Tác giả:
Ông Phi-e-rơ
Thời kỳ hình thành sách:
Thập niên 60 SC

Mục đích: Nhằm khuyên bảo giới tín hữu đang chịu khổ đau đừng trả đũa khi bị bức hại.
Đối tượng: Thành phần tín hữu chịu khổ đau dưới sự bất công của người cầm quyền, người làm chủ, người lãnh đạo và người làm chồng.
Tản mạn
Vào tháng 5 năm 1990, một sự việc bi thảm đã xảy ra tại thành phố Durban, Nam Phi. Một người đàn ông bị xé thành từng mảnh khi thang máy đóng cửa kẹp đôi chân ông ta rồi chuyển động. Chi tiết làm cho tai nạn này càng bi thảm hơn là trong lúc người đàn ông lo giữ cửa thang máy ở vị trí mở cho các hành khách khác, thì sự trục trặc xảy ra, cửa thang máy đóng sầm lại và thang máy lập tức chuyển động. Người đàn ông hầu như chết ngay tức khắc. Khi đọc câu chuyện này, chắc là lòng bạn xốn xang muốn phản đối. Vì sao, trong tất cả mọi người, tai hoạ này lại xảy đến với một người đang lo giúp đỡ người khác? Nếu ông ta là người xấu xa đang làm một việc gian tà, thì có thể chúng ta còn chấp nhận tai hoạ đó. Nhưng vì tai hoạ lại xảy đến cho một người đang làm điều tốt, nên chúng ta cảm thấy tức tối. Chúng ta xót thương cho ông và chia buồn với gia đình ông. Kinh Thánh không cho chúng ta biết vì sao có người phải chịu khổ vì làm điều đúng. Nhưng Kinh Thánh cho biết chúng ta nên chịu khổ như thế nào khi chúng ta làm điều phải.
Thâm nhập
Chủ đề của thư 1Phi-e-rơ là Sự khổ đau bất công. Khổ đau mà ông Phao-lô muốn nói đến không phải là khổ đau vì bệnh tật và tai nạn. Nhưng ông nói đến nỗi khổ đau bất công vì nó xảy đến trong khi chúng ta làm điều đúng. Các tín hữu kiên quyết làm điều ngay thẳng thường nhận thấy mình bị người chủ, người chồng hoặc người cầm quyền ngược đãi mình. Người Cơ Đốc nên làm gì khi gặp phải hình thức thử thách này? Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong thư 1Phi-e-rơ. Bức thư này gồm hai phần xấp xỉ bằng nhau. Do thư có năm chương, nên mỗi phần gồm hai chương rưỡi. Cả hai phần đều bàn đến cùng một chủ đề. Nhưng nửa phần đầu của thư trực tiếp nói đến người phụ nữ và đầy tớ (người làm công) , thì nửa phần sau nói về người nam và người làm chủ.
I. Người làm công và người phụ nữ chịu khổ cách bất công (1:1-3:6) Trong nửa phần đầu của thư, ông Phi-e-rơ đưa ra lời chỉ dạy về ba thái độ người làm công và làm vợ nên chịu khổ khi họ bị đối xử bất công. 1. Họ phải chịu khổ với niềm hy vọng về sự cứu rỗi cuối cùng trong vinh quang (1:3-12). Lý do chúng ta phải chịu khổ là vì nỗi khổ đau đó chứng tỏ đức tin chúng ta là chân thật và thuần khiết (1:7). 2. Họ phải sống thánh khiết và ngày càng tăng trưởng trong Chúa (1:13-2:3). Chúng ta phải ăn ở thánh thiện vì chúng ta được tạo nên để làm những hòn đá sống trong Hội Thánh Đức Chúa Trời, là nhà được xây trên Tảng Đá móng sống là Chúa Cứu Thế Giê-xu (2:4-10). 3. Họ phải vâng phục những người cầm quyền, dù họ là người làm chủ hoặc làm chồng (2:11-3:6). Đức Chúa Trời muốn bạn làm lành để làm câm miệng những kẻ bạc đãi bạn (2:12, 15, 3:1). Khi đưa ra lời chỉ dạy về ba cách đối phó với sự ngược đãi, ba lần ông Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta đừng phạm tội (1:14, 2:1, 11). Sở dĩ ông nhắc nhở như vậy vì trong những lúc chúng ta gặp thử thách và khổ đau thì chúng ta cũng bị cám dỗ phạm tội rất mạnh. Bạn sẽ bị cám dỗ làm điều sai trái nhằm thử “sửa sai” những cách cư xử của người khác đối với bạn. Bạn cũng sẽ bị cám dỗ: 1. Mất niềm hy vọng về tương lai. 2. Ngừng tăng trưởng tâm linh; và 3. Không tôn trọng những người bạc đãi bạn. Đây là lý do khiến ông Phi-e-rơ chỉ dạy chúng ta ba cách cụ thể để cứ tiếp tục làm lành. Động cơ thúc đẩy chúng ta làm lành xuất phát từ Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta, là Đấng đã chịu khổ mà chẳng hề phạm tội (2:21-22).
