Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước chúng tôi nói về đề tài Bất Hòa trong Hôn Nhân và trình bày một số nguyên nhân khiến vợ chồng có bất đồng ý kiến hoặc bất hòa với nhau. Một trong những nguyên nhân khiến những đôi vợ chồng mới phiền giận nhau là khi có đứa con đầu lòng. Lúc đó đời sống bị xáo trộn, tinh thần căng thẳng nên vợ chồng dễ có điều bất đồng ý kiến với nhau.

Rồi khi đứa con thứ nhì ra đời, đời sống lại càng bận rộn hơn, vợ chồng không có thì giờ cho nhau nên cũng dễ buồn giận nhau. Khi con bị đau, chúng ta lo lắng về nhiều mặt nên cũng dễ bực bội và bất bình với nhau. Ngoài ra, những trường hợp sau đây cũng khiến vợ chồng không thích ứng kịp với thay đổi vì thế trở nên khó tính, khó chịu trong cách ứng xử với nhau:

4. Khi con gặp rủi ro hay bị tai nạn

Các em bé mới biết đi là tuổi thường dễ bị tai nạn hơn hết. Lý do là vì các em thích khám phá thế giới chung quanh mình mà lại không biết những chỗ nguy hiểm và những điều nguy hiểm. Các thống kê cho biết, tỉ số các em nhỏ bị chết vì tai nạn cao nhất là trong khoảng một đến ba tuổi. Đây là tuổi đã biết đi, biết chạy và có thể leo trèo. Ngoài ra có khi vì sự bất cẩn của cha mẹ hoặc vì cha mẹ thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc con mà những nguy hiểm có thể xảy ra cho con. Khi tai nạn hay chuyện rủi ro xảy ra cho con cái, cha mẹ vì thương con và đau xót trước sự đau đớn của con, thường đổ lỗi cho nhau, oán trách nhau và nói nặng lời với nhau. Khi gặp điều rủi ro cho con cái, chúng ta cần nhớ đây là điều không ai muốn, cũng không ai cố tình gây ra cho con. Cha mẹ nào cũng thương con và muốn điều tốt cho con chứ không ai muốn con bị đau đớn, vì thế chúng ta không nên oán trách hay đổ lỗi cho vợ hay chồng khi con rủi ro bị té ngã hay bị thương tích.

Một thực tế chúng ta cần nhớ là, phiền trách và buồn giận không thay đổi hoàn cảnh, cũng không sửa lại được điều đã xảy ra. Nếu thật vì vợ hay chồng mà con bị tai nạn hay thương tích, người đó cũng khổ tâm về sự bất cẩn của mình. Chúng ta không nên nói hay làm điều gì khiến người đó khổ tâm hơn nữa. Khi con lỡ té ngã, u đầu, sưng trán hay bị một thương tích nào, chúng ta cần bình tĩnh, xem có thể làm gì để giúp con và chú tâm vào điều đó chứ đừng đổ sự bực tức lên nhau, làm con thêm hoang mang sợ hãi. Điều quan trọng là chúng ta giữ cho tình cảm vợ chồng không bị ảnh hưởng vì rủi ro đó. Hãy tránh phàn nàn và đổ lỗi cho nhau. Người có lỗi cần được an ủi. Vợ chồng cần giúp nhau nhìn xem mình đã sai sót ở chỗ nào, để những rủi ro tương tự không xảy ra nữa. Buồn giận, cãi vã và đổ lỗi cho nhau trong lúc gặp thử thách chỉ làm cho hoàn cảnh bi đát hơn và có thể đưa đến chia rẽ, rạn nứt thay vì an ủi và xây dựng cho tình cảm vợ chồng.
Có đôi vợ chồng kia có đứa con trai ba tuổi. Một ngày nọ người vợ ở nhà vô ý để đứa con đi ra sau nhà và ngã vào hồ bơi. Đứa bé được cứu sống nhưng trở thành khuyết tật, không đi đứng cũng không nói được. Vốn là người có đức tin vững mạnh nơi Chúa, trước thử thách lớn lao này, hai vợ chồng yên lặng, không trách nhau một lời, cũng không oán trách Chúa. Người chồng biết vợ rất khổ tâm vì do sự bất cẩn của bà mà con bị tai nạn, nên ông tìm cách an ủi, giúp cho nỗi ân hận của vợ vơi đi phần nào. Vì thật lòng yêu nhau và quan tâm đến hạnh phúc của nhau, đôi vợ chồng này chấp nhận nghịch cảnh, hết lòng giúp nhau thích ứng với hoàn cảnh mới. Nhờ đó vợ chồng tiếp tục sống trong bình an, không cay đắng với nhau và không vì điều rủi ro đã xảy ra mà gây đau khổ cho nhau. Trong khi đó, có những vợ chồng khác vì những rủi ro hay bệnh tật xảy ra cho con cái mà vợ chồng đổ lỗi cho nhau, cắn đắng nhau, và có người đi đến ly dị.

5. Khi gặp khó khăn về kinh tế

Trong đời sống gia đình, tiền bạc thường là nguyên nhân gây ra bất hòa giữa vợ chồng. Những khi làm ăn thất bại, mất việc làm, hoặc vì tính toán sai trật khiến bị mất tiền, thua lỗ, mang nợ, đời sống thiếu thốn, v.v… cũng là những lúc vợ chồng dễ buồn giận và bất hòa với nhau. Nỗi lo lắng về tiền bạc hay quá xem trọng đồng tiền thường là nguyên nhân khiến vợ chồng xung đột với nhau. Tiền bạc là cần yếu, chúng ta cần có tiền để sống, nhưng đừng để đồng tiền quyết định hạnh phúc của gia đình chúng ta. Hơn nữa, tình người quan trọng hơn tiền bạc, đừng bao giờ vì thiếu tiền hay mất tiền mà nói những lời gây tổn thương cho nhau. Chúng ta cũng đừng để đồng tiền cướp đi tình yêu vợ chồng dành cho nhau. Tiền bạc là phương tiện chứ không phải là cứu cánh của cuộc đời. Những đồng tiền bị mất chúng ta có thể tìm lại được, nhưng tình cảm vợ chồng một khi đã mất, rất khó tìm lại. Là người tin Chúa, khi gặp khó khăn về kinh tế hay khủng hoảng về tài chánh, chúng ta hãy tin cậy nơi Chúa và chờ đợi sự tiếp trợ của Ngài, Chúa biết nhu cầu của chúng ta và Ngài sẽ cung ứng cho. Chúa Giê-xu dạy: Vậy, đừng lo lắng mà hỏi rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hay là mặc gì? Vì tất cả những điều này người ngoại vẫn tìm kiếm, và Cha các con ở trên trời biết các con cần tất cả những điều ấy (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:31, 32).

6. Khi đứng trước những quyết định quan trọng

Trong đời sống hằng ngày, khi phải quyết định những vấn đề quan trọng, vợ chồng cũng dễ bất hòa với nhau. Những trường hợp có thể khiến vợ chồng có ý kiến khác nhau như:

a. Khi phải thay đổi chỗ ở hay công việc

Mỗi chúng ta thường có những ước mơ hoặc ý thích khác nhau, vì thế khi đứng trước những thay đổi lớn trong đời sống, vợ chồng dễ có những ý kiến khác nhau và dễ không đồng ý với nhau. Lắm khi vợ chồng thích những điều trái ngược nhau. Chẳng hạn như, người vợ thích làm business riêng để được tự do nhưng chồng lại thích làm trong hãng xưởng để công việc và đồng lương được ổn định. Có khi người vợ thích an nhàn nhưng chồng thì thích những công việc có nhiều phiêu lưu, thách thức. Khi quyết định về công ăn việc làm, thay đổi nhà hay thay đổi nơi sinh sống là những lúc vợ chồng thường có những ý kiến khác nhau, vì thế dễ đưa đến bất đồng ý kiến. Trong trường hợp này chúng ta cần hỏi ý nhau, cân nhắc vấn đề kỹ lưỡng và nhất là tôn trọng ý kiến của nhau. Đừng vì một lý do gì mà một người bắt buộc người kia phải chiều theo ý mình.

b. Cách chăm sóc và nuôi dạy con

Con cái đem lại niềm vui nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra bất hòa giữa vợ chồng, nhất là khi chúng ta có ý kiến khác nhau về cách chăm sóc và nuôi dạy con. Ví dụ như, người thì muốn nuôi con theo sách vở, người thì muốn làm theo ý của cha mẹ hoặc theo cách đã học nơi cha mẹ. Có khi người chồng muốn vợ nghỉ việc, ở nhà lo cho con nhưng người vợ thì muốn đem con gởi để tiếp tục đi làm. Cũng có khi người vợ muốn ở nhà chăm sóc con nhưng chồng không muốn vợ mất một việc làm tốt, giúp cho kinh tế gia đình. Những ý kiến khác nhau như thế sẽ dễ đưa vợ chồng đến chỗ bất đồng ý kiến và rồi bất hòa với nhau.

c. Khi quyết định về việc học hành của con

Cha mẹ nào cũng có nhiều ước mơ cho tương lai của con. Những ước mơ này có khi giống nhau, có khi trái ngược nhau. Chẳng hạn cha thì muốn con đi học sớm, ba tuổi là đi nhà trẻ; mẹ thì nói rằng con có cả cuộc đời để học, nên cho con thoải mái, chờ đến năm tuổi rồi hẵng đi học. Người thì muốn con học nhạc, giỏi văn chương; người thì muốn con giỏi toán. Có khi cả hai vợ chồng muốn con học nhạc nhưng vợ thích nhạc khí này, chồng muốn con học loại nhạc khí khác. Cha mẹ thường muốn con cái đạt thành những mơ ước mà chính mình đã không đạt được. Nếu những mơ ước hay dự tính cho con không giống nhau, cũng có thể đưa đến bất hòa giữa vợ chồng. Chúng ta cần biết những điều này để tránh hoặc biết cách giải quyết thế nào để không làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng. Khi vợ chồng có những ý kiến khác nhau về việc hướng dẫn con cái, hai người nên bàn thảo với nhau, mỗi người được nói lên quan điểm của mình. Cả hai vợ chồng tôn trọng ý kiến của nhau và cố gắng nhường nhau để có thể đi đến một quyết định chung. Theo sự dạy dỗ của Lời Chúa, người cha là người lãnh đạo gia đình nên người mẹ cần thuận phục, để người cha chịu trách nhiệm trong quyết định cuối cùng.

d. Khi con từ giã cha mẹ để tự lập

Khi con cái đã lớn phải đi học xa, đi làm xa, hoặc khi con từ giã cha mẹ để lập gia đình riêng, cũng là những lúc có thể khiến vợ chồng dễ có chuyện buồn giận nhau. Trong giai đoạn này, vợ chồng bất hòa vì yếu tố tâm lý hơn là vì những vấn đề cụ thể. Khi con đến tuổi tự lập thì thường cha mẹ đã vào tuổi xế chiều. Khi con đi ra rồi nhà trở nên vắng vẻ, chúng ta lại thường ốm đau nên dễ cảm thấy buồn chán, cô đơn, vì thế vợ chồng dễ buồn giận hay bất đồng ý kiến với nhau về những chuyện không đâu. Hơn nữa, nếu vợ chồng chúng ta không thật lòng thương nhau mà sống với nhau chỉ vì con, khi con từ giã gia đình, vợ chồng phải đối diện trực tiếp với nhau nhiều hơn trước nên dễ có cơ hội đụng chạm và bất đồng ý kiến với nhau. Việc con cái từ giã cha mẹ để có đời sống riêng là điều cần thiết, không thể tránh được. Tuy nhiên, chúng ta có thể chuẩn bị cho ngày đó bằng cách luôn luôn ứng xử yêu thương, ngọt ngào với vợ, với chồng, trò chuyện tâm tình với nhau thường xuyên để khi con lìa gia đình chúng ta có thể sống với nhau trong hài hòa, hạnh phúc (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành