Đây không phải là quyển tiểu thuyết vì toàn thể câu chuyện đều thật, kể cả những mẫu đối thoại. Những nhân vật liên hệ đều còn sống vì thế tác giả tránh không mô tả hoặc nêu tên các địa danh. Câu chuyện xảy ra ở Phi Châu, nhưng những vấn đề nêu lên đều là những vấn đề chung của mọi nơi và của mọi nền văn hoá.

Chuyện Trăm Năm 1

Mặt đất thấp dần; đường băng bê-tông hiện ra. Bánh xe máy bay chạm đất, nhún nhẹ rồi lăn đều. Tiếng động cơ rú ầm ầm, máy bay chậm lại, đổi hướng, tiến về phía toà nhà chính của phi trường rồi dừng lại. Thế là tôi đã đến nơi. Tôi tháo dây lưng an toàn, vắt chiếc áo lạnh lên tay, xách va-ly rồi len xuống cửa ra ở cuối máy bay. Người nữ tiếp viên Phi Châu mỉm cười nghiêng đầu chào tôi: – Xin tạm biệt. Mong ông hài lòng về chuyến bay. – Cám ơn cô. Tôi trả lời rồi cẩn thận đi xuống chiếc cầu thang hẹp của sàn đậu. Hơi nóng hừng hực hắt vào người. Tôi nối đuôi theo đoàn người, đi ngang qua sân phi trường nắng chói chang, tiến về phía trạm hành khách. Khoảng nửa đường từ chỗ máy bay đậu và trạm, có một thiếu nữ trong bộ đồng phục tiếp viên đang đứng đợi, chăm chú nhìn toán hành khách dường như để tìm một gương mặt quen nào đó. Chợt cô ta bước tới và gọi tên tôi. – Sao cô biết tôi? – Tôi hỏi. – Tôi thấy hình ông ở bìa sau một cuốn sách ông viết. Tôi là Miriam. Có lần tôi đã viết thư cho ông. Miriam à? Tôi cố lục lọi trong trí nhớ. – Tôi có hồi âm chưa? – Dạ có. Ông bảo rằng hồi hôn còn hơn là sau này ly dị. Bây giờ thì tôi nhớ bức thư đó rồi. Tôi để xách tay xuống nhìn Miriam. Cô ấy nhỏ nhắn, xinh đẹp với đôi mắt nâu long lanh dưới vầng trán thông minh. Mái tóc dài gần như xanh đen được cuốn gọn lên sau gáy. Tôi mỉm cười nói: – Cô đã viết cô sợ rằng những cảm nhận của mình về vị hôn phu chưa đủ sâu để có thể tiến tới hôn nhân. – Và ông đã nói tôi nên nghe theo những cảm nhận ấy, vì phụ nữ thường bén nhạy hơn nam giới. Tôi nhớ lại đầy đủ trường hợp của người thiếu nữ này. Cô ta lớn hơn hôn phu một tuổi, học hơn bốn năm và lương cũng cao hơn. Đây là điều làm cô lo lắng. – Nhưng ông hiểu cho. Tôi không thể xa anh ấy. Anh ấy yêu tôi và tôi cũng có phần thương anh ấy. Nhưng đôi lúc tôi cũng không hiểu được lòng mình. – Tôi hiểu, Miriam, nhưng bây giờ thì chúng ta chưa nói chuyện ở đây được. Để qua trạm kiểm soát rồi chúng ta tiếp tục. Được chớ? Miriam xách giúp tôi một bên quai chiếc xách tay nặng. Tay kia tôi kẹp cái cặp rồi cùng đi về phía trạm hành khách. Không đợi đến nơi, Miriam vẫn tiếp tục câu chuyện. – Xin lỗi ông, tôi cần thưa chuyện với ông ngay vì mục sư cho biết ông chỉ ở đây có bốn ngày. Hơn nữa, tôi muốn gặp ông trước khi những người khác đến. Tôi làm việc cho hãng hàng không nên mới được phép ra đây. – Cô là thuộc viên Hội Thánh của Mục sư Daniel? – Vâng. Ông mục sư cũng đã đến đón. Xong thủ tục hải quan ông sẽ gặp. Lúc xếp hàng chờ kiểm tra hộ chiếu tôi thấy như Miriam vẫn muốn nói tiếp. Cô ấy đã phải cố gắng lắm, đã phải thu nhiều can đảm mới dám trình bày nan đề với tôi, vì thế tôi không muốn để cô thất vọng. – Này Miriam, tôi vẫn không hiểu tại sao cô lại đính hôn vội vã như thế khi chưa biết nhiều về người đó? – Ở xứ tôi, con gái không được nói chuyện và đi chơi riêng với bạn trai nếu chưa đính hôn. Chúng tôi không được phép có bạn trai. Trong sách ông viết rằng không nên đính hôn khi chưa hiểu rõ người bạn mình, nhưng chúng tôi thì không thể quen nhau trước khi đính hôn. Đến lượt tôi trình hộ chiếu. Nhân viên kiểm soát hỏi: – Ông là du khách? – Tôi đến giảng cho một nhà thờ ở đây. – Về đề tài gì, thưa ông? – Về hôn nhân, ông ạ. Ông ta liếc nhìn tôi rồi đóng dấu vào hộ chiếu, không hỏi thêm điều gì khác. Miriam cùng tôi đi đến chỗ nhận hành lý. – Nếu tôi bỏ, anh ấy sẽ tự tử. – Tự tử à? Cô nghĩ rằng anh ta dám liều? – Tôi không biết, nhưng có thể lắm! – Có lẽ tôi nên nói chuyện với anh ta thì tốt hơn. – Vậy thì hay quá. Tối nay anh ấy cũng sẽ đi nhóm. – Sau buổi nhóm cô giới thiệu