Ai là người phải dạy trẻ thơ? Nói chung, Kinh Thánh thường cho rằng cha mẹ là những người phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời để trở thành những người huấn luyện nòng cốt cho con cái họ.

Bài Tập 1
Học thuộc lòng Châm Ngôn 22:6
Hãy xem Châm Ngôn 22:6
Mặc dầu câu Kinh Thánh này hay bị dùng sai, nhưng có một cái nhìn toàn diện về câu này cũng cho chúng ta một ý niệm tổng quát về những gì Đức Chúa Trời ao ước trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta hãy phân tích câu Kinh Thánh này kỹ hơn và xem thử lời Chúa nói gì qua câu này.
Ai là người phải dạy trẻ thơ? Nói chung, Kinh Thánh thường cho rằng cha mẹ là những người phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời để trở thành những người huấn luyện nòng cốt cho con cái họ. Trong khi Kinh Thánh thừa nhận một trách nhiệm hỗ tương trong thân thể của Đấng Christ giữa các con cái Chúa với nhau và với các con trẻ của chúng ta, thì công tác chủ yếu trong việc dẫn dắt một con trẻ đi đến chỗ trưởng thành phải là bổn phận của cha mẹ. Công tác này có thể được uỷ thác cho một người khác, chẳng hạn như ông bà hoặc những người giữ trẻ, khi cả cha lẫn mẹ đều phải làm việc, nhưng cha mẹ vẫn phải nhận lãnh trách nhiệm và quyền hành trên con cái mình.
Một người làm cha mẹ là người hợp tác với Đức Chúa Trời trong việc môn đệ hóa con cái của họ. Quá trình này có diễn ra một cách tự nhiên và dễ dàng không? Có lẽ là không. Có lẽ vì lý do đó mà Kinh Thánh dạy dỗ bậc cha mẹ phải huấn luyện con cái họ và cũng răn dạy họ phải cẩn thận về cách thực hiện công việc này.
Khi nghĩ đến việc huấn luyện, chúng ta hay nghĩ về những sinh hoạt đã được trù tính trước một cách có mục đích: một vận động viên huấn luyện cho những kỳ Olympic hay các chiến sĩ huấn luyện cho cuộc chiến. Tuy vậy, Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy rằng còn có một loại quá trình huấn luyện khác được tiếp diễn mọi lúc mọi nơi; quá trình huấn luyện ấy được gọi là học hỏi qua các mối giao thiệp. Châm Ngôn 22:24-25 cho chúng ta một ví dụ. Những câu Kinh Thánh này dạy rằng chúng ta có thể học tánh hay giận dữ vì giao thiệp với một người có tánh nóng nảy. Nói cách khác, chúng ta có thể học một điều gì đó đơn giản chỉ vì lúc đầu là nhìn người khác làm và lần lần cảm thấy đồng hóa với những thói quen của họ.
Chắc chắn con trẻ của chúng ta cũng như vậy. Chúng nhìn chúng ta hành động và bắt đầu hành xử y theo cách thức mà chúng đã thấy chúng ta hành động. Dĩ nhiên, những bạn đồng trang lứa của một đứa trẻ cũng sẽ ảnh hưởng trên nó nữa, nhưng cuối cùng, ai là người dành những thì giờ chủ yếu với con cái? Có người đã ước lượng rằng một hội thánh trung bình chỉ chiếm được 1% thì giờ của con trẻ, gia đình chiếm 83% thì giờ của con trẻ, và nhà trường chiếm khoảng thì giờ còn lại. Và tác giả kết luận: “Gia đình là nơi ghi dấu trong cả cuộc đời của một đứa trẻ.”
Câu hỏi 1
Theo nền văn hóa của bạn, con số thống kê trên đúng hay sai?
Một Mục sư khác cũng đi đến chỗ kết luận tương tự:
Các tổ chức hoặc các cơ quan cũng góp phần vào việc uốn nắn tâm tánh và nhân cách của một đứa trẻ, nhưng không có tổ chức nào có thể có một mức độ ảnh hưởng như cha mẹ của chúng. Không phải chỉ do tính độc đáo và mạnh mẽ trong mối quan hệ gia đình, nhưng hoàn toàn do số lượng thời gian trẻ có mặt trong gia đình. Trước khi bước vào trường học, hầu hết các con trẻ đều có thì giờ tại gia đình. Ngay cả trong những năm tháng đi học, mỗi tuần chúng đều có sáu mươi tiếng đồng hồ để đi ra đi vào trong nhà, con trẻ không dành thì giờ cho bất cứ một nơi nào quá nhiều như vậy. Và những gì xảy ra trong khoảng thời gian ấy sẽ khẳng định rất nhiều cho loại người lớn mà đứa trẻ sẽ trở thành, và dấu ấn trong những năm tháng ấy sẽ hằn sâu không thể nào phai nhòa được trong nhân cách của chúng. Đức Chúa Trời nói rằng một người có lối sống như thế nào là do những kinh nghiệm và sự huấn luyện người ấy có được khi còn là con trẻ.11*
Lâu nay bạn có ý thức rằng gia đình chiếm rất nhiều thời gian trong đời sống của con trẻ không? Và mỗi ngày trong gia đình của chúng ta, ngay giữa gia đình, chúng ta là bậc cha mẹ đang gửi đến cho con cái những sứ điệp không lời về cách xử thế ở cuộc đời này. Chúng ta có thể dạy dỗ con cái mình cung cách tức giận, cách than phiền và làm thế nào để có một tinh thần chỉ trích. Chúng ta cũng có thể truyền đạt tâm tánh kiên nhẫn, tính cách dịu dàng và lòng biết ơn. Chúng ta cần phải nhận biết rằng mình đang truyền đạt điều gì cho con và cầu xin Chúa giúp chúng ta bày tỏ tâm tánh của Đấng Christ qua nếp sống của chính mình.
Bài Tập 2
————————————-Mặc dầu bạn không trực tiếp dạy dỗ, nhưng con trẻ đã học được những điều tích cực, tiêu cực nào từ nơi bạn? Để trả lời câu hỏi này, bạn hãy viết tên của từng đứa con và và viết riêng về mỗi đứa con. Hãy lưu ý đâu là những điều ảnh hưởng đến tất cả các con, và ghi lại trách nhiệm của bạn trước những kết quả ấy. —————————————-
Đức Chúa Trời muốn cha mẹ dẫn dắt và nuôi dưỡng con cái của mình. Chắc chắn con trẻ sẽ học được từ cha mẹ mình, không bằng cách này cũng bằng cách khác.
Huấn luyện đòi hỏi phải có sự hứa nguyện. Đức Chúa Trời muốn bậc cha mẹ trở thành những người giám thị tích cực, là những người dẫn dắt và dạy dỗ con cái một cách yêu thương và rộng lượng để con cái tin cậy nơi họ. Việc huấn luyện phải được bắt đầu trước hết bằng đời sống của cha mẹ, với sự hứa nguyện riêng tư của họ với Chúa.
Sự hứa nguyện với Chúa đòi hỏi phải hứa nguyện với Lời Ngài (Phục Truyền 6:6). Như tác giả của Thi thiên 119 đã khám phá, lời Chúa phải là tiêu chuẩn cho đời sống của những bậc cha mẹ. Chúng ta phải dằm thắm trong lời Ngài, để lời ấy biến đổi quan niệm sống theo thế gian này của chúng ta thành nhân sinh quan cho cõi vĩnh cửu. Khi sống trong chính sự hiện diện của Chúa mỗi ngày, chúng ta có thể biết được mình đang ở trong ý chỉ của Chúa và bảo đảm chúng ta được sự hỗ trợ của Ngài trong công việc mình làm.
Không có công thức nào bảo đảm đem lại thành công trong việc nuôi dạy con cái. Nếu chúng ta cố gắng đeo đuổi những công thức như thế, chúng ta sẽ luôn luôn rơi vào trong những tình huống không phù hợp hay không có câu giải đáp từ công thức đó. Tất cả các con trẻ đều khác nhau; chúng không ra từ một cái khuôn đâu. Vì vậy chúng ta cần sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời, và nguồn tuyệt hảo nhất của sự khôn ngoan như thế đến từ Kinh Thánh. Phải luôn luôn xem việc đọc Kinh Thánh và suy gẫm lời Chúa là ưu tiên hàng đầu trong đời sống chúng ta.
Bên cạnh hứa nguyện của chúng ta với Chúa và với lời Ngài chúng ta còn phải hứa nguyện để dạy dỗ con cái (Phục Truyền 6:7-9). Nhiều Cơ đốc nhân cảm thấy mình không đầy đủ để trở thành một người lãnh đạo tâm linh cho gia đình. Với sự giúp đỡ của Chúa, khi chúng ta cầu xin Ngài ban cho sự khôn ngoan, và dựa vào những kinh nghiệm Cơ đốc của chính mình, không có lý do gì để chúng ta không thể bắt đầu dẫn dắt gia đình. Trong khi chúng ta vẫn đang phải đối diện với những cản trở mới và những hoàn cảnh đòi hỏi đức tin phải gia tăng, thì chúng ta vẫn không thể bào chữa được nếu chúng ta không chịu truyền đạt lại cho con cháu mình những gì Đức Chúa Trời đã dạy dỗ qua mối quan hệ của chúng ta với Ngài.
Cuối cùng, chúng ta phải hứa nguyện để tỉa sửa con cái mình (Phục truyền 6:10-12). Chính chúng ta cần được tỉa sửa như thế nào thì con cái chúng ta cũng vậy. Hãy xem Hêbơrơ 12:7-13. Những câu Kinh Thánh này nhắc nhở chúng ta rằng người cha yêu thương con cái mình không phải là người không bao giờ đánh đập hoặc sửa dạy con nhưng là người đủ lòng quan tâm đến con để làm những việc ấy. Mọi sự sẽ tốt đẹp biết bao nếu con cái chúng ta tiếp nhận tất cả những sự dạy bảo mà không hề ương ngạnh hoặc chống đối, nhưng bản chất tội lỗi trong một đứa trẻ khiến chúng không thể nào luôn ngoan ngoãn, vì vậy cần sự tỉa sửa của chúng ta.
Châm Ngôn 29:15 răn dạy chúng ta rằng con trẻ phóng túng làm mắc cỡ cho mẹ mình. Ở một thái cực khác, cha mẹ có thể chọc giận và làm cho con cái mình bực bội vì đã tỉa sửa và rầy la quá nhiều (Êphêsô 6:4). Giữa hai thái cực không vững vàng này, cha mẹ phải lập ra một nguyên tắc kỷ luật trong tình yêu thương, né tránh những vách đá nguy hiểm có thể hủy diệt con mình.
Nắm quyền lãnh đạo trong gia đình là một sự lựa chọn. Hoặc chúng ta chọn hợp tác với Đức Chúa Trời và Lời của Ngài, hoặc vì thấy mình không có khả năng nên chúng ta chọn không vâng lời Ngài, để mặc cho con trẻ bị kỷ luật bởi những ảnh hưởng của thời thượng và nền văn hóa ngày nay.
Câu Hỏi 2
Hãy tóm tắt bốn sự hứa nguyện đã được bàn thảo ở trên. Bạn thấy chính mình còn yếu đuối hay đã được mạnh mẽ trong những lãnh vực này? Bạn còn yếu ở điểm nào và mạnh ở điểm nào?
Huấn luyện là gì? Từ ngữ Hêbơrơ được dịch thành chữ “dạy dỗ” trong Châm Ngôn 22:6 là chữ chanak. Trong cách dùng từ của Kinh Thánh, chữ này thường được dịch là “tận hiến” nhưng những chữ như “bắt đầu”, “khai tâm” hoặc “mở đầu” được xem là những từ ngữ dịch hay hơn.12*
Một bức tranh sinh động của quá trình khai tâm này đến từ một động từ có liên hệ, có nghĩa là “chùi vành miệng”. Động từ này được dùng để chỉ về hành động của bà mụ rơ miệng bé sơ sinh để nó thèm bú sữa. Để giúp cho bé mới ra đời bú sữa, bà mụ người Hêbơrơ thường đút ngón tay của bà vào ly nước chà là đã được nghiền nát và chà mạnh vào lợi và vòm miệng của đứa trẻ cho đến khi đứa bé nhăn nhó và bắt đầu muốn nút sữa. Sau đó con trẻ sẽ ngay lập tức được đặt vào vú mẹ để nút sữa. 13*
Trong ngôn ngữ nhất thời, tư tưởng được bày tỏ trong Châm Ngôn 22:6 có nghĩa là cha mẹ phải bắt đầu hướng dẫn con cái theo một phương hướng đúng đắn. Chúng ta có thể bắt đầu quá trình huấn luyện con ngay trong những ngày sớm sủa nhất của cuộc đời đứa bé, theo một đường lối ngay thẳng và khôn ngoan để con biết cách sống. Nếu chúng ta làm như vậy, thông thường đứa trẻ sẽ cứ đi trên con đường ấy trong suốt cuộc đời của trẻ.
Mục tiêu của việc huấn luyện. Mục tiêu của cha mẹ trong việc huấn luyện một đứa trẻ là từ từ uốn nắn ý chí của đứa trẻ để những tâm tánh và lối cư xử của con sẽ phù hợp với chân lý hoặc những lời chỉ dạy mà đứa trẻ đã được nghe. Như thế, mục tiêu tối hậu của việc huấn luyện là để trẻ vừa có tâm tánh vừa có lối cư xử tốt đẹp.
Nếu chỉ có bề ngoài ưng thuận theo những đòi hỏi của cha mẹ mà thôi thì không phải là cách huấn luyện của Kinh Thánh, vì chta có thể ép buộc đứa trẻ làm theo một số điều nhưng bên trong không hề có sự thay đổi của đứa trẻ. Đứa trẻ có thể chịu đi nhóm Trường Chúa Nhật, học thuộc Mười Điều Răn, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện đúng giờ giấc, tuy nhiên vẫn ở trong sự dối trá, lừa đảo, ăn cắp, không hiếu kính cha mẹ, và chống nghịch Đức Chúa Trời.
Điều cần biết là một đứa trẻ như vậy chưa “được huấn luyện” đâu, vì mục tiêu của sự huấn luyện không phải chỉ là vâng lời bề ngoài, mục tiêu ấy cũng không phải là tạo nên một đứa trẻ có thể đọc nằm lòng các câu Kinh Thánh nhưng lại không áp dụng được vào đời sống. Mục tiêu của việc huấn luyện là gieo trồng những tâm tánh Cơ Đốc để những tâm tánh ấy giúp trẻ đứng vững vàng trong Chúa khi nó trưởng thành. Con trẻ cần được huấn luyện trong nhiều lãnh vực: học biết vâng lời, tôn trọng, tử tế, rộng lượng và kiên nhẫn. Phải học biết sống hòa mình với những người khác, cũng như xem trọng những ân tứ và ta lâng mà Chúa đã ban cho nó. Một sự huấn luyện đúng đắn sẽ dần dần dẫn con trẻ đến đức tin được cứu trong Đấng Christ và tiếp tục nhắm hướng đến mục tiêu trưởng thành trong Chúa.
Bài Tập 3
Hãy nghiên cứu những câu Kinh Thánh sau đây, và xem thử mỗi câu liên hệ thế nào đến mục tiêu huấn luyện. Hãy tóm tắt mục tiêu được hàm ý trong mỗi câu:
a. Êphêsô 3:14-19
b. Êphêsô 5:16
c. ITimôthê 1:5
d. IITimôthê 3:14-17
Huấn luyện là dạy dỗ. Trong Cựu ước có mười chữ được sử dụng cho ý niệm “dạy dỗ”. Ý nghĩa của mười từ này có thể được tóm tắt như sau:
1. alaph- Làm cho quen thuộc với; người dạy dỗ làm cho con trẻ quen thuộc với sự phong phú của những chủ đề.
2. bin- Làm gia tăng sự nhận thức và biện biệt
3. dabar- Nói lời dạy dỗ, đó có thể là lời nói tích cực hoặc tiêu cực.
4. zahar- Khiển trách, răn dạy
5. yada- Truyền đạt kiến thức với một mục tiêu, giúp đỡ người ấy quan sát.
6. yasar- Sửa dạy, uốn nắn và khiển trách
7. yara- Trong khi dạy dỗ cho phép học trò được thất bại
8. lamad- Đem đến một kỷ năng và thấm nhuần trong sự vâng lời
9. sakal- Đem đến một sự hiểu biết thấu đáo, khiến cho phải thận trọng
10. shanan- Dạy dỗ cách siêng năng (lập đi lập lại)
Mục đích của việc liệt kê tất cả những động từ này là để bạn thấy có nhiều khía cạnh được bao gồm trong quá trình huấn luyện mà cha mẹ phải thực hiện. Thông thường, cha mẹ đều áp dụng hầu hết những sự dạy dỗ này mà không hề ý thức. Danh sách này phơi bày tính chất toàn diện của bảng mô tả công việc mà chúng ta phải làm!
Việc huấn luyện phải kéo dài trong bao lâu? Có lẽ bạn suy nghĩ đến một đứa bé trong độ tuổi từ sơ sinh đến cỡ mười hoặc mười hai. Từ Hêbơrơ được sử dụng để chỉ về một con trẻ mang một ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều, tuy nhiên, bắt đầu từ một con trẻ mới ra đời (như trong ISamuen 4:20-21 và 1:22-23) cho đến tuổi lập gia đình (Giôsép trong Sáng thế Ký 37:2).
Trong nửa phần sau của Châm Ngôn 22:6 Salômôn sử dụng một động từ mà có lẽ phát xuất từ danh từ có nghĩa là “râu”. Thể loại động từ này “biểu hiện sự hóa già của một người”14*. Vì thế, cụm từ “dầu khi người trở về già” có lẽ có nghĩa là khi người ấy đến tuổi mọc râu hoặc khi người ấy đến tuổi trưởng thành.15* Salômôn có vẻ là người có khải tượng về việc huấn luyện một tinh thần trách nhiệm trong việc nuôi dạy con trẻ cho đến tuổi trưởng thành. Khi con trẻ còn bé bỏng, chúng ta phải tạo ra trong con một lòng khao khát hiểu biết, tin kính và khích lệ con thuận phục Đức Chúa Trời và Lời của Ngài. Sự dạy dỗ của chúng ta lên đến cao điểm trong sự trưởng thành, là khi một con trẻ đã trở thành một người nam hoặc một người nữ, lớn đủ để lập gia đình, sẵn sàng để gánh lấy trách nhiệm của một gia đình. Từ giai đoạn đó trở đi, theo Kinh Thánh thì nói chung những sự huấn luyện của cha mẹ trong việc khải đạo, khuyên bảo và quở trách phải được giới hạn.
