Sau bài giảng tôi đứng tại cửa để chào mọi người, một thiếu nữ khá cao, nói nhỏ khi nàng vội vã đi ngang qua tôi:
– Tối nay tôi sẽ gọi điện thoại đến khách sạn cho ông.
– Tôi ở lại nhà mục sư, cô phải gọi về đó.

Sau bài giảng tôi đứng tại cửa để chào mọi người, một thiếu nữ khá cao, nói nhỏ khi nàng vội vã đi ngang qua tôi:
– Tối nay tôi sẽ gọi điện thoại đến khách sạn cho ông.
– Tôi ở lại nhà mục sư, cô phải gọi về đó.
– Vâng.
– Cho tôi biết tên cô để có thể biết người gọi cho tôi là ai.
– Fatma.
Rồi cô ta đi mất. Có lẽ đây là người giấu tên vẫn thường gọi điện thoại cho tôi, tôi thoáng nghĩ. Trong giây phút tôi định chạy theo cô ta. Nhưng lúc ấy Miriam và Timothy đến.
Miriam hỏi:
– Chúng tôi có thể nói chuyện với ông lần nữa không?
– Tôi mong cả hai cùng đến.
– Đó cũng là điều chúng tôi mong.
Chúng tôi hẹn nhau năm giờ chiều hôm sau. Những người cuối cùng đến chào tôi là Maurice và mẹ anh ta. Bằng cả hai tay bà nắm lấy tay tôi và trong lúc nói bà cúi đầu nhiều lần.
Maurice giải thích:
– Mẹ tôi muốn cảm ơn ông đó.
– Anh hỏi xem tối nay điều gì làm bà cảm động nhất.
Người mẹ suy nghĩ một lát và rồi Maurice dịch lại câu trả lời:
– Mẹ tôi nói tình yêu có thể đến sau lễ cưới. Và điều người phụ nữ đã nói trong vở nhạc kịch: “Đã hai mươi lăm năm tôi sống với anh ấy… Nếu không phải là tình yêu thì là gì?”
Tôi nhìn kỹ người đàn bà già nua nhỏ thó này với thân thể yếu đuối tàn tạ, nhìn gương mặt nhăn nheo với đôi mắt linh hoạt… và rồi tôi không thể không choàng tay ôm lấy bà ta.
Chỉ cần nghĩ bà ta thuộc những lời nói đó, tôi cũng thấy mình được an ủi sâu xa. Nếu bà ta đã nhận được sứ điệp mặc dầu qua ngôn ngữ xa lạ, đến từ một bối cảnh văn hoá khác biệt như vậy, tôi chắc chắn rằng những người khác có lẽ cũng hiểu rõ.
Bối cảnh khác biệt? Vậy sao một câu trong vở nhạc kịch tân thời, với bối cảnh Do Thái, diễn tại Liên Xô, lại có tác dụng đến một người đàn bà goá dễ thường đã bảy mươi tuổi, sinh trưởng trong làng mạc Phi Châu? Vậy thì trái tim của con người trên thế giới này đều giống như nhau cả. Sự khác biệt chỉ ở bề mặt. Sâu kín bên trong không có gì ngoài một trái tim con người, không che giấu ước ao, sợ hãi, hy vọng… đang cùng một nhịp đập dù ở nơi nào.
Khi bước vào nhà Mục sư Daniel, bữa ăn tối đã sẵn sàng. Daniel vẫn còn ở ngoài sân nhà thờ nói chuyện với vài tín đồ. Esther ở trong bếp với người giúp việc. Esther chào tôi và mời tôi ngồi vào bàn.
– Sắp đến giờ ăn rồi.
– Tối nay bà có dự nhóm không?
– Có chớ, thưa ông.
Rõ ràng bà đã chuẩn bị bữa ăn rất sớm. Tôi nghĩ bà phải là một người nội trợ đảm đang lắm.
Khoảng mười phút sau, bà bưng ra một dĩa mì xào bốc hơi nghi ngút đặt trên bàn, tiếp đến là một dĩa thịt nguội có trứng luộc và cà chua. Một tô thuỷ tinh lớn đựng trái cây tươi xắt nhỏ trộn đường là món tráng miệng.
– Ông thích dùng trà hay cà phê?
– Bà cho tôi trà, tôi vẫn còn mệt nên sợ không ngủ được nếu dùng cà phê giờ này.
Chúng tôi ngồi đối diện. Chỗ ngồi đầu bàn dành cho Daniel.
– Có lẽ ông giảng mệt lắm? – Esther lịch sự hỏi.
– Tôi không mệt nhiều vì bài giảng nhưng mệt nhiều vì những cuộc nói chuyện sau đó.
Chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu.
– Daniel đâu rồi?
– Anh ấy vẫn còn trò chuyện ngoài sân.
– Ông ấy đã biết bà dọn cơm chưa?
– Dạ biết chớ.
Lại im lặng một lát. Thức ăn vẫn bốc hơi nghi ngút trên bàn.
– Bà không thể gọi ông sao?
– Có gọi cũng vô ích. Anh ấy sẽ không vào cho đến khi nói chuyện xong.
Chúng tôi chờ đợi.
Esther nói:
– Tôi rất thích bài giảng của ông.
Có lẽ Esther muốn nói để thay đổi đề tài.
– Tôi rất thoả lòng có chồng bà thông dịch. Tôi có cảm tưởng cùng hiệp một với ông trong Thánh Linh, cho nên như chỉ có một người nói. Tôi cảm thấy qua lời dịch của ông ấy bài giảng xuất sắc hơn.
– Vâng, anh ấy dịch rất thoát.
