tuyển chọn. “Theo ý Ngài muốn, phân-phát sự ban-cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 12:11). Hãy vui-mừng về ân-tứ Chúa ban cho mình. Ân-tứ Ngài ban cho ta theo “ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:2). Hãy vui-mừng về ân-tứ Chúa ban cho những người khác. Ngài ban ân-tứ cho họ theo “ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời”. Đừng ganh-tị, đừng so-đo. Hãy hỗ-trợ và giúp nhau làm xong công việc theo ân-tứ Chúa ban.

 

  • Các loại ân-tứ

 

Ân tứ Chúa phân-phối cho con cái Ngài có thể chia ra làm ba loại:

  • Nói

Có 8 ân-tứ phải nói: Sứ-đồ, tiên-tri, giảng-đạo, mục-sư, dạy-dỗ, khuyên-bảo, lời khôn-ngoan, và lời tri-thức.

Tám ân-tứ nầy cần đến lời nói. Lời nói của người có ân-tứ nầy rất quan-trọng. Vì cớ đó, người có ân-tứ nầy phải cảm biết như tiên-tri Ê-sai. “Tôi là người có môi dơ-dáy, ở giữa một dân có môi dơ-dáy”, để được Chúa thanh tẩy trước khi được sai: “Đi đi! Nói … ” (Ê-sai 6:5,9). Người có ân-tứ phải có lời Chúa, “lời ta ở trước các ngươi” (Giăng 15:7) hầu cho “lòng tôi đầy tràn những lời tốt” (Thi-thiên 45:1) để dung cho ân-tứ.

  • Làm

Có 6 ân-tứ phải làm: Giúp-đỡ, bố-thí, cai-trị, thương-xót, đức-tin, và phân biệt các thần.

Sáu ân-tứ nầy cần đến việc làm với tinh-thần “chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3). “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23).

  • Siêu nhiên

Có 4 ân-tứ thuocj loại siêu-nhiên: Phép-lạ, chữa-bịnh, nói tiếng lạ và thông-giải tiếng lạ.

Những ân-tứ nầy Chúa ban cho từng hồi từng lúc theo nhu cầu của Hội thánh Ngài.

  • Các lãnh-vực của các ân-tứ

Mười sáu ân-tứ của Chúa Thánh-Linh được phân-phối trong bốn lãnh-vực: Thờ-phượng, dạy-bảo, truyền-giảng và hầu việc.

  • Thờ-phượng

Gồm 4 ân-tứ: Tiên-tri, phân biệt các thần, khuyên-bảo, mục-sư.

  • Dạy-bảo

Gồm 4 ân tứ: Lời khôn-ngoan, lời tri-thức, giảng-dạy, cai-trị.

  • Truyền-giảng

Gồm 4 ân-tứ: Đức-tin, giảng-đạo, sứ-đồ, phép lạ.

  • Hầu-việc

Gồm 4 ân-tứ: Giúp-đỡ, ban-cho, thương-xót, chữa bệnh.

Còn lại hai ân-tứ: Nói tiếng lạ và thông giải tiếng lạ, sứ-đồ Phao-lô dạy rằng: “Vì người nào nói tiếng lạ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm-thần mà người kia nói lời mầu-nhiệm) … kẻ nói tiếng lạ tự gây-dựng lấy mình” (I Cô-rinh-tô 14:2,4). Vì cớ đó hai ân-tứ nầy không xếp trong lãnh-vực “ích chung” (I Cô-rinh-tô 12:7). Tôi sẽ trình bầy về hai ân-tứ nầy ở phần cuối của cuốn sách nầy.

Chúa chắc chắn đã ban cho chúng ta một ân-tứ trong một lãnh-vực. nhưng Ngài cũng có thể ban cho chúng ta nhiều ân-tứ ở trong bốn lãnh-vực. hãy khám phá ân-tứ Chúa ban cho mình.

