Nếu chúng ta phải phô bày tình yêu và năng quyền của Đấng Christ cách hữu hiệu trong cuộc hôn nhân của mình, trước tiên chúng ta phải nhận thức rằng điều đòi hỏi nơi chúng ta là một hoạt động liên tục hướng tới sự Hiệp nhất trọn vẹn.

Phần Giới Thiệu
“Những cuộc hôn nhân Cơ Đốc “ đã quảng cáo cách tệ hại cho Cơ Đốc Giáo vì chúng chẳng khá gì hơn những mối quan hệ hôn nhân của người đời dựa trên những giá trị trần gian và chỉ do năng lực của con người trần gian hỗ trợ. Nếu chúng ta phải phô bày tình yêu và năng quyền của Đấng Christ cách hữu hiệu trong cuộc hôn nhân của mình, trước tiên chúng ta phải nhận thức rằng điều đòi hỏi nơi chúng ta là một hoạt động liên tục hướng tới sự Hiệp nhất trọn vẹn: Hiệp nhất trong Tinh thần, Hiệp nhất trong Tâm hồn và Hiệp nhất trong Thể xác. Một đôi lứa Cơ Đốc có những nguồn lực để phát huy một sự thân mật sâu sắc vượt trội hơn một cuộc hôn nhân thành công giữa những người không phải là Cơ Đốc nhân. Tuy nhiên, có quá nhiều Cơ Đốc nhân chưa hề đi quá mức độ chịu đựng lẫn nhau hoặc sự tương hợp thoải mái. Để hiểu hoạch định của Đức Chúa Trời cho hôn nhân, trong phần I tôi đã giới thiệu sự hiểu biết của tôi về một cuộc hôn nhân theo sự dạy dỗ của Thánh kinh. Nếu xem phần I như bản thiết kế của một kiến trúc sư, thì có lẽ chúng ta có thể hình dung toàn bộ cấu trúc của một cuộc hôn nhân như thế. Vấn đề trọng yếu còn lại là làm sao để thể hiện bản phác thảo ấy thành một hiện thực sống động từng trải. Đối với một số người vấn đề của họ trầm trọng hơn của người khác; không có vấn đề nào là không thể vượt qua được. Bước đầu tiên là giao bản thiết kế cho bên thầu thi công xây dựng. Khi người thầu thi công xem xét bản vẽ, ông ta phải định đoạn chính xác những vật liệu cần thiết để hoàn thành công trình. Đây là phần việc của tôi trong phần II. Tôi cố gắng mô tả những viên gạch xây dựng chúng ta phải đem đến công trường hôn nhân nếu chúng ta dự định xây dựng một mối tương quan Hoàn toàn Hiệp nhất. Tôi đã yêu cầu rất nhiều người trong cơ quan tư vấn của tôi vạch rõ những điểm thiết yếu để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và mỗi người đưa ra mỗi ý. Theo phán đoán của tôi, một số đông những cuộc hôn nhân thất bại trong việc tiến đến sự hiệp nhất đích thực không phải vì những người trong cuộc không cố gắng hết sức, mà vì họ không sử dụng đúng nguyên liệu. Người thợ mộc có thể giáng một nhát búa thật mạnh và chính xác , nhưng nếu gỗ và đinh không tốt thì nỗ lực của ông ta cũng vô ích. Cho dù những điều khác cũng đúng để có một mối quan hệ tốt – như thành thật, nỗ lực chân chính, khát vọng cao thượng, có kỹ năng trong truyền thông – một cuộc hôn nhân không thể và chắc chắn sẽ không đạt đến mục tiêu hiệp nhất nếu không có những điều cơ bản. Vậy thì, những điều thiết yếu ấy, những viên gạch xây dựng hôn nhân là gì? Chúng có sẵn sàng không? Chúng ta phải chờ đợi chúng bao lâu một khi chúng ta đã sắp xếp đâu vào đó? Có phải chỉ những người giàu có thuộc linh mới đủ sức trả giá mua chúng không? Có phải chúng đến kèm theo “hướng dẫn lắp ráp” mà chỉ có người chuyên xây dựng hôn nhân mới hiểu được không? Nếu tôi đọc Kinh thánh cách đúng đắn, thì tin tức tốt lành là: những viên gạch cần cho xây dựng là ít thôi, nhưng yêu cầu thì có ngay, bao nhiêu cũng có, cứ tự nhiên lấy dùng không phải trả tiền và còn kèm theo chỉ dẫn rất đơn giản đến nỗi chỉ cần có động cơ chân thật là hiểu được, tuy thế cũng đủ sâu sắc để là một thách thức vô tận cho một tín hữu trưởng thành. Những viên gạch xây dựng cần để phát triển sự hiệp nhất trong hôn nhân là: 1) Ân điển (ân sủng) 2) Dấn thân tận hiến. 3) Chấp nhận. Thứ tự rất có ý nghĩa. Chúng ta không thể có sự dấn thân thật sự nếu trước hết không có ân điển. Và cũng không thể chấp nhận người bạn đời như cần phải làm, nếu trước hết chúng ta không dấn thân tận hiến cho họ. Chúng ta hãy sắp xếp những yếu tố theo thứ tự. Ba chương tiếp theo sẽ giải thích những yếu tố cấu thành của từng viên gạch.