II. Người nam và người làm chủ chịu khổ cách bất công (3:7-5:14) Không những người làm công và người làm vợ lắm khi bị bạc đãi. Đôi khi người làm chồng, người lãnh đạo và người làm chủ cũng bị đối xử bất công. Nửa phần sau bức thư này bàn về trường hợp của họ. Trong nửa phần sau, ông Phi-e-rơ cũng chỉ dạy người nam về ba cách chịu khổ: 1. Họ phải chịu khổ mà không phạm tội (3:8-4:6). Với tư cách là đầy tớ Đức Chúa Trời, họ nên trung tín phục vụ người khác (4:7-11). 2. Họ đừng kinh ngạc và hổ thẹn khi phải chịu khổ (4:12-19). Nhiều Cơ Đốc nhân thường trông mong Đức Chúa Trời ban cho họ những điều tốt đẹp khi họ làm lành. Họ ngạc nhiên khi bị bạc đãi. Đôi khi họ cảm thấy hổ thẹn vì làm người Cơ Đốc. Ông Phi-e-rơ bảo họ đừng hổ thẹn vì làm môn đệ của Chúa. Nhưng họ chỉ nên hổ thẹn khi họ chịu khổ vì phạm tội ác (4:15). 3. Họ phải chịu khổ trong tinh thần khiêm nhường (5:1-11). Các trưởng lão nên chăm sóc, chớ đừng áp chế bầy chiên mà Đức Chúa Trời giao cho họ (5:2-3). Các bạn thanh niên hãy vâng phục các trưởng lão (5:5), người làm chồng nên săn sóc vợ, quan tâm đến những nhu cầu của vợ (3:7). Mọi người hãy phục vụ nhau với tinh thần khiêm nhường (5:5-6). Ba thái độ khi gánh chịu sự khổ đau tương ứng với ba sự cám dỗ mà người nam phải đương đầu trong những hoàn cảnh đó. 1. Bị cám dỗ trả thù. Vì thế, chúng ta đừng lấy ác trả ác (3:9). 2. Bị cám dỗ buồn chán. Do đó, chúng ta phải vui mừng (4:13). 3. Bị cám dỗ xúc phạm người cầm quyền chúng ta. Do đó, chúng ta hãy tích cực phục vụ những người dưới quyền chúng ta (5:2). Trên hết mọi sự, khi chúng ta phải chịu khổ cách bất công chúng ta phải có tinh thần sống cho Đức Chúa Trời tương tự như Chúa Cứu Thế Giê-xu (4:1-2).
Trọng tâm
Hãy chịu khổ như Chúa Cứu Thế đã chịu.
Thực hành
Bạn thử mường tượng tình huống sau đây: một ông chồng chưa tin Chúa về nhà trong tình trạng say rượu. Ông đòi hỏi người vợ đã tin Chúa, sau khi làm việc ở sở suốt cả ngày, phải nấu bữa ăn tối rồi sau đó lau dọn nhà cửa. Ông nói rằng bà không được đi nhà thờ tham gia buổi nhóm cầu nguyện khi chưa làm xong việc nhà. Cảnh tượng này lặp đi lặp lại suốt mười hai năm qua trong cuộc sống vợ chồng của họ. Ông cũng không cho phép bà đưa cậu con trai một của họ đến nhà thờ. Nếu người phụ nữ này đến với bạn xin một lời khuyên, thì bạn khuyên bà nên làm gì? Câu trả lời rất đơn giản, có thể gói trọn trong mấy chữ: Làm điều hay lẽ phải (3:6). Điều lành mà bà vợ cần làm là vâng phục chồng bà (3:1-2). Không mấy ai chuộng lời khuyên này vì cũng chẳng dễ thực hiện. Đúng ra, hết sức khó thực hiện theo lời khuyên này. Vấn đề không phải là bà này không biết phải làm gì. Vấn đề là làm sao thực hiện được việc đó suốt nhiều năm ròng rã. Nhưng niềm hy vọng của bà là ở chỗ đó – hy vọng không nằm trong hoàn cảnh hiện tại nhưng trong vinh quang chung cuộc (1:7, 8, 11). Hãy làm việc lành chứ không phải làm việc thực tiễn, việc phổ biến, việc được nhiều người ưa thích, việc hợp lý, việc thuận lợi, việc dễ làm, việc dễ chịu. Cứ lo làm điều lành , thế thôi. Đây là cách chịu khổ như Chúa Cứu Thế đã chịu.