 

KHÁM-PHÁ ÂN-TỨ

 

Mỗi con cái Chúa, theo lời Kinh-thánh đều biết chắc mình có ít nhất là một ân-tứ hay nhiều ân-tứ. nhưng biết mình có loại ân-tứ nào thì hơi khó đấy, phải khám-phá mới biết được. Khám-phá ân-tứ cũng như khám phá tài-năng mình có. Nhiều người có tài, nhưng vì không có cơ-hội xử-dụng đến, nên đã tưởng mình không có tài. Bất chợt, vì “cùng” phải “biến” nên tài lộ ra. Tài cũng được phát hiện nhờ người có mắt rành đời nhìn thấy ngọc quý trong đá. Tài cũng được nhận biết nhờ phương pháp trắc-nghiệm của những nhà chuyên-môn. Chúng ta cũng có thể áp-dụng ba cách trên để khám-phá ân-tứ.

Nhưng quý-vị đừng tốn thì-giờ công sức để khám-phá ân-tứ nếu quý vị

 

  • Chưa phải là con cái Chúa.

 

Lời Kinh-thánh khẳng định rằng: “Theo ý Ngài muốn, phân-phát sự ban-cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 12:11) đã thuộc về thân-thể Đấng Christ. Con cái Chúa là người đã “nghe đạo và hiểu” (Ma-thi-ơ 13:23), bằng lòng tin-nhận Chúa Jêsus-Christ, là con Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời thành nhân, đã đến thế-gian, chịu chết trên thập-tự giá vì cớ tội-lỗi của cả nhân loại nói chung và của chính mình nói riêng. Ngài đã sống lại cách quyền-năng và đã thăng-thiên cách vinh-hiển. con cái Ngài là người bằng lòng tiếp nhận Chúa Jêsus-Christ làm Cứu-Chúa của chính mình, tin vào lời Kinh-thánh: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền-phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Con cái Ngài là người đã được tái-sanh (Giăng 3:5-8), có “hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người” (I Giăng 3:9), có đời sống thuộc-linh, biết kêu Đức Chúa Trời: “Aba!, Cha!” (Ga-la-ti 4:6). Gia-nhập vào Hội thánh không có nghĩa đương nhiên là con cái Chúa. Được sanh ra trong gia-đình Cơ-đốc nhân không có nghĩa tự-động là con cái Chúa. Chỉ có những người tin-nhận Chúa Jêsus-Christ làm Cứu-Chúa, được tái-sanh mới là con cái Chúa và được Đức Chúa Trời ban ân-tứ của Chúa Thánh-Linh.

Quý vị cũng đừng tốn thì-giờ, công sức để khám-phá ân-tứ nếu quý vị

 

  • Không biết giá-trị ân-tứ

 

Chắc chắn chẳng ai dại gì đi tìm cái điều, cái vật vô giá-trị. Ân-tứ Chúa ban không làm tăng giá-trị con người mình, không đem cho mình một chút lợi-lộc vật chất thì khám-phá chi cho mệt. Ân-tứ Chúa ban chỉ có giá-trị với con người thuộc linh. Không có ân-tứ, không xử-dụng ân-tứ, con cái Chúa không có cách nào làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời. Không có ân-tứ, không xử-dụng ân-tứ, con cái Chúa vô-phương sanh-động đúng cách trong thân-thể Đấng Christ. Bởi ân-tứ Ngài mà con cái Ngài trở nên người hữu dụng trong công việc Chúa, trở nên người hữu ích trong cộng đồng dân Chúa. Biết được giá-trị ấy, chúng ta mới không ngại tốn thì-giờ, công sức, khám-phá bằng được những ân-tứ mình có.

Quý vị cũng đừng tốn thì-giờ, công sức để khám phá ân-tứ nếu quý vị

 

  • Không muốn làm việc Chúa.

 

Ân-tứ Chúa ban cho là để làm chớ không phải để đó mà ngó, để đó mà khoe. Không muốn hầu việc Chúa mà lỡ dại khám-phá ra ân-tứ mình có thì nhứt định bất-an, tìm đủ lời biện bạch để phủ-nhận lời cáo-trách của Chúa Thánh-Linh. Phao-lô được ân-tứ giảng-đạo, Phao-lô nhứt định bất an nếu không giảng-đạo, không xử-dụng ân –tứ, không hầu việc Chúa theo ân-tứ Chúa ban. Phao-lô cảm nhận: “Ví bằng tôi rao truyền Tin-Lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi, còn không rao-truyền Tin-Lành thì khốn khó cho tôi thay” (I Cô-rinh-tô 9:16). Con cái Chúa có lòng muốn hầu việc Chúa hãy khám-phá ân-tứ Chúa ban.