Viên gạch thứ 1: ÂN ĐIỂN
Một chấp sự ngồi đối diện tôi, lắc đầu giận dữ và thất vọng. “Tôi đã dạy Trường Chúa nhật trong hai mươi năm. Tôi còn dạy cả những lớp về gia đình Cơ Đốc. Ông không thể nói nhiều với tôi về những điều trong Kinh thánh mà tôi lại không biết. Và tôi đã nỗ lực – Đức Chúa Trời biết tôi rất nỗ lực – hết sức để làm một người chồng, người cha, người chấp sự và thương gia như Đức Chúa Trời muốn. Mọi sự đều tốt đẹp, thật sự tốt đẹp trong Hội thánh và trong công ăn việc làm. Nhưng dù tôi cố gắng thế nào đi nữa, tôi cũng không làm sao cho gia đình êm ấm được. “Ngay bây giờ, tôi nản chí quá rồi, giận và khổ sở vô cùng đến độ tôi sẵn sàng bỏ đi, và tôi gặp một người. Này, tôi biết là sai chớ, ông khỏi phải thuyết cho tôi một bài về tội lỗi – nhưng nếu ông biết sự nản chí tôi gặp ở nhà, có lẽ ông sẽ hiểu được tôi cần nói chuyện và thư giãn với một phụ nữ như thế nào. Chúng tôi chưa ngủ với nhau, nhưng Chúa biết là tôi muốn lắm. Cô ấy khác hẳn với vợ tôi. Tôi không thể hòa hợp với vợ tôi -tôi đã cố gắng thật lâu rồi. Chúng tôi cưới nhau đã 22 năm và tôi chưa hề nhìn ngắm một người đàn bà nào khác mãi cho đến bây giờ. Tôi muốn làm đẹp lòng Chúa. Tôi thật sự muốn, nhưng không còn cách nào làm cho cuộc sống gia đình tôi khá hơn cả.” Nếu là người tư vấn bạn sẽ nói gì? Nếu tôi phải giới thiệu những tư tưởng của tôi về sự hiệp nhất trong hôn nhân, có lẽ tôi sẽ gặp một nụ cười thiểu não, một cái lắc đầu chán nản và cuối cùng là một câu nhận xét đại loại như: “Nghe cũng hay. Mong là nó hợp với ông nhưng với cuộc hôn nhân của tôi thì chịu. Tôi đã cố gắng hết sức rồi!” Những bài giáo khoa về việc cứ nhắm mục tiêu là làm một người chồng đúng theo như Kinh thánh dạy, dù người vợ có thay đổi hay không có lẽ cũng sẽ gặp phải số phận tương tự. Để định rõ được rằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc phải được xem như nguyện vọng hợp pháp để cầu nguyện, còn để trở thành một người chồng tốt là mục tiêu khiến ông ta phải thừa nhận trách nhiệm có thể ít có cơ may biến sự thất vọng thành nhiệt tâm hợp tác. Vấn đề là gì? Cái điều ông này thiếu trong thái độ khiến ngăn trở mọi hy vọng tiến bộ là gì? Chúng ta cần phải nhìn sâu vào hành vi tội lỗi của ông ta, để thấy rằng ông ta không muốn tin một số lẽ thật cơ bản nào đó. Sự vô tín bất trị là cốt lõi của tội lỗi, còn hành động chống đối chỉ là cách diễn tả bên ngoài có thể thấy được mà thôi. Giải pháp hữu hiệu cho nan đề của ông này đòi hỏi trước hết chúng ta phải nhận biết những thắc mắc trọng tâm mà ông ta trả lời không đúng. Như tôi thấy, người chồng tuyệt vọng này bị chế ngự bởi câu trả lời cho một câu hỏi tốt: “Có nguyên nhân đúng đắn nào khiến tôi không nên xem cuộc hôn nhân này như một tai họa để bào chữa cho nỗi thất vọng của tôi không? Có lý do nào khác khiến tôi nên nỗ lực hơn nữa để đáp ứng đúng theo sự dạy dỗ của Kinh thánh không?” Câu hỏi rất hợp pháp. Tuy nhiên nó chỉ cố nói quanh co những câu hỏi cứng rắn hoặc đưa ra những câu trả lời cũ rích chỉ đáng đồng ý chiếu lệ mà thôi. Bảo người chồng này rằng ông ta phải yêu vợ mình