Tất cả con trẻ có nên được huấn luyện theo cùng một cách không? Châm Ngôn 22:6 truyền lệnh cho chúng ta hãy dạy cho trẻ thơ “con đường nó phải theo”. Nghĩa đen diễn tả trong câu này là”theo đường lối của nó.” Không phải tất cả các học giả đều hiểu câu này theo cùng một cách. Theo truyền thống, câu này được hiểu là “theo đường lối của Đức Chúa Trời.” Những người khác cho rằng câu này có thể được giải nghĩa là “theo những thói quen và sở thích của trẻ.” Sự dạy dỗ phải được thực hiện theo tính chất cá nhân và xuôi theo đứa trẻ ấy, và phải tùy theo mức độ phát triển của cơ thể và tâm trí đứa trẻ.”16* Theo như lời giải nghĩa này, Châm Ngôn 22:6 cho thấy rằng nếu chta đi theo một khuôn mẫu huấn luyện chung thì sẽ không hiệu quả cho từng đứa trẻ nhưng cần phải xem xét đến nhân cách của từng đứa trẻ trong khi tìm cách huấn luyện chúng đến chỗ trưởng thành.
Nghĩa đen của chữ “con đường” là “đường đi” hoặc “đường lối”, nhưng được sử dụng trong một nghĩa ẩn dụ thì có lẽ chữ này chỉ về một tâm tánh, cung cách, hoặc thái độ. Theo cách dịch mới đây, câu này bảo chúng ta phải huấn luyện con trẻ “theo tâm tánh hoặc những đặc điểm riêng của từng trẻ.”
Huấn luyện theo tâm tánh hoặc đặc điểm của con có nghĩa là gì? Rõ ràng nó có nghĩa là chúng ta phải khéo léo sao cho sự huấn luyện của mình phù hợp với nhân cách của con. dct không tạo dựng con trẻ theo lối kỹ thuật lắp ráp thành một lô hàng đâu, cho nên tất cả con trẻ cũng không thể được xử lý theo cùng một cách. Tâm tánh của mỗi đứa trẻ đều khác nhau, và những gì giúp ích cho việc phát triển tâm tánh của đứa trẻ này biết đâu lại không luôn luôn hiệu quả cho đứa trẻ kia.
Cha mẹ thường mắc phải hai điều sai lầm. Thứ nhất, cố gắng dùng cùng một phương pháp cho tất cả con cái của mình. Thứ hai, hay so sánh đứa này với đứa kia, hoặc so sánh một cách có ý thức hoặc không có ý thức. Cả hai lỗi lầm này đều xuất phát từ việc cha mẹ không nhìn thấy và không xem trọng những tâm tánh riêng biệt của mỗi đứa trẻ. Khi việc dạy dỗ có những sai trật như vậy thì chắc chắn những xung đột cũng bắt đầu xảy ra.
Bài Tập 4
Hãy ôn lại cách bạn dạy dỗ con cái mình. Thử đánh giá xem bạn có đang sử dụng cùng một cách dạy cho tất cả các con không hay bạn có so sánh đứa này với đứa kia không? Những thói quen này đã đưa đến ảnh hưởng gì? Nếu bạn không có con cái, hãy đánh giá cách cha mẹ đối xử với bạn và đối với những anh chị em khác trong gia đình.
Trong phần sau của khóa trình này chúng ta sẽ nói chi tiết hơn về tâm tánh của con trẻ. Chúng ta sẽ thảo luận đến những sự khác biệt khiến cho mỗi đứa trẻ trở nên độc đáo và vì thế, cần có một kế hoạch huấn luyện độc đáo chỉ dành riêng cho đứa trẻ ấy.
Những kết quả này có được bảo đảm không? Lời kết luận của Châm Ngôn 22:6 nói rằng, dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi “đó”. Câu này thường được hiểu như là một lời bảo đảm rằng con cái của những bậc cha mẹ đã tận hiến cho Chúa sẽ chẳng bao giờ bị hư mất hoặc một lời hứa rằng con cái đi lang thang không sớm thì muộn cũng trở về với gia đình. Một số người tin rằng câu này dạy dỗ như vậy, sau khi một người đã sống đời tội lỗi, người ấy sẽ trở về với sự dạy dỗ của thời niên thiếu. Nếu từ ngữ “già” được hiểu theo cách chúng ta thảo luận lúc nãy là “lớn lên” hoặc trưởng thành, thì lời giải nghĩa sau này đã làm mất đi sức mạnh của câu.
Chúng ta phải đặt một câu hỏi, chữ “đó” mang ý nghĩa gì? Chữ “đó” chỉ về sự huấn luyện; khi con trẻ đã trưởng thành, con trẻ sẽ không hề lìa khỏi những gì mình đã được huấn luyện. Sự biến đổi một tâm tánh xảy ra từ từ, trãi qua nhiều năm tháng, cho dầu đó là tâm tánh tiêu cực hoặc tích cực, khi đứa trẻ tiếp thu những điều có giá trị và hưởng ứng một cách cụ thể trước những gì nó được dạy dỗ. Nếu sự dạy dỗ ấy tốt đẹp, nếu nó được đâm rễ trong một vùng đất màu mỡ của Lời Chúa, dường như nó sẽ không bị bứng gốc một cách dễ dàng đâu.
Tuy nhiên, câu Kinh Thánh này không phải là một lời hứa vô điều kiện rằng một con trẻ được nuôi dưỡng một cách phải lẽ sẽ không bao giờ chống đối hoặc từ bỏ con đường ấy. Châm ngôn không phải là những lời hứa vô điều kiện nhưng Châm ngôn là lời nhận xét về những gì thường xảy ra trong đời sống. Nói chung, con trẻ sẽ không bỏ đi những sự huấn luyện của thời thơ ấu. Nhưng có một số con cái thật sự chối bỏ sự huấn luyện của cha mẹ. Khi điều này xảy ra, cha mẹ phải nương dựa vào sự thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời để Ngài cứ tiếp tục vận hành trong cuộc đời của con.
Việc huấn luyện cũng giống như một đồng bạc có hai mặt. Bao gồm trách nhiệm của cha mẹ. Cũng bao gồm sự hưởng ứng của con trẻ. Cha mẹ chịu trách nhiệm trong việc huấn luyện con cái mình; con cái chịu trách nhiệm trong việc hưởng ứng. Khi đã khôn lớn thì một người phải chịu trách nhiệm về chính hành động của mình. Những người tin rằng Châm Ngôn 22:6 đưa ra một lời bảo đảm về sự cứu rỗi dành cho những con trẻ có cha mẹ tận hiến với Chúa, nói rằng, về thực chất đứa trẻ ấy đã được lên kế hoạch về một chương trình quá hoàn hảo và do đó chúng ta có thể khẳng định cho tương lai của nó.
Một số bậc cha mẹ tin rằng, nếu họ thực hiện phần của mình trong việc nuôi dạy con theo đường lối nó phải đi, nếu họ cung cấp một môi trường phải lẽ cho sự tăng trưởng tâm linh, thì Đức Chúa Trời sẽ bảo đảm về một kết quả tốt đẹp. Tuy vậy, nhiều Cơ Đốc Nhân chân chính và tận hiến đã có những đứa con chống nghịch Đức Chúa Trời và gia đình cho đến tuổi trưởng thành. Những bậc cha và mẹ này đã làm hết sức mình để nuôi dạy con một cách phải lẽ, nhưng con cái của họ chọn con đường chống đối lời dạy dỗ của Chúa.
Khi con trẻ đi lầm đường lạc lối, điều ấy có thể tạo nên một mặc cảm to lớn nơi cha mẹ. Nếu họ xem Châm Ngôn 22:6 như là một lời bảo đảm hoàn toàn rằng con cái nào có cha mẹ huấn luyện chúng trong đường lối phải lẽ thì thế nào cũng trở nên người tốt, họ sẽ kết luận rằng sự chống nghịch của con chính là lỗi lầm của họ. Họ đã thất bại trong việc ký kết giao kèo và đã đưa con yêu dấu của mình vào địa ngục vì thất bại trong cương vị làm cha mẹ.17*
Tuy nhiên, khi đọc xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta không thấy chỗ nào hỗ trợ cho quan điểm cho rằng toàn bộ trách nhiệm tội lỗi của thế hệ kế tiếp đều đổ trên lưng của cha mẹ. Nhiều người tin kính trong Kinh Thánh đã có con cái xa cách Đức Chúa Trời, tuy nhiên chỉ ít người trong số họ bị đổ lỗi một cách trực tiếp là thất bại trong vai trò làm cha mẹ.
Trường hợp của Hêli thường được sử dụng như một lời cảnh cáo cha mẹ về trách nhiệm của họ. Cơn giận của Đức Chúa Trời thật đã đổ xuống trên Hêli vì ông không biết ngăn giữ và truất phế con mình khỏi chức tế lễ. Một số nhà thần học tin rằng Đức Chúa Trời không qui trách nhiệm cho Hêli về bản chất phản loạn của hai người con lớn là Hópni và Phinêa, là những người đã lớn đủ để chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nhưng với tư cách của một thầy tế lễ, ông chịu trách nhiệm phải cách chức con mình khỏi vị trí của thầy tế lễ, vì khi ở trong vị trí ấy, họ đã làm cho vị trí ấy trở nên ô uế. Và như chta đã biết, Hêli đã không cách chức con mình.
Êphêsô 6:1-4 cho chúng ta thấy rõ việc nuôi dạy con là vấn đề có hai mặt. Cha mẹ được răn dạy hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng con cái sao cho khéo léo để không làm con cái tức giận. Còn con cái được Chúa dạy dỗ phải vâng lời cha mẹ, hãy tôn kính cha mẹ vì điều đó là phải lắm. Như vậy, trách nhiệm của cha mẹ là có những lời khuyên dạy yêu thương và nêu lên những tấm gương sáng, và trách nhiệm của con trẻ là đáp ứng với những lời dạy dỗ ấy trong sự vâng lời và tôn kính.
Có những trường hợp cha mẹ rất hết lòng trong việc nuôi dạy con và là những tấm gương sáng về đời sống tin kính Chúa, tuy vậy, đứa con vẫn chọn đường lối không đáp ứng trong sự vâng lời và tôn kính. Trong những trường hợp đó, Đức Chúa Trời không muốn cha mẹ phải khốn khổ, mang mặc cảm tội lỗi trước những hoàn cảnh vượt quá sự kiểm soát của họ.
Một phân đoạn Kinh Thánh trong Cựu ước là Êxêchiên 18:1-4 sẽ giúp chúng ta xem xét việc đỗ lỗi cho cha mẹ về hành vi tội lỗi của một đứa con đã khôn lớn là đúng hay sai.
Lại có lời Đức Giêhôva phán cùng ta như vầy: “Các ngươi có ý gì khi dùng câu tục ngữ nầy về đất Ysơraen,
Cha ăn trái nho chua,
mà con ghê răng?
Chúa Giêhôva phán, thật như Ta hằng sống, các ngươi sẽ không cần dùng câu tục ngữ ấy trong Ysơraen nữa. Nầy, mọi linh hồn đều thuộc về Ta; linh hồn cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc và ta, linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.”
Câu 20 kết luận, “Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết. Con sẽ không mang sự gian ác của cha, và cha không mang sự gian ác của con; sự công bình của người công bình sẽ được kể cho mình, sự dữ của kẻ dữ sẽ chất trên mình.” Chính Chúa ban những lời này để chúng ta thấy rõ rằng người đã lớn thì phải chịu trách về hành vi của chính mình.19*
Bài Tập 5
—————————————Bạn có biết ai bị hành hạ bởi mặc cảm tội lỗi vì có một đứa con đã lớn mà đi lầm đường lạc lối không? Bạn có thể lấy lời nào để khích lệ những người như vậy? Bạn hãy lập dàn ý về những gì bạn có thể chia xẻ với ông ta hoặc bà ta.
—————————————-Không có gì để bảo đảm rằng nếu chúng ta là những người Cơ Đốc tận hiến và thực hiện trách nhiệm làm cha mẹ cách trung tín, thì chúng ta sẽ luôn luôn tạo nên những đứa con trai con gái yêu mến Chúa. Những câu Châm ngôn không được Đức Chúa Trời dự định như là những lời hứa bảo đảm của Đức Chúa Trời nhưng chỉ là những nguyên tắc và lời hướng dẫn chung, song vẫn có thể có trường hợp ngoại lệ. Salômôn là người đã viết ra nhiều Châm Ngôn, đang truyền đạt lại những nhận xét thiên thượng theo cách mà sự việc đang xảy ra. Thông thường, có thể có một số trường hợp xảy ra là hiệu quả rất cân xứng với chuỗi hành động hoặc thái độ của một người. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ trước nhiều câu nói trong sách Châm ngôn. Bất cứ trường hợp ngoại lệ nào cũng không nằm trong vấn đề đúng hay sai vì đặc điểm của sách Châm Ngôn là chỉ trình bày những qui luật chung.
Bài Tập 6
………………………………………………………………. Hãy xem những câu Châm Ngôn sau đây. Bạn có thể nghĩ đến những trường hợp ngoại lệ nào của những câu này?
a. 10:4
b. 10:22
c. 10:27
d. 12:21
e. 15:22
f. 16:31
g. 28:16
…………………………………………………………………..
Vậy, để kết luận, nhiều học giả Kinh Thánh đồng ý rằng sách Châm Ngôn mô tả về những điều thường xảy ra, chứ không phải những điều tuyệt đối đã được gắn chặt với sự bảo đảm của Đức Chúa Trời về một người. Nói chung, thật đúng là hầu hết con cái được nuôi dạy trong những gia đình Cơ đốc dưới ảnh hưởng của bậc cha mẹ tin kính, là những người vừa dạy con vừa sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, thì con cái họ sẽ đi theo những lời dạy dỗ của cha mẹ mình. Mặc dầu nhìn chung Châm ngôn 22:6 đúng với sự thật, vẫn có những trường hợp ngoại lệ vì cái tôi bướng bỉnh hoặc cố ý không vâng lời của một đứa trẻ cứ muốn đi trong đường lối của mình. Bây giờ chúng ta hãy xem đến một khúc Kinh Thánh khác trong Cựu ước nói về việc huấn luyện.
Lời Xưa Của Đức Chúa Trời Trong Việc Huấn Luyện Con Cái
Phục Truyền 6:4-9 là một phân đoạn Kinh Thánh của Cựu Ước về chủ đề huấn luyện con trẻ. Sáu câu này được người Do Thái xem là lời Rema, xuất thân từ một từ Hêbơrơ được dịch là “nghe” trong câu 4. Bạn hãy đọc những câu Kinh Thánh này bên dưới:
Hỡi Ysơraen! Hãy nghe: Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta là Giêhôva có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. Khá buộc nó nơi tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.
Cho đến ngày nay, những người Do Thái Chính Thống vẫn đọc lời Rêma này mỗi ngày và dạy con cái họ đọc những lời này khi chúng vừa biết nói. Phân đoạn này chứa đựng một trong những câu nói rõ ràng nhất của Kinh Thánh về trách nhiệm huấn luyện con cái của cha mẹ. Trong câu 4-5 chúng ta tìm thấy điều căn bản nơi bậc cha mẹ có ảnh hưởng trên con cái: biết và yêu mến Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta yêu Chúa với cả tấm lòng, thì Lời Chúa sẽ nằm trong lòng chúng ta:
Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay, sẽ ở tại trong lòng ngươi. (c.6. Luca 6:45)
Vậy, việc huấn luyện được lập nền trên những gương mẫu của đời sống cha mẹ. Đây là phần dạy dỗ chủ yếu của phân đoạn Kinh Thánh này: Lòng của dân sự Đức Chúa Trời được dâng hiến cho Ngài; đức tin và tất cả lòng trung thành chỉ dâng hiến cho Đức Chúa Trời có một và thật mà thôi. Ngài đòi hỏi dân sự Ngài yêu Ngài với cả tấm lòng, tâm trí và sức lực chứ không thể kém hơn.
Bài Tập 7
……………………………………………………………………
Trong kinh nghiệm của một Mục sư bạn hãy trả lời những câu hỏi này:
1. Bạn xem mối quan hệ của mình với Chúa là quan trọng ở mức độ nào?
2. Có phải bạn yêu Chúa với cả tấm lòng hay chỉ là sự trống rỗng?
3. Có phải yêu với cả linh hồn hay chỉ là bề ngoài?
4. Có phải yêu với cả sức lực hay chỉ là nỗ lực của một nửa trái tim?
……………………………………………………………………
Không có một mối quan hệ thân thiết với Chúa thì “dầu chúng ta có dạy dỗ điều gì chăng nữa, cũng chỉ như chiêng trống khua ồn ào. Và khua càng lâu, càng ồn ào bao nhiêu, con cái chúng ta càng muốn bịt tai lại bấy nhiêu.”
Hôm nay Bạn hãy dành thì giờ cầu nguyện để suy gẫm về chiều sâu của mối tương giao của bạn với Chúa.
Cha mẹ phải dạy dỗ con cái như là sự tuôn đổ tự nhiên của một mối quan hệ sống còn, yêu mến Chúa của chính mình. Sự dạy dỗ phải được thực hiện cách siêng năng, liên tục và với một cái nhìn chuẩn bị cho cả cuộc đời của con trẻ.20*
Bài Tập 8
…………………………………………………………………….
Học thuộc lòng Phục Truyền 6:4-9.
Nếu sáu câu đối với bạn là nhiều quá, bạn không thể học hết một lần, thì hãy chọn ra hai ba câu nào ích lợi nhất cho bạn. Hãy viết những lời ấy xuống một miếng giấy nhỏ và bắt đầu bằng cách đọc lớn tiếng và đọc đi đọc lại. Khi bạn tiếp tục quá trình này, bạn sẽ ít đọc hơn nhưng có thể nhớ nhiều hơn.” 21*
…………………………………………………………………….
Dạy dỗ khi nào. Trong Phục Truyền 6:7, Đức Chúa Trời nói về việc khi nào thì chúng ta nên dạy dỗ Lời Ngài cho con cái. Những câu này nói rằng chúng ta phải dạy dỗ:
Hoặc khi đang ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc nằm ngủ hay là khi chổi dậy.
Câu này nhắc đến hầu hết sinh hoạt của một ngày bình thường. Vì thế, đời sống gia đình là một lớp học, nơi đó cha mẹ nên thường xuyên bày tỏ những chân lý về Đức Chúa Trời cho con cái mình với một phương cách tích cực. Phân đoạn này dùng cả hai chữ “dạy” và “nói”. Đức Chúa Trời đang dạy dỗ chúng ta rằng cha mẹ phải làm cho những lề thói hằng ngày của một đời sống bình thường được dằm thắm với chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời ngay trong căn nhà của họ.