Quý vị cũng đừng tốn thì-giờ, công sức để khám-phá ân-tứ nếu quý vị

 

  • Không có lòng cung-hiến

 

Chẳng ai có thể hầu việc Chúa chân-thật nếu thiếu lòng cung-hiến. người hầu việc Chúa giả mới “chăm về lợi riêng mình” (Phi-líp 2:4). Lời Kinh thánh khẳng định: “Những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ” (Rô-ma 16:18). Mở đầu lời luận về ân-tứ, Phao-lô nói đến sự cung-hiến trước tiên. “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân-thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ-phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1). Hầu việc Chúa đừng mong lời về vật chất, lợi về đời nầy. phần nhiều là lỗ. Ai có tinh-thần làm chút gì cho Chúa là “xài phí” (Mác 14:4) công lao, sức-lực, tiền-bạc, thì-giờ thì đừng mất công khám-phá ân-tứ. Ai tâm nguyện cung-hiến Chúa cả đời tôi hãy khám-phá ân-tứ.

Quý vị đã là con cái Chúa. Quý vị đã biết rõ về chân giá-trị của ân-tứ Chúa ban. Quý vị có lòng muốn hầu-việc Chúa. Quý vị yêu-mến Chúa và tận hiến những điều mình có cho Ngài. Hãy khám-phá ân-tứ.

Cả ba phân đoạn Kinh-thánh nói về ân-tứ (Rô-ma 12; I Cô-rinh-tô 12 và Ê-phê-sô 4), Phao-lô không nói về cách nào khám-phá ân-tứ. nhưng theo kinh nghiệm của mọt số đầy-tớ và con cái Chúa đã khám-phá ra ân-tứ mình có bằng những cách sau đây:

 

  • Cầu-nguyện

 

Phao-lô khi đầu phục Chúa đã cầu-nguyện, hỏi Chúa: “Lạy Chúa, tôi phải làm chi?” (Công-vụ các Sứ-đồ 22:10). Hỏi Chúa công-việc Chúa muốn mình làm thì biết ngay ân-tứ mình có. Lời hứa Chúa phán với chúng ta rằng: “Hãy kêu-cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết” (Giê-rê-mi 33:3). Bởi sự cầu-nguyện, tương-giao với Chúa mà chúng ta biết được công-việc Chúa giao cho mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng công-việc Chúa tỏ ra, giao cho bao giờ cũng “lớn”, chớ khinh thường và mong chờ “lớn” theo ý-tưởng mình. Công-việc Chúa giao cho có thể nhỏ, tầm thường theo mắt loài người. Nhưng thật “lớn”, thật quan-trọng đối với Chúa cho con cái Ngài. Một mạch máu nhỏ trong óc tầm-thường ư? Công việc của nó quá nhỏ, giữ một chút máu lưu thông trong toàn thân. Thế mà chỉ cần nghẹt một chút hoặc đứt ra là cả thân bại-xuội hay chết. công việc Chúa giao cho, bất cứ việc gì cũng “khó” cả, phải cậy ân-tứ Chúa ban mới hoàn tất cách tốt đẹp. nhiều công-việc Chúa giao quá sức, quá tài, quá khả-năng, nhưng không bao giờ quá ân-tứ. con cái Chúa đừng ngại “khó”. Việc càng khó, càng chứng tỏ quyền-năng ân-tứ Ngài đủ. Một điều quá kì-diệu trong công-việc Chúa, là Chúa giao cho “những việc ngươi chưa từng biết”, thiếu kinh-nghiệm thế mà vẫn hoàn-tất cách tốt-đẹp vì ở trong dự hướng-dẫn của Chúa, làm việc với Chúa. Hãy cầu-nguyện, hỏi Chúa: “Lạy Chúa, tôi phải làm chi?”. Chúa “sẽ tỏ cho ngươi việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết”. hãy vâng-lời Chúa, nhận lãnh và làm với ân-tứ Chúa ban.