như đáng phải yêu, vì Đấng Christ là đầy đủ cho nhu cầu của ông ta và vì Kinh thánh dạy như thế, là những lời khuyên tốt nhưng sẽ không được nghe theo, không có lý do gì để nói như thể cả. Trước khi ông này chỉnh đốn lại cuộc hôn nhân của mình, ông ta phải có lý do để tin rằng việc làm ấy có ý nghĩa. Tôi nhớ có một phụ nữ yêu mến Chúa nói lên điều bực mình của bà là ông chồng không tin Chúa đã không còn tỏ ra thích thú vấn đề chăn gối với bà từ mấy năm rồi. Bà chẳng những thấy mình bị từ khước mà còn bực bội về phương diện tình dục nữa. Cầu nguyện và đọc Kinh thánh có thể giúp cho bà năng lực có thể chịu đựng mà không bày tỏ sự bực bội của mình cách tội lỗi. Nhưng những cố gắng hâm nóng tình yêu để được chồng chấp nhận đã không mảy may gợi được sự ham muốn nơi ông ta. Bà hỏi với ít nhiều lúng túng: “Tôi phải làm sao với đòi hỏi yêu đương của tôi đây? Đôi lúc thân xác như muốn gào thét lên để được thỏa mãn”. Ẩn bên dưới nan đề tình dục cách hợp lẽ này là một mối bận tâm sâu xa hơn: “Tình hình này dường như hết chịu nổi nữa rồi. Tôi không thắc mắc là có nên thủ dâm hay đi bắt bồ với ai đó. Điều tôi thật sự thắc mắc là liệu vấn đề này có đến mức tuyệt vọng chưa. Nếu có, thì tôi phải sửa đổi lại tiêu chuẩn của mình để giải tỏa bớt. Còn nếu không, tôi sẽ tiếp tục sống đạo đức”. Mối bận tâm này phải được đề cập đến trước khi muốn bà ấy nghe theo lời khuyên sống theo tiêu chuẩn Thánh kinh. Một phụ nữ khác nói với tôi trong trạng thái căng thẳng rằng cha của bà , một mục sư đáng kính, đã quấy rối tình dục liên tục từ khi bà còn ở tuổi thiếu nhi và những năm đầu tuổi thiếu niên. Bà tìm sự giúp đỡ để làm tan đi chứng lãnh cảm đối với những âu yếm của chồng. “Tôi không biết chắc tôi có còn rung cảm với chồng được nữa không. Tôi biết mình phải như thế. Tôi muốn Hiệp nhất trong Tinh thần, trong Tâm hồn và Thể xác. Tôi cũng đã nghe ông nói về việc nhảy khỏi những bức vách và những điều dường như không thể. Nhưng tôi đã cố! Nhà tôi đã kiên trì hết sức. Nhưng chẳng kết quả gì. Đã sáu năm rồi còn gì! Tôi không thấy còn cách nào để tôi có thể rung động đối với việc ân ái. Ảnh hưởng từ tội lỗi của cha tôi quá sâu đậm”. Nếu nhắc bà ta rằng tình yêu của Đức Chúa Trời đã đủ cho nhu cầu của bà và rồi động viên bà ấy đáp ứng tình yêu của chồng sẽ không có tác dụng gì. Câu hỏi chính xác của bà ấy không phải “Tôi nên làm gì?” mà là “Có còn hy vọng gì không?”. Trên đây là những câu hỏi nghiệt ngã của một người chồng nản lòng, một người vợ bực bội và một nạn nhân của tội lỗi người khác. Tranh chiến sẽ không dịu đi với câu trả lời như “Rồi thì mọi sự sẽ tốt thôi” hoặc “Nếu bạn nỗ lực hơn nữa, Đức Chúa Trời sẽ chúc phước” hay “Đừng tủi thân nữa, hãy cứ sống như phải sống”. Câu hỏi sâu xa là: “Có nên vâng phục không? hay đã tuyệt vọng rồi? ” Tôi tin rằng không hề có cuộc hôn nhân nào giữa hai con người chân thành, tự phê mà không thỉnh thoảng gặp những lúc dường như hết thuốc chữa. Có những lúc trong chính cuộc hôn nhân của tôi, bức tường ngăn cách giữa vợ chồng tôi dường như quá cao không thể vượt qua, quá dày không thể phá