Chúng tôi lại im lặng. Bà ta mang dĩa thức ăn nóng trở vô bếp. Tôi nói khi bà ta quay trở ra:
– Bà phải chịu đựng nhiều và bối rối vì sự có mặt của tôi phải không?
Bà cố không để nước mắt trào ra, ráng tự chủ.
– Tôi yêu Daniel lắm, nhưng anh ấy là một người không có thời khoá biểu. Tôi không ngại phải làm việc nhiều nhưng muốn xếp đặt, tổ chức và có thứ tự trong công việc hằng ngày. Anh ấy là người bị công việc lôi kéo. Anh ấy là một mục sư xuất sắc và mọi người rất mến thích. Nhưng tôi e rằng người ta đã lạm dụng anh ấy.
– Ông bà có những ân tứ khác nhau, và những ân tứ đó có thể bổ túc cho nhau.
– Có lẽ thế. Nhưng chúng tôi không biết làm sao để phối hợp các ân tứ của mình. Chúng tôi không thể chuyền banh vào tay nhau. Chúng tôi ném banh ra hai phía khác nhau. Banh rơi xuống đất, không có ai lượm lên cả.
Daniel vẫn chưa vào, tôi phục cách tự chủ của Esther.
– Để tôi ra với ông ấy xem sao.
Bà ta nhún vai và cố gắng mỉm cười nhưng không cản khi tôi bước ra. Daniel đang đứng trong sân, giữa tư thất và nhà thờ. Một nhóm người vây lấy ông, bàn cãi sôi nổi.
– Daniel, tôi có một… sứ điệp cho những người này, anh vui lòng thông dịch cho tôi nhé.
Ông ta cười đồng ý.
Tôi nói:
– Thưa quí bà quí ông, người đàn ông mà quí ông quí bà đang nói chuyện đây là một người đang rất mệt, ông ta cũng đang đói lắm. Trong nhà, vợ ông ấy đang ngồi khóc vì bữa ăn tối đã dọn sẵn, đang nguội dần. Hơn nữa họ đang có khách. Ông khách này cũng đã rất mệt và đói vì ông ta mới giảng tại nhà thờ tối nay…
Những chữ cuối cùng bị chìm lẫn trong tiếng cười và những lời xin lỗi. Chưa đầy một phút sau họ đều ra về.
Daniel nói khi chúng tôi bước vào nhà:
– Anh có thể làm điều đó nhưng họ sẽ không chấp nhận nếu tôi làm như vậy.
– Anh đã thử làm như vậy bao giờ chưa?
Chúng tôi vào nhà, ngồi vào bàn. Esther lại mang đĩa thức ăn nghi ngút khói từ bếp lên. Daniel cảm ơn Chúa. Rồi thì chuông điện thoại reo, Daniel bật dậy như bị ong chích.
Tôi chộp hai tay vào hai vai ông ta, ấn ông ta xuống ghế và ra lệnh cho Esther:
– Bà hãy ra nghe điện thoại. Nói với người gọi là chồng bà đang ăn tối. Yêu cầu họ gọi lại khi khác, hoặc nói cho bà để bà nhắn lại ông.
Bà đi và trở lại liền:
– Một người đàn ông, ông ấy chỉ hỏi thăm anh, ông ta không có chuyện gì đặc biệt.
Chúng tôi bắt đầu dùng bữa.
Esther phàn nàn:
– Lúc nào cũng vậy, chúng tôi vừa ngồi vào bàn ăn là chuông điện thoại reo. Daniel phải đứng dậy bốn năm lần mỗi bữa ăn.
– Anh sẽ bị bịnh mất thôi, Daniel, nếu anh cứ tiếp tục như vậy; và bà Esther, đây là trách nhiệm của bà đó, phải bảo vệ chồng chớ.
– Nếu anh ấy cho phép tôi làm điều đó.
– Daniel à, anh không phải là chú bé canh điện thoại cho giáo xứ của anh đâu, anh là mục sư của họ cơ mà.
Chuông điện thoại lại reo, tôi thấy Daniel phải cố giữ hết sức cho khỏi nhỏm dậy. Tôi gật đầu với Esther và bà ta đi trả lời điện thoại.
Khi bà ta đi khỏi, Daniel bảo:
– Bây giờ chắc anh rõ vì sao chúng tôi sắp xếp cho anh ở tại khách sạn rồi chớ?
– Vâng, tôi hiểu. Nhưng anh phải tìm một giải pháp chớ? Đây là cách quản lý thời giờ và sức khoẻ rất dở.
Esther trở lại:
– Mẹ của một tín hữu bị đau nhưng không nặng. Tôi sẽ đi thăm vào ngày mai. Tôi ghi địa chỉ của bà ta rồi.
– Esther, đáng ra bà cũng không phải trả lời điện thoại. Bà nên tập cho mọi người trong giáo xứ có thói quen gọi điện thoại trong một số giờ nhất định nào đó.
– Không phải chỉ có điện thoại thôi đâu, còn khách khứa nữa, họ đến bất chấp giờ giấc.
– Tôi thấy không có cách nào khác. Ông bà phải quyết định một số thì giờ nào đó cố định hai người sẵn sàng tiếp khách và thông báo những thì giờ đó trước cửa.
Daniel bảo:
– Người Phi Châu không hiểu đâu. Họ có thể cho như vậy là rất bất lịch sự, đi ngược lại tập quán cũ.