 

  • Nghiên-cứu

 

Hãy liệt-kê 18 ân-tứ Chúa ban cho con cái Ngài. Nhìn vào các ân-tứ, nhưng “chớ có tư-tưởng cao quá lẽ” (Rô-ma 12:3). Quay về quá-khứ, từ ngày tin-nhận Chúa mình đã dự phần gì vào công-việc Chúa, đem lại sự vinh-hiển cho danh Chúa vàn ích-lợi cho Hội-thánh. Kiểm-điểm công việc nào mình làm mà kết-quả chỉ là “chạy bá-vơ … đánh gió” (I Cô-rinh-tô 9:26), thì biết chắc mình không có ân-tứ trong công-việc đó. Kiểm-điểm công-việc nào mình làm “chẳng phải là vô-ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:58), thì biết rõ ân-tứ Chúa ban cho mình.

 

  • Thỏa lòng

 

Công việc nào Chúa giao cho mình dầu mình không mấy hiệp ý, song đã trung-tín làm, sau đó có sự thỏa lòng thì đúng là mình có ân-tứ trong công việc đó. Người nào làm công việc Chúa cách gắng-gượng, không thỏa lòng thì chắc chắn không có ân-tứ để làm công-việc đó. Tôi đã gặp vài vị Mục-sư hưu-trí “hối tiếc” cuộc đời, đã dại đi hầu việc Chúa. Họ không có ân-tứ Mục-sư, nhưng vì một lí-do nào đó đã dại-dột làm công việc Mục-sư, nên không thỏa lòng. Tôi đã gặp rất nhiều Mục-sư chịu khổ trăm điều trong chức-vụ, thế mà lúc nào cũng thỏa-lòng. Họ có ân-tứ Mục-sư nên thỏa lòng. Bà cụ cửu Trác, trên 80 tuổi, nếu quý vị có dịp nghe cụ làm chứng thể nào Chúa đã dùng cụ trong việc chứng-đạo ngay khi tin nhận chúa lúc 14 tuoir. Cụ thuật lại những lúc làm chứng cho các ông chú, ông bác, bà cô, bà thím trong gia-đình. Cụ thuật lại lúc làm chứng cho các ông xã, ông quận. cụ thuật lại thể nào cả ngày đi làm chứng trong hang cùng, ngõ hẻm dưới trời nắng hay trời mưa. Kết thúc câu chuyện bao giờ cũng là lời kết “sướng quá, vui quá”. Cụ có ân-tứ truyền giảng. Hễ thỏa trong công-việc nào thì biết chắc ân-tứ mình có để làm công-việc đó.

 

  • Năng-lực

 

Công-việc nào Chúa giao cho mình dầu quá sức, quá tài, quá khả-năng nhưng mình đã hoàn tất bởi sức Chúa ban. Nhìn trở lại, chúng ta có phần ngạc-nhiên và cảm-nhận như Phao-lô: “Tôi làm được mọi sự, nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Công việc Chúa giao cho dầu “lớn và khó … chưa từng biết”, thế mà vẫn làm cách hăng say, chiêm nghiệm đúng lời Chúa dạy: “Vì ấy chính Đức Chúa Trời vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13) qua con cái Ngài. Có năng-lực làm công việc nào Chúa giao cho thì biết chắc ân-tứ nào đó Chúa đã ban cho mình. Cái năng-lực này kì-diệu lắm, “Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức” để hoàn thành công-việc Chúa giao-phó. Cái năng-lực này kì-diệu lắm, khiến cho con cái Ngài “cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn-mõi” (Ê-sai 40:29,31). Cái năng-lực này kì-diệu lắm, “nó như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh-tươi. Gặp năm hạn-hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt” (Giê-rê-mi 17:8). Quý vị đang làm công việc gì Chúa giao cho với đầy năng-lực thì biết chắc ân-tứ mình đang có để làm công việc đó.