vỡ được. Chúng tôi thấy khó có hy vọng gì, không dễ tin rằng bằng cách nào đó những ngăn cách khiến không thể hiệp nhất có thể được cất bỏ. Một cặp vợ chồng nên làm gì khi đối diện với những câu hỏi nghiêm trọng này? Một sinh viên đang lo không thể qua được kỳ thi sẽ không được thúc đẩy bởi một cuộc hội thảo về kỹ thuật học tập. Chúng ta không thể gieo rắc sự thích thú làm theo chỉ dẫn của Thánh kinh nếu chúng ta tin rằng sẽ chẳng có gì tốt đẹp xảy ra cả. Trước khi những trách nhiệm trong hôn nhân được xem như cơ hội mời gọi thay vì những bổn phận vu vơ, thì cái cốt lõi trong thái độ của một người phải được chuyển từ thất vọng sang hy vọng trước đã. Để tác động lên sự chuyển đổi này, đòi hỏi chúng ta có câu trả lời thích đáng cho những câu hỏi nghiêm trọng hơn. Trong một thế giới nơi mỗi mối quan hệ đều bị sần sùi vì những tác động méo mó của tội lỗi, không gì cần thiết hơn là sự biết ơn sâu xa đối với ân sủng của Đức Chúa Trời như một nền tảng của hy vọng, để cho người ta hoàn toàn tin rằng luôn luôn có lý do khiến chúng ta sống cách có trách nhiệm, dù mọi sự đều hỏng bét là điều không thể thiếu trong đời sống Cơ Đốc nhân. Tuy nhiên có quá nhiều những cặp vợ chồng bấu víu vào những lời hứa Chúa chưa bao giờ hứa để làm nền tảng cho hy vọng của họ. Họ tin rằng nếu họ làm hết khả năng, Đức Chúa Trời sẽ thay đổi người bạn đời của mình thành những Cơ Đốc nhân đáng yêu. Nhưng một lý do để sống không bao giờ đảm bảo, “Mọi sự rồi sẽ tốt đẹp hơn” hoặc “Đức Chúa Trời sẽ cứu chồng bạn và khiến anh ấy không nhậu nhẹt nữa.” Hy vọng của Cơ Đốc nhân còn sâu xa hơn sự biến đổi của một ai đó. Hy vọng của Cơ Đốc nhân được buộc chặt vào ân sủng của Đức Chúa Trời. Rất dễ để trích dẫn những câu Kinh thánh trong Hêbơrơ (đặc biệt là Heb 6:18-19) và nói cách sôi nổi về niềm hy vọng chắc chắn trong Chúa như một cái neo cho linh hồn chúng ta. Nhưng nếu bạn bị nhiễm phải chứng thất vọng mãn tính khiến sinh ra thái độ “sao thắc mắc làm gì?” thì hãy suy gẫm trong tinh thần cầu nguyện những gì bạn sắp đọc. Có lẽ bạn sẽ phát huy một viễn cảnh của hy vọng bắt đầu từ lẽ thật của ân sủng diệu kỳ của Đức Chúa Trời và có thể đặt đúng chỗ viên gạch đầu tiên để tiến tới sự hiệp nhất. Nhưng xin nhớ rằng Chúa không hứa sẽ chỉnh đốn lại cuộc hôn nhân của bạn dùm bạn đâu. Hy vọng của Cơ Đốc nhân không phải là người bạn đời của mình sẽ thay đổi, là sức khỏe mình sẽ khá hơn hoặc tình hình tài chính của mình tiến bộ. Chúa không hứa sắp xếp lại thế giới để phù hợp với ao ước của chúng ta. Nhưng Ngài hứa chỉ cho phép những biến cố nào thể hiện mục đích của Ngài trên đời sống chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là đáp ứng với những biến cố trong cuộc sống cách đẹp lòng Chúa, chứ không phải thay đổi người bạn đời theo ý chúng ta muốn. Và nếu chúng ta có đáp ứng cách đúng theo lời Kinh thánh dạy, chúng ta cũng không có bảo đảm nào rằng người bạn đời của chúng ta sẽ đáp ứng lại cách tử tế. Dù họ nộp đơn xin ly dị, hoặc tiếp tục nhậu nhẹt hay càu nhàu càng hơn nữa, thì vẫn có lý do để chúng ta kiên nhẫn trong sự vâng phục.
SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Hãy chú ý một câu khác thường trong Matt 26:65. Chúa chúng ta bị xử trước thầy Tế lễ thượng phẩm của Ysơraên. Ông ta vừa yêu cầu Chúa xác định cách rõ ràng Ngài có phải là con Đức Chúa Trời hay không? Khi Chúa Jêsus vừa khẳng định xong thần tánh của mình thì Cai phe, thầy tế lễ Thượng phẩm lập tức xé áo mình . Tại sao? Hành động của ông ta có ý nghĩa gì? Kinh thánh ký thuật nhiều trường hợp dân chúng xé áo mình. Giôsuê và Calép xé áo khi dân Ysơraên không chịu tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban chiến thắng cho họ tại đất Canaan (Dan So Ky 14:6). Giép Thê xé áo khi con gái duy nhất của ông ra đón mừng ông thắng trận trở về, vì ông ta đã thề hứa một lời nguyện cẩu thả, bừa bãi (Các 11). Phaolô và Banaba xé áo khi người dân ở Lít trơ phản ứng đối với một phép lạ họ thực hiện bằng cách tôn hai ông làm thần (Cong Vu 14:11-14). Còn nhiều thí dụ nữa, nhưng chừng đó cũng đủ để chứng minh. Xé áo mình là một hình thức bày tỏ đau buồn và sầu khổ. Sự vô tín của người Do thái ở Cađe Banêa, thảm cảnh phải hy sinh chính con gái mình, và sự thờ phượng sai trật của người ta được Giôsuê, Calép, Giépthê và Phaolô xem là kinh khủng đến mức họ phải xé áo. Điều nổi bật đáng chú ý là Chúa đặc biệt ra lệnh cấm một nhóm người không được phép xé áo dù hoàn cảnh có đau đớn đến đâu. Luật pháp ban cho Môise có một số hướng dẫn đặc biệt: chỉ cho phép thầy tế lễ của Đức Chúa Trời có thể xé áo khi có sự phạm thượng. Đức Chúa Trời chỉ dẫn cách may áo cho thầy tế lễ để giảm thiểu khả năng bị rách bất ngờ (Xuat 28:32; 39:23; Le Vi 21:10). Chỉ có một sự kiện khiến Cai phe xé áo trong phiên xử Chúa Jêsus và đó không phải là sự sầu khổ đau buồn trước hoàn cảnh khó khăn. Khi hai con trai Arôn bị Đức Chúa Trời giết chết như hình phạt về tội lỗi, Môise bảo Arôn: “Các ngươi chớ xé áo mình, e khi phải chết …” (10:6). Đối với một người bình thường không phải là thầy tế lễ thì xé áo trong trường hợp đau buồn như con chết là chuyện hoàn toàn thích hợp. Nhưng với Arôn, một thầy tế lễ, thì đó là tội? Tại sao? Tại sao vua Giôsia xé hoàng bào và khiến Chúa cảm động đổ phước xuống. Vậy tại sao Arôn sẽ chết nếu ông xé áo? Tại sao các vị vua và các nhà lãnh đạo khác được phép xé áo mà không bị hình phạt (thường thường lại được phước) còn thầy tế lễ không được phép xé áo? Câu trả lời có liên quan đến đặc quyền dành riêng cho các thầy tế lễ. Trong thời Cựu ước, chỉ có các thầy tế lễ được phép đặc biệt để vào Nơi Thánh trong Đền tạm và mỗi năm một lần, thầy tế lễ thượng phẩm vào trong Nơi Chí Thánh, nơi có sự hiện diện của Đức Giê Hô Va. Không có ai ngoài thầy tế lễ thượng phẩm biết thế nào là đứng trước sự hiện diện ấy. Không có ai ngoài thầy tế lễ thượng phẩm được phép rưới huyết con sinh tế lên ngôi thi ân để tránh sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời thánh khiết. Chỉ có ông ấy có thể đến với Đức Chúa Trời trong cách này mà còn sống. Bây giờ, hãy so sánh đặc quyền đi vào ra mắt Chúa và trách nhiệm của ông ta là không được xé áo. Cần nhớ rằng xé áo là một cách thức có tính cách văn hóa để bày tỏ sự tuyệt vọng sâu sắc trước một tai họa. Bài học thật rõ ràng: một người được phép đi vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời không bao giờ có lý do xem một việc gì đó như một tai họa. Chúng ta có thể biểu tỏ lẽ thật này cách khác. Khi một người ý thức sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong cuộc đời mình, không có gì xảy ra khiến cho người đó phải thấy tuyệt vọng cả. Nếu một thầy tế lễ phải xé áo vì lý do đau đớn cá nhân, tức là ông ta hoàn toàn khẳng định rằng trong cuộc sống có những vấn đề mà Đức Chúa Trời không thể giải quyết. Và điều đó hoàn toàn sai. Đức Chúa Trời của tình yêu, Đức Chúa Trời của cõi vĩnh hằng, Đức Chúa Trời vô hạn, vừa có thể sống trong tâm hồn của dân sự Ngài và đồng thời điều khiển dòng lịch sử, có thể giải quyết từng hoàn cảnh. Không có gì khiến Ngài ngạc nhiên cả. Không có nan đề nào quyền năng của Ngài không thể khống chế được. Không có một biến cố nào trong cuộc đời mà ân sủng Ngài không phủ lấp. Những người có thể đến trực tiếp với một Đức Chúa Trời như vậy không được tuyệt vọng, làm như thế là cho rằng Đức Chúa Trời