Môise ghi lại những câu này trong Phục Truyền vào thời điểm dân Ysơraen chuẩn bị để bước vào đất hứa Canaan. Vào một thời điểm như thế, Đức Chúa Trời đã nhấn mạnh đến việc huấn luyện đời tâm linh cho con cái của họ. Người Ysơraen và đặc biệt là con cái họ đang phải đối diện với những mối nguy hiểm dữ dội về mặt thuộc linh. Trước mặt họ không chỉ là trận chiến thuộc thể nhưng còn là trận chiến thuộc linh chống lại những lực lượng mạnh mẽ. Có điều gì khác biệt với thời đại ngày nay chăng? Đáng buồn thay, dân Ysơraen trong thời của Môise đã thất bại và không chú tâm đến những lời cảnh cáo của Phục Truyền. Họ xao lãng trách nhiệm dạy dỗ con cái, và con cái họ đã dễ dàng trở thành miếng mồi cho những tôn giáo giả tạo của xứ Canaan, như chúng ta nhìn thấy trong Các Quan Xét 2:10-13.
Rồi một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giêhôva, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhơn vì Ysơraen. Bấy giờ các con trai Ysơraen làm điều ác trước mặt Đức Giêhôva, hầu việc các thần tượng của Ba Anh, bỏ Giêhôva Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, là Đấng đã đem họ ra khỏi xứ Êdiptô; họ tin theo các thần khác của những dân tộc ở xung quanh, quì lạy các thần đó và chọc giận Đức Giêhôva. Vậy, chúng nó bỏ Đức Giêhôva, hầu việc Ba Anh và Át Tạt Tê.
Những bậc cha mẹ thời nay có thể học từ tấm gương này. Chúa bảo cha mẹ phải làm gì để chuẩn bị cho con cái? Phải dạy dỗ con cái mình khi nào?
Dạy dỗ theo nghi thức và không theo nghi thức. Bằng cách dùng hai động từ, dạy và nói, có lẽ ông Môise chỉ cho chúng ta thấy có những lúc nào đó trong đời sống gia đình cần có sự dạy dỗ theo đúng nghi thức, khi Cha mẹ muốn truyền đạt những kiến thức Kinh Thánh lại cho con cái; rồi lại có những lúc không cần phải dạy dỗ con theo nghi thức. Những lúc dạy dỗ theo đúng nghi thức chẳng hạn như trong giờ lễ bái của cả gia đình. Trong phần Phụ Lục A và B ở cuối bài học này, chúng tôi có đưa ra những lời đề nghị chi tiết cho giờ gia đình lễ bái.
Chúng ta có thể trù tính chương trình cho cả năm để có một chương trình dạy dỗ con theo đúng nghi thức. Trong những kỳ lễ đặc biệt, hoặc những kỳ kỷ niệm như Giáng Sinh, Phục sinh, ngày sinh nhật, ngày có thêm một đứa bé ra đời, đám cưới, tang lễ, hoặc những kỳ họp mặt gia đình, cha mẹ có cơ hội để dạy dỗ cho con những lẽ thật thuộc linh. Chúng ta có thể để cho những cơ hội này trôi qua một cách hời hợt. Tuy nhiên, đây là những cơ hội mà con cái chúng ta rất nhạy bén, mềm mại để chịu nghe những gì chúng ta cần nói.
“Nói” là những gì xảy ra trong bối cảnh bình thường của đời sống gia đình. Môise bảo các bậc cha mẹ truyền đạt những chân lý thuộc linh cho con cái mình mỗi ngày trong khi chuyện trò với con cái. Cha mẹ có thể giải thích cho con cái tại sao họ làm hoặc không làm những điều nào đó trong gia đình. Chẳng hạn như chúng ta có thể giải thích tại sao phải cầu nguyện trước khi ăn, tại sao phải giúp đỡ hàng xóm, tại sao phải đi thờ phượng, bày tỏ lòng quan tâm và tình yêu thương đối với những người khác, hoặc tại sao không được nói láo hoặc xem một số loại phim ảnh nào đó. Khi bạn đơn sơ giải thích những điều này cho con cái, là bạn đang truyền đạt cho con đâu là những điều có giá trị và khích lệ con trẻ biết phân biệt. Những lời giải thích này không cần phải là những bài giảng thuyết dài lê thê nhưng chỉ cần là những câu nói đơn giản về những gì bạn tin là lời dạy bảo của Chúa.
Cõi thiên nhiên cũng đem lại cho chúng ta những cơ hội rất tuyệt vời để trò chuyện với con về vẻ đẹp, trật tự, những dự định và những điều phức tạp trong công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời. Trong khi chuyện trò với con, bạn có thể bày tỏ đức tin của bạn nơi sự nhơn lành, nơi sức mạnh của Đức Chúa Trời và sự hiện diện ở khắp mọi nơi của Ngài. Mỗi ngày đều đầy dẫy những cơ hội để nói với con cái của bạn về Đức Chúa Trời.
Con trẻ có thể rất cởi mở để lắng nghe lời dạy dỗ của cha mẹ vào những thời điểm nào đó. Những “giây phút chịu học hỏi” đặc biệt đó xảy ra một cách tự phát, và cha mẹ cần học biết để nhận diện ra những thời điểm hoặc cơ hội ấy là lúc nào. Có thể con cái cho bạn thấy dấu hiệu rất sẵn sàng của nó đối với loại dạy dỗ này bằng cách sẽ hỏi một câu hỏi rất sâu sắc, mang một gương mặt rất tò mò, hoặc vừa trãi qua một kinh nghiệm trên phương diện tình cảm và để lại trong nó những chấn động. Vào những lúc như vậy, con trẻ có thể rất cởi mở để nhận lấy những chân lý thuộc linh, và nó sẽ sẵn sàng để tiếp nhận những lời giải thích của Kinh Thánh theo một mức độ mà nó có thể hiểu được.
Bạn hãy nhạy bén để nhận biết khi nào thì con có những giây phút chịu học hỏi; rất dễ để chúng ta bỏ mất cơ hội dạy dỗ tự phát này. Một số thì giờ thông thường có thể dạy dỗ được là:
1. Khi cha mẹ với con cầu nguyện bên giường ngủ
2. Lúc có những nhu cầu đặc biệt: đau yếu hoặc có một điều gì tổn hại, mất mát.
3. Khi con trẻ đối diện với những trường hợp không vui tại trường học.
4. Khi có sự chết xảy ra trong gia đình
5. Khi con trẻ phải vật lộn với những mặc cảm tội lỗi.
Một yếu tố quan trọng của việc bắt lấy những giây phút chịu học hỏi là chúng ta sẵn sàng để con có thể đến gần. Bạn có sẵn sàng là người lắng nghe con chuyện trò và kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của chúng từ ngày này qua ngày kia không? Nếu bạn là người sẵn sàng, con cái sẽ biết rằng bạn quan tâm đến chúng. Rồi khi con có một thắc mắc nào vướng bận tâm trí, nó sẽ không nghĩ rằng, “Ôi, Bố mình (Mẹ mình) chẳng quan tâm đâu. Bố (Mẹ) không bao giờ chịu nghe bất cứ điều gì mình nói!”. Ngược lại, con sẽ cảm thấy thoải mái chạy đến hỏi bạn câu hỏi quan trọng ấy, và bạn sẽ có một cơ hội đặc biệt để giúp đỡ con về mặt tâm linh.
Tại sao đôi khi chúng ta lại chần chừ trong việc “dạy dỗ” và “chuyện trò” với con về những điều thuộc về Chúa như Môise thúc giục trong Phục Truyền? Có lẽ vì giá phải trả cho công việc này quá đắt, nghĩa là chúng ta phải dành vô số thì giờ và sự quan tâm cho đứa bé ấy. Nhiều bậc cha mẹ chỉ đơn giản không bằng lòng trả cái giá này. Đôi khi chúng ta cống hiến thì giờ cho những công việc khác coi có vẻ quan trọng hơn và xao lãng công việc ưu tiên là huấn luyện con cái mình. Những điều khác đó có thể là tốt và sinh lợi, nhưng việc huấn luyện một đứa trẻ đến mức độ trưởng thành tâm linh phải được đặt cao nhất giữa vòng những công việc ưu tiên của chúng ta với một thái độ không phải cân nhắc gì cả.
Nếu cha mẹ không bằng lòng trả giá cho công việc này đúng lúc và quan tâm khi con còn nhỏ, thì sau này họ sẽ phải trả một giá đắt hơn gấp nhiều lần, đó là giá của sự nuối tiếc, của tấm lòng tan vỡ…hoặc còn tệ hơn nữa.
Lời Đức Chúa Trời chứa đựng những điều kỳ diệu để chúng ta có thể truyền đạt lại cho con cái, đặc biệt là những sứ điệp tin lành của Chúa Jêsus. Được nuôi dạy con trong niềm tin Cơ Đốc quả là một đặc ân và được nhìn thấy con cái trưởng thành trong Chúa là niềm vui mừng. Nguyện Chúa cho chúng ta không xao lãng những trách nhiệm chủ yếu mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho bậc cha mẹ để huấn luyện con cái trong Lời của Ngài.
Bài Tập 9
—————————————Hãy suy nghĩ về Phục Truyền 6:4-9. Hãy suy nghĩ đến những phương cách thực tiễn nào có thể áp dụng lời khuyên dạy con khi đi ngoài đường, khi nằm xuống cũng như lúc chổi dậy. Ghi lại những ý tưởng của bạn, và ấn định một số mục tiêu cho chính bạn trong việc dạy dỗ.
————————————–Khuôn mẫu nền tảng của người Hêbơrơ trong việc giáo dục. Nếu chúng ta xem qua cách người Hêbơrơ biến Phục Truyền 6 thành một chương trình giáo dục thực tế cho con cái họ thì điều đó sẽ rất ích lợi. Ngược lại với những nền văn hóa khác, trong thế giới của người Hêbơrơ, con trẻ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Vì cớ con trẻ được đặt ở một vị trí rất có ý nghĩa, con trẻ có khuynh hướng lớn lên với một cảm nhận của lòng tự trọng, thấy mình xứng đáng và có giá trị. Vì cớ con trẻ được xem là quan trọng nên nền giáo dục cho con trẻ cũng rất quan trọng. Vì thế, sự huấn luyện của chúng ta cũng phải nhằm mục đích gây dựng con trẻ chứ không phải làm cho con cảm thấy mình bị coi thường hoặc tạo nên trong con một sự nản lòng. Chúng ta phải thường xuyên chuyện trò với con về giá trị của con và cho con thấy nó được bảo đảm trong tình yêu thương của chúng ta.
Trong suy nghĩ của người Hêbơrơ, mục tiêu của việc giáo dục là sản sinh ra những con người sâu sắc và am hiểu. Điểm mấu chốt trong sự huấn luyện của người Hêbơrơ là nhận biết Đức Chúa Trời và ý chỉ của Ngài được chứa đựng trong Kinh Thánh. Josephus đã nói về Môise rằng, “Ông đã truyền lệnh cho chúng ta phải dạy dỗ con cái trong những lẽ nền tảng của tri thức, dạy chúng bước đi theo luật pháp, và nhận biết công việc của tổ phụ chúng.” Một số người trong chúng ta xuất thân từ những gia đình Cơ đốc nên nhờ đó có được những di sản thuộc linh để truyền đạt lại cho con cháu. Vì thế, con cái của chúng ta nhận biết được mình là ai và tại sao Đức Chúa Trời là trọng điểm trong đời sống hằng ngày của chúng. __
Nền giáo dục của người Hêbơrơ cũng nhấn mạnh vào những điều thực tế. Một phần trong trách nhiệm của bậc làm cha mẹ cũng bao gồm việc tìm cho con một người phối ngẫu thỏa đáng và dạy con trai một nghề nghiệp để người thanh niên ấy có thể lo liệu cho gia đình mình. Những người nữ trẻ tuổi phải được huấn luyện để quán xuyến gia đình một cách khéo léo và dự phần vào nhiều trách nhiệm có liên hệ đến gia đình, như đã được mô tả trong Châm Ngôn 31. Giúp đỡ con cái chúng ta học biết những kỷ năng thực tế để chúng phát triển lòng tự tin là một phần quan trọng của cha mẹ. Chúng ta không “làm ơn” cho con cái mình bằng cách làm hết mọi chuyện và cho chúng có thì giờ vô tận để chơi đùa.
Bằng chứng cho thấy trong nền văn hóa của người Hêbơrơ, một thanh niên được chuẩn bị đầy đủ với loại giáo dục này, người ấy mang một cảm nhận mạnh mẽ rằng mình là người có gốc gác, cảm thấy an toàn trong cơ chế của gia đình và xã hội, và tin chắc rằng mình đang làm trọn ý chỉ của Đức Chúa Trời như một thành viên được dự phần giữa dân sự được Đức Chúa Trời chọn lựa. Người ấy được thừa nhận và có một giá trị trong gia đình mình, trong cộng đồng của mình và trong dân tộc của mình, nhờ vậy người ấy cảm biết mình là quan trọng trong cả kế hoạch của đời sống.
Khi con trẻ ấy ngày càng lớn lên và gia tăng những mối quan hệ với những nền văn hóa bên ngoài Do Thái, thì con trẻ ấy đã được trang bị cách đầy đủ với đặc tính mạnh mẽ và mục tiêu trong cuộc đời. Như vậy, với một mức độ nào đó, người ấy đang kháng cự lại với những hệ thống giá trị và niềm tin nào xung đột với những điều của riêng mình. Chỉ khi nào người ấy xem thường những sự huấn luyện của mình ở một mức độ nào đó thì mới bị cảm hóa bởi những hệ thống giá trị của người ngoại bang. Nhờ nhấn mạnh vào sự huấn luyện con trẻ, người Do Thái đã có thể bảo tồn những tính chất và đặc điểm của họ trong suốt những năm tháng lịch sử có đầy dẫy sự chống đối.
Bạn có thể hỏi, Tại sao phải nhìn lại khuôn mẫu giáo dục của Cựu ước? Trước hết, cách giáo dục của người Hêbơrơ tượng trưng cho một nỗ lực để bày tỏ và thực hiện trách nhiệm như đã được truyền lệnh trong Phục Truyền đoạn 6. Thứ hai, mặc dầu điều đáng buồn là dân tộc Do Thái không thừa nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsia, thì nền giáo dục dựa vào Phục Truyền đoạn 6 cũng đã thành công trong việc gìn giữ đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời có một và thật và biệt riêng họ ra với tư cách là một dân tộc suốt nhiều thế hệ. Với sự vùa giúp của Đức Chúa Trời, các bậc cha mẹ Cơ đốc có thể khắc ghi những giá trị tin kính vào đời sống của con cái mình như Phục Truyền đoạn 6 đã truyền lệnh, và sự huấn luyện này có thể lưu truyền lại cho các thế hệ tương lai của những người yêu kính Chúa.
Bài Tập 10
…………………………………………………………………….
Lãnh vực nào trong cách huấn luyện của người Do Thái đã gây ấn tượng nơi bạn nhiều nhất? Bạn có thấy điều nào tương tự giữa nền giáo dục của người Hêbơrơ với những gì được thực hiện trong chính xã hội của bạn không? hoặc trong gia đình bạn? Nếu có, đó là những điều nào?
…………………………………………………………………….
Sự Huấn Luyện Cân Đối Trong Gia Đình Của Chúa Jêsus
Những ngày thơ ấu trong đời sống của Chúa Jêsus cho chúng ta một gương mẫu về cách cha mẹ trên đất của Chúa Jêsus thực hiện triệt để chương trình giáo dục mẫu mực của người Do Thái như thế nào. Hãy đọc Luca 2:39-40, 52
Swindoll bình luận về những câu này:
Tập hình mà chúng ta có về Chúa Jêsus khi còn là một cậu bé chỉ có hai tấm: một tấm hình trong thời thơ ấu của Ngài (Luca 2:39-40); bức hình kia là khi Ngài đứng trước ngưỡng cửa của tuổi thiếu niên (Luca 2:41-52). Không tấm nào được khai triển đầy đủ, nhưng nó có đầy đủ những nét bày tỏ sự cương quyết của Ngài trong những ngày còn rất nhỏ. (Chúng ta hãy) nhặt lên tấm ảnh chụp nhanh đầu tiên…
Khi Giô sép và Mari đã làm trọn mọi việc theo luật pháp Chúa rồi, thì trở về thành của mình là Nazarét trong xứ Galilê. Con trẻ lớn lên, và được mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan, và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài. (Luca 2:39-40).
Trong câu 39 chúng ta thấy Mari và Giôsép trong những năm đầu đời của Chúa Jêsus. Ở đây vẽ ra hình ảnh của bậc cha mẹ hứa nguyện, nghĩa là hứa nguyện với Đức Chúa Trời và hứa nguyện với con trẻ. Và sự hứa nguyện của họ rất tỉ mỉ, “(làm) trọn mọi việc theo luật pháp Chúa.”22
Mari và Giôsép không chỉ tham dự khóa huấn luyện thuộc linh dành cho con trẻ Jêsus, nhưng họ còn nhấn mạnh đến việc thực hành. Chúa Jêsus đã học nghề thợ mộc, để Ngài có thể nuôi mình và góp phần hỗ trợ cho gia đình mình (Giăng 19:26-27). Mọi người biết Ngài là thợ mộc hay con của người thợ mộc (Mác 6:3).
Có bốn lãnh vực tăng trưởng được đề cập đến trong câu 40 và 52. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm (tăng trưởng về tâm trí), thân hình càng lớn (tăng trưởng về thân xác), càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời (tăng trưởng tâm linh) và đẹp lòng người ta (tăng trưởng về mặt xã hội). Những câu Kinh Thánh này cho chúng ta thấy nhân tánh của Đấng Christ và những phương diện tăng trưởng của Ngài, đó là những lãnh vực mà chúng ta phải xem xét trong khi nuôi dạy con. Có một số cha mẹ chỉ chú tâm đến lãnh vực tăng trưởng tâm linh của con mà thôi. Tuy nhiên, sự phát triển tâm linh không xảy ra trong khoảng chân không. Một đứa trẻ cần tăng trưởng về mặt xã hội, tâm trí, và cả tình cảm nữa.