– Này Daniel, nếu anh qua Đức tôi sẽ đưa anh đi thăm bất cứ một giáo xứ nào, anh sẽ thấy mục sư tại đó cũng cùng gặp một nan đề như anh vậy. Anh phải quyết định, hoặc theo phong tục truyền thống, hoặc vâng theo sự kêu gọi của Chúa. Chắc anh biết câu chuyện người giữ hải đăng. Trách nhiệm của anh ta là thường xuyên châm dầu và giữ cho ngọn đèn luôn luôn sáng. Ngọn hải đăng hướng dẫn tàu bè đi ngang qua một eo biển nguy hiểm. Vì anh là một người tốt bụng nên dân chúng ở quanh vùng hay đến xin anh chút dầu. Chẳng bao giờ anh từ chối cho nên số dầu dự trữ cạn dần. Một ngày kia vì hết dầu, đèn tắt. Một con tàu va vào đá và đắm. Lòng tốt bụng của anh ta là nguyên nhân cái chết của nhiều người khác.
Daniel nói:
– Anh nói rất đúng. Chỉ vì tôi không thể nói “không”.
– Không phải chỉ có chức vụ của anh đang gặp nguy hiểm đâu. Cả cuộc hôn nhân của anh cũng vậy.
– Tôi hiểu, chúng tôi phải trở lại từ đầu. Chúng tôi phải chỉnh đốn lại góc phải của tam giác hôn nhân, góc của sự chia sẻ, cảm thông.
Esther nói:
– Ước gì mỗi buổi sáng chúng tôi có được mười lăm phút ngồi với nhau. Thường thì chúng tôi bước loạng choạng vào ngày mới, không có kế hoạch gì cả, và rồi chúng tôi phó mặc cho công việc đẩy đưa. Tôi không hề được biết anh ấy sẽ làm gì trong ngày, anh ấy cũng không biết tôi làm gì. Chúng tôi không có giờ ăn cố định và đó cũng là một trở ngại cho con cái.
Có tiếng gõ cửa. Cả hai vợ chồng nhìn tôi dò hỏi.
Tôi hỏi:
– Chị giúp việc đang làm gì vậy?
– Chị ấy đang đợi chúng tôi ăn xong để rửa chén.
Lại tiếng gõ cửa.
– Nói chị ấy ra bảo khách ngày mai trở lại.
Daniel nói thêm:
– Nhưng phải bảo họ đến trước chín giờ.
Sau vài phút chị giúp việc bước vào.
– Ông ta nói sao?
– Ông ta đồng ý.
Daniel vừa nói vừa lắc đầu:
– Được rồi, nhưng về lâu về dài người của chúng tôi cũng không hiểu cho đâu.
– Nếu anh không tập họ sẽ không hiểu. Mười lăm phút Esther yêu cầu giống như cái bánh lái của một ngày. Đừng quên rằng bài làm chứng sống động qua cuộc sống hôn nhân của anh sẽ có hiệu quả hơn một trăm bài giảng về hôn nhân.
Daniel đáp:
– Thú thật với anh, chúng tôi phải nhắc nhở nhau nhiều lần rằng chúng tôi đã cưới nhau. Nếu chỉ dựa trên những tình cảm yêu thương thì cuộc hôn nhân của chúng tôi chắc đã tan vỡ từ lâu rồi.
Esther chen vào:
– Dầu vậy chúng tôi rất yêu nhau. Tôi rất yêu anh ấy và biết rằng anh ấy rất yêu tôi.
– Không phải cuộc hôn nhân của ông bà chưa đổ vỡ vì vẫn yêu nhau đâu, nhưng vì thường nhắc nhở là đã cưới nhau.
Daniel hỏi:
– Có phải tư tưởng cho rằng hôn nhân làm bền vững tình yêu là tư tưởng được chấp nhận nhiều nhất ở Mỹ Châu và Âu Châu không?
Tôi luôn luôn do dự một chút mỗi khi nghe người Phi Châu hỏi những câu hỏi này.
Tôi trả lời thẳng thắn:
– Không phải vậy đâu. Tại Âu Mỹ hiện nay tam giác hôn nhân đang bị xé rời từng mảnh vụn. Kết hôn và tình yêu bị tách rời, và dĩ nhiên tính dục và kết hôn cũng vậy.
– Làm thế nào họ có thể tách rời tình yêu với kết hôn được?
– Với lập luận rằng “tình yêu” biện minh cho tất cả. Có hoặc không có kết hôn bạn đều có thể thoả mãn tính dục bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào và bất cứ ai bạn muốn miễn là bạn yêu anh ta hay cô ta.
– Suy nghĩ như vậy có gì sai không?
– Không thực tế chút nào cả. Họ không thấy rõ thế giới này là nơi không bao giờ có cái gọi là tự do vô hạn. Một đám cháy rừng tàn phá như thế nào thì “tự do luyến ái” cũng huỷ hoại như vậy. Có một nơi nọ người ta đã để một thời gian thử tự do luyến ái, cuộc thử nghiệm đó đã chấm dứt trong thảm bại. Hôn nhân bảo đảm cho tình yêu cũng như lò sưởi và lửa vậy.
– Nhưng làm sao tôi có thể cắt nghĩa điều này?
– Chỉ có một cách: Tình yêu của Thượng Đế. Thượng Đế là tình yêu. Ngài đã từ bỏ sự tự do vô hạn, quyền uy vô hạn của Ngài. Tự hạ mình xuống, chấp nhận bị bó buộc và giới hạn. Đức Chúa Trời trở thành người. Tình yêu trở thành nhục thể.
– Nhưng điều đó có nghĩa là chỉ có người nào tin cậy Đức Chúa Trời thành nhục thể mới có thể giúp người khác trong những vấn đề hôn nhân của họ.
– Vâng, trong ý nghĩa sâu xa nhất điều đó đúng. Bởi vì chỉ có người đó mới biết rằng chính Chúa đang sống trong người mà chúng ta yêu. Không gặp Chúa trong người bạn đời thì chúng ta đã mất người bạn đó rồi.
– À, người Tây phương tách rời tình yêu và tính dục như thế nào?