bất lực không thể làm điều tốt đời đời cho cảnh ngộ của chúng ta. Một trong những lẽ thật đáng chú ý bày tỏ cho tín hữu thời Tân ước là mỗi chi thể trong thân thể Đấng Christ là một thầy tế lễ (IPhiero 2:5). Chúng ta được khích lệ đến thẳng với ngai Đức Chúa Trời, đến với Ngài với niềm tin chắc chắn rằng Ngài biết nan đề của chúng ta, thông cảm với những tranh chiến của chúng ta và có đủ khả năng vận hành thông qua hoàn cảnh của chúng ta để đạt được mục đích của Ngài và để chúng ta được phước hạnh. Vì cớ tôi và các bạn là những thánh đồ được cứu chuộc để tận hưởng vị trí đặc quyền của thầy tế lễ, chúng ta không bao giờ được xé áo. Chúng ta không bao giờ được phép xem bất cứ hoàn cảnh nào lá quá tệ đến nỗi phải tuyệt vọng. Khi có những biến cố trong cuộc đời chúng ta dường như quá trầm trọng và gây nản lòng, chúng ta được mời thực hành quyền lợi của thầy tế lễ để đến trước ngôi thi ân của Đức Chúa Trời. Sự lựa chọn thuộc về chúng ta: xé áo trong tuyệt vọng và tìm mọi cách giải quyết trong nỗi đau đớn, hoặc tùy thuộc hoàn toàn vào ân sủng của Đức Chúa Trời và cương quyết từ chối thẳng thừng việc thỏa hiệp khiến không còn dấn thân sống trọn vẹn cho Đức Chúa Trời nữa. Ân sủng diệu kỳ! Chúng ta xứng đáng nhận lãnh hậu quả của mỗi tội lỗi chúng ta đã phạm để chịu mất tất cả những gì tốt đẹp. Thay vào đó chúng ta được ban cho nguồn năng lực của Thầy Tế Lễ Tối Cao đã biện hộ cho trường hợp của chúng ta trước chính Quan An thiên thượng – rồi chúng ta được tha bổng – chẳng những chúng ta được tuyên bố vô tội, mà còn được hưởng sự chăm sóc, bảo vệ đời đời từ chính vị quan tòa. Vị quan tòa thánh khiết bước ra khỏi ghế ngồi và bày tỏ chính Ngài như là cha yêu dấu của chúng ta. Bây giờ chúng ta xem xét câu hỏi ở phần đầu của chương này. Chúng ta, những người vợ, người chồng phải làm gì khi mối quan hệ trong hôn nhân của chúng ta quá chua, đến nỗi không hy vọng gì ngọt được nữa? Có phải chúng ta sẽ xé áo mình bằng cách cố gắng hy sinh chịu đựng một người bạn đời “cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta” không? Chúng ta có nên xé áo mình bằng cách thoát thân qua cuộc ly dị vốn dĩ sẽ tiêu diệt cuộc hôn nhân của chúng ta không? Có phải chúng ta sẽ cắt áo quần bằng cách tìm một người bạn đường khác thích hợp với chúng ta hơn người bạn đời hiện nay không? Hay chúng ta xem những sự lựa chọn trên là không xứng đáng và không nên nghĩ đến đối với thầy tế lễ của Đấng Chăn Chiên Toàn năng. Trong sự hiện diện của Ngài, không có gì phải tuyệt vọng cả. Có thể có đau đớn, sầu não nhưng không bao giờ tuyệt vọng. Có thể người bạn đời của chúng ta chẳng làm gì để cải thiện cuộc hôn nhân của chúng ta cho được hạnh phúc, cho mối quan hệ được trọn vẹn. Nhưng nếu chúng ta vẫn trung tín với Chúa, đổ lòng mình ra trước Chúa, phục hồi lại sự dấn thân của chúng ta để tìm kiếm Ngài, tin cậy Ngài hướng dẫn chúng ta trong câu trả lời, thì Ngài sẽ duy trì chúng ta qua suốt những thử thách và cho chúng ta được có mối tương giao phong phú trong Ngài. Có lý do để chúng ta cứ tiếp tục. Có hy vọng. Ân sủng của Chúa luôn luôn đủ. Có lẽ người bạn đời của bạn không cộng tác với bạn trên con đường đi đến sự hiệp nhất. Nhưng bạn vẫn có thể giữ sự dấn thân của mình – trước hết là vâng lời Chúa và rồi chăm sóc phục vụ người bạn đời của mình qua mỗi cảnh ngộ. Kết quả sẽ có thể là một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn (và trong nhiều trường hợp điều đó rất khả thi). Kết quả sẽ chắc chắn là một bước mới trong sự trưởng thành tâm linh và trong sự tương giao giữa Chúa với bạn và như thế cũng đủ để bạn không bao giờ xé áo mình. Kết luận vấn đề này như sau: Trong việc theo đuổi sự hiệp nhất trong hôn nhân, chúng ta không được để cho thất bại, ngã lòng hoặc thảm kịch cướp mất niềm tin của chúng ta rằng Chúa có thể sửa đổi, chữa lành cuộc hôn nhân của chúng ta và rồi Ngài chắc chắn sẽ làm cho chúng ta trưởng thành cách sâu sắc hơn. Không có trường hợp nào bi đát đến nỗi ân sủng của Đức Chúa Trời lại không đáp ứng đủ. Xây dựng một cuộc hôn nhân khởi đầu bằng một niềm tin ý thức rằng sự quyết định sống cho Đức Chúa Trời sẽ kết quả tốt. Niềm tin này hoàn toàn phụ thuộc vào viên gạch xây dựng hôn nhân đầu tiên: sự đầy đủ của ân sủng Đức Chúa Trời.