 

  • Phước hạnh

 

Công việc nào mà Chúa giao cho mình làm mà đem phước hạnh đến cho người khác thì biết chắc ân-tứ mình có trong công việc đó. Phao-lô có ân-tứ giảng-dạy, khuyên-bảo, nên ông dám nói chắc rằng: “Tôi biết khi tôi sang với anh em, thì sẽ đem ơn-phước dồi-dào của Đấng Christ cùng đến” (Rô-ma 15:29). Công việc Chúa chúng ta làm theo ân-tứ Ngài ban cho thì chắc chắn “được sự ích chung” (I Cô-rinh-tô 11:7). Ai làm công việc Chúa theo ân-tứ Ngài ban cho thì “họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16), là Đấng đã ban ân-tứ cho con cái Ngài để hầu việc Ngài và đem ơn-phước đến cho mọi người.

Trong các chương tới chúng ta sẽ học biết từng ân-tứ một. Dùng phương-pháp trắc-nghiệm để xác định ân-tứ Chúa ban cho mình và cũng tìm ra những trở-ngại trong khi xử-dụng ân-tứ. Chúa kì-vọng vào mỗi con cái Ngài. “Ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy” (I Cô-rinh-tô 15:10). Hãy khám-phá ân-tứ. Chúa Jêsus phán: “Hãy tìm, sẽ gặp” (Ma-thi-ơ 7:7).

 

 

THỜ-PHƯỢNG

 

Một

ÂN-TỨ TIÊN-TRI

 

Hai

ÂN-TỨ PHÂN BIỆT CÁC THẦN

 

Ba

ÂN-TỨ KHUYÊN BẢO

 

Bốn

ÂN-TỨ MỤC-SƯ

 

 

ÂN-TỨ TIÊN-TRI

 

Trong thế-gian không thiếu gì người tiên-tri, họ tiên đoán những việc sẽ xẩy ra trên thế-giới, trong đời người. Nhưng điều họ đoán đúng hay không lại là chuyện khác. Người ta có nhiều phương cách để tiên-đoán. Tôi không biết những phương cách đó thế nào. Nhưng tôi biết Kinh thánh dạy cộng đồng dân Chúa không chấp-nhận “thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù-thủy, , thầy pháp, kẻ hay dùng ếm-chú, người đi hỏi đồng-cốt, kẻ thuật số, hay là kẻ đi cầu vong; vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm-ghiếc kẻ làm các việc ấy” (Phục-truyền luật-lệ kí 18:10-12).

Như vậy, người tiên-tri được Đức Chúa Trời dùng, mà Kinh thánh nói đến là người thể nào? Theo nguyên văn Greek, chữ tiên-tri có hai nghĩa: Nói trước (forth-tell) hay nói cho người khác (forth-telling for another). Trong sách Xuất Ê-díp-tô chương 4, kí thuật lại thể nào Chúa kêu gọi Môi-se làm lãnh-tụ giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Môi-se phải ra mắt Pha-ra-ôn và thuyết phục Pha-ra-ôn thả dân Y-sơ-ra-ên. Môi-se viện dẫn “tôi vẫn chẳng phải một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập-ngừng” để từ chối công-việc Chúa giao. Môi-se muốn giới-thiệu anh mình là A-rôn, người có “tài nói giỏi”, để Chúa sai đi. Chúa chấp nhận A-rôn đồng đi với Môi-se để nói giúp Môi-se. Chúa phán với Môi-se “Vậy ngươi hãy nói cũng người, và sắp để những lời trong miệng người”. Như vậy A-rôn chỉ nói theo ý của Môi-se. A-rôn “làm kẻ tiên-tri của” Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 7:1). Những điều người tiên-tri nói có thể là những việc sẽ xảy đến theo như Chúa cho họ biết trước. Nhưng việc chính của người tiên-tri vẫn là nói điều Chúa tỏ cho họ biết ý muốn của Ngài.