1 Phi-e-rơ Từ chính: KIÊN NHẪN (CHỊU) BẮT BỚ
Chủ đề chính: Chịu khổ
Cụm từ chính: (chịu khổ theo) ‘ý muốn của Đức Chúa Trời’ (4 lần)
Câu chính: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài.” dc IPhi 2:21;)
Bài học chính: Phải trải nghiệm nỗi khổ đau như Chúa Cứu Thế đã chịu.
2 Phi-e-rơ
Tác giả: Ông Phi-e-rơ Thời kỳ hình thành sách: Năm 65-68 SC, sau khi các giáo sư giả bắt đầu xuyên tạc các thư tín của ông Phao-lô và các sách khác trong Kinh Thánh. Mục đích: Nhằm cảnh báo về các tiên tri giả, là những kẻ dẫn người khác đi đến chỗ huỷ diệt. Đối tượng: Thành phần tín hữu tiếp cận với các tà đạo về ngày tận thế. Loại tà đạo này dạy rằng đời sống Cơ Đốc nhân phải nhận được “sự nhận biết bổ sung và sự nhận biết về những điều bí ẩn”. Tản mạn Tháng 11 năm 1978, ông Jim Jones, lãnh đạo của một tà đạo có tên là Peoples’ Temple, ở San Francisco. Ông đã dẫn các thành viên của hội đến Jonestown, một thị trấn xa xôi, hẻo lánh ở Guyana. Tại đó, ông thuyết phục họ rằng họ không thể sống sót sau cơn thạnh nộ của thế giới bên kia rồi truyền cho họ uống thuốc độc (nước trái cây pha với hoá chất xyanua, một hợp chất hoá học rất độc) . Chín trăm mười ba (913) người đã chết trong vụ này, tin tưởng là họ cùng nhau lên thiên đàng. Tháng 9 năm 1985, khoảng 60 người thuộc bộ lạc Ata ở Phi-lip-pin theo lệnh của thầy thượng tế đã uống thuốc độc vì tin rằng nhờ hành động đó họ được “thấy mặt Đức Chúa Trời”. Tháng 4 năm 1993, ông David Koresh, lãnh đạo một nhóm người thuộc tà đạo Branch Davidians cố thủ trong một trang trại ở Texas. Sau 51 ngày bao vây và bắn tỉa, cảnh sát liên bang đã tiến chiếm nơi cố thủ của họ. Toà nhà bắt lửa và 86 người, kể cả một số trẻ con còn nhỏ tuổi, đều chết trong ngọn lửa. Xem ra, chính các thành viên trong nhóm tà đạo đó đã đốt ngôi nhà. Ông Koresh cũng chết trong cơn hoả hoạn. Tháng 3 năm 1995, ở Nhật, đạo sĩ Shoko Asahara – giáo chủ của phái Aum Shinrikyo, có nghĩa là “Chân Lý Tối Cao” (Supreme Truth) , một tà đạo về ngày tận thế, truyền cho các đồ đệ rải hơi độc “sarin” trên đường xe điện ngầm ở Tokyo làm 12 người chết và 5000 người khác bị nhiễm độc. Tháng ba năm 1997, ở California, 39 người thuộc nhóm tà đạo Higher Source (Nguồn Sống Cao Hơn) đã uống thuốc an thần (Phénobarbitol) hoà với rượu Vodka (Theo “Những điềm báo về ngày tận thế”) . Nhóm này tin rằng họ sẽ được đưa lên tầng cao hơn nhân loại (“Level Above Human”) , đến “Literal Heaven” (“Thiên đàng đúng nghĩa”) . Ông Barry Applewhite, người cầm đầu nhóm này vốn là con của một mục sư. Ông bảo các thành viên trong nhóm rằng họ sẽ được đi trong một phi thuyền không gian lạ đang bay phía sau sao chổi Hale-Bopp (lúc đó sao chổi này đang bay gần tới trái đất) . Một bài báo đã mô tả hiện tượng trên đây bằng công thức sau đây: Chủ trương về Ngày tận thế + Lãnh đạo thuộc phái Tìm cầu ân tứ thánh linh = Thảm hoạ. Còn rất nhiều lãnh đạo tương tự đã