anh ta cho tôi nhé. – Cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều. Vẻ nhẹ nhỏm của Miriam khiến tôi kết luận rằng đây chính là điều cô hằng mong ước: sắp xếp để cho người chồng hứa có thể gặp riêng tôi. Sau khi tôi nhận chiếc va-ly khá to, Miriam nói với nhân viên hải quan bằng tiếng địa phương. Anh ta ra dấu cho chúng tôi qua. Cửa mở. Chúng tôi bước vào phòng đợi. Mục sư Daniel bước đến nắm hai cánh tay tôi theo lối chào của người Phi Châu rồi ông ôm lấy tôi. – Hoan nghênh ông, rất hoan nghênh ông đã đến. – Vâng, cuối cùng tôi cũng đã đến nơi. – Tôi mừng lắm. Xin được giới thiệu với ông đây là Esther, nhà tôi. Mục sư Daniel hướng về phía một phụ nữ độ ngoài ba mươi, có nét mặt thông minh, dáng người thon thả. Esther mặc chiếc váy màu xanh đậm, sọc đen, đầu quấn khăn vàng. Tay trái bà ẵm con nhỏ, còn tay phải dắt một bé trai độ ba tuổi. Bà bắt tay tôi theo lối Tây phương, ánh mắt tránh né, e thẹn. – Chào mừng ông đến đất nước chúng tôi – Bà nói. Cậu bé nhìn tôi tò mò nhưng khi tôi cúi xuống chào, cậu liền trốn ra sau, vòng hai tay ôm lấy váy mẹ. – Từ phòng ăn trên lầu, chúng tôi thấy ông ra khỏi máy bay và đã khởi sự làm việc chỉ một phút sau khi đến nơi. Ông biết Miriam từ trước? – Không, chỉ qua thư từ thôi. Cô ấy nhận ra tôi nhờ hình in ở bìa sau quyển sách tôi viết. Lúc này Miriam có vẻ bối rối, cô xin lỗi phải trở lại làm việc và hứa tối nay sẽ đến nhà thờ. Chúng tôi ra chiếc xe Volkswagen của Mục sư Daniel đậu ở bãi trước. Bà Esther ngồi ở phía sau với hai đứa bé. Tôi và Mục sư Daniel ngồi phía trước. – Từ lần đầu mình gặp nhau đến bây giờ là bao lâu rồi, Daniel? – Đúng hai năm. Tôi chỉ gặp Mục sư Daniel có một lần trong một hội đồng quốc tế dành cho những người lãnh đạo Hội Thánh. Ông đã khẩn khoản mời tôi đến giúp cho chi hội của ông từ hồi đó mà mãi đến bây giờ tôi mới đáp ứng được lời mời. Sau một lúc yên lặng, tôi thổ lộ với Mục sư Daniel cảm nghĩ của mình. – Tôi thấy lo lắng về buổi nhóm tối nay. Tôi thấy mình hoàn toàn chưa được chuẩn bị. Tôi muốn hiểu thêm về tín hữu ở đây trước khi nói chuyện. – Vì anh chỉ lưu lại có bốn ngày nên chúng ta buộc phải khởi sự ngay tối nay. Tôi thông cảm với Mục sư Daniel. Thì giờ ít quá. – Đây là lần đầu tiên anh đến thành phố này? – Ông hỏi. – Vâng. Quả thật đây mới chỉ là lần đầu. Tôi đã đi nhiều nước Phi Châu nhưng chưa bao giờ đến xứ này. Tôi biết một số phong tục, nhưng không biết gì về những vấn đề đặc biệt ở đây. – Có thể đó lại là một lợi điểm – Mục sư Daniel vừa nói vừa nheo mắt – Thanh niên chúng tôi đang kỳ vọng rất nhiều nơi những bài giảng của anh. – Còn những người lớn tuổi thì sao? – Có chút ít phản kháng. Họ cho rằng nói đến hôn nhân không thuộc trách nhiệm nhà thờ. Nhất là nói về tình dục là điều cấm kỵ đối với họ. Hầu như đó là quan điểm chung của Phi Châu. Còn những người Châu Âu, Châu Mỹ thì sao? – Về cơ bản, vẫn giống ở đây. Cơ Đốc nhân thường lúng túng khi nói đến vấn đề tính dục. Những người nói thì thường lại không phải là Cơ Đốc nhân. – Dù sao thì anh cũng nên thận trọng. Nhất là trong bài giảng đầu, đừng nói quá nhiều đến tình dục. Nên cố gắng càng đơn giản càng tốt và tránh dùng những từ trừu tượng. Anh nên nói ngắn để tôi có thể dịch từng câu một. – Tôi sẽ cố. À mà nhà thờ có bảng đen không? – Được rồi, tôi sẽ chuẩn bị cho anh. Chúng tôi đang tiến vào trung tâm thành phố. Nếu không thấy dân bản xứ, thành phố này chẳng có gì khác lắm với các thành phố Âu Mỹ – Vỉa hè, những bảng hiệu bằng đèn nê-ông, ngân hàng, những toà nhà cao ngất, những công ty bảo hiểm, khách sạn, nhà hàng, những chi nhánh du lịch, các siêu thị và dòng xe cộ chen chúc vội vã, không ngừng. Esther lên tiếng: – Bà nhà và các cháu khoẻ không ông? – Cảm ơn bà. Nhà tôi và các cháu vẫn thường. – Ông được mấy cháu rồi? – Chúng tôi được năm, lớn hơn các cháu đây một chút. – Ông đi các cháu có nhớ không? – Tất cả đều muốn đi theo. Chúng nó coi đây như là quê hương