ĐỜI SỐNG QUÂN BÌNH CỦA CƠ ĐỐC NHÂN
Đời sống của Chúa Jêsus được mô tả là một đời sống quân bình. Cụm từ “đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” chứng tỏ rằng cả mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Trời và với con người đều hài hòa. Rõ ràng là mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Cha không bao giờ phải bị nghẹt ngòi khi chúng ta nhìn thấy mối quan hệ của Ngài với con người mỗi ngày.

Kết Luận
Chúng ta kết luận chương bàn về huấn luyện bằng cách nhìn vào thời kỳ thơ ấu của Chúa Jêsus. Chúng ta thấy đời sống của Ngài là một đời sống quân bằng trong lãnh vực thân xác, tâm trí, xã hội và tâm linh. Tuy nhiên, rõ ràng đời sống tâm linh của Ngài không phải là một phần tách biệt. Thay vào đó, đời sống tâm linh của Ngài thấm vào tất cả những lãnh vực khác của đời sống Ngài: Qua những thái độ và suy nghĩ, qua mối quan hệ với cha mẹ và những người khác và ảnh hưởng ngay cả đến những thói quen và sinh hoạt thuộc thể. Một đời sống quân bình phải là như vậy.
Chúng ta nghiên cứu cuộc đời của Chúa Jêsus như là một phần nhấn mạnh sau cùng cho bài học này là điều rất thích đáng. Vì khi suy xét đến công tác huấn luyện, mục tiêu huấn luyện của chta phải là giúp cho con trẻ ngày càng trở nên giống như Đấng Christ càng hơn. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi mục tiêu ngày càng giống như Đấng Christ phải là mục tiêu mà chúng ta phải ấn định cho chính mình, không phải một năm một lần, như là một quyết tâm vào mỗi năm mới, nhưng là quyết định hằng ngày. Chúng ta hãy tìm cách để trở nên giống như Ngài, để làm gương cho con cái về một tâm tánh giống như Đấng Christ. Chính cách sống của chúng ta sẽ là tiếng nói lớn hơn tất cả những lời chúng ta nói ra.
Như chúng ta đã thấy, công tác huấn luyện là một công tác đáng kinh sợ. Tuy vậy, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta kết ước với công tác này và sự kết ước ấy cứ được lập đi lập lại. Mỗi buổi sáng khi con chúng ta nhảy ra khỏi giường để bắt đầu một ngày mới, chúng ta cần làm mới lại kết ước của chính mình trong công tác huấn luyện như thế nào, thì chúng ta cũng cần ngắm xem Chúa Jêsus một lần nữa, chăm mắt nhìn xem Ngài, dựa nơi Ngài, để Ngài chỉ lối cho chúng ta, bởi gương mẫu tuyệt hảo của Ngài, cho chúng ta biết cách trở nên bậc cha mẹ khôn ngoan và tin kính như thế ấy.
Nghiên Cứu Đề Án 1
Hãy tự đánh giá bạn trong vị trí của bậc cha mẹ theo những gì bạn đã học được trong bài này:
1. Bạn cảm thấy mình mạnh mẽ trong những lãnh vực nào?
2. Lãnh vực yếu đuối nhất của bạn nằm ở đâu?
3. Ôn lại phần đánh giá của bạn về bốn lãnh vực hứa nguyện như đã được yêu cầu. Bạn đã thực hiện những bước nào để làm cho sự hứa nguyện của mình càng sắt son hơn?
4. Bạn thấy đời sống hằng ngày của mình có làm gương cho con cái không? Hãy tự đánh giá.
5. Bạn đang thực hiện công việc dạy dỗ và nói chuyện cụ thể với con cái mình ra sao?
6. Mỗi lần nhìn con, bạn thấy có những kết quả gì từ khóa huấn luyện này?
a. Lâu nay bạn có áp dụng cùng một cách dạy dỗ cho mỗi đứa con không? Bạn có khuynh hướng hay so sánh con với anh chị em của nó không?
b. Bạn có thử huấn luyện con theo những đặc điểm, khả năng và sở thích của con không?
c. Điều bạn phải vật lộn nhiều nhất trong quá trình huấn luyện là gì, tại sao?
d. Niềm vui lớn nhất của bạn lâu nay là gì?
7. Trong chương này, bạn đã nhận được điều gì ích lợi cho chính mình? Hãy thảo luận về điều ấy với vợ hoặc chồng của mình.
Nếu bạn không có con cái, hãy dựa trên những lãnh vực này để đánh giá về cha mẹ của bạn hoặc về một gia đình nào đó thân thiết với bạn.
Nếu con cái của bạn đã lớn, hãy trả lời thêm câu hỏi sau đây: Nếu bạn phải trở lại với những ngày chăm sóc con trong thời thơ ấu, bạn sẽ thực hiện công việc ấy ra sao? Có gì khác với những công việc bạn đã làm không?
Trong khóa hội thảo sắp tới, bạn hãy chuẩn bị để thảo luận về một lãnh vực trong những điều bạn đã nghiên cứu.
TRẢ LỜI CÂU HỎI
Câu Hỏi 1
Câu trả lời của bạn
Câu Hỏi 2
Câu trả lời của bạn
BÀI TỰ KIỂM TRA
ĐÚNG/ SAI. Đánh dấu bằng chữ “Đ” hoặc “S” nếu mỗi câu sau đây là đúng hay sai. Nếu bạn nghĩ câu ấy sai, hãy cho biết tại sao sai:
1. Con cái là món quà từ Đức Chúa Trời.
2. Số con cái mà chúng ta có bày tỏ mức độ thuộc linh của chúng ta.
3. Tân ước đưa ra những nguyên tắc mới mẻ về việc huấn luyện con cái.
4. Sách Châm Ngôn không được dự định để trở thành những lời hứa trọn vẹn từ Đức Chúa Trời, nhưng chỉ là những nguyên tắc và lời hướng dẫn chung mà vẫn có trường hợp ngoại lệ.
5. Hội thánh là nơi lãnh trách nhiệm chủ yếu trong việc huấn luyện con trẻ.
6. Không phải tất cả con trẻ đều được đổ ra từ một cái khuôn.
7. Cha mẹ phải chờ cho đến khi con lớn đủ, biết phân biệt phải trái rồi mới bắt đầu huấn luyện chúng.
8. Việc huấn luyện bao gồm cả trách nhiệm của cha mẹ lẫn sự đáp ứng của con cái.
9. Kinh Thánh dạy rằng cha mẹ phải chịu trách nhiệm về tất cả tội lỗi của thế hệ kế tiếp.
10. Cha mẹ tốt không luôn luôn tạo ra những người con tốt đâu.
ĐIỀN VÀO KHOẢNG TRỐNG. Hãy hoàn tất những câu nói sau đây bằng cách viết vào vở của bạn từ, cụm từ hoặc câu phải được điền vào khoảng trống đó:
1. Việc huấn luyện đòi hỏi phải có sự hứa nguyện với….,….,….và…….
2. Bốn lãnh vực tăng trưởng được mô tả trong Luca 2:52 là…………………,……………..,……………và……………
3. Huấn luyện đúng đắn là tìm cách đem đến sự biến đổi của…………..để tâm tánh và hành vi của đứa trẻ phù hợp với những lời hướng dẫn mà nó đã được dạy.
4. Sự huấn luyện của cha mẹ không nên làm cho con cái bị…………
5………………được Đức Chúa Trời giao cho trách nhiệm để trở thành người nòng cốt trong việc huấn luyện con.
6. Có lẽ cụm từ “dầu khi người trở về già” có nghĩa là…………….
CÂU TRẢ LỜI NGẮN. Trả lời cho mỗi câu hỏi và câu nói sau đây không quá ba câu:
1. Sự khác biệt giữa việc dạy con theo nghi thức và không theo nghi thức trong gia đình là gì?
2. Hãy tóm tắt lời dạy dỗ của Tân ước về việc nuôi dạy con cái. Lời dạy của Tân ước nhấn mạnh đến điều gì?
KINH THÁNH THUỘC LÒNG. Viết thuộc lòng Châm Ngôn 22:6 và Phục truyền 6:4-9.
NHỮNG Ý NIỆM QUAN TRỌNG CỦA KINH THÁNH. Trưng dẫn Kinh Thánh và trình bày phần Kinh Thánh trưng dẫn ấy đã hỗ trợ thế nào cho những ý niệm quan trọng này:
1. Việc huấn luyện con trẻ phải được xem xét thế nào cho phù hợp với nhân cách độc đáo, thói quen và sở thích của chúng.
2. Sự huấn luyện con cái có hiệu quả được bắt đầu từ mối quan hệ của cha mẹ với Chúa.
TRẢ LỜI BÀI TỰ KIỂM TRA
ĐÚNG/ SAI
1. Đúng
2. Sai. Trong Kinh Thánh có nhiều người không tin kính mà vẫn có vô số con.
3. Sai. Sự im lặng của Tân ước tái khẳng định những nguyên tắc của Cựu ước.
4. Đúng.
5. Sai. Cha mẹ phải là những người đóng vai trò chính trong việc huấn luyện con cái mình.
6. Đúng.
7. Sai. Việc huấn luyện phải được bắt đầu khi con còn rất nhỏ.
8. Đúng.
9. Sai. Kinh Thánh không hỗ trợ cho lời kết luận này.
10. Đúng.
ĐIỀN VÀO KHOẢNG TRỐNG
1. Việc huấn luyện đòi hỏi phải có sự kết ước với Đức Chúa Trời, Lời Ngài, sự dạy dỗ và với sự tỉa sửa.
2. Bốn lãnh vực tăng trưởng được mô tả trong Luca 2:52 là sự tăng trưởng về thể xác, xã hội, tâm trí và thuộc linh.
3. Sự huấn luyện đúng đắn phải tìm cách đem lại sự thay đổi ý chí để tâm tánh và và cách hành xử của trẻ phù hợp với lời dạy dỗ mà nó đã được học.
4. Cha mẹ không nên làm cho con bị vấp phạm.
5. Cha mẹ được Chúa giao cho trách nhiệm trở thành người huấn luyện nòng cốt cho con cái mình.
6. Cụm từ “khi người trở về già” có nghĩa là khi người ấy trưởng thành, hoặc người ấy đã có râu.
CÂU TRẢ LỜI NGẮN
1. Sự dạy dỗ theo đúng nghi thức xảy ra trong giờ gia đình lễ bái và vào những dịp đặc biệt nào mà chúng ta có cơ hội để dạy những chân lý thuộc linh cho con. Những cách dạy dỗ không đúng nghi thức xảy ra khi cha mẹ chỉ chuyện trò với con cái trong đời sống hàng ngày.
2. Cha mẹ không phải là những hòn đá vấp chân cho con cái nhưng là những người gây dựng con theo sự dạy dỗ của Chúa. Êphêsô 6:4 và Côlôse 3:21 là hai câu Kinh Thánh trực tiếp dạy dỗ bậc cha mẹ.
KINH THÁNH THUỘC LÒNG
Lấy Kinh Thánh để so lại câu kt bạn đã viết ra.
NHỮNG Ý NIỆM QUAN TRỌNG CỦA KINH THÁNH
1. Việc huấn luyện con trẻ phải được xem xét thế nào cho phù hợp với nhân cách độc đáo, những thói quen và những sở thích của chúng: Châm Ngôn 22:6, con trẻ phải được huấn luyện trên “con đường” nó phải theo có lẽ chỉ về tâm tánh độc đáo của đứa trẻ ấy.
2. Việc huấn luyện con trẻ hiệu quả bắt đầu từ mối quan hệ của cha mẹ với Chúa: Phục Truyền 6:4-9, các bậc cha mẹ được truyền lệnh phải yêu Chúa với cả tấm lòng, linh hồn và sức lực. Rồi họ phải dạy điều ấy lại cho con cái.
__