xuất đầu lộ diện, và chắc chắn nhiều lãnh đạo của các tà đạo khác sẽ xuất hiện. Rồi cũng sẽ có nhiều người, theo họ đi tới chỗ huỷ diệt hơn. Tuy nhiên, tín hữu nào đã đọc thư tín thứ hai của ông Phi-e-rơ, thì những thông tin đó chẳng có gì là lạ lùng cả. Gần 2000 năm trước, ông Phi-e-rơ đã cảnh cáo chúng ta rằng các “tiên tri” và “giáo sư” giả thuộc loại này sẽ dẫn chúng ta tới chỗ huỷ diệt. Do đó, thay vì dành thời gian nghiên cứu về từng tà đạo trong vô số các nhóm tà đạo này, chúng ta tập trung chú ý vào Lời Đức Chúa Trời. Thâm nhập Nhiều người không chấp nhận việc gọi các hội giáo khác là tà đạo. Nhưng sự thật vẫn còn đó cho dù bạn gọi các hội giáo ấy là gì đi nữa, thì họ cũng truyền bá các giáo lý độc hại và dẫn nhiều người tới chỗ huỷ diệt. Thư 2Phi-e-rơ mô tả ba giáo lý độc hại, tức ba tà thuyết, là những “nét đặc trưng” của một tà đạo. I. Nhận biết đúng đắn về Chúa Cứu Thế là đủ (1) Giáo huấn độc hại thứ nhất của tà đạo là phủ nhận Kinh Thánh là đủ cho đời sống tin kính. Vào thời điểm ông Phi-e-rơ viết thư này, có một nhóm người đi khắp nơi dạy dỗ Cơ Đốc nhân rằng để được tăng trưởng tâm linh, họ phải có thêm tri thức “đặc biệt” ngoài lời dạy của các sứ đồ. Về sau, nhóm người này được gọi là nhóm Trí Huệ (Gnostics) vì trong Hi-văn từ gnosis có nghĩa là “tri thức”. Họ dạy rằng chỉ có một nhóm người được đặc ân nhận tri thức “đặc biệt” đó từ Đức Chúa Trời thông qua sự mặc khải và lời tiên tri. Phản ứng trước lời dạy dỗ độc hại này, ông Phi-e-rơ bảo đảm với chúng ta là sự hiểu biết về Chúa Cứu Thế Giê-xu thực sự đã đủ để chúng ta sống một cuộc đời tin kính (2Pr 1:3). Chân lý “cũ” về Chúa Cứu Thế được khải thị trong Kinh Thánh cần phải được dạy đi dạy lại (1:12). Chúng ta không cần đến “chân lý mới” mà chẳng phải là chân lý chút nào. Mặt khác, các nhóm tà đạo phát triển là nhờ lôi kéo các tín hữu rời bỏ Hội Thánh bằng cách hứa hẹn với họ một tri thức “mới” và “đặc biệt” chỉ dành riêng cho giới ưu tú. Họ tuyên bố rằng những người không có tri thức đó là vì không được ban cho hoặc thậm chí không được cứu khỏi tội lỗi. Đó là lý do giải thích vì sao họ thường có những quyển sách hoặc các tác phẩm đặc biệt mà họ coi là có thẩm quyền ngang hàng với Kinh Thánh. Trong thực tế, họ thường nghiên cứu các tác phẩm loại này đến mức họ khinh suất hoặc xuyên tạc Kinh Thánh (3:16). Ông Phi-e-rơ gợi ý là các tác phẩm của họ thật ra là “những câu chuyện khéo bịa đặt” chứ không được chứng minh bởi những sự kiện lịch sử đáng tin cậy hoặc bởi những bản tường thuật của người chứng kiến. Nếu bạn nghiên cứu một vài nhóm tà đạo hiện đại, bạn sẽ nhận thấy điều ông Phi-e-rơ nói là hoàn toàn đúng. Các tà thuyết của họ căn cứ vào những câu chuyện về từng trải cá nhân không được xác minh. Mặt khác, sự sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã được lịch sử chứng minh là chính xác vì đây là những sự kiện mà mọi người đều biết