 

  • Trong thời Cựu-ước

 

Trong thời Cựu-ước, người tiên-tri nhận sứ điệp nơi Chúa để nói bởi sự nghe trực tiếp Chúa phán với mình. Tiên-tri Giê-rê-mi nghe: “Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng tôi rằng: Hãy đi, kêu vào tai Giê-ru-sa-lem rằng: Đức Giê-hô-va phán như vầy: …” (Giê-rê-mi 2:1,2). Người tiên-tri nhận sứ-điệp nơi Chúa để nói bởi sự hiện thấy. Tiên-tri Giê-rê-mi đã thấy hiện tượng “hai giỏ trái vả để trước đền Đức Giê-hô-va” (Giê-rê-mi 24:1). Người tiên-tri trong thời Cựu-ước được Chúa dùng như người nói cho Ngài, phát ngôn viên của Ngài. Nói ý muốn Ngài, nói lời cảnh-cáo, tuyên-bố sự sửa-trị, đoán-phạt của Ngài. Nói lời dạy-dỗ, an-ủi, khích-lệ của Ngài với dân Ngài hay dân ngoại. Nhưng tiên-tri trong thời Cựu-ước cũng nói một điều rất quan-trọng chắc chắn sẽ xảy đến trong tương-lai. Ấy là việc giáng-thế của Cứu-Chúa Jêsus-Christ. Chúa Jêsus phán: “Kinh-thánh làm chứng về ta” (Giăng 5:39).

 

  • Trong thời Tân-ước

 

Trong thời Tân-ước, Kinh-thánh nói đến những người tiên-tri đầu tiên như vầy: “Trong những ngày đó, có mấy người tiên-tri từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành An-ti-ốt. Trong bọn có một người tên là A-ga-bút đứng dậy, bởi Đức Thanha-Linh nói tiên-tri rằng: sẽ có sự đói kém trên khắp đất; thật vậy, sự đói-kém nầy xảy đến trong đời Cơ-lốt trị-vì” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:27,28). A-ga-bút cũng đã nói tiên-tri về việc Phao-lô bị bắt. Kinh-thánh ghi như vầy: “Chúng ta ở đó đã mấy ngày, có một người tiên-tri tên là A-ga-bút ở xứ Giu-đê xuống. Người đến thăm chúng ta, rồi lấy dây lưng của Phao-lô trói chưn tay mình mà nói rằng: Nầy là lời Đức Thánh-Linh phán: Tại thành Giê-ru-sa-lem, dân Giu-đa sẽ trói người có dây lưng nầy như vậy, mà nộp trong tay người ngoại đạo” (Công-vụ các Sứ-đồ 21:10,11). Kinh-thánh chỉ ghi lại lời tiên-tri của A-ga-bút về một vài sự việc sẽ xảy đến. Nhưng Kinh-thánh giãi bày về ơn tiên-tri mà Chúa ban cho con cái Ngài để nói ra ý của Ngài qua lời giảng. “Giu-đe và Si-la chính là kẻ tiên-tri, cũng lấy nhiều lời giảng mà khuyên-bảo, và giục lòng anh em mạnh-mẽ” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:31). Phao-lô trong thư gởi Hội-thánh Ê-phê-sô xác chứng rằng: “Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ-đồ cùng các đấng tiên-tri” (Ê-phê-sô 2:20). Hội-thánh đầu tiên chưa có bộ Kinh-thánh hoàn-tất như chúng ta có ngày nay. Chúa ban ân-tứ tiên-tri cho một số người để bày tỏ ý muốn Chúa qua lời giảng-dạy, qua các thư-tín. Nên lời giảng-dạy và các thư-tín của các sứ-đồ rất quan-trọng. Phao-lô nhắn nhủ Hội-thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca “chớ khinh-dể các lời Tiên tri” (Tê-sa-lô-ni-ca 5:20) là lời giảng-dạy của các đầy tớ Chúa trong thời Hội-thánh đầu tiên. Nhưng sau khi toàn bộ Kinh-thánh đã hoàn-tất, các đầy-tớ Chúa được ơn tiên-tri để giải-bày ý muốn Chúa qua lời Kinh thánh. Đức Chúa Trời đã dùng biết bao đầy-tớ Ngài với ơn tiên-tri để viết sách giải-nghĩa Kinh-thánh. Nương vào lời Kinh-thánh để giảng-dạy chân-lý, khuyên-răn, cáo-trách, an-ủi, khích-lệ, cảm-hóa hầu gây-dựng đời sống thuộc-linh của con cái Ngài. Con cái Ngài với ơn tiên-tri tìm biết ý Chúa qua lời Ngài và có lòng vui-thích trong ý Chúa. Chẳng những vâng theo ý Chúa mà còn Chia sẻ sự thích-thú trong ý Chúa với người khác để cùng nhau giục-giã vâng theo ý Chúa.