PHẦN ĐỀ NGHỊ CHO GIỜ GIA ĐÌNH LỄ BÁI
Cha mẹ có thể sử dụng ít nhất ba phương pháp để truyền thông những chân lý thuộc linh cho con cái: qua đời sống gương mẫu của chính mình, qua những lời dạy dỗ theo nghi thức, và qua những lời dạy dỗ không theo nghi thức. Những phương pháp dạy dỗ này được hàm ý trong Phục Truyền 6:4-9. Chúng ta phải yêu mến Đức Chúa Trời và ghi khắc lời Chúa trong lòng (câu 5-6), và bày tỏ một gương mẫu sống động để con cái bước theo. Thứ hai, “ân cần dạy dỗ chúng” (c.7), có ý nói về những sự dạy dỗ theo nghi thức. Những lời dạy dỗ không theo nghi thức là phương pháp thứ ba, được thực hiện mỗi khi có cơ hội trong đời sống hằng ngày: “khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.” (c.7).1
Những giờ lễ bái gia đình có liên hệ với mạng lệnh của Đức Chúa Trời về việc nuôi dạy con cái không?
Những giờ lễ bái gia đình là những thì giờ có tổ chức đã được nghi thức hóa để liên tục dạy dỗ và truyền thông, là một thì giờ mà cha mẹ và con cái đều giống nhau trong trách nhiệm phải chia xẻ, học hỏi và thờ phượng…Giờ lễ bái của gia đình có thể được sử dụng như là một nền tảng để từ đó con cái thấy ham thích học hỏi và được tăng trưởng về mặt thuộc linh.2*
Tại sao phải có giờ gia đình lễ bái?
1. Đức Chúa Trời truyền lệnh cho cha mẹ phải dạy dỗ con cái.
2. Thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng nhất để học hỏi. Con trẻ là những người có tâm trí rất cởi mở để tiếp nhận những tư tưởng và bài học mới mẻ. Người làm cha mẹ đang ở trong vị trí rất tuyệt vời, được lựa chọn xem mình sẽ làm cho tâm trí con đầy dẫy những điều gì.
3. Cha mẹ có thể dẫn dắt con cái đến mối quan hệ riêng tư với Đức Chúa Trời qua Đấng Christ.
4. Cha mẹ có thể môn đệ hóa con cái mình, nghĩa là giúp con am hiểu và khai triển những thái độ, cách sống nào đẹp lòng Chúa. Cha mẹ có thể giới thiệu với con về một cuộc đời phiêu lưu kỳ thú với Đức Chúa Trời.
5. Những thì giờ lễ bái có tổ chức sẽ tạo thành chỗ nối kết thuộc linh cho một gia đình. Gia đình là một đơn vị cơ bản của xã hội trong Cộng đồng Cơ đốc. Trong cộng đồng Cơ đốc ấy, chúng ta học biết quan hệ với nhau như ruột thịt và như những người bạn trong Chúa.3*
Giờ lễ bái thành công của một gia đình xuất hiện từ những giờ tĩnh nguyện riêng tư, mạnh mẽ và thường xuyên của cha mẹ với Chúa.
Nền tảng cho những giờ lễ bái gia đình chính là mối quan hệ của cha mẹ với Chúa. Giờ lễ bái gia đình là sự bộc phát đức tin tự nhiên của cha mẹ. Dầu cho cha mẹ có nỗ lực khó nhọc bao nhiêu đi chăng nữa, thì họ cũng không thể nào dẫn dắt giờ gia đình lễ bái thành công nếu như chính họ không có một đức tin sống động. Tuy nhiên, nếu đức tin của cha mẹ mạnh mẽ, thì những giờ gia đình lễ bái sẽ là cơ hội để cha mẹ cho con cái thấy mối quan hệ riêng tư của họ với Chúa. 4
Làm thế nào có thể sử dụng giờ lễ bái một cách hiệu quả nhất trong việc dạy con? Có lẽ bạn đã thử làm một chương trình lễ bái đều đặn và đã thất bại, bạn thấy con cái mình bận rộn quá, chán nản quá và cũng chẳng thèm quan tâm. Hoặc bạn đã có một thì giờ gia đình lễ bái rất thành công và bây giờ chỉ cần thêm một số điều tươi mới để thay đổi. Phần phụ lục này đưa ra những lời đề nghị để bạn có thể thực hiện giờ lễ bái khi nào, thực hiện thế nào, và bao gồm những phần nào. Hãy học và áp dụng phần phụ lục này sao cho phù hợp vào bối cảnh riêng của gia đình bạn.
Tổ Chức Giờ Gia Đình Lễ Bái Vào Lúc Nào
Hãy chọn một thì giờ thích hợp cho mọi người trong gia đình. Buổi sáng có thể không phải là thì giờ tốt nhất nếu ai nấy phải rời nhà để đi học, đi làm vào những giờ khác nhau, hoặc đó là thì giờ rất cấp bách. Thì giờ tốt nhất có lẽ quanh bàn ăn sau giờ cơm tối hoặc trước giờ đi ngủ. Hãy thử xem thì giờ nào là tốt nhất cho gia đình bạn.
Nếu thời khóa biểu của các con bạn không có cùng một giờ rãnh, có lẽ bạn cần phải dàn xếp và chọn ra thì giờ mà mỗi người trong gia đình đều sẽ có mặt. Có lẽ có những người lúc nào cũng có mặt, còn những người khác sẽ ngồi lại khi nào họ có thì giờ.
Tổ Chức Giờ Gia Đình Lễ Bái Như Thế Nào?
Phải dùng mọi cách để giờ gia đình lễ bái là giờ vui mừng mà các con chúng ta mong đợi mỗi ngày. Mặc dầu những giờ lễ bái là giờ có tổ chức hơn những giờ dạy dỗ tự phát, nhưng không nên để cho những giờ đó nhàm chán và mất sự sống động. Những thì giờ lễ bái có tổ chức, được sắp xếp đàng hoàng có thể giúp bạn đạt mục tiêu và làm cho con cái ham thích. Bạn có thể dự định sao cho việc học hỏi trở thành thú vị và thậm chí là giờ vui vẻ cười đùa cho con cái nữa. Một số điều mấu chốt để bạn thực hiện thì giờ này là:
Tạo ra một bầu không khí thoải mái, tự nhiên và không gò bó gì cả. Dĩ nhiên chúng ta muốn có sự tôn kính mỗi khi đến trước mặt Cha thiên thượng, nhưng tôn kính không cần thiết phải có nghĩa là theo đúng qui cách, cứng đờ, nghiêm trang. Chúng ta đến với Chúa như các con trẻ của Ngài, la lên rằng, “Aba! lạy Cha! (Galati 4:6). Chúng ta có thể cùng nhau đến với Chúa như một gia đình và tự nhiên như một đứa con chạy đến với cha mẹ.
Làm cho thì giờ này thành ra giờ chia sẻ cho mọi người. Khích lệ mọi người trong gia đình tham dự đầy đủ và tự do chia sẻ. Sao cho ngay cả đứa bé nhất cũng cảm thấy mình là một phần trong buổi nhóm ấy. Những đứa lớn hơn sẽ thấy thú vị hơn khi được tham gia ý kiến. Các em thiếu niên luôn luôn muốn bày tỏ ý kiến của mình và nên được khích lệ để bày tỏ. Tạo điều kiện để mỗi người trong gia đình có cơ hội được dự phần, hãy phân công; gọi đứa này đọc Kinh Thánh, đứa kia cầu nguyện, chọn bài hát; và hãy hỏi ý kiến của các con. Hãy hỏi nhau những điều như: hôm nay con thế nào, gặp những nan đề gì, những đắc thắng nào, phước hạnh gì. Và khích lệ con nêu lên những thắc mắc về lời Chúa. Nếu bạn không biết câu trả lời, cho các con biết bạn sẽ cố gắng tìm cho ra câu trả lời. Các phụ huynh thân mến, đây không phải là giờ để giảng cho con đâu. Càng được dự phần bao nhiêu, thì mọi người càng thấy thích tham dự giờ gia đình lễ bái bấy nhiêu.
Hãy giữ cho giờ lễ bái ngắn gọn. Mười lăm tới hai mươi phút là đủ. Thông thường con trẻ sẽ ngồi không yên nếu bạn kéo dài. Nếu con còn quá nhỏ, hãy rút ngắn thì giờ lại thành năm hoặc mười phút. Đừng đòi hỏi con nhỏ phải ngồi cho thật nghiêm túc, nhưng bạn càng làm cho thì giờ ấy trở thành thích thú bao nhiêu thì chúng càng có thái độ nghiêm túc bấy nhiêu. Thỉnh thoảng, các con có thể đề nghị bạn kéo dài thời gian để được bàn thảo, nhưng không nên kéo dài chỉ vì một mình bạn thấy đây là chủ đề mình thích đặc biệt. Hãy làm tất cả mọi việc bạn có thể làm để giữ các con chú ý và thích thú. Nếu chúng không quan tâm hoặc thấy chán, mục tiêu của bạn đã bị thất bại, thật rủi ro cho bạn vì đã làm con cái nghĩ rằng Kinh Thánh đáng chán. Giờ lễ bái của gia đình phải góp phần giúp con cái phát triển một cảm nhận vui mừng trong mối quan hệ riêng tư với Đức Chúa Trời. Giờ lễ bái không nên là thì giờ nhạt nhẽo hoặc chán ngắt.
Hãy sử dụng những sinh hoạt và ý kiến phong phú. Một vấn đề rất quan trọng để làm cho thì giờ này trở thành thích thú với con trẻ là thay đổi nội dung mỗi ngày. Bạn có thể cho các con học một loạt về những thuộc tính của Đức Chúa Trời (mỗi ngày một thuộc tính), và rồi dành một ngày chỉ để hát hoặc chỉ để cầu nguyện mà thôi. Hãy làm cho cả gia đình ngạc nhiên vì những sinh hoạt độc đáo. Thay vì đi theo một khuôn mẫu nhàm chán mỗi ngày, bạn hãy làm cho buổi nhóm ấy thật phong phú. Thay đổi địa điểm bằng cách đi qua một căn phòng khác, đi ra công viên, hoặc ngồi nhóm trên xe. Luân phiên mời từng người trong nhà hướng dẫn giờ lễ bái.
Sử dụng những tài liệu khác nhau, chẳng hạn như máy truyền thanh, thị cụ, hoặc những trò chơi. Đừng đi vào “lối mòn” giảng thuyết và la mắng từ ngày này qua ngày kia. Cho các con dự phần bằng cách đóng những vở kịch về các câu chuyện Kinh Thánh, trả lời câu hỏi, nêu câu hỏi và chia sẻ những điều chúng suy nghĩ. Cách tốt nhất để mọi người đều chú ý là hạ mức độ của buổi thảo luận xuống cho phù hợp với trình độ của đứa bé nhất. Tránh dùng những từ thật khó hiểu và nhớ giải thích ý nghĩa của những từ bạn phải dùng. Ngay cả người lớn cũng thích nghe những câu chuyện kể cho con trẻ. Một qui luật rất hay để làm theo là nhớ thường xuyên cho các con đoán trước về những điều bạn sắp làm. Nếu bạn không để cho những buổi nhóm cứ rập khuôn, các con sẽ mong đợi những điều làm chúng ngạc nhiên và chúng sẽ ham thích những thì giờ ngồi lại với nhau càng hơn.
Lập sẵn một kế hoạch. Nhiều bậc cha mẹ bác bỏ chuyện phải có tinh thần sáng tạo cho giờ lễ bái của gia đình, sợ rằng công việc ấy sẽ đòi hỏi một sự chuẩn bị quá đắt giá và tiêu nuốt nhiều thì giờ. Không cần thiết phải như vậy.
Bạn có thể làm cho thì giờ lễ bái của mình mang ý nghĩa mới mẻ và tươi sáng nếu bạn chỉ dành vài phút mỗi ngày hoặc từ hai mươi đến ba mươi phút mỗi tuần để thu thập, tổ chức và trù tính cho thì giờ ấy. Gom lại tất cả những gì bạn định sử dụng như Kinh Thánh, nan đề cầu nguyện, thị cụ, phần thưởng vv…Nhờ chuẩn bị như vậy, bạn sẽ không phải nói, “Đến giờ gia đình lễ bái. Ai biết Kinh Thánh của ba ở đâu?” hoặc “Bữa nay đọc ở đâu đây?”
Giữ cho giờ nhóm ít bị phân tâm nhất. Nếu có thể được bạn hãy giữ tối đa để giờ nhóm không bị những điều khác chen vào hoặc làm chia trí. Chẳng bao lâu từng người trong gia đình bạn sẽ biết thu xếp thì giờ của mình để giờ gia đình lễ bái được trọn vẹn. Được như vậy là rất tốt. Những người bạn Cơ đốc của bạn cũng sẽ sớm nhận ra được thì giờ đặc biệt của gia đình bạn và sẽ tránh gọi điện thoại hoặc đến gặp bạn vào giờ đó.
Hãy làm cho giờ lễ bái thích hợp với đời sống của các con bạn. Khi bạn bắt đầu, hãy gây sự chú ý nơi các con bằng cách tập trung vào những gì mà chúng quan tâm, ví dụ như nhu cầu con đang gặp phải, một thắc mắc mà con đang ưu tư, một nan đề con đang phải đối diện. Cho các con thấy rằng những gì Kinh Thánh dạy rất thích hợp với đời sống của chúng. Nếu bạn đang học ví dụ về người Samari Nhơn Lành, thảo luận với các con xem chúng ta phải đối xử thế nào với những bạn bị ruồng bỏ trong trường học hoặc những thành phần bị xã hội ruồng bỏ chung quanh ta. Rồi áp dụng chân lý ấy vào đời sống. Ví dụ như bảo các con hãy đề nghị một cách thực tế để chúng có thể tiếp xúc với những bạn bị bỏ rơi hoặc bị chế nhạo trong trường học. Và giúp chúng làm được những điều ấy. Những giờ lễ bái phải là thì giờ để từ đó chúng ta rút ra được bài học cho đời sống thật, phải để lại trong lòng mỗi người trong gia đình những cách rất thực để áp dụng đức tin vào đời sống.
Ví dụ. Bà An là một người đàn bà góa có ba con, đã làm theo những nguyên tắc này và rất thành công.
Một buổi sáng nọ bà An đem ba chiếc giỏ nhỏ đến bàn ăn sáng và đặt ba giỏ ấy cạnh hai hủ muối, tiêu. Ba chiếc giỏ cứ nằm đó cho đến khi gia đình ăn sáng xong và bà An nói, “Thế cho phần đọc Kinh Thánh sáng nay, mẹ sẽ tặng món quà bất ngờ cho đứa nào có thể đọc thuộc lòng câu Kinh Thánh lẫn địa chỉ của một trong những câu gốc mình đã học tháng trước và nói cho mọi người nghe câu ấy có nghĩa là gì. Cho các con một phút để lựa trong giỏ và ôn lại.
Các con của bà tập trung hết sức trong một phút và rồi mỗi đứa chọn một câu Kinh Thánh để đọc và giải thích. Vì có một đứa đọc còn ngập ngừng nên bà An viết vội câu gốc của nó vào một mảnh giấy nhỏ, rồi nhét gọn vào hộp cơm trưa của nó.
Rồi bà An lấy ra một quyển Album có hình của những bạn hữu thân thiết với gia đình bà. Và mỗi đứa con của bà chọn một người để cầu thay.
Sau cùng, bà An dẫn các con ra đằng sau bếp, ở đó bà đã để sẵn mấy chậu bằng đất sét, bà cũng đem theo hạt giống và đất để trồng. Các con bà trồng những hạt giống, tưới nước và đặt những chậu ấy bên cửa sổ. Chỉ vài tuần sau những cây con đó sẽ lên hoa có thể làm quà tặng Giáng Sinh. Và các con bà vừa làm việc vừa nói đến niềm vui được ban cho.
Tất cả những sinh hoạt này tốn chừng cỡ mười hai phút và các con của bà có lưu tâm trong suốt thì giờ đó không?
Vì các con của bà An tham dự rất tích cực trong giờ lễ bái, nên những gì chúng học được trong buổi sáng hôm ấy sẽ được ghi khắc càng sâu đậm hơn trong tâm trí chúng. Con cái của bà An rất vui thích với những sinh hoạt phong phú này và mong mau đến thì giờ cả gia đình sinh hoạt chung vào mỗi buổi sáng.
Những Điều Nên Tránh Trong Giờ Gia Đình Lễ Bái
Phải cẩn thận để giờ gia đình lễ bái không trở thành một bổn phận tôn giáo. Phần tinh túy của sự thờ phượng là nhận biết sự hiện diện của Chúa. Nếu đây chỉ là một bổn phận tôn giáo, chúng ta sẽ mất đi sự nhận biết đó.
Đừng cứ lập đi lập lại mãi một thủ tục hoặc khuôn mẫu nào đó trong giờ lễ bái. Điều này làm cho giờ lễ bái trở thành máy móc, kiểu cách và trống rỗng. Để tránh điều này thì bạn phải tính trước, và để cho mọi người trong gia đình được tự do phát biểu để có thì giờ phong phú và thoải mái.
Đừng đem những nan đề hôn nhân vào giờ lễ bái. Làm như vậy sẽ có một ảnh hưởng tiêu cực trên thì giờ này. Hãy giải quyết những nan đề của bạn mỗi ngày trước khi mặt trời lặn như Kinh Thánh dạy, và con cái của bạn sẽ thấy tình yêu của Đức Chúa Trời được phản ảnh qua bạn và đặc biệt là qua giờ gia đình lễ bái.
Đừng dùng lời cầu nguyện trong giờ lễ bái để đem con “ra tòa”. Nếu ngày hôm ấy Xuân không vâng lời, bạn hãy nói riêng với con và cầu nguyện với một mình nó. Đừng cầu nguyện trước mặt nhiều người khác, “Lạy Chúa, xin hãy tha thứ cho Xuân vì ngày hôm nay nó rất hư. Chúa biết nó đã không vâng lời mẹ, và làm như vậy là không được.”
Tránh việc tỉa sửa và kỷ luật con cái trong giờ gia đình lễ bái. Chỉ trong những trường hợp con cư xử rất hư thì bạn mới nên chen vào giờ lễ bái vì mục đích này. Đừng nói, “Xuân, ngồi thẳng lên.” “Giang, đừng cắn móng tay nữa.” Phi, phải để cho người khác nói nữa chứ.” Nếu thấy cần, hãy nhắc nhở Xuân, Giang và Phi vào những dịp khác. Nếu cha mẹ sử dụng giờ lễ bái như giờ kỷ luật một cách thường xuyên, chẳng bao lâu các con sẽ bắt đầu có thái độ này, “Con không thích giờ gia đình lễ bái.” Thưa các bậc cha mẹ, không ai trong chúng ta hoàn hảo cả, và thỉnh thoảng chúng ta cũng cần xưng những lỗi lầm của mình với các con, vì điều đó rất quí. Đừng sợ phải thừa nhận với con là bạn sai. Các con sẽ tôn trọng bạn càng hơn vì sự hạ mình ấy.
Đừng nản lòng. Satan sẽ đặt nhiều cạm bẫy trên đường đi của những bậc cha mẹ tin kính nào muốn dạy dỗ Lời Chúa cho con, chẳng hạn như nó sẽ cản trở bằng cách dùng bệnh tật, khách khứa, điện thoại reo, một số việc cần phải làm ngay vv…Vì Satan biết đây là việc có thể gây dựng con trẻ và làm cho đức tin của chúng được mạnh mẽ hơn bất cứ công việc nào (Công vụ 20:23).
Vì thế, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy mình bị cản trở, nản lòng, bất mãn khi bạn tìm cách tổ chức giờ lễ bái đều đặn cho gia đình. Bạn sẽ bị cám dỗ nhiều lần với những tư tưởng như: “Nỗ lực cho công việc này thật chẳng đáng giá chút nào,” “mình không đạt được bất cứ điều gì” hoặc “bỏ cho rồi, vô ích quá.” Dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ. Kinh Thánh nói rằng chúng ta phải trung tín trong việc dạy dỗ lời Chúa cho con cái mình (Phục Truyền 6:7; Êphêsô 6:4). Khi chúng ta trung tín làm phần việc của mình, Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ lấy những Lời chúng ta đã đọc, đã hát, đã thảo luận, đã dạy dỗ, đã sống, đã nói vào tấm lòng của con cái chúng ta. Ngài sẽ khiến cho lời ấy sanh bông trái trong đời sống của chúng và chúc phước cho những bước chân còn loạng choạng của chúng ta bằng cách đem sự cứu rỗi đến cho con cái và gây dựng chúng trong đức tin. Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho những nỗ lực của các bậc cha mẹ nhẫn nại và quyết tâm chống lại những cản trở của Satan mà tiếp tục giờ lễ bái cho gia đình.
Những Điều Cần Làm Trong Giờ Gia Đình Lễ Bái
Những ý kiến sau đây sẽ giúp bạn lập nội dung cho giờ lễ bái của gia đình bạn. Hãy cố gắng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau; tìm những phương cách mới mẻ để trình bày chân lý.
Dùng Lời Chúa Làm Trọng Tâm Cho Giờ Lễ Bái. Trong khi suy nghĩ về nội dung, bạn hãy:
A. Cố gắng nghĩ đến nhu cầu khác nhau của từng người trong gia đình khi bạn dự định cho giờ học Kinh Thánh. Có đứa con nào trong gia đình bạn chưa được cứu chăng? Còn sự tăng trưởng trong niềm tin của những đứa đã được cứu thì sao? Có những nan đề nào giữa vòng các con mà bạn cần dùng Kinh Thánh để khuyên dạy không? Đây là những loại câu hỏi mà bạn cần tự hỏi chính mình khi suy nghĩ đến nội dung của giờ nhóm lại. Lời cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn của vợ chồng bạn sẽ rất quan trọng ở điểm này.
B. Dưới đây là những phương pháp khác nhau mà bạn có thể sử dụng để dạy Kinh Thánh:
1. Hỏi và Đáp. Trước giờ lễ bái, người dạy Kinh Thánh sẽ soạn những câu hỏi (ai, khi nào, ở đâu, thế nào, cái gì, tại sao) và thông báo là sau khi đọc phân đoạn ấy, nhiều câu hỏi được đưa ra và ai nấy chuẩn bị trả lời. Những câu hỏi ấy phải phù hợp với lứa tuổi và mức độ trưởng thành của con trẻ. Đặt ra những câu hỏi như vậy sẽ dạy con trẻ biết tự suy nghĩ về ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh mà nó vừa nghe. Việc đặt câu hỏi này cũng giúp chúng nghe chăm chú hơn.
Hãy hỏi những câu hỏi nào giúp con trẻ vẽ ra được nội dung của phân đoạn Kinh Thánh. Một số câu hỏi để bạn có thể xem xét là:
a. Có chân lý nào để hiểu biết và tin cậy không?
b. Có tội lỗi nào cần tránh không?
c. Có lời cảnh cáo nào cần phải lưu tâm không?
d. Có gương mẫu nào cần noi theo không?
e. Có lời hứa nào để nương dựa không?
f. Có mạng lệnh nào để vâng phục không?
Bạn cũng hãy hỏi những câu hỏi để giúp cả gia đình áp dụng những gì mình vừa học được vào đời sống. Ví dụ như:
a. Phân đoạn Kinh Thánh này cho con biết gì về Đức Chúa Trời?
b. Câu này có ý nghĩa gì đối với con?
c. Chúa muốn con làm điều gì và đừng làm điều gì?
2. Thay đổi cách đặt câu hỏi. Sau khi đọc Kinh Thánh xong, người hướng dẫn đề nghị những người trong gia đình hãy hỏi người bên phải (người bên trái, hoặc một cách nào khác) một câu hỏi để người ấy trả lời.
3. Đề nghị đọc trước một phân đoạn Kinh Thánh. Bạn có thể thông báo, “Tối nay Phi sẽ đọc cho chúng ta nghe câu chuyện về người con trai hoang đàng trong Luca 15:11-32.” Sau đó bạn hướng dẫn thảo luận về ẩn dụ đó hoặc để cho Phi hướng dẫn nếu con đã lớn đủ.
4. Truyện Tích Kinh Thánh. Với những ấu nhi, đọc một câu chuyện trong quyển Truyện Tích Kinh Thánh có thể hỗ trợ cho việc đọc Kinh Thánh.
5. Đóng kịch về một câu chuyện Kinh Thánh. Những đứa bé rất thích đóng kịch, nhưng những đứa lớn hơn cũng sẽ muốn tham dự. Cũng đừng loại trừ những người lớn. Nếu gia đình của bạn đông đảo, hãy chia thành hai hoặc ba nhóm, và đóng những vở kịch khác nhau. Nhiều câu chuyện có thể diễn dưới dạng kịch câm hoặc kịch nói. Những đứa bé sẽ thích kịch câm nhất.
6. Đọc một phần trong sách giáo lý căn bản đặc biệt dành cho con trẻ. Chẳng hạn như quyển Dẫn Dắt Con Trẻ Đến Với Chúa, Lời Sống Hằng Ngày Cho Thiếu Nhi, hoặc Mỗi Con Trẻ Cần Biết Điều Gì. Nếu bạn đang có sẵn những loại sách như vậy, hãy dùng để làm nội dung hàng loạt cho những giờ lễ bái. Những sách này được chia thành những phần nhỏ. Bạn nhớ giữ cho giờ học hỏi ngắn thôi, và tránh việc nhóm quá giờ đã qui định. Nếu thấy cần thiết, bạn hãy chia nhỏ hơn nữa. Hãy đọc phần Kinh Thánh đã cho trực tiếp từ Kinh Thánh chứ đừng đọc từ sách ấy. Các con của chúng ta phải hiểu rằng những lời dạy dỗ này từ Kinh Thánh.
7. Học thuộc lòng và cùng nhau ôn lại những câu Kinh Thánh. Chọn một câu hay một khúc Kinh Thánh để cả nhà cùng học thuộc lòng. Viết ra trên một tờ giấy lớn hoặc lên bảng để con trẻ vừa thấy lại vừa nghe đọc. Bạn nhớ giải thích từng chữ khó hiểu. Nhớ thường xuyên ôn lại những câu đã học để không ai quên. Giải thích những câu Kinh Thánh ấy liên hệ với đời sống hằng ngày như thế nào. Chơi những trò chơi để giúp chúng ta nhớ được. Dưới đây là một số trò chơi:
a. Những chữ cái đứng đầu. Viết những chữ cái đứng đầu mỗi từ trong câu vào một tấm giấy, HTMĐLLMCNVNCSACE có thể giúp những người trong gia đình nhớ IPhierơ 5:7, “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài chăm sóc anh chị em.”
b. Chữ Ping-Pong. Người hướng dẫn chơi trò này với từng người trong gia đình bằng cách thay đổi những chữ trong câu. Người thứ nhất đọc chữ đầu tiên của câu, người thứ hai phải thêm vào chữ thứ hai, và cứ tiếp tục như vậy.
c. Vòng tròn gia đình. Mỗi người trong gia đình đọc chữ kế tiếp của một câu Kinh Thánh được chọn.
d. Xóa bớt từ. Viết một câu Kinh Thánh lên bảng hoặc lên một miếng giấy lớn và cứ mỗi lần đọc xong lại xóa bớt vài chữ. Sau đó đề nghị các con đọc lại và thêm những chữ nào còn thiếu. Cuối cùng tất cả những chữ bị thiếu đã được điền vào và ai nấy đều thuộc câu Kinh Thánh ấy.
e. Chơi đố chữ. Viết hoặc in một câu Kinh Thánh vào miếng giấy lớn để bạn có thể cắt rời từng chữ. Xong bạn xốc những chữ ấy lên lộn xộn. Đề nghị các con sắp xếp thứ tự của những chữ ấy và đọc lớn tiếng.
f. Tự bạn động não!
8. Cùng nghiên cứu về những sự kiện trong Kinh Thánh. Hãy học những chủ đề như:
a. Kinh Thánh được chia làm hai phần chính (Cựu ước và Tân ước)
b. Những lời giao ước (cam kết giữa Đức Chúa Trời và loài người) trong Kinh Thánh là gì? Đức Chúa Trời lập giao ước gì với Ađam, Nôê, Abraham, Môise, Đavít vv…
c. Học những sách của Cựu ước và Tân ước. Giờ gia đình lễ bái sẽ là một thì giờ rất tốt để dạy con biết tra xem những câu gốc trong Kinh Thánh.
d. Cách phân chia các sách trong Kinh Thánh như thế nào? (Các sách luật pháp, sách lịch sử, sách thơ ca, sách tiên tri, sách tin lành, các thư tín…)
e. Mười Điều Răn là gì? Cùng tra xem trong Xuất 20. Học từng điều một, và nói về việc áp dụng từng điều răn vào đời sống.
f. Cùng nhau học bài cầu nguyện chung, từng phần một. Thảo luận ý nghĩa.
g. Đối với con lớn hơn, thảo luận về hành trình truyền giáo của Phao Lô, và định vị trí trên bảng đồ. Tham khảo trong sách Công vụ.
h. Nhờ đâu mà chúng ta có Kinh Thánh? Đọc những câu trong Kinh Thánh để xem Kinh Thánh tự giải bày về Kinh Thánh (Xem Thi Thiên 19:105; Rôma 10:17; IICôrinhtô 2:13; IITimôthê 3:16; Hêbơrơ 4:12; IPhierơ 1:23; 2:2; IIPhierơ 1:21)
Cùng chia xẻ những nan đề cầu nguyện. Mời vài người cầu nguyện. Một trong những phước hạnh lớn nhất là được nghe con trẻ cầu nguyện. Sau đây là một số lời đề nghị để làm cho giờ cầu nguyện có ý nghĩa hơn đối với con trẻ:
A. Nói về các loại cầu nguyện khác nhau: Cầu nguyện cảm ơn Chúa, cầu nguyện ngợi khen, cầu nguyện chúc tụng, cầu nguyện xưng tội, cầu nguyện cho những nhu cầu của người khác và cho nhu cầu của chính mình.
B. Hãy bọc plastic hoặc làm những tấm bìa cứng có dán hình của những người mà chúng ta thường xuyên cầu nguyện cho họ như cha, mẹ, con cái, ông bà, Mục sư, các giáo sĩ…Chúng ta có thể chuyền những tấm hình này trong giờ cầu nguyện để con trẻ cảm thấy thân gần với những người mà chúng cầu thay.
C. Lập một lịch cầu nguyện với những nan đề cầu nguyện khác nhau cho mỗi ngày trong tuần hoặc trong tháng. Theo cách này bạn có thể cầu nguyện cho những nan đề khác nhau một cách đều đặn.
D. Ấn định một “trưởng ban cầu nguyện” (một đứa con lớn) để giữ tất cả những nan đề cầu nguyện.
E. Đề cập với con trẻ những nan đề cầu nguyện riêng tư, nhưng phải phù hợp với mức độ trưởng thành của chúng (chẳng hạn như tài chánh, nhu cầu thuộc thể hoặc nhu cầu tâm linh). Đừng đưa ra những nan đề mà chúng không hiểu nổi hoặc không phù hợp với chúng về mặt tình cảm. Con trẻ cần được khích lệ để chia sẻ nan đề mà chúng gặp phải với các bạn cùng lớp, cùng trường, những nỗi sợ hãi, những tổn thương, những dự định, những niềm vui, và những thất vọng…
F. Hãy lập một nan đề cầu nguyện của gia đình theo mẫu này:

Ngày tháng
Nan đề
Ngày được Chúa đáp lời
Các con trẻ sẽ thấy rúng động về cách Chúa đáp lời cầu nguyện cách cụ thể. Một số cách đáp lời có thể là “không” hoặc “hãy đợi”. Bạn nhớ giải thích cho con về những sự đáp lời khác nhau của Chúa.
Bạn hãy giúp con trẻ diễn tả nan đề cầu nguyện của mình. Ví dụ như, xin Chúa cho “Khải sẽ nhớ những gì nó đã học và làm bài thật giỏi trong kỳ thi Sử vào thứ Sáu này.” nghe sẽ thấy thích hơn là cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cho Khải được điểm cao trong kỳ thi sử thứ Sáu này.”
G. Cố gắng đừng cười khi nghe lời cầu nguyện ngây ngô của con trẻ. Con trẻ rất thật lòng trong lời cầu nguyện của chúng, vì vậy chúng ta phải tôn trọng.
Đàn hát những bài thánh ca. Con trẻ rất thích hát. Hãy tận dụng điểm này để làm cho giờ gia đình lễ bái của chúng ta trở thành thì giờ phước hạnh và vui mừng bằng cách hát những bài thánh ca và đoản ca. Vài lời đề nghị cho việc hát thánh ca:
A. Cho các con thay phiên nhau chọn bài hát suốt một tuần hoặc trong một ngày. Đây là điều mà các con bé xíu cũng có thể làm.
B. Nếu con của bạn biết đàn hoặc có thể chơi một thứ nhạc khí nào, thỉnh thoảng hãy để con “trình diễn” một vài bài thánh ca nào đó, và thường xuyên khích lệ con đàn cho cả nhà hát.
C. Hãy chọn những bài thánh ca hoặc đoản ca nào có nội dung Kinh Thánh. Bạn nhớ giải thích những từ khó hiểu cho các con. Đôi khi việc thảo luận lời của những bài hát cũng dẫn đến buổi thảo luận Kinh Thánh ích lợi.
D. Bạn đừng sợ hát những bài đoản ca mới, mạnh mẽ; miễn sao những bài hát ấy có nội dung Kinh Thánh sâu sắc là được.
Hãy đọc những đoạn trích dẫn ngắn từ các sách. Bạn hãy chọn một số sách Cơ Đốc, những câu chuyện của các nhà giáo sĩ hoặc tiểu sử của các giáo sĩ. Con trẻ cần ý thức về phạm vi toàn cầu của Hội thánh Chúa. Cách duy nhất để chúng ý thức là cho chúng làm quen với gia sản giàu có về những sinh hoạt của các giáo sĩ, là những người đã đem tin lành của Đấng Christ đi khắp thế giới. Hãy dùng bản đồ! Bằng cách đọc những tiểu sử và những câu chuyện, con trẻ sẽ được khích lệ để cầu nguyện cho thiếu nhi ở các nước khác và thấy đại mạng lệnh truyền giáo (Mác 16:15) do chính Chúa ban truyền đang được ứng nghiệm như thế nào.
__

NHỮNG NGUỒN TÀI LIỆU CHO GIỜ GIA ĐÌNH LỄ BÁI
Trong Phụ Lục A chúng tôi đã đề nghị cách tổ chức giờ gia đình lễ bái. Chúng tôi cho rằng bạn đã có sẵn tài liệu để hỗ trợ cho nội dung của giờ gia đình lễ bái. Nhưng trong trường hợp bạn không có gì để sử dụng, chúng tôi sẽ cung cấp một dàn bài về những lẽ thật Kinh Thánh, cùng với những câu hỏi thảo luận mà chúng tôi đề nghị. Tài liệu này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với lứa tuổi của con nếu bạn thấy cần thiết. Khóa trình này không đòi buộc bạn phải đọc phần này, nhưng có lẽ bạn cần xem sơ để có thêm ý cho giờ lễ bái của gia đình mình.
Đức Chúa Trời
A. Ngài là ai? Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã tự bày tỏ một số điều về Ngài. Chúng ta gọi đó là những thuộc tính. Con cái của chúng ta cần có một số hiểu biết về Ngài là ai trước khi các con có thể tin nơi Ngài và sống cho Ngài. Danh sách sau đây chứa đựng những lời mô tả ngắn về thuộc tính của Đức Chúa Trời và có những phần Kinh Thánh tương ứng. Những câu hỏi thảo luận và những sinh hoạt cho giờ gia đình lễ bái cũng được bao gồm trong phần này.
1. Tình yêu thương. Ngài luôn luôn dâng chính mình Ngài vì lợi ích của con người (Xem Giăng 3:16; 4:8-16; Rôma 5:8; IICôrinhtô 13:11).
Thảo luận: Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài cho nhân loại như thế nào? Cho gia đình chúng ta như thế nào?
2. Chân Lý. Ngài luôn luôn chân thật. Ngài không thể nói dối (Xem Thi Thiên 31:15; 100:5; Êsai 65:16; Giăng 14:6; 17:17)
Thảo luận: Một lời nói dối sẽ gây tổn hại như thế nào cho một người? Bạn hãy nói cho con nghe về sự chân thật của Đức Chúa Trời trong cả Kinh Thánh, tức là Lời Ngài dành cho chúng ta.
3. Thánh khiết. Ngài là Đấng trọn vẹn và tốt lành trong mọi tư tưởng và lời nói. Ngài không thể phạm tội. (Xem ISamuen 2:2; Êsai 43:15; Mác 1:24; IPhierơ 1:15-16)
Sinh hoạt: Dùng một tờ báo để minh họa về tính thô bạo và nan đề do tội lỗi con người gây ra trong thế giới này. Trái ngược hẳn với sự thánh khiết của Chúa. Giải thích cách Chúa Jêsus bày tỏ sự thánh khiết của Đức Chúa Trời bằng cách sống đời sống hoàn hảo, vô tội. Chỉ một mình Ngài mới có thể dùng huyết quí báu của Ngài để trả giá cho án phạt tội lỗi mà Đức Chúa Trời đòi hỏi. Chỉ một mình Ngài có thể dâng mạng sống và chết thế chỗ cho chúng ta. Nếu không có cái chết của Chúa Jêsus, chúng ta không thể nào đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết được.
4. Thành tín. Ngài là Đấng chơn thật với chính mình Ngài và với Lời của Ngài, và Ngài sẽ làm theo điều Ngài nói. Chúng ta có thể tin cậy nơi Ngài luôn luôn. (Xem Phục truyền 7:9; Cathương 3:22,23; ICô 10:13; ITêsalônica 5:24; IITêsalônica 3:3).
Thảo luận: Chúng ta thấy sự chu cấp của Đức Chúa Trời trên đời sống mình trong những lãnh vực cụ thể nào? Hãy thảo luận về sự thành tín lớn lao của Đức Chúa Trời đối với con cái Ngài.
5. Tự hữu. Ngài là sự sống và là Đấng ban sự sống cho tất cả mọi loài. (Xem Sáng 2:7; Xuất 3:14; Giăng 1:3-4, 14:6; Côlôse 1:17).
Thảo luận: Nhân ngày ra đời của một bé trong gia đình bạn hoặc trong gia đình một bạn hữu, bạn hãy nói về Đức Chúa Trời là Đấng có từ ban đầu và Ngài là Đấng ban sự sống cho mọi loài.
6. Tể trị. Ngài là Đấng có quyền quyết định và lập ra bất cứ qui luật nào (Xem Gióp 1:21; 12:7-10; Thi Thiên 65:4; 66:7; 103:19; Danien 2:21).
Thảo luận: Những ví dụ về hành động tể trị của Chúa trong cõi thiên nhiên này là gì? Các con có thể nêu lên một ví dụ mà gần đây các con thấy trên tivi, hay con vừa đọc được, hoặc chính con vừa kinh nghiệm? Hãy nói về quyền tể trị tuyệt đối của Ngài trên lụt lội, động đất vv… và ngay cả sự thay đổi mùa màng.
7. Thương xót. Ngài là Đấng đầy dẫy lòng thương xót và nhơn từ. (Xem Dân số ký 14:18; Thi Thiên 86:15; 103:8-14; Luca 18:13, Tít 3:5-6).
Thảo luận: Cho một minh họa thực tiễn về một người mà con biết đã bày tỏ lòng thương xót với đồng loại của mình. Dùng minh họa đó để dẫn vào lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, đặc biệt là trong việc sai Con Ngài đến trần gian này để chết thế cho tội lỗi của chúng ta.
8. Nhịn nhục. Ngài là Đấng kiên nhẫn, không vội hành động (Xem Xuất 34:6; Dân số ký 14:18; ITimôthê 1:12-16)
Thảo luận: Đọc ITimôthê 1:12-16 để thấy Phao Lô chống cự Chúa trong mọi lãnh vực của đời sống ông, dầu vậy Chúa đã không mất kiên nhẫn đối với ông. Nhưng đã đem Phao Lô đến chỗ đặt lòng tin cậy nơi Ngài. Ngài đã làm cho Phao Lô trở thành khuôn mẫu của sự nhịn nhục cho tất cả những ai tin cậy nơi Chúa Jêsus ngày nay để được sự sống đời đời.
9. Toàn năng. Ngài là Đấng có tất cả quyền năng; không có sức mạnh nào vĩ đại như chính Ngài. (Xem Sáng thế ký 1:1; Gióp 36:22, 37:23, 42:2; Thi Thiên 33:6-9, 62:11; Mathiơ 28:18; Khải Huyền 19:6)
Sinh hoạt: Khi có cơ hội sinh hoạt ngoài trời, hoặc chỉ cần có cơ hội đi dạo bên rừng cây, bạn hãy cho con thấy công việc sáng tạo kỳ diệu của Đức Chúa Trời trong thiên nhiên và quyền năng siêu nhiên của Ngài qua thiên nhiên.
10. Toàn tại. Ngài luôn hiện diện khắp mọi nơi, mọi lúc (Xem Thi Thiên 139: 7-12; Giêrêmi 23:24; Xachari 4:10).
Thảo luận: Trên giường ngủ, nếu bạn cảm thấy con sợ hãi bóng tối hoặc lo lắng về những gì xảy ra ở trường, hoặc điều gì đó bất an trong đời sống của con trẻ, hãy dành thì giờ để nói cho con nghe về sự hiện diện của Chúa ở khắp mọi nơi. Nếu con bạn đã xưng Jêsus là Chúa Cứu Thế, bạn có thể cho con biết chắc rằng Đức Thánh Linh đang hiện diện trong lòng nó, ban cho nó sự bình an và bảo đảm nơi Ngài. Nếu con bạn chưa tin Chúa, Đức Chúa Trời vẫn quan tâm đến nó và Ngài vẫn luôn ở khắp mọi nơi, ngay cả trong căn phòng của con.
11. Toàn tri. Ngài biết tất cả mọi việc. Không những Ngài biết những điều xấu chúng ta đã làm mà Ngài còn biết về những công việc tốt của chúng ta nữa (Gióp 37:16, Thi Thiên 44:21, 139:1-4, 147:4-5; Giăng 21:17)
Sinh hoạt: Bạn hãy sớm chọn một buổi tối nào đó, đi dạo với con dưới trời đầy sao thật sáng, hãy nhắc con Thi Thiên 147:4 cho con biết Đức Chúa Trời đã đếm số của tất cả ngôi sao ấy, thậm chí Ngài còn gọi tên chúng nữa. Ngài biết tất cả mọi sự trong cõi vũ trụ của Ngài. Ngài biết rõ mỗi chúng ta, biết về tất cả cuộc sống của chúng ta, ngay cả những tư tưởng của chúng ta nữa. Không còn điều gì trong cõi vũ trụ này để Ngài phải biết thêm, vì là Đức Chúa Trời nên Ngài đã biết mọi sự rồi.
12. Đời đời. Ngài không có bắt đầu cũng không có kết thúc. Ngài đã có, hiện có và sẽ có. (Xem Sáng 21:33, Phục Truyền 33:27; Thi Thiên 41:13, 90:2; Êsai 43:13; Giăng 8:58)
Thảo luận: Có sự sống đời đời nghĩa là gì? Đức Chúa Trời nói với chúng ta về sự sống đời đời mà Ngài muốn ban cho mỗi người trong chúng ta (Giăng 3:16), nhưng sự sống đời đời có nghĩa là gì? Sau khi bạn nghe những ý kiến khác nhau của các con, bạn giải thích rằng đó là sự sống với Đức Chúa Trời được bắt đầu khi chúng ta được cứu và tiếp tục đi với Chúa khi chúng ta ở thiên đàng. Sự sống với Chúa không bao giờ kết thúc. Cũng hãy giải thích Chúa là Đấng đã có từ trước. Chúng ta không thể hiểu được điều này bằng tâm trí hiểu biết về thời gian giới hạn của chúng ta. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã có từ trước vô cùng.
13. Không hề thay đổi. Ngài vẫn mãi y nguyên, không hề có sự thay đổi trong bản chất của Ngài. (Xem Malachi 3:6; Hêbơrơ 13:8; Giacơ 1:17).
Thảo luận: Hãy nói về thế giới hay thay đổi mà chúng ta đang sống đây. Ví dụ như phương tiện di chuyển trong thời của cha mẹ chúng ta từ xe bò đến xe ôtô, đến máy bay đến du hành không gian. Chúng ta đang sống trong một thế giới thường xuyên thay đổi, nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi trong bản chất của Ngài. Cách đây một triệu năm Đức Chúa Trời ra sao thì bây giờ Ngài cũng vậy. Chúng ta có thể luôn luôn trông mong nơi tình yêu của Ngài dành cho chúng ta vì Ngài không bao giờ thay đổi.
14. Vô hạn. Con người không bao giờ có thể hiểu biết đầy đủ về Ngài. Ngài là Đấng bất tận. (Xem Phục truyền 29:29; ICác vua 8:27; Êsai 55:8-9)

Thảo luận: Con người đang tiếp tục xây dựng những máy vi tính ngày càng lớn hơn và mạnh hơn để cất những dữ liệu ngày càng gia tăng mà con người đã gom góp được về thế giới này. Tuy vậy, Đức Chúa Trời nói với chúng ta trong lời Ngài rằng loài người vẫn không bao giờ có thể có cùng một suy nghĩ với Ta, vì ý tưởng Ta cao quá ý tưởng các ngươi (Êsai 55:8). Con người không bao giờ có thể hiểu đầy đủ về Đức Chúa Trời, dầu cho máy vi tính của con người có lớn và nhanh đến đâu đi chăng nữa.
15. Công chính. Ngài luôn luôn công bình. Những quyết định của Ngài luôn luôn đúng. Ngài sẽ làm cho mọi sự được phải lẽ. (Hãy xem Phục truyền 32:4; Thi Thiên 119:142; 145:17; Êsai 45:21; Sôphôni 3:5).

Thảo luận: Giải thích rằng ai cũng phạm lỗi cả. Ngay cả cô giáo hoặc mẹ hoặc bố của các con vẫn có thể có những quyết định bất công. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thì không bao giờ phạm lỗi, Ngài luôn luôn công bằng và ngay thẳng. Cả gia đình hãy học thuộc lòng Thi Thiên 145:17-21.
16. Uy nghiêm. Ngài là Đấng vĩ đại, kỳ diệu và quyền năng. Không có ai giống như Ngài. Chỉ một mình Ngài xứng đáng với sự thờ phượng và ngợi khen của chúng ta. (Hãy xem Thi Thiên 11:1-7; 29:4; 104:1; 145:5; Êsai 6:1-3; Giuđe 1:24-45).
Sinh hoạt: Hãy chọn một bài đoản ca hoặc thánh ca phù hợp, nhấn mạnh đến sự uy nghiêm và vĩ đại của Đức Chúa Trời. Hãy lấy bài hát đó làm bài hát khẩu hiệu cho suốt tuần đó. Cũng hãy thảo luận về lời và ý nghĩa của bài hát khi bạn học bài hát ấy.
17. Khôn ngoan. Ngài luôn luôn biết cách để thực hiện mọi sự cách tốt đẹp nhất. (Xem Thi Thiên 104:24; 136:5; Châm Ngôn 3:19; Rôma 11:33.)

Thảo luận: Hãy bàn về sự khác biệt giữa tri thức và khôn ngoan. (Tri thức là ghi nhớ những sự kiện và những kiến thức; còn khôn ngoan là áp dụng những tri thức ấy vào những tình huống của đời sống để đem lại kết quả theo ý muốn.) Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan trong tất cả mọi sự. Chúng ta có cách nào để nhận lấy sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời không? Hãy cùng nghiên cứu Châm Ngôn 1:1-9 nếu các con đủ lớn để hiểu phân đoạn Kinh Thánh này. ICôrinhtô 1:30 có ý nghĩa gì?
18. Ba ngôi. Ngài là ba Thân vị hiệp nhất hoàn toàn như một vậy. (Xem Mathiơ 3:16-17; 28:19; Giăng 14:16-20; IICôrinhtô 13:14)
Sinh hoạt: Sau khi dạy cho con một bài thơ, bạn bảo con hãy dạy bài thơ ấy lại cho một con chó (hoặc một súc vật nào đó). Con bạn sẽ nói làm gì có chuyện lạ lùng như vậy và chắc chắn nó sẽ cười. Bạn đồng ý với con, nhưng sau đó hãy giải thích rằng Chúa ban cho súc vật một tâm trí khác với tâm trí của loài người. Súc vật không học thơ được nhưng trẻ con thì học được. Nhưng tâm trí của một con trẻ kỳ diệu đến như thế vẫn không vĩ đại bằng tâm trí của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời hiểu được làm thế nào Ngài là một Đức Chúa Trời nhưng lại ở trong ba thân vị: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh. Ngài được gọi là Ba ngôi. Giải thích cho con thấy rằng tâm trí bạn và tâm trí con không thể hiểu được những điều này. Đức Chúa Trời không mong chúng ta phải hiểu nhưng Ngài muốn chúng ta phải tin. Tại sao? Bởi vì Ngài nói như vậy trong Lời Ngài. Đức Chúa Trời không hề nói dối và Ngài muốn chúng ta tin Lời Ngài.
Chúa Jêsus Christ.
B. Ngài là Ai? Chúa Jêsus Christ, cũng giống như Đức Chúa Trời, Ngài có tất cả những thuộc tính của Đức Chúa Cha.
1. Sự giáng sanh của Ngài. Chúa Jêsus là Con trọn vẹn của Đức Chúa Trời, Ngài đã đến trên thế gian này và được sinh ra như một em bé tại Bếtlêhem cách đây đã gần hai ngàn năm. (Xem Êsai 7:14; Mathiơ 1:23; Luca 2:10-11; Giăng 1:14)
Thảo luận: Hãy đọc câu chuyện về sự ra đời của Chúa Jêsus (Luca 1:26-38; 2:1-10). Phần Kinh Thánh này có thể được đọc vào ngày lễ Giáng Sinh hoặc bất cứ lúc nào trong năm. Hãy đề cập đến những lời tiên tri của Cựu ước được ứng nghiệm trong sự giáng sanh của Chúa Jêsus. Cũng cho các con biết mặc dầu Mari là mẹ Ngài, nhưng Giôsép không thật sự là cha Ngài, Đức Chúa Trời mới là Cha thật của Ngài. Hãy nhấn mạnh đến những gì thiên sứ phán trong Luca 2:10-11 và 1:35.
2. Đời sống và chức vụ của Ngài. Chúa Jêsus Christ, là Con hoàn hảo của Đức Chúa Trời đã sống trên đất này trong vòng ba mươi ba năm rưỡi. Ba năm sau cùng là chức vụ công khai của Ngài. Ngài đã chứng tỏ rằng Ngài là Đức Chúa Trời bằng nhiều phép lạ. (Xem Mathiơ 8:3; 8:16-17; 12:10-13; 14:25; Mác 5:1-15; Giăng 9:1-7; 9:35-38; 11:44; Công vụ 10:38)
Sinh hoạt: Thảo luận ngắn gọn về những loại phép lạ khác nhau mà Ngài đã làm (phép lạ trên thiên nhiên, trên ma quỉ, trên bệnh tật và trên sự chết.) Hãy cho các con bạn đóng vở kịch về người đàn ông bị mù trong Giăng đoạn 9 như là một ví dụ về sự chữa lành. (những đứa nhỏ rất thích đóng kịch về câu chuyện này.) Nhớ cầu nguyện cho những ai mà bạn biết đang có sự mù lòa thuộc linh để họ được chữa lành.
Tùy chọn: Nếu bạn có một quyển sách hình nỉ hoặc những tấm cạt hình sáng về Giăng đoạn 9, đề nghị một người con lớn của bạn đã tin Chúa chuẩn bị bài này và diễn cho mọi người trong nhà xem. Bạn nhớ cho con có thì giờ trước đó một tuần hoặc nhiều hơn nữa để đủ thì giờ chuẩn bị.
3. Sự chết của Ngài. Đức Chúa Trời đã cho phép con Ngài chịu khổ và chết một cái chết kinh khủng trên thập tự giá. Chúa Jêsus là một của dâng sẵn lòng vì cớ tội lỗi của mọi người đàn ông, đàn bà, em trai, em gái trên thế giới này. Khi hi sinh như vậy, Ngài đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri của Cựu ước. Điều này cũng bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời đối với mọi người tội lỗi và thực hiện một con đường để tội lỗi của chúng ta được tha thứ. (Hãy xem Xuất 12:5,7,13; Êsai 53:1-12; Luca 23:33-34; Giăng 1:29, 10:11,18; Công vụ 2:23; IICôrinhtô 5:21; Hêbơrơ 9:13-14,22; IGiăng 5:21).
4. Sự phục sinh của Ngài. Chúa Jêsus đã chết một cái chết kinh khủng trên thập tự giá, nhưng Ngài đã nói trước về sự việc ấy và sau ba ngày Ngài sẽ sống lại (Mathiơ 16:21). Sau ba ngày, Đức Chúa Trời đã khiến Con Ngài sống lại từ mồ mả, để bày tỏ cho thế gian rằng tất cả những gì Chúa Jêsus tự nói về chính mình đều đúng cả. Sự phục sinh của Ngài cũng là một bằng chứng rằng tất cả những gì Ngài nói và làm đều đẹp lòng Đức Chúa Trời là Cha Ngài. Đức Chúa Trời đã chấp nhận giá đền tội của Chúa Jêsus cho tội lỗi chúng ta, đó là sự bằng lòng hi sinh của Ngài! Trước đây cũng có những người được sống lại từ kẻ chết như Laxarơ, Giăng 11:43-44), nhưng họ đã chết lại rồi. Chúa Jêsus Christ đã sống lại nhưng Ngài không bao giờ chết (Rôma 6:9). Nhiều người đã nhìn thấy thân thể phục sinh của Ngài như môn đồ của Ngài và nhiều người khác nữa. ICôrinhtô 15:6). Đây là phép lạ lớn nhất của Ngài! Là những tín hữu sống trong Chúa, bây giờ chúng ta được bảo đảm sẽ được sống lại từ kẻ chết để được sống với Ngài trong nước thiên đàng, và không bao giờ chết nữa ICôrinhtô (15:20-23, Mathiơ 16:21; Luca 24:5-7; Rôma 6:9; ICôrinhtô 15:3-8; Phi Líp 3:21).
Thảo luận: Chân lý về sự phục sinh của Ngài có thể được trình bày vào ngày Phục sinh hoặc những dịp khác. Hãy nhớ rằng những gì bạn giảng dạy phải phù hợp với lứa tuổi của các em. Tốt nhất là bạn nên chọn trước một loạt câu hỏi để biết chắc rằng các em đã am hiểu những chân lý này. Chẳng hạn như, Chúa Jêsus ở trong mồ mả bao nhiêu ngày? Đức Chúa Trời cho thấy Ngài chấp nhận những gì Chúa Jêsus thực hiện tại thập tự giá bằng cách nào? Sự phục sinh của Chúa Jêsus có ý nghĩa gì đối với các Cơ Đốc Nhân?
5. Sự thăng thiên của Ngài. Sau khi Ngài sống lại, Chúa Jêsus ở trên đất trong bốn mươi ngày để chứng minh cho những kẻ nghi ngờ rằng Ngài đã thực sự sống lại từ kẻ chết. Sự chứng minh này rất cần thiết để làm cho đức tin của những người thời đó, cũng như đức tin của chúng ta ngày nay được mạnh mẽ. Ngài cũng giải thích chi tiết hơn những gì Ngài đã dạy dỗ họ về sự chết và sự phục sinh của Ngài cho các tín hữu (Công vụ 1:3). Và trước mắt các môn đồ, Chúa Jêsus đã được một đám mây tiếp Ngài đi về trời (Công vụ 1:9-11).
Mục đích của sự thăng thiên của Ngài là:
a. Ngài được Đức Chúa Trời tôn cao (Công vụ 5:31). Hiện giờ Ngài đang ngồi trên ngai, bên hữu Đức Chúa Trời (IPhierơ 3:22) và Ngài là Chúa của tất cả mọi người.
b. Tại thiên đàng, Ngài bắt đầu một chức vụ cầu thay cho tất cả tín hữu (Rôma 8:27, 34; Hêbơrơ 9:24-38)
c. Để chuẩn bị một chỗ trên trời cho mỗi tín hữu (Giăng 4:12)
d. Cho phép Thánh Linh Đức Chúa Trời đến để ban quyền năng cho mỗi tín hữu (Giăng 16:7; Công vụ 1:8; 2:1-4).
e. Ban cho chúng ta sự sống đời đời bởi đức tin nơi Ngài (Giăng 3:36).