– Dĩ nhiên là có rất nhiều ý kiến. Một số khuynh hướng có ý muốn biện hộ cho tính dục loại trừ tình yêu. Những người này diễu cợt tình yêu như loại chuyện không đứng đắn. Họ có thể bảo: “Tính dục để mua vui chớ không dành để biểu lộ tình yêu. Đối với tính dục, tình yêu chỉ là một cái gì cản trở. Tính dục để mua vui trong giây lát. Vui thú chỉ trọn vẹn một khi thực hiện mà không đòi hỏi trách nhiệm và không hối tiếc gì cả”. Nhưng anh Daniel ơi, tôi đâu có đến đây để nói chuyện với người xứ anh trong tư cách của một người Tây phương. Tôi đến đây như một người tin rằng Đức Chúa Trời trở thành người.
– Tôi biết vậy, nếu không tôi đã không mời anh – Daniel nói cách nhiệt thành – Nhưng có phải ý anh nói sứ điệp này vẫn phổ thông ở Phi Châu hơn là Âu Châu và Mỹ Châu phải không?
– Đúng vậy. Bất cứ ai rao giảng sứ điệp về hôn nhân với mối tương quan ba mặt “Kết hôn, Tình yêu, Tính dục” cũng đều là một tiếng nói cô đơn trong sa mạc đối với bất cứ nền văn hoá nào. Và người đã ký thuật câu Kinh Thánh này – “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó cùng vợ mình và cả hai sẽ trở nên một thịt” – chắc hẳn cũng là một người cô đơn. Một điều làm tôi lưu ý là không có ai khác trong thời Cựu Ước đã trích dẫn câu Kinh Thánh này, không một tiên tri nào trích dẫn cho đến khi Chúa Giê-xu dùng nó.
Esther hỏi:
– Vậy chớ không phải quan niệm hôn nhân “mảnh vườn” cũng được đề cập trong Kinh Thánh Cựu Ước hay sao? Trong đó người đàn ông làm chủ, ly dị là quyền của đàn ông, trong đó có chủ nghĩa đa thê và nhấn mạnh ở chỗ con cái đông đúc?
Tôi trả lời:
– Tôi nghĩ đó là một tiến trình Esther ạ. Tôi nghĩ rằng sứ điệp của câu Kinh Thánh này được khởi đầu ở trong tiến trình dần dần thấm sâu vào nền văn hoá Y-sơ-ra-ên. Cũng có một khuynh hướng thắng hơn quan niệm mảnh vườn trong Kinh Thánh Cựu Ước. Khi Chúa Giê-xu trích câu Kinh Thánh này trong Tân Ước, rõ ràng Chúa dùng nó chống lại việc ly dị và khuyến khích chủ nghĩa một vợ một chồng.
Chuông điện thoại lại reo. Daniel đưa tay ra hiệu cho vợ bằng cử chỉ của một người tù trưởng Ả-rập:
– Tôi sẽ để cho thửa vườn của tôi phục vụ tôi – Ông ta đùa.
Esther đứng dậy, tỏ vẻ vâng lời và đi về văn phòng Daniel. Khi trở ra bà vừa cười vừa nói với tôi:
– Lần này điện thoại của ông.
Trước khi tự kiềm chế mình, tôi nhảy nhổm giống như Daniel trước đó. Daniel cười rộ lên khi tôi bối rối vì nhận ra là mình đã có hành động trái ngược với lời mình khuyên.
Ông ta nói cách khoan dung:
– Anh cứ tự nhiên. Thứ nhất nếu không kể phần tráng miệng dở dang thì anh đã dùng xong bữa; thứ nhì, anh cho tôi thấy anh không phải là một nhà luật pháp.
Tôi cầm điện thoại lên.
– Fatma đấy phải không?
– Vâng.
– Có phải cô là người đã gọi điện thoại cho tôi hai lần ngày hôm qua không?
– Vâng, chính tôi là người đó.
– Vậy thì ít ra giờ tôi được biết tên cô.
– Điều đó có gì quan trọng?
– Tôi dễ cầu nguyện cho cô hơn.
– Ông cầu nguyện cho tôi à?
– Đúng.
– Tại sao ông làm điều đó?
– Đó là cách duy nhất tôi giúp cô. Theo khả năng con người tôi đã bó tay, hơn nữa có lần cô yêu cầu tôi làm điều đó.
Một thoáng yên lặng.
– Tối nay cô lại đến nhà thờ?
– Vâng.
– Lại đi không phép?
– Vâng.
– Cô có nghe tôi dùng ý kiến về túp lều của cô trong bài giảng không?
– Có, tôi có nghe và đã tìm câu Kinh Thánh ông cho tôi. Chắc chắn câu Kinh Thánh đó dành cho tôi: “Trại của tôi bị phá huỷ, những dây của tôi đều đứt”. Tất cả, thưa mục sư. Sau khi nghe ông giảng tôi biết rằng chúng đều đứt cả. Ông nói rất đúng.
– Cô muốn nói điều gì?
– Tôi muốn nói thuốc ngừa thai là mối đe doạ cho tình yêu.
– Vâng. Tôi cứ tự hỏi mãi không hiểu cô giải quyết vấn đề đó như thế nào?
– Chúng tôi chẳng giải quyết gì cả. Cứ vậy thôi. Có lẽ anh ấy đã giải quyết. Nhưng đối với tôi chuyện ấy vẫn còn nguyên. Thoạt tiên anh ấy bảo tôi theo dõi những ngày có thể thụ thai và ghi chú trên lịch. Chẳng công hiệu gì cả và tôi mang thai. Anh ấy bảo tôi đi trục thai.
– Có phải cô đã vâng lời?