Viên gạch thứ 2: SỰ DẤN THÂN
Viên gạch xây dựng thứ hai cho một cuộc hôn nhân hiệu quả nằm thoải mái bên trên viên thứ nhất. Nếu sự tin cậy vào ân sủng của Đức Chúa Trời của chúng ta đủ để giữ vững hy vọng, dù thất vọng rất hiển nhiên, khi ấy chúng ta đang ở vào một vị thế sẵn lòng dấn thân làm theo những điều Đức Chúa Trời phán dạy. Chúng ta có thể hành động dựa trên sức mạnh của hy vọng bằng cách cứ chỉnh đốn cuộc hôn nhân của chúng ta ngay cả khi bị cám dỗ bỏ cuộc. Nếu chúng ta tin một cách sâu sắc rằng Chúa sẽ vì chúng ta hành động trong mọi hoàn cảnh, thì không có một bộ sưu tập những nỗ lực hôn nhân nào có thể thúc đẩy chúng ta nghĩ đến việc ly dị hoặc thối lui cả. Nếu Đức Chúa Trời thật sự đầy quyền năng như Ngài tuyên bố, thì con đường vâng phục sẽ luôn luôn dẫn đến những mục đích theo như dự định của Ngài. Niềm hy vọng (nói rõ hơn là: sự chắc chắn) rằng Đức Chúa Trời đang hành động để hoàn thành chương trình của Ngài, ngay cả những cuộc hôn nhân gai gốc nhất phải luôn bám rễ vững vàng trong nhận thức của chúng ta về ân sủng mạnh mẽ của Ngài – và đó là viên gạch xây dựng thứ 1. Nếu chúng ta tin chắc hơn rằng Ngài chẳng những đang hành động, mà những mục đích của Ngài luôn luôn tốt đẹp, thì từ trong sâu thẳm của con người mình, chúng ta vẫn sẽ luôn muốn – thật sự muốn – đi theo đường Ngài. Đối với Cơ Đốc nhân nào thật sự nhạy cảm với thực tế về sự thiện lành của Chúa, sự vâng phục không còn bị xem là phục tùng bắt buộc, nhưng sẽ phản ánh một lựa chọn tự do, dù đôi khi thuận phục cách đau đớn cho một kế hoạch tốt đẹp. Sau khi cân nhắc cái giá phải trả, quyết định vâng phục sẽ được hỗ trợ bằng một ước nguyện vâng theo. Đây là viên gạch xây dựng thứ 2: một ước nguyện sâu sắc muốn vâng phục Chúa bằng cách tôn trọng lời hứa nguyện hôn nhân, một khao khát tăng trưởng tự nhiên từ niềm tin rằng Đức Chúa Trời là thiện. Tuy nhiên, sự vâng phục theo sự dạy dỗ của Thánh kinh thường bị xem như một bổn phận miễn cưỡng và đôi lúc chắc chắn có chống đối, nhất là trong hôn nhân. Khi một người cưới phải bà vợ lúc nào cũng càm ràm, không biểu lộ tình cảm, hoặc luôn luôn chỉ ra những sai sót của ông ta, thì lời khuyên dạy” hãy yêu vợ mình” có vẻ giống như lời mời gọi ông ta dẫm chân lên cây đinh hơn là thưởng thức một bữa ăn ngon. Một bà vợ có người chồng bày tỏ sự ích kỷ và luôn ra lệnh dựa trên chiêu bài Kinh thánh dạy người chồng làm đầu, sẽ xem việc thuận phục như một dịp tiện khiến bà mất đi nhân thân qua sự phục tùng mất phẩm giá của mình. Có một cái gì đó sai trật trầm trọng khi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời dường như chẳng hấp dẫn gì hơn những yêu cầu cay nghiệt của một kẻ chuyên quyền vô tình. Tại sao đôi lúc chúng ta đáp ứng lại những chỉ dẫn của Kinh thánh với một thái độ miễn cưỡng “như làm bổn phận” giống y như một tân binh đáp ứng lại lịnh truyền của trung sĩ bảo ra khỏi giường và hít đất 50 cái? Tại sao không có một sự nhiệt tình, tin tưởng khi đi theo Chúa, cho dù đường