và đã diễn ra công khai. Chính các sứ đồ đã chứng kiến những sự kiện này (1:16) và họ giảng dạy theo sự cảm ứng của Thánh Linh chớ không theo tri thức của con người (1:21). Nhờ được tăng trưởng trong sự hiểu biết Chúa Giê-xu qua lời dạy của các sứ đồ, chúng ta sẽ không bị sa vào cạm bẫy mà quên rằng chúng ta đã được cứu khỏi tội lỗi ngày trước của mình (2Pr 1:9). Giới tín hữu lo tìm kiếm tri thức “mới” và “đặc biệt” là những tấm bia quan trọng nhất mà các nhóm tà đạo nhắm vào. Họ đã chán nghe “những chuyện thường thấy” trong Kinh Thánh. Họ muốn làm thành viên của một nhóm Cơ Đốc nhân “thật đặc biệt”. Nếu bạn đang ở trong tình trạng tương tự – hãy thận trọng! Rồi sẽ có nhiều người tự xưng mình là tiên tri và sẵn sàng nói những “lời tiên tri” mới mẻ, lý thú nhằm lôi kéo bạn vào tà đạo của họ. II. Sự nhận biết giả mạo về Chúa Cứu Thế sẽ dấy lên (2) Giáo lý độc hại thứ hai của một tà đạo là chối bỏ quyền làm Chúa và sự cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu (2:1). Họ nói rằng họ tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhưng khi bạn chất vấn thêm, bạn sẽ phát hiện rằng “Chúa Cứu Thế Giê-xu” mà họ tin chẳng phải là Chúa Cứu Thế Giê-xu trong Kinh Thánh. “Chúa Giê-xu” của họ thường là con người hoá thần hoặc Ngài chỉ là người làm “bình chứa” thần linh của Đức Chúa Trời, hoặc Ngài ra đời nhờ có cuộc giao hợp giữa Đức Chúa Trời và bà Ma-ri. Thậm chí có một số tà đạo tuyên bố rằng Ngài là một con người kỳ lạ từ một hành tinh khác tới! Chúa Cứu Thế Giê-xu thật, trái lại, hoàn toàn là thần nhân. Ngài không phải là loài thọ tạo, nhưng Ngài là Đấng Sáng Tạo toàn cõi vũ trụ. Ngoài việc phủ nhận quyền làm Chúa của Chúa Cứu Thế Giê-xu, các tà đạo còn chối bỏ sự cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu (2:1). Từ ngữ cứu chuộc xuất xứ từ phong tục mua hoặc chuộc nô lệ ở khu buôn bán nô lệ của người La Mã thời xưa. Chúa Cứu Thế Giê-xu, bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá vì cớ chúng ta, đã mua hoặc cứu chuộc chúng ta khỏi cuộc đời làm nô lệ cho tội lỗi. Các tà giáo thường dạy rằng nếu bạn chỉ tin Chúa Cứu Thế Giê-xu mà thôi thì bạn chưa hội đủ điều kiện để được giải thoát khỏi tội lỗi. Họ bảo bạn phải trải qua những nghi lễ đặc biệt như lễ báp-tem bằng nước, hoặc lễ hôn phối đặc biệt, hoặc bạn phải làm việc lành, hoặc phải đầu thai để được cứu chuộc. Nếu tình cờ bạn gặp một nhóm đạo nào dạy rằng chỉ tin vào sự chết của Chúa Cứu Thế mà thôi thì chưa hội đủ điều kiện để được cứu, thì nhóm đạo đó là tà đạo. Bạn cũng có thể nhận ra tà giáo bằng cách xem xét đời sống của người sáng lập họ giáo chủ của họ. Thông thường, bạn sẽ nhận thấy rằng họ: • Kiêu căng, khinh dễ quyền phép (2:10). • Gian dâm (2:14). • Tham lam (2:14). Nếu bạn nghiên cứu về các tà phái hiện đại, bạn sẽ khám phá ra rằng có nhiều giáo chủ của các tà phái dạy tín đồ của mình chống lại chính phủ hoặc tổ quốc. Còn một số giáo chủ khác lại sống gian dâm bằng cách cưới nhiều vợ hoặc có nhiều tình nhân. Còn một số giáo chủ khác thì sống cực kỳ xa hoa và sự xa hoa đó chính là dấu hiệu của lòng tham lam nơi họ. Ông Phi-e-rơ đã tiên tri các đặc điểm của tà đạo chính xác 100%. Một đặc điểm chung khác của các giáo chủ tà đạo là nhiều người trong số họ từ lúc đầu đã rời khỏi Hội Thánh thuần tuý (Hội Thánh tin vào thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh trên nền tảng căn bản cho niềm tin Cơ Đốc) . Ông Phi-e-rơ mô tả họ là những người “đã bỏ đường ngay” (2:15), sau khi “đã biết đường công bình” thì họ lại “từ bỏ những điều răn thánh” (2:21). Dù sinh trưởng trong môi trường nào chăng nữa, tương lai của các giáo chủ tà đạo đó đều như nhau – rơi vào thảm hoạ, và huỷ hoại. Bất cứ ai theo họ cuối cùng sẽ chịu chung số phận với họ (2:1, 3, 12). Một số giáo chủ tà đạo đã dẫn dụ tín đồ của mình uống thuốc độc để thoát khỏi thế giới trần tục này. Còn các giáo chủ khác, cũng nguy hiểm không kém, lại dạy đồ đệ mình những giáo lý độc hại. Nhưng con đường để Cơ Đốc nhân thật “thoát khỏi sự ô uế của thế gian” (2:20) đó là “nhờ sự nhận biết Chúa Giê-xu là Chúa và Cứu Chúa của mình”. Chính Đức Chúa Trời hứa rằng trước đây Ngài đã bảo vệ, giải cứu ông Nô-ê (2:5) và ông Lót (2:7-9) thể nào, thì Ngài cũng sẽ bảo vệ và giải cứu người công chính của Ngài thể ấy. Có lẽ một số tà đạo cũng có một mục đích cao quý là cố gắng thoát khỏi nếp sống tội lỗi của trần gian này. Nhưng do họ loại bỏ Đức Chúa Trời mà tự cố công gắng sức làm điều đó, nên cuối cùng họ rước lấy kết cuộc tự tiêu diệt mình (và đôi khi cũng tiêu diệt người khác nữa) . III. Sự nhận biết chân thật về Chúa Cứu Thế trông đợi Ngài tái lâm (3) Giáo lý độc hại thứ ba của tà đạo là phủ nhận sự tái lâm của Chúa Cứu Thế (3:4). Đây là chuyện lạ, vì phần nhiều các tà giáo đều bị cuốn hút cách kỳ lạ vào vấn đề thế giới bị huỷ diệt trong tương lai. Báo chí gọi đó là nỗi ám ảnh về ngày tận thế (Doomsday thinking) . Nhưng trong khi người Cơ Đốc trông chờ Chúa Cứu Thế Giê-xu tái lâm với niềm hy vọng, các tà giáo lại tìm kiếm những con đường khác để thoát khỏi “ngày tận thế”. Nhiều người trong số họ thẳng thừng phủ nhận sự kiện Chúa Cứu Thế tái lâm, viện cớ rằng sau 2000 năm rồi mà Chúa Cứu Thế vẫn không trở lại. Kinh Thánh giải thích rằng sở dĩ Chúa Cứu Thế chậm trở lại vì lòng nhân từ và nhịn nhục của Đức Chúa Trời, Ngài dành thêm thì giờ cho tội nhân có dịp ăn năn (3:9, 15). Trong tinh thần cảnh giác, chờ đợi ngày Chúa Cứu Thế trở lại, chúng ta phải sống một cuộc đời thánh khiết và tin kính (3:11, 14). Tóm lại, chúng ta có thể nhận biết tà giáo qua ba giáo huấn độc hại của họ sau đây: 1. Phủ nhận sự nhận biết Kinh Thánh có giá trị đầy đủ; 2. Phủ nhận quyền làm Chúa và sự cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu (2:1); 3. Phủ nhận sự tái lâm của Chúa Cứu Thế Giê-xu