– Dĩ nhiên. Bây giờ anh ấy bảo tôi nuốt một viên thuốc mỗi sáng. Điều đó có nghĩa là cứ sau ba tuần lễ lại đến suốt một tuần tôi bị ra máu. Tôi chẳng thấy gì vui thú. Nhất là từ khi dùng thuốc tôi thấy mình mất cảm giác.
– Nhiều phụ nữ dùng thuốc đã nói điều này.
– Thuốc ngừa thai có hại, phải không thưa mục sư?
Thật là những câu hỏi hóc búa!
– Fatma, cô biết đó, điều đó tuỳ thuộc vào cái trại đã đổ xuống hay còn nguyên. Nếu nó toàn vẹn, vợ chồng có thể nói chuyện với nhau trong tinh thần tin cậy nhau. Vì một lý do nào đó, họ quyết định không có con hoặc chờ có một đứa con khác. Như vậy họ sẽ đồng ý với nhau về phương pháp, thường là với sự giúp đỡ của một bác sĩ, là người có thể tư vấn thuốc thang cho họ. Họ sẽ thành thật với nhau và nói cho nhau biết họ cảm thấy thế nào. Ngay cả khi người vợ mang thai sớm hơn dự tính cũng sẽ không hại gì. Bởi vì chiếc lều toàn vẹn, đứa bé vẫn có nơi trú ẩn. Ai cũng cần một chỗ trú thân, cả đến một đứa bé. Nhưng nếu trại thiếu mất đi một cái cột, nó sẽ đổ xuống, và mưa rơi vào thì mọi việc khác hẳn.
– Tôi biết rõ điều đó lắm. Có thai nữa là điều tôi sợ kinh khủng, bởi vì anh ấy lại sẽ buộc tôi phá thai. Như ông đã nói, nếu thiếu một góc, hai góc kia chẳng làm được gì cả. Như Kinh Thánh nói: “Tôi không có người để giương trại tôi ra và căng màn tôi”.
– Nghe đây Fatma, cứ tiếp tục than thở qua điện thoại không ích lợi gì đâu. Nếu muốn sự việc thay đổi, cô phải đem chồng cô đến để tôi nói chuyện với anh ấy.
– Không thể được.
– Hãy cố gắng bằng mọi cách.
– Anh ấy nên đến một mình hay chúng tôi cùng đến?
– Tuỳ ý anh ta.
– Anh ấy sắp về, chúng ta phải ngừng. Chào mục sư, cảm ơn ông.
Khi trở lại bàn, tôi nói với Daniel và Esther một vài điều về vấn đề của Fatma với hy vọng cho họ có thể giúp đỡ.
Esther nhận xét:
– Anh ta đối xử với cô ấy như đối với một nô lệ.
Daniel thêm vào:
– Chúng ta phải đương đầu với vấn đề này: Vấn đề người đàn ông thống trị là điều đã ăn sâu vào văn hoá Phi Châu.
– Daniel và Esther à, tôi xấu hổ phải tiết lộ điều này, Fatma không sống với một người Phi Châu mà đang sống với một người Âu Châu. Đây không phải là vấn đề của nền văn hoá mà là về tấm lòng con người mà Kinh Thánh gọi là “dối trá hơn mọi vật”.
Họ không nói gì. Cùng suy nghĩ. Họ đều buồn vì vấn đề chi phối tôi.
– Daniel, xin cho tôi biết, nếu cô ta quyết định rời bỏ anh ta để có một nghề nghiệp khác và sống một mình, điều đó có thể được không?
– Trong thành phố này thì không thể được. Thật sự là vậy. Chúng tôi vẫn đang sống ở ngay trong quan niệm “mảnh vườn”. Trong đó không có một chỗ cho người độc thân.
– Vậy thì anh ta có trọn quyền trên cô ta. Cha mẹ cô ta đã đóng chặt cánh cửa gia đình sau khi cô ta ra đi. Không ai thèm cưới vì cô ta không còn là một trinh nữ nữa, và cũng không thể sống một mình được. Cô ta đã nói đúng. Không có ai để giương lều và căng màn cho cô ta.
Daniel nói:
– Cho dù thế nào đi nữa, cô ta cũng phải rời anh chàng kia. Có thể cô ta sẽ đến sống với một người bà con hay bạn bè nào đó. Nhưng giả sử cô ta đã thật sự kết hôn với anh ta, ông có bao giờ khuyên người khác ly dị không?
– Một bác sĩ có bao giờ lại khuyên bệnh nhân của mình đi đến chỗ chết. Không khi nào, ông ta sẽ chiến đấu cho sự sống còn của bệnh nhân khi nào vẫn còn dấu hiệu của sự sống, nhưng có những cuộc hôn nhân mà anh chỉ có thể tuyên bố rằng hôn nhân này đã chết.
– Tôi nghĩ đến những cuộc hôn nhân mà tình yêu đã chết và sự kết hiệp thân xác đã chấm dứt từ lâu. Tất cả những cái mà chồng và vợ còn với nhau chỉ là chóp của tam giác hôn nhân. Họ là những kẻ đã kết hôn với nhau, thế thôi. Tất cả không còn gì. Có lẽ họ vẫn còn sống chung trong một mái nhà nhưng đi những con đường khác nhau. Hầu như họ sống một cuộc đời chia cách nhưng vẫn chưa ly dị. Tình trạng này kéo dài hàng năm. Đối với tôi hôn nhân như vậy đã chết. Nhưng Chúa Giê-xu đã phán: “Điều gì Đức Chúa Trời phối hiệp, thì không ai có quyền phân rẽ”.
– Nhưng câu hỏi ở đây là từ đầu thực sự Chúa có phối hiệp họ không?
– Ông có ngần ngại khi tái kết hôn cho những kẻ đã ly dị không?