vì bốn đứa sanh ở Châu Phi. – Rồi bà nhà có đến đây không, thưa ông? – Chắc nhà tôi sẽ đến vào cuối tuần. – Vậy thì vui quá! Tôi nhớ đến nhà tôi và nghĩ rằng tối nay mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có nàng bên cạnh để chúng tôi được bàn bạc với nhau. Càng nghĩ đến nàng tôi lại càng cảm thấy cô đơn. Mục sư Daniel lên tiếng: – Chúng tôi có ý mời anh về nhà, nhưng lại quyết định để anh ở khách sạn vì yên tĩnh hơn. Ở nhà chúng tôi khách khứa luôn luôn. Hơn nữa có thể nhiều người muốn nói chuyện với anh mà lại không muốn đến tư thất mục sư. – Trước khi đến đây tôi mong được ở với anh, nhưng giờ thì theo ý anh chắc là tốt hơn. Bà Esther hỏi: – Tối nay ông dùng cơm với chúng tôi chớ? – Cảm ơn bà tôi e không đủ thì giờ, vì bây giờ tôi còn phải thay bộ quần áo xứ lạnh này nữa. – Vậy à. Tôi hỏi vì nhà tôi chẳng bao giờ cho biết trước những khi anh ấy mời khách về nhà. Một thoáng yên lặng kéo dài. Xe đậu trước khách sạn, Esther ở lại trong xe với các con. Tôi cùng Daniel vào khách sạn. Sau khi đăng ký, ông theo tôi vào phòng. Đó là phòng một người, trông gọn gàng, đầy đủ giường, bàn làm việc, điện thoại. Gần cửa sổ là nơi tiếp khách với trường kỷ, ghế bành và một cái bàn nhỏ. Không khí trong phòng thật dễ chịu, rất tiện tiếp khách. Daniel nói: – Tiếc là tôi không thể ghé đưa anh đến buổi nhóm, nhưng tôi sẽ cho một người đến đón anh. – Này Daniel anh có thể ở lại một chút, góp ý với tôi về bài giảng tối nay không? Mục sư Daniel yên lặng giây lát rồi nhắm mắt lại. Sau đó ông nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: – Đức Chúa Trời sẽ ban Lời Ngài cho anh. Hãy chia sẻ điều gì Chúa dạy. Nói rồi ông rời phòng. Mục sư Daniel quả là một cố vấn khôn ngoan. Ước gì tôi có thể giúp những tín hữu của ông như chính ông đã giúp tôi lúc này. Tôi bước đến cửa sổ nhìn ra ngoài. Vì căn phòng ở lầu tư nên tôi có thể nhìn thấy những nóc nhà kế cận. Tôi đã thấy nó từ trên máy bay, bây giờ nó gần hơn và rất gần với tôi. Tôi đang ở dưới một trong những nóc nhà đó, không phải ở trên mà là ở dưới. Tắm rửa thay quần áo xong tôi lấy trong cặp ra những tờ ghi chú bài giảng đầu tiên, bày ra bàn và bắt đầu đọc. Nhưng tôi không nhận được điều gì cả. Thình lình chuông điện thoại reo, người trực điện thoại của khách sạn báo: – Có người gọi ông, xin đợi một chút. Tôi nghe giọng một phụ nữ, người ấy hỏi tên tôi. – Tôi đọc báo biết tối nay ông nói chuyện về hôn nhân, phải không thưa ông? – Vâng. – Tôi xin hỏi ông: Có phải khi bỏ chồng, người đàn bà luôn luôn có lỗi? Một câu hỏi hóc búa! Tôi thầm nghĩ rồi hỏi: – Tại sao cô muốn bỏ anh ta? – Anh ấy không cưới tôi. – Tôi tưởng anh ta đã là chồng của cô rồi chớ? – Chúng tôi đang sống với nhau. Anh ấy bảo: “Khi em sống với anh thì cũng như anh đã cưới em vậy”, nhưng rồi anh ấy không cưới tôi, ảnh luôn luôn hứa làm lễ cưới, nhưng rồi cứ đình lại mãi. Bởi vậy tôi mới như đã được cưới mà lại chưa thật được cưới, tôi bối rối lắm. Thưa ông, những điều gì làm cho hôn nhân thật sự được gọi là một cuộc hôn nhân? – Hai người sống với nhau bao lâu rồi? – Tôi hỏi. – Dạ hơn một năm. – Cô và anh ấy có con chưa? – Dạ chưa. Anh ấy không muốn có con. Tôi đoán ra được vấn đề. – Anh ta rất tốt với tôi – giọng nói tiếp tục – Trả tiền học cho tôi, mỗi sáng đưa tôi đến trường và tối rước về. – Đưa cô tới trường? Cô bao nhiêu tuổi rồi? – Dạ hai mươi hai. Cha mẹ không đủ khả năng cho tôi học đến nơi đến chốn nên bây giờ tôi phải tiếp tục. – Cha mẹ cô sống ở đâu? – Ở một làng nhỏ cách đây vài trăm dặm. – Sao cô không về với cha mẹ và chỉ trở lại sống với anh ấy sau khi làm đám cưới? – Dạ không thể đựơc. Cha mẹ đã đuổi tôi ra khỏi nhà khi tôi bắt đầu sống với anh ấy. Họ không chấp nhận anh ta. – Tại sao không chấp nhận? – Vì anh ấy người Âu. Tôi hiểu ra nhiều điều: Anh ta là người có tiền, không muốn có con và muốn “tự do luyến ái”. – Vậy à, cô thật ở trong một hoàn cảnh rất khó xử. Cô đến khách sạn gặp tôi được không? – Dạ không thể được, anh ấy không bao giờ để tôi đi đâu một mình. – Sao cô không rủ anh ấy theo? Cô ta cười: – Không bao giờ anh ấy đi! – Cô có thể đến nghe giảng tối nay không? – Tối nay tôi phải đi học. Hơn nữa anh ta không muốn tôi đến bất cứ nhà thờ nào. – Rồi nghỉ cuối tuần cô làm gì? – Tôi ở nhà. Khi đi, anh ấy khoá cửa nhốt tôi ở trong. – Anh ta đi đâu? – Tôi không biết. Anh ấy không bao giờ cho tôi biết cả. Tôi yên lặng không nói thêm được một lời nào. Cô ta tiếp: – Bây giờ tôi phải làm sao? Tôi làm gì đây? Lại vẫn câu hỏi cũ. Tôi đáp: – Tôi không biết. Thật tình tôi cũng không biết cô phải làm gì. – Ít nhất ông cũng có thể cầu nguyện với tôi chớ, thưa ông? – Cầu nguyện…? Cô có phải là tín đồ Cơ Đốc không? Tôi hối tiếc vì đúng ra không nên hỏi câu hỏi đó. Là tín đồ hay không đâu có quan hệ gì đến việc tôi cầu nguyện cho cô ấy. Nhưng rồi cô gái đã trả lời: – Không, cha mẹ tôi theo đạo Hồi, còn tôi được học trong một trường Cơ Đốc, ngoài trường này trong làng không có trường nào khác. Cầu nguyện! Phải thú nhận rằng tôi chưa bao giờ cầu nguyện qua điện thoại, huống chi với một người chưa quen. Nhưng tại sao không được. Có cần gặp và biết cô ta không? Chẳng lẽ Chúa lại không thấy, không biết cô ta như Ngài đang thấy và biết tôi sao? Nếu không thể gặp nhau trong phòng này, tại sao chúng tôi không thể gặp nhau trong Chúa? Thế là tôi cầu nguyện, thưa với Chúa rằng tôi thấy hoàn toàn bế tắc và xin Ngài chỉ cho chúng tôi một giải pháp. Khi tôi nói: “A-men” thì cô ta gác máy. Cái yên tĩnh của căn phòng chụp phủ lấy tôi. Tôi nhìn chòng chọc vào xấp bài giảng trước mặt cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng. Xấp bài giảng này dường như chẳng có liên hệ gì đến cuộc sống. Tôi chợt nhớ ra mình quên hỏi tên và số điện thoại của cô gái. Ôi! Thật là một sai sót đáng trách. Không còn cách nào để liên lạc nữa. Không biết cô ấy có gọi lại không? Chuông lại reo, tôi vội vàng cầm máy hy vọng là cô gái gọi lại, nhưng đó chỉ là điện thoại viên. – Có người đang đợi ông ở phòng khách. – Nói giúp tôi xuống ngay. Tôi cất tập bài giảng vào cặp và đi xuống. Đó là một thanh niên khoảng ngoài ba mươi ăn mặc rất lịch sự. Anh tự giới thiệu là Maurice; anh đến để đưa tôi lại nhà thờ. Tôi theo anh ra xe, bắt chuyện. – Anh có gia đình chưa. – Thưa ông chưa. – Anh năm nay bao nhiêu? – Dạ ba mươi bốn. Ba mươi bốn mà chưa lập gia đình! Tôi thầm nghĩ tại sao? Maurice tiếp: – Tôi mồ côi cha từ nhỏ. Lớn lên phải ráng học để có thể có nghề nghiệp vững chãi. Đến bây giờ lại phải lo cho mẹ. Tôi hiện làm quản lý cho một công ty xây cất. Tôi thấy kiếm vợ cũng không phải dễ. – Tại sao anh lại thấy khó? – Tôi không biết cách làm quen với các cô. – Anh đã nghĩ đến cô nào chưa? – Có một người. – Cô ta nghĩ gì về anh? – Tôi không biết ông ạ! Tôi chưa từng nói chuyện với cô ta. – Sao lại chưa? – Chỗ duy nhất tôi có thể gặp cô ấy là trên xe buýt. Tôi biết chuyến xe cô ta hay đi. Tôi lên cùng chuyến và cố gắng tìm dịp bắt chuyện giữa hai trạm. – Cô ấy bao hiêu tuổi? – Tôi không biết. Có lẽ chưa quá mười sáu. Tôi giật mình. Có thể như vậy sao? Một người đứng đắn lịch thiệp, nghề nghiệp vững chắc và với nhiều trách nhiệm thế mà lại theo đuổi một cô học trò trên xe buýt! – Sao anh lại chọn một cô gái trẻ đến thế? – Những thiếu nữ lớn tuổi hơn hoặc hư hỏng, hoặc đã lập gia đình. Ông cho chọn như thế là sai? – Nhưng anh có thấy khi mình sáu mươi thì nàng bốn mươi hai tuổi không? – Có lẽ tôi cần cân nhắc điểm đó. – Chúng ta đi thẳng đến nhà thờ đấy chớ? Cũng xa quá nhỉ. – Không, tôi đi vòng để có thể giới thiệu với ông về một trong những vấn đề lớn nhất của chúng tôi. Đây là “khu đèn đỏ”. Chúng tôi đang ở ngoài trung tâm thành phố, có đến hàng trăm túp lều tranh vách đất dọc theo hai bên đường đất. Có đến hàng ngàn người sống ở khu này. – Điều gì đã đưa đẩy một phụ nữ ở đây thành gái giang hồ? – Đa số họ bị hiếm muộn, bị chồng