Chúng tôi xin được phép chia sẻ với các bạn thanh thiếu niên một vài lời tâm tình: “Các em thân mến, mỗi năm cứ đến ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng Năm, tại Hoa Kỳ đây chúng ta có ngày lễ cho các bà mẹ, là ngày để cho con cái ghi ơn Mẹ. Có lẽ những năm còn ở tiểu học, vào dịp này, theo sự hướng dẫn của thầy cô ở trường, các em thường vẽ một tấm thiệp mang về cho Mẹ với những lời chúc ngây ngô nhưng đầy yêu thương.”

Bây giờ ở trung học, đại học, không còn ai nhắc các em viết thiệp cho Mẹ nữa. Không biết các em có còn nhớ hay suy nghĩ gì đến ngày lễ nầy không? Nhân ngày Lễ Mẹ năm nay, chúng tôi xin chia sẻ với các em một vài lời tâm tình.
Có lẽ các em đang bận rộn với việc học hành, thi cử cuối niên học, cũng có thể các em đang bận rộn vui chơi với bạn bè, hoặc hẹn hò với người yêu. Các em có nhiều chuyện để suy nghĩ bao nhiêu việc đang làm bận tâm các em. Nhưng hôm nay chúng tôi xin các em hãy tạm gác những bận rộn đó qua một bên, dừng lại một vài phút và nghĩ lại đến người đã sinh ra các em, người đã nuôi nấng các em cho đến ngày hôm nay. Các em có biết không, trên trần gian này ngoài Chúa ra không ai thương các em bằng cha mẹ. Nhất là Mẹ, Mẹ sinh ra em nên em là một phần của đời Mẹ, một phần của con người Mẹ. Dù đứa con bao nhiêu tuổi, tình thương người Mẹ dành cho con vẫn không thay đổi. Mẹ đã mang nặng đẻ đau và chịu bao khó nhọc để đời sống em được vui vẻ, thoải mái. Khi em mở mắt chào đời, Mẹ sung sướng ôm vào lòng, niềm vui đó không bút mực nào tả hết và chỉ có những người đã làm Mẹ mới hiểu được. Rồi Mẹ nuôi nấng, chăm sóc em từng ngày. Suốt ngày Mẹ bận rộn. Ban đêm giấc ngủ của Mẹ cũng không tròn, vì lúc nào Mẹ cũng lo cho em. Khi em ấm đầu, bỏ ăn, biếng cười, tim Mẹ thắt lại. Lúc em yên lành ngủ say lòng Mẹ thỏa vui. Khi em bắt đầu tập nói, tiếng nói bi bô của em là âm nhạc cho tai Mẹ. Niềm vui của Mẹ lớn theo năm tháng, theo đà tăng trưởng của em. Niềm vui đó tràn đầy khi em gần gũi bên Mẹ, thỏ thẻ với Mẹ những chuyện vui buồn. Khi em quấn quýt bên chân Mẹ khóc đòi đi theo Mẹ, dù ngoài mặt Mẹ rầy la nhưng trong lòng Mẹ sung sướng vì em cần đến Mẹ. Nhưng không biết bắt đầu từ lúc nào em dần dần rời xa Mẹ. Em không muốn ở gần bên Mẹ, không nói chuyện với Mẹ nữa. Và hầu như không còn cần Mẹ trong cuộc đời. Có khi em còn thấy Mẹ như là người cản đường em, làm cho em bị gò bó khó chịu, bực bội mất tự do và em tìm cách tránh mặt Mẹ. Không những thế khi Mẹ khuyên bảo em còn cãi lời Mẹ, hoặc nói với Mẹ những lời không đẹp khiến Mẹ bị tổn thương. Em đã thay đổi quá nhiều. Nhưng dù cho em có thay đổi thế nào đi nữa, Mẹ vẫn là Mẹ của em và vẫn yêu thương em, tình thương đó không bao giờ thay đổi. Khi em làm điều sai quay, vì thương yêu Mẹ mới la mắng, sửa dạy. Mẹ sợ em đi vào con đường sai lầm rồi mang họa vào thân. Nếu Mẹ có nặng lời cũng chỉ vì yêu thương em, muốn em nên người, muốn đời sống em sau nầy được sung sướng, vì thế em đừng giận Mẹ vì những lời nhắc nhở sửa dạy đó, nhưng hãy cảm ơn Mẹ. Có lẽ em không biết điều nầy, đó là lúc còn nhỏ em cần Mẹ, nhưng bây giờ Mẹ cần em. Ngày trước em cần Mẹ và muốn ở gần bên Mẹ bao nhiêu thì bây giờ Mẹ cần em và muốn ở gần bên em bấy nhiêu. Mẹ cần em thăm hỏi, trò chuyện, cần những sự chăm sóc tế nhị của em. Nhưng em chỉ nghĩ tới việc