– Không thể không ngần ngại mà ngược lại, với rất nhiều do dự. Nhưng với một số điều kiện nhất định tôi sẽ tái kết hợp họ. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng sẽ chỉ tái kết hợp những phần tử lỗi lầm.
– Tôi không hiểu ý anh.
– Nếu một người nào đó tuyên bố rằng họ hoàn toàn vô tội trong cuộc hôn nhân đổ vỡ, và phần lỗi hoàn toàn là ở người kia thì tôi chắc rằng lần kết hôn thứ hai cũng sẽ chỉ là thất bại.
– Nhưng có một số người thực sự không có lầm lỗi gì cả. Thí dụ như trường hợp một người chồng bình thường trở nên một người nghiện rượu.
– Vâng, đúng vậy. Nhưng bên dưới bề mặt vô tội này có những lầm lỗi sâu xa hơn, ở đó người đàn ông không đối diện với người phối ngẫu mà đối diện với Chúa. Tội lỗi ở mức độ sâu xa này có liên hệ đến sự hình thành cuộc hôn nhân. Tôi sẽ rất do dự khi phải tái kết hôn cho bất cứ ai chưa sẵn sàng đối diện với Chúa ở mức độ sâu xa này.
– Fatma có vô tội không?
– Dĩ nhiên. Cha mẹ cô ta là người có lỗi lớn hơn cả. Thứ đến, người đàn ông kia cũng vậy. Nhưng rồi trước mặt Chúa cô ta cũng không vô tội đâu.
– Làm sao ông lại nghĩ rằng có thể giúp cô ta được?
– Tôi không nghĩ mình có thể giúp được cho đến khi cô ta hiểu được điểm này.
Trong khi tôi bàn chuyện với Daniel về vấn đề này thì Esther ngồi ở ghế bành uống trà. Lúc chúng tôi nhìn về phía Esther thì bà đã ngủ.
Daniel nói đùa:
– Thửa vườn của tôi đã ngủ rồi.
– Bà ấy đâu phải là thửa vườn của anh. Bà là bạn đồng trại đồng lều của anh đấy chớ. Anh cũng cần ngủ nghỉ. Bây giờ anh có thể đưa tôi về khách sạn được không?
Khi lấy chìa khoá ở bàn trực khách sạn, người thư ký đưa tôi một bức thư. Thư của vợ tôi. Tôi đi ngay lên phòng, ngồi xuống và đọc:
– Em nhớ anh quá và đang muốn nói chuyện với anh đấy . Năm vừa qua là cả một thời gian dài em với anh phải xa nhau mãi . Nói đúng hơn em thấy trong năm nay chúng ta chưa có được lấy một tuần trọn vẹn ở nhà với nhau . Hầu hết thì giờ chúng ta dành để thu xếp , đối diện với những vấn đề nan giải hoặc chuẩn bị chuyến đi nào đó . Chúng ta có quá ít thì giờ để sống .
Hồi chiều em nhìn thấy những cánh cửa sổ của một căn nhà trên núi cao phản chiếu ánh mặt trời trong buổi hoàng hôn . Ánh sáng phản chiếu từ những khung cửa làm em choá mắt .
Em nghĩ đây cũng là cách mà trong những phút yên lặng chúng ta để Chúa Giê-xu chiếu rọi qua những cánh cửa sổ của linh hồn chúng ta . Và em nghĩ đây cũng là cách chúng ta vẫn thường có khi em có thể là một với anh trong thân xác , tâm trí và linh hồn . Đó là sự biến hình tuyệt diệu . Bởi vì em đã nếm trải sự vui sướng trong đó nên em mong ước nó . Nó đem lại cho em sức lực để vượt qua mọi thử thách trong đời sống mỗi ngày .
Kinh nghiệm hoàn toàn hiệp nhất này vẫn còn lưu lại giữa chuyến đi trước và chuyến đi này của anh . Tấm lòng của em mỗi lúc một thấy nặng nhọc hơn đến nỗi em không thể chịu được . Đó là lý do làm em khó chịu nhiều khi tiễn anh đi lần này .
Cho nên khi anh đang làm việc ở đó , mong anh hiểu rằng những hy vọng này , những mong muốn này không thể chia lìa với tấm lòng và linh hồn em thì cũng không phân cách với công việc của anh ở tại đó . Những hy vọng và mong muốn đó cũng là một loại của lễ thiêu làm cho thì giờ càng có ích hơn , kết quả hơn , không chỉ cho anh mà cũng cho vợ anh nữa .
Em không viết thư này để phàn nàn điều gì . Em chỉ muốn đơn thuần là chia sẻ một sự kiện . Đối với em chia sẻ như vầy có nghĩa là em có thể tiếp tục bước đi với tấm lòng nhẹ nhàng hơn .
Cảm ơn anh vẫn thường lắng nghe em . Bây giờ em lại tiếp tục công việc của em . Em đếm từng ngày để được đến với anh vào thứ bảy này .
Tôi đã nói gì trong bài giảng? – Không có gì bằng cuộc hôn nhân trọn vẹn. Hôn nhân khiến chúng ta khiêm nhường. Cách đảm bảo nhất để trở nên khiêm nhường là hãy kết hôn.
Tôi vẫn còn đang mơ ngủ chập chờn, một tiếng chuông đánh thức. Vùng dậy khỏi giường tôi nhận ra đó là tiếng chuông điện thoại.
Tôi bật đèn, mới hai giờ sáng. Cầm ống nghe lên tôi nghe tiếng cô điện thoại viên trực đêm xin lỗi vì đã đánh thức tôi.
– Có một cặp nam nữ đang ngồi tại phòng đợi. Họ nằng nặc đòi được gặp ông.
Tôi tự hỏi không biết có phải là Fatma và “chồng” cô ta không. Tôi bảo người gác điện thoại đợi năm phút rồi hãy mời họ lên. Tôi sẽ tiếp họ khi thay xong quần áo.