ruồng rẫy vì không có con. – Điều gì làm cho họ không có con? – Bác sĩ nói là hầu hết là do bệnh giang mai bị lây từ người chồng, là những người bị lây từ gái giang hồ. Một vòng luẩn quẩn. Một số khác là những bà goá, kiếm sống bằng cách đó để nuôi con cái. Nếu muốn tái giá họ phải trả con cho gia đình nhà chồng. Chúng tôi yên lặng một lúc lâu, rời vùng ngoại ô, trở lại những con đường tráng nhựa và dừng trước cửa nhà thờ. Tôi bước vào đang khi tín hữu đang hát, người ta đông nghẹt ngồi tận hàng ghế cuối, nam ngồi bên trái, nữ ngồi bên phải. Khi Maurice dẫn tôi theo lối đi giữa, một vài cái đầu quay lại tò mò nhưng rất kín đáo. Mục sư Daniel ngồi trên hàng ghế đầu ra dấu cho tôi đến ngồi bên cạnh. Tôi có thể đọc lời bài hát nhưng không hiểu nghĩa. Những âm điệu quen thuộc, tôi cũng hoà theo. Tôi cảm thấy dễ chịu khi được cùng hát chung với hội chúng trước khi giảng. Trong khi hát câu cuối Mục sư Daniel gấp thánh ca lại mời tôi lên trước. Tôi bước lên toà giảng, ông theo sau và đứng bên cạnh để phiên dịch. Khi cử toạ hát phần cuối tôi có dịp quan sát hội chúng. Có rất ít những người lớn tuổi ngồi phía trước, còn đa số là những bạn trẻ, họ ngồi sát vào nhau với những mái tóc đen rậm làm tôi liên tưởng đến một tấm thảm nhung. Không ai nhìn lên chúng tôi cả. Tôi nói thầm đoạn Kinh Thánh sẽ đọc. Mục sư Daniel lật Kinh Thánh, tôi cũng mở Kinh Thánh ra và bắt đầu.

Chuyện Trăm Năm 2

Có một câu nói về hôn nhân được chép trong Kinh Thánh, thật đơn giản, rõ ràng nhưng lại rất sâu xa. Nó như giếng sâu đầy nước uống trong lành. Suốt đời bạn có thể thả gàu xuống giếng và chẳng bao giờ kéo lên mà lại không có nước. Múc tại đây lúc nào bạn cũng có được nước mát mẻ trong lành. Nếu lắng nghe câu Kinh Thánh này với tấm lòng rộng mở. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng chính Chúa đang phán với chúng ta. Ngài phán như để giúp đỡ, hướng dẫn và thách thức chúng ta. Nhưng trên hết, Chúa phán như một người muốn ban ơn. Đây là câu duy nhất về hôn nhân được nhắc đi nhắc lại bốn lần trong Kinh Thánh. Kinh Thánh ít đề cập đến hôn nhân, do đó điều này làm chúng ta càng ngạc nhiên hơn khi câu Kinh Thánh này xuất hiện bốn lần ở những vị trí then chốt. Đầu tiên nó tóm gọn trong câu chuyện sáng tạo ở Sang The Ky 2:1-25, sau đó Chúa Giê-xu trích ý này trong Mathio 19:5Mac 10:7 khi người ta hỏi Ngài về việc ly dị. Cuối cùng sứ đồ Phao-lô liên hệ nó với Chúa Giê-xu cách trực tiếp trong Epheso 5:31. Thời đại những câu Kinh Thánh này được viết ra rất giống với thời đại chúng ta trong nhiều phương diện. Đó là thời đại của những biến đổi mau chóng về mặt xã hội… Mục sư Daniel thông dịch bài giảng từ câu này qua câu khác thật trôi chảy không hề do dự hay ngập ngừng. Nhưng bây giờ khi tôi dùng câu – “những biến đổi mau chóng về mặt xã hội”, lần đầu tiên ông do dự và giải thích bằng một lời dài hơn. Tiếp tục, tôi cố gắng diễn tả thời đại Đa-vít và Sa-lô-môn. Những thương lộ mới được mở ra, những nền văn hoá khác biệt có dịp gặp gỡ, những quan niệm mới bắt đầu có ảnh hưởng đối với con người, những truyền thống cũ không còn ai theo, những phong tục cổ xưa bỗng nhiên lỗi thời, các bộ lạc tan rã, những điều cấm kỵ bị phá bỏ. Đó là thời kỳ đạo đức xáo trộn hoàn toàn. Mọi việc bị đảo lộn như chúng ta thấy hôm nay. Vì thế tôi tin câu Kinh Thánh này sẽ hướng dẫn chúng ta trong những ngày sắp tới. Bây giờ tôi xin đọc câu Kinh Thánh này ở Sang The Ky 2:24. Cho đến bây giờ tôi chưa thấy một phản ứng nào từ phía thính giả, bây giờ họ bắt đầu lật Kinh Thánh, chờ đợi một chút, tôi đọc: Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt. Khi đọc, tôi càng ngạc nhiên vì sự đơn giản và rõ ràng của câu Kinh Thánh. Tôi nghĩ có điều gì đó được đặt vào tay tôi để chuyền cho người khác. Tôi tiếp: Câu Kinh Thánh này có ba phần nhắc đến ba điều cần thiết cho hôn nhân: LÌA – GẮN BÓ – NÊN MỘT THỊT. Chúng ta hãy bàn đến từng điều một. Trước hết chúng ta