đi dốc đứng và lởm chởm. Có lẽ chúng ta hiểu lầm những hướng dẫn của Ngài về việc yêu vợ và thuận phục chồng, do đó làm cái điều Chúa không hề yêu cầu. Một phần của nan đề nằm trong bản chất tội lỗi của chúng ta, khiến chúng ta có khuynh hướng bướng bỉnh, xem điều tốt thành xấu và điều xấu thành tốt. Cho dù nguyên nhân gì đằng sau thái độ thỉnh thoảng đáng trách của chúng ta đối với sự vâng phục thì chắc chắn một điều: Nếu chúng ta tôn trọng lời hứa nguyện làm chồng, làm vợ của chúng ta trong tinh thần miễn cưỡng vâng phục hoặc phục tùng thiếu thiện chí, thì chúng ta chẳng có tôn trọng lời hứa nguyện của mình gì cả. Cứ thử tưởng tượng một người nào đó đáp ứng lời kêu gọi truyền giáo bằng những lời như: “Thôi được rồi, được rồi – Các ông đã làm xong phần vụ mình. Tôi thấy mặc cảm tội lỗi quá đi. Tôi đã nghe đủ những câu truyện về những người dân bản xứ chết đói và những người ngoại giáo phải đi địa ngục rồi – Tôi sẽ đi nếu tôi phải đi. Tôi phải ghi tên ở đâu đây?” Người này sẽ thành giáo sĩ kiểu gì? Hàng tá ông chồng, bà vợ đáp ứng lại những bó buộc trong hôn nhân theo cung cách như thế. Họ thành những người bạn đời khủng khiếp. Viên gạch xây dựng thứ 2 không hề xem việc vâng phục Đức Chúa Trời như một bổn phận miễn cưỡng, chắc chắn chúng ta là dân sự dưới quyền Chúa, chúng ta phải làm theo mạng lịnh của Chúa. Đó là bổn phận của chúng ta. Nhưng vâng phục không phải chỉ là bổn phận. Đó là một đặc quyền, một dịp tiện bước vào niềm vui sâu xa khiến tất cả những thú vui khác đều dường như nông cạn. Thế thì, tại sao làm theo mạng lịnh yêu vợ và thuận phục chồng đôi lúc giống như mạng lịnh của cha mẹ bảo không được chơi nữa và hãy đi làm bài tập mà mình ghét nhất? Trong chương này, chúng ta có thể xem xét làm thế nào chúng ta có thể chân thành khát khao làm trọn lời hứa nguyện hôn nhân, cho dù nó đòi hỏi chúng ta phải chăm sóc cho một người phối ngẫu khó chịu. Ba khái niệm rất thiết yếu đối với mục đích này: Điểm 1: Điều cơ bản không thể thiếu cho sự dấn thân kiên nhẫn, không nao nóng và vui vẻ vâng phục tất cả mạng lịnh của Đức Chúa Trời là đức tin tuyệt đối vào sự thiện lành của Đức Chúa Trời. Điểm 2: Sự vâng phục phát huy từ nhận thức về sự thiện lành của Đức Chúa Trời sẽ được tự thân từng trải như là sự theo đuổi những nguyện vọng sâu sắc nhất, thay vì bị chi phối bởi bổn phận. Điểm 3: Nếu không có niềm vui nào trong việc tôn trọng lời hứa nguyện hôn nhân, lỗi không thuộc về người bạn đời, dù người ấy có khó chịu đến đâu đi nữa. Nguyên nhân thiếu niềm vui có thể do việc thiếu nhận thức về sự thiện lành của Đức Chúa Trời.
Điểm 1: Nền tảng cho sự dấn thân thật sự là sự thiện lành của Đức Chúa Trời . Những nhà tư vấn hôn nhân thường định nghĩa tình yêu trong những hành động và quyết định hơn là cảm xúc. Chúng ta biết tình yêu của Đức Chúa Trời vì Ngài làm một điều gì đó, chứ không phải vì Ngài cảm thấy một điều gì. Chúng ta thường được hô hào yêu mến người bạn đời dù chúng ta có cảm thấy thích hay không.