Tôi từng gặp nhiều phụ nữ Phi Châu đẹp nhưng chưa có ai như Fatma. Cô ta cao, dáng người mảnh khảnh. Mặc một chiếc áo choàng bằng lông quí. Cô ta bước đi cách dịu dàng nhưng pha một chút chịu đựng nào đó. Ở cô ấy mọi sự có vẻ gọn gàng thanh lịch. Cô đã khéo chọn lựa vòng đeo cổ, bông tai và vòng đeo tay làm vẻ đẹp của cô thêm đặc biệt. Đôi mắt to màu nâu mang trong đó một nét buồn sâu thẳm.
Người đàn ông đi cùng cô ta mặc quần công nhân rách vài chỗ và dính đầy dầu mỡ, áo không bỏ vào quần. Râu ria không cạo, móng tay cáu bẩn, tóc vàng.
Sau khi Fatma giới thiệu người bạn của mình, cô ta có ý phân trần xin lỗi vì giờ thăm viếng của hai người thật bất tiện. Cô ta bảo rằng hai người đã bàn cãi với nhau cho đến một giờ rưỡi là lúc anh ta chịu thua và sẵn sàng đến gặp tôi chung với cô ta.
– Nếu chúng tôi không đi ngay, anh ấy có thể đổi ý.
– Không sao đâu Fatma. Tôi mừng vì cả hai đã đến.
Tôi tự giới thiệu với anh ta và nói:
– Tôi đặc biệt hoan nghênh anh đã đến đây với cô ta. Điều đó cho tôi thấy rằng anh lưu tâm nhiều về Fatma.
Fatma:
– Ông cứ gọi anh ấy là John.
John đã ngồi sụp xuống ghế dựa, hai chân sải dài, khoanh tay trước ngực. Anh ta tỏ vẻ hằn học. Tôi cũng không lấy gì làm lạ lắm. Lẽ đương nhiên là anh ta ngại tôi và tự động suy đoán rằng tôi thuộc phe Fatma. Quả là một tình thế khó xử vì tôi buộc phải chấp nhận mình về phe Fatma.
– Chắc anh ngại tôi lắm!?
John không phản ứng gì.
– Cô ấy cho tôi biết anh săn sóc cô rất chu đáo. Cô ấy rất biết ơn anh. Đặc biệt là anh giúp đỡ cô ấy đi học. Tôi cũng thấy anh tạo điều kiện cho Fatma ăn mặc rất lịch sự.
Anh ta nhún vai.
Fatma nói:
– John à, anh đối với em rất tốt. Nếu không có anh, em không biết mình sẽ làm được gì. Em rất cảm ơn anh. Em thật lòng yêu anh nhiều. Nhưng em không thể hiểu được tại sao chúng ta lại không thành hôn với nhau?
Anh ta nói trong tiếng thở dài và không nhìn lên:
– Chuyện cũ mèm. Tại sao chúng ta lại phải cần tờ giấy đó. Ở xứ chúng tôi có hàng trăm cặp sống với nhau đâu có tờ giấy đó mà họ vẫn là những người hạnh phúc. Cũng có biết bao nhiêu người có tờ giấy đó mà chẳng hạnh phúc gì. Tờ giấy không phải là cái đem lại hạnh phúc.
– Nhưng em xấu hổ lắm mỗi khi gặp các bạn của em. Em phải nói với họ thế nào? Em đã có chồng hay chưa?
– Bạn của cô à? Tôi không ưa những người bạn của cô.
– Nhưng họ cũng là một phần của đời sống em đấy chớ. Nếu anh yêu em thì cũng phải yêu em với cả những người bạn của em. Đối với em nó không phải là chuyện một tờ giấy, nhưng một lễ cưới mới là chuyện quan trọng. Em mong muốn có một lễ cưới thực thụ và mời vài trăm người tham dự…
Anh ta đưa tay lên trời tỏ vẻ thất vọng kinh khủng và kêu lên:
– Vài trăm người! Tôi nói cho cô biết nếu chúng ta làm lễ cưới với nhau thì đó là một đám cưới nhỏ. Chỉ có hai người. Tôi với cô và những nhân viên toà thị chính. Vậy là đủ.
– Nhưng rồi mọi người trong làng của chúng ta sẽ nghĩ rằng em xấu hổ về anh, rằng em có một điều gì đó muốn giấu giếm. Em muốn chứng tỏ cho mọi người biết rằng em rất hãnh diện về anh. Em không thể chịu được sự xấu hổ vì đám cưới nhỏ.
Cả ba cùng im lặng một lúc.
Tôi nói cách thận trọng:
– Này anh John, tôi có cảm tưởng như vầy, anh đã đi một bước nhưng anh chưa lường hết mọi hậu quả của bước đó.
– Ông nói tôi đã đi một bước, bước như thế nào? Anh ta hỏi bằng một giọng khinh khỉnh nhưng tôi mừng thầm vì ít ra anh ta cũng đã bắt đầu nói chuyện với tôi.
– Bước đó là đã đem Fatma về ở trong nhà của anh. Anh thấy đó, nếu anh đã chọn một cô gái trong xứ này làm vợ anh hoặc làm cô ấy có thể trở thành vợ anh thì anh đâu có chọn chỉ một mình con người đó tách biệt với mọi cái khác. Anh chọn cô ta với nếp giáo dục của cô ấy, vẻ thẩm mỹ của cô ta, những điều cô thích hoặc không, những thói quen và phong tục của cô. Nói gọn lại là với cả nền văn hoá của cô ấy. Trong mẩu chuyện ngắn ngủi chúng ta vừa nói với nhau, tôi kết luận rằng, có lẽ anh đã yêu cô ta như một cá nhân biệt lập, yêu vẻ đẹp, cá tính của cô ta, nhưng anh đã không yêu cô ta với cả nếp văn hoá của cô ấy.
Anh ta nói bằng giọng bướng bỉnh:
– Tôi yêu cô ấy.
– Vâng, tôi hiểu điều anh nói. Nhưng tình yêu chân thật có nghĩa là anh phải yêu cô ấy cùng cả con người, cả nếp văn hoá của cô ấy. Một đám cưới lớn cũng thuộc về nếp văn hoá ấy. Nếu anh kết hôn với một thiếu nữ xứ này, anh phải chấp nhận điều đó. Hơn thế nữa, anh không được chấp nhận chỉ ở mức độ không khó chịu mà anh còn phải ưa thích nó nữa.
Anh ta yên lặng. Tôi có cảm tưởng những điều tôi nói có vẻ mới lạ đối với anh ta.
Tôi tiếp:
– Anh thấy không, hôn nhân là một gánh nặng, là một trách nhiệm ngay cả trong những hoàn cảnh thông thường nhất. Gánh nặng chồng chất thêm do sự khác biệt văn hoá thường là “giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước”. Điều làm cho một cuộc hôn nhân đổ vỡ là do hai người đã không hoàn toàn chấp nhận nền văn hoá của nhau. Sự kiện này bắt đầu với những việc rất nhỏ. Chẳng hạn như việc thích hay không thích một số thức ăn hay cách nấu nướng các thức ăn đó, và rồi sự kiện đó có lẽ sẽ chấm dứt bởi vì cách nhìn, quan niệm của cả hai đều khác nhau.
Fatma nóng lòng muốn biết:
– Có phải những cuộc hôn nhân như vậy đều thất bại không?
Tôi nói:
– Không đâu, nhưng nếu muốn thành công trong những cuộc hôn nhân như vậy hai người phải sống một thời gian dài trong nếp sống văn hoá mà họ sẽ phải sống khi lập gia đình. Đáng tiếc, đây là một trường hợp hiếm có. Nếu một sinh viên Phi Châu gặp một thiếu nữ Mỹ ngay tại xứ Âu Mỹ và thiếu nữ này chưa từng ở Phi Châu, cuộc hôn nhân của họ hầu như luôn luôn thất bại. Cô ta không thể nào thích hợp với anh ấy cho dầu cô ta có lòng tốt và thành thật ao ước như vậy.
– Cô ta “vung tay quá trán”.
John nói đùa và cười lớn về chính câu nói đùa của mình. Tôi vui vì thấy bây giờ anh ta có vẻ thoải mái hơn nên nói tiếp:
– Rất có thể cả anh và Fatma đang dẫm vào cùng lầm lỗi đó.
– Chúng tôi yêu nhau.
John một mực cả quyết. Anh ta nhìn tôi như một cậu bé đang sợ người nào lấy mất đồ chơi của mình.
– Vâng, nhưng hôn nhân vượt hơn cả tình yêu, “hôn nhân không chỉ là ánh trăng và hoa hồng nhưng còn là bát đĩa và tã lót”.
John hếch mũi lên tỏ vẻ khó chịu:
– Tã lót à!
– Anh không thích trẻ con sao?
Anh ta lắc đầu.
– Còn cô thế nào?
– Tôi vô cùng yêu thích và muốn có nhiều con.
Tôi nhận xét:
– Thêm một điểm hai bạn không đồng ý với nhau, lại là một điểm khá quan trọng. John, anh tính thế nào? Anh có định ở luôn lại xứ này không?
– Tôi làm việc cho chính phủ, nhưng hợp đồng của tôi còn một năm nữa thì hết hạn.
– Rồi sao nữa?
– Tôi không biết, có thể tôi sẽ đi đến một nơi khác chẳng hạn như Nam Mỹ hay Nhật.
Fatma há hốc miệng.
– Tôi đoán rằng anh muốn đem Fatma theo?
– Điều gì khiến ông nghĩ như thế?
– Bởi vì anh nói rằng anh thuộc về lớp người chồng hạnh phúc mà không cần giấy tờ kia mà. Nếu một người thật sự hạnh phúc thì người đó chẳng bao giờ muốn từ bỏ nguồn hạnh phúc của mình.
Anh ta nhún vai còn Fatma nổi nóng:
– Anh chưa bao giờ cho tôi biết về hợp đồng hữu hạn của anh. Tôi cứ nghĩ rằng anh muốn sống trong xứ của tôi suốt đời.
Bỗng John đứng lên.
– Chào ông, chúng tôi phải đi. Đã quá khuya rồi, hay đúng hơn sáng sớm rồi.
Tôi nói:
– Một lời nữa thôi.
Nắm lấy tay anh và nhìn thẳng vào mắt anh, tôi tiếp:
– Tôi xin anh, John, vì lẽ sống của Fatma. Hãy quyết định đi. Nếu anh không đem cô theo và dự định sẽ chia tay sau khi hợp đồng của anh hết hạn, hãy nói cho cô ta để cô ta cũng quyết định có nên sống với anh hay không. Tôi không thể nói cho hai người biết phải làm gì, nhưng tôi khuyên anh đừng chơi trò cút bắt nữa. Hãy quyết định ngay.
Anh ta lạnh lùng nói:
– Cảm ơn ông rất nhiều.
Tôi nói để giảm bớt căng thẳng:
– Hai người có phải đi xa lắm không?
– Không. Chỉ băng qua bên kia sông.
Và rồi anh ta ra khỏi phòng. Fatma chạy đuổi theo anh ta không kịp nhìn tôi.
Tôi vào lại giường nhưng không thể nào ngủ tiếp.