nói về: Lìa Không thể có hôn nhân nếu không có lìa bỏ. Từ ngữ “lìa” bày tỏ một hành động có tính cách công khai, hợp pháp; phải được biểu lộ ra làm cho hôn nhân thật sự là một cuộc hôn nhân. Thời trước, việc cô dâu rời làng mình để về nhà chồng được coi là một thủ tục công khai. Đôi khi ở Phi Châu suốt đám cưới người ta nhảy múa nhiều dặm đường từ làng cô dâu đến làng chàng rể là bình thường, chả có điều gì kín dấu cả. Hành động này được xem như một hành động “lìa” công khai đồng thời làm cho hôn nhân trở nên hợp pháp. Từ ngày ấy trở đi, mọi người đều biết hai người đó là vợ chồng, họ đã thành hôn với nhau. Trong thời chúng ta, ở nhiều nước, hành động “lìa” hợp pháp này được thay bằng thông báo công khai trước lễ cưới, cũng như bằng một tờ hôn thú. Hình thức bên ngoài không phải là điều quan trọng bậc nhất nhưng điều chính yếu là sự kiện một hành động công khai, hợp pháp được thực hiện. “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ”. Một cuộc hôn nhân không chỉ liên quan đến hai người cưới nhau. Cha mẹ, đại diện cho gia đình mà gia đình chính là thành phần của cộng đồng và đất nước. Hôn nhân không thể là một việc cá nhân, không có cuộc hôn nhân nào mà lại không có lễ cưới. Đây là lý do tại sao những lễ cưới thường được tổ chức với một bữa tiệc lớn. “Lìa cha mẹ…”, khi tôi đọc những lời này có lẽ quí vị cảm thấy đau xót trong lòng. Đây chắc chắn không phải là điều vui vẻ. Ở xứ tôi trong đám cưới người ta thường đổ nước mắt nhiều. Trong cử toạ có nhiều người gật gù, đặc biệt là trong số các phụ nữ lớn tuổi, có một người nói hơi lớn: – Ở đây cũng vậy. Quí vị có thể nghĩ rằng bài học hôn nhân phải bắt đầu bằng một điều gì hứng thú, lý tưởng hơn thế. Nhưng Kinh Thánh nghiêm trang và rất thực tế. Lời Chúa phán: “Người nam sẽ lìa cha mẹ”. Lìa là giá trả cho hạnh phúc. Đây là sự chia lìa rõ ràng, dứt khoát. Giống như một đứa bé sơ sinh không thể lớn lên trừ khi được cắt rốn, cũng vậy, hôn nhân không thể trưởng thành và phát triển nếu không thực sự lìa, dứt khoát chia lìa với gia đình. Như tôi đã nói, điều này rất khó. Trẻ rất khó lìa cha mẹ mình, mà cũng rất khó cho cha mẹ khi phải để các con ra đi. Có thể ví cha mẹ như những con gà mái phải ấp trứng vịt, sau khi đám vịt con nở, chúng xuống nước và bơi đi, gà mái không thể theo chúng xuống nước chỉ biết đứng kêu trên bờ. Trong đám cử toạ nghe có tiếng cười, hầu hết từ giới trẻ trước khi Daniel dịch xong câu cuối. Tôi nhắc lại: Các bạn không thể thành hôn nếu không lìa. Nếu chưa thực sự lìa, hôn nhân sẽ ở trong tình trạng rắc rối. Nếu đôi bạn trẻ không có điều kiện dễ dàng để hoàn toàn chia lìa gia đình và bắt đầu tổ ấm riêng, nguy cơ rất lớn vì những người thân sẽ không ngớt xen vào. Ở Phi Châu, tục lệ nộp sính lễ đôi khi được dùng như một cách gây cản trở. Có những bậc cha mẹ không muốn cho con gái xa mình, họ đòi sính lễ cao đến nỗi đôi trẻ bị mắc nợ trong một thời gian dài. Thế là những món nợ ấy cản trở sự chia lìa thật sự. Sự yên lặng hoàn toàn bao trùm hội chúng, tôi cảm thấy họ có phần bất đồng. Tôi có thể đọc được trên những gương mặt vẻ khó chấp nhận điều này. Rõ ràng sự kiện “lìa” là một viên thuốc đắng họ phải nuốt. Thế nên tôi giải thích: Giờ này có lẽ một số người sẽ nói: “Điều này ngược với phong tục người Châu Phi chúng tôi, chúng tôi được dạy phải hiếu kính cha mẹ, không rời bỏ họ. Chúng tôi thấy có một sự ràng buộc không phải chỉ đối với gia đình nhỏ – đôi khi còn gọi là gia đình riêng – gồm cha mẹ và các con, nhưng chúng tôi còn cảm thấy có một sự bó buộc đối với gia đình lớn hơn, đó là bà con, họ hàng trong gia tộc”. Đây là một tục lệ rất có giá trị, cho nên bằng mọi giá chúng ta không được phá huỷ. Nhưng tôi trả lời như vầy: “lìa” không có nghĩa là bỏ rơi, “lìa” không có nghĩa là ruồng rẫy cha mẹ. Ngược lại chỉ khi nào cặp vợ chồng được lìa khỏi cha mẹ để bắt đầu ra riêng, thì sau này họ mới có thể giúp đỡ gia đình cha mẹ được. Chỉ khi nào họ tự lập, không mắc nợ, họ mới có thể gánh trách nhiệm và phục vụ cho gia đình cha mẹ. Sự kiện “lìa” sẽ khởi đầu cho một cuộc sống, trong đó tình yêu giữa cha mẹ với con cái có thể lớn lên. Theo kinh nghiệm của tôi, đại gia đình chỉ có thể vui vẻ đề huề khi từng gia đình nhỏ được hoàn toàn độc lập. Đây có phải là quan niệm Tây phương không? Không đâu. Tôi không đến đây để giới thiệu hôn nhân phương Tây. Tôi đến để trình bày quan niệm hôn nhân của Kinh Thánh. Quan niệm Kinh Thánh ở đây đưa ra một thách thức cho mọi nền văn hoá. Mọi người đều bối rối vì phải “lìa”. Nếu quí ông bà hỏi một vị cố vấn hôn nhân Tây phương về vấn đề ông ấy phải đối diện nhiều nhất, có lẽ câu trả lời sẽ là: “vấn đề mẹ chồng”. Nhiều người cười ầm lên, kiểu cười giống y như của người Mỹ và người Âu mỗi khi người ta nhắc đến mấy từ đó. Ở Mỹ Châu và Âu Châu mẹ chồng thường hay xen vào đời sống của đôi trẻ, bà không tin nàng dâu trẻ kia có thể săn sóc chu đáo quí tử của bà. Nó giặt quần áo cho con mình có sạch sẽ không? Nó nêm canh có vừa miệng không? Cho dù không phải trả nợ sính lễ thì tiền bạc vẫn thường được sử dụng làm phương tiện để ngăn cản đôi trẻ không được tự lập và buộc họ phải sống chung với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ. Thật sự “ra riêng” và thật sự cho phép “ra riêng” là việc khó xử cho người trong cuộc lẫn ngoài cuộc. Tại Phi Châu tôi thường thấy mẹ vợ gây ra vấn đề nhiều hơn. Trường hợp cặp vợ chồng trẻ cãi nhau, cô vợ thường tìm cách chạy về với mẹ nàng. Cho nên một người bạn Phi Châu của tôi bảo câu Kinh Thánh này phải nhấn mạnh rõ rằng người nữ cũng phải lìa cha mẹ nàng. Tại sao phụ nữ Phi Châu hay chạy về nhà? Lời giải đáp là vì người nữ đã lìa gia đình trong khi chồng nàng lại chưa. Trong xứ quí vị, người nam vẫn ở lại tại gia đình hoặc ở gần với gia đình và vợ phải đến ở với anh ta tại đó. Người viết cho chúng ta câu Kinh Thánh này sống trong một xã hội tương tự. Xã hội đó có một sự kiện được xem là đương nhiên: người nữ phải lìa cha mẹ mình để trở nên một phần tử của gia đình chồng. Sứ điệp mới mẻ có tính cách mạng này nhấn mạnh rằng người nam cũng phải lìa cha mẹ mình. Điều này làm cho nam giới thời bấy giờ khó nghe vô cùng cũng như cho quí vị ngày hôm nay. Sứ điệp này bảo vệ quyền lợi người phụ nữ, nhằm xây dựng tình vợ chồng. Sứ điệp có thể diễn tả bằng một lời khác như thế này: Cả hai phải lìa, cả hai cũng phải gắn bó – không phải chỉ người vợ gắn bó với chồng, nhưng chồng cũng phải gắn bó với vợ như lời Kinh Thánh muốn nhấn mạnh. Điều này đưa chúng ta sang phần hai: Gắn Bó Lìa và gắn bó là hai hành động không thể tách rời nhau. “Lìa” nhấn mạnh đến tính cách công khai và hợp pháp của hôn nhân, trong khi “gắn bó” nhấn mạnh đến tính cách cá nhân hơn. Nhưng cả hai được kết chặt với nhau. Bạn không thể thật sự “gắn bó” trừ khi bạn đã “lìa”. Bạn không thể thật sự “lìa” trừ khi bạn quyết định “gắn bó”. Theo nguyên nghĩa tiếng Hê-bơ-rơ chữ “gắn bó” có nghĩa là dính vào, dán chặt, được dán vào một người khác, chồng và vợ được dán vào nhau như hai tờ giấy. Nếu chúng ta cố tách hai tờ giấy đã dán vào nhau, chúng ta sẽ làm rách cả hai. Nếu quí vị tìm cách phân rẽ vợ chồng đã gắn bó với nhau, cả hai đều bị tổn thương – và trong trường hợp có con, con cái cũng bị thương tổn. Ly dị là dùng một cái cưa cưa đôi đứa trẻ từ đầu đến chân. Một sự im lặng nặng nề bao trùm thính giả. Một kết quả khác của trạng thái dán vào nhau đó là chồng và vợ gần gũi nhau nhất, gần hơn bất cứ điều gì khác và hơn bất cứ người nào khác trên đời này. Gần hơn bất cứ điều gì khác, chồng đối với vợ quan trọng hơn công việc, vợ đối với chồng quan trọng hơn việc nội trợ, nếu nàng đi làm thì phải hơn cả nghề nghiệp của nàng. Gần hơn bất cứ người nào khác, vợ chồng với nhau phải quan trọng hơn bạn của chồng hoặc bạn của vợ, quan trọng hơn khách khứa, quan trọng hơn cả con cái họ. Sau mỗi chuyến đi trở về, tôi thường hôn vợ tôi trước khi ôm hôn các con. Tôi muốn cho các con tôi thấy rằng cha gần với mẹ nhất và mẹ gần với cha nhất. Tình trạng ngoại tình rất thường xảy ra giữa một cặp vợ chồng mới cưới sau khi đứa con đầu lòng ra đời. Tại sao vậy? Người vợ trẻ đã sai lầm vì gần gũi với con hơn với chồng. Đứa con trở nên trung tâm của đời nàng và điều đó làm chồng thấy mình như người ngoài cuộc. Bên phía các ông ít nhất cũng có vài người mỉm cười gật gù tỏ ra đồng ý hết mình. “Gắn bó” trong ý nghĩa sâu sắc này – một trạng thái dán vào nhau – là điều chỉ có thể xảy ra giữa hai người. Câu Kinh Thánh được viết dường như nhằm mục đích đả kích việc Đa-vít và Sa-lô-môn lấy nhiều vợ. Câu ấy nói rằng: “Bởi vậy cho nên người nam… gắn bó cùng vợ mình” (chữ vợ ở số ít). Câu Kinh Thánh cũng chống đối việc ly dị vì ly dị là nguyên nhân của chủ nghĩa đa thê tiệm tiến khi người đàn ông không có nhiều vợ cùng một lúc nhưng hết người này đến người khác. Ngày nay có lẽ chúng ta muốn dùng một từ khác để thay cho từ “gắn bó”. Chắc chúng ta dùng từ “yêu”, nhưng có một điều thú vị là Kinh Thánh không dùng từ ngữ này ở đây. Gắn bó có nghĩa là yêu thương, nhưng yêu thương theo một cách đặc biệt, đó là một quyết định của tình yêu, do đó không còn quờ quạng tìm kiếm tình yêu nữa. Tình yêu “gắn bó” là tình yêu trưởng thành. Tình yêu quyết định để giữ mãi cách trung thành – trung thành với một người – chia sớt với một người trọn cả đời. Điều này đưa chúng ta sang phần ba: Nên Một Thịt Cụm từ này mô tả lãnh vực thể xác trong hôn nhân. Tôi nhớ lại Daniel đã nhắc nhở tôi thận trọng về từ ngữ “tính dục”. Thể xác là một phương diện quan trọng, cần thiết trong hôn nhân cũng như phương diện luật pháp và phương diện cá nhân. Sự hiệp nhất về thân xác giữa vợ chồng là ý muốn của Chúa trong hôn nhân cũng như Ngài muốn họ phải lìa cha mẹ và gắn bó với nhau. Tôi biết một số người thường bối rối khi nói về phương diện thể xác trong hôn nhân, họ cảm thấy có điều gì bất khiết thậm chí còn coi là điều xấu xa chẳng liên quan đến Đức Chúa Trời. Tôi muốn hỏi những người đó bằng câu Phao-lô đã hỏi Hội Thánh Cô-rinh-tô: “Anh em há chẳng biết thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh sao?”, bởi đó, chúng ta có thể nói về vấn đề này, phải nói về nó ngay cả trong nhà thờ. Tôi muốn hỏi: “Đâu là nơi chúng ta có thể nói vấn đề này một cách trang nghiêm và kỉnh kiền nếu không phải là trong nhà thờ?” Sự im lặng tiếp tục bao trùm, tôi nhận thấy những tư tưởng này mới mẻ đối với nhiều người trong cử toạ. Quí vị nói: “Bàn đến những điều thuộc về thân xác là trái ngược với truyền thống Châu Phi. Với chúng tôi đó là điều tối kỵ”. Thế thì lạ thật, khi tôi nói chuyện với các bậc cha mẹ ở Châu Phi và khuyên họ nên hướng dẫn con cái về chức năng của thân thể thì họ nói: “Các bậc cha mẹ ở Mỹ Châu và Âu Châu có thể làm được vì những điều đó đối với họ có vẻ tự nhiên hơn chúng tôi. Đối với người Châu Phi điều này không thể được”. Thế mà khi tôi nói điều này với các bậc cha mẹ ở Mỹ Châu và Âu Châu, họ lại bảo tôi: “Ông Trobisch ơi, ông sống ở Châu Phi quá lâu. Người Châu Phi gần gũi với thiên nhiên hơn là chúng tôi. Có lẽ họ có thể làm việc đó chớ chúng tôi thì khó quá”. Kinh nghiệm cho tôi thấy sự bối rối này ở khắp mọi nơi. Các bậc cha mẹ khắp nơi đều thấy khó khăn khi nghĩ đến việc dạy con cái họ một cách rõ ràng và đứng đắn về lãnh vực thể xác trong hôn nhân. Lý do là lãnh vực này hoặc được xem như cái gì quá thánh khiết đến nỗi người ta không dám nói lên, hoặc bị coi như là những gì bất khiết đến nỗi nói đến ai ai cũng mắc cỡ. Kinh Thánh không chấp nhận cả hai thái độ đó. Kinh Thánh nói – điều này thuộc về Chúa, cho nên chúng ta có thể và phải nói về điều này. Sự kết hợp thân xác giữa vợ chồng là điều quí trọng và gần gũi với Chúa giống như tính cách trung thành và hợp pháp của họ trong hôn nhân vậy. Lẽ dĩ nhiên “nên một thịt” mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ kết hợp thân xác.