Về ân-tứ tiên-tri, ai đã có, hãy cảm ơn Chúa và tận-dụng. “Ai được ban cho nói tiên-tri, hãy tập nói theo lượng đức-tin” (Rô-ma 12:6). Là nói, là chia-sẻ về ý Chúa cho người khác, điều mà mình đã học biết, nhận rõ qua sự nghiên-cứu lời Chúa và đã áp-dụng cho chính mình. “Lượng đức-tin” nhiều hay ít là do sự học biết và tin cậy vào lời Chúa. Người có ân-tứ tiên-tri không tập nói như con vẹt nhưng “tập nói theo lượng đức-tin”. Người được ân-tứ tiên-tri khong nói điều mình biết nhưng nói điều mình tin. “Ta đã tin, cho nên ta nói” (II Cô-rinh-tô 4:13)

Về ân-tứ tiên-tri, ai chưa có, Phao-lô khuyên “hãy ước-ao các sự ban-cho thiêng-liêng, nhứt là sự ban-cho nói tiên-tri” (I Cô-rinh-tô 14:1). Chúng ta là con cái Chúa phải có ân-tứ nầy vì chúng ta “là dòng-giống được lựa chọn, là chức thầy tế-lế nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhơn-đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9). Hãy ước-ao ân-tứ tiên-tri để chúng ta “rao giảng” về lòng yêu-thương của Đức Chúa Trời, về Chúa Cứu-thế Jêsus, về phước-hạnh đời đời Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài, về hình-phạt khủng-khiếp Đức Chúa Trời dành cho những kẻ chối bỏ Đức Chúa Jêsus-Christ.

Trong thời Cựu-ước, các tiên-tri rao-giảng về sự đến của Cứu-Chúa Jêsus-Christ. Trong thời Tân-ước, các tiên-tri rao-giảng về sự tái-lâm của Chúa Jêsus-Christ.

Ai đã có ân-tứ tiên-tri mà không chịu “rao giảng”, hãy cảm nhận như chính Phao-lô: “Không rao-truyền Tin-Lành, thì khốn-nạn cho tôi thay” (I Cô-rinh-tô 9:16).

 

BẢN TRẮC-NGHIỆM ÂN-TỨ TIÊN-TRI

Qúy vị có thể biết mình có ân-tứ tiên-tri hay không qua các điểm sau đây:

  • Ham-thích đọc Kinh-thánh 1        2        3        4        5
  • Ham-thích học Kinh-thánh
  • Thích-thú khi tìm biết chân-lí 1        2        3        4        5
  • Muốn áp-dụng chân-lí vào cuộc sống
  • Muốn đem điều thích-thú chia -xẻ với người khác

1        2        3        4        5

  • Bằng lòng chịu cô-đơn trong lẽ-phải 1        2        3        4        5
  • Muốn chống lại tội-lỗi, giả hình 1        2        3        4        5
  • Quan tâm đến công-việc nhà Chúa 1        2        3        4        5

 

* 1 – yếu                     3 – trung-bình                    5 – nhiệt thành

 

Kinh-nghiệm

 

  • Trong 8 phần trên có kinh-nghiệm ở phần nào?

 

  • Viết ra một vài sự việc đã làm theo kinh-nghiệm.

 

  • Viết ra một vài sự việc đã thấy nơi người khác theo 8 phần trên.

 

(more…)

 

Muc Su PHAN THANH BINH