Thảo luận: Khi một đứa bé đã tin Chúa nhưng chán nản hoặc buồn bã vì trong gia đình có người qua đời, có em thì bị thất bại trong học đường, hoặc gặp phải một nan đề nào đó, bạn hãy nói với con về quyền năng phục sinh. Có lẽ giờ đi ngủ là giờ rất tốt để chuyện trò với con. Khích lệ con trẻ bằng cách bảo đảm với con trẻ về tình yêu và sự chăm sóc của Chúa, cho con biết Chúa biết tất cả những nan đề của nó và ngay giờ này Ngài đang cầu thay cho chúng trên thiên đàng.
6. Sự trở lại của Ngài. Vì cớ Hội thánh của Ngài, Chúa Jêsus sẽ trở lại. Ngài sẽ đem Hội thánh về thiên đàng để ở với Ngài đến đời đời. Hãy giải thích rằng sẽ không còn điều gian ác hoặc buồn khổ nào ở nơi đó vì không tội lỗi nào có thể xâm nhập vào nơi tuyệt vời ấy. Hãy giải thích về niềm hi vọng diệu kỳ của Cơ đốc nhân, tức là tin rằng một ngày kia, khi qua đời, thì người ấy sẽ được ở với Chúa đến mãi mãi. Trong cõi đời đời ấy, người ấy sẽ cứ ngợi khen Ngài về những công việc Ngài đã thực hiện và tạ ơn về sự diệu kỳ của Ngài.
Tùy chọn: Thảo luận xem các con của bạn phải làm gì để sẵn sàng đón Chúa trở lại. Ví dụ: những trẻ chưa được cứu cần phải biết Chúa; và những đứa đã được cứu cần có đời sống đẹp lòng Chúa.

Đức Thánh Linh
C. Ngài là Ai? Là ngôi thứ ba trong ba ngôi Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh cũng mang lấy những thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Khi chức vụ của Chúa Jêsus trên đất gần kết thúc, Ngài biết rằng các môn đồ của Ngài sẽ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị thất bại khi Ngài trở về cùng Cha Ngài trên thiên đàng. Vì thế để đáp ứng nhu cầu của họ, cũng như để đáp ứng nhu cầu của chúng ta ngày hôm nay, Ngài hứa sẽ sai Đức Thánh Linh đến ngự trong mỗi tín hữu (Giăng 14:16; 16:5-15). Đức Thánh Linh đã đến trên Giêrusalem vào ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2:1-4). Kể từ lúc ấy, Ngài đã đến với tất cả những tín hữu chân thật có lòng tin cậy nơi Ngài ngay giây phút họ tiếp nhận Ngài (Rôma 8:9b, 14, 16; ICôrinhtô 6:19).
1. Đức Thánh Linh sống trong mỗi tín hữu. Đức Thánh Linh đến và sống trong đời sống của mỗi tín hữu nào tin nơi Chúa Jêsus và nhờ Ngài để tội lỗi mình được tha thứ (Xem Rôma 8:9, 14, 16; ICôrinhtô 6:19-20; Galati 4:6).
Thảo luận: Giải thích rằng, khi được sinh ra trong thế giới này, chúng ta có một bản chất con người rất gian ác. Khi chúng ta trở thành con cái Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời không lấy đi bản chất con người của chúng ta, nhưng chúng ta nhận lấy một bản chất mới, đó là bản chất có Đức Thánh Linh ngự trị. Khi chúng ta bị cám dỗ để làm điều sai (ví dụ để nói dối); chúng ta có thể làm theo bản chất cũ và nói dối, là điều không đẹp lòng Chúa; hoặc chúng ta đầu phục Đức Thánh Linh, là Đấng ngự bên trong mỗi chúng ta, và dùng sức mạnh của Ngài để chống cự lại với sự cám dỗ và nhất định sẽ có một đời sống làm đẹp lòng Chúa.
2. Đức Thánh Linh làm cho bề trong của con người chúng ta được đổi mới. Ngài làm cho chúng ta ngày càng giống Chúa Jêsus hơn. Ngài thay thế những điều không đáng yêu chuộng trong đời sống của chúng ta bằng nét đáng yêu của Chúa Jêsus (Xem Rôma 5:5; Galati 5:22-23)

Thảo luận: Nói riêng với những đứa con đã được cứu của bạn về những tánh xấu mà bạn thấy nơi con (ví dụ nóng nảy) và hãy cầu nguyện với con, cầu xin Đức Chúa Trời để Đức Thánh Linh Ngài lấy đi những tánh xấu và giúp con bạn kiên nhẫn.
3. Đức Thánh Linh là tác giả của Kinh Thánh và dạy dỗ Lời ấy cho chúng ta. Đức Thánh Linh dạy dỗ chúng ta Lời Đức Chúa Trời và giúp chúng ta am hiểu Lời ấy. (Xem Giăng 14:26, 15:26, 16:13-14; ICôrinhtô 2:10-13; IIPhierơ 1:20-21.)
Thảo luận: Giải thích cho con biết rằng đường lối và tư tưởng của Đức Chúa Trời rất cao so với tư tưởng và đường lối của loài người (Êsai 55:8-9), chúng ta cần có ai đó để dạy dỗ chúng ta về những đường lối ấy. Đức Thánh Linh là vị giáo sư tài ba nhất để dạy dỗ chúng ta đường lối Đức Chúa Trời, vì Ngài chính là Tác giả của Kinh Thánh. Khi chúng ta đọc Kinh Thánh đều đặn, Đức Thánh Linh mới có thể soi sáng cho chúng ta trước những ý nghĩa của Lời Chúa. Ngài giảng giải những ý tưởng của Đức Chúa Trời và dạy chúng ta đường lối Đức Chúa Trời. (Giăng 16:14; IGiăng 2:27).
4. Đức Thánh Linh an ủi chúng ta. Ngài luôn luôn có mặt để giúp đỡ chúng ta những khi có cần. (Hãy xem Giăng 14:16, 18; IICôrinhtô 1:4, 22; Êphêsô 1:13-14).

Thảo luận: Chúa Jêsus biết rằng khi Ngài rời đất này để trở về trời, những ai tin cậy nơi Ngài sẽ cần được an ủi và khích lệ. Vì thế Ngài đã sai Đức Thánh Linh, còn được gọi là Đấng Yên Ủi, có nghĩa là Đấng được gọi đi bên cạnh để giúp đỡ chúng ta. Hãy tưởng tượng hai đứa trẻ cùng đi với nhau trên một con đường. Một đứa vấp phải hòn đá và té xuống đất. Đứa kia đang đi bên cạnh liền đỡ nó dậy và an ủi nó. Vậy chúng ta có Thánh Linh Đức Chúa Trời là Đấng đi bên cạnh và giúp đỡ chúng ta trong mọi nan đề và những nguy nan thì tuyệt vời biết dường nào.
5. Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng ta. Ngài chỉ cho chúng ta phải sống thế nào để đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngài dẫn chúng ta vào đường lối mà Đức Chúa Trời đã dự định cho mỗi đời sống chúng ta. (Xem Êxêchiên 36:27; Công vụ 13:2-4; Rôma 8:14; Galati 5:25).
Sinh hoạt: Khi bạn có giờ rãnh, hãy dẫn con đi bộ ở vùng quê và dùng bản đồ để chỉ đường cho con. Giải thích chúng ta phải đi theo những con đường được đánh dấu trong bản đồ sao cho khỏi bị lạc đường. Rồi bạn nói với con về cách Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng ta vào những đường lối mà Ngài đã dự định cho đời sống chúng ta. Ngài biết đâu là điều tốt nhất cho mỗi đời sống chúng ta, và Đức Thánh Linh dùng tình yêu của Ngài để dẫn dắt chúng ta trong đường lối mà Đức Chúa Trời đã chọn cho chúng ta. Ngài không muốn chúng ta đi lạc đường và lỡ mất cơ hội tốt đẹp nhất mà Ngài dành cho chúng ta. Ngài dẫn dắt chúng ta bằng cách nào? Bằng cách phán với lòng chúng ta khi chúng ta đọc Kinh Thánh và cầu nguyện.
6. Đức Thánh Linh cáo trách tội lỗi. Ngài tỏ cho chúng ta biết khi nào chúng ta đã phạm tội với Ngài vì những công việc sai trật mình đã làm. (Xem Giăng 16:7-10; Galati 5:16-17; IPhierơ 1:22).
Thảo luận: Giải thích với con trẻ đã được cứu rằng chính Đức Thánh Linh là Đấng đã phán với con để con biết rằng mình phải tin nơi Chúa Jêsus. Đức Thánh Linh cũng chỉ cho chúng ta biết đâu là điều đúng, đâu là điều sai và Ngài giúp chúng ta chọn lựa điều đúng. Ví dụ, đang làm bài thi trong trường, con nhìn qua đứa bạn gái ngồi bên cạnh và đã biết được câu trả lời. Chép bài của bạn là đúng hay sai? Làm sao con biết được điều đó đúng hay sai? Đức Thánh Linh là Đấng dùng lời của dct để dạy bảo chúng ta những điều đúng, và cho chúng ta biết điều sai nhờ đó lòng con nhận biết rằng làm như vậy là sai.
Tội lỗi
D. Tội lỗi đã ảnh hưởng trên toàn thể nhân loại. Tội lỗi đã làm gãy đổ các mối quan hệ, và đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho thế giới này mất trật tự.
1. Tội lỗi là gì? Tội lỗi là bất cứ điều gì chúng ta thực hiện mà không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Tội lỗi là vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời (Xem Sáng Thế Ký 4:7-8; Châm Ngôn 6:16-19; Gia cơ 4:17; IGiăng 3:4).
Hãy kể những câu chuyện ngắn trong giờ gia đình lễ bái: Xuân là một đứa bé bảy tuổi, nhìn chung quanh thấy những bạn trai, bạn gái làm những điều rất xấu đang khi chúng chơi với nhau, khi ở trường học và ngay khi ở nhà nữa, nào là nói láo, đánh lộn, lừa đảo, ăn cắp. Và Xuân tự nghĩ, “mình là người không làm những điều này. Mình tốt hơn bọn nó.” Cô bé này cảm thấy thật kiêu ngạo khi nghĩ mình hơn người khác. Cô bé không biết rằng kiêu ngạo cũng là một tội rất xấu, và cô bé cũng tệ như những đứa bé kia vì đã kiêu ngạo. Xuân cũng không làm đẹp lòng Chúa y như mấy đứa trẻ kia đã không làm đẹp lòng Chúa vậy. Còn con thì sao?
2. Ai đã phạm tội? Ai cũng phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời. Ai nấy đều được sanh ra trong bản chất tội lỗi. (Xem Thi thiên 51:5; Truyền Đạo 7:20; Rôma 3:11, 23, 5:12; Galati 3:22)
Thảo luận: Kể lại câu chuyện của Ađam và Êva như đã được tường thuật trong Sáng thế ký 2 và 3. Hãy nói về những hậu quả do tội lỗi của họ gây ra và tội lỗi đã bị lan tràn đến mọi người qua Ađam như thế nào. Cho con biết rằng Chúa Jêsus là Đấng duy nhất đã sống cuộc đời trọn vẹn và Ngài chưa hề phạm tội (IPhierơ 2:22). Nhưng Ngài không được sanh ra bởi Ađam như tất cả chúng ta (Luca 1:35). Nhờ vậy mà Chúa Jêsus đã có thể chết thế chỗ chúng ta, tha thứ tội lỗi cho chúng ta và ban cho chúng ta một chỗ đứng phải lẽ trước mặt Đức Chúa Trời (IICôrinhtô 5:21).
3. Những hậu quả của tội lỗi là gì? Tất cả loài người đều phải chết vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tất cả những ai không được tha thứ tội lỗi đều bị phân cách với Đức Chúa Trời vì họ đã không tin nơi Con Đức Chúa Trời là Chúa Jêsus Christ (Xem Giăng 3:17-18, 36 và Rôma 6:23).

Thảo luận: Bạn hãy kể câu chuyện về hai tên tội phạm bị đóng đinh hai bên Chúa Jêsus (Luca 23:39-43). Hai người này đại diện cho cả nhân loại, đó là một người thì rủa sả Đức Chúa Trời và bị chết, bị phân rẽ với Đức Chúa Trời đến mãi mãi; và người kia tin nơi Chúa Jêsus, nên được sống với Ngài đến mãi mãi. Rôma 6:23 cho biết rằng chúng ta đáng chết và đáng bị phân cách với Đức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài đã ban sự sống đời đời cho tất cả những ai nhận lấy sự sống ấy như là một món quà từ Con Ngài. Hãy khích lệ con trẻ tiếp nhận món quà sự sống đời đời ngay hôm nay.

Ăn Năn Và Đức Tin
E. Câu giải đáp cho nan đề tội lỗi bắt đầu với sự ăn năn và đức tin.
1. Ăn năn là gì? Ăn năn là sự thay đổi của tâm trí về vấn đề tội lỗi dẫn đến việc thay đổi hành vi. Sự thay đổi về phương diện tâm trí này khiến chúng ta quay khỏi tội lỗi và chạy đến với Chúa Jêsus trong đức tin để xin Ngài cất tội lỗi khỏi chúng ta bởi sự hi sinh mà Ngài đã thực hiện trên thập tự giá. (Luca 15:10; 24:46-47; Công vụ 3:18-19; 17:30-31; Rôma 2:4 và IIPhierơ 3:9)
Thảo luận: Đọc câu chuyện người con trai hoang đàng (Luca 15:11-32). Theo con nghĩ Đức Chúa Trời có phản ứng gì khi chúng ta ăn năn tội lỗi và chạy đến với Ngài? (Ngài vui mừng, như người cha mất con đã làm vậy. Ngài không nhớ mãi tội lỗi của chúng ta để chống lại chúng ta.)
2. Đức tin là gì? Đức tin đem lại sự cứu rỗi là sự tin cậy của một người vào Chúa Jêsus Christ, như đã được bày tỏ cho chúng ta trong Lời Ngài. Đức tin là tin vào một người. Để có đức tin nơi Chúa Jêsus có nghĩa là tôi tin rằng Ngài đã gánh lấy tội lỗi của tôi trên vai Ngài, Ngài đã chết thế chỗ của tôi trên thập tự giá, và Ngài là con đường cứu rỗi duy nhất. Sự ăn năn và đức tin cùng đi đôi với nhau. Quay khỏi tội lỗi (là ăn năn) tin nơi Chúa Jêsus Christ để nhận lấy sự cứu rỗi (là đức tin). (Xem Rôma 10:17; 12:2-3; Galati 3:26; Êphêsô 2:8-9; Hêbơrơ 11:6).

Thảo luận: Kể câu chuyện về sự tiếp nhận Chúa của viên cai ngục người Philíp (Công vụ 16:22-34) và thảo luận về câu chuyện ấy. Chúng ta có thể dành thì giờ để khải đạo riêng cho những đứa con chưa tin Chúa nếu chúng muốn được nói chuyện với cha mẹ về vấn đề ấy.
—————————————1* Paul Heidebrecht, “Những Mục Tiêu Thuộc Linh Cho Con Cái” in Parents and Child, ed. Jay Kesler, Ron Beers, and La Vonne Neff (Wheaton, IL: Victor, 1986), trang 644.
2* Mary White, Những Giờ Gia Đình Lễ Bái Thành Công (Colorado Springs, CO: Navpress, n.d.), trang 13.
3* Ibid trang 15,16
4* Larry Christenson, “Tại Sao Cần Có Giờ Lễ Bái Gia Đình?” in Parents and Children, trang 669.
5* Những bài đã trình bày về cách thức và lúc nào nên có thì giờ gia đình lễ bái được phỏng theo “Trách Nhiệm của Bậc Cha Mẹ Cơ Đốc.” trang 71 và 72 (see footnote 2)
6* White, trang 135
7. Ibid, trang 11 và 12.
————————————–1* Bruce Narramore, Cứu Tôi Với! Tôi Là Cha Mẹ (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1972) trang 11.
2* Phỏng theo “Trách Nhiệm Của Bậc Cha Mẹ Cơ Đốc” Một tài liệu được phát hành do Chương Trình Child Evangelism Fellowship, trang 3. Được phép sử dụng.
3* Dorothy Law Nolte, as quoted by Anne Orlund in Children Are Wet Cement (Con Trẻ Là Xi Măng Còn Ướt) (Old Tappan, NJ: Revell, 1981) trang 58.
4* Phần thảo luận sau đây về Thi Thiên 127 và 128 được dựa trên tác phẩm Bạn và Con Mình (You and Your Child) của Charles Swindoll, (Nashville, TN: Nelson, 1977; New York: Bantam Books) trang 45-48)
5* Thomas Short, “Hôn Nhân Cơ Đốc” (Christian Marriage), cited in Swindoll, trang 45.
6* Phỏng theo Charles R. Swindoll và Ken Gire, Jr qua tác phẩm Phương Pháp Học Kinh Thánh Cho Bạn và Con (fullerton, CA: Insight for Living, 1986), trang 18.
7* Charles Caldwell Ryrie, Ryrie Study Bible: New American Standard Translation (Chicago: Moody Press, 1978), trang 1477.
8* Henry Brandt, Xây Dựng Một Gia Đình Hạnh Phúc Trong Kỷ Luật (Build a Happy Family with Discipline) (Wheaton, IL: Scripture Press, 1960), trang 2, cited in Swindoll, Bạn và Con Mình, trang 85.
9. Howard G. Hendricks, Sự Vùa Giúp Thiên Thượng Dành Cho Mái Ấm (Wheaton, IL: Victor, 1973), trang 21.
10* Ibid, trang 22
11* Richard L. Strauss, Con Trẻ Đầy Tự Tin và Cách Chúng Được Lớn Lên (Wheaton, IL: Tyndale, 1975) trang 22.
12* Victor P. Hamklton “chanak”, in Theological Workbook of the Old Testament, ed. R. Laird Harris, Gleason L. Archer, Jr, and Bruce K. Waltke, 2 vols (Chicago: Moody Press, 1980), 1: 301. This writer actually prefers “start”in Proverbs 22:6
13* Swindoll, You and Your Child, trang 6
14* Jack P. Lewis, “zaqen” in TWOT, 1:249
15* See Swindoll, You and Your Child, trang 11
16* Ryrie Study Bible, trang 968
17* James Dobson, Parenting Isn’t For Cowards (Waco, TX: Word, 1987) trang 187.
18* Ibid.
19* Ibid, trang 76
20* Questions and quotes from Swindoll and Gire, You and Your Child Bible Study Guide, trang 40-42
21* Ibid, trang 42.
22* Ibid, trang 44