học hành, đến bạn bè, đến niềm vui của mình mà quên đi người thương yêu em nhất trên đời. Em càng lớn, càng gần đến lúc phải lìa gia đình để tự lập, Mẹ càng cảm thấy mất mát và lo buồn, vì Mẹ biết rồi đây mình sẽ phải đối diện với cô đơn. Vì thế lúc em chuẩn bị lìa gia đình để tự lập, chẳng hạn như đi học xa, đi làm xa, hoặc lấy vợ, lấy chồng, em hãy tế nhị và bén nhạy trước những cảm xúc của Mẹ, đừng chỉ nghĩ đến niềm vui của mình mà vô tình làm cho Mẹ thêm đau buồn. Trong những lúc đó em cần quan tâm, chăm sóc Mẹ đặc biệt để Mẹ được an ủi vì thấy rằng dù em đi xa hay có gia đình riêng, Mẹ không mất em, em vẫn là con của Mẹ và vẫn thương yêu Mẹ. Nếu em là người con gái sắp lấy chồng, người con trai sắp cưới vợ, em nên dành thì giờ ở gần bên Mẹ, trò chuyện, tâm tình, nhắc lại những kỷ niệm đẹp với Mẹ khi em còn nhỏ, những sự chăm sóc Mẹ dành cho em. Những điều đó sẽ xoa dịu nỗi đau buồn trong lòng Mẹ và giúp Mẹ can đảm đối diện với ngày mai khi em không còn ở gần bên Mẹ nữa.
Có một điều khác nữa mà em không nghĩ đến, đó là khi em bắt đầu lớn thì Mẹ bắt đầu phải đối diện với tuổi già, tóc bắt đầu bạc. Nét mặt không còn tươi trẻ như những năm trước, sức khỏe của Mẹ cũng bắt đầu đi xuống. Tất cả những điều nầy dễ khiến Mẹ bi quan, chán nản, dễ buồn, dễ khóc. Cũng có thể Mẹ đang đối phó với bệnh tật, nhưng không nói cho em biết, vì không muốn em lo lắng. Có lẽ Mẹ đang chờ em hỏi thăm để chia xẻ với em những ưu tư đó. Nhưng em không bao giờ quan tâm đến Mẹ hay dành thì giờ cho Mẹ nên Mẹ không thể mở lời. Mẹ lúc nào cũng thương em nhưng có thể vì những trách nhiệm chồng chất trong gia đình, những bận rộn tràn đến triền miên trong cuộc sống, Mẹ như không còn thì giờ gần gũi bên em.
Mẹ không được trưởng dưỡng trong môi trường giống như em nên lắm khi Mẹ không hiểu em và khó thông cảm với em. Dù vậy, Mẹ sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm được, mang đến cho đời sống em niềm vui và hạnh phúc. Tuy nhiên Mẹ cũng là con người bất toàn, nên có những lúc lầm lỡ, thất bại. Có những lúc yếu đuối không chống chọi được với những thử thách trong đời. Có lúc Mẹ thiếu khôn ngoan, tế nhị, hoặc thiếu kiên nhẫn trước những sự thay đổi của em. Em cần thông cảm với Mẹ và thương Mẹ. Em cũng nên nói cho Mẹ biết những điều em mơ ước hoặc trông mong nơi Mẹ, có như thế Mẹ mới hiểu em, em mới hiểu Mẹ và mẹ con mới có thể thông cảm nhau. Em đừng chê Mẹ lỗi thời, cổ hũ, nhưng hãy nhớ rằng Mẹ được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khác, được hấp thụ một văn hóa khác, một lối giáo dục khác. Chính vì thế, Mẹ có tiêu chuẩn sống khác, cách suy nghĩ, ăn mặc, nói năng cũng khác với em. Nhưng khác không nhất thiết là không đúng. Mỗi khi Mẹ la rầy, nhắc nhở hay ngăn cấm em làm một điều gì. Em hãy suy nghĩ lại và vâng lời Mẹ. Sự vâng lời đó giúp em tránh được những nguy hiểm trong đời. Lời Chúa trong Kinh Thánh nhắc nhở người làm con những lời như sau:
Hỡi con, hãy giữ lời răn bảo của cha, chớ lìa bỏ các phép tắc của mẹ con, khá ghi tạc nó nơi lòng con luôn luôn, và đeo nó nơi cổ con, khi con đi các lời đó sẽ dẫn dắt con, lúc con ngũ nó gìn giữ con và khi con thức dậy thì nó sẽ trò chuyện với con (Châm Ngôn 6:20-22)
Vì được cha mẹ lo cho ăn học, được có nhiều cơ hội học hành, em có thể có kiến thức cao hơn Mẹ, hiểu biết nhiều hơn Mẹ, nhưng đừng xem thường Mẹ. Mẹ vẫn là người khôn ngoan và có nhiều kinh nghiệm sống hơn em. Chúng ta cần ghi nhớ lời Chúa dạy sau đây:
Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, chớ khinh bỉ Mẹ con khi người trở nên già yếu
Nếu em được may mắn đang sống gần bên Mẹ, hãy làm cho Mẹ vui, đừng chờ đến khi Mẹ không còn nữa rồi khóc lóc than tiếc. Bạn có chỗ của bạn, đừng xem bạn quan trọng hơn Mẹ. Đừng bao giờ nói hay làm điều gì khiến Mẹ phải đau lòng. Nếu em đang sống chung với cha mẹ đừng cư xử như người thuê nhà, nhưng hãy phụ giúp Mẹ lo việc nhà, tìm cơ hội biểu lộ lòng biết ơn, nói những lời khích lệ, an ủi, hầu đem lại niềm vui cho Mẹ. Để kết thúc lời tâm tình hôm nay chúng tôi xin gởi đến các em câu chuyện có thật sau đây:
Có một thiếu niên nọ, sống trong gia đình bị gò bó, nên lúc nào cũng mơ ước được đi ra khỏi nhà, em muốn đi thật xa, khỏi vòng kiểm soát của cha mẹ để được tự do làm tất cả những gì mình muốn. Khi học gần hết bậc trung học, em cố tình chọn một trường đại học ở một tiểu bang thật xa. Khi biết quyết định của em, cha mẹ em hơi buồn nhưng vì không muốn làm hỏng chương trình của con nên đành để con đi. Chàng thiếu niên đi học xa nhà được 2 năm thì người mẹ bất ngờ ngã bệnh. Cha chàng gọi điện thoại báo tin và bảo phải về ngay. Khi chàng thiếu niên về đến nơi vào nhà thương thăm Mẹ thì bà đã hôn mê không còn biết gì nữa. Ngồi bên giường bệnh, nhìn mẹ nằm mê man, người con chợt suy nghĩ: “Đây là mẹ của tôi sao, là người đã sinh ra tôi yêu thương, nuôi nấng tôi, lo cho tôi tất cả mọi sự trong đời sống, tôi sắp phải mất người rồi sao?”
Tự nhiên những hình ảnh trong quá khứ hiện ra rõ ràng trong trí anh, như một cuốn phim được chiếu lại. Anh thấy mẹ bồng bế, ôm ấp, vỗ về anh, đưa đón anh đi học mỗi ngày, chăm lo thuốc men khi anh đau ốm. Bao nhiêu lần mẹ quỳ bên giường cầu nguyện cho anh, xin Chúa dìu dắt đời sống anh. Anh cũng nhớ lại những lần mẹ đưa anh đi mua sắm quần áo, cho anh tiền khi anh cần. Những buổi chiều Mẹ đứng trong bếp nấu những món ăn anh thích. Đêm mẹ thức khuya ngồi đan áo cho anh hay giúp anh làm bài. Từ khi đi xa nhà anh chẳng mấy khi gọi điện thoại về hỏi thăm mẹ, ngoại trừ một vài lần gọi về xin tiền. Khi mẹ gọi điện thoại qua nhắc nhở khuyên lơn việc nầy việc kia, anh bực bội không muốn nghe. Gần đây khi mẹ có vẻ ngần ngại trước số tiền lớn anh xin, anh đã giận dữ cúp điện thoại. Anh đâu biết rằng mấy tháng nay sức khỏe mẹ đã giảm sút nhiều. Lúc đó bao nhiêu ý nghĩ khác lại tràn đến làm tan nát lòng anh, mẹ yêu thương lo lắng cho anh như thế nhưng anh đã trả ơn Mẹ bằng những lời nói vô lễ, bằng sự trách móc giận dữ. Khi anh đi chơi về khuya, mẹ thức chờ bên cửa, anh bực tức nói: “Mẹ không cần phải thức chờ như vậy, con lớn rồi”. Có một lần Mẹ khuyên dạy, anh trả lời: “Con biết rồi Mẹ đừng nói nữa, Mẹ đừng chen vào đời sống con nữa!” Anh đâu ngờ rằng, muốn được tự do, tự lập anh đã gạt mẹ ra khỏi đời sống, đã nói và làm những điều làm cho lòng mẹ đau đớn và anh thầm trách mình: “Đó là cách tôi trả ơn cho mẹ tôi sao?” Quá cảm động lúc đó anh cuối xuống sát mặt mẹ và nói: “Mẹ ơi! Con thương Mẹ, xin Mẹ tha lỗi cho con.” Nhưng tiếc là đã trễ, mẹ anh đã không nghe được lời anh nói!
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành