Có những “quy luật” hay “nguyên tắc” tổng quát hướng dẫn chúng ta thông giải mọi ngôn ngữ – kể chuyện, bài giảng, thơ hay bất cứ loại nào. Nguyên tắc thứ nhất có thể nói đơn giản là: Thông giải một khúc sách trong văn mạch của nó. Văn mạch nghĩa là toàn bộ đoạn văn cả phía trước và phía sau khúc sách ta nghiên cứu.
Nói chung người ta đồng ý có hai thứ văn mạch. Văn mạch trực tiếp, hay văn mạch gần, gồm những câu nằm ngay trước hay sau câu đó. Văn mạch xa có thể là chương trước hay chương sau hoặc một nơi nào đó của quyển sách.
Văn mạch có nhiều hình thức. Thường thường, muốn hiểu một chữ phải hiểu nó trong một câu hay một đoạn văn. Như vậy, câu đó là văn mạch của chữ. Một câu văn đứng một mình có thể là rất tối nghĩa, muốn hiểu cần phải xem một đoạn văn chứa nó: Đó là văn mạch của câu văn. Ví dụ các dụ ngôn của Chúa Giê-xu thường được kể ra nhân một cơ hội đặc biệt nào đó, từ đó Chúa rút ra một chân lý nào đó. Bối cảnh và cách áp dụng của Ngài là văn mạch của Ngài kể. Thơ (Thi ca) là một hình thức ngôn ngữ đặc biệt. Thơ trong tiếng Do Thái thường được viết thành từng cặp, nửa nầy là văn mạch của nữa kia. Toàn thể chương Thi Thiên là văn mạch cho từng cặp.
Có một điều tốt các tín hữu Cơ-đốc thường làm có thể khiến họ không ý thức được tầm quan trọng của văn mạch. Đó là việc học thuộc từng câu Kinh Thánh. Dĩ nhiên điều nầy tốt. Chúng ta cần giấu lời Chúa trong lòng. Vì chúng ta không thể học thuộc cả sách hay cả đoạn nên phần lớn chúng ta đều học từng câu một.
Nhưng có lẽ chúng ta đã học thuộc một số câu mà quên rằng chúng chỉ là một phần của những câu văn dài (ví dụ, RoRm 3:23). Chắc chắn không thể hiểu đúng nghĩa những câu đó nếu không đọc trọn câu văn dài, thế nhưng chúng ta chỉ học thuộc có một phần, rồi xem phần nằm trong ký ức chúng ta như là một câu trọn vẹn. Chúng ta thường áp dụng những lời hứa trong Kinh Thánh theo cách đó. Nhiều lúc có những điều kiện cho lời hứa nằm trong câu trước, nhưng chúng ta chỉ học thuộc và yêu thích lời hứa mà không biết đến điều kiện Thượng Đế đòi hỏi cho lời hứa đó. Một ví dụ sáng tỏ nhất là EsIs 58:11 “Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi. ..” trước lời hứa là hai mệnh đề điều kiện cách bắt đầu bằng chữ nếu: “Nếu ngươi cất bỏ cái ách… nếu ngươi mở lòng cho kẻ đói. ..” (c.9, 10).
Một thói quen tốt khác đôi khi cũng đem lại hậu quả có hại là việc dùng sách phù dẫn để học các từ ngữ trong Kinh Thánh tra tìm những câu có từ ngữ ân điển hay kiên nhẫn thì dễ hơn là nghiên cứu mỗi câu trong cả mạch văn của nó. Vì vậy chúng ta cứ lấy từng câu 1, liên kết nó với đề tài rồi rút ra áp dụng. Điều nầy dễ khiến chúng ta đánh mất ý nghĩa của nhiều đoạn trong Kinh Thánh.
Chúng ta thử áp dụng nguyên tắc văn mạch trong GiGa 9:3. Câu nầy trong bản Authorized Version dịch là: “anh ta cũng như cha mẹ anh ta đều không phạm tội ”. Nếu chỉ đọc riêng câu nầy thì ta tưởng Chúa nói gia đình nầy không hề phạm tội. Nhưng nếu tham khảo những nơi khác trong Kinh Thánh, ta sẽ thấy Kinh Thánh dạy rõ rằng ngoài Chúa Giê-xu ra, không một người nào trên trần gian nầy là không có tội (RoRm 3:9-10, 23). Giả sử có người bào chữa, “Câu nầy cũng là Kinh Thánh, không cần biết nơi khác nói gì, chỉ biết câu nầy nói rằng ba người nầy không phạm tội.” Làm sao ta biện bác với họ?
Chúng ta phải dùng văn mạch. Đây là một câu Chúa trả lời cho một thắc mắc của môn đồ. Họ không hỏi, “Những người đó có phạm tội không? mà hỏi, “Ai phạm tội mà người đó sinh ra bị mù?” Nói cách khác, “Người nầy bị mù là hậu quả tội lỗi ai, của anh ta hay cha mẹ anh ta?” Chúa Giê-xu đã trả lời trực tiếp, như bản tiếng Việt dịch, “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ người đã phạm tội, nhưng ấy để cho việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người. ”
Như vậy, văn mạch giúp soi sáng những chỗ khó hiểu hoặc mâu thuẩn với những sự dạy dỗ trong các đoạn Kinh Thánh khác.